Đôi điều về việc chú thích "Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca" ấn bản 2012.

Post date: Aug 24, 2012 8:21:57 AM

ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC CHÚ THÍCH

“NAM KỲ PHONG TỤC NHƠN VẬT DIỄN CA” ẤN BẢN 2012.

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 410, tháng 8-2012.

“Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của tác giả Nguyễn Liên Phong là một trong những tài liệu có giá trị về địa lý, lịch sử và văn hóa Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Sách in lần đầu năm 1909, gần đây được Nhà xuất bản Văn Học in lại dưới sự chú dịch và giới thiệu của dịch giả, nhà sử học Nguyễn Q. Thắng. Tuy nhiên, khi giở từng trang sách ra, người đọc không khỏi có cảm giác thất vọng vì những chú giải sai lầm đến không thể tin được của nhà sử học Nguyễn Q. Thắng. Ở đây, chỉ xin đơn cử một vài trường hợp:

Về mặt sử học: rất nhiều nhân vật lịch sử quen thuộc lại bị tác giả chú thích sai về tên họ, hành trạng, lầm lẫn từ người này sang người nọ. -Trang 39: về cụ Tú Thường, tác giả cho biết cụ là người đầu tiên dịch bài văn bia Vĩnh Tế sơn ra chữ Quốc ngữ là không đúng. Cụ Tú Thường chỉ chép lại văn bia Vĩnh Tế sơn bằng chữ Hán và diễn Nôm bài văn bia đó mà thôi. Cho đến nay chúng ta chỉ mới được tiếp cận duy nhất một bản dịch Quốc ngữ của bài văn bia đó do cụ Nguyễn Văn Hầu dịch.

-Trang 132: chức vụ của Trịnh Hoài Đức là “Hiệp tổng trấn” được Nguyễn Q. Thắng dịch thành “Phó tổng trấn” là không chính xác. Ở Gia Định thành bấy giờ có ba chức vụ là Tổng trấn, Hiệp tổng trấn và Phó tổng trấn, Trịnh Hoài Đức là Hiệp tổng trấn.

-Trang 145: nhân vật “Gạc Nhê” (Francis Garnier) được chú thích là “một tay lái súng từng ngược sông Hồng qua Vân Nam (TrQ) tiếp tay cho các tướng thực dân đánh thành Hà Nội, sau bị quân ta giết ở Cầu Giấy cùng với đại tá Henrivìère”. Chỉ cần mở sách giáo khoa lịch sử bậc trung học là biết tay lái súng mà Nguyễn Q. Thắng nói đến phải là Jean Marie Dupuis! Garnier là người được phái ra Bắc Kỳ xử lý vụ Dupuis rồi nhân đó tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Garnier quả là bị giết ở Cầu Giấy nhưng không phải là cùng lúc với Henrivìère (viết sai tên của Henri Rivierre).

-Trang 182: nhân vật Hoa Đà được chú thích là “một danh y khét tiếng của Trung Quốc vào thời Tam quốc, từng giải phẩu cho Tào Tháo, nhưng bị Tào thảm sát”. Không rõ vì lý do gì mà tác giả dùng hai chữ “khét tiếng” để nói về Hoa Đà? Hoa Đà không “từng giải phẩu cho Tào Tháo”. Hoa Đà chỉ nói muốn chữa bệnh nhức đầu của Tào Tháo thì phải bổ óc ra, chứ chưa từng thực hiện việc đó bao giờ. Người mà Hoa Đà từng giải phẫu là Quan Vân Trường mới đúng.

