Đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer An Giang.

Post date: May 29, 2017 2:36:17 AM

[trang 13]ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI KHMER Ở AN GIANG.

Th.S Trương Chí Hùng.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 133, tháng 04-2016.

Ở tỉnh An Giang, ngoài người Kinh còn có các dân tộc khác cộng cư, đa số là Chăm, Hoa, Khmer. Trong đó, dân tộc Khmer có dân số đứng thứ hai sau dân tộc Kinh. Người Khmer sống tập trung chủ yếu tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Cộng đồng Khmer ở An Giang là một cộng đồng đa ngữ. Bởi lẽ, ngoài tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Khmer, cộng đồng này còn phải sử dụng tiếng Việt để giao tiếp, thực hiện các chức năng xã hội, trao đổi thông tin, làm ăn buôn bán với người Kinh và các dân tộc khác. Để tìm hiểu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer ở An Giang, chúng tôi tiến hành điều tra 594 đối tượng bằng phiếu khảo sát và phỏng vấn sâu. Kết quả điều tra cho thấy, đa số người Khmer ở An Giang có thể sử dụng được đồng thời cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer) và tiếng Việt. Chính vì vậy, ở từng hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, đối với từng đối tượng giao tiếp khác nhau, họ có sự lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Điều này được khái quát qua bảng tổng hợp dưới đây:

Bảng 1: Tỉ lệ ngôn ngữ hay sử dụng của người Khmer ở An Giang trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng.

Qua Bảng 1,chúng ta có thể thấy đối với từng đối tượng khảo sát thì người Khmer lựa chọn sử dụng ngôn ngữ cũng rất khác nhau. Cụ thể hơn, khi giao tiếp với người thân trong gia đình (bao gồm ông bà, cha mẹ và [trang 14] anh chị em) thì hầu hết người Khmer đều sử dụng tiếng mẹ đẻ (chiếm tỷ lệ trên 98%). Khi nói với bạn bè hoặc những người khác trong khóm, ấp (là người dân tộc mình) thì tỷ lệ sử dụng ngôn ngữ Khmer trung bình cũng gần 95%. Còn những trường hợp giao tiếp với người Kinh và người dân tộc khác, thì đa số người Khmer lựa chọn tiếng Việt, nhưng khi giao tiếp vẫn hay chêm xen tiếng mẹ đẻ vào câu nói. Đó cũng là hệ quả của hiện tượng giao thoa, trộn mã trong ngôn ngữ của cộng đồng Khmer đa ngữ ở An Giang.

Nhìn chung khi giao tiếp với người thân trong gia đình thì tỷ lệ sử dụng tiếng mẹ đẻ ở người Khmer là rất cao. Có thể nói, tiếng mẹ đẻ được coi là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất đối với người Khmer trong môi trường giao tiếp gia đình. Chỉ khi giao tiếp với khách là người Kinh và người dân tộc khác (không phải dân tộc mình), người Khmer mới không, và ít sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Trong các cuộc họp, người Khmer thường chọn tiếng mẹ đẻ để phát biểu chính thức (trên 40%). Ngoài ra, họ cũng có xu hướng kết hợp giữa tiếng Việt và tiếng Khmer khi phát biểu (trên 40%) mà ít sử dụng tiếng Việt (16,2%). Khi trao đổi riêng với người cùng dân tộc tại các cuộc họp, người Khmer hầu như chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ (88,2%), ít khi sử dụng tiếng Việt hoặc kết hợp giữa tiếng Việt và tiếng Khmer. Ngược lại, khi trao đổi riêng với người Kinh, tiếng Việt là ngôn ngữ được ưu tiên lựa chọn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong các môi trường giao tiếp khác nhau như tại cơ quan nhà nước, ở chợ, ở bến tàu/xe, tại các khu thắng cảnh, lễ hội, du lịch ... khi giao tiếp với người cùng dân tộc, đa số người Khmer có xu hướng sử dụng tiếng mẹ đẻ (từ 90% trở lên). Trong khi đó, giao tiếp với người Kinh, người Khmer phần lớn sử dụng tiếng Việt. Số trường hợp sử dụng chêm xen cả tiếng Việt và tiếng Khmer cũng xuất hiện nhưng tỷ lệ không đáng kể (chưa đến 8%). Từ đó có thể nhận thấy là do khả năng song ngữ tương đối tốt của phần lớn người Khmer ở An Giang nên họ có thể tùy vào những hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng giao tiếp khác nhau mà lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả giao tiếp tốt nhất.

