THỬ XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI CÁC MINH VĂN 

THỬ XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI CÁC MINH VĂN TRONG KHU LĂNG MỘ NHÀN TĨNH PHU NHÂN CHÂU THỊ TẾ VÀ PHU QUÂN (NÚI SAM – CHÂU ĐỐC)

Trần Hoàng Vũ

Hội thảo Khoa Học Nhân Vật Lịch Sử Châu Thị Tế (07-2022)


Khu lăng mộ Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế và chồng là Thoại Ngọc hầu tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Văn bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký cho thấy vợ chồng bà Châu Thị Tế đã có ý định chọn nơi này làm nơi an nghỉ sau cùng. Lăng mộ được xây dựng trong khoảng những năm cuối thập niên 1820 (vợ thứ của ông là bà Trương Thị Miệt qua đời năm 1821, Nhàn Tĩnh phu nhân qua đời năm 1826, ông Thoại Ngọc hầu qua đời năm 1829). Khu lăng mộ này chứa đựng nhiều di sản Hán Nôm, bao gồm các văn bia, câu đối, bình phong. Giá trị của các tư liệu này phụ thuộc vào niên đại ra đời của chúng. Bài viết dưới đây muốn đưa ra một số thông tin tham khảo về thời kỳ ra đời của một số minh văn trong khu lăng mộ. Qua đó, giúp các nhà nghiên cứu có thêm thông tin để đánh giá giá trị tư liệu của các minh văn ấy. 

Tư liệu được sử dụng chủ yếu là các hình ảnh được chụp hoặc quay trong suốt thế kỷ XX. Mặc dù không có niên đại chính xác mà các ảnh này được chụp, nhưng thông qua những gì được thể hiện trong ảnh vẫn có thể đoán định được khoảng thời gian tương đối. Căn cứ chủ yếu là việc có hay không ngôi đền thờ Thoại Ngọc hầu ở phía sau lăng – mà ta biết chắc là được dựng vào năm 1928 [1].

Các câu đối trên mộ và cổng vào

Ngày nay, trong khu lăng mộ ở núi Sam vẫn còn ba cặp câu đối bằng Hán văn trên mộ Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế, trên mộ Thoại Ngọc hầu và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt. Đồng thời ở hai bên cổng vào, mỗi cổng đều có hai cặp câu đối ở hai bên tả hữu cổng. Trong kho bưu ảnh của người Pháp có hai bức ảnh có tiêu đề “Tombeau du Mandarin Vin-Thé à Chaudoc (Cochinchine)” (Mộ của quan Vĩnh Tế ở Châu Đốc [Nam Kỳ]). Bức thứ nhất chụp hai toán [tr.36] lính Pháp và Việt dàn hàng trước mặt tiền lăng để chụp ảnh. Bức thứ hai chụp 13 người lính Pháp đứng bên trong khuôn viên lăng. Phía hậu cảnh của lăng chưa thấy xuất hiện khu đền thờ Thoại Ngọc hầu dựng năm 1928. Vì thế, các ảnh này phải được chụp vào trước đó, khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XX. Điều đặc biệt là bức ảnh thứ hai cho phép ta đọc một cách rõ ràng đôi câu đối trên mộ bà Châu Thị Tế, và nó hoàn toàn khác với đôi câu đối hiện có trên mộ bà.  

Câu đối vào đầu thế kỷ XX có nội dung:

福履纓君子

Phúc lí anh quân tử.

威儀配大人

Uy nghi phối đại nhân.

Tạm hiểu:

Phúc phần ràng buộc với người quân tử.

Vẻ vang sánh vai cùng bậc đại nhân.

Mộ bà Châu Thị Tế trước năm 1928

Ngày nay, trên mộ Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế có đôi câu đối đề:

清廉開海務

Thanh liêm khai hải vụ. [tr.37]

南澤滿山河

Nam trạch mãn sơn hà.

Tạm hiểu:

Thanh liêm mở mang việc biển.

Ân trạch tưới khắp non sông.

Mặc dù bức ảnh “Tombeau du Mandarin Vin-Thé à Chaudoc (Cochinchine)” không cho phép ta nhìn rõ được chữ trên hai câu đối ở mộ Thoại Ngọc hầu, nhưng dựa vào dáng chữ vẫn có thể xác định được số lượng chữ trên mỗi câu đối là sáu chữ. Đôi câu đối ngày nay trên mộ của Thoại Ngọc hầu chỉ có năm chữ. Cụ thể là:

Văn chương hoán tinh đẩu

Tinh tiết trấn sơn hà

Như vậy tư liệu hình ảnh cho phép ta kết luận đã có những thay đổi nhất định về nội dung các câu đối trên mộ Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế và Thoại Ngọc hầu. Điều đó có nghĩa rằng các tư liệu Hán Nôm trong khu lăng mộ này cần được khảo sát kỹ lưỡng hơn, chứ không thể vội vàng gắng liền chúng với vợ chồng bà Châu Thị Tế hoặc những người thân cận nhất với vợ chồng họ. Bức ảnh “Tombeau du Mandarin Vin-Thé à Chaudoc (Cochinchine)” chụp mặt tiền lăng cũng cho phép ta nhận thấy các cặp câu đối ở hai bên cổng vào của lăng mà ta thấy hiện nay đã có thay đổi về vị trí và bố cục – dù một số câu đối hoặc một bộ phận của chúng vẫn còn giữ được như hồi đầu thế kỷ XX. Vấn đề này đã được tác giả thảo luận chi tiết ở một chỗ khác [2]. Ở đây chỉ xin thảo luận về một số chi tiết chưa được giải quyết: Vì sao lại có sự thay đổi này? Việc thay đổi này diễn ra trong khoảng thời gian nào?

Chúng ta có thể dự đoán rằng các văn tự trong khu lăng mộ ở núi Sam đã trải qua nhiều biến động của thời gian và thời tiết, khiến cho các văn tự Hán Nôm ở đó bị tổn hại nghiêm trọng. Một bộ ảnh gồm 2 bức khác cũng do người Pháp chụp có nhan đề “Tombeau de la famille Siva” (Mộ của gia đình Siva) giúp ta xác nhận điều này. Bức ảnh được đánh số 79 chụp khuôn viên lăng từ phía sau và bức ảnh số 80 chụp khuôn viên lăng từ mặt trước. Ảnh số 80 cho thấy ngôi đền thờ Thoại Ngọc hầu đã xuất hiện. Nhưng vào thời điểm đó chưa có [tr.38] xây hai bậc thang. Để đi từ khuôn viên lăng lên đền thờ, người ta gác một cái thang đơn giản. Điều quan trọng là ảnh số 80 cho thấy các câu đối trên mộ Nhàn Tĩnh phu nhân Châu Thị Tế, trên mộ Thoại Ngọc hầu và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt cùng nhiều hoa văn có liên quan đều đã bị phai mất, không còn sót lại một chút gì.

Hiện trạng khu lăng khoảng sau 1928

Tình trạng mất mát về văn tự đó chắc đã được giải quyết trong một lần trùng tu nào đó sau khi bức ảnh này được chụp. Chúng ta chưa có thông tin về thời điểm cụ thể của lần trùng tu này. Điều ta có thể nói chắc là những văn tự ngày nay ta thấy đã xuất hiện từ trước năm 1975. Bằng chứng là một đoạn phim giới thiệu về tỉnh Châu Đốc của chính quyền Sài Gòn có quay hình mộ bà Châu Thị Tế. Đoạn phim cho phép ta nhìn thấy rõ câu đối bên phải mộ bà có mấy chữ: “Thanh liêm khai hải”. Tuy nhiên, ta cũng thấy rõ rằng những chữ ấy được viết bằng một lối khác hẳn với những chữ mà ta thấy ngày nay. [tr.39]

Mộ bà Châu Thị Tế trong đoạn phim của chính quyền Sài Gòn trước 1975


Về niên đại những bài thơ trên bình phong phía sau

Hiện nay ở trên bình phong phía sau mộ bà Châu Thị Tế và ông Thoại Ngọc hầu đều có ghi một bài thơ. Năm 2019, nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang đã công bố một bài viết luận giải về hai bài thơ này. Ông cho biết rằng bài thơ trên bình phong sau mộ bà Châu Thị Tế là bài Tống hữu nhơn, còn bài thơ trên bình phong sau mộ Thoại Ngọc hầu là bài Cung trung hành lạc (kỳ tứ). Hai bài thơ này đều là tác phẩm của nhà thơ Lý Bạch thời Đường. Mặc dù vậy hai bài thơ trên bình phong có một số chữ không đúng với nguyên tác. Ông nói rằng: ngoài một số chữ có thể bị tô sai trong các đợt trùng tu 1996 và 2010 thì còn có những câu trong nguyên tác bị cắt đi và thay bằng những câu do người khác tạo ra. Về niên đại của những bài thơ này, nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang phát biểu: “Một số người cho rằng 2 bài thơ này được khắc vào đầu thế kỷ 20 nhưng sau khi đối chiếu nét khắc trên 2 bia tại lăng Thoại Ngọc Hầu với nét khắc bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm kỳ 1 của Vương Xương Linh tại tấm bình phong bên mộ bà Nguyễn Thị Tuyết là mẹ Thoại Ngọc Hầu được ông trùng tu lại vào đầu thập niên 1820 thì 2 bài thơ này do cùng một người khắc. Vì thế, chúng tôi có thể khẳng định là 2 bài thơ của Lý Bạch được ông cho khắc lúc xây sơn lăng tại núi Sam, Châu Đốc” [3]. Sau mỗi bài thơ đều có dòng lạc khoản. Bình phong sau mộ bà Châu Thị Tế có lạc khoản đề: “Thư ư Vi Kỳ Tâm”. Bình phong sau mộ Thoại [tr.40] Ngọc hầu đề: “Thư ư Thanh Phong Hiên”. Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang cho biết: 

“… có khả năng chữ Thanh Phong hiên chính là chiếc chòi lá mà Thoại Ngọc Hầu đã nghỉ ngơi trong khi quan sát những người thợ xây lăng của mình. Ngoài ra trên những tấm ảnh của người Pháp chụp mộ bà Châu thị Tế và Thoại Ngọc Hầu vào khoảng năm 1920, chúng ta đã thấy những dòng chữ trên tấm bình phong này rồi.

Điều này khiến chúng ta đặt ra giả thuyết rằng người viết bài thơ này giao cho người thợ khắc lên tấm bình phong. Do trình độ hiểu biết về Hán Nôm và thơ Đường bị hạn chế nên người thợ khắc nhầm và thiếu một số chữ còn hai câu cuối khắc không giống nguyên tác là do ý đồ của người khắc. Một khi chữ đã được khắc vào rồi thì không thể nào sửa chữa lại được” [4].

Mặc dù tác giả chưa được nhìn thấy nét khắc bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm trên mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, nhưng tư liệu hình ảnh về lăng Thoại Ngọc hầu trước năm 1975 hoàn toàn không ủng hộ quan điểm rằng đây là những bài thơ gốc được tạo ra vào thời điểm mới xây dựng khu lăng mộ. Bức ảnh “Tombeau de la famille Siva” cho thấy vào thời điểm chụp bức ảnh, không còn bất kỳ một chữ nào hiện diện trên hai bình phong ở sau mộ bà Châu Thị Tế và ông Thoại Ngọc hầu. Phóng to bức ảnh mà tác giả Lâm Thanh Quang đăng kèm bài báo, chúng ta cũng không hề thấy được một chữ nào trên bình phong sau mộ bà Châu Thị Tế. 

