Tên gọi Năng Gù, nói lại cho rõ.

Post date: Nov 12, 2012 4:46:38 PM

Vĩnh Thông.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử số 84, tháng 03-2012.

Thời gian trước, Vĩnh Thông có viết bài “Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù” đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 79 – tháng 10/2011. Nội dung bài viết đại khái là phân tích nguồn gốc tên gọi Năng Gù và việc dùng sai lầm tên này đã áp đặt cho bến phà đi từ Châu Phú qua Phú Tân gần trăm năm nay. Đến số 83 – tháng 02/2012, Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang tiếp tục giới thiệu bài viết “Vài suy nghĩ nhân đọc Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù” của tác giả Liêu Ngọc Ân. Nội dung của bài viết này là nêu một số điểm chưa thỏa đáng cần phải xem lại trong bài viết của Vĩnh Thông. Có thể thấy, tác giả Liêu Ngọc Ân viết khá rõ ràng, lập luận thuyết phục, dẫn chứng đầy đủ. Đáng lẽ chúng tôi sẽ không viết bài này nếu tác giả Liêu Ngọc Ân chỉ trình bày trong phạm vi quan điểm cá nhân của mình, tuy nhiên có lẽ do tác giả chưa am hiểu tường tận về vùng đất này nên có một số chi tiết nhầm lẫn, tồn tại nhiều mâu thuẫn về tư liệu sử địa và thực tế. Thiết nghĩ trong nghiên cứu văn hóa lịch sử - nhất là lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ mà hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót – thì việc trao đổi để cùng tìm hiểu rõ ràng vấn đề, đi đến thống nhất là một việc hết sức có ý nghĩa. Là người mở ra cuộc trao đổi, bản thân cũng sinh ra và lớn lên tại vùng đất Năng Gù, chúng tôi xin được phép tiếp tục cuộc trao đổi khá phong phú này. Đó là tình yêu, cũng là trách nhiệm đối với quê nhà. Ở phạm vi nội dung bài viết dưới đây chúng tôi xin phép không nhận định quan điểm của ai đúng, ai sai, mà chỉ trình bày lại một số vấn đề có lẽ cần phải … tiếp tục đính chính.

Phà Năng Gù, cù lao Năng Gù và miệt Năng Gù.

Có một điểm có thể xem là “mấu chốt” trong bài viết của tác giả Liêu Ngọc Ân, đã khiến cho bài viết có những điểm chưa thỏa đáng. Đó là sự nhầm lẫn giữa phà Năng Gù, cù lao Năng Gù và miệt Năng Gù. Xin được trình bày lại cho rõ:

- Phà Năng Gù: bến phà đi từ xã Bình Mỹ (Châu Phú) qua xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) trên sông Hậu.

- Cù lao Năng Gù: cù lao trên sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, nằm dưới bến phà Năng Gù, nay có tên gọi hành chánh là xã Bình Thủy.

- Miệt Năng Gù: cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, xưa “miệt” này bao gồm vùng đất giáp ranh Cái Dầu (Châu Phú) đến giáp ranh Chắc Cà Đao (Châu Thành).

Như vậy rõ ràng, cái “gốc” (và cũng chính là “địa phận”) của cù lao Năng Gù chỉ nằm gói gọn trên xã Bình Thủy thuộc huyện Châu Phú ngày nay. Đã nói là cù lao Năng Gù thì tất nhiên nó phải nằm trên một dãy đất bồi giữa sông chứ không thể nằm trên đất liền được.

Còn sở dĩ gọi là “miệt Năng Gù” vì ngày xưa nơi đây chưa có sự phân định rõ ràng về địa giới hành chánh. Cù lao Năng Gù là một trong những vùng đất được khai phá sớm nhất tỉnh An Giang, cụ Dương Văn Hóa người đầu tiên đến đây lập làng đã quytuj dân chúng đến ỏ lấy tên là Bình Lâm thôn, cụ được phong chức “Trùm tri thâu” để cai quản. Dân trên làng Bình Lâm đã ít, nhưng dân các vùng phụ cận còn thưa thớt hơn, thế nên cụ Dương Văn Hóa được cho phép cai quản cù lao Năng Gù và cả vùng đất rộng lớn nằm ngoài cù lao. Những vùng đất khác (như Bình Long, Bình Mỹ, An Hòa, Bình Hòa… ngày nay) lúc này chưa có tên gọi chính thức, nên chuyện được dân gian gọi một cách chung chung là “miệt Năng Gù” cũng không có gì đáng bàn cãi.

Tóm lại, Năng Gù chỉ là vùng đất mà nay là xã Bình Thủy, còn cách gọi “miệt” rộng lớn là do dân gian hóa các vùng lân cận. Ví dụ như “giáo xứ Năng Gù” cũng đã cho thấy điều này – lấy vùng trung tâm để đặt cho tên toàn vùng rộng lớn. Ta cũng có thể thấy thị trấn Cái Dầu chỉ có diện tích nhỏ, nhưng trong dân gian vẫn tồn tại một “miệt Cái Dầu” bao gồm cả thị trấn ngày nay và một phần xã Bình Long, một phần xã Vĩnh Thạnh Trung ngày nay. Như vậy cù lao Năng Gù là xã Bình Thủy ngày nay, còn những vùng đất khác chỉ là do chịu ảnh hưởng trong dân gian về tên gọi Năng Gù mà thôi.

Về tên gọi Năng Gù xuất phát từ tiếng Hán Việt hay tiếng Khmer chỉ là giả định của người viết. Tuy nhiên, giả thiết của tác giả Liêu Ngọc Ân đưa ra về việc người Khmer có trước người Việt là sai. Người Khmer có ở vùng núi phía Tây An Giang chứ không có mặt ở vùng này, vùng này thời bấy giờ hoang vu, là nê địa nên không thể có người Khmer sinh sống được. Còn sở dĩ người Việt sinh sống được vì họ đi khẩn hoang từng đoàn người đông đảo, có dụng cụ, vũ khí, đi đến đâu thì người Việt trảm thảo khai hoang đến đấy nên chắc chắn người Việt có trước người Khmer. Song, chưa có chứng cứ thật xác đáng rõ ràng về nguồn gốc đầu tiên của tên gọi này nên chúng tôi không bàn cãi.

Cù lao Năng Gù có liên quan gì đến xã Bình Thủy?

Trong bài viết, tác giả Liêu Ngọc Ân có nêu một câu mà bản thân chúng tôi – là con cháu của những người mở đất Năng Gù – cảm thấy bất bình, đó là: “… nếu đồng nhất cù lao Năng Gù xưa, nay là xã Bình Thủy quả nhiên không chính xác!”. Xin được thưa, cù lao Năng Gù và xã Bình Thủy là một, từ ngày khai phá đầu tiên đến nay, trải qua gần 250 năm vẫn nhứt nhứt như thế, không thể phủ nhận. Nếu nói như cách của tác giả Liêu Ngọc Ân thì tại sao gọi là “cù lao” Năng Gù mà lại không phải vùng đất nằm trên sông là xã Bình Thủy ngày nay?

Trong bài viết của Liêu Ngọc Ân cũng có dẫn ra một câu trong bài viết của Vĩnh Thông nhưng không hề đúng với nguyên bản của tác giả, đó là: “ranh giới cù lao Năng Gù xưa có thể tạm xác định là kéo dài từ giáp ranh Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao”. Với cách dẫn như thế thì Liêu Ngọc Ân không đồng ý với tác giả Vĩnh Thông là có lý. Nhưng rất tiếc là chúng tôi hoàn toàn không viết thế mà nguyên văn là: “ranh giới vùng Năng Gù xưa có thể tạm xác định là kéo dài từ giáp ranh Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao” (xin xem bài viết trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 79 – tháng 10/2011).

Như vậy, rõ ràng chúng tôi đã xác định “vùng” (hay “miệt”) Năng Gù bao gồm các vùng đất trên và “càng về sau thì khu vực này càng hẹp dần, đến nay tên Năng Gù chỉ còn chỉ xã Bình Thủy” (nguyên văn Vĩnh Thông). Có nghĩa là vùng đất vừa kể trên được gọi là “miệt Năng Gù” nhưng về sau, khi các vùng đó đã có tên gọi và địa giới rõ ràng thì không ai còn gọi là “miệt Năng Gù” nữa, mà tên gọi này chỉ còn trong phạm vi xã cù lao Bình Thủy mà thôi. Đó là các vùng phụ cận được gọi như thế, còn bản thân cù lao thì mặc nhiên tên gọi Năng Gù trước nay đã thuộc về nó rồi.

Tác giả Liêu Ngọc Ân cũng nêu: “… vùng Năng Gù mà tác giả (Vĩnh Thông) xem xét thực tại chỉ vỏn vẹn là “cù lao Bình Thủy” thì hoàn toàn sai lệch, vô tình làm người đời sau hiểu khập khiễng về vùng đất Năng Gù – chỉ là xã cù lao Bình Thủy”. Ở đây, thứ nhất, cù lao Năng Gù vốn là xã Bình Thủy, thứ hai Vĩnh Thông không hề đồng nhất hai khái niệm “vùng” và “cù lao” với nhau. Tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng việc đặt tên Bình Thủy chỉ là do phân tách địa giới hành chánh của Pháp. Giả thiết này hoàn toàn sai, bởi lẽ, không phải Bình Thủy được “cắt” ra từ Năng Gù mà tên gọi “vùng Năng Gù” được “mở rộng” thêm từ cù lao Bình Thủy.

Gọi tên phà Năng Gù là đúng hay sai, nên đổi không?

Tác giả Liêu Ngọc Ân đưa ra câu hỏi rất thú vị, xin dẫn nguyên văn: “Nếu đổi tên phà Năng Gù thì phải đổi tên nhà thờ Năng Gù, nếu không, nhà thờ Năng Gù (hiện không nằm trên vùng đất Năng Gù) được mang tên, sao phà Năng Gù lại không được, như thế có công bằng không?”. Xin được làm sáng tỏ thắc mắc trên.

Như đã nói, nhà thờ Năng Gù không nằm trên cù lao nhưng nằm trên “miệt Năng Gù” và trong số giáo dân có những người sống ở xã Bình Thủy, việc giáo xứ lấy tên Năng Gù chỉ là lấy một địa danh ở trung tâm để chỉ toàn vùng mà thôi. Cũng chính vì thế, nên Năng Gù được chọn làm tên đặt cho một giáo xứ rộng lớn. Đồng ý với tác giả Liêu Ngọc Ân là cù lao Năng Gù có trước giáo xứ Năng Gù, nhưng việc một tôn giáo lấy tên một vùng đất cũng không có gì là không thể chấp nhận. Ta vẫn thấy các tên gọi: Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Cầu Kho – Tam Quan, giáo xứ Phát Diệm…

Tương tự vậy, như việc ta gọi vùng Châu Đốc, Bảy Núi, Cồn Tiên là “vùng Châu Đốc” hay gọi vùng Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành là “vùng Long Xuyên” cũng không có gì sai.

Tuy nhiên, tại sao lấy bến phà Châu Giang không gọi là bến phà Châu Đốc, hay bến đò Cần Xây không gọi là bến đò Long Xuyên? Phà Năng Gù cũng trong trường hợp này.

“Vùng”, “miệt” hay “giáo xứ” chỉ vùng đất rộng, và lấy tên gọi của nơi trung tâm làm tên gọi toàn vùng. Tuy nhiên, “phà” là một địa điểm chính xác, rạch ròi, có điểm đi và điểm đến, không thể gọi chung chung như thế. Chưa kể là trong bài viết của Liêu Ngọc Ân còn có nhiều điểm chưa thỏa đáng:- Thứ nhất: Tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng địa giới xưa của cù lao Năng Gù là ngang với phà Năng Gù và phà Năng Gù có đi ngang hoặc ghé qua cù lao Năng Gù.

Giả thiết này chỉ đúng một phần. Nếu như theo ý kiến tác giả Liêu Ngọc Ân (có thể) cù lao Năng Gù xưa kéo dài đến tận bến phà ngày nay. Tác giả Liêu Ngọc Ân lại tiếp tục đưa ra một lý lẽ mập mờ: “Xưa Năng Gù rộng lớn, thì phà Năng Gù hoàn toàn đi qua bờ Năng Gù (bãi bồi) bên kia sông (nay là Phú Tân)”. Bản thân chúng tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây, thật sự không hiểu tác giả Liêu Ngọc Ân suy nghĩ như thế nào trong câu này? Cái mà tác giả Liêu Ngọc Ân gọi là “Bờ Năng Gù (bãi bồi)” thật sự không hề có liên quan gì đến “Phú Tân” cả, thì tại sao lại có chuyện “bờ Năng Gù (bãi bồi) bên kia sông” mà “nay là Phú Tân” được. Cù lao Năng Gù là xã Bình Thủy, còn Phú Tân là vùng đất phía trên, cách cù lao Bình Thủy một con sông Vàm Nao thì làm sao có thể đánh đồng hai địa điểm trên là một được chứ?

Chưa kể đến chuyện tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng “Xưa Năng Gù rộng lớn” là sai. Bởi lẽ, cù lao Năng Gù xưa rất nhỏ (chiều ngang 1,5 km và chiều dài 6,2 km) ngày nay cù lao được bồi đắp và lớn ra hơn (chiều ngang 2 km và chiều dài 9 km). Như thế, xét về thực địa thì cù lao Năng Gù xưa không thể nằm đến phà Năng Gù được! Hoặc nếu cù lao có nằm ngang bến phà ngày nay đi chăng nữa thì cũng không có lý do gì lại gọi bến phà là phà Năng Gù được, bởi lẽ phà hình thành khoảng đầu thế kỷ XX và lúc đó thì cù lao Năng Gù đã lở khá xa bến phà rồi!

Tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng phà Năng Gù hình thành từ xa xưa, trước là xuồng chèo, và có “ghé” ngang cù lao Năng Gù. Giả thiết này cũng không thuyết phục. Theo sử liệu bến phà này do Pháp xây dựng, trước đó là đò máy và hình thành khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuyệt nhiên không có chuyện phà có từ lâu và “ghé” rước khách ở cù lao Năng Gù được. Hoặc có chăng đi nữa thì chỉ là những chiếc xuồng tự phát, mà tự phát thì muốn đi đâu về đâu là chuyện của chủ xuồng, như vậy không hình thành bến đi – bến đến thì chưa thể coi là địa điểm đặt bến phà ngày nay được.

- Thứ hai: Tác giả Liêu Ngọc Ân nhầm lẫn giữa hai bến đò được nhắc đến trong nguyên văn của Giáo sư Huỳnh Ái Tông và của Vĩnh Thông.

Giáo sư Huỳnh Ái Tông viết: “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù, về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là Bắc Năng Gù”.

Như vậy qua đoạn văn trên, độc giả có thể thấy rằng ý kiến của giáo sư Huỳnh Ái Tông cũng giống như chúng tôi, đó là ông cũng không đồng ý việc gọi tên bến phà Bình Mỹ - Phú Tân là phà Năng Gù.

Tác giả Vĩnh Thông

Xin nói lại đoạn văn này của ông cho rõ. “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù”, ngôi chợ ở đầu làng mà ông viết nay chính là chợ Bình Thủy vẫn còn nằm ở đầu cù lao ngày nay, và bến đò ngay chợ thường gọi là bến đò Năng Gù nay chính là bến đò Bình Thủy (trên) đối diện với trường THPT Bình Mỹ. Như vậy rõ ràng cù lao Năng Gù thời bấy giờ đã có một bến đò riêng đi qua Bình Mỹ, Châu Phú. Giáo sư viết tiếp: “về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả”. Ở trên chợ và bến đò Năng Gù có một bến phà khác nữa, mà bến phà này không đi ngang qua Năng Gù nhưng do những người xe đò từ xứ khác đến, không hiểu vùng đất này, thấy phía dưới bến phà có đò và chợ Năng Gù nên họ đã “đồng hóa” bến phà này với Năng Gù.

Tác giả Liêu Ngọc Ân đưa ra nghi vấn: “Không lẽ, khi lập bến phà chính quyền địa phương không thể đặt được cái tên, phải đợi đến các “lơ” xe và người qua đường lấy tên “vùng đất dưới” (dưới nào?) đặt tên (?!)”. Thật sự mà nói, không biết tác giả Liêu Ngọc Ân không thể hiểu hay cố tình không hiểu cách giải thích của chúng tôi trong bài viết trước. Bến phà hình thành trước là đò máy, sau nâng cấp lên phà, thì đến lúc nâng cấp lên phà do chính quyền quản lý thì mới được có tên gọi chính thức. Còn trước đó, khi đang còn là bến đò nhỏ thì chưa có tên và những lơ xe phải gọi là Năng Gù. Lý do gọi bến phà Năng Gù đã được trình bày ở trên (do không hiểu về địa phương) còn “vùng đất dưới” chính là cù lao Năng Gù. Tức là những người lơ xe không hiểu về địa danh này, thấy ở phía dưới có bến đò Năng Gù và chợ Năng Gù (tức bến đò và chợ đầu cồn Bình Thủy ngày nay) nên đã gọi bến phà này là phà Năng Gù. Thực chất, phà Năng Gù không hề có liên quan đến cù lao Năng Gù.

Tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng bến đò Năng Gù (xưa) sau này được lấy tên đặt cho bến phà Năng Gù (nay) là do sự thay thế của Pháp là hoàn toàn sai. Vì hai bến này khác nhau điểm đi và điểm đến, khác nhau về địa giới hành chánh. Không có sự thay thế nào cả, mà chỉ là sự chiếm dụng tên gọi của một bến đò của một cù lao đặt cho tên một bến phà ngang sông Hậu. Còn việc “lơ xe” chỉ là giả định, có thể chưa hẳn đã do lơ xe đặt, mà do những chủ quán bên đường, du khách, hoặc do chính quyền Pháp không rành về xứ Nam Kỳ… Tất cả đều có thể là những người gián tiếp hình thành tên gọi này.

Như vậy cách lý giải của chúng tôi trong bài viết “Cần đính chính về tên gọi phà Năng Gù” chính là ý của Giáo sư Huỳnh Ái Tông, nguyên văn của chúng tôi viết: “Theo giáo sư Huỳnh Ái Tông giải thích, sở dĩ bến phà bị/được gọi là phà Năng Gù bởi vì những người xe đò từ xứ khác đến, không rành địa danh, thấy vùng đất phía dưới (tức cù lao Năng Gù – V.T) được gọi là Năng Gù nên đã gọi “tạm” bến phà này là bến bắc Năng Gù!”.

Nhận định lại, có nên chăng?

Thưa tác giả Liêu Ngọc Ân, giáo sư Huỳnh Ái Tông và Vĩnh Thông đều là những người con của đất Năng Gù Bình Thủy, chúng tôi tự hào về tên đất – tên người của quê hương, tự hào về ông cha chúng tôi đã khai mở và xây dựng thôn xóm. Đấy cũng là lý do mà chúng tôi muốn trả lại cái tên Năng Gù cho đúng với nguồn gốc buổi sơ đầu của nó. Tên gọi Năng Gù đã không thuộc về bến phà Bình Mỹ - Phú Tân thì hà cớ gì phải sử dụng, trong khi có một nơi khác đang rất cần được “thanh minh” lại về tên gọi này, đó là xã cù lao Bình Thủy. Thử hỏi ngày nay, được bao nhiêu người biết Năng Gù chính là Bình Thủy, phà Năng Gù là tên gọi bị “chiếm dụng”? Chúng tôi muốn người đời sau phải biết về cội nguồn của mình. Vùng đất Năng Gù không phải do chúng tôi “vẽ định một cách không có căn cứ” như tác giả Liêu Ngọc Ân đã nói mà là có thật trên phương diện lịch sử. Đó là một trong những nơi được khai phá sớm ở An Giang, và được trân trọng ghi vào Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhứt thống chí. Đó là dãy cù lao Bình Thủy ngày nay, chứ không phải là nơi nào khác. Tác giả Liêu Ngọc Ân cho rằng thay tên đổi họ của bến phà gần trăm năm là không thỏa đáng, vậy xin được hỏi, chiếm dụng tên của vùng đất hình thành gần 250 năm là thỏa đáng chăng? Tác giả Liêu Ngọc Ân vẫn nhứt nhứt khẳng định cù lao Năng Gù không gói gọn trong xã Bình Thủy, như thế là hoàn toàn sai, bởi lẽ cù lao Năng Gù chính là xã Bình Thủy chứ còn đâu nữa! Chẳng phải như tác giả Liêu Ngọc Ân đã dẫn ra một đoạn của Gia Định thành thông chí đó sao? Nhưng tác giả Liêu Ngọc Ân quên rằng ở phía trước câu: “Ở phía trước hạ khẩu Vàm Nao thuộc Hậu Giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy” còn có dòng chữ “Năng Gù châu (cù lao Năng Gù)”. Tức Gia Định thành thông chí (và cả Đại Nam nhất thống chí sau này) đều khẳng định cù lao Năng Gù là thôn Bình Lâm, và nay chính là xã Bình Thủy.

Xin thưa cùng tác giả Liêu Ngọc Ân, khi chúng tôi đã dám viết và công bố bài viết “Cần đính chính lại về phà Năng Gù” thì chúng tôi đã tìm đủ chứng cứ cho bài viết, vả lại cũng không đơn thuần chỉ là tư liệu khoa học lịch sử, mà đó là tấm lòng trân trọng với đất với quê. Rất mến mộ tác giả Liêu Ngọc Ân đã cùng tham gia đề tài này để làm sáng tỏ, âu đó cũng là lòng trân trọng của một con người. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, tác giả Liêu Ngọc Ân vẫn đưa ra khá nhiều ý kiến chủ quan, phiến diện, và hầu như là hoàn toàn mâu thuẫn về tư liệu lịch sử hình thành vùng đất này. Có lẽ do chưa được hiểu tận gốc về địa phương nên có những thông tin sai lệch đó, làm cho bạn đọc hiểu nhầm về cù lao Năng Gù. Mong tác giả kiểm chứng lại thông tin đồng thời xác minh ở địa phương nơi đang nghiên cứu sẽ thấy rõ những quan điểm mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn phù hợp với phương diện lịch sử lẫn tâm tư nguyện vọng của những người con Năng Gù như chúng tôi. Lòng ưu ái của tác giả Liêu Ngọc Ân với cái tên “phà Năng Gù” là đáng trân trọng, nhưng tình cảm thiêng liêng mà chúng tôi dành cho cái tên “cù lao Năng Gù” của chúng tôi chẳng lẽ không đáng trân trọng hay sao?

Khi viết những dòng này, bỗng dưng tôi chợt nhớ tới hai câu thơ rất hay của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”. Cuộc trao đổi dầu đi đến đâu thì sự thật vẫn là sự thật, lịch sử đã được khẳng định và mãi mãi là tên đất của xã Bình Thủy chúng tôi. Rồi sẽ có một ngày lịch sử được trả về cho lịch sử!