Xác minh lại niên biểu về Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư.
Post date: Nov 25, 2015 2:17:04 PM
Trần Hoàng Vũ
Bài tham luận Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư.
Chợ Mới, ngày 25-11-2015.
Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư là một trong những nhân vật đầu tiên ở An Giang được phong hầu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về ông vẫn còn sơ khai và các nguồn tư liệu chính sử còn chưa được khai thác thỏa đáng. Do đó, về cuộc đời và tiểu sử của Nguyễn Văn Thư có những ngộ nhận quan trọng. Bài viết này mong muốn dựa trên các tài liệu hiện có của chính sử để bước đầu đính chính lại những ngộ nhận trên.
Thời điểm đầu quân của Nguyễn Văn Thư và vai trò của ông trong trận Tham Lương.
Các nguồn tư liệu hiện nay xác nhận năm ông Nguyễn Văn Thư và hai em là Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện đầu quân là năm Nhâm Dần (1782), hoặc viết sai thành 1872. Khi này, Nguyễn vương Ánh sai người đến vùng Sa Đéc mộ quân. Người này có ghé nhà thân phụ của ông Thư là ông Nguyễn Văn Núi dùng cơm và khuyên ba anh em ông theo phò Nguyễn Ánh. Cả ba người vui vẻ đồng ý. Họ cùng được cử đến thuộc dưới quyền tướng Tôn Thất Hội và ngay trong năm ấy Nguyễn Văn Thư được góp công trong trận Tham Lương.
Vai trò của Nguyễn Văn Thư trong trận Tham Lương được chỉ dẫn bởi nhà nghiên cứu Phù Lang Trương Bá Phát. Trong bài Chiến trận Tham Lương năm Nhâm Dần (1782), ông đã mô tả trận ấy như sau:
“Tháng tư năm 1782, sau khi lấy tỉnh Biên-Hòa, Nguyễn-Nhạc noi theo đường trên (đường Tây-Ninh) xuống chiếm thành Phan-Yên [tức thành Phiên An – THV].
Ngoài các tướng-lãnh của Nguyễn Phước-Ánh như tướng Nguyễn-Diu, tướng Thư, tướng Trần-công-Chuong, lại có Trung-quân Tiết-chế Điều-bát các đạo bộ-binh ở Bình-Thuận vào tiếp-viện là Tôn-Thất-Dụ, Tả-chi Trần-Xuân-Trạch, Khâm-Sai Tham-Án Hồ-Công-Siêu và quân-binh đầy đủ.
Các tướng nầy đồng mai-phục ở đất Phù-Viên.
Tướng Tây-Sơn dẫn đường là Hộ-giá Phạm-Ngạn.
Từ trên ngả tư ấp Trùm-Tri ngày nay làng Phước-Vĩnh-Ninh xuôi xuống Phù-Viên. Nơi đây quân binh của Nguyễn-Diu đột ngột xông ra đánh phá và làm chủ tình-hình.
Bị cắt đứt liên-lạc trong khoảnh khắc với đại-binh còn đi sau, Phạm-Ngạn bị đánh dồn đến cầu Tham-Lương và bị chém chết nơi đây. Bên binh Nguyễn Phước-Ánh có Hồ-Công-Siêu bị tử trận”[1].
Theo lời chú thích của Phù Lang thì tên ba vị tướng: Nguyễn Diu, tướng Thư và Trần Công Chuong là lấy từ bản dịch tiếng Pháp của cuốn Gia Định thành thông chí do Aubaret thực hiện. Tiếng là bản dịch nhưng thực tế Aubaret đã xáo trộn bố cục sách gốc của Trịnh Hoài Đức, gần như biên soạn một cuốn sách mới. Về trận đánh ở cầu Tham Lương, Aubaret chỉ nhắc đến ba tướng: Nguyen-diu, Thu’ và Tran-cong-chu’ong[2]. Mặc dù tướng Thu’ dễ khiến người ta liên tưởng đến Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư, nhưng việc ông tham dự trận Tham Lương khiến người ta băn khoăn. Một là, ông Thư vừa mới đầu quân lại trở thành một viên tướng lớn, tham dự một trận đánh quan trọng thì nhanh quá. Hai là, Đại Nam nhất thống chí có cho biết Nguyễn Văn Thư “lúc đầu chiêu mộ nghĩa dõng, theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc”[3], mà trận Tham Lương này không ghi nhận sự có mặt của Tôn Thất Hội.
