Tiếng hát trên sân khấu Dì Kê Khmer Nam Bộ.

Post date: Aug 31, 2013 8:10:15 AM

Chau Sóc Kha

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 80, tháng 11-2011.

Trong kho tàng di sản sân khấu truyền thống Việt Nam: Nam Bộ có những nét đặc sắc của sân khấu Hát Bội, Cải Lương thì Người Khmer ở Đồng Bằng Cửu Long cũng có sân khấu hát Dì Kê. Theo các nhà nghiên cứu thì Dì Kê đã xuất hiện những năm đầu thế kỷ XX.

Đó là sản phẩm phát triển từ loại hình múa (Rô Băm) kết hợp với hát và nói có vần điệu tạo nên ca nhạc trên sân khấu Dì Kê. Ở loại hình múa Rô Băm thì người múa trong vai phản diện được hóa trang đeo mặt nạ thành các loài thú, bắt chước động tác của khỉ, hổ, chim sáo … để diễn những tuồng tích xưa họ chỉ múa không hát nên rất đơn điệu, nhàm chán. Ở Dì Kê thì có sự tiếp bước cải tiến và phát triển, các nhân vật hóa trang theo phân vai chính diện, phản diện có kết hợp đối thoại, hát với nhau tạo nên sức hút khán giả hơn. Mỗi tuồng diễn đều thực hiện với diễn biến thời gian, không gian nghệ thuật và cũng tuân thủ kết thúc có hậu bằng mô tip “chính nghĩa thắng gian tà”, “ở hiền gặp lành”. Minh chứng qua những sự tích bằng hình vẽ của các chùa dân tộc Khmer.

Những bài hát trong Dì Kê trong mỗi tuồng tích thường được viết lại lời mới dựa theo nền bản nhạc dân gian có sẵn. Bài hát mới phải phù hợp với sắc thái tình cảm của phân đoạn trong cốt truyện. Trong quá trình chung sống với các dân tộc anh em, có những bài viết mới có ảnh hưởng của nhạc người Triều Châu, người Quảng để biến thành những bài ca Dì Kê.

Các hình thức ca nhạc Khmer gồm có các giai điệu như sau:

Som Pông: Dùng để diễn tả cảnh vật thiên nhiên.

Lôm: Dùng để diễn tả tỏ tình.

Phat Chaey: Miêu tả tính cách giận dữ.

Ăng Ko reach: Miêu tả tâm trạng đau khổ, biệt ly.

Múa Dì Kê, Tịnh Biên 2011.

Các loại hình nêu trên thuộc các bản nhạc chính và có những giai điệu phụ khác nữa. Những thi sĩ, nghệ sĩ dân gian cũng đã chuyển thể thành tiểu bản gọi là bài ca Ba Sac (Bài ca sản sinh ra ở vùng sông Hậu) trong sân khấu Dì Kê. Như thế, người giới thiệu chỉ cần nói tên giai điệu thì nhạc công sẽ đàn đúng với giai điệu dân gian ấy. Hiện nay, mỗi cuối tuần, khán giả được xem qua các Đài truyền hình tiếng Khmer các tỉnh và VTV Cần Thơ phát hình. Có nhiều bài ca Ba Sac được viết lời mới phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.

Nghiên cứu những bài ca Ba Sac thì nhận xét chung là có hình thức của thể thơ tám chữ mỗi câu. Viết thành mười sáu khổ thơ. Dựa trên giai điệu dân gian và theo luật gieo vần của thơ ca, những người yêu thơ đều có thể sáng tác lên bài ca, cốt sao có sự gieo vần mà hình thức và ý nghĩa luôn có sự liên kết nhau về cấu trúc. Để làm được điều đó đòi hỏi người yêu thơ phải có phong phú vốn từ Khmer và tiếng Phạn. Tôi xin đưa ra luật thơ này trình quí bạn đoc tham khảo:

Khổ thứ nhất: 1 2 3 4 5 6 7 8

Khổ thứ hai: 1 2 3 4 5 6 7 8

Khổ thứ ba: 1 2 3 4 5 6 7 8

Khổ thứ tư: 1 2 3 4 5 6 7 8

* Các số từ 1-8: âm tiết.

Khổ thứ nhất: âm tiết số 3 cùng vần với số 6.

Khổ thứ hai: âm tiết số 8 cùng vần với số 4 và 8 của khổ thứ ba.

Khổ thứ ba: âm tiết số 4 và 8 cùng vần với số 4 và sáu của khổ thứ tư.

Đó là cách nhận dạng hình thức bài ca Ba Sac. Điều đặc biệt là thể thơ này rất thuận tiện cho các nhạc sĩ viết nhạc, vì theo tôi được biết đa phần các bài ca tiếng Khmer từ xưa đến nay hầu như sử dụng thể thơ này làm ca nhạc.