Nguyễn Háo Vĩnh - chiến sĩ phong trào Đông Du miền Nam.

Post date: Jun 10, 2013 12:41:55 PM

Phan Lương Minh.

Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 246, 10/2005

Trên nhật báo Công Luận, phát hành ngày thứ năm 20 September 1928 tại Sài Gòn, có đăng một tin nhỏ như sau: “Phạm-Thị-Sang, 31 tuổi, làm thợ may cho hãng mới (Grands Magasins Charner, ở đàng Belgique, Nguyễn-Văn-Toan, 34 tuổi, làm sớp phơ cũng ở đàng Gelgique và Nguyễn-Háo-Vĩnh ở đàng Bonard mới đây cả ba người đều bị giải toà về tội rãi giấy in nói chuyện tầm bậy”.

Chỉ vài hàng tin ngắn với nội dung rất thường như vậy chắc ít người chú tâm đến, tuy nhiên đối với những ai am tường tình hình và nhất là đối với nhà đương cuộc Pháp lúc bấy giờ, tin này không phải là chuyện đơn lẻ, khi có một trong ba người ấy bản tin không ghi tuổi và nghề nghiệp, mà danh tính đã nổi bật từ lâu, đó là Nguyễn Háo Vĩnh. Nguyễn Háo Vĩnh sinh ngày 19/2/1893 tại làng Bình Đức, Long Xuyên. Thân phụ ông là Nguyễn Háo Văn, người đứng đầu tiểu ban thường vụ thường có mặt tại Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, có nhiệm vụ bàn bạc, giải quyết các việc hàng ngày; ông Trần Chánh Chiếu thỉnh thoảng cũng tham dự vào tiểu ban này.

Phong trào Đông Du bắt đầu ở miền Nam với người đầu tiên được Hội Minh Tân cử đi học là Nguyễn Háo Vĩnh - một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có óc tiến bộ luôn tỏ ra bất khuất trước thực dân. Vào năm 1905 Nguyễn Háo Vĩnh cầm đầu phái đoàn sinh viên của Minh Tân công nghệ sang Nhật du học. Ra đi suôn sẻ, đến Nhật họ học nghề trong các xưởng công nghiệp của Nhật, tại đây họ được tiếp xúc với các bậc chí sĩ lão thành nơi hải ngoại.

Trong nước, ông Nguyễn Háo Văn cùng với Hồ Hưng Nhường là hai Phó Hội trưởng Hội Khuyến học Nam kỳ lập tại Cần Thơ, do ông Võ Văn Thơm làm Hội trưởng. “Vì chê thành phần Hội Khuyến học Sài Gòn lúc bấy giờ kém tích cực và cũng vì muốn hoạt động riêng nên hội Cần Thơ không tán thành việc gia nhập vào Hội Khuyến Học Sài Gòn (20 phiếu chống, 2 phiếu thuận)” (1). Về danh xưng của hội, theo quyển Vương giả và Danh nhân của Đông Dương thì ông Võ Văn Thơm là sáng lập viên tại Cần Thơ Hội Khuyến học Nam kỳ đầu tiên (2), (vậy phạm vi hoạt động của Hội Khuyến học này là cả Nam kỳ lục tỉnh, không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Cần Thơ). Có thể đó là dụng ý của các cụ sáng lập, để các chiến sĩ phong trào Đông Du tiện việc đi hoạt động khắp lục tỉnh.

Cuộc trao đổi giữa Pháp và Nhật:

Những hoạt động của ông Trần Chánh Chiếu ngày càng bị thực dân Pháp bám sát, chúng điều tra đến lý lịch của các sinh viên Đông Du, rồi can thiệp với Bộ Ngoại giao Nhật để xin dẫn độ tất cả về Sài Gòn, với điều kiện Pháp sẽ nhường cho Nhật một số quyền lợi kinh tế. Vốn sẵn có ý định hiện diện tại Đông Dương với lý do bên ngoài là tìm kiếm những quyền lợi kinh tế, nên Nhật sẵn sàng ký ngay nghị định cho dẫn độ những người Việt Nam nào đang ở Nhật có tên trong danh sách theo dõi của Pháp (3). Đổi lại Pháp ký ngay một nghị định cho Nhật đưa một số phụ nữ vào Đông Dương hành nghề trong các nhà hàng khách sạn của người Nhật mở ra.