Số liệu thống kê còn cho thấy việc lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của đồng bào Khmer ở An Giang không bị chi phối nhiều bởi môi trường, hoàn cảnh giao tiếp mà liên quan trực tiếp đến đối tượng giao tiếp. Nghĩa là không có trường hợp tiếng Việt hoặc tiếng Khmer chiếm thế độc tôn trong một môi trường giao tiếp nào đó nhất định, mà chúng chỉ thể hiện vai trò chủ đạo khi giao tiếp với từng đối tượng cụ thể. Điển hình ở môi trường giao tiếp gia đình, tiếng Khmer chỉ được sử dụng ở tần suất cao khi người Khmer giao tiếp với người thân (cũng là người Khmer). Nhưng khi có người quen hoặc khách lạ người Kinh đến nhà, người Khmer vẫn ưu tiên dùng tiếng Việt để giao tiếp (chiếm trên 79,0%). Tương tự, ở những nơi công cộng như bến tàu xe, chợ búa, tiếng Việt chỉ được người Khmer sử dụng với tần suất cao khi người Khmer giao tiếp với người Kinh. Còn nếu họ trao đổi với người Khmer, tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer) vẫn được họ ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Để tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của người Khmer, chúng tôi tiến hành khảo sát các cảnh huống ngôn ngữ khác nhau và thống kê thành bảng số liệu sau:

Bảng 2: Tỉ lệ sử dụng ngôn ngữ của người Khmer khi viết thư/mail, ghi chép riêng.

Bảng 2 cho thấy, người Khmer có xu hướng lựa chọn và sử dụng tiếng Việt vượt trội hơn so với tiếng Khmer khi họ viết thư/mailcho người cùng dân tộc hoặc người Kinh, cũng như khi họ ghi chép riêng (khi viết thư/mail cho người cùng dân tộc, người Khmer dùng tiếng Việt tới 60,9%, trong khi tiếng Khmer chỉ được dùng 33,4%). Khi viết thư/mail cho người Kinh, tỉ lệ sử dụng tiếng Việt tăng cao tới 87,3%. Đặc biệt, khi ghi chép riêng, người Khmer vẫn dùng tiếng Việt làm công cụ với tỉ lệ khá cao 66,9%, trong khi đó tiếng Khmer chỉ được dùng 28,7%. Các số liệu trong bảng 2 còn cho thấy tiếng Việt chiếm ưu thế và được người Khmer ưu tiên lựa chọn trong các hoàn cảnh giao tiếp, trong các cảnh huống ngôn ngữ liên quan đến ghi chép (sử dụng chữ viết). Điều này có thể được lý giải bởi chữ Khmer phức tạp hơn nhiều so với chữ Quốc ngữ của tiếng Việt. Chính vì vậy mà người Khmer có xu hướng lựa chọn tiếng Việt khi viết thư/mail, khi ghi chép riêng tư. Một [trang 15] nguyên nhân nữa là do số người Khmer biết tiếng Việt chiếm tỉ lệ cao hơn số người biết viết tiếng Khmer. Ngay cả những trường hợp song ngữ hoàn hảo, nghĩa là thuần thục cả tiếng Khmer và tiếng Việt thì khi ghi chép riêng, họ vẫn có xu hướng sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Cụ thể là trong số 114 người song ngữ hoàn hảo cho biết có ghi chép riêng thì có đến 76 người (66.7%) dùng tiếng Việt, chỉ có 26 người dùng tiếng Khmer (22,8%), số còn lại kết hợp cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, đa số người Khmer lựa chọn sách, báo bằng tiếng Việt để đọc (136 trường hợp), chỉ có 26 trường hợp lựa chọn đọc sách, báo bằng tiếng Khmer. Trong khi đó, kết quả khảo sát tỉ lệ sử dụng ngôn ngữ của người Khmer khi nói chuyện điện thoại, khi cầu cúng tế lễ, ca hát một mình, ru con/em/cháu, khi suy nghĩ lại hoàn toàn ngược lại. Điều này thể hiện cụ thể qua bảng sau:

