Về một số di vật tùy táng ở trong lăng Thoại Ngọc Hầu.

Post date: Oct 3, 2014 12:29:04 PM

Trần Hoàng Vũ

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 114, tháng 09-2014.

Tháng 9-2010, trong quá trình trùng tu hai ngôi mộ của Thống chế Bảo hộ Cao Miên Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại và Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế, nhóm thi công đã phát hiện dấu vết nghi là hố chôn đồ tùy táng. Cuộc khai quật nhanh chóng hai hố này đã phát lộ 523 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ kim loại. Quá trình chỉnh lý sau đó đã cho thấy sự phong phú về mặt hiện vật (gốm sứ; kim loại: đồng, altimol, vàng, bạc, sắt; đá quý; thủy tinh; sơn; gỗ; giấy; răng) cũng như nguồn gốc xuất xứ (Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha). Bộ sưu tập hiện vật này cho phép ta hình dung đời sống vật chất và tinh thần của gia đình Thoại Ngọc Hầu, cũng như đời sống quan lại lớp trên đầu thời Nguyễn. Do đó, việc giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của các hiện vật trong bộ sưu tập này có giá trị rất lớn. Dưới đây chỉ xin đề xuất một số cách hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của một vài hiện vật trong bộ sưu tập trên.

1. Về những đồng tiền nước ngoài trong bộ sưu tập:

Những đồng tiền nước ngoài trong số đồ tùy táng gồm có:

- 425 đồng kê ngân bằng bạc, đường kính 1.5 cm, in nổi hình con gà trống. Số tiền này được xác định là bạc Campuchia.

- Đồng bạc niên hiệu vua Tây Ban Nha do công ty Đông Ấn Hà Lan sản xuất: 20 đồng niên đại từ năm 1747 (Ferdinand VI), 1762 (Charles III), 1799 (Charles IV) đến 1812 (Joseph) … và một số đồng chưa đọc được niên hiệu.

Các sử liệu hữu quan từng ghi chép về mối quan hệ giữa Thoại Ngọc Hầu với các đồng tiền nước ngoài. Đại Nam thực lục cho biết, năm 1799, trước khi cử Thoại Ngọc Hầu sang Lào lần thứ nhất, Nguyễn Ánh đã ban cho sứ đoàn “áo quần đều một bộ, 400 quan tiền, 1000 đồng bạc Phiên”[1]. Khái niệm bạc phiên (phiên ngân) thời đó ám chỉ tất cả các loại tiền do các nước Đông Nam Á, bao gồm cả người Châu Âu phát hành. Do đó, có thể giả định rằng trong số hơn 400 đồng tiền trên đây có thể có một bộ phận là tiền sót lại từ thời kỳ đi sứ Lào.

Trong số những đồng tiền này vẫn có những đồng tiền được phát hành muộn hơn. Chẳng hạn, các đồng bạc niên hiệu Joseph có niên đại 1812. Những đồng tiền này lại là tá chứng cho vai trò của Thoại Ngọc Hầu trong hoạt động thương mại biển trong khu vực. Sự tồn tại của những đồng tiền nước ngoài niên đại muộn này bổ sung cho ký thuật của sứ thần Miến Điện Gibson nói rằng: vào năm 1822, Thống chế của Cao Miên (The gorvernor of Kamboja) đã nói với Tả quân Lê Văn Duyệt (Chao Kun) rằng “sẽ giàu to nếu mua tổ yến ở Ava rồi đem bán ở Trung Hoa”[2]. Như vậy, mặc dù đóng doanh ở đồn Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu hoàn toàn không bị đóng khung trong một miền biên viễn hẻo lánh. Ngược lại, ông vẫn nắm trong tay một hệ thống thông tin khu vực, biết đến những hoạt động doanh thương liên quốc gia, trải dài từ Miến Điện đến Trung Hoa.

2. Đồng Minh Đức thông bảo của Nguyễn Nhạc:

Di vật được chú ý nhất là 1 đồng tiền 明 德 通 寶 (Minh Đức Thông Bảo) lưng có chữ 萬 歲 Vạn Tuế của Nguyễn Nhạc (1778-1793) trong hố 1 của bà Châu Thị Tế. Di vật này được xem như là bằng chứng chứng minh cho mối quan hệ bạn bè giữa Thoại Ngọc Hầu và tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu – mà giai thoại xứ Quảng Nam nhắc đến.

