l. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 12

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

 

     

CHƯƠNG XII

 

 

1

 

 

Về đến nhà, Hiền Lương đọc lại bài “Truyền Thuyết Về Khát Vọng Cứu Rỗi” một lần nữa. Cô ngẫm nghĩ, lại đọc lướt qua nhiều bài thơ khác viết về các tôn giáo, triết thuyết khác, và thấy tất cả đều được viết với quan điểm vô thần, xã hội chủ nghĩa, một cách rất Việt Nam, theo hướng tiếp cận trực tiếp vào kinh điển, với nhãn quan văn hóa học, với cách cảm nhận có sáng tạo riêng, một cách rất thơ ca. Rồi Hiền Lương không thể không đọc lại bài thơ về Giê-su, đọc đến hàng chục lần. Thơ của Trần Nguyễn Phan.

Cơm nước xong, dọn rửa xong, Hiền Lương lại ra chái đầu hồi dưới gốc trứng gà rợp bóng mát, lặng lẽ mắc võng.

Hiền Lương tự gợi nhớ, xáo tung kí ức để tìm lại những  gì cô đã trao đổi, bàn luận với cha cô. Hiền Lương lại suy ngẫm những gì Hành với cô đã bàn chuyện về Giê-su mới đây (II.15).

Tại sao thế nhỉ! Dẫu vấn đề cũ rích, Hiền Lương không phải mới lần đầu xới lật vấn đề này, nhưng cô vẫn ngẩn ngơ tự hỏi tại sao. Trong một tháng về quê nội, hai chữ tại sao lần này như vang lên trong cô, khi đọc thơ người đồng hương.

Một hôm, lâu lắm rồi, lúc cô mới học năm thứ nhất đại học, chú Nông nhìn thẳng vào mắt cô, khẽ nói:

- Dạo này, ba thấy báo chí có cởi mở, dân chủ hơn. Đó là điều đáng mừng, rất đáng mừng. Văn học cũng cần cởi mở, dân chủ. Trên sách báo, thực tế đã có một phong trào văn chương tâm linh, tôn giáo. Có lẽ nên và chỉ nên xem tôn giáo như một hình thái văn hóa, triết học, không nên thần bí, siêu hình, duy tâm.

Chú Nông chỉ lên bàn thờ trong gia đình. Trên một tấm bê tông mỏng, tượng Đức Mẹ Ma-ri-a, Thánh Giu-se đứng hai bên Thánh giá Chúa Giê-su. Thoáng chìm vào hồi tưởng, chú nói:

- Năm bảy mốt, linh mục rửa tội cho ba đã nói điều nhức nhối là Thiên Chúa giáo đã góp phần đẩy dân tộc Do Thái vào chỗ mất nước hai ngàn năm nay, và điều nhức nhối nhất, ấy là về lịch sử giáo hội Việt Nam với sự mất nước của dân tộc mình vào tay Pháp và Mỹ, mặc dù giáo dân nào cũng “yêu nước”(!), yêu nước nhưng cam tâm làm nô lệ.

Chú Nông lại chỉ tay vào tủ sách, ở nơi hàng trên cùng là những cuốn sách sử học. Lại nhìn vào mắt của cô con gái út, chú Nông nói:

- Tủ sách của nhà mình có nhiều cuốn về sử học, ít nhiều con đã đọc. Ba cũng đã thảo luận với con về vấn đề Thiên Chúa giáo ở nước mình, nhất là trong thời “bình Tây sát tả” của cuộc chiến tranh một trăm mười bảy năm (1858 - 1875). Thật ra, từ một bốn năm tư (1454), giáo hoàng Ni-cô-la V (Nicolas V), từ một bốn chín ba (1493), giáo hoàng A-lếch-xăng VI (Alexandre VI) đã ra sắc chỉ xâm lược... Sự kiện “bình Tây sát tả” đã diễn ra từ năm một sáu tám sáu (1686) ở nước mình, nhưng ba chỉ giới hạn lại như thế. Theo con, những bộ sách nào đáng đọc và đáng suy nghĩ nhất? Bộ sách nào có giá trị khoa học nhất?

Hiền Lương mỉm cười thưa:

- Dạ, thưa ba, “Đại Nam Thực Lục”, từ kỉ đệ tứ đến đệ lục (I.103, II.19), vẫn là tư liệu chuẩn cứ, đáng tin cậy nhất, kế đó là cuốn “Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp Và Trung Hoa” của giáo sư tiến sĩ Nhật Bản T-su-boi (Yoshiharu Tsuboi), trong đó có những tư liệu chưa công bố của Pháp. Nhưng con thấy đa số người không chuyên nghiên cứu vẫn tin tưởng vào “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim! Có lẽ, ở Miền Nam trước đây, Trần Trọng Kim có uy tín học giả quá lớn! Thực chất, ông ta cũng sa-đích ít nhiều.

Chú Nông cười:

- Đọc Việt Nam Sử Lược, phải biết cách đọc. Quan điểm của Trần Trọng Kim rất sai ở những chỗ mạt sát sĩ phu Văn thân, lại thỏa hiệp việc truyền bá Thiên Chúa giáo chăng? Và ông ta bôi nhọ Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết về nhân cách đạo đức quá đáng! Dẫu vậy, Trần Trọng Kim vẫn không thể phủ nhận lòng yêu nước và tinh thần chủ chiến của hai nhân vật lịch sử này, và nhất là không thể phủ nhận Nguyễn Văn Tường vẫn kiên định lập trường không chịu bị “bảo hộ”, không chịu làm tay sai cho giặc Pháp như Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, ngay khi kinh đô Huế đã thất thủ. Nói cho đúng sự thật lịch sử, tội ác của Thiên Chúa giáo là không thể bào chữa, ngụy biện được. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vẫn là hai anh hùng bi tráng. Thôi, gác lại chuyện đó. Ba muốn nói về bản chất Kinh Thánh...

Bấy giờ, Hiền Lương thưa với ba của cô:

- Con xin nhờ ba giải thích rõ hơn.

Chú Nông trầm tư, và nói:

- Do Thái mất nước có nhiều lí do. Theo Cựu ước, Đức Chúa Trời hứa hẹn là sẽ có một Cứu Chúa, con một của Ngài, xuống thế để cứu chuộc dân tộc Do Thái với cả nhân loại. Thật ra, đấy chỉ là khát vọng của dân tộc Do Thái phản ánh vào tôn giáo, thành lời tiên tri, mặc khải, thế thôi. Và đã có nhiều Cứu Chúa, nhưng chỉ có Giê-su là được nhiều người công nhận, tin tưởng là Cứu Chúa thật. Giê-su thực hiện đúng theo Cựu ước. Điều đó ai cũng biết, nhưng phải nhìn nhận Giê-su đồng thời là nhà cải cách tôn giáo nữa. Chính cuộc cải cách Do Thái giáo đã tạo ra sự  phân hóa trong dân tộc Do Thái. Một số bảo thủ chống lại Giê-su. Một số khác từ Do Thái giáo lập ra Ki-tô giáo. Phái bảo thủ đàn áp phái cải cách. Hai bên chống nhau, do đó, mất đoàn kết. - Chú Nông nói tiếp -. Dân tộc Do Thái vốn gốc I-rắc di cư sang, khởi từ A-b-ra-ham, thủy tổ, đến Đa-vít, vua thông tuệ, mới lập quốc được, sau đó bị chia rẽ Bắc, Nam. Đến thời Chúa Giê-su, dân tộc Do Thái đang nằm dưới ách La Mã. Đang bị nô lệ, lại phân liệt ra làm hai phái, nên Do Thái suy yếu càng suy yếu. Trong sách Công vụ các sứ đồ, có đoạn, một tông đồ trong một giấc mơ, hỏi Chúa Giê-su, Chúa có ý định phục hồi nước Ít-x-ra-en không, Chúa bảo, hãy truyền bá Tin mừng Phúc âm khắp trái đất đã, rồi hẵng phục hồi.  Đấy có lẽ là giấc mơ hồi ức. Lời đáp của Giê-su trong giấc mơ ấy là một nguyên nhân khiến đa số người Ki-tô giáo bỏ nước ra đi. Nguyên nhân thứ hai, dân tộc Do Thái vốn rất mê tín vào Kinh Thánh. Di dân, lập quốc, phiêu tán, họ đều tin vào sự “mặc khải”. Sự mặc khải, tiên tri, vốn như sấm Trạng Trình của người Việt. Nhà Mạc, nhà Nguyễn tin và thực hiện theo sấm: ... “Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng cũng nương thân được vài đời”, “Hoành Sơn một dải, [ở phía nam,] vạn đời là chốn dung thân...”. Trong Kinh Thánh, có một dự cảm trầm uất, bi quan thế này: “Khi mà dân tộc Ít-x-ra-en bị trục xuất ra khỏi xứ thì xứ sẽ bị hoang phế, không có dân cư”. Đó là dự cảm chính trị đầy tính chất bất hạnh. Cả dân tộc Do Thái tin theo, nhất là do sức mạnh của thần quyền... Chúa Giê-hô-va nói, sai được sao! Lời “tiên tri” ấy trở thành Định mệnh của dân tộc Do Thái. Từ đó, có người Do Thái lưu vong, truyền đạo, khởi đầu mầm mống để hình thành nên các nước khác theo Ki-tô giáo... Đế quốc La Mã độc ác với họ đã đành, còn chính họ vô thức hay ý thức phiêu tán theo Định mệnh ấy nữa... Hồi trẻ, ba có đọc một cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê... - Chú Nông lại nói tiếp -. Ba cần nói rõ hơn điều này: Sự  hình thành của các nước theo Ki-tô giáo, ngoài lẽ đó, còn vì một lẽ khác quan trọng hơn, đó là hoàng đế La Mã đã sử dụng Ki-tô giáo, sau khi sa-đích, để làm công cụ tâm linh - chính trị, trong quá trình xâm lược và củng cố đế quốc La Mã ở Âu - Trung Á...

Hiền Lương suy nghĩ. Cô lại hỏi ba:

- Thưa ba, mê tín vào sự bất hạnh dẫn đến hậu quả thê thảm đến vậy. Nhưng cũng nhờ Cựu ước, dân tộc Do Thái không mất gốc. Họ lai máu huyết nhưng vẫn giữ được truyền thống dân tộc?

- Đúng. Hai mặt, tích cực và tiêu cực.

- Ba chống đối cải cách?

Chú Nông cười to:

- Ba khao khát Đổi mới thế nào con đã biết. Đổi mới hay Cải cách cũng là một nghĩa. Sao con hỏi vậy?! Vấn đề là Cải cách trên một nền tảng vững chắc, ấy là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”... Cải cách mà không đoàn kết, sẽ phân hóa, chia rẽ và suy vong. Dẫu sao, cuộc cải cách nào cũng dẫn đến sự phân hóa. Giê-su nói: “Ta đến, không phải mang đến bình an, mà mang tới gươm giáo. Ta đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với bà gia... Người ta đều có kẻ thù nghịch là người trong gia đình của mình... Ai yêu cha mẹ hơn ta, thì không xứng đáng để theo ta, ai yêu con trai, con gái hơn ta, thì không xứng đáng để theo ta... Ai tin ta thì vác thập giá của mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ: 10 : 34 - 38). Đại để như vậy. Và, “kẻ đứng đầu sẽ trở thành kẻ sau rốt, kẻ sau rốt sẽ đứng đầu”. Câu thứ nhất là đấu tranh ý hệ trong từng gia đình: mới, cũ; tiến bộ, lạc hậu. Câu thứ hai là cách mạng xã hội: vua thành nô lệ, nô lệ thành vua... Trở lại vấn đề, Đổi mới không phải là để suy đồi, học mót trụy lạc Phương Tây!

Hiền Lương thấy táo bạo quá, cô khẽ rùng mình.

- Đã nghe nhiều lần trong nhà thờ, nhưng giờ nghe ba giảng, con nổi da gà. Cứ như chuyện sử kí!

Chú Nông cười buồn:

- Giê-su hơi quá khích, do đó, chết vì quá khích. Hình như ông ta cố tình quá khích để chết cho đúng lời Cựu ước. Phi-la-tô giết ông ta một cách rất khéo, rất chính trị. Y khử được một nhà cách mạng như thể chiều theo ý nhân dân bị trị, thì khéo thật, rất thâm độc mà quá khôn! Phi-la-tô lại rửa tay chối bỏ trách nhiệm. Sau khi bọn giả hình, tức là bọn ngụy Do Thái, sỉ nhục Chúa bằng cách đóng trên đầu Chúa vương miện hoàng đế bằng gai nhọn, y cho đóng cả tấm biển “Vua Ít-x-ra-en” trên đầu thập giá! Đạo diễn một phiên tòa tử hình rất mực thực dân, khôn khéo! Nhưng bản thân Giê-su cũng muốn “tự sát” bằng cách quá khích để đúng kịch bản Cựu ước!... Dòng dõi vua  Đa-vít! (...). Hài hóa bi kịch, rất đau.

Hiền Lương thấy hãi hùng với những thủ đoạn chính trị.

- Nhưng như ba đã nói vừa rồi, có thể Tân ước đã bị sa-đích, thưa ba.

- Đúng. Sau đó một vài thập niên, nhà thờ Ki-tô giáo đã được xây dựng ở thủ đô La Mã, và sau vài ba thế kỉ, chính các hoàng đế đế quốc La Mã lại theo Ki-tô giáo. Họ nắm lấy một sức mạnh, và sa-đích! Hiện nay, Kinh Thánh có dấu vết sa-đích rất rõ. Có đoạn, có câu mới phục hồi từ bản gốc, trong dấu móc vuông: [ ], như đoạn “Người Đàn Bà Ngoại Tình” chẳng hạn. Bản cũ nhất được lưu hành không có, nhưng bản gốc thì có.

- Còn ai tin gì nữa mà bảo đức tin! - Hiền Lương buột miệng, thở dài.

Chú Nông cười, lắc đầu:

- Kinh điển tôn giáo nào cũng thế. Cái gì đọc thấy có lí thì tin, vô lí thì vứt. Kinh Thánh là pho sách cổ có nhiều điều hay, vẫn có thể đãi cát tìm vàng được. “Tận tín thư bất như vô thư” mà.

Chú Nông bật lửa, châm thuốc. Chú ngã người tựa vào vách nhà, lơ đễnh nhìn khói thuốc bay ra khung cửa mở.

- Con rùng mình nhất là mê tín vào lời tiên tri bất hạnh. Xem ra, dân tộc Do Thái giống nàng Kiều nước mình quá. Kiều là một cô Tàu đã được Việt hóa bởi Nguyễn Du. Nguyễn Du “lách”, mượn chuyện kĩ nữ nước ngoài để nói lên số phận của kẻ sĩ trong nước, giữa và sau thời bão táp, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Lê, Trịnh phân tranh...

Chú Nông giật mình, ngồi thẳng người:

- Con liên tưởng rất hay. Đúng như vậy thật... Ồ, cụ thể là “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố”; hai ngạn ngữ ấy có cơ sở xã hội của nó. Nhưng dẫu sao cũng phải nuôi dưỡng lòng lạc quan, đừng để tư tưởng bi quan định mệnh, những lời bói toán quàng xiên dìm chết đời mình, một cách vô thức hoặc có ý thức... Ờ, Kiều, là tiếng kêu đòi nhân phẩm, không phải số phận dân tộc.

Hiền Lương cứ luôn gồng mình chống chỏi với tư tưởng định mệnh bi quan ấy. Nhưng hôm ấy, nghe ba mình lại nhắc, cô mỉm cười, tự bảo, sao cứ mãi sợ một “ám ảnh sợ”  rất sách vở, luôn luôn sợ một “nguy cơ”! Biết vậy, cô vẫn nghĩ, hãy cảnh giác với tư tưởng bi quan, nhưng cố điều chỉnh sao cho sự cảnh giác đừng biến thành “ám ảnh sợ” khôn nguôi, thành một loại bệnh tâm lí.

Đang liên tưởng, nghĩ ngợi, Hiền Lương lại chợt nghe tiếng chú Nông:

- Con có biết vì sao Ki-tô giáo ở châu Âu tàn sát Do Thái giáo không?

- Ba giải thích thêm cho con, thưa ba.

- Vì Do Thái giáo bị xúi giục, bị kích động, đòi giết Giê-su. Dân Ki-tô giáo châu Âu muốn giết hết dân Do Thái giáo và có thể mọi người có tí chút máu huyết Do Thái, cho dù theo tôn giáo nào, để chỉ còn lại mỗi một gia đình Giê-su với bộ Cựu ước - Tân ước. Dân tộc ấy được vinh quang sinh ra Giê-su, chính dân tộc ấy phải bị đọa đày, bị tiêu diệt!? Điều đó cũng “ứng” bởi Kinh Thánh, kể cả phúc âm bí truyền: “Bao giờ dân Do Thái trở về từ khắp nơi trên thế giới để lại lập quốc trên Đất hứa, sẽ đến Ngày Phán xử cuối cùng”, “tận thế”. Nếu hiểu một khía cạnh của câu ấy, thì đó là “định mệnh” phiêu tán để bị đánh đuổi, bị tiêu diệt, phải trở về cố quốc của dân tộc Do Thái. “Ngày ấy... sẽ chẳng đủ hai ngàn năm”. Năm nay, đã là năm một ngàn chín trăm chín ba rồi, sao chưa thấy “tận thế”? Ngày Phán xử cuối cùng cũng chẳng thấy? Sao Giáo hội, thực quyền là ở Tòa thánh Va-ti-căng, không đạo diễn một Cuộc Phán xử cuối cùng cho “linh ứng” nhỉ?! Trước mắt là chủ nghĩa thực dân cũ, đế quốc mới của tư bản phải bị xử!

- Theo con biết, người châu Âu tàn sát người Do Thái là vì dân tộc Do Thái thông minh nhất thế giới chứ ba?  Còn thuyết “tận thế”, Ngày Phán xử cuối cùng, có thể hiểu là bước sang kỉ nguyên mới...? Và... tận thế, trong Tân ước, rõ là Chúa cứ bảo “sắp đến ngày”, cứ “sắp” mãi! May chẳng đến. Trái đất vỡ tan thì buồn quá.

- Bởi vì người Do Thái cực nhục quá, nên họ phải rất keo kiệt và phải thông minh. Chưa có dân tộc nào bi thảm như vậy. Có lẽ hoàn cảnh buộc họ phải cố làm giàu, học thật giỏi để tồn tại. Và chính càng cho vay nặng lãi, càng giàu, càng học, càng giỏi, họ lại càng bị ghen ghét. Bi thảm là ở chỗ đó. Chính Các Mác cũng gốc Do Thái, người  Đức gốc Do Thái, hình như đạo Chúa nữa.

- Kinh Thánh có nhiều yếu tố của cuộc cách mạng vô sản, xã hội chủ nghĩa. Con đã biết điều đó... Nếu chỉ căn cứ trên văn bản Kinh Thánh và giáo lí theo thần học La Mã, rõ là Chúa Giê-su thỏa hiệp với đế quốc và chỉ tử vì đạo, vì Nước Chúa trên trời mà thôi. Nhưng tại sao Chúa Giê-su thỏa hiệp với đế quốc lại được tôn sùng khắp thế giới như thế? Tiểu sử và tư tưởng cũng thường thôi, lại dung tục, quá khích nữa.

Chú Nông ném mạnh mẩu thuốc tàn, nhưng vội nhặt lên gí vào chiếc bình gạt nhỏ đặt trên bàn. Chú thấy hình tượng đa nghĩa nên dễ mâu thuẫn.

- Nhu cầu tín ngưỡng! Thần quyền được thế quyền, chính quyền đế quốc hỗ trợ, bởi sự cần thiết của ảo tưởng tôn giáo cho mỗi người, cho xã hội, cho sự chuyên chính của nhà nước phong kiến, tư sản, đế quốc. Vả lại, hình như người Phương Tây không nhạy cảm lắm về vấn đề độc lập dân tộc, và vì công cụ tâm linh - chính trị này rất tinh vi. Cả thế giới mù quáng. Ba cũng thế, vì nó quá tinh vi... Đặc biệt là mẹ của con... Nhưng, ba muốn nói đến khía cạnh khác: Giê-su là người vô gia đình. Giê-su phủ nhận Ma-ri-a là mẹ, không gọi là mẹ, mà gọi là “người đàn bà”, và chỉ xem các tông đồ là mẹ, là anh em của mình. Có lẽ Giê-su nghĩ mình là Thiên Chúa, và đã là thiên tử thật, không thể có mẹ là người phàm! Cũng có thể Giê-su đã thoát li gia đình một cách quyết liệt vì mặc cảm... gia đình. Nhưng xét ở mặt nào đó, ông ta có tư tưởng vừa rất phong kiến, vừa quá dân chủ, đến thế kỉ này vẫn còn làm kinh ngạc nhiều người. Đúng, hiểu một cách hiện đại, người mẹ đích thực của Giê-su là nhân dân cùng khổ, nhân dân cùng khổ là anh em của Ngài. