Cần làm sáng tỏ hơn về một Hàm Nghi "Lê Lai".

Post date: Sep 17, 2011 5:48:30 AM

CẦN LÀM SÁNG TỎ HƠN VỀ MỘT HÀM NGHI "LÊ LAI"

Tôn Thất Thọ

Trên báo "Khám Phá" (thuộc Sở Khoa Hộc Công Nghệ TPHCM) số 46, ra ngày 6/3/2007 có đăng bài viết "Lần tìm dấu vết vua Hàm Nghi" của tác giả Bùi Kim Sơn, trong nội dung bài viết, tác giả đã dựa vào những bí mật vừa mới được Lương y Trần Hữu Thành tiết lộ từ những nguồn tin và tư liệu của các tín đồ Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, từ đó tác giả nêu lên một nghi vấn là có thể có một Hàm Nghi "Lê Lai" ? Còn vua Hàm Nghi "thật" thì theo lương y Thành, đã được các lãnh tụ Cần Vương bí mật đưa vào Nam, được Giáo chủ Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa che chở và bảo vệ, từ đó vua và đoàn nghĩa sĩ Cần Vương phiêu bạt sang núi Tà Lơn (Campuchia) và hiện nay khu lăng mộ của "đoàn nghĩa sĩ " vẫn còn nguyên trạng. Để người đọc có thể nắm rõ hơn nội dung bài báo, xin trích một vài đoạn chính yếu sau:

"...Tháng 7 năm 1885, sau thất bại trong cuộc tấn công quân Pháp, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành lên chiến khu Tân sở và truyền Hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân khởi nghĩa chống Pháp. Sau ba năm kháng chiến và trốn tránh gian khổ trong rừng núi, vua Hàm Nghi bị tên phản thần Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp rồi bị lưu đày sang Algeri cho đến cuối đời". Người Việt chúng ta ai ai cũng biết điều đó và cũng tin vào điều đó vì sử sách đã ghi như vậy, Thế nhưng có một người không chịu tin. Ông là lương y Trần Hữu Thành. Ông tin rằng người bị đày sang Algeri chính là vua Hàm Nghi "Lê Lai", còn vua Hàm Nghi thật, theo mưu trí của các vị túc nho, có thể là Tôn Thất Thuyết đã lánh mình vào Nam là nơi người Pháp không ngờ, ẩn cư để chờ ngày phục quốc. Tại sao ông Trần Hữu Thành lại có niềm tin như vậy? Phải chăng ông đã biết đôi điều bí mật ẩn kín này? Chính thực là như vậy. Ông cho biết, tất cả là do cơ duyên có dịp gần gủi với các bậc kỳ lão cao niên của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một chi phái của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vùng Thất Sơn, những người đã từng nghe biết đến cuộc gặp gỡ của Giáo chủ Ngô Tư Lợi với vua Hàm Nghi và sau đó vua Hàm Nghi được ngài cho người hướng dẫn về nơi ẩn cư an toàn. Rồi do vận nước cơ trời, vua Hàm Nghi cùng các nghĩa sĩ đã phiêu bạt sang núi Tà Lơn (Campuchia) và gởi thân xác tại nước người.

Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt

Dĩ nhiên Quốc sử không hề biết đến điều đó vì đây là bí mật mà các bậc chức sắc trong giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã gìn giữ để tránh sự phát hiện của người Pháp và rồi sau đó do thời cuộc, hoàn cảnh mà trở thành lắng sâu vào trong thiêng liêng tôn giáo..."

"...Hiện nay, vẫn còn lưu truyền trong giáo phái chuyện ba người khách cưỡi ngựa (tam nhơn tam mã) đến gặp giáo chủ Ngô Tư Lợi, đã được ngài giao trách nhiệm đưa vua Hàm Nghi lánh vào vùng Thất Sơn. Tương truyền trước khi đi, vua Hàm Nghi có để lại ấn tín làm tin hẹn ngày trở về phục quốc..."

