Tổng đốc Doãn Uẩn với chùa Tây An

TỔNG ĐỐC DOÃN UẨN VỚI CHÙA TÂY AN (CHÂU ĐỐC, AN GIANG) VÀ SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO Ở NAM BỘ

Trần Hồng Liên


Tây An là ngôi chùa có giá trị lịch sử - văn hóa, có tiếng vang lớn đối với vùng đất Nam bộ. Năm 1980 chùa đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia trong thắng cảnh Núi Sam thị xã Châu Đốc. Một mặt, về kiến trúc hiện tồn, chùa có nét đặc biệt, pha hòa kiến trúc của thánh đường Islam giáo. Mặt khác, khi nhắc đến ngôi chùa này, mọi người đều liên tưởng đến một vị Hoạt Phật, còn được gọi là Phật Thầy Tây An, tức Đoàn Văn Huyên. Một thời giữa thế kỷ 19, ông đã lưu trú tại đây, và khi qua đời, thì nơi đây đã là nơi lưu giữ hài cốt của nhân vật xưa nay hiếm có này. Đồng thời ngôi chùa Tây An, trong quá trình phát triển, đã trở thành một ngôi già lam sung túc, là ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên có tiếng ở Nam bộ. 

Tướng Doãn Uẩn, nguyên là vị Tổng đốc mưu lược, dưới đời vua Thiệu Trị thứ 7 (1847) đã cho xây dựng ngôi chùa Tây An. Sách Đại Nam Nhất Thống chí ghi: “Chùa Tây An ở  thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, năm Thiệu Trị thứ 7 do  mưu lược tướng Tuy Tĩnh tử Doãn Uẩn dựng trong khi làm tổng đốc An Giang, chùa đứng sửng trên ngọn núi, quay mặt ra tỉnh thành, dựa lưng vào vách đá, tiếng người vắng vẻ, cây cối um tùm, cũng là một thắng cảnh”[1]. Do lập được công lớn, từ việc ông cùng với các tướng Võ Văn Giai, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Nghị phá đồn dây Sắt, lấy lại Tây thành, khiến 23.000 người Chân Lạp xin hàng, từ công trận này, cùng thành quả làm Tuần phủ An Giang năm 1843, Phó khâm sai đại thần ngự ban cho ông là “An Tây mưu lược tướng”.

Như vậy, Doãn Uẩn cất chùa Tây An vào năm 1847 là nhằm cầu an ổn phía Tây Nam tổ quốc, nơi ông có trách nhiệm trấn giữ. Ngôi chùa, trong quá trình được trùng tu xây mới, cùng với những đóng góp công sức của các thế hệ thiền sư, đã góp phần mang lại một nét mới cho Phật giáo ở Nam bộ, An Giang nói riêng. 

Tham luận đề cập đến vai trò của Doãn Uẩn trong việc đem lại cho Phật giáo ở Nam bộ những nét mới mẻ, qua việc dựng lại chùa Tây An, nhất là từ sau sự kiện Đoàn  Văn Huyên về sống tu tại chùa. Sự kiện này đặt ra ba câu hỏi cần nghiên cứu: Thứ nhất, chùa Tây An do ai lập ra, Doãn Uẩn hay Đoàn Văn Huyên? Thứ hai, khi triều đình đưa Đoàn Văn Huyên về an trú tại chùa Tây An, phải chăng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) không có điều kiện để phát triển nữa, vì họat động của người đứng đầu đã bị vô hiệu hóa? Thứ ba, khi Đoàn Văn Huyên về chùa Tây An, mối quan hệ giữa BSKH với Phật giáo Bắc tông, phái Lâm Tế có điều kiện gắn bó nhau chặt chẽ, gần gũi hơn, tạo điều kiện đưa Phật giáo ở Tây Nam bộ phát triển và mang tính nhập thế hơn. Như vậy, một phần trong sự phát triển của Phật giáo giai đoạn giữa thế kỷ 19 ở An Giang và các vùng lân cận có vai trò của Doãn Uẩn? 

Tham luận sẽ lần lượt đặt lại những vấn đề có liên quan đến chùa Tây An, trong đó có công lao của Doãn Uẩn. 

Cho đến nay, có nhiều nguồn tư liệu khác nhau về vấn đề này.

Thứ nhất, nguồn tư liệu vừa đề cập trên là của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi chép lại, xác nhận chùa do Doãn Uẩn lập vào năm Thiệu Trị thứ 7, tức năm  1847.

