Nông nghiệp và khai thác thủy sản xứ cù lao Giêng thế kỷ XIX

NÔNG NGHIỆP VÀ KHAI THÁC THỦY SẢN XỨ CÙ LAO GIÊNG THẾ KỶ XIX

Trần Hoàng Vũ

Vùng đất cù lao Giêng (tên Nôm: cù lao Nhiên 岣 嶗 然 trong địa bạ thôn Mỹ Hưng; Lê Quang Định viết là cù lao Doanh 岣 嶗 溋, Trịnh Hoài Đức có chỗ viết là cù lao Diên với chữ 延 có bộ sơn 山 trên đầu, cũng có chỗ viết là Diên với bộ Thủy 涎) còn có tên chữ là Doanh Châu (Lê Quang Định viết là 溋 洲, Trịnh Hoài Đức viết là 瀛 洲). Nơi đây đã được người Việt khai thác khá sớm. Chỉ một năm sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Gia Định, năm 1699, Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến quân đến trú tại “thủ Tân Châu” để quan sát tình hình của Cao Miên. Năm 1757, Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh kiến nghị thiết lập đạo Tân Châu ở cù lao Giêng[1], đứng đầu đạo này là một Cai đội. Viên Cai đội Tân Châu đầu tiên được sử sách ghi nhận là Kế Thiện hầu[2] Nguyễn Cửu Tự[3] (vào năm 1766). Đối diện hai bên cù lao về sau còn có đồn phân thủ đạo Hùng Thắng ở rạch Đốc Vàng và đồn phân thủ đạo Chiến Sai, đều thuộc quyền quản hạt của Tân Châu nên còn có tên là Tam Đạo[4]. Theo Lê Quý Đôn, ở ba đạo Tân Châu, Chiến Sai, Hùng Thắng đều có đặt 3 đội quân, mỗi đội 3 thuyền, mỗi thuyền 40 người (cộng là 360 người mỗi đạo)[5]. Lê Quang Định cho biết: “Đây là nơi canh phòng kẻ gian, thu thuế buôn bán và kiểm soát thuyền buôn không cho chở các mặt hàng cấm như gạo muối sang bán bên đất Cao Miên, phải nói đây là nơi yết hầu xung yếu vậy”[6].

Trong cuộc nội chiến Nguyễn – Tây Sơn, cù lao Giêng là địa điểm căn cứ quan trọng được cả hai phía giành giật. Năm 1778, chúa Nguyễn Ánh sai Cai đội Trần Văn Phúc sang đạo Tân Châu để đóng thuyền đi biển. Rồi đến năm 1783, Chưởng cơ Hồ Văn Lân giao chiến với Điều bát Tây Sơn là Nguyễn Kế Nhuận ở Tân Châu[7]. Sang năm sau 1784, khi quân Xiêm thua trận ở Rạch Gầm, thủy quân Xiêm bắt bớ mấy trăm phụ nữ ở ven sông Tiền đem về tới cù lao Giêng thì bị Thống binh Lê Hữu Vĩnh đón đánh, cứu được mấy chục người[8]. Đến năm 1787, nhóm nghĩa dũng xứ cù lao Giêng do Nguyễn Văn Thư tập họp đã đến đầu quân cho Nguyễn Ánh và hỗ trợ ông trong công cuộc thu phục Gia Định[9].

Khi triều Nguyễn thành lập, xứ cù lao Giêng đã có hơn một trăm năm khai phá, trở thành một vùng trù mật. Năm 1806, Lê Quang Định cho biết ở cù lao Giêng và cù lao Trâu “đều có dân cư và ruộng vườn”[10]. Vào năm 1820, Trịnh Hoài Đức đã cho biết trên cù lao này có bốn thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông và Phú Hưng[11]. Bốn thôn này đều thuộc tổng Vĩnh Trinh (mới đặt) của huyện Vĩnh An. Năm 1836, theo tư liệu địa bạ, xứ cù lao Nhiên thuộc tổng An Toàn, có sáu thôn là Mỹ Chánh, Phú Toàn, Mỹ Hưng, Toàn Đức, Toàn Đức Đông, Tân Phước[12].