Du học sinh phong trào Đông Du hay được tin này, (có tư liệu (4) cho là Nhật có ngầm báo cho các du học sinh hay, nhưng chưa được kiểm chứng), nên đã kịp thời chạy sang HongKong, chỉ riêng có Nguyễn Háo Vĩnh do thân phụ rút về. Tác giả Sơn Nam giải thích sự việc này như sau: “Tuy nhiên, vì không dám khuấy động quá mức, ông Nguyễn Háo Văn rút đứa con trai đang du học bên Nhật về, cho tiếp tục học tại Saint Joseph English Hong Kong” (5).

Công cuộc xây dựng nhà máy diêm quẹt ở Mỹ Tho đang được Đặng Thúc Liêng xúc tiến, bỗng nhiên phải khựng lại vì không được cấp phép. Đây có thể là bị bọn tranh thương lo lót với nhà cầm quyền để hại ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, mà cũng có thể đây là một hành động của Pháp nhằm gây ảnh hưởng lên toàn bộ công cuộc kinh doanh gây quỹ cho phong trào Đông Du. Gilbert Chiếu vận động ráo riết với phủ toàn quyền cũng không hiệu quả khiến ông buồn rầu gần như thất vọng. Trong lúc rối rắm đó, Nguyễn Háo Vĩnh từ bên Nhật về đến Sài Gòn.

Nguyễn Háo Vĩnh được thân phụ đưa lên trình diện toàn quyền Klobukowki. Dưới đây là đoạn Klobukowski tra hỏi Nguyễn Háo Vĩnh:

“Anh sang Nhật để làm gì và do tiền của ai?

Nguyễn Háo Vĩnh rất bình tĩnh:

- Tôi đi Nhật do tiền của Công ty Minh Tân xuất ra với mục đích học làm hộp quẹt để sau này về trông nom xưởng hộp quẹt cho công ty.

Ông Nguyễn Háo Vĩnh lại còn cẩn thận trao cho toàn quyền Klobukowski hoạ đồ xưởng hộp quẹt mà chính ông đã nhờ một hoạ sĩ ở Nhật vẽ lại.

Toàn quyền thực dân liền hỏi ông thân của Nguyễn Háo Vĩnh:

- Ông có mua cổ phần của Minh Tân Công Nghệ?

- Đúng vậy.

- Nhiều ít?

- Rất nhiều, nên tôi mới có điều kiện cho con đi học để về điều khiển một ngành trong công ty. Toàn quyền Klobukowski cố gài ông thân của ông Nguyễn Háo Vĩnh vào một tổ chức cách mạng. Trong lúc ấy thì ông này lại nhanh trí nhờ toàn quyền thâu dùm mớ cổ phần của mình lại.

Toàn quyền liền cho mời ông Gilbert Chiếu lên bắt buộc phải nhóm đại hội ban giáo đốc công ty Minh Tân vào giao quyền điều khiển xưởng hộp quẹt ở Mỹ Tho lại cho Nguyễn Háo Vĩnh. Gilbert Chiếu thi hành ngay.

Nhân đó, toàn quyền thực dân lại mua lòng ông Nguyễn Háo Vĩnh bằng cách cho phép thẳng với ông.

Nguyễn Háo Vĩnh giả vờ mừng rỡ ra mặt, để rồi một thời gian sau tuyên bố xưởng này bị lỗ xin toà phát mãi để lấy tiền giao lại Minh Tân” (6).

Ông Nguyễn Háo Văn là chiến sĩ đắc lực của phong trào Duy Tân. Về sau, khi vụ án Gilbert Chiếu phanh phui ra, ông bị cách chức vào ngày 19-4-1909 (ông là thư ký hạng nhất) (7).

Nguyễn Háo Vĩnh giúp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để thoát khỏi Hồng Kông.

