Các pho tượng nam thần ở bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Post date: Dec 14, 2010 1:45:33 PM
CÁC PHO TƯỢNG NAM THẦN Ở BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP HCM
Đây là các tượng nam thần được tìm thấy ở đồng bằng Nam Bộ. Năm 1988, chúng được chuyển từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh đến trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ký hiệu BTMT 106, BTMT 107, BTMT 191, BTMT 200 và BTMT 202. Năm tượng này gồm hai tượng tìm được ở đồng bằng Nam Bộ, ký hiệu BTMT 107 và BTMT 191, ba tượng còn lại được phát hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Về chất liệu, bốn tượng làm từ sa thạch mịn, một bằng granit cứng. Dạng tượng bốn tay, gãy vỡ đầu và một phần tay chân.
Pho tượng nam thần ký hiệu BTMT 107, phát hiện ở thị trấn Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương ngày nay), cao 0,37m. Tượng đứng hơi nghiên về phía trước, lưng hơi cong, đường sống lưng mờ nhạt, cổ nhỏ, cao, có đường ngấn cổ. Hai vai rộng, ngang. Ngực rộng, nghiêng về phía trước, tạc nổi cao, dạng bán cầu, hai đầu ngực rõ. Eo thon, bụng nổi, rốn nhỏ, hình giọt nước, sâu. Chân dài, tay chân hơi thô. Sampot ngắn ôm thân, làm rõ các đường nét cơ thể (chân, mông). Lưng váy được cắt cong ở thân trước, đường viền lưng váy, gấu váy nhỏ. Hai đầu múi dây viền lưng váy ngắn, cong xuống, một bên thắt lưng trơn to bản, xếp nếp, quấn quanh hông theo chiều lưng váy. Một giải vải sọc nhỏ, lượn cong, xếp một đầu vải vào bên phải thắt lưng. Bên trái, các giải tua vải lượn mềm, xếp gần nhau như cánh quạt, phủ qua gấu váy, tạc nổi.
Pho tượng trên thuộc loại tượng nhỏ, được Louis Malleret cho là một phần của tượng Vishnu khi ông nhận thấy các mảnh vỡ nối lại đã thể hiện hình ảnh vị thần này. (Malleret 1959a).
Những chi tiết cơ thể và trang phục của pho tượng này có rất nhiều điểm giống với tượng nam thần ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh, ký hiệu BTLS 5630 (An Ninh – Hậu Giang), cũng dáng đứng nghiêng về phía trước, cổ nhiều đường ngấn, đầu gối tạc nổi, đường sống chân rõ: sampot ngắn, ôm thân, thắt lưng, giải vải, tua vải tương tự. Chỉ khác ở cách bố trí kiểu dáng trang phục hoặc một vài đường nét cơ thể như kích thước lớn, số tay ít hơn (hai tay), vai xuôi, lưng cong dịu hơn. Điều này cho thấy trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân khi thực hiện tác phẩm của mình. Trên cơ sở đó, ta có thể đoán định niên đại của chúng từ thế kỷ X – XI.
Bảo tàng Óc Eo
Một pho tượng khác, ký hiệu BTMT 191, đá granit đứng, được phát hiện trên một đám ruộng gần chùa Bửu Sơn, xóm Bình Thạnh, làng Bình Phước, tổng Phước Vinh Thượng (tỉnh Đồng Nai ngày nay). Tượng cao 0,44m, dáng đứng hơi nghiêng về phía trước, lưng hơi cong. Vai rộng, ngang. Vùng ngực dạng bán cầu. Eo lớn, bụng tạc nổi, rốn dạng tam giác. Một đường vạch ngắn dọc rốn: sampot ngắn trên đầu gối, buông thẳng, ôm thân. Lưng váy trước hơi cong, thắt lưng to bản buộc phía trên hông. Thắt nút giữa váy, hai đầu mút thắt lưng xòe ra, rũ xuống hai bên. Một giải vải dài, xếp nhiều nếp, cho vào giữa thắt lưng, hai đầu múi vải xòe rộng, dạng đuôi cá, thả xuống giữa thân váy và gần gấu váy. Niên đại được xác định từ thế kỷ V – VI.
Ba pho tượng còn lại được tìm thấy ở Sa Đéc, Long Xuyên và Long An thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Pho tượng nam thần ký hiệu BTMT 106 tìm được ở Tháp Mười, tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay) cao 0,52m. Sau lưng tượng còn lại một phần tóc dạng lọn, phủ quá vai. Tượng đứng, lưng cong, đường sống lưng rõ. Vai hẹp, xuôi, vùng ngực phẳng, tạc nổi. Eo thon, bụng tạc nổi cao, có ngấn bụng, rốn tròn lớn. Tay thon tròn, hai chân dài, hơi thô, đầu gối tạc nổi, đường sống chân rõ. Sampot mỏng, trơn, ngắn trên đầu gối, ôm sát thân, làm rõ đường nét cơ thể (bụng, chân, mông). Lưng váy hơi cong dưới bụng. Một dải vải xếp nhiều nếp, buộc dọc theo váy từ giữa lưng váy trước đến giữa lưng váy sau, hai đầu múi vải xếp xuống, thành các đầu nút vải nhỏ cho vào giữa lưng váy trước và sau, múi vải xòe ra. Hai bên hông váy có dấu vết vật nối bị vỡ.