Thứ hai, theo Trần Kim Đoàn, trưởng ban Quản tự chùa Tây An và Hòa thượng Thích Huệ Kỉnh thì cho rằng “chùa do Tổng đốc Nguyễn Nhựt An sáng lập năm 1820”[2]

Thứ ba, Nguyễn Hữu Thiện cho biết, căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu, ngôi chùa Tây An được xây trên nền chùa cũ: “Theo một vài nguồn tư liệu, tại nền đất này trước kia có một ngôi chùa do Tổng đốc Nguyễn Nhựt An xây dựng 1820 (?) (..) Như vậy, chùa Tây An do Tổng đốc Doãn Uẩn lập nên 1847 trên nền chùa cũ để An Tây: cầu an ổn phía Tây Nam tổ quốc, nơi ông có trách nhiệm trấn giữ kinh bang”[3].

Thứ tư, theo Trần Văn Đông cho biết “tại Vĩnh Tế có truyền thuyết cho rằng chùa này do Thoại Ngọc Hầu dựng lên vào thời gian 1820-1828”. Nhưng đồng thời Trần Văn Đông cũng bác bỏ thuyết trên vì cho rằng “thuyết này chưa đứng vững lắm vì thiếu chứng cứ khoa học”[4].

Thứ năm, Vương Kim và Đào Hưng trong sách “Đức Phật Thầy Tây An”cho rằng chùa Tây An do Đoàn Văn Huyên lập: “Khi đức Phật Thầy được triều đình nhìn nhận xuống chỉ sắc phong thì các quan yêu cầu Ngài lập một cảnh chùa tại tỉnh thành An Giang, nhưng Ngài không khứng. Sau khi xem địa thế, Ngài vào núi Sam lập một ngôi chùa cột săng lợp lá. Đương nhiên chùa này phải là chùa công. Mà đã là chùa công thì nghi thức thờ phượng phải nhất trí và cùng một hệ thống với các chùa công khác.”[5]

Qua các cứ liệu trên, có thể cho rằng, chùa Tây An là ngôi chùa công, còn được gọi là chùa quan, tức loại chùa do vua, hoặc quan lập nên, vì Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi chép lại sự kiện trên trong Đại Nam Nhất thống chí, chùa do “mưu lược tướng Tuy Tĩnh tử Doãn Uẩn dựng trong khi làm tổng đốc An Giang”. Còn sự kiện chùa Tây An được dựng lên trên nền chùa cũ, nếu đúng trên thực tế, thì cũng do một Tổng Đốc xây dựng, vì vậy cũng là chùa công.

Tư liệu của Vương Kim và Đào Hưng chưa đủ sức thuyết phục, vì các tác giả cho rằng Đoàn Văn Huyên lập chùa Tây An, và đưa ra nội dung bài vị của Phật Thầy đang thờ trong chùa ghi: “Tự Lâm tế gia chư thiên phổ, tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng, …”. Chính nội dung bài vị càng chứng tỏ Đoàn Văn Huyên không phải là vị tổ khai sơn chùa, vì nếu là tổ khai sơn, bài vị có thể ghi: “Khai sơn Tây An tự, Lâm Tế gia chư thiên phổ, tam thập bát thế,..” hoặc đã từng trụ trì chùa, bài vị phải ghi rằng: “Tây An đường thượng, Lâm Tế gia phổ, tam thập bát thế…”. Cũng chính từ yếu tố này, mà trong các nguồn tư liệu khác, như của Trần Kim Đoàn và Hòa thượng Thích Huệ Kỉnh, phần đầu quyển “Tiểu sử chùa Tây An cổ tự núi Sam” có ghi hệ truyền thừa của chùa Tây An, cho thấy có sự chưa chuẩn xác trong năm tháng và tên gọi. Sách cho rằng Nguyễn Văn Giác, có pháp hiệu là Hải Tịnh, đã trụ trì chùa từ năm 1820 (tức năm lập chùa đầu tiên – Tác giả) đến năm 1847. Điều này chưa chính xác. Tiên Giác Hải Tịnh, có tên đời  là Nguyễn Tâm Đoan, pháp hiệu Tế Giác Quảng Châu. Giai đoạn này tổ Hải Tịnh đang ở Huế, được mời ra giảng dạy đạo cho hoàng gia, đến năm 1844 mới trở về Nam. Đồng thời sách cũng ghi năm tháng trụ trì chùa Tây An của Đoàn Minh Huyên không chính xác, là từ năm 1847 đến 1861. Trong khi chúng ta biết, Phật Thầy Tây An chính thức khai đạo, lập Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1849, tức năm có trận dịch tả lớn xảy ra, và ông đã thị tịch từ năm Bính Thìn (1856), bia mộ còn ghi rõ và sách “Đức Phật Thầy Tây An” của Vương Kim và Đào Hưng cũng ghi lại nguyên văn bia mộ : “Tịch ư Bính Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch diệt”[6] (Tịch năm Bính Thìn, giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8).