Tại miền Nam, Pháp truy nã gắt gao những người hoạt động trong phong trào Duy Tân. Năm 1908, cụ Nguyễn Thần Hiến phải từ giã Cần Thơ, vượt biển bằng thuyền nhỏ qua Cao Miên (Campuchia), rồi đi Hông Kông, Thượng Hải, Hàng Châu. Thể theo yêu cầu của Pháp, chính phủ Nhật trục xuất ngài Cường Để ngày 30-11-1909. Năm 1933, cụ Nguyễn hội kiến với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Cụ đã trình với Ngài là đồng bào miền Nam phần lớn đều náo nức muốn góp phần vào công cuộc cứu quốc, và cảm tình dành cho Ngài rất nồng hậu. Do đó, cụ Nguyễn Thần Hiến thỉnh cầu Ngài về nước một chuyến, với hy vọng sự có mặt của Ngài sẽ giúp cho ngọn lửa cách mạng sớm bộc phát. Những ý kiến này đã thuyết phục được ngài Cường Để. Vào tháng 2-1913 Ngài về đến Sài Gòn. Mới được vài hôm, tin đồn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã bí mật về Sài Gòn lan nhanh đến tai nhà cầm quyền Pháp, họ liền treo giải thưởng để bắt ngài.

“Có tin đích xác rằng Cường Để vừa mới lén về tới Sài Gòn. Tin ấy một người bà con tôi biết trước. Số là hắn làm công ở một tiệm giặt ủi, chính tay hắn sách vali cho đức ông từ nhà chủ hắn đến nhà một người thợ giặt ủi khác. Nhưng khi ấy hắn không biết là ai. Tối hôm ấy, cô Năm Long gặp hắn, cậy hắn đi lấy giùm va li ấy, nói rõ của đức ông Cường Để, bấy giờ hắn mới biết. Thế là hắn đi khoe rầm lên. Đến tai nhà nước nên bây giờ có chuyện treo thưởng đó”. (8).

Tuy lâm vào hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, ngài Cường Để vẫn bình tĩnh đi khắp lục tỉnh để thăm các cơ sở của phong trào. Tại Cần thơ, ngài đến chùa Nam Nhã do Lão Thái Nguyễn Giác Nguyên trụ trì, người được Ngài sắp đặt vào chức vụ “chủ tỉnh Cần Thơ, nếu việc lớn được thành”. (9).

Tại Vĩnh Long, Ngài về Tam Bình ở nhà ông Lưu Vinh Tăng. Một người cháu trong họ tộc là Lưu Tri Phượng, năm nay đã 79 tuổi còn thuật lại lời đã nghe cha ông kể “đức ông Cường Để khi khát nước, lấy tay chỉ lên quày dừa là trái dừa rụng xuống...”. Ở đây chúng ta không bàn đến tính xác thực của giai thoại này, nhưng từ giai thoại này đã chứng minh nhận định của cụ Phan Bội Châu “đồng bào trong Nam đối với Kỳ ngoại hầu tín ngưỡng rất sâu...”.

Theo học giả Nguyễn Văn Hầu (10); Khoảng gần cuối tháng 5, tại một địa điểm bí mật thuộc tỉnh Long Xuyên, ngài Cường Để gặp một nhóm cán bộ trong đó có các cụ Nguyễn Quan Diêu, Đinh Hữu Thuật...(Về thời điểm này cần tra cứu thêm, vì theo tác giả Nguyễn Bá Thế (11): “Sắp đặt xong, trung tuần tháng 5 năm Quí Sửu 1913, ông từ giã miền Hậu Giang trở lên Sài Gòn. Rồi đáp tàu của Công ty Thái cổ sang Hương Cảng. Hành khách hầu hết đều là người Trung Hoa, ông cũng đội lốt dân Trung Hoa mà xuống tàu từ Sài Gòn. Đến Vũng Tàu, ông nhờ một viên mại bản giúp để bí mật qua khỏi Vũng Tàu rồi sau đó ông hoàn toàn được tự do”.

Nhìn lại trên 3 tháng bí mật về miền Hậu Giang, ngài Cường Để bất chấp hiểm nguy đã hoàn tất kế hoạch hoạt động với những thành quả hết sức mỹ mãn về tinh thần cách mạng, về tấm thịnh tình, cũng như về tài chính của đồng bào miền Nam dành cho ngài Cường Để. Ngài đã viết trong hồi ký:

“Tuy vậy, bấy giờ trong hàng phủ huyện hội đồng cai tổng ở Nam Kỳ, vẫn có nhiều người dầu ở dưới quyền người Pháp mà lòng vẫn thương dân thương nước, rất mong được gặp bỉ nhân để giúp công giúp của. Chỉ vì đang lúc tình thế nghiêm ngặt và nguy hiểm, mấy người thanh niên đi theo hộ vệ bỉ nhân, vì nhiệm vụ bí mật, không dám cho ai đến gặp bỉ nhân thành ra tuồng như phụ lòng tốt của nhiều người”.