-Trang 211: chú thích về Gia Định tam hùng (Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh), Nguyễn Q. Thắng cho biết ba người “hùng cứ đất Ba Giồng gọi là đạo binh Đông Sơn”. Kỳ thực chỉ có Đỗ Thanh Nhơn hùng cứ Ba Giồng và gọi quân dưới quyền là quân Đông Sơn. Châu Văn Tiếp khởi binh ở Phú Yên, giương cờ “Lương Sơn tá quốc”, còn Võ Tánh hùng cứ Gò Công, quân dưới quyền xưng là quân Kiến Hòa. Ở trang 251, khi chú thích hai chữ Đông Sơn, Nguyễn Q. Thắng cũng có nhầm lẫn tương tự.

-Trang 350: tác giả chú thích câu “Bà là tên Tế lâu dài với sông” như sau: “Tế: tên chánh thất Thoại Ngọc Hầu là Hà thi Vĩnh Tế”, phải là Châu Thị Tế mới đúng! Cũng trong trang đó, tác giả chú thích về Bà Thợ ở Châu Đốc như sau: “Bà Thợ: có truyền thuyết Bà Thợ sau khi mất được nhân dân Châu Đốc gọi là Bà Chúa Xứ. Mộ bà an táng tại triền núi Sam – phía dưới lăng Thoại Ngọc và phu nhân. Tại Châu Đốc hằng năm có lễ vía bà được tổ chức quy mô vì vong linh bà phò trợ cho người làm ăn chân chính(?)”. Thực ra Bà Thợ tên thật là Lê Thị Thơ (1818-1899), là một người tu hành có đức độ, được thờ ở chùa Phước Điền (tức chùa Hang), cách khá xa miếu Bà Chúa Xứ và không phải là Bà Chúa Xứ.

-Trang 351: nói Phật thầy Tây An tức tu sĩ Đào Minh Huyên, phải là Đoàn Minh Huyên mới đúng.

Về mặt địa lý: tác giả đã chú thích nhầm lẫn, sai lạc rất nhiều địa danh, đặc biệt là các địa danh ở hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên xưa.

-Trang 35: chú thích cho câu thơ “Hòn núi Thoại Sơn, kinh Lạc Dục”, Nguyễn Q. Thắng chú thích: “Thoại Sơn: tức núi Sam, một ngọn núi cao án ngự thành Châu Đốc”. Thực ra, Thoại Sơn là núi Sập. Núi Sập nay thuộc huyện Thoại Sơn, núi Sam nay thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hai ngọn núi này ở rất xa nhau nhưng người chú giải lại nhầm lẫn Thoại Sơn là núi Sam ở rất nhiều chỗ (trang 39, 347). Kinh Lạc Dục thì tác giả cho là “tức kinh Thoại Hà nối Long Xuyên tới đất Giang Thành (Hà Tiên)”. Chú thích như vậy là nhầm vì kinh Thoại Hà đổ từ Long Xuyên ra Rạch Giá (Kiên Giang). Con kinh đổ nước ra Giang Thành, Hà Tiên là kinh Vĩnh Tế!

-Trang 323 có câu thơ “Long Xuyên thuộc phủ tuy biên”. Ba chữ “phủ tuy biên” viết thường và được thích nghĩa “Tuy biên: nơi biên giới”. Thực ra phải viết là “phủ Tuy Biên” vì đây là địa danh.

-Trang 324 chú thích: “Cù lao Giêng: nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, nay thuộc huyện Phú Châu tỉnh An Giang”. Sang trang 325 lại chú thích “Lao Giêng: tức cù lao Giêng nằm trên sông Hậu, chỗ giáp ranh hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ”. Cù lao Giêng nằm trên sông Tiền, chứ không phải nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Ngày nay cù lao này thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chứ không phải huyện Phú Châu. Ở An Giang hiện nay không có huyện nào là huyện Phú Châu cả.

-Trang 325: chú “Thủ Chiến Sai: địa danh ở tỉnh Long Xuyên, nằm ngoài thành Tây Xuyên gần Mặc Cần Dưng (Kòh pràch stừn) là một đồn lính trấn giữ trấn Long Xuyên thời chúa Nguyễn”. Thời chúa Nguyễn không có trấn Long Xuyên. Thủ Chiến Sai cũng không ở gần Mặc Cần Dưng mà ở Chợ Thủ (Chợ Mới).