Bởi vì đây là đồng tiền bằng đồng duy nhất được chôn theo, giá trị kỷ niệm của đồng tiền này là điều có thể khẳng định. Vấn đề nằm ở chỗ mặc dù là đồng tiền của Nguyễn Nhạc, khả năng liên hệ giữa nó với câu chuyện giao tình giữa Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu là hết sức mù mờ. Có mấy lý do:

- Thứ nhất, tiền hiệu Minh Đức không chỉ của riêng Nguyễn Nhạc. Bản thân Mạc Đăng Dung cũng từng đúc tiền Minh Đức. Về cơ bản muốn phân biệt giữa hai đồng tiền này thì phải có sự am hiểu nhất định về cổ tiền học. Đó là chưa kể xưa nay ta chỉ biết Nguyễn Nhạc có niên hiệu là Thái Đức, còn hai chữ Minh Đức là do có ý kiến nói Nguyễn Nhạc từng xưng Minh Đức hoàng đế. Nói tóm lại, nếu không hiểu sâu về sử học và cổ tiền học, rất khó xác định đồng Minh Đức thông bảo, lưng có chữ Vạn Tuế là tiền do “ngụy” Tây đúc. Không loại trừ khả năng khi chôn di vật này, người ta không biết nguồn gốc xuất xứ của đồng tiền này.

- Thứ hai, dù Thoại Ngọc Hầu biết rõ đồng Minh Đức thông bảo này là tiền của Nguyễn Nhạc thì cũng khó liên hệ nó với Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu là tướng của Nguyễn Huệ. Nếu đồng tiền chôn theo là tiền niên hiệu Quang Trung hay Cảnh Thịnh thì còn có lẽ.

- Thứ ba, cứ cho rằng đồng Minh Đức thông bảo này là vật kỷ niệm của Trần Quang Diệu. Ta nên chú ý rằng đồng tiền này chôn theo mộ bà Châu Thị Tế, không phải Thoại Ngọc Hầu. Do đó, nếu có ai có liên quan mang tính tình cảm với Trần Quang Diệu thì khả năng lớn nhất là bà Châu Thị Tế chứ không phải Thoại Ngọc Hầu. Điều này có lẽ vô lý vì theo lời kể dân gian, Trần Quang Diệu và Thoại Ngọc Hầu chỉ là bạn từ thuở bé, lúc còn ở Quảng Nam.

Từ ba lý lẽ trên đây, tôi không đánh giá cao giá trị của đồng Minh Đức thông bảo trong việc chứng minh mối giao tình Trần Quang Diệu – Thoại Ngọc Hầu. Đó là chưa kể nhân vật Chưởng cơ Siêu Võ hầu Trần Tấn Đạt, quê làng An Hải – người được xác nhận là Trần Quang Diệu – trên thực tế không phải là Trần Quang Diệu. Về vấn đề này, tôi sẽ xin đề cập vào một dịp khác.

Bất kể hàm ý của đồng Minh Đức thông bảo là gì, ta phải công nhận rằng đồng tiền này chứa đựng một kỷ niệm sâu sắc đến nỗi nó được đặc biệt chôn theo bà Châu Thị Tế. Đó có thể là đồng tiền đầu tiên mà bà có được, hoặc là vật mà Thoại Ngọc Hầu đã tặng bà trước khi tòng chinh trong một trận nào đó lúc còn bôn tẩu v.v… Tôi không được biết lúc khai quật, đồng tiền này ở cùng với các nhóm hiện vật nào, nên không loại trừ khả năng đồng tiền này được dùng như mặt dây chuyền, giống như ngày nay ta thường làm.