Do có thơ kêu gọi xuất dương của cụ Nguyễn Thần Hiến, và sau cuộc hội kiến với ngài Cường Để, một đoàn gồm 10 người lớn và 2 thiếu niên do cụ Nguyễn Quang Diêu dẫn đầu đi Hong Kong. Nơi đấy đã có Huỳnh Hưng người quê quán Tam Bình Vĩnh Long, lại thân quen với cụ Nguyễn Quang Diêu từ trước. Do đã mật ước, cụ Nguyễn Thần Hiến từ Thượng Hải qua Hong Kong để họp tại nhà Huỳnh Hưng. Sau vài ngày bàn bạc, Cụ Nguyễn Thần Hiến và Huỳnh Hưng vận động mua được một số tạc đạn. Họ dự định chia làm hai nhóm: một nhóm, trong đó có cụ Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật ở lại đi Hàng Châu với cụ Nguyễn Thần Hiến. Nhóm còn lại chờ tàu về Sài Gòn, khoảng trung tuần tháng 6, sẽ mang tạc đạn và tín phiếu về. Chưa kịp thi hành thì ngày 16-6-1913 cảnh sát Anh tại Hong Kong ập đến xét nhà Huỳnh Hưng thấy 13 quả tạc đạn, một ít giấy tờ liền tịch thu và bắt luôn những người có trong nhà gồm các cụ Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật, Huỳnh Hưng.

Tác giả Minh Trân Nguyễn Như Hằng (12), ghi chép lại theo lời ông Trương Duy Toản, có nhiều chi tiết khác:

... “Năm 1913... Hạ tuần tháng 5, Đức Cường Để tới Hồng Kông. Ngài cùng ông Trương Duy Toản đến ngôi nhà ở Cảo Lùn tìm ông Nguyễn Thần Hiến. Nguyên nhà này ở tận lầu 4 một dinh cổ đồ sộ do ông Huỳnh Hưng mướn để làm chỗ tạm trú cho anh em cách mạng mỗi khi họ có dịp đi công tác ngang Hồng Kông. Nhà gồm hai gian: gian ngoài để tiếp khách và nghỉ ngơi, gian trong dùng làm nơi chế tác đạn. Cũng trong năm này, đã có một lần ông Đặng Tử Mẫn vô ý làm nổ hoá chất đứt ba ngón tay tại đây, nên căn nhà đã bị cảnh sát Anh bí mật theo dõi.

Đức Cường Để gặp ông Nguyễn Thần Hiến vừa khởi trò chuyện thì đám thanh niên làm tạc đạn mời Đức Cường Để vào xem số bom bọn họ đã chế được. Một người trong bọn chỉ cách sử dụng, lại sơ ý làm nổ một trái tạc đạn, nhưng cũng may là không có ai bị thương. Nhưng tiếng nổ đủ làm cho cảnh sát Anh chú ý chạy tới. Thấy có biến, ông Trương Duy Toản liền lôi Đức Cường Để chạy xuống thang lầu, theo cửa trước thoát đi, nhóm còn lại theo cửa sau trốn sang Quảng Châu, không ai bị bắt cả. (Đoạn này chép theo lời cụ Trương Duy Toản, thân phụ ông Trương Thiệu Võ chủ bút báo Đuốc Thiên và Thao Trường).

“Nhưng vài hôm sau, thấy tạm yên, ông Huỳnh Hưng nhờ Hồ Hán Dân cho một giấy chứng nhận ông là người Trung Hoa rồi lén về Cảo Lùn dò thám tình hình. Ông vừa mở cửa thì cảnh sát Anh áp tới bắt. Ông bảo ông là người Tàu, thì trong bọn có kẻ nhìn mặt ông và nói thôi anh đừng có chối, tôi biết anh tên Đặng Bỉnh Thành và là người ở trong nhà này. Ông Huỳnh Hưng biết họ không rõ mặt mình nên nhận bừa mình là Đặng Bình thành để họ về cho rồi. Nhưng họ lại vào thẳng trong nhà lục soát khắp nơi gặp một mớ tạc đạn, một ít thư từ của Đức Cường Để và một số va ly có mang tên các ông Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật..., họ liền bắt ngay ông Huỳnh Hưng và cho lính rình quanh đó để bắt luôn cả bọn. Những người kia thấy ông Huỳnh Hưng đi êm, lần lượt trở về đều bị cảnh sát Anh tóm hết đem giam. (Đoạn này tác giả Minh Trân chép theo lời thuật của Cụ Huỳnh Hữu Chí thân phụ ông Huỳnh Hữu Nghĩa)”.

