u. Tiểu mục 47 - Giao lưu đoàn kết - Lê Đình Hào

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

SỰ HOÀN CHỈNH TRONG BẢN DỊCH VÀ HIỆU ĐÍNH

"Ô CHÂU CẬN LỤC CỦA DƯƠNG VĂN AN"

Thạc sĩ Lê Đình Hào (*)

 

“Ô châu cận lục” là tác phẩm địa chí quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, là cuốn địa chí đầu tiên của đất Thuận Hoá. Dương Văn An và các tác giả thế kỷ XVI cùng các nhà nho kế tiếp đã có công sưu tầm, ghi chép, bổ sung một cách tỉ mỉ về vùng đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam. Trong đó bao gồm: Núi sông, thành quách, đền miếu, chùa chiền, cầu chợ, phong tục, thổ sản, con người, đặc biệt là danh mục làng xã đã được sách chép một cách chu đáo, đầy đủ. Vì vậy, đã có vài bản dịch về tác tác phẩm này nhưng các bản dịch đó đã không tránh khỏi những sai sót về địa danh của các làng xã… Cố tác giả Văn Thanh và tác giả Phan Đăng đã hoàn chỉnh bản dịch và hiệu đính của tác phẩm này. Bản dịch và hiệu đính này đã hoàn chỉnh hơn so với những bản dịch trước kia. Đây là sự thành công lớn của hai dịch giả - là món quà tinh thần rất giá trị đối với những đọc giả muốn tìm về mảnh đất Thuận Hóa xưa.

ThS. LĐH.

 

 

 

Bìa sách "Ô châu cận lục" (Văn Thanh, Phan Đăng dịch), Nxb.CTQG., 2009

 

Từ trước đến nay, sách “Ô châu cận lục” đã được giới nghiên cứu quan tâm, vì vậy đã có nhiều bản dịch (Bùi Lương, 1961; Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên, 1997; Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, 2001, và hai bản dịch ở dạng tài liệu đánh máy của Cao Hữu Lạng và Ngô Đức Thọ). Nhìn chung, ở mỗi bản dịch, người dịch có cách dịch và chú giải khác nhau, mà sự khác nhau cơ bản nhất vẫn là việc chú giải tên làng xã đã được ghi trong nguyên bản chữ Hán. Sở dĩ có hiện tượng này, trước hết là nguyên bản chữ Hán ở dạng viết tay, có chữ không rõ, hoặc người viết chỉ chép lại từ các tư liệu khác, không có điều kiện kiểm chứng nên chép lầm chữ, lầm đơn vị hành chính… Khi dịch, các dịch giả cũng chưa có điều kiện đi thực địa, chỉ căn cứ vào chữ nghĩa, hoặc ghi đúng như nguyên bản dẫn đến việc tên làng xã có chỗ không chính xác, gây ngộ nhận không đáng có. Trong số các bản dịch vừa nói, bản của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc (2001) tương đối sát thực tiễn so với các bản dịch đã công bố, nhưng ở đó cũng chỉ có thể tra cứu tên làng xã được ghi trong nguyên bản với tên hành chính hiện nay, chưa có phần tra cứu quá trình chuyển đổi tên qua các thời kỳ khác nhau, bởi vì có nhiều trường hợp tên một làng được ghi trong nguyên bản, cho đến nay đã được chuyển đổi đến bốn năm lần. Bản dịch mà chúng tôi giới thiệu lần này sẽ khắc phục và bổ sung được những thiếu sót đã nói trên. Mặt khác, từ khi “Ô châu cận lục” ra đời (1555) đến nay, tên làng xã và đơn vị hành chính của vùng đất Thuận Hoá xưa mà nay là Bình Trị Thiên và một phần Quảng Nam đã có biết bao thay đổi, bản dịch này sẽ giúp chúng ta có điều kiện hình dung, tái hiện khuôn mặt làng xã từng cách xa chúng ta gần năm thế kỷ, đó cũng là những tư liệu quý giá không những cho giới nghiên cứu mà còn cho mọi người mỗi khi cần thiết.