So sánh ghi chép của Aubaret với nguyên tác của Trịnh Hoài Đức thì thấy sách này không nói đến tướng Thu’ nào cả, mà ghi rõ rằng: “Lúc ấy tiết chế quan binh là ngoại hữu chưởng dinh Dụ quận công Nguyễn Suất, Bắc Hà biệt tướng là Tự Thuật hầu, Hòa Nghĩa đạo tướng quân là Chương Mỹ hầu Trần Công Chương, mưu tính việc khôi phục, gặp giặc đi tới, quân vừa đến địa phương Vườn Trầu bèn phục ở trong rừng mà đánh úp. Tự Chương giết được đại tướng giặc là ngụy hộ giá Ngạn”[4]. Như vậy, có thể dễ dàng xác định danh tính các tướng mà Aubaret nhắc đến: Nguyen-diu là Nguyễn Dụ, tướng Thu’ là tướng Tự Thuật hầu – không phải Thư Ngọc hầu, còn Tran-cong-chu’ong là Trần Công Chương.
Danh sách các tướng dự trận Tham Lương được chép kỹ hơn nữa trong Đại Nam thực lục. Sách ấy cho biết: “tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem Tả chi Trần Xuân Trạch, thuộc tướng là Trần Văn Tự, và thuộc tướng đạo Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu viện. Gặp tiền binh giặc, ập đánh, chém được hộ giá giặc là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương”[5]. Kết hợp ba nguồn tư liệu, có thể kết luận tướng Thu’ mà Aubaret nhắc đến chính là Tự Thuật hầu Trần Văn Tự, không phải Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư.
Trên thực tế vào năm 1782, ba anh em ông Nguyễn Văn Thư không thể tham gia bất kỳ trận đánh nào của quân Nguyễn Ánh. Lý do rất đơn giản: vào năm này, họ chưa hề đầu quân cho chúa Nguyễn. Đại Nam liệt truyện chính biên, sơ tập truyện Nguyễn Văn Thư ghi rõ: “Năm Đinh Mùi [1787, Nguyễn Văn Thư] ra đầu quân, chiêu mộ nghĩa dũng, theo Tiền quân Tôn Thất Hội đi đánh giặc”[6]. Thời điểm đầu quân của ba anh em Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư là năm 1787, không phải 1782. Thời điểm đầu quân được Quốc sử quán ghi nhận là có căn cứ. Đại Nam thực lục cho biết sau khi về cơ bản đã bình định xong quân Tây Sơn ở Nam Bộ, Nguyễn vương Ánh đã sai Tả quân Tôn Thất Huy, Tiền quân Lê Văn Quân và Hậu quân Tôn Thất Hội ghi tên tuổi, quê quán, năm tháng đầu quân và địa điểm đầu quân của các tướng hiệu dưới quyền và dâng lên. Nhờ đó, ngày nay ta còn biết được thời điểm đầu quân của nhiều nhân vật quan trọng như Thoại Ngọc hầu, Thư Ngọc hầu.
Chính năm 1787 là năm Nguyễn Ánh từ Xiêm trốn về đánh lấy lại đất Gia Định. Nguyễn Văn Thư và hai em sẽ có dịp tham gia những trận đánh quan trọng như sau sẽ thấy.
Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”
ghi chép việc Hoàng đế Gia Long truy tặng chức Chưởng dinh, Thuộc nội Cai cơ cho Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư năm 1814.
Đường binh nghiệp.
Khảo sát hành tung của quân Nguyễn nói chung cũng như Tôn Thất Hội nói riêng trong năm 1787, có thể phán đoán anh em Nguyễn Văn Thư đầu quân cho Nguyễn Ánh sớm nhất là vào tháng 10 âm lịch năm Đinh Mùi (1787) – khi Nguyễn Ánh về đóng đồn ở Hồi Oa (Nước Xoáy, Lấp Vò, Đồng Tháp) và đánh lui quân Tây Sơn đồn trú ở đây. Đại Nam thực lục xác nhận tình hình đó rằng: “khi vua đến Hồi Oa [Nước Xoáy] và Bát Tiên [gò Bắc Chiên], dân sở tại đều xin quy phụ rất nhiều, sai cứ số hiện có lấy một nửa làm hương binh cho đánh giặc”[7]. Tuy nhiên, ba anh em Thư Ngọc hầu không đầu quân trực tiếp cho Tôn Thất Hội vì thời điểm đó ông này đang hoạt động trên hướng Ba Giồng, chống trả các tướng Phạm Văn Tham, Nguyễn Văn Hưng. Có thể ba người đã đầu quân cho một người khác có trách nhiệm tuyển quân, rồi sau đó được điều về dưới quyền Tôn Thất Hội, lúc bấy giờ đang giữ chức Hậu quân dinh Khâm sai Đốc chiến Chưởng cơ. Nguyên nhân của việc điều động này chủ yếu là do yếu tố hộ khẩu vì Thực lục có cho biết Tôn Thất Hội quản lĩnh tướng sĩ dinh Vĩnh Trấn (về sau là trấn Vĩnh Thanh).