Khi ra toà tại Hong Kong, Huỳnh Hưng khai tự mình mua tạc đạn và những người còn lại không hề hay biết. Chỉ mình Huỳnh Hưng bị phạt tiền 200 bạc và chín tháng tù (13), số còn lại được tha bổng nhưng không được thả ra mà chờ ngày bị trục xuất về nước. Ngay lúc ấy ngài Cường để vừa trở lại Hong Kong thấy báo chí đăng tin toà tha bổng, tưởng thật vội đi tìm gặp các đồng chí nên cũng bị bắt luôn. Hai ông Nguyễn Háo Vĩnh và Lâm Cần đã lo mướn luật sư để xin cho Ngài được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 2000 đồng. Được thả ra sau 8 ngày bị giam, các đồng chí tính ngay đến việc đưa Ngài ra khỏi Hong Kong. Ngài quyết định đi Âu châu, đem theo hai đồng chí là Trương Duy Toản giỏi tiếng Pháp và Đỗ Văn Y giỏi tiếng Đức. Trước tiên là đi Singapore để rước Lâm Tỷ rất giỏi tiếng Anh, sau đó cả đoàn mới mua vé đi Luân Đôn... (Nguyễn Háo Vĩnh sau khi tốt nghiệp tại Hong Kong cũng có đi Luân Đôn tìm bắt liên lạc với ngài Cường Để).

Cuối năm ấy tại nhà lao Hoả Lò Hà Nội, sau nhiều ngày tuyệt thực để chống đối bản án 10 năm bị đày đi Cayenne thuộc địa của Pháp, cụ Nguyễn Thần Hiến đã trút hơi thở cuối cùng trong cô quạnh (14) vào ngày 26-1-1914, nhằm đêm giao thừa Tết Giáp Dần!

Về những phút cuối của cụ Nguyễn Thần Hiến, tác giả Minh Trân đã viết như sau: “... Đêm 30 Tết năm Giáp Dần, nhằm 26 tháng Giêng dương lịch 1914, thể xác ông rất tỉnh táo. Các ông Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật, Bùi Chi Nhuận, Huỳnh Hưng, Lý Liễu, Trần Ngọ bao quanh chỗ ông nằm, yên lặng nghe ông bạn đồng lao trẻ tuổi ngâm lại bài thơ tuyệt mạng của ông. Mọi người đều bùi ngùi ứa lệ riêng ông vẫn bình tĩnh mỉm cười: “Nợ nước trả chưa xong ta đã chết, nhưng ý trời đã định ta biết sao!”. Nói xong ông trút hơi thở cuối cùng giữa sự mến tiếc của anh em. Đó đây vang lên tiếng pháo giao thừa như tiễn đưa linh hồn người chí sĩ”.

Bài học của Nguyễn Háo Vĩnh và nhà in Xưa Nay

Đến năm 1916, ông Nguyễn Háo Vĩnh bị bắt tại Hong Kong và bị giao lại cho chính quyền thực dân tại Nam kỳ rồi bị toà án của thực dân Pháp tại Sài Gòn kết án tử hình, nhưng sau đó được Tổng thống Pháp ân xá. Ông về ở với thân phụ là Nguyễn Háo Văn ở Cần Thơ. Rồi vào năm 1922 hay 1923 nhờ thanh tra Chánh trị sự vụ tại Phủ Toàn quyền Louis Marty đỡ đầu, ông trở về Sài Gòn làm báo và làm chủ nhà in mà không còn hoạt động chính trị nữa”. (15) Thực ra, đến năm 1928 ông Nguyễn Háo Vĩnh vẫn còn bị bắt giải toà về tội rãi giấy in (chắc là do Nhà In Xưa Nay Nguyễn Háo Vĩnh in-NV) nói chuyện tầm bậy (thay vì nói thẳng là quốc sự-NV) (báo Công Luận đã trích dẫn).