Tóm lại, chùa Tây An là do Tổng Đốc Doãn Uẩn lập vào năm 1847.

2. Chùa Tây An trong giai đoạn có quan hệ với Đoàn Minh Huyên/ Phật Thầy Tây An.

2.1. Vai trò của Phật Thầy Tây An trong chùa Phật giáo Bắc tông:

Nhiều nguồn tư liệu khác nhau[7] đều cho biết: đức Phật Thầy Tây An sau khi bị bắt, bị thử thách, rồi sau đó được triều đình chính thức nhìn nhận, đã về chùa Tây An trụ trì, các quan trong Tỉnh xin quy y thọ giáo rất đông. Chính “quan Tổng đốc An Giang đã dâng biểu xin vua phong chức cho Ngài chính thức hành đạo như một vị tăng quan. Triều đình phê chuẩn nhưng buộc phải xuống tóc mặc áo cà sa như các thiền sư đại đức khác.”[8].

“Do đức độ và tài năng nên nhân dân gọi ông là Phật Thầy, còn Tây An là tên chùa. Do ở chùa Tây An nên người ta gọi là Phật Thầy Tây An”[9]. Từ ngày Doãn Uẩn lập chùa, triều đình phái thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh trụ trì chùa Tây An. Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc triều đình bổ nhiệm ông, với tư cách là tăng quan, quản lý chùa công, trên thực tế, do thiếu tu sĩ, hoặc do ảnh hưởng lớn của vị tăng sĩ, đã diễn ra trường hợp một tăng quan có thể trụ trì cùng lúc nhiều ngôi chùa. Trong suốt giai đoạn thiền sư Hải Tịnh được bổ nhiệm trụ trì (1847-1861) tại chùa Tây An, thiền sư cũng đồng trụ trì ngôi già lam cổ xưa và có tiếng nhất Gia Định thời bấy giờ, đó là chùa Giác Lâm (1827-1869). Và cũng trong thời gian ấy, từ năm 1822, Hải Tịnh ra kinh đô dạy đạo cho hoàng gia, đến năm 1844 mới trở về Nam. Điều đó cho thấy, khi Phật Thầy về chùa Tây An, tức sau năm 1849, chùa đã có từ trước (1847), đã là ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông, thuộc tông Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, mà thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh đã trụ trì. Ngài Hải Tịnh thuộc thế hệ thứ 37 của dòng phái, vì vậy, khi về đồng tu với Hải Tịnh, có thể Đoàn Văn Huyên đã quy y thọ giáo với thiền sư Hải Tịnh, nên theo phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, có tên húy theo bài kệ là chữ Minh (Minh Huyên), thuộc thế hệ thứ 38. Cũng từ bối cảnh này, trong thời gian Ngài Hải Tịnh ra Huế, chùa Tây An có lẽ do Phật Thầy thay thế trụ trì, nhưng không có văn bản chính thức của triều đình bổ nhiệm. Nếu xét theo thế hệ truyền thừa, Minh Huyên (đời thứ 38) là đệ tử của Tiên Giác (đời thứ 37), theo bài kệ: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên… 

2.2. Sự phát triển của chùa Tây An:

Sự phát triển của chùa Tây An thể hiện trên nhiều lĩnh vực: 10 thế hệ thiền sư trụ trì, tính từ ngày thành lập đến năm 1990; một hệ thống tượng thờ phong phú, đa dạng, thể hiện mối quan hệ, giao lưu giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo khá đậm nét; sinh hoạt Phật giáo phong phú, đại giới đàn đã được khai mở tại chùa Tây An, quy tụ hầu hết các hòa thượng có tiếng ở Tây Nam bộ; chùa là trung tâm Phật giáo của Tây Nam bộ.

Tiên Giác Hải Tịnh, đời thứ 37, phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên ; Minh Huyên Pháp Tạng, đời thứ 38, phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên; Minh Khiêm Hoằng Ân, đời thứ 38, phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên; Huệ Quang; Thuần Hậu; Thiện Pháp; Bửu Thọ; Huệ Châu; Định Long; Huệ Kỉnh, phái Lâm Tế.

Có thể thấy, qua các đời trụ trì, đặc biệt là các vị tổ giai đoạn đầu thành lập, là những vị tổ có tiếng ở Nam bộ. 

Tiên Giác Hải Tịnh đã được phong Tăng Cang, từng được giao trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế) thời gian ở Huế (từ 1822 - 1844); khi trở về Nam, được thiền sư Tiên Tín Chánh Trực giao trông nom và quản chư sơn thiền đức, vào các ngày kỵ tổ các chùa đến tham dự; tiếp dẫn người sau; phò trì chánh pháp. Năm Giáp Thìn 1844, thiền sư chính thức trở thành danh tăng ở Nam bộ. Ngày 26 tháng 4 năm Tân Mùi 1871, tại chùa Tây An, thiền sư mở đại giới đàn, và là Hòa thượng Đường đầu. Đại lão hòa thượng khai mở giới đàn trước sau tất cả 7 lần[10]. Tăng sĩ thuộc phái Lâm Tế sau này đã truy tặng cho thiền sư danh hiệu “Tiên Giác tổ sư”[11].

Hoằng Ân Minh Khiêm, cũng là một vị thiền sư trụ trì chùa Giác Lâm từ năm 1873-1903, đã được triều đình bổ nhiệm trụ trì chùa Tây An từ năm 1861 đến 1893. Tại chùa Tây An, thiền sư đã ở trong một am nhỏ sau chùa, am Hưng Hóa. Đến đâu, thiền sư cũng để lại niềm kính mến sâu xa trong lòng Phật tử, nên được nhắc đến bằng từ ngữ thân quen: “Tổ núi Sam”. Có ý kiến cho rằng thiền sư đã thị tịch tại chùa Tây An, linh cửu được đưa về nhập tháp tại chùa Giác Lâm, tổ đình của phái Lâm Tế ở Nam bộ, vào năm Giáp Dần 1914. Vì vậy, tại chùa Tây An đệ tử đã dựng tháp vọng thờ thiền sư.  

Ngài Minh Huyên, sau khi vào sống tu tại chùa Tây An, sách viết về Ngài cho biết: “Ngày này qua ngày nọ, Ngài phát phù trị bịnh không hở tay, mà số người đến quy y thọ giáo cũng không sao kể cho xiết. Chính nơi đây Ngài thâu nhận nhiều đệ tử đạo cao đức cả, như anh em ông Đình Tây, Ông Đạo Xuyến, ông Đạo Lập…(...) Ngài vào núi Thới Sơn dựng lên một cái trại ruộng có chỗ cho môn đệ thờ Phật và lo việc ruộng rẫy hầu độ anh em bổn đạo, vì theo Ngài, Ngài muốn cho tín đồ tự làm lấy mà ăn, chớ không nên ăn nhờ vào bá tánh[12].

Tiếp nối các thế hệ truyền thừa sau này, chúng ta thấy hầu hết những vị tham gia trụ trì chùa không còn do triều đình bổ nhiệm nữa, nhất là sau năm 1945. Lịch sử của các vì vua chúa đã sang trang! Hầu hết các thế hệ trụ trì chùa sau này đều là đệ tử của các vị trụ trì trước đó, như thiền sư Thuần Hậu là đệ tử của thiền sư Minh Khiêm; Thích Huệ Kỉnh là đệ tử cầu pháp của hòa thượng Thích Bửu Thọ…