Bảng 3: Tỉ lệ sử dụng ngôn ngữ của người Khmer qua một số cảnh huống cụ thể.

Bảng 3 cho thấy, trong hoạt động giao tiếp thường ngày, người Khmer tùy thuộc vào đối tượng giao tiếp mà lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Tuy nhiên, trong đời sống riêng tư hoặc trong các cảnh huống ngôn ngữ liên quan đến văn hóa, người Khmer ưu tiên sử dụng tiếng mẹ đẻ làm công cụ (chiếm tỉ lệ khoảng 90% trở lên). Nói cách khác, tiếng Việt chỉ chiếm ưu thế trong các trường hợp người Khmer giao tiếp với người Kinh. Còn đối với đối tượng giao tiếp là người cùng dân tộc hoặc khi sinh hoạt riêng tư, trong các cảnh huống ngôn ngữ liên quan đến văn hóa dân tộc mình, người Khmer luôn ưu tiên lựa chọn tiếng mẹ đẻ.

Qua tìm hiểu về đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer ở An Giang, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề nổi bật sau đây:

Thứ nhất, đa số người Khmer đều trang bị được các kỹ năng cơ bản tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Việt, do đó họ chủ động trong việc lựa chọn ngôn ngữ trong từng hoàn cảnh giao tiếp, với từng đối tượng giao tiếp cụ thể.

Thứ hai, việc lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của cộng đồng Khmer ở An Giang không bị chi phối nhiều từ môi trường, hoàn cảnh giao tiếp mà chịu ảnh hưởng bởi đối tượng giao tiếp. Nghĩa là đối với từng đối tượng giao tiếp cụ thể, hoặc tiếng Việt hoặc tiếng Khmer sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Thứ ba, đối với những người Khmer có được kỹ năng viết chữ Khmer lẫn chữ Việt thì họ có xu hướng lựa chọn viết bằng chữ Việt. Điều này do đặc điểm chữ viết Khmer phức tạp hơn nhiều so với chữ viết tiếng Việt, do đó khi viết thư/mail cho người Việt hoặc người Khmer, khi ghi chép riêng, người Khmer cho biết họ dùng tiếng Việt nhiều hơn. Tương tự, người Khmer cũng có xu hướng lựa chọn đọc sách, báo bằng tiếng Việt với tỉ lệ cao hơn đọc sách, báo tiếng Khmer. Có thể nhận định, đối với các cảnh huống ngôn ngữ có liên quan đến văn tự (đọc, viết), người Khmer có xu hướng lựa chọn tiếng Việt nhiều hơn.

Thứ tư, tiến Khmer được người Khmer dùng với tầng suất cao trong các trường hợp giao tiếp với người thân tộc, người cùng dân tộc, trong các hoạt động liên quan đến tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, khi suy nghĩ, trong các cảnh huống ngôn ngữ mang tính cá nhân, riêng tư. Điều này cho thấy tiếng mẹ đẻ ắn sâu trong tâm thức của người Khmer.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản, NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Khang (2003), “Vị thế của tiếng Việt đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Từ chủ trương, chính sách đến thực tế”, Tạp chí Ngôn ngữ, (11), tr.21-23.

3. Hoàng Quốc (2008), “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản về hiện tượng song ngữ”, Thông tin khoa học Đại học An Giang, (32), tr.41-45.

4. Hoàng Quốc (2010), “Thái độ ngôn ngữ của học sinh Khmer An Giang đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong nhà trường”, Thông tin khoa học Đại học An Giang, (42), tr.29-31.