"...Một diều lý thú nữa là tại Hà Tiên hiện có người còn lưu giữ được một bài thơ khuyết danh xưa mang tựa đề " Hà thành trông bóng", đại ý nhắc về các anh hùng và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong đó có đoạn:

"Algeri đột nhiên lồng thoát khỏi

Việc bôn đào, thẳng đến dãy Thất Sơn

Trong khi đi, tam mã với tam nhơn

Nghe Đạo Thủ, lập cư nơi chốn ấp"

Đột nhiên lồng thoát khỏi Algeri, là ai nếu không phải vua Hàm Nghi...?"

Đây là một phát hiện và nghi vấn quá mới ,ngược với những ghi nhận của lịch sử tồn tại hàng trăm năm qua. Trong khi chờ đợi các nhà sử học lên tiếng, chúng tôi có một vài suy nghĩ và suy luận nhỏ sau đây, mục đích là mong muốn làm sáng tỏ những điều mà bài báo đã đề cập. Chúng tôi rất muốn tin những điều mà lương y tiết lộ là đúng sự thật, tiếc rằng, những điều mà bài báo cung cấp thì quá ít ỏi. Vì thế, chúng tôi mạo muội đưa ra một vài thắc mắc sau đây để chúng ta cùng suy gẫm:

1-Trong sách ĐẠI NAM THỰC LỤC (Quốc sử quán biên soạn), tập XXXVIII Đệ lục kỷ, chép dưới thời vua Đồng Khánh (anh vua Hàm Nghi) ghi rằng:

"...Bấy giờ vua Hàm Nghi cùng 2 người đi theo, đương gối đầu vào gươm ngủ say, nghe quân Pháp chợt đến, sợ hải dậy chống cự, quan Pháp nắm tay va, Lê Hợp (con của Thuyết) vung gươm, một là muốn đâm qua Pháp, một là muốn đâm xuất đế (Vua HN), không cho sống để về, viên quan Pháp liền giết chết ngay, đưa xuất đế về tỉnh (XUẤT ĐẾ KHÔNG CHỊU NHẬN là THỰC, quan tỉnh Quảng Bình hỏi ra mới biết viên Huyện Tuyên Hóa là Nguyễn Nhuận, năm trước Nhuận từng sung chức Dực Thiện, sai viên ấy đến xem, báo QUẢ LÀ ĐÍCH THỰC..." (ĐNTL tập 38 -NXB KHXH, 1978, trang 141).

Đoạn sử đó, đã cho ta biết người được các quan lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cử đến xem mặt vua Hàm Nghi là thật hay giả để báo về cho Vua Đồng Khánh là Tri Huyện Tuyên Hóa Nguyễn Nhuận, người đã từng giữ chức Dực thiện( bộ phận nấu ăn cho nhà vua). Chẳng lẽ viên quan ấy lại báo cáo "láo" cho vua Đồng Khánh, nếu sự việc bị lộ thì hậu quả sẽ như thế nào?

2 -Nếu đó là Hàm Nghi "Lê Lai" thì lẽ nào Trương Quang Ngọc không thể nhận ra, trong khi thời gian ngắn trước đây y là hầu cận nhà vua? Mà nếu biết là "giả" mà vẫn dẫn dắt người Pháp lên bắt thì phải chăng cần đánh giá lại vai trò của Ngọc?

3- Nếu việc đưa vua Hàm Nghi "thật" vào Nam là chủ trương bí mật của các thủ lĩnh Cần Vương, thì phải giải thích như thế nào về việc tự sát của Tôn Thất Đạm (con của Tôn Thất Thuyết) khi nghe tin vua bị bắt, chẳng lẽ ngay cả Tôn Thất Đạm cũng không hề hay biết? Nếu Tôn Thất Đạm biết đây là Hàm Nghi "Lê Lai", thì cớ gì ông phải hy sinh như thế? Hay lại có thêm một Tôn Thất Đạm "Lê Lai" để đánh lạc hướng người Pháp?

4- Vua Hàm Nghi "Lê Lai" mãi đến năm 1943 mới mất, chẳng lẽ đã qua nhiều biến động và thay đổi của thời gian (hơn 55 năm sau), thế thì vì lý do gì mà sau này người lại không "nói lại cho rõ" ?