- Hệ thống tượng thờ phong phú trong chùa: Chùa có nhiều tượng Phật, bồ tát, thần linh, với nhiều chất liệu phong phú, bằng gỗ, đá, xi măng, kim loại…Nhiều nhất là tượng gỗ. Toàn bộ chùa có gần 200 pho tượng. Đây là một trong những đặc thù của ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông. Tính chất hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo thể hiện qua tượng thờ khá rõ nét, như tượng Quan Âm Thị Kính, được đặt ngay trước cửa vào. Nhưng đồng thời, cũng từ số tượng phong phú này, đã gây thắc mắc cho một số người chưa am hiểu kỷ về chùa, về lai lịch của Phật Thầy, nhất là vì chùa Tây An lại là nơi lưu giữ hài cốt của người đã từng đưa ra một đường hướng Phật giáo đã được dân tộc hóa và địa phương hóa như đạo BSKH. Đạo BSKH chủ trương không thờ tượng cốt, không y áo cà sa, không cạo tóc. Vì vậy, có người sẽ thắc mắc, đưa ra những câu hỏi như vì sao chùa của Phật Thầy Tây An mà có nhiều tượng thờ như vậy? Vì sao thiền sư Minh Huyên theo phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, thọ giới và có tên húy thuộc thế hệ thứ 38? Trường hợp đặc thù của Phật Thầy tại chùa Tây An, là ngôi chùa công, là ngoại lệ, và cũng chính từ bối cảnh đặc biệt này đã tạo điều kiện cho đạo BSKH phát triển và càng làm cho vai trò của người lập chùa - Tổng đốc Doãn Uẩn- càng được nâng lên một bước cao hơn.

- Sinh hoạt Phật giáo

Sinh hoạt tại chùa Tây An trong nhiều giai đoạn khác nhau, nhuốm màu sắc khác nhau. Như đã trình bày trên, khi về chùa Tây An sống tu theo Phật giáo Bắc tông, Phật Thầy vẫn tiếp tục truyền bá đạo pháp theo đường hướng riêng của mình, trong một ngôi chùa mang nét sinh hoạt khác biệt. Đó cũng là một thách thức, đồng thời cũng là một cơ duyên để đạo BSKH có đầy đủ thế và lực vươn ra truyền bá trong những di dân đi khai hoang một cách sâu rộng và nhanh chóng hơn nữa.

Trong nhiều năm, nhất là giai đoạn thiền sư Hải Tịnh trụ trì, chùa Tây An là một trong số ít ỏi ngôi chùa có mở đại giới đàn, tức đàn truyền giới Tỳ kheo cho giới tử. Đặc biệt, liên tiếp trong 3 năm: Canh Ngọ 1870, Tân Mùi 1871, Nhâm Thân 1872, có 3 đại giới đàn ở Nam bộ đã được khai mở, trong đó có chùa Tây An.

3. Vai trò của Tổng đốc Doãn Uẩn đối với sự phát triển chùa Tây An:

Nếu nhìn theo con mắt nhà Phật, Phật Thầy đã dùng ngôi chùa Tây An làm phương tiện để truyền bá một đạo Phật đặc thù ở Tây Nam bộ. Dù rằng việc vào tu tại chùa không phải do ý Ngài mong muốn. Nhưng trong tình thế ấy, Phật Thầy đã biết biến chướng duyên thành thuận duyên. Và vì vậy, trong sự phát triển của Phật giáo ở Tây Nam bộ nói chung, đạo BSKH và Phật giáo Bắc tông đều phát triển trên nền cảnh của ngôi chùa Tây An do Doãn Uẩn lập. Như tên gọi, không phải ngẫu nhiên mà ngôi chùa được lập bên triền núi Sam! Tính chất chiến lược của ngôi chùa, cùng với năng lực của các thế hệ trụ trì do triều đình “điều phối”, đã tạo cho chùa Tây An một vị thế càng có ý nghĩa đặc biệt. Đó là ngoài tính chất bảo hộ, trấn an tại vùng biên cương, những sinh hoạt Phật giáo tại chùa, như những lễ trường kỳ, các đại giới đàn được khai mở tại chùa, cũng không phải ngẫu nhiên, nhất là trong giai đoạn có chiến tranh chống ngoại xâm. “Hàng chuỗi sự kiện liên kết nhau trong suốt quá trình này, đã tạo cho chúng ta một cứ liệu quan trọng để khẳng định rằng, bên cạnh sự tập họp chư sơn thiền đức, khai mở trường hương, trường kỳ tại các địa điểm như Tây An tự (Núi Sam), hay Linh Sơn Tiên Thạch tự (Núi Bà Đen)... là những ngôi chùa được thiền sư Hải Tịnh lui tới thường xuyên, đó cũng là hai điểm trọng yếu của địa đầu giới tuyến, nơi đang diễn ra nhiều phong trào kháng Pháp sôi nổi, và điều hiển nhiên là, sau những cuộc khai mở trường kỳ, trường hương đó, các cuộc nổi dậy kháng Pháp tại đây, với quy mô to lớn hơn lại được diễn ra. Như trường kỳ năm 1871 ở Tây An tự không thể không gắn gì với cuộc khởi nghĩa của Trần văn Thành- một đệ tử của Phật Thầy Tây An-với căn cứ cách mạng Láng Linh Bảy Thưa thời gian tiếp sau đó![13]. Cần thấy rằng, đại giới đàn được khai mở tại chùa Tây An năm Tân Mùi 1871 đã thu hút hội đồng “tam sư thất chứng” thuộc nhiều chùa ở Nam bộ như ở chùa Phụng Sơn; Long Quang, Long Khánh; Phú Thạnh; Hòa Thạnh; Phước Kiểng; Từ Quang, Kim Bửu; Kim Cang; Giác Viên; Từ Ân và Tây An.

