Tìm hiểu địa danh Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng ở Châu Thành.

Post date: Aug 17, 2013 3:16:37 AM

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 100, tháng 07-2013.

“Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng[1] cùm chưn lớn hơn cùm tay” là một câu nói cửa miệng được nhiều người nhắc tới như một phản xạ không điều kiện khi nghe nhắc đến hai địa danh trên. Đó là một câu nói vui, một dạng chơi chữ vô thưởng vô phạt. Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng còn được gắn liền với hai địa danh Xếp Bà Lý, Hóc Bà Tó với ý chỉ những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, thậm chí là không biết ở đâu.

Chắc Cà Đao.

Tài liệu địa chí triều Nguyễn nhắc rất ít về địa danh Chắc Cà Đao. Người đầu tiên nhắc tới Chắc Cà Đao là Lê Quang Định (1759-1813). Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (soạn xong năm 1806), Lê Quang Định có nói tới “rạch Chạc Cà Đao ở bên phải [sông Hậu], rạch này rộng 3 tầm, sâu 1 tầm” “cù lao Chạc Cà Đao, trên đó là rừng rậm, không có dân cư”[2]. Địa danh Chắc Cà Đao cũng được ghi nhận trong địa bạ thôn Bình Hòa Trung (lập năm 1836) và tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giáo sĩ Taberd (in năm 1838).

Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:

- Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer chắp kdam nghĩa là bắt cua vì vùng này xưa kia có nhiều cua.

- Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer prek pedao. Prek là rạch, pedao là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).

Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì chắp kdam gần âm hơn là prek pedao. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết chắp kdam là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn[3]. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.

Giả thiết của ông Nguyễn Văn Đính nghe thuận tai hơn; giả thiết của nhà nghiên cứu Sơn Nam nghe hợp lý hơn. Muốn xác định cách lý giải nào là đúng chúng ta cần có thêm bằng chứng nữa. May mắn thay, bằng chứng lại nằm sẵn trong một địa danh khác cũng được ghi trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định. Ông cho biết ở gần khu vực Ông Chưởng của huyện Chợ Mới ngày nay cũng có "rạch nhỏ Chạc Cà Na, rạch rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, cho đến cùng nguồn hai bên đều có dân cư, phía ngoài là rừng chằm"[4]. So sánh với tình hình hiện tại thì đây phải là rạch Chăn Cà Na. Điều này chứng minh cho ta thấy rằng cùng là một chữ Chạc vẫn có thể có nhiều cách biến đổi, chỗ thì biến thành Chắc, chỗ lại trại thành Chăn.

Cả Chạc Cà Đao lẫn Chạc Cà Na đều có chung tiền tố Chạc Cà với tự dạng chữ Nôm giống nhau. Do đó, từ Chạc hoặc thậm chí là Chạc Cà chỉ có thể có một nghĩa duy nhất trong cả hai địa danh: Chạc Cà Đao và Chạc Cà Na. Chạc không thể là biến âm của chắp (bắt) vì chắp kdam (bắt cua) thì được nhưng không lẽ Chạc Cà Na lại là chắp kana (bắt ... trái cà na?!). Cách lý giải của ông Nguyễn Văn Đính chỉ hợp lý khi nó đứng một mình và sụp đổ ngay khi xuất hiện một trường hợp tương tự.

Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Taberd (trích) vẽ năm 1838 có ghi địa danh Chác ca đao.

Về địa danh Chạc Cà Đao và Chạc Cà Na, chúng ta có hai hướng lý giải:

Hướng lý giải thứ nhất: Chạc Cà là một từ đa âm trong tiếng Khmer giống như Tầm Phong là ghi âm của Kompong (bến sông) vậy. Tuy nhiên, ta vẫn chưa biết liệu trong ngôn ngữ Khmer có từ nào khả dĩ gần âm với Chạc Cà và có nghĩa chấp nhận được hay không. Trong trường hợp này, cấu trúc địa danh có dạng “Chạc Cà” + “X”.