Năm 1901, cù lao Giêng thuộc tổng An Bình, gồm 6 làng: Bình Đức Đông (851 người), Mỹ Chánh (4.098 người), Mỹ Hưng (2.172 người), Phú Xuân (1.152 người), Tấn Đức (6.579 người) và Tân Phước (721 người). Tổng số dân cư trên cù lao này là 15.572 người[13]. Ngày 13-12-1919, ba làng Bình Đức Đông, Phú Xuân và Tân Phước được hợp lại thành làng Bình Phước Xuân. Xứ cù lao Giêng còn lại 4 làng và 17 ấp[14].

Tình hình ruộng đất nông nghiệp ở cù lao Giêng dưới triều Nguyễn.

Sưu tập địa bạ triều Nguyễn hiện còn địa bạ của bốn thôn: Mỹ Hưng, Mỹ Chánh, Toàn Đức và Toàn Đức Đông. Dựa trên mô tả vị trí giáp giới bốn bên của các làng này, có thể xác định đại khái sự phân bổ của các làng trên cù lao Giêng vào năm 1836.

Sở hữu ruộng đất của các làng ấy thống kê như sau (đơn vị: mẫu. sào. thước. tấc):


[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 199, 80.

[2] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 122.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập I, Nxb. Giáo Dục, 2002, trang 171.

[4] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, trang 104-105.

[5] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Đà Nẵng, 2018, trang 170.

[6] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, trang 105.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập I, Nxb. Giáo Dục, 2002, trang 206, 220.

[8] Cao Khắc Kiệm, Đăng Thoại Sơn cung độc Thoại Ngọc hầu bi hữu cảm ký, Tạp chí Nam Phong số 47, 1921.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 329

[10] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, trang 104.

[11] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 63.

[12] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: tỉnh An Giang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 237.

[13] Géographie physique, économique et historique: Monogaphie de la province de LongXuyên, Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1905, p.11.

[14] Victor Duvernoy, Monographie de la province de LongXuyên, Éditions du Moniteur de L’Indochine, Hanoi, 1924, p.53-54.

Phân bố làng xã trên cù lao Giêng theo tư liệu địa bạ

Có thể thấy rõ xu hướng của các làng ngoài rìa cù lao tập trung trồng rau màu. Các làng Mỹ Chánh, Toàn Đức có hơn một nửa đất là vu đậu thổ (đất trồng khoai, đậu). Làng Toàn Đức có 52.6% đất trồng khoai đậu và làng Mỹ Chánh có 55.6% đất khoai đậu. Riêng làng Mỹ Hưng ở đầu cù lao có đến 97.5% đất trồng khoai đậu và không hề có đất trồng lúa. Phải đi sâu vào giữa cù lao thì việc trồng lúa mới phổ biến. Làng Toàn Đức Đông có 65.7% đất sơn điền (canh tác lúa). Điều này cho thấy việc lựa chọn cây trồng trên đất cù lao này hẳn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thủy văn. Đó cũng là lý do khiến cù lao Giêng là một trong những nơi thí nghiệm trồng thử giống lúa nổi tham đưng vào đầu thế kỷ.

Đến đầu thế kỷ XX, Nguyễn Liên Phong đánh giá xứ cù lao Giêng: “Ruộng là căn bổn tư cơ, Rẫy trồng bông trái cõi bờ sáng trưng. Đất ưa giống lúa tham-đưng, Mình cao chịu nước nặng cân khá tiền. Bắp khoai dưa mía các miền, Dân cư ngoại đạo tánh siêng năng thường”[1]. Chủ tỉnh Duvernoy còn cho biết thêm: mía và cây dâu tằm là những sản phẩm nổi bật của khu vực cù lao này[2]. Nhờ cây dâu tằm, vào đầu thế kỷ XX, làng Tấn Đức trên xứ cù lao còn nổi tiếng về nghề dệt[3].

Tình hình khai thác cá ở cù lao Giêng.