5- Năm 1939 (51 năm sau), ông Diệp Văn Kỳ, con ông Diệp Văn Cương đã viết bài trên tờ báo "Sài Gòn", số đặc biệt Xuân 1939, thuật lại lời kể của cha ông là khi bắt vua Hàm Nghi về Thuận An, Pháp đã cử ông Diệp Văn Cương làm thông ngôn (thông dịch) khi tiếp xúc với nhà vua, (bài viết này đã được nhà văn Sơn Nam công bố trên báo Tuổi trẻ TPHCM năm1988. Bài viết của ông Kỳ trong tờ báo" Saigon" có đoạn:

"...Trước khi tàu chở vua Hàm Nghi kéo neo, từ của Thuận An để đi nơi khác thì ông Thống sứ Rheinard cùng đi với cụ tôi (tức Ông Cương) xuống tàu để thăm vua một lần chót. Đến nơi, ông Thông sứ niềm nở hỏi:

- Hiện nay Đức Từ đang bệnh, trước khi đi xa , nếu như ngài muốn từ biệt thì tôi sẽ cho tàu "xà lúp" lên rước Đức Từ xuống đây để ngài thăm.

Vua Hàm Nghi trả lời:

-Không! Tôi bây giờ chẳng còn nước non, anh em, mẹ con chi nữa hết. Tôi không muốn thăm ai nữa !...."

Qua đó ta thấy ông Cương vẫn xác định đó là vua Hàm Nghi thật. Ông Cương từng là "phụ đạo" dạy Pháp văn cho nhiều ông Hoàng bà Chúa, chẳng lẽ ông cũng muốn "giấu" vua Đồng Khánh hay sao ?.

Chúng tôi rất mong muốn những nhà nghiên cứu lịch sử chú ý đến những điều đó để giải tỏa các "vướng mắc" có tính lịch sử đã tồn tại lâu dài.

Ai cũng mong muốn những gì của lịch sử thì phải trả lại cho lịch sử. Nhưng lịch sử không phải là tiểu thuyết. Và phong trào Cần Vương ở VN cuối TK 19 không phải là Lương Sơn Bạc ở Trung Quốc, Vì thế, có lúc chúng tôi lại nghĩ rằng, phải chăng, vì quá luyến tiếc Vua Hàm Nghi và các nghĩa sĩ, nên người đời sau đã viết thêm "Hậu Cần vương" như người Trung Quốc đã viết nên "Hậu Thủy hử", nhằm ca ngợi những lãnh tụ nghĩa quân không muốn theo lệnh chiêu an của triều đình mới của vua Đồng Khánh ?

Viết bài này, trong lòng chúng tôi vô cùng khâm phục lương y Trần Hữu Thành và 6 người bạn của ông đã lặn lội sang tận nước bạn để tìm lăng mộ nhà vua. Chúng tôi nghĩ rằng, với khu lăng mộ ở Campuchia, nếu cần, đề nghị một sự kết hợp giữa các cơ quan hữu trách của hai nước, để thực hiện một cuộc khảo cứu nghiêm túc, nhằm xác định rõ ràng nhân thân cuả những người đã yên nghỉ dưới các phần mộ đó. (Hoặc nếu cần, có thể đề nghị Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc liên hệ để nhờ sự hổ trợ của các nhà ngoại cảm...)

Riêng với các tín đồ Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chúng tôi rất mong muốn quý vị, nếu biết được những gì thuộc về lịch sử của phong trào Cần Vương và vua Hàm Nghi thời đó, xin hãy công bố rộng rãi, bởi lịch sử dân tộc Việt Nam không thuộc riêng ai, mà thuộc 80 triệu người dân Việt đang chung tay xây dựng đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, thế hệ chúng ta hôm nay, phải có bổn phận nói rõ sự thật cho các thế hệ con cháu mai sau biết. Có như thế, một mai ra đi, ai trong chúng ta lòng cũng thanh thản...

TÔN THẤT THỌ