Lại viết tiếp về "thảm họa đạo văn": Chúng tôi chỉ nói sự thật.

Post date: Oct 24, 2012 3:10:09 AM

Tùng Hương.

Bài đăng trên Phụ nữ online số ngày 15-10-2012.

Thật tình là sau hai số báo liên tiếp phản ánh nạn “đạo văn” trong nhiều tham luận tại Hội thảo khoa học Nhà cách mạng Châu Văn Liêm do tỉnh An Giang tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, Báo Phụ Nữ không muốn nói thêm về sự kiện “không lấy gì làm vui” này nữa.Tuy nhiên, do có ý kiến phản hồi rằng bài báo “mang tính chủ quan, phiến diện và không thể hợp với tinh thần của hội thảo”, nên buộc chúng tôi phải tiếp tục có ý kiến. Và một lần nữa xin khẳng định: chúng tôi chỉ nói sự thật.

Chân dung nhà cách mạng Châu Văn Liêm.

Báo Phụ Nữ không hề chủ quan, phiến diện trong việc nhận định, đánh giá thực trạng “chệch choạc” tư liệu của một số bài tham luận như ý kiến đã phản hồi, trái lại còn “nói bớt”, “mềm hóa” nạn sao chép, cóp nhặt tùy tiện tư liệu tại hội thảo. Không ít tham luận đã “đi xa hơn” sự nhầm lẫn “con số về ngày tháng năm của sự kiện đó”, vì nhiều người chỉ sao chép một cách đơn giản nguồn tư liệu có được. Điển hình về sự kiện Nhà cách mạng Châu Văn Liêm tham gia đám tang cụ Phan Chu Trinh. Cùng một sự kiện lịch sử, nhưng các tham luận lại trái nhau một trời một vực. Bên cạnh ý kiến cho rằng Nhà cách mạng Châu Văn Liêm giữ vai trò chủ động trong việc đứng ra vận động giới học sinh trí thức lập đoàn đại biểu đi dự lễ truy điệu cụ Phan ở Sài Gòn vào ngày 24/3/1926 (TS Đặng Phong Vũ, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng - trang 8; Đỗ Thanh Bình, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An, trang 178; Nguyễn Quyết Chiến, Hội Sử học tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trang 198 - tài liệu hội thảo), lại có tác giả thể hiện ông hoàn toàn bị động trong sự kiện này: “Hưởng ứng phong trào để tang một chiến sĩ giàu nhiệt huyết yêu nước, giáo viên, trí thức trong vùng cử thầy Châu Văn Liêm lên Sài Gòn làm lễ truy điệu (ThS Phan Văn Kiến, Sở GD-ĐT An Giang, trang 189). Theo chính sử ghi nhận, Châu Văn Liêm là người tiên phong truyền bá tinh thần yêu nước trong giáo chức, học sinh. Vì vậy, việc thể hiện ông là người “thụ động” trong đám tang cụ Phan Chu Trinh, không chỉ sai sự thật mà còn gia tăng nguy cơ làm “rối rắm” thế hệ mai sau khi tìm hiểu về vai trò của ông đối với cách mạng Việt Nam trước thời điểm thành lập Đảng.

Không dừng lại ở đó, nhiều tham luận còn “loạn xị” trong thể hiện sự kiện Nhà cách mạng Châu Văn Liêm thành lập “Sa Đéc học đường”. Có tham luận cho rằng “ông đã bán tư trang của mình và mượn cả bằng khoán điền thổ của cha đem gởi nhà băng để lấy tiền hùn vốn với ông Hai Định” (Đặng Phong Vũ, trang 10), nhưng cũng có tham luận lại viết: “Để có tiền mở trường, ông vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn” (Nguyễn Thế Trung, Trung tâm nghiên cứu Biển và đảo - Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, trang 238). Giữa một số tham luận còn “khác” hoàn toàn về cách thể hiện cũng như cách lý giải tên “dân gian” mà người dân ở Chợ Mới đã gọi thầy giáo Châu Văn Liêm. Theo ThS Đỗ Văn Đờ La Guôl (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) là “thầy Nhứt Liêm”, tức thầy Liêm dạy lớp nhứt (trang 26), nhưng ThS Võ Thành Hùng (BCĐ Tây Nam bộ, trang 50) lại viết “Châu Nhứt” kèm theo giải thích hoàn toàn khác: “Có nghĩa là thầy Châu dạy lớp nhất, mà cũng có nghĩa là thầy dạy giỏi nhất” (trang 50).

Với cách thể hiện “hầm bà lằng” như thế, chúng ta biết hiểu thế nào về “tình cảm, tâm huyết” mà các tác giả nhân danh sự tôn vinh Nhà cách mạng Châu Văn Liêm để đến với hội thảo như có ý kiến đã phản hồi? Để khách quan, chúng tôi xin trích một đoạn trong báo cáo đề dẫn mà ban tổ chức đã công khai đánh giá tại hội thảo để bạn đọc phán xét: “Có nhiều bài viết ca ngợi công lao chung chung hoặc sao chép tùy tiện các bài viết trên mạng internet nên thiếu chính xác, thậm chí còn gây thêm lầm lẫn… Mong rằng, trong những cuộc hội thảo tới sẽ nhận được các bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu ban tổ chức đề ra nhiều hơn nữa” (trang 4).

Tùng Hương