Trao đổi mấy ngộ nhận về vụ Láng Thé.

Post date: May 24, 2017 6:49:50 PM

TRAO ĐỔI MẤY NGỘ NHẬN VỀ VỤ LÁNG THÉ.

NNC. Nguyễn Hữu Hiệp.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang, số 144, tháng 3-2017.

TÌM HIỂU VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ THỦ KHOA BÙI HỮU NGHĨA (1807-1872), NGOÀI MỘT SỰ KIỆN DUY NHẤT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN PHÓ GIÁM MỤC ĐÔ-NY-MI-CÔ Ở HUYỆN TÂN MINH, THẤY GHI TRONG ĐẠI NAM THỰC LỤC THÁNG 10 NĂM GIÁP THÂN (1844), HẦU NHƯ CÁC BỘ CHÍNH SỬ TRIỀU NGUYỄN ĐỀU KHÔNG GHI GÌ THÊM VỀ NHÂN VẬT BÙI HỮU NGHĨA, NHƯNG TƯỞNG CŨNG NÊN THỐNG NHẤT RẰNG CÂU CHUYỆN “OAN ÁN LÁNG THÉ” LÀ CÓ THẬT VÌ NÓ ĐÃ PHỔ BIẾN TỪ LÂU (DÙ CHỈ LÀ TRUYỀN THUYẾT), ĐỂ RỒI TRÊN CƠ SỞ ĐÓ, TA THẤY CÓ MẤY VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI.

- Về hoạn lộ: Có phải ông Bùi Hữu Nghĩa từng làm tri phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa, rồi bị giáng chức làm tri huyện Trà Vang (Trà Vinh) thuộc phủ Lạc Hóa, Vĩnh Long?

Tham khảo Đại Nam điển lệ toát yếu về Cách tuyển dụng các tú tài, được biết, lệ thời Tự Đức định rằng các cử nhân thi Hội bị trượt, như trường hợp Bùi Hữu Nghĩa, lúc đầu cho hàm huấn đạo, lĩnh chức giáo thụ, hoặc hàm chánh bát phẩm lĩnh chức tư vụ, hay biên tu; chu [tròn] một năm sẽ cho thực thụ, lại chu hai năm, thăng hàm đồng tri, lĩnh chức tri huyện, tri châu hoặc chức thông phán, chức tu soạn (trước sau cộng là ba năm). Sau khi thăng đến tri huyện, tri châu sẽ được chiếu theo lệ chung các quan lại mà thăng hay giáng.

Như vậy sau thời gian 3 năm thí sai (tập sự) sẽ được bổ làm tri huyện. Có nghĩa, khởi đầu con đường làm quan, ông Bùi Hữu Nghĩa chỉ được làm tri huyện (ở Trà Vinh – không phải Trà Vang) thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long chứ không thể làm tri phủ Phước Long (ở Biên Hòa). Do đó nói Thủ khoa Nghĩa làm tri phủ bị giáng xuống tri huyện là không đúng.

* Biết thêm: Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được bổ đến làm tri huyện Trà Vinh (không thấy sử ghi đích xác năm nào, chỉ biết chắc là trước năm 1844 – là năm ông bắt được Phó giám mục Đô-ni-my-cô ở huyện Tân Minh như đã có ghi ở trên), thay Quyền tri huyện Trương Minh Lượng vừa bị tội. Đại Nam thực lục, T. Năm, tr. 94. Đinh Dậu, Minh Mệnh thứ 18 (1837), tháng 5. Trương Minh Lượng, quyền Tri huyện Trà Vinh tỉnh Vĩnh Long tra tấn người đến chết, bị quan tỉnh đem ra hặc tội. Lượng bèn đem ấn vượt địa giới đến Gia Định, vu khống bịa đặt ra tệ quan tỉnh làm việc thiên tư, xin tâu giúp cho. Tổng đốc Gia Định là Nguyễn Văn Trọng đem việc ấy tâu lên. Vua sai Nguyễn Văn Trọng cùng Bố chính Hoàng Quýnh làm Khâm sai đại thần đem cả bị can và làm chứng xét hỏi, sai thị vệ đem cờ bài khâm sai cấp cho. Trọng lấy cớ trốn tránh. Vua không nghe, dụ rằng: “Đem lòng trung thờ vua là chức phận nhân thần, há không nghe người đời xưa làm việc công quên tình riêng, không kiêng người thân, không tránh kẻ thù ư? Huống chi Lượng với ngươi vốn không phải để tang nhau, việc gì mà tránh, ngươi là đại thần của nước, được trẫm chọn phái đi làm việc, chỉ nên giữ đạo công và lòng trung, bỏ hết tính quen biết, cốt tra ra thực tình, oan uổng không tha, để xứng đáng với chức vụ trẫm đã ủy cho”. Đến khi thành án, Minh Lượng phải mãn lưu [lưu 2.000 dặm].