Từ cuối năm Đinh Mùi (1787) cho đến tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Hậu quân của Tôn Thất Hội chủ yếu hoạt động ở khu vực Ba Giồng, khi thì đóng dọc phòng tuyến Trà Tân – Mai Giang, khi thì chia giữ Giồng Sao (Tinh Phụ), Giồng Triệu (Triệu Phụ). Chiến thắng lớn nhất là trận phối hợp của Tôn Thất Hội với Võ Tánh và Nguyễn Ánh bao vây Đốc chiến Tây Sơn là Lê Văn Minh ở đồn Ngũ Kiều (Cầu Ngũ). Quân Nguyễn dùng hỏa công đánh trại và thắng lớn.
Nhân đà chiến thắng, Nguyễn Ánh đem đại binh thâm nhập Sài Gòn. Thái bảo Tây Sơn là Phạm Văn Tham bỏ thành, chạy về Ba Thắc. Nguyễn vương Ánh sai Tôn Thất Hội chỉ huy tướng sĩ dinh Vĩnh Trấn ở lại để cầm cự với Phạm Văn Tham. Cho đến đầu năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Ánh lại đốc suất các tướng Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương tấn công Phạm Văn Tham. Quân Tây Sơn lần lượt thua trận ở Hổ Châu (cù lao Dung), Ba Thắc, phải lui về sông Cổ Cò. Phạm Văn Tham buộc phải đầu hàng.
Trong các trận chiến này, Nguyễn Văn Thư đã có những đóng góp nhất định. Nhờ vậy, đến tháng 6 năm này (1789), Nguyễn Ánh lập đạo Kiên Đồn ở cửa sông Tà Ôn (dinh Vĩnh Trấn), đã giao cho Tham mưu Nguyễn Ngọc Cương và Cai cơ Nguyễn Văn Thư coi giữ, lo việc thu thuế người Hoa. Rồi đến tháng 10, ông được thăng làm Chánh trưởng chi, cai quản Tiền chi, trực thuộc đạo Tiền du của dinh Hậu quân, cùng làm việc với các tướng Trương Tấn Bửu, Phan Tiến Hoàng[8]. Đại Nam liệt truyện cho biết Nguyễn Văn Thư “đóng đồn ở Sao Châu phòng giữ phủ Ba Thắc”[9]. Ghi chép như vậy là tối nghĩa vì ở Nam Bộ có nhiều địa danh Sao Châu trong đó có cù lao Ông Chưởng, cồn Cái Sao, nhưng không hề nằm ở địa thế có thể phòng ngự cho Ba Thắc. Hoàng Việt long hưng chí nói rõ hơn, viết rằng Nguyễn Văn Thư “đóng đồn ở Xào Châu, phòng ngự Ba Thắc có công”[10]. Xào Châu tức là Bãi Xàu – một địa điểm thị tứ ở phủ Ba Thắc.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư lại được thăng làm Phó tướng Hậu quân.
Tháng giêng năm Tân Hợi (1791), Nguyễn vương Ánh cử Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư cùng Văn giáp Hàn Lâm viện Tham luận Trương Tiến Lộc cai quản việc kiện tụng và thuế khóa ở hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc. Tháng 3 cùng năm, Hậu quân Tôn Thất Hội được chuyển sang cai quản Tiền quân, vì vậy, Nguyễn Văn Thư cũng từ chức Phó tướng Hậu quân chuyển sang làm Phó tướng Tiền quân[11], nhưng vẫn cai quản Trà Vinh và Ba Thắc. Nguyễn Văn Thư giữ chức này đến tháng 5 năm Canh Tý (1792) thì bị giáng chức, từ Khâm sai Tổng nhung Cai cơ Phó tướng Tiền quân xuống làm Khâm sai Cai đội, chỉ vì có mấy thuộc hạ quấy nhiễu dân Phiên mà ông không phát giác[12].