Mộ bà Châu Thị Tế và bình phong phía sau, khoảng năm 1920. Ảnh của nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang đăng tải 


[tr.41] Bức ảnh “Tombeau du Mandarin Vin-Thé à Chaudoc (Cochinchine)” có niên đại xưa hơn và chất lượng tốt hơn, nhưng khi phóng to ra cũng cho thấy rằng trên bình phong phía sau không có bất kỳ một chữ nào, dù câu đối trên mộ vẫn còn đọc rõ. Một bức ảnh khác được một nhà sưu tập có nickname manhhai giới thiệu trên flickr.com có tên “Tombeaux des rois malais à Chaudoc” (Các mộ của vua Mã Lai ở Châu Đốc – nhưng rõ ràng là chụp lăng Thoại Ngọc hầu) được người đăng ghi chú là chụp vào năm 1895. Khi phóng to bức ảnh này chúng ta cũng thấy rõ bình phong phía sau mộ bà Châu Thị Tế không hề có chữ. Bức ảnh có độ phơi sáng quá cao, khiến chúng ta không thể đọc rõ đôi câu đối. Nhưng qua dáng chữ ta thấy đôi câu đối vẫn còn nguyên vẹn. Chữ cuối cùng của vế đối thứ hai chắc chắn là chữ “nhân”. Lúc này phía sau lăng vẫn chưa xây ngôi đền thờ Thoại Ngọc hầu. Hiện trạng khu lăng trong bức “Tombeaux des rois malais à Chaudoc” là rất gần với hiện trạng trong bức “Tombeau du Mandarin Vin-Thé à Chaudoc (Cochinchine)”. Vì thế có thể nghĩ rằng hai bức ảnh được chụp cách nhau không lâu.

Ba ngôi mộ trong lăng và bình phong sau mộ bà Châu Thị Tế. Trích bức ảnh “Tombeaux des rois malais à Chaudoc”

Với tình hình tư liệu như vậy, chúng ta phải kết luận rằng: trước năm 1928, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy trên các bình phong phía sau mộ bà Châu Thị Tế và ông Thoại Ngọc hầu đã từng có chữ viết hay tranh vẽ. Các bài thơ hiện nay đã được bổ sung vào sau – có thể là cùng lúc với việc các câu đối trên cả ba ngôi mộ trong khu lăng được viết mới từ sau thập niên 20 của thế kỷ XX đến trước năm 1975. [tr.42] Phần văn tự hiện tồn trên các bình phong cũng không phải là kết quả của lần khắc đầu tiên, vì đã xuất hiện nhiều sai sót trong văn bản khắc. Cũng giống như phần câu đối làm lại trên mộ bà Châu Thị Tế, hai bài thơ này cũng đã trải qua biến động qua các lần trùng tu mà ta chưa biết rõ thời điểm cụ thể. Việc xem các bài thơ này là sản phẩm của Thoại Ngọc hầu là một kết luận không có sức thuyết phục. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng để xem liệu thực sự có sự tương đồng nào trong nét chữ trên hai bình phong này với bài thơ trên bình phong của bà Nguyễn Thị Tuyết ở Vĩnh Long hay không. Nếu sự tương đồng này là có thực thì niên đại của bài thơ ở Vĩnh Long chắc chắn cũng không cổ xưa như nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang đoán định. Cụm từ “Thanh Phong Hiên” và “Vi Kỳ Tâm” trên lạc khoản hai bài thơ nhiều khả năng gắn liền với những người đã cung cấp các tư liệu Hán Nôm trong đợt trùng tu dưới thời chính quyền Sài Gòn.


Chú thích:

[1]  Toan Ánh, Cửu Long Giang, Người Việt, đất Việt, Nxb. Văn Học, 2003, tr.407.

[2] Trần Hoàng Vũ, Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.448-456.

[3] Lâm Thanh Quang, “Về 2 bài thơ trên tấm bình phong ở mộ Thoại Ngọc Hầu”, Kiến Thức Ngày Nay số 1025, ngày 01-02-2019, tr.84.

[4] Lâm Thanh Quang, “Về 2 bài thơ trên tấm bình phong ở mộ Thoại Ngọc Hầu”, Kiến Thức Ngày Nay số 1025, ngày 01-02-2019, tr.85.

Hướng dẫn trích nguồn: Nhiều tác giả, Nhân vật lịch sử Châu Thị Tế (1766-1826), Nxb. Sân Khấu, 2022, tr.35-42.