Đặt lại vấn đề này có người cho rằng, nói như thế là hạ thấp chức vụ của ông, vì lâu nay đã có không ít người cho rằng trước khi làm tri huyện Trà Vinh, Bùi đã từng làm tri phủ Phước Long. Nói thế là “trật sách vở”. Hay nói một cách khác, chính họ mới là người đã hạ thấp chức vụ của ông. Đối với một nhân vật lịch sử thiết nghĩ, mọi sự tùy tiện bịa đặt đều không nên, nếu không muốn nói là có lỗi.

Bản dập mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, đoạn viết về Bùi Hữu Nghĩa (quan đến Tri huyện, can tội, mộ nghĩa binh đánh giặc được trao chức Quản cơ).

- Về chính sách đối với người Khơ me/ Chân Lạp: Để thể hiện sự quan tâm và tỏ rõ rất mực ưu ái với người Khơ me, thông qua chủ trương về thủy lợi – nguồn sống chính của bà con. Thật vậy, nhà vua đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này với thái độ rất kiên quyết nếu ai dám trái lệnh, chẳng hạn như:

- Tháng 8 năm Ất Mão [1795], Nguyễn Ánh sai lấy 68 sở thủy lợi (là các chỗ đánh cá kiếm lợi) ở Hậu Diện thuộc Tiền Giang và ở Châu Đốc thuộc Hậu Giang trả về cho Chân Lạp, cấm các ngư hộ không được xâm lấn, cũng không được mua riêng, làm trái thì xử tử[1].

- Tháng giêng năm Đinh Sửu [1817], cấm dân ta không được lãnh mua các chỗ thủy lợi của Chân Lạp[2].

- Về Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển và Bố chính Vĩnh Long tên là Truyện: Có người cho rằng đó là 2 tên sâu dân mọt nước khét tiếng tham nhũng? Và, có hay không chuyện Thủ Khoa Nghĩa sai lính đánh em vợ Bố Chánh Truyện về tội dựa thân thế quan trên đã láo xược trước huyện đường và còn gởi mấy roi về cho Bố Chánh Truyện để dạy em vợ. Bố Chánh Truyện rất tức giận hành động này, nhưng chẳng dám hở môi và luôn luôn chờ đợi cơ hội trả thù, nên tiếp tay với Tổng đốc Trương Văn Uyển bắt tri huyện Bùi Hữu Nghĩa gởi về Gia Định, rồi làm sớ tâu triều đình vu khống về triều để kết tội ông xúi dân làm loạn để giết người. Vua quan triều đình Huế thấy tờ sớ, không cần điều tra sự việc, vội vàng chiếu chỉ kết án tử hình ông Thủ khoa Nghĩa?

Tra cứu trong Đại Nam thực lục, ở Vĩnh Long không hề có viên Bố chính nào tên Truyện, mà tại nơi ấy, trước thời điểm xảy ta vụ Láng Thé chỉ có Bố chính Trần Tuyên - ông này cùng với tri huyện Trà Vinh Hoàng Hữu Quang trong trận đánh với bọn thổ phỉ ở phủ Lạc Hóa bị thua và chết trận năm 1841 (do đầu mục giặc tên là Cơ giết hại). Tiếp theo đó, triều đình cho Bố chính Gia Định là Lê Khánh Trinh làm Bố chính Vĩnh Long. Ta biết, Bố chính là người giữ việc thuế khóa, tài chính toàn hạt, nhưng Khánh Trinh (và Chưởng Hậu quân Nguyễn Văn Trọng trước ở Gia Định) đã nhận riêng đồ đưa tặng của thương khách người nhà Thanh, bị phái viên Đào Trí Phú đem hặc, giao Bộ tra xử. Án dâng lên, hai người đều bị xử phạt trượng, cách chức. Vua cho rằng: Việc này xảy ra trước khi có lệnh ân xá các tội phạm, bèn tha cho hai người, thu lấy tang vật sung công, và không thể không chuyển Khánh Trinh trở về làm Bố chính tỉnh Gia Định (tháng 6 năm Nhâm Dần, 1842), cho Tán tương quân vụ Lê Khắc Nhượng bổ thụ Lang trung bộ Lại, quyền lĩnh ấn triện Bố chính Vĩnh Long (đến tháng 5 năm Bính Ngọ bổ Lê Khắc Nhượng làm Bố chính tỉnh Gia Định thay Lê Khánh Trinh). Rồi lần lượt: tháng 4 năm Giáp Thìn (1844) cho Án sát Vĩnh Long là Nguyễn Quốc Hoan thăng thự Bố chính tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 3 năm Ất Tỵ (1845) quyền Bố chính Vĩnh Long được điệu bổ quyền Bố chính Định Tường; Bố chính Định Tường là Hoàng Du được điệu bổ Bố chính Vĩnh Long... Như vậy từ năm 1841 đến 1845, trải 5 đời bố chính Vĩnh Long không có bố chính nào tên Truyện cả! Vậy Truyện là nhân vật do ai đó dựng lên, nên miễn bàn luận dài dòng, chỉ thêm “hao mực”.

Tóm lại trong vụ Láng Thé, cho rằng quan bố chính Vĩnh Long tên Truyện nhận hối lộ của người Hoa để được khai thác thủy lợi, ức hiếp người Khơ me, nhất định không phải là “con ma” Truyện, mà có thể là Bố chính Lê Khánh Trinh.

Còn Tổng đốc Trương Văn Uyển là người thế nào? Theo Đại Nam thực lục, Tổng đốc là người giữ việc cai trị cả quân dân, cầm đầu các quan văn võ trong toàn hạt, khảo hạch các quan lại, sửa sang bờ cõi. Trong tinh thần đó, sử chép, tháng 6, Vua bảo Hà Quyền và Trương Đăng Quế rằng: “Nội các là chỗ cơ quan trọng yếu. Bọn khanh nên xét kỹ các thuộc hạ, ai giỏi thì cho tiến lên, ai kém thì cho lui, đừng có thiên tư, để cho người bậy được cầu may mà dung thân, không ích gì cho công việc”. Do đó bọn Quyền làm sớ cử những người cần cán nên thăng là bọn Trương Văn Uyển, Trần Ngọc Giao, Nguyễn Đức Hoạt, Lâm Duy Nghĩa, hơn 10 người. Tôn Thất Du và Nguyễn Duy Trường học thức tầm thường thì xin bổ ra ngoài. Vua đều nghe theo.

Rõ ràng Trương Văn Uyển là người cần cán, xứng đáng là quan lớn của triều đình. Nhưng vì sao trong vụ án Láng Thé người ta lại cho rằng ông và Bố chính Truyện là 2 tên sâu dân mọt nước khét tiếng tham nhũng? Phải chăng đây là một sự nhầm lẫn lớn cần được xem xét lại ngọn nguồn.

Khảo trong chính sử, ta thấy hãy có một vị quan cùng thời trùng tên là Tống Văn Uyển, được xem là người có liên quan trực tiếp đến vụ án. Tuy nhiên trước hết tưởng cũng nên biết qua về nhân vật vốn khá được nhà vua tin tưởng. Quốc triều chánh biên toát yếu, tr. 134. Năm Đinh Hợi [1827], tháng 3. Vạn Tượng với Xiêm đánh nhau, Ngài nghĩ thượng đạo Cam Lộ thông với Xiêm, bèn khiến Quản đạo Tống Văn Uyển dò xét việc ấy.

Minh Mệnh chính yếu, quyển thứ 25, tr. 288 cho biết: Năm Minh Mệnh thứ 8. Người Mường thuộc Tiểm ở khu vực Hàn Ma Lát [Nhùm Bà Lạt: người Việt Nam ta quen gọi như vậy] bị quân của nước Vạn Tượng tới đánh phá; nên đã cùng nhau kéo toàn bộ lạc về ở vùng biên giới Việt Nam, xin dâng voi, và tình nguyện xin quy phụ làm nội thuộc. Viên Quản đạo ở Cam Lộ là Tống Văn Uyển tâu báo tự sự về Kinh đô.

Nhà vua xuống dụ sai Văn Uyển đem lính “định Man” [loại binh chủng có nhiệm vụ bình định các vùng xứ Mường Mọi] qua sách [làng] Na Bôn [Tchépone?], lựa chọn một khu vực rộng rãi để tổ chức định cư cho bọn Mường; xong rồi về. Ngài cũng sai quan Thị độc là Vương Hưng Văn cùng góp sức giúp đỡ với Văn Uyển trong những công tác biên phòng. Nhà vua còn dụ rằng: “Nay nhà ngươi qua đó, cần phải tuyên truyền hiểu thị oai đức của triều đình để vỗ về những dân làng Mọi, hầu làm cho họ chịu thành thực quy phục. Còn như đám người Mường ở Hà Ma Lát [Nhùm Bà Lạt] thì tuy tìm đất định cư cho họ, tháp nhập họ vào một phương nào đó xét ra thuận tiện, nhưng vẫn để cho họ được tự do đi lại”.

Tống Văn Uyển thuộc hàng quan lớn của triều đình, có thời gian được phái đến công tác ở lục tỉnh, tuy có công nhưng bản chất lại quen thói “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để thu vén, tư lợi (chưa đến mức “truy cứu trách nhiệm hình sự”! Sử chép: năm thứ 10 (1829), mùa hạ, trước đây bảo hộ Chân Lạp Nguyễn Văn Thoại đã mất, triều đình bàn đặt chưa chọn được người, gặp Duyệt sai thự lang trung Nguyễn Đăng Giai đến cửa khuyết tâu việc, và nói phó tướng Hữu quân Nguyễn Văn Xuân có thể sai đi bảo hộ Chân Lạp được. Vua nghĩ Xuân tuổi già không muốn phiền đi xa. Bèn cho thống chế Nguyễn Văn Tuyên, Binh bộ Tả tham tri Bùi Đức Minh hiệp đồng bảo hộ.

Vua thân dụ Duyệt rằng: “Tuyển người đi bảo hộ, Xuân thực đương nổi, nhưng tuổi ngoại 70, mới được kiêm lĩnh chức Thương bạc, nếu lại sai đi biên cương không phải là yêu thương lão thần. Tuyên tuổi trẻ sức khỏe hơi quen được ngoài biên, lại được người ở gần đấy trù việc dạy bảo thế cũng làm xong việc, trẫm đã sai đi rồi. Nay các viên văn võ phái đến bang biện là Tống Văn Uyển, Trần Chấn Khanh, ngươi nên xét kỹ tâm thuật hai người ấy nên lưu ai nên rút về, cứ thực tâu lên”.

Duyệt tâu rằng Châu Đốc là địa đầu xa xôi mà Chân Lạp lại là nước Phiên phụ dùng người tốt xấu, việc ngoài biên quan hệ vào đấy. Tôi nghe (Tống Văn) Uyển mới đến đã đổi lấy dầu mỡ tài liệu của người Chân Lạp để đóng thuyền buôn. Lại xin lưu lại các sở thủy lợi để lấy lợi đánh cá. Trấn ở Lạc Hóa đã bị dân Phiên kiện điền thổ để gây mối tranh, đến lúc đi Châu Đốc thì chở nhiều thóc nhà đến Chân Lạp buôn bán để tranh lợi, cứ những việc làm như thế thì hiếu sự mưu việc lợi riêng, đã hơi lộ tâm thuật không tốt rồi, nếu để ở lâu chả khỏi cho người ngoài chê trách. Vua lập tức truyền lũ Uyển về Kinh[3].

Như vậy phải chăng chính Tống Văn Uyển là người đã gây ra mối tranh việc thủy lợi với người Khơ me? Đây là chi tiết nhầm lẫn rất hệ trọng mà nguyên nhân là do trùng tên nên trước nay khi kể về vụ án Láng Thé ai nấy cứ nhè Tổng đốc Trương Văn Uyển mà mạ lỵ!

*Biết thêm: Năm Giáp Ngọ [1834], tháng 5. Phó Lãnh binh tỉnh Sơn Tây, Tống Văn Uyển chết. Uyển đi trận mạc đã nhiều, có chút công lao. Đặc cách cho cấp tiền tuất gấp đôi, và cho Hồ Bôi, Phó vệ úy, trật tòng tam phẩm, làm Phó lãnh binh Sơn Tây. (Đại Nam thực lục, Tập Bốn, tr. 191).

- Về lệnh “quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội”: Theo Đại Nam điển lệ toát yếu, lệ về bộ Lại định phẩm trật giai cấp đặt ra trong khoảng thời Minh Mạng, trong đó “hiệu lực” là tên thụy của chức quan võ, thuộc hàng chánh cửu phẩm (nói đủ là hiệu lực hiệu úy), hay tùng cửu phẩm (nói đủ là hiệu lực tá hiệu úy – quan thấp nhất nhưng vẫn còn trong khuôn khổ 9 bậc, gọi “cửu phẩm” của triều đình). Như vậy từ chức tri huyện trật Tùng lục phẩm ông Bùi Hữu Nghĩa bị giáng xuống 6, 7 trật, tức phải nhận chức quan võ nhỏ hơn chức quan văn tri huyện, chứ không phải bị đày làm lính (nhưng phải đóng quân nơi trận tiền đánh giặc lập công chuộc tội), càng không phải bị tội lưu đày. Chính vì vậy nên giai đoạn cuối đời, khi đã tròn phận sự (có tài liệu nói lúc này ông đã làm tới chánh/ phó quản cơ, coi khoảng 500 quân), ông xin từ quan về quê dạy học, viết tuồng, làm thơ kích động lòng yêu nước trước họa thực dân xâm lược ...

- Có hay không chuyện ông Thủ khoa cưới vợ sau, bị nhà gái đánh tráo?!

Ta biết, nếu đánh tráo tất nhiên người thay thế phải kém hơn. Đó là chưa nói đến sự gian trá của nhà gái. Tâm thuật như thế bất cứ ai cũng không dễ chấp nhận, huống chi!

Người dựng ra chuyện này quả thật quá ... liều! Bởi lẽ nào ông Thủ khoa không biết luật của triều đình! Đã biết thì sao dám trái luật!

Xin trích lại một đoạn trong Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), phần Hôn luật: Nếu trong một đám cưới, mà nhà gái đánh tráo (đứa con gái khác vào thay cho đứa con gái người ta đã hỏi), thời phạt 80 trượng, mà đồ lễ cưới thời phải trả lại cho nhà trai; nếu nhà trai đánh tráo (đứa con trai khác vào thay cho đứa con trai đi hỏi trước thời chịu phạt hơn lên một bậc, mà đồ lễ cưới thời không được đòi lại. Nếu chưa làm phép cưới, thời phải theo như lời định trước mà gả bán; nếu trót đã làm phép cưới rồi, thời phải ly dị. Nếu trong một đám cưới dẫu đồ lễ đã dẫn rồi, song chưa đến ngày hẹn cưới, mà nhà trai lại cưỡng bắt mất đứa con gái, hoặc nếu đã đến ngày cưới rồi mà nhà gái lại cố ý trái hẹn thời đều phạt 50 roi.

Nhắc nói đến các nhân vật lịch sử miền Nam, trong chúng ta không ai còn lạ gì vị thủ khoa văn tài bậc nhất vùng đất. Đó là sự thật. Một sự thật rất đáng hãnh diện, tự hào, do vậy tưởng không cần phải xây dựng cốt chuyện với những tình tiết không đâu (dựng lên “con ma” bố chánh Truyện), thậm chí vu khống (cho rằng Trương Văn Uyển là tên sâu dân mọt nước khét tiếng tham nhũng!) bởi như vậy không thể không xúc phạm người ngay, và không thể không làm cho thế hệ tuổi nhỏ hoài nghi sự vinh danh của nhân dân từ bao thuở trước: “Đồng Nai có cặp rồng vàng, Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan tuẫn thần”.

Nói tóm, đề cao một nhân vật lịch sử trong tinh thần ngưỡng mộ đức độ, tài danh là hành vi đúng đắn, và là đạo lý làm người, nhưng phải luôn luôn nhớ rằng, đối với một nhân vật lịch sử thiết nghĩ, mọi sự tùy tiện bịa đặt đều không nên, nếu không muốn nói là có lỗi. Và, cho dù viết dưới thể loại nào, lịch sử tiểu thuyết chẳng hạn, nếu xây dựng cốt chuyện với những tình tiết thiếu khách quan, dựng đặt không trung thực, nhất là vô cớ sỉ nhục người khác (như trường hợp Tổng đốc Trương Văn Uyển) là điều rất không nên, vì đó là hành vi làm xáo trộn lịch sử, gây hoang mang người đọc.

[1] Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ. Nxb Giáo dục, 2007.

[2] Quốc triều chánh biên toát yếu. Nhóm nghiên cứu sử địa xb, S., 1971.

[3] Đại Nam liệt truyện, Tập Hai. Nxb Thuận Hóa, 1994.