Thời điểm hy sinh của Nguyễn Văn Thư.
Mặc dù bị giáng chức, Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư vẫn tiếp tục phục vụ dưới quyền Tiền quân Tôn Thất Hội. Trong chiến dịch năm Quý Sửu (1793), Tôn Thất Hội được phong Khâm sai Bình Tây đại tướng quân, dẫn các tướng Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Thành theo đường bộ tấn công bảo Phan Rí, đánh lui Đô đốc Tây Sơn là Hồ Văn Tự, thu phục được phủ Bình Thuận rồi tiến lên cùng Võ Tánh bao vây thành Quy Nhơn. Đến khi vua Cảnh Thịnh phát binh vào cứu Nguyễn Nhạc, Nguyễn vương Ánh lui quân về, mới sai Tôn Thất Hội cầm quân ở lại trấn thủ Phú Yên. Đóng ở đó hai tháng, thì được triệu về Gia Định.
Năm Giáp Dần (1794), tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Hưng chia hai đường thủy bộ vào bao vây thành Diên Khánh. Tháng 4 năm đó, Nguyễn vương Ánh đích thân đem thủy binh ra cứu viện, sai Tôn Thất Hội làm tiên phong, Võ Tánh làm hậu tập. Nghe tin viện binh đến, Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Hưng liền lui quân, bộ binh về đóng ở Phú Yên, thủy binh lùi về Quy Nhơn. Đến tháng 5 âm lịch, thủy binh Nguyễn tiếp tục tiến đến cửa biển Thị Nại, tấn công quân đội của Thái úy Nguyễn Văn Hưng và Thống lĩnh Nguyễn Văn Chân đang đồn trú ở đó. Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Hội cho quân đổ bộ đánh các đồn Tiêu Cơ và Mai Nương, đánh bại quân Tây Sơn, thu hơn 40 cỗ đại bác và nhiều khí giới. Theo Đại Nam thực lục, trong trận này “Phó tướng Tiền quân Nguyễn Văn Thư bị trúng đạn chết (Sau tặng Chưởng dinh)”[13]. Điều này cũng được Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập xác nhận, rằng “mùa hạ năm Giáp Dần [1794, Nguyễn Văn Thư] đánh giặc ở cửa biển Thi Nại, bị đạn bắn chết”[14]. Như vậy, thời điểm hy sinh của Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư là năm 1794, chứ không phải năm 1800 hay 1801 như nhiều người vẫn tưởng.
Một vấn đề cần bàn nữa là các tài liệu chính sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí đều khẳng định Nguyễn Văn Thư hy sinh trong trận Thị Nại, như vậy thời gian mất của ông phải là tháng năm âm lịch năm Giáp Dần (1794). Tuy nhiên, các tài liệu muộn hơn lại nói khác. Trương Vĩnh Ký viết: “binh thủy lại ra luôn Quảng-ngãi đánh kho Phú-đăng lấy được lương-phạn của giặc hết, mà bị súng chết hết một tiền-quân phó tướng là Nguyễn-văn-thơ”[15]. Hoàng Việt long hưng chí của Ngô Giáp Đậu cũng ghi nhận: “Trần Công Hiến chỉ huy quân Hùng võ theo Nguyễn Văn Trương đánh giặc là Đô ngu Nguyễn Văn Giáp ở kho Phú Đăng, cướp được hết thảy thuyền lương. Tiền quân Phó tướng Nguyễn Văn Thư trúng đạn chết tại trận”[16]. Căn cứ vào ghi chép của Đại Nam thực lục thì trận Phú Đăng diễn ra vào tháng 6 âm lịch năm Giáp Dần (1794). Điều này là phù hợp với ngày kỵ của “Ba quan Thượng đẳng” được tổ chức vào ba ngày 25-26-27/6 âm lịch. Tuy nhiên, khả năng Nguyễn Văn Thư tử trận ở trận Phú Đăng là không thể xảy ra. Bởi lẽ, Nguyễn Văn Thư là tướng dưới quyền Tiền quân Tôn Thất Hội, mà lực lượng đánh trận Phú Đăng là do Nguyễn Văn Trương – khi ấy giữ chức Giám quân Trung dinh – chỉ huy. Do đó, ngày 25-26-27/6 âm lịch chỉ có thể xem như ngày tin tức về cái chết của Nguyễn Văn Thư được truyền đến quê nhà mà thôi. Thời điểm hy sinh của Thư Ngọc hầu là tháng 5 năm Giáp Dần (1794).
