Vì sao gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo Lành?

Post date: Jan 2, 2012 3:16:52 PM

VÌ SAO GỌI BỬU SƠN KỲ HƯƠNG LÀ ĐẠO LÀNH?

Trần Hoàng Vũ

Bài đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 385, tháng 8-2011, đăng lại trên tạp chí Văn hóa lịch sử An Giang số tháng 12-2011.

Bửu Sơn Kỳ Hương là một nhánh Phật giáo do Đoàn Minh Huyên sáng lập ở miền Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX, nhấn mạnh vào “thuyết hội Long Hoa” để khuyên con người làm lành lánh dữ. Chủ trương của Bửu Sơn Kỳ Hương là lấy Phật làm căn, không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không cạo đầu, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Người theo Bửu Sơn Kỳ Hương còn phải thi hành bốn ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Theo truyền thuyết của giáo hệ, Bửu Sơn là núi báu, tức là Thất Sơn mà đỉnh linh thiêng nhất là núi Cấm; Kỳ Hương tức là mùi thơm lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp do đức Phật Di Lặc chủ trì sẽ thành lập tại đó. Bửu Sơn Kỳ Hương vừa ra đời đã thu hút được nhiều tín đồ. Bốn năm sau ngày Đoàn Minh Huyên viên tịch (1860), Khâm phái của triều Nguyễn là Hoàng Văn Tuyển đã tâu về triều về việc: “trong các tỉnh Long Tường An Giang nhân dân bị mê hoặc vì thuyết hoạ phước của sơn tăng, từ các tháng 11 tháng 12 bỏ nhà cửa đưa gia quyến đến ở sinh sống tại xứ tục danh là Láng Cháy thuộc phủ hạt Tịnh Biên, già trẻ trai gái có đến số ngàn”. Những người dân này về sau sẽ là hậu thuẫn đắc lực cho các lực lượng kháng Pháp trong địa bàn An Giang – Hà Tiên.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương dưới sự lãnh đạo của một môn đệ Đoàn Minh Huyên là Trần Văn Thành đã tích cực tổ chức kháng Pháp, xây dựng căn cứ tại Láng Linh - Bảy Thưa. Hoạt động của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã khiến thực dân Pháp vô cùng đau đầu và tổ chức đàn áp (3-1873). Mặc dù căn cứ bị phá vỡ và Trần Văn Thành hy sinh (theo sự tin tưởng của người trong đạo thì Trần Văn Thành chỉ mất tích chứ không chết) nhưng hoạt động của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương yêu nước vẫn tiếp tục. Vì thế, ngày 22-4-1873, Đô đốc Dupré ban hành Nghị định nghiêm cấm không cho dân chúng theo đạo Lành (tức Bửu Sơn Kỳ Hương) vì đạo này xúi giục dân chúng đi lạc đường ngay nẻo chánh. Nghị định còn nói rõ những người đi truyền giảng đạo này cũng như tín đồ của đạo sẽ bị xử như luật đàng cựu, bị xem là gian đạo sĩ, là phiến loạn.

Vì sao gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo Lành?

Nhà Nam Bộ học Sơn Nam đưa ra nhiều giả thiết. Theo ông thì vài tài liệu của Pháp dịch đạo Lành là đạo dạy cho làm lành. Có người cho rằng đạo Lành tức là đạo của ông Trần Văn Thành nói trại ra, đọc theo giọng Pháp. Tuy vậy, Sơn Nam cũng nhận thấy rằng các công văn của Pháp về sau, khi đã có nhiều thân hào, nho sĩ bị mua chuộc làm việc cho Pháp, cũng vẫn gọi là đạo Lành. Không có lý gì chính người Việt lại nhầm lẫn! Sơn Nam đưa ra giả thiết rằng: “đương thời ông Trần Văn Thành được gọi là ông quản Thành. Có lẽ đồng bào lúc bấy giờ gọi trại lại, vì cử tên ông nên Thành đổi ra Lành. Hoặc đó là danh xưng riêng mà người trong đạo cố ý đặt ra để che mắt nhà cầm quyền, khiến chúng khó có lý do đàn áp hoặc ngăn cấm: vô đạo chỉ là để làm điều lành thôi, chớ không phải để chống Pháp như ông Trần Văn Thành của phái Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Một tài liệu châu bản đương thời đã giúp chúng ta trả lời dứt khoát câu hỏi này. Đó là tờ tâu đề ngày 26 tháng giêng năm Tự Đức thứ 26 (1873) của các đại biểu kháng chiến năm tỉnh Nam Kỳ (Định Tường, Gia Định, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) dâng lên vua Tự Đức trình bày về lực lượng chống Pháp ở Nam Kỳ, sự suy yếu của Pháp sau thất bại trong chiến tranh Pháp-Phổ (châu bản gọi là nước Cốc Xuyên) và đề nghị triều đình cử người về Nam Kỳ chiêu tập lực lượng. Tài liệu còn kể ra danh sách các thủ lĩnh nghĩa quân ở Bảy Núi trong đó người thứ 33 là “thiền sư (hiệu đạo Lành) Trần Văn Thành”.

Như vậy, đương thời ông đạo Lành là biệt hiệu của Trần Văn Thành. Biệt hiệu này có thể là do dân chúng đặt, tương tự như các biệt hiệu ông đạo Tưởng của Lâm Văn Quốc, ông đạo Dừa của Nguyễn Thành Nam... Theo Phạm Bích Hợp thì: “Khái niệm ông Đạo, là để chỉ những người có khả năng đặc biệt, như khả năng chữa bệnh, khả năng tập hợp quần chúng, khả năng huyền linh, dẫn dắt mọi người theo một chủ thuyết nào đó. Tóm lại, là người có khả năng làm một điều mà người bình thường không làm được, và mang màu sắc thần bí”. Tại Nam Bộ, việc tôn vinh một người có biểu hiện khác thường nào đó là ông Đạo là việc thường thấy như học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét: “Không một tổng nào trong 5, 10 năm mà không nảy ra một ông Đạo”. Do chỗ Trần Văn Thành được gọi là ông đạo Lành (bên cạnh chức Quản cơ do triều đình phong) nên những người đi theo ông cũng được gọi là “những người theo [ông] đạo Lành”, cũng như những người đi theo Lâm Văn Quốc được gọi là những tín đồ Đạo Tưởng mặc dù bản thân Lâm Văn Quốc chưa hề nói tôn giáo của mình có tên là gì.

Vậy thì tại sao không mấy ai biết đến tên gọi đạo Lành là để chỉ Trần Văn Thành? Theo tôi vì lúc sinh tiền, Trần Văn Thành làm chức Quản cơ cho triều đình nên sau khi ông mất, người dân tôn kính gọi ông là Đức Cố Quản mà thôi gọi là ông đạo Lành. Các nhà biên khảo hiện nay khi nghiên cứu về Trần Văn Thành cũng chỉ nhìn ông với khía cạnh là một thủ lĩnh nghĩa quân kháng Pháp hơn là một ông đạo. Do đó mà tên gọi ông đạo Lành bị mai một theo thời gian và chỉ còn được giữ lại trong một tờ châu bản hiếm hoi được viết chỉ một tháng trước khi Trần Văn Thành tạ thế.

THV.