Về một ấn dấu cấp tổng thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ thời thuộc Pháp.

Post date: May 2, 2015 5:30:23 PM

NGUYỄN CÔNG VIỆT

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Hệ thống hành chính các cấp Nam Kì thuộc địa chính thức được hình thành từ năm 1862, song phải đến năm 1876 mới bắt đầu được ổn định theo 4 khu vực hành chính lớn với ngót 20 tiểu khu hành chính. Hoạt động của hệ thống hành chính các cấp có liên quan mật thiết đến nhiều loại văn bản hành chính khác nhau. Do đó việc quy định loại hình văn tự sử dụng trong các văn bản hành chính ở khu vực Nam Kì trong giai đoạn chữ Hán đã mất vai trò chính thống và chữ Pháp, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng là vấn đề tất yếu.Ngay từ tháng 4 năm 1878 Thống đốc Nam Kì đã ra quyết định tính từ tháng 1 năm 1882, mọi văn bản hành chính soạn thảo, lưu hành hay niêm yết công khai đều phải viết bằng chữ Quốc ngữ. Đồng thời tiêu chí bổ nhiệm, thăng trật của quan lại cấp phủ, huyện, tổng phải lấy người biết chữ Quốc ngữ.

Đến tháng 1 năm 1882 Thống đốc Nam Kì ra quy định mọi văn bản hành chính đều viết bằng tiếng Pháp hoặc bản ngữ Quốc ngữ phải kiêm bản dịch tiếng Pháp chính thức được ban hành.

Song song với sự mở rộng chữ Pháp và chữu Quốc ngữ thì chữ Hán Nôm vẫn tồn tại nhưng đã giảm thiểu đi rất nhiều dưới các hình thức khác nhau. Chính vì vậy chúng ta sẽ tìm thấy các văn bản cùng một lúc 3 loại văn tự - Hán - Pháp - Quốc ngữ (mà sau này ta gọi là chữ Việt).

Đối với ấn chương hành chính khu vực Nam Kì thuộc địa cũng có sự thay đổi theo hệ thống hành chính các cấp. Hình thức ấn tín được chế tác cũng như văn khắc trên dấu được làm lại để phù hợp với những quy định chung về văn tự, thay đổi về địa danh hành chính và cả vấn đề phân cấp khu vực. Điều đáng tiếc là chúng ta đã không bảo lưu được những hiện vật ấn tín Nam Kì giai đoạn này, do đó nghiên cứu, đánh giá viết về vai trò ấn chương Nam Kì thuộc địa là cả một sự khó khăn.

Hệ thống hành chính các cấp chính quyền ở mỗi tỉnh suốt từ sau cải cách Minh Mệnh 1832 trở đi đến thời kì Pháp thuộc đã diễn ra nhiều lần việc hợp, chia tách từ cấp xã, tổng, huyện, phủ đến tỉnh để từ đó hình thành một số đơn vị hành chính mới. Mỗi cấp đơn vị hành chính đều được sử dụng ấn tín riêng. Dưới đây xin giới thiệu một ấn dấu cấp tổng với 3 dạng văn tự khác nhau thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ thời thuộc Pháp.

Ấn có chất liệu bằng đồng, núm cầm ngắn, kiểu hình trụ loe đầu. Đế ấn tức là mặt dấu hình chữ nhật đứng, kích thước 3,4 x 4,2 cm. Mặt dấu làm đường viền nhỏ. Dấu được phân làm 2 phần giống các dấu Chánh tổng, Lí trưởng ở Bắc Kì; Song ở dấu này có sự khác biệt. Ô vành ngoài để rộng cỡ 0,8 cm. Dòng trên là 2 chữ Long Xuyên khắc chữ Quốc ngữ kiểu chữ in cỡ to. Phần dưới dấu có dòng chữ cả Pháp và Quốc ngữ là Cap Tonne Phong Thạnh Thượng. Hai cạnh dọc là 2 dòng chữ Hán viết theo lối Chân. Dòng bên phải dấu là 2 chữ Cai tổng. Dòng bên trái dấu là 3 chữ “Phong Thịnh Thượng” 豐 盛 上 .

Ô bên trong làm cỡ nhỏ 1.7 x 2.5 cm. Trong dấu là hình nữ thần tự do ngồi dơ tay. Phía dưới là một dòng chữ Pháp khắc rất nhỏ, nhòe nên không đọc được là chữ gì.

Như vậy nội dung dấu ta đã biết rõ đây là ấn của chức Cai tổng tổng Phong Thịnh Thượng thuộc Long Xuyên. Long Xuyên thời chúa Nguyễn dòng họ Mạc trấn nhậm được Mạc Cửu đặt làm đạo. Đến năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) đổi làm Huyện. Đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) lập tỉnh Hà Tiên thì Long Xuyên vẫn là huyện hợp với 2 huyện Hà Châu, Kiên Giang và phủ An Biên gộp thành tỉnh Hà Tiên. Đến thời kì thuộc Pháp 1876 thì Long Xuyên được nâng lên cấp tiểu khu (tỉnh) thuộc khu hành chính Bát Xắc cùng 5 tiểu khu khác là Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng. Long Xuyên quản 8 tổng, 62 xã ấp trong đó có tổng Phong Thịnh Thượng.