Phần mộ Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư và hai em ở Bình Phước Xuân.
Dựa trên các ghi chép của chính sử triều Nguyễn, ta có thể khẳng định cuộc đời binh nghiệp của Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư chỉ kéo dài 7 năm, từ năm Đinh Mùi 1787 đến năm Giáp Dần 1794. Mặc dù vậy, Nguyễn Văn Thư đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nên những thắng lợi ban đầu của Nguyễn Ánh trên đất Gia Định cũng như ở các phủ, dinh miền Nam Trung Bộ. Bằng chứng là chỉ ba năm sau khi đầu quân, Nguyễn Văn Thư từ một chỉ huy nhỏ đã vươn lên trở thành Phó tướng cho Tôn Thất Hội, được Tôn Thất Hội tin cậy giao nhiệm vụ ngay cả khi đã bị giáng chức. Nếu so sánh với một số tướng lĩnh khác, nhất là với Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, sự thăng quan tiến chức này là hết sức nhanh.
Không chỉ về mặt quân sự, mà trên bình diện chính trị, Nguyễn Văn Thư cũng có vai trò nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ giữa triều đình với các nhóm dân tộc ít người ở Nam Bộ (người Hoa, người Khmer). Việc quản lý hoạt động thu thuế, xử kiện của các nhóm dân tộc này khi mới bắt đầu thực hiện đều được giao cho Nguyễn Văn Thư xử lý. Điều này không lạ vì chắc hẳn trong quá trình buôn bán trước khi đầu quân, Nguyễn Văn Thư đã có những hiểu biết nhất định về tình hình phong tục và ngôn ngữ, đủ điều kiện đảm nhận các nhiệm vụ trên.
Tiểu sử Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư được ghi rõ trong nhiều tài liệu chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, Đại Nam nhất thống chí và một số sử tư nhân như Hoàng Việt long hưng chí của Ngô Giáp Đậu. Đáng tiếc là tính đến nay chúng ta chỉ mới biết đến các ghi chép hết sức giản lược của Đại Nam nhất thống chí. Bản thân các ghi chép này lại không nêu rõ mốc thời gian, buộc lòng người nghiên cứu phải tiến hành phán đoán. Sai lầm, ngộ nhận sinh ra từ các phán đoán ấy là điều dễ hiểu.
[1] Phù Lang Trương Bá Phát. Chiến trận Tham Lương năm Nhâm Dần (1782). Tập san Sử Địa số 26, Khai Trí bảo trợ, 1972, trang 147-150.
[2] G. Aubaret. Gia-Dinh-thung-chi: Histoire et description de la Basse Cochinchine (pays de Gia-dinh).Imprimerie Impériale, Paris, 1864, p. 195.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí tập 5. NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 135-136.
[4] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. NXB Giáo Dục, 1998, trang 38.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 212.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 329. Bản dịch đánh máy lầm đề mục tên truyện của Nguyễn Văn Thư thành Nguyễn Văn Thủ, ở phần mục lục thì lầm thành Nguyễn Văn Thự.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 235.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 249, 252.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 329.
[10] Ngô Giáp Đậu. Hoàng Việt long hưng chí. NXB Hồng Bàng, 2013, trang 209. Dịch giả nhận lầm chữ “phòng ngự” cũng là địa danh nên viết hoa và có dấu phẩy ngăn cách với địa danh Ba Thắc, xin sửa lại.
[11] Ngô Giáp Đậu. Hoàng Việt long hưng chí. NXB Hồng Bàng, 2013, trang 176.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 260, 272, 274, 286.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 309.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập. NXB Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 330.
[15] Trương Vĩnh Ký. Manuel des écoles primaires ou simples notions sur les sciences. Imprimerie du Gouvernèment, Saigon, 1877, p. 273-274.
[16] Ngô Giáp Đậu. Hoàng Việt long hưng chí. NXB Hồng Bàng, 2013, trang 209.