Vàm Nao không phải Hồi Oa.

Post date: Aug 11, 2012 6:19:46 AM

VÀM NAO KHÔNG PHẢI HỒI OA.

Trần Hoàng Vũ – Hội sử học tỉnh An Giang.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số tháng 7-2012.

Vàm Nao là đoạn sông ngắn nối liền sông Tiền và sông Hậu ở tỉnh An Giang. Trong cuốn địa chí “Tân Châu xưa”, tác giả Nguyễn Văn Kiềm có viết về Vàm Nao như sau: “Đúng theo cổ sử thì sông Vàm Nao xưa kia gọi “HỒI OA THỦY” (nước xoáy tròn). Sở dĩ hiện trạng nầy mà có, thường khởi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, khi sông Cửu Long bắt đầu dâng lên, nước cuồn cuộn chảy như thác lũ; những dòng nước xoáy to lớn nơi Vàm Nao ồ ạt đảo lộn liên tục làm cho sự lưu thông trở nên khó khăn: người chưa từng kinh nghiệm trên dòng nước xoáy nguy hiểm lắm lúc bị đắm thuyền.

Sử ghi: ngày xưa, chỗ nầy có cất một cái đồn gọi “ĐỒN HỒI OA”. Năm Đinh Tỵ (1787), khi đầu trung hưng, vua Thế Tổ Cao Hoàng Đế từ nước Xiêm về đóng binh ở đây, nay di chỉ vẫn còn. Năm Tự Đức thứ 2 (1842), Đốc thần là Doãn Uẩn phỏng tra việc cũ, có dựng bia cho nền cũ nầy, để ghi thắng tích”[1].

Các tác phẩm biên khảo của các học giả Nguyễn Văn Hầu (Nửa tháng trong miền Thất Sơn), Nguyễn Hiến Lê (Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười) cũng đều nói Vàm Nao xưa gọi là Hồi Oa. Kỳ thực, Vàm Nao đâu phải Hồi Oa!

Đại Nam nhất thống chí cho biết: Hồi Oa ở cách huyện Vĩnh An 15 dặm về phía tây bắc, do nước sông Sa Đéc chảy đến, chia làm ba đường: đường thứ nhất chảy về phía nam 10 dặm qua ngã ba Vĩnh Thịnh (còn có tên là Cường Oai), qua Cán Cờ rồi đổ vào sông Cường Oai mà ra Hậu Giang; đường thứ hai chảy về phía tây cũng qua sông Vĩnh Thịnh rồi chuyển sang ngòi Lưu Thủy, qua sông Thủ Ô, đến ngã ba về phía tây Bình Thành, lại chảy về phía bắc 10 dặm qua sông Hội An mà đổ vào Tiền Giang; đường thứ ba chảy về phía tây 21 dặm qua sông Cường Thành mà vào Hậu Giang. Do đây là chỗ nước hai sông Tiền, Hậu gặp nhau, nên nước chảy thành vòng xoáy. Năm Đinh Mùi (1787) đầu đời Trung Hưng, Thế Tổ Cao Hoàng Đế đóng quân ở đây để chỉ huy các đạo. Gia Định thành thông chí cũng mô tả tương tự và gọi nơi này là ngã ba Hồi Luân Thủy.

Căn cứ vào sự mô tả của Đại Nam nhất thống chí, chúng ta có thể thấy rằng Hồi Oa không thể làm Vàm Nao bởi Vàm Nao là khúc sông thẳng trong khi Hồi Oa là ngã ba sông, lấy nước từ sông Sa Đéc. Ngày nay, cái tên Hồi Oa không còn được nhắc đến trên bản đồ nhưng nguyên gốc tên nôm của nó là Nước Xoáy thì vẫn còn được sử dụng. Hồi Oa (Nước Xoáy) là nằm ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò vẫn còn di tích nền đồn của Nguyễn Ánh, cây da bến Ngự nơi Nguyễn Ánh thường ngồi câu cá cũng như bia mộ và chuyện kể về ông Bõ Hậu đã cưu mang Nguyễn Ánh cùng binh lính dưới quyền. Ngược lại, ở Vàm Nao không có những di tích nổi bật liên quan tới Nguyễn Ánh mà chỉ có thủ cũ Thuận Tấn lập từ năm 1789 mà thôi.

Về phần Vàm Nao, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chia sông này thành hai phần và gọi là rạch Vàm Nao Thượng và rạch Vàm Nao Hạ. Gia Định thành thông chí gọi nó là Vàm Giao và chú thích “tục gọi cửa sông là Vàm, tục chép là Vàm Náo chữ Náo không đúng, nay đổi làm chữ Giao, nên gọi là Vàm Giao”. Đại Nam nhất thống chí gọi Vàm Nao là Thuận Cảng (kênh Thuận). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gọi Vàm Nao là Thuận Phiếm. Thuận Cảng, Thuận Phiếm hẳn là những cái tên chữ Hán được đặt về sau, trong tiến trình mỹ hóa các tên gọi nôm. Điều chắc chắn là, trong những ghi chép của Trương Quốc Dụng và cả trong chính sử triều Nguyễn về các trận đánh giặc Xiêm trên sông Vàm Nao năm 1833-1834 đã thấy gọi Vàm Nao là Thuận Cảng.

Không rõ vì lý do gì mà các nhà nghiên cứu lớp trước lại xác định Vàm Nao là Hồi Oa. Đây là một sự nhầm lẫn. Do chỗ Hồi Oa là một địa danh quan trọng trong lịch sử, sự nhầm lẫn đó sẽ kéo theo những ngộ nhận chết người khác. Chẳng hạn, các tác giả bộ địa chí An Giang đã xếp tấm bia “đồn cũ Hồi Oa” do Doãn Uẩn dựng năm 1842 vào danh sách các văn bia cổ của tỉnh An Giang, trong khi trên thực tế bia này phải nằm ở Lấp Vò. Ở trên cũng đã nói, tác giả Nguyễn Văn Kiềm còn chỉ định đại bản doanh của Nguyễn Ánh khi mới về nước là tại Vàm Nao, trong khi thực ra Nguyễn Ánh đóng ở Nước Xoáy. Ở một chiều hướng khác, không xác định được Thuận Cảng chính là Vàm Nao cũng là nguyên nhân của một số nhầm lẫn. Như tiến sĩ Nguyễn Sơn, khi dịch thuật các bài thơ của Trương Đăng Quế, đã xác định nhầm địa danh Thuận Cảng mà Trương Đăng Quế nhắc đến là Bến Lức ở Long An, mặc dù thời của Trương Đăng Quế chưa có tên tỉnh Long An mà Bến Lức thời đó thì có tên chữ Hán là Lật Giang. Thiết nghĩ rằng, trong các tài liệu biên soạn về sau khi nhắc tới Vàm Nao, chúng ta cần xác định rõ Vàm Nao không phải Hồi Oa, tên gọi chữ Hán của Vàm Nao là Thuận Cảng hoặc Thuận Phiếm, ngõ hầu tránh được những nhận định sai lầm không đáng có.

Tài liệu tham khảo:

Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập V. NXB Thuận Hóa, 2005.

Trịnh Hoài Đức. Gia Định thông chí. NXB Giáo dục, 1998.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 5. NXB Thuận Hóa, 2006.

[1] Nguyễn Văn Kiềm, Huỳnh Minh. Tân Châu xưa. NXB Thanh Niên, 2003, trang 149-150.