Hướng lý giải thứ hai: Chạc là một từ đơn có nghĩa. Trong trường hợp này, cấu trúc địa danh có dạng “Chạc” + “X”. Dựa vào cách giải thích của nhà nghiên cứu Sơn Nam, ta có thể nói Chạc (Chắc) là ký âm của từ Khmer prek. Tuy nhiên, từ prek này đã được người Việt tiếp thu và phát âm thành rạch. Đó hẳn cũng là một lý do nữa để cụ Vương Hồng Sển không tán thành Chắc Cà Đao là prek pedao. Dù vậy, ta vẫn có thể đặt giả thiết rằng người An Giang xưa đã tiếp thu chữ rạch từ các cộng đồng người Việt khác, đồng thời cũng tiếp thu lại chữ prek và ký âm thành Chạc (Chắc). Điều này tương tự chữ Koh đã được người Việt tiếp thu ở nhiều chỗ với cách ký âm khác nhau như Cổ trong Cổ Cốt (Koh Kot), Ka trong Ka Kôi (Koh Kôi), Katambong (Koh Tầm Bông)...

Với cách lý giải này, ta có thể hiểu ý nghĩa của Chắc Cà Đao ở Châu Thành, Chăn Cà Na ở Chợ Mới và thậm chí hiểu một phần ý nghĩa các địa danh Chắc Ri, Chắc Re ở Vĩnh Nguơn (thị xã Châu Đốc). Theo đó, Chắc Cà Đao là rạch Dây Mây (prek pedao) hoặc rạch Cua (prek kdam); Chăn Cà Na là rạch Cây Cà Na (prek kana).

Tuy nhiên, giải thích theo kiểu của Sơn Nam thì hình như vẫn còn bỏ qua một yếu tố nữa là tự dạng của chữ Chạc. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi Chạc là “khẩu” + “trác”. Trong đó, “khẩu” là từ biểu thị ý nghĩa, “trác” là từ biểu thị âm đọc. Điều này hàm ý Chạc là chỉ một loại địa hình có liên quan đến “cửa”, “lối vào”. Gia Định thông chí mục Náo Khẩu Ca Âm viết chữ “Náo” với tự dạng “thủy” + “trác” và giải thích “chữ náo hay xước đều được, nghĩa là chỗ bùn lầy nhiều”[5]. Đại Nam hội điển sự lệ khi nói về Náo Khẩu Ca Âm lại đề cập đến hai đầu náo khẩu với tên gọi cửa trác Ỷ Hâm và cửa trác Trà Bát. Như vậy, Chạc (Chắc) là ám chỉ lối vào khu vực bùn lầy nhiều và ngập nước, còn “Cà Đao” có nhiều khả năng là “pedao” (dây mây/ cây rừng) hơn là “kdam” (con chuột) vì chữ “Cà” có bộ mộc. Gốc của chữ “Chạc” này hẳn cũng chịu ảnh hưởng bởi tiếng Khmer “bangtrap” mà có chỗ dịch là bưng trấp, ám chỉ một vùng đầm lầy ngập nước.

Mặc Cần Dưng.

Mặc Cần Dưng cũng được nhắc tới lần đầu tiên trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí:

"... rạch Mạt Cần Dâng [âm miền Nam đọc là Dưng], rạch ở phía bên trái, rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy 3.700 tầm xuống hướng Nam thông ra Ba Lịch (Rách), hai bên bờ có dân cư, phía ngoài là rừng chằm.

79 tầm, giữa sông bên phải có cồn, tục gọi là cù lao Mạt Cần Dâng”[6].

Địa danh Mạt Cần Dâng chỉ được nhắc đến trong tài liệu của Lê Quang Định. Gia Định thành thông chí lại gọi sông này là Mạt Cần Đăng. Chữ Nôm “dâng” (dưng) được cấu thành bởi hai chữ Hán “đăng + thượng”. Trong đó, “đăng” là từ biểu thị cách phát âm, “thượng” là từ ghi nghĩa. Có thể trong quá trình sao chép, chữ “thượng” đã bị bỏ sót và chỉ còn lại chữ “đăng”. Trịnh Hoài Đức viết:

“Sông Mạt Cần Đăng ở bờ tây sông Hậu Giang, rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, về tây nam 17 dặm hợp dòng với sông Thụy Hà, người Kinh người Di ở lẫn, rừng rú liền nhau”[7]

Đại Nam nhất thống chí tiếp tục bỏ chữ Mạt mà chỉ gọi là sông Cần Đăng. Sách này tả:

“Sông Cần Đăng: ở bờ phía tây sông Hậu Giang cách huyện Tây Xuyên 37 dặm về phía đông nam, rộng 3 trượng, sâu 1 trượng, chảy về phía tây nam 45 dặm rồi hợp với sông Thụy Hà, rừng rú liên tiếp, người Kinh người Thổ ở lẫn lộn với nhau”.[8]

Việc bỏ chữ Mạt trong Mạt Cần Đăng đã manh nha từ Gia Định thành thông chí. Mục Thụy Hà trong sách này đã thấy gọi sông Mạt Cần Đăng là sông Cần Đăng. Tuy nhiên, phải đến Đại Nam nhất thống chí thì quá trình này mới hoàn tất vì ngay cả cù lao Mạt Cần Dâng trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cũng được đổi gọi là bãi Cần Đăng. Từ Mạt Cần Dâng sang Mạt Cần Đăng rồi thành Cần Đăng là quá trình mỹ hóa một tên gọi Nôm của thư tịch cổ. Quá trình này không chỉ diễn ra theo một hướng. Trong Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký cũng có nêu tên một sở khai thác cá là "Hiến Cần đà hay Mật Cần Dưng". Hiến Cần là tên gọi phái sinh từ Cần Dưng. Chữ Nôm "dưng" được thay bằng chữ Hán "hiến" với ý nghĩa "dâng rau cần", gợi lại một điển tích xưa trong Tả truyện, nghe cổ nhã hơn so với chữ Nôm Mặc Cần Dưng.

Trong ba kiểu biến đổi trên, có những kiểu biến đổi từ sách vở đã ảnh hưởng ngược lại đến nhận thức của người dân bản địa, là nguồn gốc của các tên gọi khác được áp dụng trên thực địa. Đó là trường hợp làng Cần Đăng thuộc tổng Biên Thành, hạt Long Xuyên, được ghi nhận trong bản đồ hạt tham biện Long Xuyên in năm 1905, nay là xã Cần Đăng, huyện Châu Thành. Đó cũng là trường hợp sông Mạt Cần Dưng xưa nay bị chia thành hai đoạn: Mặc Cần Dưng và Mặc Cần Đăng. Sự phân chia này bắt đầu được ghi nhận trong bản đồ hạt Long Xuyên năm 1920, nhưng chưa thấy trong bản đồ năm 1905. Như vậy, sự phân chia Mặc Cần Dưng - Mặc Cần Đăng này phải diễn ra trong khoảng 1905-1920.

Mặc Cần Dưng nghĩa là gì?

Có hai thuyết.

Giáo sư Lê Trọng Khánh nói Mặc Cần Dưng là Koh práh stưn, nhưng không nói Koh práh stưn nghĩa là gì. Ông chỉ nói rằng tiền tố Koh là một từ trong tiếng Malayo có nghĩa là "bãi" (bãi biển, bãi sông, bãi cát...) được người Khmer từ cao nguyên Korat tràn xuống tiếp nhận và dùng với ý nghĩa "đảo, cù lao". Cứ theo cách lý giải này thì Mặc là Koh còn Cần Dưng là práh stưn. Tuy nhiên, dù ý nghĩa của Koh práh stưn là gì đi nữa thì có lý do để ta bác bỏ cách lý giải này.

Trong bản đồ hạt Long Xuyên năm 1905 có vẽ một nhánh rạch Long Xuyên với chú thích "rach Mac Can Deng". Đối chiếu với tình hình hiện tại thì đây chính là rạch Mặc Cần Dện lớn, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch huyện Thoại Sơn. Ngoài ra còn có rạch Mặc Cần Dện nhỏ cũng nằm trong địa bàn xã này. Rạch này ở bờ trái rạch Long Xuyên nên chắc hẳn nó không phải là vết tích một nhánh sông cổ Mạt Cần Dưng đổ vào Ba Rạch mà các tài liệu địa chí có nhắc tới. Do chỗ Mặc Cần Dện là nhánh sông nội địa, không có cù lao nào cả thì rõ ràng không thể có chuyện Mặc là Koh được. Nói Mặc Cần Dưng là Koh práh stưn là chỉ mới chú ý đến tính chất gần âm mà không chú ý tới tình hình thực địa. Muốn lý giải địa danh Mặc Cần Dưng phải đặt nó vào trong bối cảnh địa lý lịch sử Nam Bộ, xem xét đến cả các địa danh có cấu trúc tương tự thì mới có thể tìm ra câu trả lời hợp lý.