            Ông Văn Thanh, nguyên giảng viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Huế, sau đó chuyển về công tác tại Thư viện Bình Trị Thiên, đã ngày đêm miệt mài với công tác dịch thuật, hiệu đính “Ô châu cận lục” từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ 1989, khi về công tác tại Thư viện tỉnh Quảng Trị, ban giám đốc thư viện qua nhiều giai đoạn khác nhau đã tạo điều kiện rất tốt cho ông Văn Thanh tiếp tục thực hiện đề tài này. Phải nói rằng trong hơn mười năm làm việc tại đây, ông VănThanh đã dành mọi tâm huyết cho đề tài và cũng là đề tài duy nhất của đời ông, rất tiếc ông đã đột ngột qua đời trong khi đứa con tinh thần của mình chưa kịp chào đời; và công trình đã được ông Phan Đăng, giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Khoa học Huế, tiếp tục nghiên cứu hiệu đính và hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Về phần dịch thuật, bám sát bản gốc “Ô châu cận lục” bằng chữ Hán, dịch giả đã dịch trọn bộ gồm 6 quyển bao gồm các mục : Núi sông, hang động, sông hồ, cửa biển, thuế khóa, sản vật, bản đồ, địa lý, phong tục, phong cảnh, danh lam, quan chế, nhân vật, khoa mục, tiết phụ, nội quan, văn nhân, võ sĩ, tổng luận. Đặc biệt là phần hiệu đính mục bản đồ làng xã, dịch giả, đồng thời là nhà nghiên cứu, đã dành phần lớn thời gian công sức cho việc hiệu đính, chú giải sự biến thiên, thay đổi tên các làng xã vùng đất Ô Châu từ năm 1558 đến nay. Đây là phần khá lý thú cho những ai muốn nghiên cứu về mảnh đất, con người, địa danh các tỉnh từ Quảng Bình cho đến Quảng Nam, đặc biệt là mảnh đất Quảng Trị chúng ta trong quá trình hình thành cộng cư và phát triển.

Bản dịch và hiệu đính “Ô châu cận lục” là đề tài khoa học cấp tỉnh đã được Hội đồng khoa học của Sở Khoa học - công nghệ nghiệm thu và xếp loại xuất sắc vào tháng 11/2008 (5/6 phiếu xếp loại xuất sắc). Và Hội đồng đã đề nghị chủ nhiệm đề tài tiến hành làm các thủ tục theo đúng luật xuất bản để được in thành sách phát hành phục vụ cho đông đảo đối tượng bạn đọc nghiên cứu và tìm hiểu.

            Trong gần hai mươi năm, ngoài việc dịch thuật, nhóm dịch giả đã đi thu thập nhiều tư liệu liên quan ở nhiều nơi trên đất nước, đi thực địa nhiều lần, đến từng địa phương để khảo sát, kiểm chứng nhằm làm cho bản dịch của mình hoàn chỉnh, đạt độ chính xác cao và thực sự có ích cho việc tìm hiểu và nghiên cứu sau này. Vì vậy, bản dịch này không những là kết quả công sức và tâm huyết của nhóm dịch giả mà còn thể hiện sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị, của nhiều đơn vị liên quan trên khắp cả nước. Ngoài giá trị khoa học mà bản dịch mang lại, thành công của việc xuất bản bản dịch còn như một lời cảm ơn đến nhiều cơ quan, nhiều người đã quan tâm giúp đỡ trong suốt quá trình thực hiện; ấn phẩm bản dịch còn như một nén tâm hương của anh chị em trong Thư viện Quảng Trị tưởng nhớ đến ông Văn Thanh, một đồng nghiệp cần mẫn, nhiệt tình, say mê với công tác nghiên cứu khoa học, một người con yêu dấu của quê hương Quảng Trị.

Sách được Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 2 năm 2009 và đã được Thư viện tỉnh phát hành phục vụ rộng rãi bạn đọc vào tháng 3 năm 2009.

Rất mong bạn đọc đón nhận.

 

                                                                                                                           ThS. Lê Đình Hào

 

(*) Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Trị (chú thích của WebTgTXA.)

 

Bản gửi trực tiếp vào WebTgTXA. (09-6 HB9)

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

( http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang )

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày đưa trang này lên web: 10-9 HB9