Ngoài ra, ông cũng là chủ nhân sáng lập 2 tờ báo Hoàn Cầu Tân Văn, và Nam Kỳ Kinh Tế Báo, ký bút hiệu Hốt Tất Liệt. Dưới bút hiệu này, ông đã mở cuộc bút chiến với Lê Hoằng Mưu, chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, khi ông này cho ra đời cuốn tiểu thuyết Hà Hương Phong Nguyệt với bút hiệu là Mộng Huê Lầu.

Hốt Tất Liệt, lên án Hà Hương Phong Nguyệt là một cuốn dâm thơ với những đoạn tả cảnh giao hoan sống sượng và bản thỉu, làm tổn thương danh dự của người cầm bút và gieo nọc độc vào đầu óc thanh niên. Mộng Huê Lầu, chỉ nguỵ biện để cầm cự cho nó có chừng. Độc giả hưởng ứng làm hậu thuẫn cho Hốt Tất Liệt gây một dư luận mãnh liệt đòi đốt Hà Hương Phong Nguyệt. Thực dân buộc lòng phải chiều theo dư luận quần chúng, ra lệnh tịch thâu Hà Hương Phong Nguyệt, chất thành đống rồi hoả thiêu. (16)

Hốt Tất Liệt toàn thắng và văn hoá dân tộc đã thắng với sự trợ lực của những gì còn lành mạnh của dân tộc.” (17)

Đoạn trên đây là của XX viết theo lời kể của Nam Đình, chủ bút nhật báo Đuốc Nhà Nam. Khi có người hỏi: Sao không có “bài học Nguyễn Háo Vĩnh”, tác giả XX đã viết:

“Tôi thú thật là không hề quen biết ông, chỉ nhớ mang máng rằng có đọc ở Nam Phong một bài của ông chê ông Phạm Quỳnh dùng chữ Nho quá nhiều trong văn chương Quốc ngữ.

Ông Phạm Quỳnh cũng có trả lời và cố nhiên là cách đây (18) trên 40 năm nhiều người về phe ông Phạm Quỳnh và còn cho là ông Nguyễn Háo Vĩnh háo thắng, gây sự với nhà “học phiệt” để có chút tên tuổi với đời.

Tôi (XX) có dè đâu ngay từ hồi đó, Nguyễn Háo Vĩnh đã là một nhân vật đáng kể cả về học thức, chí khí lẫn thành tích cách mạng của ông.” (19)

Ông Nguyễn Háo Vĩnh lập Nhà In Xưa Nay tại số 62-64 boulevard Bonard, sau đổi thành đại lộ Lê Lợi cho đến nay. Trong thời gian này, ông rất có công trong việc chấn hưng ngành xuất bản ở miền Nam. Ông đề nghị cách viết bỏ gạch nối nơi những từ kép trong Quốc ngữ và viết liền nhau, thí dụ chí sĩ thay vì chí-sĩ, tinh thần thay vì tinh-thần...

Với lôgô nhà in hình tròn có hình tượng Đức Phật ngồi trên hoa sen, bên trên có hàng chữ Nhà In Xưa Nay. Những sách nào được Nhà In Xưa Nay cho ra mắt thường là những sách có giá trị, trình bày có mỹ thuật và in đẹp. Cũng có khi Nhà In Xưa Nay không ngại bỏ thêm công để giúp thêm phần diễn giải hoặc sửa lỗi để quyển sách được hoàn chỉnh. Dưới đây là vài hàng Nhà In Xưa Nay ghi thêm bên dưới lời tựa quyển Đạo Nam Thiện Kinh, nói lên công việc tự nguyện này:

“Chúng tôi kà kẻ nhận in quyển Đạo-nam-kinh, thấy lời lẽ có phần hay và cón phần chánh đoán thì lấy làm thích nên gia tâm sửa thật kỹ những câu những tiếng viết lộn viết trật. Trong quyển kinh này có nhiều câu đối và một vài bài thơ toàn bằng chữ Hán. Bởi sợ người ít học chữ Hán khó hiểu, nên chúng tôi đã có cậy mượn người thích ra Nôm in vào đây, trông mong giúp ích cho đồng ban ta trong muôn một”.

