Các pho tượng nữ thần ở bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Post date: Dec 14, 2010 1:54:57 PM

CÁC PHO TƯỢNG NỮ THẦN Ở BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP HCM

 

Các tượng nữ thần ở Bảo tàng Mỹ thuật gồm ba tượng, hai tượng ký hiệu BTMT 125 và BTMT 1731 nhận được từ Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh năm 1990 và 1992. Riêng pho tượng ký hiệu BTMT 195 được chuyển đến từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998.

Những tượng này thuộc loại tượng hai tay, sa thạch mịn, gãy vỡ đầu, tay và một phần thân váy.

Tượng nữ thần ký hiệu BTMT 195 tìm được ở làng Trát Quan, huyện Quy Đức, tỉnh Châu Đốc (tỉnh An Giang ngày nay), cao còn lại 0,42m. Tượng đứng hơi nghiêng về phía trước, lưng cong, hai vai xuôi, ngực tròn, lớn, dạng bán cầu, tạc nổi cao. Eo thon, bụng nhỏ, tạc nổi, hông lớn. Sarong trơn, dài phủ gót, ôm thân tạo dáng cơ thể (chân, mông). Gấu váy xòe rộng, lượn cong theo nếp váy. Nếp gấp của hai vạt váy ở giữa thân xếp vào nhau, rũ xuống, rộng dần về phía gấu váy. Hai đầu múi vải xếp vào lưng váy, phủ một phần thắt lưng đến giữa thân váy. Một thắt lưng mỏng, trơn, to bản quấn ngang lưng váy, hai đầu múi thắt lưng ngắn đặt gần múi vạt váy và một thắt lưng khác tương tự, quấn ngang lưng.

Đây là pho tượng có kích thước nhỏ, nhưng cách tạo dáng cơ thể cho thấy vẻ đẹp sung mãn, tràn đầy sức sống. Hai cánh tay bị gãy đến khuỷu tay có dạng hơi co xuôi ra phía trước, giống dáng vẻ của nữ thần Laksmi. Dù không thấy có cung chống, vật nổi, nhưng dáng đứng khuỵu chân phải và đường nét sắc cạnh của vạt gấu váy như là cách giữ cho tượng thăng bằng. Các đường nét cơ thể và trang phục của nó đã được Louis Malleret mô tả rất kỹ, ông cho rằng pho tượng này có nhiều điểm giống một số tượng ở Sambôr và Prei Kmer, từ đó định niên đại của nó là giữa thế kỷ VII – đầu thế kỷ VIII (Malleret 1959).

So với một mảnh vỡ tượng khác ở Bảo tàng Tiền Giang, ký hiệu BTMT 1484, cao còn lại 0,08m, gãy vỡ gần hết nhưng phần thân trên còn lại rất giống nhau ở kích thước cơ thể như vai, lưng, vùng ngực, eo và cả một phần thắt lưng váy. Niên đại của nó được Đào Linh Côn xác định là từ thế kỷ VI – VIII, phù hợp với ý kiến của Louis Malleret (Malleret 1959b).

Hai pho tượng nữ thần ký hiệu BTMT 125, cao còn lại 0,22m và BTMT 1731 cao còn lại 0,30m, chúng tuy khác nhau ở hình dáng và một số chi tiết trang trí trên trang phục như loại thắt lưng trơn và thắt lưng có hoa văn; vạt váy xếp vào lưng váy và vạt váy tả xuống một bên thân, nhưng chúng có rất nhiều điểm tương tự như kích thước nhỏ với các đường nét cơ thể, tư thế đứng hơi nghiêng về phía trước, lưng hơi cong, vùng ngực bán cầu, eo thon, bụng tạc nổi. Sarong sọc nhỏ ôm thân, lưng váy cong, hai vạt váy xếp nếp giữa thân váy, thắt lưng to bản quấn ngang lưng. Những yếu tố trên đã được Trần thị Lý xếp vào giai đoạn nghệ thuật có khuynh hướng hướng thực mềm mại (cuối thế kỷ X – XI). Trên cơ sở đó, ta có thể đoán định niên đại của chúng vào khoảng những thế kỷ này (Trần Thị Lý 1991).

Những pho tượng trên là những tượng nữ thần Ấn Độ giáo. Dựa vào các tiêu chí, kỹ thuật dựng tượng, ta có thể nhận định pho tượng ký hiệu BTMT 191 là tượng nữ thần Laksmi, nữ thần Sắc đẹp và Thịnh vượng, vợ thần Vishnu, thần Bảo vệ là một trong ba vị thần tối cao của tôn giáo này.

Chiều cao còn lại của những pho tượng nữ thần từ 0,2m – 0,42m, cho thấy số tượng này có kích thứơc nhỏ.

Trong quá trình thực hiện tác phẩm điêu khắc của mình, các nghệ nhân đã thành công trong việc xử lý các chi tiết về kỹ thuật một cách nghệ thuật, chúng là những vật cầm đa dạng, vạt váy mềm mại, tư thế gợi cảm, kích thước gọn nhỏ thay thế dần các vật đỡ của tượng, làm tăng vẻ thần thánh hoặc gần gũi hơn với con người.

Niên đại của các pho tượng trên được đoán định từ thế kỷ VI – VIII và từ thế kỷ X – XI.

Lâm Quang Thùy Nhiên                              

(Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, NXB KHXH Hà Nội 2000)

TÀI LIỆU DẪN

BELLUGUE P.1926. L’Anatomie des formes et a Statuaire Khmere ancienne, A.A.K;II.

VŨ VĂN HUYẾN, LƯƠNG NINH, HÀ BÍCH LIÊN 1995. Pho tượng Vishnu mới phát hiện ở Bình Thạnh (Tây Ninh). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995. Nxb Khoa học Xã hội.

TRẦN THỊ LÝ 1991. Tiến trình phát hiện của tượng tròn Cămpuchia thế kỷ VI – XIII. Nxb Văn hóa Dân tộc.

MALLERET 1959. L’Archéologique du Delta du Mekong Planches Tome I, Paris.

MALLERET 1959. L’Archéologique du Delta du Mekong Texte Tome I, Paris.