Cù lao Giêng cũng là khu vực nổi tiếng với nghề đánh cá. Vào đầu thế kỷ XX, Nguyễn Liên Phong cho biết: “Ngang qua theo mé Ba Răng, Rạch ngòi thủy lợi giăng giăng cả đồng”[4]. Từ thập niên 20 của thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã mô tả xứ cù lao Giêng: “ở đây có nhiều đầm chằm ruộng cá, lũ lượt cứ 15 người làm một đoàn, rẽ bùn phát cỏ, bắt cá để làm mắm hay phơi khô, chém nứa làm bè, đem bán các nơi”[5].

Nhà Nguyễn chia các khu vực sông, rạch, ao, đầm có nhiều nguồn lợi thủy sản thành các sở thủy lợi và cho đấu thầu việc thu thuế các sở ấy. Các khu vực đánh cá ở cù lao Giêng ban đầu thuộc quyền quản lý chung của sở Lục Lộ tỉnh Định Tường, đến khoảng năm Minh Mạng thứ 15 (1834) mới trả về cho tỉnh An Giang quản hạt. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thường nhắc đến các sở đánh cá Như Cương, Triều Thủy, Sa Trúc, Đại Mông, Tiểu Mông thuộc tỉnh An Giang. Các sở này thường được gộp chung thành một gói đấu thầu thu thuế thủy lợi. Trong đó, theo Trương Vĩnh Ký, Như Cương chính là Ba Răng, tức nay là kênh Ba Răng ở xã An Phong huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Còn theo ghi nhận của địa bạ triều Nguyễn, thôn Mỹ Chánh ở cù lao Giêng là thuộc xứ Đại Mông và thôn Toàn Đức Đông là thuộc xứ Sa Trúc. Lời bàn năm 1834 cho thấy giá đấu thầu các sở này là 880 quan mỗi sở. Đỉnh cao của việc thu thuế thủy lợi là vào các năm 1835-1837, năm sở Như Cương, Đại Mông, Tiểu Mông, Triều Thủy, Sa Trúc mỗi năm thu về đến 8.500 quan (riêng năm 1837 là 8.520 quan).

Nghề đánh cá ở cù lao Giêng và nhiều khu vực thượng nguồn sông Cửu Long bị suy giảm nghiêm trọng do cuộc chiến tranh với Xiêm và Cao Miên vào cuối thời Minh Mạng, đầu thời Thiệu Trị. Đến năm 1841, việc thu thuế thủy lợi ở cù lao Giêng mới được nối lại. Tuy nhiên, tổng tiền đấu thầu mười sở thủy lợi thuộc địa bàn An Giang hiện nay cộng lại cũng chỉ nhỉnh hơn thu nhập thường niên của năm sở thuộc cù lao Giêng và vùng phụ cận vào giữa thời Minh Mạng (8.682 quan 9 tiền). Các năm 1842-1844, việc thu thuế thủy lợi chỉ còn co lại quanh vùng cù lao Giêng và cù lao Tây. Khi tình hình yên ổn trở lại vào các năm 1847-1848, thu nhập từ thủy lợi của khu vực cù lao Giêng và vùng phụ cận chỉ còn 460-470 quan/năm cho cả bốn sở[6].

Là một khu vực được người Việt khai phá từ sớm, xứ cù lao Giêng có một nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp và khai thác thủy sản. Theo dõi lịch sử các làng trên xứ cù lao này, chúng ta thấy rằng dân cư ở đây đã trải qua không ít biến động. Trong khoảng tám mươi năm, từ năm 1820 đến năm 1901, cù lao Giêng đã trải qua nhiều xáo trộn về hành chính và dân cư. Nhiều làng cũ mất đi, nhiều làng mới được thành lập, sáp nhập, chia tách. Tuy vậy, các thế hệ người mới và người cũ vẫn cùng chung tay xây dựng một xứ cù lao tươi đẹp với bề dày văn hóa.


[1] Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, tập 2, Phát Toán, 1909, trang 87.

[2] Victor Duvernoy, Monographie de la province de LongXuyên, Éditions du Moniteur de L’Indochine, Hanoi, 1924, p.21.

[3] Géographie physique, économique et historique: Monogaphie de la province de LongXuyên, Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1905, p.19.

[4] Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, tập 2, Phát Toán, 1909, trang 98.

[5] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 63.

[6] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 346-350.