Qua bao trận phong ba bão táp, qua bao năm tháng nơi đất khách quê người với những giây phút thập tử nhất sinh, những mong một ngày mai tươi sáng trên quê hương đất nước, nhưng phải chăng vận nước chưa đến? Ông Nguyễn Háo Vĩnh giờ đây muốn tìm một nơi thanh vắng để đi dưỡng tinh thần, một nơi thanh tịnh để bắt đầu nuôi dưỡng cuộc sống tâm linh. Ông cất một nhà đàn bằng gạch ngói, rộng mỗi bề 10m, dưới có bậc tam cấp bằng đá xanh, trên có gác lửng bằng gỗ để làm chỗ thờ. Nhà đàn mang tên là Trước Tiết Tàng Thơ, được cất trên một gò đất giữa thửa ruộng ruộng 5 mẫu tại Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh bên cạnh một nhánh nhỏ của rạch Cá Trê đổ ra sông Sài Gòn. Thuở ấy chỉ dùng nước từ ghe chở tới bán, mỗi lần yêu cầu ghe chở nước đến đổ đầy các lu vú xếp vòng quanh 3 cạnh nhà đàn, có thể lên đến 30 lu. Phía sau nhà đàn (phía lộ, vì mặt tiền nhà đàn hướng về con rạch, mặt hậu đưa về mặt lộ) có nhà sàn ván, cột gạch làm chỗ cho đạo hữu nghỉ. Dừa nước mọc ven con rạch bao quanh, trước năm 2002 ghe còn tới lui được tới Cầu Cống, bây giờ đã bị cát lấp hết.

Ông Nguyễn Háo Vĩnh có chiếc xe Traction, thường cứ 5-6 giờ chiều thứ bảy ông đưa các con gồm 3 gái, 1 trai là Nguyễn Triệu Ẩu, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh và Nguyễn Háo Thạnh Đốn qua nhà đàn. Rồi ông và ông Trương Duy Toản cùng đồng đạo hầu đàn cầu cơ, đến sáng thứ hai mới trở về đường Bonard. Ngày 29-7 năm Giáp Tuất 1934, ông Nguyễn Háo Vĩnh đã thọ pháp (tu theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh). Chính tại nhà đàn Trước Tiết Tàng Thơ này vào năm 1936 đã hầu cơ tiếp được trọn bộ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, một bửu kinh của Cao Đài Đại Đạo.

Ông Nguyễn Háo Vĩnh liễu đạo (mất) ngày 19-6 năm Tân Tỵ (1941), ông được liệm và chôn cất theo nghi thức của đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh. Mộ phần hình lục giác có dạng cái tháp tại đàn Trước Tiết Tàng Thơ, Thủ Thiêm, Thủ Đức, nay là phường An Khánh, quận 2 TP.HCM.

Vài năm sau (trước 1945), nhà đàn Trước Tiết Tàng Thơ bị giặc Pháp mở một trận càn quét thiêu rụi, tháp ông Nguyễn Háo Vĩnh bị chúng bắn phá nhiều chỗ. Theo lời kể của bà Phan Thị Trung sanh năm 1917 (thật ra bà họ Phạm, sanh năm 1919 tuổi Mùi, con ông Phạm Văn Thêm, hiện tu ở thánh thất xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Bà Trung ngày trước đã tu ở Trước Tiết Tàng Thơ cho đến giờ phút cuối cùng của nhà đàn. Theo bà Trung, vì lý do trong nhà đàn có ông đốc học Nguyễn Văn Mùi khi ông dạy học sinh ông thường nói chuyện chính trị, kể chuyện Việt Minh chống Pháp, nên bị Pháp buộc tội, nhà đàn Trước Tiết Tàng Thơ bị triệt hạ.

Theo ông Nguyễn Háo Thạnh Đốn thì thuở ấy, con đường chạy ngang nhà đàn Trước Tiết Tàng Thơ bên Thủ Thiêm vắng lắm, đến trưa là không còn xe. Thế mà thỉnh thoảng có chiếc xe thổ mộ chở bao gạo vào nhà đàn, trong khi nhà đàn chỉ có năm ba người thôi, khiến giặc đánh dấu hỏi dò tìm số gạo này đi đâu?

Ông Trương Duy Toản (áo dài) và Ông Nguyễn Háo Vĩnh năm 1915.