Mặt khác, về phía đạo BSKH, sau khi về sống tu tại chùa, Phật Thầy đã sống tùy thuận theo hình thức y áo của Phật giáo Bắc tông, nhưng vẫn tiếp tục truyền bá cho một đạo Phật nhập thế, khuyến khích di dân đi khai hoang, mở trại ruộng, để nâng cao đời sống và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Những đệ tử được thâu nhận giai đoạn đó, sau này trở thành những đại đệ tử, tiếp nối đường hướng BSKH sau khi Phật Thầy qua đời. Tinh thần yêu nước, thương dân đã thu gọn trong 4 tín điều cơ bản của đạo BSKH với tên gọi: Tứ đại trọng ân (Ân cha mẹ, ân đồng bào, ân Quốc vương thủy thổ và ân Tam bảo).

Như vậy, đối với sự phát triển của chùa Tây An, của đạo BSKH, Tổng Đốc Doãn Uẩn có một vai trò đặc biệt. Chính từ việc lựa chọn vị trí cất chùa, sau đó Đoàn Văn Huyên vào chùa sống tu, với tư cách một tăng quan, Doãn Uẩn đã góp phần tạo cho ngôi chùa mang tính chất trung tâm của phái Lâm Tế ở Tây Nam bộ. Cũng cần thấy rằng, ngôi chùa Giác Lâm, với vai trò và vị trí của nó tại vùng đất Gia Định, đã trở thành một ngôi đại già lam, là  một Phật học viện, một trung tâm đào tạo các chư tăng sau khi tốt nghiệp đã về trụ trì khắp các chùa ở Nam bộ. Đồng thời, đây cũng là một ngôi Tổ đình, tức nơi phát xuất dòng đạo do Tổ Đạo Mẫn Mộc Trần xướng xuất. còn gọi là dòng Đạo Bổn Nguyên; nơi lưu giữ hài cốt của các vị tổ sư thuộc dòng phái này ở Nam bộ. Vương Kim và Đào Hưng đã từng nhận xét rằng: “Chùa Giác Lâm ở Chợ Lớn là một chùa theo phái Lâm tế và được triều đình chính thức nhìn nhận. Chừng như lúc bấy giờ, các chùa trong miền Nam đều đặt dưới sự chi phối của chùa này”[14]. Mối quan hệ giữa chùa Giác Lâm và chùa Tây An hiện nay vẫn còn tiếp tục phát triển. Vào những ngày giỗ kỵ, tăng sĩ phật tử chùa Giác Lâm đều trở về chùa Tây An tham dự.

Ngoài ra, cần thấy mối quan hệ biện chứng giữa Phật giáo Bắc tông và BSKH, sự phát triển của yếu tố này chính là tiền đề cho yếu tố kia. Từ vai trò của ngôi chùa công, Đức Phật Thầy đã có thể chữa bệnh, phát phù cho người đi khai hoang một cách thuận lợi hơn, không còn bị sự dòm ngó của chính quyền như trước kia nữa. Mặt khác, cũng chính từ quan niệm đơn giản, không hình tướng, không tượng cốt của đạo BSKH do Phật Thầy khai sáng, được đặt trong bối cảnh của hàng trăm pho tượng, với nghi lễ y áo chỉnh tề đã giúp hình thành nơi tâm thức nhiều người một sự so sánh, đối chiếu, dễ dàng nhận ra sự khác biệt, mà cũng là nét độc đáo của đạo BSKH ở Nam bộ.  