Xem xét địa chí khu vực Nam bộ chúng tôi thấy Phong Thịnh Thượng trước đây không phải thuộc đất Long Xuyên. Thời chúa Nguyễn Phong Thịnh vẫn là cấp tổng thuộc đất Bát Xắc. Năm Gia Long thứ 7 (1807) được nâng lên làm cấp huyện vẫn thuộc đất Bát Xắc. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) thành lập phủ Ba Xuyên nằm trong tỉnh An Giang (lập năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) thì Phong Thịnh Thượng vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phủ Ba Xuyên. Đến thời thuộc Pháp chia tỉnh An Giang lập tiểu khu Sóc Trăng là đất Ba Xuyên cũ thì phong Thịnh Thượng được tách ra thuộc vào đất Long Xuyên và đặt làm đơn vị hành chính cấp tổng.

Theo mô hình xây dựng của người Pháp ở Nam Kì thì thực tế cấp tổng là cấp hành chính khá quan trọng. Chánh tổng là người trực tiếp quản các xã, ấp quan xã trưởng, ấp trưởng đồng thời là người nắm hết mọi vấn đề của làng quê Nam bộ. Người ở cương vụ Chánh tổng cũng là hội tụ các tiêu chí, trình độ của một người quản lí hành chính giải quyết nhiều công việc trong một tổng. Chính vì vậy trong Hội đồng tiểu khu Chánh tổng thường là đại biểu kì hào của một tổng làm thành viên ủy viên Hội đồng của tiểu khu tương đương với Tri huyện, Tri phủ, Đốc phủ sứ trong Hội đồng. Vì trong Hội đồng chủ tịch Hội đồng phải là viên quan người Pháp đứng đầu tiểu khu.

Ở đây chúng ta thấy chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các chức Đốc phủ sư, Tri phủ, Tri huyện ở các trung tâm hành chính lớn nhỏ không được chú trọng mà tồn tại nặng về mặt hình thức. Còn thực quyền trong tay người Pháp. Trên cơ sở Hội đồng tiểu khu người Pháp đã trực tri xuống cấp tổng. Chính vì vậy chức năng, quyền hạn và vai trò của Chánh tổng ở Nam Kì thời thuộc Pháp rất được đề cao và có ý nghĩa lớn trong hệ thống hành chính cấp chính quyền địa phương Nam bộ.

Từ việc xây dựng cơ cấu tổ chức hành chính cấp tổng như vậy, người Pháp đã cho làm ấn tín của Chánh tổng cũ. Về hình thức mặt dấu cũng được làm đẹp hơn với ba văn tự Pháp, Quốc ngữ và Hán trong con dấu. Đồng thời còn khắc hình nữ thần tự do biểu trưng của người Pháp giống như các con dấu chữ Pháp sử dụng trên nhiều văn bản cuối thế kỉ XX ở Việt Nam.

Địa phương sát liền với Bình Thuận là Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa được lập năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) và tồn tại đến nay. Các xã, tổng, huyện giáp ranh hai tỉnh trong suốt thời Nguyễn đã có một số lần hợp, tách. Đến thời thuộc Pháp năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) chính quyền Pháp và Nam triều đã lấy nguyên phủ Ninh Thuận của tỉnh Bình Thuận với hai tổng của huyện Hòa Đa và bảy xã của huyện Tuy Phong sáp nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Đến năm Thành Thái thứ 13 (1901) lại tách phủ Ninh Thuận lập đạo. Tỉnh Khánh Hòa lúc này bị thu hẹp lại quản 2 phủ 6 huyện, trong đó có huyện Vĩnh Xương. Ở khu vực này các cấp hành chính từ cơ sở thấp nhất là xã thôn tồn tại theo hệ thống hành chính địa phương không thay đổi nhiều. Song do xã hội ngày một phát triển, dân cư tăng dần nên chính quyền Pháp đã đặt ra thêm một vài ban bệ mới để tăng cường quản lí cấp xã, phụ giúp phối hợp với xã trưởng, hương lí trong công tác quản lí hành chính. Hình dấu được giới thiệu dưới đây sẽ chứng minh rõ thêm cho cơ cấu chính quyền cơ sở cấp xã vùng Bình Thuận - Khánh Hòa thời Pháp thuộc.

Ấn dấu có chất liệu bằng đồng, núm cầm ngắn. Đế ấn tức mặt dấu hình vuông kích thước 3 x 3cm. Dấu chia làm 2 ô giống các dấu cấp cơ sở khác. Ô vành ngoài cỡ 0,5cm là ô khắc chữ Quốc ngữ. Phần trên ghi tên tỉnh Khánh Hòa, phần dưới ghi tên huyện Vĩnh Xương. Phần bên trái dấu ghi tên tổng Hiệp Cát, phần bên phải dấu ghi tên xã Vĩnh Cát.

Ở bên trong dấu lập theo khuôn hình vuông, kích thước 2 x 2cm. Bên trong là 9 chữ Hán theo lối Chân xếp làm 3 hàng dọc, mỗi hàng 3 chữ. Đó là 9 chữ “Vĩnh Cát xã Thường trực ban chánh ban trưởng” 永 吉 社 常 直 班 正 班 長 . Như vậy nội dung văn tự ở dấu ta đã thấy rõ, đây là con dấu của viên Chánh ban Trưởng ban thường trực các Vĩnh Cát, tổng Hiệp Cát, huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa.

Hình dấu này cùng các dấu khác đóng vai trò không nhỏ trong việc tìm hiểu tên quan chức cũng như tổ chức chính quyền địa phương thời thuộc Pháp ở Nam kì.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.984-988)