Khi khảo sát một pho tượng Vishnu ở Bảo tàng Đồng Nai ký hiệu BTĐN: 02/CS-02, phong cách Phnom Dà thế kỷ VII – VIII, ta thấy tuy pho tượng nam thần được mô tả ở trên kích thước không lớn nhưng vẫn có nhiều điểm tương tự như loại tóc, các đường nét cơ thể (vai, vùng ngực, tay chân) cách buộc múi vải trên váy hay màu sắc tượng, loại đá. Do vậy pho tượng nam thần này có thể là tượng thần Vishnu.
Pho tượng nam thần tìm thấy ở tỉnh Long Xuyên (tỉnh An Giang ngày nay) ký hiệu BTMT 200, cao 0,75m. Tượng đứng, lưng cong, đường sống lưng rõ. Cổ cao, vai rộng, ngang. Vùng ngực rộng, phẳng, hơi nghiêng về phía trước. Eo thon, bụng nhỏ, tạc nổi, không ngấn bụng, rốn nhỏ, tròn, một đường vạch ngắn dọc rốn. Tay chân cân đối, chân dài, đầu gối tạc nổi, đường sống chân rõ. Sampot mỏng, trơn, ngắn trên đầu gối, ôm thân, quấn chóe ba lớp, vạt và gấu váy của lớp thứ ba đặt một bên thân váy trái, một đầu vạt váy xếp vào lưng váy trước. Một giải vải dài, xếp nếp buộc dọc theo váy, xếp vào giữa lưng váy, thả đầu múi vải xuống vạt váy trước. Đầu múi vải ở thân sau đặt trên lưng váy. Cách buộc dải vải ở tượng này đơn giản. Một thắt lưng trơn to bản, quấn trên hông, không có dấu vết hai đầu thắt lưng, có thể chúng được ghim lại.
Pho tượng này đã được Louis Malleret mô tả so sánh với hai tượng Hari – Hara ở Bảo tàng Phnom Pênh về một số đường nét cơ thể trang phục. Cũng như Dupont, ông cho rằng chúng có những điểm tương đồng và cùng phong cách Prasat Andèt, khoảng giữa thế kỷ VII - đầu thế kỷ VIII (Malleret 1959b).
So với pho tượng trên thì tượng nam thần ký hiệu BTMT 202 cao 0,42m (tỉnh Long An) có một vài điểm khác biệt trên đường nét cơ thể, trang phục như vùng ngực dạng bán cầu, ngấn bụng gần lưng váy, thân trên khá dài so với kích thước, thắt lưng cuộn tròn nhưng chúng lại có nét giống nhau ở hình dáng, trang phục như loại sampot ngắn, thắt lưng lớn, cách quấn váy nhiều lớp và cách buộc giải vải dọc theo thân váy. Từ đó ta có thể đoán định niên đại của pho tượng BTMT 202 từ thế kỷ V – VII.
Các pho tượng nam thần có chiều cao từ 0,37m đến 0,75m là số đo những phần thân tượng không còn nguyên vẹn, đầu và một phần tay chân bị mất. Nhưng qua đó, ta có thể biết chúng là những tượng nhỏ hoặc cỡ trung bình.
Một số tượng đã được nhận dạng là thần Vishnu và Hari – Hara, những vị thần chính của Ấn Độ giáo, một trong những tôn giáo lớn thời bấy giờ.
Ngoài loại đá sa thạch thường được dùng làm nguyên liệu chủ yếu cho việc tượng, còn có granit. Loại đá này có rất nhiều trong các di tích, phế tích tìm được ở miền Đông Nam Bộ và vùng phụ cận như Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Kỹ thuật tạc tượng và phong cách nghệ thuật trên những chi tiết cơ thể, trang phục cho thấy sự đa dạng và tiến triển trong phong cách thể hiện tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân.
Niên đại của chúng được đoán định từ thế kỷ V – VIII và thế kỷ X – XI.
Lâm Quang Thùy Nhiên
(Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, NXB KHXH Hà Nội 2000)
TÀI LIỆU DẪN
BELLUGUE P.1926. L’Anatomic des formes et la Statuaire Khmere ancienne, A.A.K;II.
VŨ VĂN HUYẾN, LƯƠNG NINH, HÀ BÍCH LIÊN 1995. Pho tượng Vishnu mới phát hiện ở Bình Thạnh (Tây Ninh). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998.
TRẦN THỊ LÝ 1991. Tiến trình phát hiện của tượng tròn Cămpuchia thế kỷ VI – XIII. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
MALLERET L. 1959a. L’Archeologique du Delta du Mekong Planches Tome I, Paris.
MALLERET L. 1959b. L’Archeologique du Delta du Mekong Texte Tome I, Paris.
MALLERET L. 1963. L’Archeologique du Delta du Mekong Texte avec Index et Planches, Tome IV, Paris.