Kết luận

Qua những câu hỏi nghiên cứu nêu ra, nhằm giải quyết 3 vấn đề : chùa Tây An do ai lập; trong giai đoạn phát triển có sự đan xen giữa hoạt động của Phật giáo Bắc tông với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có làm hạn chế sức phát triển của cả hai? Từ đó đặt lại vai trò của người lập chùa, tức Tổng Đốc Doãn Uẩn, đối với sự hình thành và phát triển của Tây An tự.

Những trình bày chi tiết nêu trên, vừa có tính chất thuyết minh, vừa mang tính phê phán một số tư liệu chưa chuẩn xác về niên đại, cũng chỉ  nhằm làm sáng tỏ hơn về lai lịch của ngôi chùa Tây An trong lịch sử, để từ đó đã chứng thực rằng:

- Chùa Tây An do Tổng Đốc Doãn Uẩn lập năm 1847, trên nền ngôi chùa cũ, trước đây được Tổng Đốc Nguyễn Nhựt An xây dựng. Tây An tự là ngôi chùa công.

- Trong quá trình phát triển chùa, do là ngôi chùa công, nên được triều đình bổ nhiệm các vị thiền sư giỏi về đạo pháp và có uy tín đối với vùng đất Nam bộ về trụ trì chùa. 

- Giai đoạn từ năm 1849 đến năm 1856, Đoàn văn Huyên, do cứu được nhiều người thoát chết trong cơn dịch tả năm 1849, được người dân đi khai hoang tôn kính, theo quy ngưỡng đông, nên bị triều đình tình nghi là gian đạo sĩ. Ông bị bắt giam, được Tổng Đốc Nguyễn văn Thoại dâng biểu xin vua phong chức cho Ngài chính thức hành đạo tại chùa Tây An như một tăng quan.

- Xuyên suốt nhiều thế hệ trụ trì đã mang lại cho chùa Tây An một bộ mặt mới, một nếp sinh hoạt đặc thù, vừa thể hiện hình thức, nghi lễ phong phú của Phật giáo Bắc tông, mà cũng vừa đi sát vào cuộc sống người dân, qua việc kêu gọi cư dân khai hoang, lập trại ruộng, tăng gia sản xuất, phá bỏ hình thức y áo của tu sĩ, vừa học Phật, vừa tu nhân, đem đạo vào đời, thể hiện tính tích cực nhập thế của đạo BSKH.

- Những thành quả có được từ  ảnh hưởng của ngôi chùa Tây An trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Nam bộ, An Giang nói riêng, một phần quan trọng chính là từ vị thế xây dựng chùa, từ tính chất chiến lược của Tổng Đốc Doãn Uẩn, người có công đặt nền móng buổi đầu, góp phần vào việc thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân từ phương diện vật chất đến đời sống tinh thần. Cần thiết đặt trân trọng một bàn thờ cho người sáng lập tại nhà Tổ chùa Tây An để ghi nhớ công lao xây dựng buổi đầu.Tên tuổi của ông mãi sẽ còn được nhắc đến cùng với sự tồn tại và phát triển của một di tích mang tầm ảnh hưởng quốc gia này.

Chú thích:

[1]

[2]  Trần Kim Đoàn (1993), Tiểu sử chùa Tây An Núi Sam (Vĩnh Tế-Châu Đốc), Châu Đốc, tr.3.

[3] Nguyễn Hữu Thiện (1994), Chùa Tây An một thắng cảnh núi Sam, Văn Nghệ Châu Đốc, tr.18-19.

[4] Trần Văn Đông (1989), Di tích chùa Tây An Núi Sam, Nxb Tổng hợp An Giang, tr.5.

[5] Vương Kim và Đào Hưng (1953), Đức Phật Thầy Tây An, Nxb Long Hoa. Sài Gòn, tr.42.

[6] Vương Kim và Đào Hưng, Sđd, tr.41.

[7] Vương Kim và Đào Hưng, Sđd, tr.31; Trần Văn Đông, Sđd, tr.12-13.

[8] Nguyễn Hữu Thiện, Sđd, tr.23.

[9] Trần Văn Đông, Sđd, tr.13.

[10] Ngũ gia tông phái ký toàn tập. Quyển Trung. Huệ Sanh dịch. Nxb Tôn giáo, 2003, tr.44-48.

[11] Xem thêm Hồng Liên (1994), Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm, tr.28-49.

[12] Vương Kim và Đào Hưng, Sđd, tr.31.

[13] Trần Hồng Liên (2003), “Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh (Tế Giác Quảng Châu)”, trong sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.86.

[14] Vương Kim và Đào Hưng, Sđd, tr.45.