Cách đây hơn 20 năm, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh khi nghiên cứu địa danh Cần Đước (Long An) có nhận thấy rằng các địa danh bắt đầu bằng chữ Cần ở Nam Bộ như Cần Thơ, Cần Lố, Cần Giờ, Cần Đước, Cần Giuộc … đều được lý giải bằng các từ tiếng Khmer gần âm tương ứng. Theo kiểu lý giải đó thì chữ Cần trong tiếng Việt tương ứng với nhiều từ Khmer khác nhau. Tuy nhiên, trong các tài liệu địa chí, chữ Cần đều được viết bằng một chữ Hán duy nhất có tự dạng “thảo (đầu) + cân”. Do đó, rõ ràng chữ Cần trong các địa danh ở Nam Bộ chỉ có thể bắt nguồn từ một từ tiếng Khmer duy nhất. Cao Tự Thanh cũng lưu ý quá trình biến mất chữ Mạt trong địa danh Mạt Cần Đăng trong địa chí xưa. Ông đặt giả thiết rằng tất cả các địa danh bắt đầu bằng chữ Cần ở Nam Bộ thoạt tiên đều có chữ Mạt đứng đầu mà về sau đã bị lược bỏ cho gọn bớt. Hai chữ Mạt Cần này, theo ông, là bắt nguồn từ chữ Mák kék theo giọng Pali và Môkô trong tiếng Khmer có nghĩa là “con đường” (hiểu là đường thủy).

Tôi không rõ Cao Tự Thanh có đi quá xa trong việc đặt giả thiết tất cả các địa danh có chữ Cần đứng đầu ở Nam Bộ nguyên xưa đều là Mạt Cần hay không. Có điều, chúng ta chưa ghi nhận được một địa danh Mạt Cần nào khác ngoài hai địa danh đã nêu ở An Giang[9]. Tại sao chỉ có hai địa danh Mạt Cần ở An Giang là chữ Mạt không bị lược bỏ? Hơn nữa, đã có bằng chứng là một số địa danh bắt đầu bằng chữ Cần ở Nam Bộ vốn trước không phải là Mạt Cần. Chẳng hạn, địa danh Cần Thăng ở An Giang mà Cao Tự Thanh đã lưu ý trong nghiên cứu của mình thì vốn xưa là Giông Cần Thăng, ngoài ra ở An Giang xưa còn có địa danh Giông Cần Trang. Bấy nhiêu đã đủ chứng minh không phải địa danh nào ở Nam Bộ có chữ Cần ở đầu thì xưa kia đều là Mạt Cần mà còn có Giông Cần. Đó là chưa kể Mák kék trong tiếng Khmer vốn là đường bộ lại cố hiểu theo nghĩa đường thủy thì quá gượng ép vì ở Nam Bộ, hệ thống giao thông thủy phát triển sớm hơn nên các thuật ngữ giao thông thủy mới ảnh hưởng đến giao thông đường bộ như “lội” bộ, xe “đò”, “quá giang” chứ chưa có trường hợp nào ngược lại.

Cũng giống như trường hợp Chạc Cà Đao, ý nghĩa của ba chữ Mạt Cần Dưng cũng có hai cách hiểu tương ứng với hai cấu trúc “Mạt Cần” + “X” hoặc “Mạt” + “X”. Như trên đã nói, tôi không tán thành lắm cách lý giải của Cao Tự Thanh mà chủ trương nghiêng về cách giải thích thứ hai. Có chứng cứ gợi ý cho chúng ta về điều đó.

Ta biết rạch Mặc Cần Dưng chảy thẳng vào Bảy Núi được chia thành hai đoạn Mặc Cần Dưng và Mặc Cần Đăng. Ở đầu triều Nguyễn, rạch này cũng được chia làm hai đoạn nhưng theo một cách khác. Địa bạ triều Nguyễn (lập năm 1836), thôn Thới Hưng cho biết thôn này ở hai xứ Nam Vi, Chơn Nam mà hai xứ này đều “đông giáp rạch Cần Dưng”. Địa bạ thôn Bình Hòa Trung thì nói thôn này ở hai xứ “Chắc Cà Đao, Mạt Cần Dưng”. Về trường hợp rạch Mặc Cần Dện, địa bạ thôn Vĩnh Chánh nói thôn này “đông giáp rạch Cần Diện và rừng”[10]. Cùng là một con rạch vì sao lúc có chữ Mạt lúc lại không? Chữ Mạt có ý nghĩa gì?