Về Nhà In Xưa Nay. Sau khi ông Nguyễn Háo Vĩnh mất, không biết bà Vĩnh đã khéo thu xếp thế nào mà máy móc nhà in biết mất. Pháp điều tra ra thì trên giấy tờ ghi là bà Nguyễn Háo Vĩnh đã cho René Quang thuê, một cầu thủ bóng đá hạng quốc tế dạo đó, thuê và René Quang đã đi kháng chiến mang theo toàn bộ máy móc nhà In Xưa Nay. Hội đồng thành phố Sài Gòn do Bonvicini chủ xướng xin toà cho tịch thu nhà in Xưa Nay, nhưng bất thành vì bà Nguyễn Háo Vĩnh cầm chắc trong tay giấy tờ cho René Quang thuê mướn! Máy móc của Nhà In Xưa Nay chắc đã tan rã nơi một khu chiến xa xăm nào đó. Nhà đàn Trước Tiết Tàng Thơ giờ cũng không còn, rồi đây nơi an nghỉ của ông Nguyễn Háo Vĩnh sẽ ra sao khi phường An Khánh, quận 2 TP.HCM nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới. Có nên chăng dành lại mảnh đất để tái tạo di tích Nhà Đàn Trước Tiết Tàng Thơ, hay cứ cho tan biến để rồi sau này không còn ai biết đến Nguyễn Háo Vĩnh và những công lao của ông nữa.

___________

Chú thích:

(1) (5) Sơn Nam - Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ.

(2) Souverains et Notabilités d’Indochine p.86.

(3) Như để thay cho một lời xin lỗi về việc này, gần đây Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội, khi nêu lên con số khá đông du học sinh Việt Nam tại Nhật hiện nay, đã phát biểu: Phải chăng nước Nhật đang trả món nợ của trăm năm trước?

(4) (6) Sưu tầm của báo Dân Nguyện.

(7) (9) Sơn Nam (sđd)

(8) Nguyễn Bá Thế - Chí Sĩ Trên Đường Duy Tân Cứu Quốc - báo Đuốc Nhà Nam 16/5/1971.

(10) Nguyễn Văn Hầu - Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu... NXB Xưa Nay & NXB Trẻ (tr 31).

(11) Nguyễn Bá Thế (nt).

(12) Minh Trân Nguyễn Như Hằng (1917-1968), cháu nội của cụ Nguyễn Thần Hiến, sinh thời đã từng làm Giám học trường Nữ Trung học Gia Long Sài Gòn, Hiệu trưởng Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.

(13) Nguyễn Văn Hầu - sđd tr.43. Tác giả cũng có chú thích: “Theo cụ Cường Để thì Huỳnh Hưng bị kêu 6 tháng tù. Nhưng chắc cụ đã nhớ lộn hoặ ấn công sấp số sai, chứ theo cụ Nguyễn Quang Diêu trong bài Hà Thành lâm nạn thì Huỳnh Hưng bị kêu tù 9 tháng”.

(14) Trương Minh Đạt - Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến (Xưa & Nay, số 226 tháng 12-2004): “Xác ông bọn Pháp đưa qua Trường Thuốc để cho sinh viên giải phẫu. Có một số sinh viên miền Nam như Nguyễn Tấn Đởm, Võ Xuân Hoành nhìn mặt biết được, nên họ đồng lòng giữ thi hài ông lại”.

Nhân tiện xin đề nghị đính chính lại là – Võ Xuân Hành thay vì Võ Xuân Hoành.

- Ngày cảnh sát Anh khám nhà Ô. Huỳnh Hưng là 16-6-1913 thay vì 6-6-1913.

(15) Lê Tích Đức - Những sĩ phu ở Nam Kỳ giúp ngài Cường Để.

- báo Buổi sáng 19-11-1960.

(16) Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu được in thành sách, nhưng bị Nguyễn Háo Vĩnh ở báo “Nam kỳ kinh tế” công kích dữ dội, cho nên vừa in xong gần 10.000 bản, chưa kịp phát hành thì bị tịch thu và đốt sách. Theo “Trung Bắc Chủ nhật, số 53, ra ngày 23-3-1941”.

(17) (19) XX - Bài học Nguyễn Háo Vĩnh - báo Thần Chung số 340 ngày 20, 21-8-1967.

(18) Bài viết năm 1967, chuyện kể trước đó 40 năm tức 1927.