Tây Thi làm nên công trạng gì?

Post date: Nov 1, 2012 8:16:23 AM

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên báo Thế Giới số 191 [26], Thứ hai, 27-6-2005.

1327. TÂY Thi là người ở đâu? Sinh và mất vào lúc nào, công trạng gì? Hà Quốc Dũng (Tây Ninh).

l Tây Thi người nước Việt ở thôn Tây núi Trữ La, họ Thi nên gọi Tây Thi. Vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua trận bị bắt về Ngô làm người chăn ngựa. Câu Tiễn “nằm gai nếm mật” chịu mọi khổ nhục và nuôi chí báo thù. Khi được trả về nước, Câu Tiễn được một đại phu bày kế mỹ nhân để phục thù. Tây Thi có mặt trong hai nghìn mỹ nữ. Câu Tiễn truyền lệnh cho Phạm Lãi đưa Tây Thi sang cống vua Ngô là Phù Sai. Vua Ngô nhác thấy Tây Thi đã mê mệt. Nàng đi vãn cảnh đến đâu, tức khắc vua Ngô cho xây lâu đài nơi đó để kỷ niệm. Vua Ngô say đắm giai nhân, nhất nhất nghe lời nàng bảo, đã giết những tướng kiên trung tài ba, kho vàng cũng ngày một vơi, triều chính nát bét. Đó là thời cơ Câu Tiễn nước Việt kéo đại quân sang Ngô trả hận.

L.M.K (Hà Nội)

l Khi sang nước Ngô, Tây Thi ra sức mê hoặc vua Ngô là Phù Sai khiến ông ta bỏ bê triều chính, tin dùng nịnh thần Bá Hy, sát hại trung thần Ngũ Tử Tư. Trong khi đó, Câu Tiễn khuyến khích sản xuất, gây dựng lực lượng quân sự hùng hậu để chờ dịp báo thù. Năm 478 TCN, Phù Sai đến Hoằng Trì để hội chư hầu nhằm tranh quyền bá chủ. Nhân cơ hội đó, Câu Tiễn đem quân tấn công Ngô.

Trần Hoàng Vũ (An Giang)

l Về việc Tây Thi có hai giả thiết. Thứ nhất là: Sau khi phá xong nước Ngô, Câu Tiễn cho bắt Tây Thi và bảo: “Đây là mầm họa phải giết” rồi sai người dìm nàng xuống sông. Giả thiết này làm đau lòng những thi nhân của đời sau, họ không muốn cái đẹp của tạo hóa bị xóa đi một cách tàn nhẫn dưới tay một bạo vương. Vì thế mà có giả thiết thứ hai cho rằng Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt xong nước Ngô đã chối bỏ quan tước và lén đi trốn cùng Tây Thi.

Phạm Văn Bưởi (Vĩnh Long)

l Tây Thi, còn gọi là Tây Tử, họ là Thi, tên Di Quang, con gái của một người bán củi ở nước Việt cuối thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên). Do mưu thần Phạm Lãi hiến kế mỹ nhân, Câu Tiễn đã tiến cống Tây Thi cho Ngô Phù Sai. Tây Thi tự nguyện cam chịu nhẫn nhục để báo quốc góp phần rất lớn trong việc diệt Ngô, phục Việt. Sau khi nước Việt phục quốc, Tây Thi và người yêu là đại thần Phạm Lãi chèo thuyền rong chơi trên Ngũ Hồ, sau đó không còn ai thấy họ đâu nữa.

Lê Nguyên Khang (Đà Nẵng)

l Ngô Vương Phù Sai từ khi được nàng Tây Thi thì ở mãi bên đài Cô Tô, ngày ngày rượu chè đàn hát, bốn mùa vui chơi thỏa thích, chểnh mảng việc quốc gia, thậm chí giết cả tướng tài làm cho nước Ngô ngày càng suy yếu nên khi Việt vương Câu Tiễn xua quân tấn công thì Ngô Phù Sai thua trận, tự tử. Sau khi tiêu diệt nhà Ngô, vương phi Câu Tiễn lo sợ Việt vương bị Tây Thi mê hoặc nên sai người trói Tây Thi lại, cho đeo đá rồi ném xuống sông Tam Giang.

Trương Nguyễn (Tp.HCM)

l Khi Phù Sai lên ngôi ở Ngô, Phạm Lãi bày mưu cho Câu Tiễn dùng Tây Thi dâng Ngô Phù Sai để nàng dùng sắc đẹp làm mê đắm vua Ngô khiến lơ là việc nước, gây chia rẽ trong triều đình. Năm 473 trước CN, nước Việt phục thù thắng lợi, Phù Sai tự tử. Phạm Lãi không bổng lộc, chỉ xin Tây Thi rồi cùng nàng sống ở Tề.

Thái Trọng Lai (Đà Nẵng)

Poster phim Tây Thi