-Trang 348: chú thích chữ “Châu Phú”, Nguyễn Q. Thắng cho rằng Châu Phú mà Nguyễn Liên Phong nhắc tới “nay là huyện Châu Phú tỉnh An Giang”. Thực ra Châu Phú ở đây chính là làng Châu Phú xưa, nay là địa bàn các phường Châu Phú A, Châu Phú B của thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

-Trang 357: chú thích chữ Mạch Gia, quê hương của Ma Cáp Mặt (Mahomet: người sáng lập đạo Hồi), tác giả cho rằng đó là “một xứ ở Châu Phi”. Chỉ cần biết sơ về đạo Hồi và tiểu sử Mahomet cũng có thể nhận ra Mạch Gia là Mecca, quên hương của Mahomet nay thuộc Ả Rập Xê Út (Tây Á), không phải ở Châu Phi.

-Trang 362: chú thích “Tân Châu: là một cù lao lớn nằm bên mặt thị xã Châu Đốc. Nay là huyện Tân Châu, tỉnh An Giang”. Khúc sông Hậu chạy qua Châu Đốc không có cù lao nào mang tên Tân Châu. Huyện Tân Châu tỉnh An Giang cũng không phải một huyện cù lao!

-Trang 363: chú “Tân Thành: một trong 22 tỉnh của Nam Kỳ xưa”. Ở Nam Kỳ chưa bao giờ có tỉnh Tân Thành.

-Trang 369: trong phần tỉnh Sa Đéc, tác giả chú địa danh Hồi Luân “còn gọi là Hồi Oa, nơi đây nước chảy xoáy tròn, hay còn gọi là Vàm Nao (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) – trước thuộc tỉnh Châu Đốc cũ”. Hồi Luân ở đây không phải Vàm Nao mà là Nước Xoáy, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài những sai lầm tiêu biểu kể trên, tác giả Nguyễn Q. Thắng còn có vô số chú giải một cách lập lờ như ở trang 280: chú thích về Chợ Lách như sau: “Nay là huyện Chợ Lách tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre”. Vậy rốt cuộc Chợ Lách nay thuộc Vĩnh Long hay Bến Tre? Trong các chú thích liên quan đến tỉnh An Giang, nhiều lần tác giả nhắc đến các tên huyện Phú Châu, huyện Thất Sơn trong khi ở An Giang hiện nay không hề có tên các huyện đó. Nhiều địa danh, nhân vật được tác giả chú thích đi, chú thích lại như Bùi Hữu Nghĩa, Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường… với nội dung thiếu nhất quán hoặc lặp đi lặp lại. Như với Tôn Thọ Tường, ở trang 23 chú thích là “thi sĩ, viên chức chính quyền Thuộc địa Pháp” thì đến trang 150 lại chú là “thi sĩ, tay chân Pháp xâm lược”. Sở Ba Son được chú thích tới hai lần với nội dung không khác nhau bao nhiêu, đáng lý chỉ cần gộp lại chú thích đầy đủ ở lần đầu tiên xuất hiện từ Ba Son là được. Nhiều mục từ mới gặp lần đầu, tác giả Nguyễn Q. Thắng lại không chú thích ngay mà lại ghi là xem chú thích ở sau (!).

Thiết nghĩ, tác giả Nguyễn Q. Thắng và nhà xuất bản Văn Học nên có động thái chỉnh sửa các sai sót, hợp lý hóa các chú thích. Mong rằng “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” sẽ thực sự là “cuốn sách chỉ nam, một cuốn dẫn nhập đáng tin cậy nhất và phổ cập nhất trong tiến trình tìm hiểu văn hóa địa phương” như chính tác giả Nguyễn Q. Thắng đã viết trong phần giới thiệu.