3. Lệnh bài Tuyên phong sứ giả - Thưởng:

Di vật làm tôi chú ý nhất là hai lệnh bài tìm thấy trong cả huyệt của Thoại Ngọc Hầu và Nhàn Tĩnh phu nhân. Theo mô tả của những người thẩm định: 2 cái lệnh bài đoạn trên hình khánh đoạn dưới hình tròn trong có chữ Hán dập nổi 賞 (Thưởng) phía trên có 4 chữ 宣 封 使 者(Tuyên Phong Sứ Giả) kích thước 11.2x8.9cm, mẻ một góc. Hình dáng của lệnh bài được nhà nghiên cứu Phạm Hữu Công tả rõ hơn:

“Về hình dáng, lệnh bài là một miếng đồng lá mỏng có bề dày 0,2cm, cấu tạo bởi 2 phần : phần trên hình đám mây vòng cung hơi nhọn rộng 3cm có riềm gợn sóng ôm lấy phần dưới, trong vòng cung dập chạm 1 hàng 4 chữ Hán nổi đọc từ phải qua trái: 宣 封 使 者 (Tuyên Phong Sứ Giả), có một lỗ nhỏ được khoan chính giữa ở dưới riềm để xỏ dây đeo, phần dưới có hình mặt tròn hơi oval, chạy quanh chu vi là vành hoa văn rộng 0,7cm khắc chữ công, giữa mặt tròn khắc nổi 1 chữ Hán lớn : 賞 (Thưởng)”.

Lệnh bài Tuyên phong sứ giả. Ảnh: Trần Hoàng Vũ.

Nội dung chữ viết trên lệnh bài có nội dung “Tuyên phong sứ giả - THƯỞNG”. Có ý kiến cho rằng đây là lệnh bài của Việt Nam, do triều Nguyễn ban cho hai vợ chồng Thoại Ngọc Hầu với ý nghĩa: thay mặt nhà vua ban bố vương lệnh ngoài biên. Kỳ thực, nội hàm bốn chữ “Tuyên phong sứ giả” đã rất rõ. “Tuyên phong sứ giả” nghĩa là sứ giả đi tuyên bố chiếu chỉ sắc phong chức tước. Khi hoàng đế nước thiên triều ban sắc chỉ phong vương cho các quốc chủ phiên quốc, người đi công bố lệnh đó chính là “Tuyên phong sứ giả”. Lại nữa, trong số các chữ trên lệnh bài thì chữ “Thưởng” là nổi bật nhất, do đó, nó là nội dung chính của lệnh bài. Nói cách khác, đây là một lệnh bài dùng để “thưởng” và người thưởng lệnh bài chính là “Tuyên phong sứ giả”.

Thoại Ngọc Hầu và phu nhân được thưởng lệnh bài trong bối cảnh nào?

Tính đến những hiểu biết của chúng ta tới thời điểm này, Thoại Ngọc Hầu chưa từng tham dự một lễ tuyên phong nào. Trong bản thảo cuốn Thoại Ngọc Hầu – cuộc đời và sự nghiệp, khi viết về thời kỳ Thoại Ngọc Hầu trấn thủ Lạng Sơn, tôi đã có dịp lập luận rằng: với chức trách được quy định của Trấn thủ Lạng Sơn, Thoại Ngọc Hầu đã tham gia vào nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng với nhà Thanh giai đoạn 1802-1810. Trong số đó, sự kiện lớn đầu tiên là việc đón tiếp sứ thần nhà Thanh là Tề Bố Sâm sang phong vương cho Nguyễn Ánh (1803). Trấn Lạng Sơn là chặng đầu tiên đón tiếp, lo lắng việc ăn ở đi lại cho sứ giả Tề Bố Sâm. Sau khi việc tuyên phong đã hoàn thành, vua Gia Long đã sai Đặng Trần Thường cùng hai quan trấn Kinh Bắc và Lạng Sơn tiễn sứ giả đến tận Nam Quan. Với việc phát hiện hai lệnh bài “Tuyên phong sứ giả - Thưởng”, có thể nói vai trò của Thoại Ngọc Hầu trong sự kiện bang giao trọng đại đó đã được chứng minh. Nói cách khác, đây là lệnh bài mà tuyên phong sứ giả Tề Bố Sâm đã tặng cho vợ chồng Thoại Ngọc Hầu để đáp lại sự đưa đón và chăm sóc của họ.

4. Những hiện vật hé lộ tình trạng sức khỏe của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân:

Hai hiện vật thú vị nhất được giới thiệu trong bộ sưu tập này cho phép ta hình dung được tình trạng sức khỏe của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế vào những năm cuối đời.

Di vật thứ nhất là kính đeo mắt Châu Âu, loại kính lão (viễn thị 2º5) gọng kim loại có thể gấp lại, tròng thuỷ tinh tròn còn nguyên vẹn trong hố 2 của Thoại Ngọc Hầu. Hiện vật này cho ta biết, lúc về già, Thoại Ngọc Hầu bị viễn thị ít nhất là hai độ rưỡi và phải đeo kính mắt để hỗ trợ công việc.

Di vật thứ hai là lọ hít hình trụ ghi chữ Hán: 同 人 堂 四 (Đồng Nhân Đường Tứ) và 平 安 撒 (Bình An Tán), loại men trắng Quảng Đông. Các chuyên gia thẩm định chủ yếu giới thiệu di vật này như một sản phẩm gốm sứ. Tuy nhiên, giá trị tư liệu của hiện vật không nằm ở lọ hít mà nằm ở thứ mà nó đựng bên trong. Điều này có thể thấy qua chữ ghi trên lọ.

Đồng Nhân Đường là một nhà thuốc Đông y nổi tiếng có trụ sở chính đặt ở Bắc Kinh. Đồng Nhân Đường ra đời từ năm 1669 (niên hiệu Khang Hy thứ 8) và tồn tại lớn mạnh đến ngày nay. Lọ thuốc hít tìm thấy trong mộ có ghi Đồng Nhân Đường tứ chứng tỏ nó xuất xứ từ một chi nhánh của Đồng Nhân Đường.

Bình An Tán là một phương thuốc của y học Đông phương. Sách thuốc Đông y có ghi hai bài thuốc. Bài thứ nhất là Bình An Tán, trị có thai bị suyễn cấp, đại tiện không thông, nôn mửa không ăn uống được, bụng đầy trướng đau. Bài thuốc thứ hai là Nhân Mã Bình An Tán, có tác dụng khai khiếu, tịch uế, giải độc, trị trúng thử, hoắc loạn (thổ tả) ruột đau quặn, nhiễm sơn lam chướng khí, tâm thần không yên, bất tỉnh. Trong số hai bài thuốc này thì Nhân Mã Bình An Tán là loại thuốc vừa dùng để uống, vừa có thể dùng để hít vào mũi. Do đó, có thể kết luận lọ thuốc hít trên đây là thuốc Nhân Mã Bình An Tán do chi nhánh số bốn của Đồng Nhân Đường sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo chỉnh lý hiện vật không nói rõ lọ thuốc này tìm được ở hố khai quật nào nên chưa thể xác định ai là chủ nhân của lọ thuốc, Thoại Ngọc Hầu hay phu nhân Châu Thị Tế?

Việc điểm qua bộ sưu tập hiện vật đã cho thấy nội hàm tư liệu phong phú của chúng. Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu về cuộc đời của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế, trên cả khía cạnh việc công lẫn đời sống cá nhân. Nó không chỉ cung cấp thông tin về hành trạng mà còn chứa đựng nhiều chi tiết về sức khỏe và tâm lý của họ nữa.

1. John Crawfurd. “Journal of an embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam and Cochin-China : exhibiting a view of the actual state of those kingdoms”, London: Henry Colburn, New Burlington Street, 1828, trang 571.

2. Phạm Hữu Công. “Có hay không thẻ bài bằng đồng thời đầu Nguyễn (1802-1858) dùng cho người”. Trang điện tử Bảo tàng Lịch sử, ngày 4-1-2013.

Nguồn: http://baotanglichsuvn.com/co-hay-khong-the-bai-bang-dong-thoi-dau-nguyen-1802-1858-dung-cho-nguoi--315.html

3. Phạm Hữu Công, Ngô Quang Láng, Phan Văn Trắng, Dương Ái Dân, Nguyễn Minh Sang. “Phát hiện di vật của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân tại lăng Thoại Ngọc Hầu – núi Sam (Châu Đốc – An Giang)”. Trang điện tử Bảo tàng Lịch sử, ngày 13-6-2012.

Nguồn: http://baotanglichsuvn.com/phat-hien-di-vat-cua-thoai-ngoc-hau-va-phu-nhan-tai-lang-thoai-ngoc-hau-nui-sam-chau-doc-an-giang-143.html

4. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 385.

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 385.

[2] John Crawfurd. “Journal of an embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam and Cochin-China : exhibiting a view of the actual state of those kingdoms”, London: Henry Colburn, New Burlington Street, 1828, trang 571.