Đường lối ngoại giao của vua Gia Long.

Post date: Dec 15, 2010 10:34:27 AM

Đường lối ngoại giao của Vua Gia Long

 

Vua Gia Long (1762-1820) tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi là Nguyễn Ánh) là người có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Triều đại của ông được sử sách đánh giá cao trong việc chính thức dùng quốc hiệu Việt Nam.

Quan hệ với Xiêm La

Trở lại lịch sử, từ những năm 1781, vụ nổi loạn ở Xiêm đã đẩy mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Xiêm La từ chỗ đối kháng trở thành đồng minh.

Khi Nguyễn Ánh liên tiếp gặp thất bại trước quân Tây Sơn, ông đã có ý định cầu viện Xiêm La. Vua Xiêm lúc này đang có chiến tranh với Tây Sơn nên đã giúp Nguyễn Ánh phân tán lực lượng Tây Sơn. Một mặt Nguyễn Ánh cũng giúp vua Xiêm đánh Miến Điện và Mã Lai đồng thời thu nhận một số binh tướng từ Đại Việt sang đất Xiêm để củng cố lực lượng đánh trả Tây Sơn. Ông cho quân chiếm đóng Chân Lạp, giữ quan hệ hòa hiếu với Xiêm La, yên ổn với Vạn Tượng. Vì vậy, cả ba quốc gia này đều giúp đỡ ít nhiều cho Nguyễn Ánh trong cuộc chiến của mình.

Sau này, khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, mối quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì. 

Một trang trong bức thư.

Ngày 19 tháng 2 năm Gia Long 15 (1816), Vua Xiêm gửi cho Gia Long một bức quốc thư. “Quốc vương Xiêm La gửi thư cho Bộ Lễ nước Việt nam tấu đạt việc: Nam Vang đem 3 đạo binh đột nhiên xâm nhập qua vùng biên giới bắt dân cư, trâu bò, tài sản, khiêu chiến với binh lính, bắn chết dân cư ở Bát Tam Bang, quan quân Cao Miên bị chết rất nhiều.”(1)

Ngày 21 tháng 6 năm Gia Long 15 (1816) Vua nước Xiêm cung tiến phỉ nghi để tăng tình hữu hảo giữa hai nước: “…Quốc vương Xiêm La gửi thư cho đức Phật vương Việt Nam về việc: sai sứ thần đem phỉ nghi cung tiến Phật vương và Nhị Vương để tình lân nghị được lâu bền và cảm tạ vua nước Việt Nam có thư vấn an…” (2).

Để đáp lại tấm chân tình của Xiêm La, Việt Nam cũng gửi quốc thư cảm tạ về việc Quốc Vương Xiêm La tặng lễ vật “…Quốc vương Việt Nam gửi thư đến Phật Vương Xiêm La: cảm tạ việc quý quốc sai sứ thần đệ tặng phẩm vật. Còn việc Nam vang và Bát Tam Bang án ấy bộ Hình nước tôi đã xét xử và do bộ Lễ phúc thư cùng nước Ngài rõ. Tiện đây nhờ sứ quí quốc đem tặng Phật vương 4 thoi vàng ròng, 50 thoi bạc. Nhị Vương 2 thoi vàng ròng, 30 thoi bạc…” (3).

Còn có một văn bản dạng bản kê, nội dung kê khai tiền lương yến thưởng cho sứ thần Xiêm La “…Sứ thần Xiêm La đến Kinh triều bái, vâng chỉ thưởng yến và cấp cho tiền lương 3 lần: Các khoản chi tiêu tại thành Gia Định; Các khoản chi tiêu từ Bình Thuận đến dinh trấn ở Quảng Nam; Các khoản chi tiêu tại Kinh, tổng cộng 1419 quan tiền và 283 phương gạo”(4).

Mối quan hệ giữa Gia Long và Xiêm La đã tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu. Cho đến hiện nay vẫn còn những ý kiến trái chiều về công lao của Nguyễn Ánh cũng như đường lối ngoại giao của ông. Thiết nghĩ, những văn bản của triều đại này là những nguồn tài liệu gốc có độ tin cậy cao với các nhà khoa học để từ đó đưa ra nhận định xác đáng.

Quan hệ với nước Pháp

Nhờ sự giúp đỡ của người Pháp, thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam.

