Kỳ 02 - Nội Các quan bản
Bản in Đại Việt sử ký toàn thư “Nội các quan bản” một lần nữa được nhắc đến bởi nhà nghiên cứu người Hoa là Trần Kinh Hòa vào năm 1977. Bản in này được lưu trữ tại Thư viện Hội Á Châu ở Paris, ký hiệu SA.PD2310. Bộ sách này trước đó thuộc quyền sở hữu của nhà nghiên cứu Paul Demiéville. Tờ bìa sách có đề dòng chữ “Nội các quan bản”. Nó gợi nhớ đến dòng chữ mà Gaspardone đã nhắc đến hơn 60 năm trước. Trần Kinh Hòa cho rằng đây là bản in cổ nhất trong số các bản in hiện biết và là bản “gần gũi nhất” với các bản được in ra từ bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Bộ ván in Nội các quan bản hoàn toàn khác với bộ ván in Quốc tử giám tàng bản, nhưng ở Nhật Bản lại có một bản in trung gian được in ra từ cả hai bộ ván. Đó là bản Đại Việt sử ký toàn thư do Thư viện Đại học Tenri lưu trữ. Một phần các quyển II, các quyển III, IV phần Bản kỷ và một số tờ của các quyển khác được in từ bộ ván in Nội các quan bản, trong khi những tờ còn lại được in từ bộ ván Quốc tử giám tàng bản.
Năm 1979, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp định cư ở Pháp đã thông báo về sự tồn tại của bản in Nội các quan bản tại Pháp với giới nghiên cứu Việt Nam. Năm 1981, nhà nghiên cứu Phan Huy Lê được cử sang Pháp để khảo sát bộ Đại Việt sử ký toàn thư SA.PD2310 “Nội các quan bản”. Ông đã mời hai nhà nghiên cứu đang sinh sống ở Pháp là Tạ Trọng Hiệp và Hoàng Xuân Hãn cùng tham gia khảo sát. Trong bài viết năm 1983, Phan Huy Lê kết luận “xác nhận là bản Chính Hòa đầy đủ và độc nhất còn lại đến ngày nay”. Có bốn lý do được đưa ra: Thứ nhất, Nội các quan bản SA.PD2310 không chứa các chữ kiêng húy thời Lê và thời Nguyễn. Thứ hai, bốn chữ “Nội các quan bản” hàm ý đây là bản in quan phương, tức bản in chính thống của triều đình. Thứ ba, sự phân chia các quyển theo từng phần trong Nội các quan bản trùng khớp với lời tựa của nhóm Phạm Công Trứ. Bản kỷ về triều đại Lê Thái Tổ nằm trong phần Bản kỷ toàn thư. Trong khi tại bản in Quốc tử giám tàng bản (mà ngày nay ta biết là được khắc in thời Nguyễn), phần bản kỷ này nằm trong phần Bản kỷ thực lục. Thứ tư, không có bằng chứng lịch sử cho thấy có việc khắc in lại quốc sử kể từ sau năm 1697 cho đến khi triều Lê diệt vong năm 1789. Nói tóm lại, Đại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản SA.PD2310 là “bản Chính Hòa, bản khắc in Đại Việt sử ký toàn thư trong lần xuất bản thứ nhất vào năm 1697”.
Với niềm xác tín đó, cũng trong năm 1983, tập I bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản SA.PD2310 được công bố. Ngoài bìa sách có đề dòng chữ “Mộc bản năm Chính Hòa thứ 18”. Lời xác tín này sẽ làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt.
Paul Demiéville (1894-1979)
Bìa sách Đại Việt sử ký toàn thư Nội Các quan bản
Cuộc tranh luận về niên đại Nội các quan bản
Sự liên kết bản in Nội các quan bản với bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697] đã bị chất vấn ngay từ năm 1984 bởi hai nhà nghiên cứu Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh. Các ý kiến phản biện của hai nhà nghiên cứu này không được đăng tải trên các tạp chí đương thời. Thay vào đó, nó được chuyển đến cho Phan Huy Lê và Nguyễn Khánh Toàn là những người có tham gia vào việc công bố bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản. Sau đó, người ta đăng tải những ý kiến trả lời của Phan Huy Lê và Nguyễn Khánh Toàn.
Vào thời điểm đó, nhóm Bùi Thiết chưa có điều kiện làm việc với bản chụp Nội các quan bản SA.PD 2310, mà chỉ có thể đưa ra các suy luận cá nhân dựa trên tập I bản dịch tiếng Việt. Nhóm Bùi Thiết đưa ra sáu luận điểm cho thấy Nội các quan bản không phải bản in năm 1697.
Thứ nhất, hai dấu ấn hình rồng trên tờ bìa có vẻ là kiểu rồng thời Nguyễn.
Thứ hai, nếu thừa nhận Nội các quan bản là bản in quan phương của Nội các, thì trong lịch sử triều Lê Trung Hưng không ghi nhận sự tồn tại của một cơ quan nào tên là Nội các. Nội các chỉ được thành lập dưới triều Nguyễn từ năm 1829 và một trong số những nhiệm vụ của Nội các là in ấn và lưu trữ sách vở.
Thứ ba, việc không kiêng húy không phải là đặc điểm thời Lê-Trịnh. Ngay trong bản in Đại Nam thực lục do sử quán triều Nguyễn thực hiện ban đầu cũng chứa rất nhiều chữ phạm húy các chúa Nguyễn.
Thứ tư, việc quyển X bản kỷ về Lê Thái Tổ nằm ở phần Bản kỷ toàn thư - phù hợp với bố cục gốc của Phạm Công Trứ - không có giá trị phản ánh niên đại.
Thứ năm, câu “Vựng lịch triều chi sự tích” ở bìa sách cho thấy bản in được thực hiện sau thời Lê, vì “lịch triều” ám chỉ các triều đại đã qua.
Thứ sáu, bản dịch không có câu “Hoàng Lê triều vạn vạn thế” mà các bản Quốc tử giám tàng bản có. Điều đó chứng minh người khắc lại ván đã bỏ câu này vì lúc đó triều Lê đã diệt vong (Thực ra đây là sơ sót của người dịch đã bỏ qua câu ấy).
Họ chủ trương rằng Nội các quan bản là bản in được thực hiện năm 1856, do nhóm Phan Thanh Giản đề xướng nhằm có tài liệu tham khảo biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Chính các bản Quốc tử giám tàng bản không kiêng húy triều Nguyễn, như bản VS-4, mới thực sự là mộc bản năm Chính Hòa thứ 18. Vậy rốt cuộc sự thực là thế nào?
(Còn tiếp)
Bài đăng trên báo Thanh Niên.