Cả ba tài liệu là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Gia Định thông chí Đại Nam nhất thống chí đều thống nhất ghi chữ “Mạt” nghĩa là “ngọn, chót, điểm cuối”. Mạt Cần Dưng là ngọn rạch Cần Dưng vậy. Có điều chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu là chữ ngọn tuy quả có là một từ chỉ địa hình sông nước thật, nhưng ngọn là tính từ cửa vàm sông đổ vào trong cùng rạch thì điểm đó mới là ngọn. Mạt Cần Dưng ở chỗ cửa vàm thông ra sông Hậu thì sao gọi là ngọn cho được? Khi lập luận như vậy là chúng ta đã không biết rằng thời thế thay đổi thì hàm ý của từ ngữ cũng thay đổi. Ngày nay chúng ta thường sống tập trung ở vàm rạch và đi thám hiểm ngọn rạch nhưng lưu dân thời xưa thì ngược lại. Họ không thể định cư ngay cửa vàm vì cớ phải tránh lũ hàng năm. Lựa chọn lý tưởng nhất của họ là đi sâu vào trong và định cư ở cái chỗ mà chúng ta gọi là ngọn rạch. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí đã chỉ ra rất nhiều điểm dân cư như thế dọc theo các rạch nhánh ven bờ sông Hậu trong khu vực An Giang. Đối với các lưu dân ấy thì điểm cuối cùng (mạt) của con rạch lại là chỗ nó hợp lưu với sông cái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có cứ liệu để lý giải xem Cần Dưng, Cần Dện nghĩa là gì.

Nghiên cứu nguồn gốc địa danh Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng cho ta rất nhiều bài học kinh nghiệm, giúp rút ra nhiều nguyên tắc nghiên cứu bổ ích có thể ứng dụng cho việc nghiên cứu địa danh học và địa lý lịch sử. Lý giải một địa danh không chỉ đơn thuần dựa vào sự gần âm mà trước tiên phải vạch ra được tiến trình phát sinh và phát triển của nó trong lịch sử, đặt nó vào trong mối tương quan với các địa danh có cùng cấu trúc, xem xét nó trong bối cảnh địa lý, dân cư và ngôn ngữ cụ thể thì mới mong có thể đưa ra một cách lý giải tiệm cận nhất với sự thật lịch sử.

[1] Sau đây các bạn sẽ thấy hai địa danh Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng ở mỗi tài liệu được phiên âm mỗi khác. Vì vậy, tùy theo bối cảnh thời gian hoặc tùy theo ý đồ muốn ám chỉ ý kiến của tôi căn cứ vào tài liệu nào mà tôi sẽ sử dụng những cách gọi tương ứng.

[2] Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 331.

[3] Đương nhiên cũng có một ngoại lệ, đó là trường hợp địa danh Lấp Vò vốn có nguồn gốc từ chữ "lắp dò" nghĩa là "xảm trét ghe thuyền". Tuy nhiên, hoạt động "lắp dò" là một hoạt động đặc biệt hơn "bắt cua" vì muốn "lắp dò" thì phải đến nơi sửa chữa và đóng mới ghe thuyền, đặc biệt là trong trường hợp các thuyền cỡ lớn. Vì vậy khi có người hỏi chủ thuyền đi đâu thì người đó có thể trả lời: "Tôi đi lắp dò" rồi dần dần thành "Tôi đi Lấp Vò". Ngược lại, hoạt động bắt cua có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu tại miền Tây Nam Bộ mà không có một trung tâm bắt cua cụ thể như xảm trét ghe thuyền. Vả chăng, cũng có lý do để ta nghĩ rằng Lấp Vò không hẳn đã là xảm trét ghe thuyền. Tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp thích hợp.

[4] Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 105.

[5] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. NB Giáo Dục, 1998, trang 59.

[6] Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 330.

[7] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. NB Giáo Dục, 1998, trang 59.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập V. NB Thuận Hóa, Huế, NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 208-209.

[9] Có một địa danh khiến tôi lưu tâm đó là họ đạo Mạt Bắc (nay gọi Mặc Bắc) nằm gần rạch Cần Chông ở Trà Vinh. Phải chăng nơi này khi xưa vốn tên là Mạt Cần Chông? Hai chữ Mạt Bắc được lý giải là bắt nguồn từ tiếng Khmer moot batt, trong đó moot là cái bến ghe, tuyến đường, batt là bị bẻ gãy.

[10] Nguyễn Đình Đầu. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: tỉnh An Giang. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 249, 261, 257.