Trong gần 40 năm trị vì của mình, quan hệ của Gia Long và nước Pháp vẫn được duy trì, ông đối xử với họ như những ân nhân. Một số tài liệu hiện còn lưu giữ được đã nói lên mối quan hệ đó. Vua Louis XVIII (1755-1824) là em trai của Vua Louis XVI, trị vì vương quốc từ năm 1814 đến năm 1824. Năm 1815, Ông phải trốn chạy vì Napoleon Bonapate giành lại chính quyền và thành lập Vương triều 100 ngày. Về sau, ông đánh đổ vương triều của Bonapate và phục quốc. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi phát hiện thấy nhiều văn bản nói lên mối quan hệ hai nước Việt-Pháp. Ngày 10 tháng 1 năm Gia Long thứ 16, nước Pháp gửi cho Vua Gia Long một bức quốc thư kể về tình hình của nước Pháp thời Vua Louis XVIII: “Thần Giám mục Nhược Hàn nước Hoa Lăng Thê kính tâu lên Hoàng thượng việc: 

1.                  Vua Lu Y thứ 18 đã khôi phục nước, muốn tiết kiệm ngân sách, giảm số quan quân 2 vạn 1000 người.

2.                  Bọn quan quân ấy đều là bề tôi của Bô Na Ba La Tê, do đó oán Vua Lu Y tụ tập thành đảng, xông vào thành Lyon làm loạn.

3.                  Vua Lu Y lập tức sai Nê Y đem binh đánh trả, nhưng tên này làm phản, Bô Na Ba La Tê thừa thắng kéo quân vào điện, Vua Lu Y và gia thuộc phải bỏ trốn.

4.                  Các nước lân cận đã giúp Vua Lu Y phục quốc rồi bỏ tù Bô Na Ba La Tê.

5.                  Vua Lu Y trở về ngôi Vua bèn giết Nê Y là vây cánh của Bô Na Ba” (5).

 Sau đó một tháng, tức ngày 8 tháng 12 năm Gia Long 16, lại có một bức thư được quản tàu Xuy Lê Đê La Ca Đi Ô đem sang cho Vua Gia Long: “Ngày 10 tháng 1 năm 1818 Tàu Phi Giác đến cửa Hàn Đà Nẵng. Quản tàu là A Xuy Lê Đê La Ca Đi Ô viết thư cho Xuy Nho, cùng Ba Giai La nói rằng tàu này đem cờ Ba Lăng Sa đi các nước ở phương Đông cho người ta thấy để tiện buôn bán; Vua Ba Lăng Sa có ủy thác cho ông phải ghé vào nước Việt Nam báo tin Vua Lu Y thứ 18 đã phục quốc”.(6)

Vua nước Pháp gửi cho Vua nước Việt Nam những món quà quý để tỏ tình hữu hảo: “Thư của Lê Ca Đi Ô gửi quý tước Chấn Thanh hầu, Thắng Toán hầu được rõ: Tàu Phi Giác, hiệu là Xuy Ba Lê đến cửa Hàn ngày 6 tháng 1 năm 1818 có đem lại những lễ vật: 1 cái đồng hồ, 1 khẩu súng hẹp, 1 cặp súng ngựa làm tại Bi La Bích, do Vua Ba Lăng Sa tặng Vua nước Việt Nam để tỏ tình hữu nghị anh em”. (7)

Về mặt hình thức, các văn bản trên trình bày trên chất liệu giấy dó, ngôn ngữ là tiếng Pháp sau đó chuyển sang ngôn ngữ Hán-Nôm cho phù hợp với Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều tài liệu khác nói về quan hệ của Vua Gia Long với nước Pháp trên nhiều lĩnh vực như: buôn bán, tàu thủy, thông thương…Đây là nguồn sử liệu quý cho các nhà khoa học và những người quan tâm nghiên cứu./.

Ths.Đào Hải Yến -Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Chú thích

 1. Tờ 1 tập 4 Gia Long 15, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 2.Tờ 6 tập 4 Gia Long 15, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 3. Tờ 11 tập 4 Gia Long 15, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 4.Tờ 8 tập 4 Gia Long 15, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 5.Tờ 13 tập 4 Gia Long 16, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 6. Tờ 30 tập 4 Gia Long 16, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 7.Tờ 28 tập 4 Gia Long 16, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Nguồn: http://baotanglichsu.vn/Index.aspx?lang=vi