Hà Nội với một danh tướng Nam Bộ.

Post date: Mar 16, 2011 1:40:26 PM

Hà Nội với một danh tướng Nam Bộ.

Nguyễn Hữu Tưởng

(Viện nghiên cứu Hán Nôm)

Trong một lần đi khảo sát, chúng tôi tới ngôi chùa am nằm sâu trong ngõ 29 phố Cửa Bắc. Trên cổng chùa đắp mấy chữ “Phổ Quang am tự” (Chùa am Phổ Quang). Nay chùa nằm lẫn với nhà dân, còn dấu vết ngôi vườn tháp cho thấy quy mô rộng lớn của một thời xa xưa.

Trải qua thời gian thăng trầm biến đổi, những hiện vật cổ còn lưu giữ được ở trong chùa hiện nay chỉ còn 3 tấm bia đá. Một tấm bia có niên đại Minh Mạng năm thứ 10 (1829), một tấm bia có niên đại Thành Thái năm thứ 2 (1890), một tấm bia có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1908). Các tấm bia chỉ khắc một mặt. Tấm bia có nhan đề Phổ Quang tự trùng tu bi ký niên đại Thành Thái thứ ba ghi lại việc thờ hậu một số người có công đóng góp sửa chùa, ít có giá trị. Tấm bia có niên đại Minh Mạng năm thứ 10 (1829) và tấm bia có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1908) có liên quan tới lịch sử ngôi chùa và nhân vật lịch sử Thoại Ngọc Hầu.

Bia Phổ Quang tự bi ký (1890).

Nguồn: Phùng Minh Tùng chụp tháng 10-2010 (Trần Hoàng Vũ cung cấp).

Thoại Ngọc Hầu chỉ làm quan một thời gian rất ngắn tại phương Bắc, hành trạng chủ yếu là ở Nam bộ, một nơi thời đó đối với người dân Hà Nội là hết sức xa xôi. Khi mất ông cũng mất ở Nam bộ. Thế mà sau khi ông qua đời, nhân dân Hà Nội vùng ông ở xưa vẫn biết và rước thần vị vào thờ trong chùa. Điều đó chứng tỏ lòng ngưỡng vọng của người dân Hà Nội trong vùng đối với vợ chồng ông lớn thế nào.

Nội dung chính của bài văn bia nói tới lịch sử thành lập ngôi chùa am. Đầu tiên bà Châu Thị Tế lập am với mục đích tu hành cho riêng bản thân mình. Sau do lòng ngưỡng mộ của người dân Hà Nội trong vùng nên bà đã đứng ra xây dựng thành một ngôi chùa lớn. Vì thế mới có tên gọi chùa am. Cách gọi này dân trong vùng hiện nay vẫn dùng. Điều đó chứng tỏ khởi nguyên của ngôi chùa đã in đậm trong ký ức nhân dân trong vùng.

Thoại Ngọc Hầu được nói tới như một vị tướng đóng góp nhiều công lao cho vương triều Nguyễn ngay từ buổi đầu mới hình thành. Thoại Ngọc Hầu tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thoại (1). Ông lập được nhiều công lớn, được phong nhiều chức tước trong đó có tước Thoại Ngọc Hầu, cái tên truyền thế đến ngày nay (2). Thoại Ngọc Hầu sinh ngày 26-11 năm Tân Tị, đời Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế (Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 23 (1761), tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, một vùng đất sơn xuyên linh tú, hun đúc nên nhiều bậc tài danh, có công lao đối với đất nước trong lịch sử. Ông là con của Nguyễn Văn Lượng làm quan văn trông coi việc lễ (được sắc truy phong là Anh Dũng tướng quân, Khinh xa Đô úy, Thần sách Vệ úy Nguyễn Hầu, do vua Minh Mệnh ban ngày 21-7-1822). Mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết được ban sắc truy phong mỹ hiệu Thục Nhàn, cũng do vua Minh Mệnh ban vào ngày tháng năm như trên (3). Ông thuở nhỏ tính khí cương cường, ham thích nghiệp võ. Năm 16 tuổi (1777) ông ra đầu quân với Nguyễn Phúc Ánh. Từ đó về sau ông lập được nhiều công lao hiển hách: đào Vĩnh Tế Hà, đào kinh Đông Xuyên, lập làng, vỡ ruộng, bắc cầu, đắp đê, kiến trúc sơn lăng từ miếu, bảy lần sang Xiêm, hai lượt sang Lào, mười một năm bảo hộ nước Cao Miên. Ông từng vào Nam ra Bắc được phong chức Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn (trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1808). Có lẽ lúc đó cũng là khoảng thời gian mà ngôi chùa am Phổ Quang này được thành lập và nó thuộc phạm vi dinh cơ của Thoại Ngọc Hầu.

Trong văn bia có nhắc tới phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, bà Chu phu nhân (theo âm đọc trong Nam là Châu phu nhân). Qua bài vị trên chúng ta được biết đó chính là bà Châu Thị Tế, vợ thứ của Thoại Ngọc Hầu, cùng theo chồng khi ông ra Bắc.

Những tài liệu sử học ngoài nguồn chính sử ghi chép rất sơ lược về thời kỳ Thoại Ngọc hầu làm Trấn thủ Lạng Sơn hiện nay hoàn toàn chưa được phát hiện. Vì vậy việc phát hiện những tấm bia tại chùa am là vô cùng quý báu. Những tấm bia này đã đóng góp những thông tin chi tiết về hoạt động ở đất Bắc của Thoại Ngọc Hầu, tình nghĩa của dân Hà Nội với vợ chồng một danh tướng Nam Bộ. Hy vọng với thời gian, chúng ta sẽ tìm được thêm những tư liệu quý dạng này.

- - - - - - - --

1. Chính thực tên của ông là Nguyễn Văn Thụy. Chữ Thụy trong miền Nam đọc là Thoại, thêm nữa chữ Thụy dưới vương triều Nguyễn là húy kiêng, vì vậy các sử gia đều ghi chép tên của ông là Nguyễn Văn Thoại.

2. Triều Nguyễn thường lấy tên của các công thần phong ghép vào tước như Lưu Phước Tường được phong làm Tường Quang Hầu, Lê Văn Duyệt được phong làm Duyệt Quận Công... cho nên ông được phong tặng là Thoại Ngọc Hầu.

3. Nguyễn Văn Hầu: Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Hương Sen xuất bản

Nguồn: Báo điện tử Hà Nội mới, đăng ngày 31 tháng 07 năm 2006.