Viết tiếp về "thảm họa đạo văn": sự thật không thể chối cãi!

Post date: Oct 24, 2012 3:02:55 AM

VIẾT TIẾP VỀ "THẢM HỌA ĐẠO VĂN": SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI CÃI!

Tùng Hương.

Bài đăng trên Phụ nữ online ngày 13-10-2012.

Báo Phụ Nữ ngày 8/10 có bài Hội thảo khoa học Nhà cách mạng Châu Văn Liêm: “thảm họa” đạo văn, phản ánh sự chệch choạc về tư liệu liên quan đến nhà cách mạng tiền bối này, xuất phát từ nạn sao chép tư liệu một cách tùy tiện. Sau khi báo phát hành, bên cạnh những phản hồi tích cực, chúng tôi còn nhận được những ý kiến đề nghị tác giả bài báo “nêu rõ hơn các luận cứ, bằng không phải đính chính, xin lỗi!”. Chúng tôi xin khẳng định, “thảm họa đạo văn” là sự thật không thể chối cãi!

Sở dĩ chúng tôi gọi các “tài liệu chính thống” vì đó là tài liệu không chỉ được biên soạn bởi nhóm tác giả có uy tín dưới sự giám sát, kiểm tra, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và được cơ quan chức năng xuất bản công khai… mà còn bởi nó được các tác giả có tham luận tại hội thảo này sử dụng làm tài liệu tham khảo. Thực tế cho thấy, các tài liệu “chính thống” này rất chệch choạc. Cụ thể, tên của song thân nhà cách mạng Châu Văn Liêm được thống nhất viết là ông Châu Khắc Chấn và bà Trần Thị Tơ, nhưng các tài liệu “chính thống” lại có sự khác biệt rất lớn. Nếu như Địa chí Long An ghi nhận: “Thân phụ của Châu Văn Liêm là ông Châu Văn Thân, mẹ là Trần Thị Lệ” (trang 613), thì Địa chí Cần Thơ tại trang 751 lại viết: “Cha của Châu Văn Liêm là ông Châu Khắc Chấn” (không ghi tên mẹ).

Theo Trần Bảo Ngọc (TP. Long Xuyên), tác giả của tham luận Vài ý kiến về thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối Châu Văn Liêm được in trong tài liệu hội thảo, thì thời gian và tên trường học tại Sài Gòn của ông cũng được viết loạn xị. Trong lúc có tài liệu viết Châu Văn Liêm học sư phạm tại trường Hậu Bổ Sài Gòn, “Châu Văn Liêm học tại Trường Sư phạm Hậu Bổ Sài Gòn từ năm 1922-1924” (Địa chí Long An, trang 614); thì tài liệu khác viết là Trường Sư phạm Hậu Bổ (Địa chí An Giang, tập 2, trang 246); sách Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ 1927-2010 lại ghi là Trường Sư phạm Đông Dương tại Sài Gòn (trang 11); Địa chí Cần Thơ viết ông học lớp Sư phạm Sài Gòn (trang 752). Thậm chí theo Nguyễn Thị Thanh Vân (Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ), ngay cả sách Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ (tập 1) khi đề cập sự kiện Châu Văn Liêm học ở Trường Collège de Cantho (nay là Trường PTTH Châu Văn Liêm) cũng có điểm “lệch” với thực tế. Vấn đề này, trong bài báo trước, chúng tôi đã chứng minh: vào thời điểm này, nhà cách mạng tiền bối Châu Văn Liêm không học ở đây.

Địa chí Long An - tác phẩm có sự nhầm lẫn về tên thân phụ của nhà cách mạng Châu Văn Liêm.

Ngay đến sự kiện căn bản là ngày hy sinh của ông (4/6/1930), nhiều nguồn tài liệu mang tính “chuyên nghiệp” như Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, website lịch sử Việt Nam (http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=12&Itemid=34) cũng mắc phải “nhầm lẫn” khi viết thành ngày 4/5/1930. Thậm chí Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam còn mắc thêm “hạt sạn” khi cho rằng Châu Văn Liêm tốt nghiệp sư phạm lúc 20 tuổi, tức sớm hai năm so với các tài liệu đã được xác tín.

Trên đây là ý kiến chủ quan của tác giả, sau khi tham khảo các tài liệu, rất mong được bạn đọc góp ý thêm nhằm làm sáng tỏ và lành mạnh hóa việc sử dụng tài liệu lịch sử, và nhất là qua đó gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng “nhai lại” tùy tiện đã và đang tồn tại trong một bộ phận những người tự nhận là làm công tác khoa học.

Tùng Hương

1- Địa chí Cần Thơ, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Cần Thơ, xuất bản năm 2002.

2- Địa chí Long An, NXB Long An - NXB KHXH - 1989.

3- Địa chí An Giang, tập 2, UBND tỉnh An Giang - 2007

4- Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ (1927 - 2010), Ban Tuyên giáo Thành ủy - 2012

5- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Văn Hóa - 1993.

6- Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, tập 1 (1929 - 1945) xuất bản năm 1995.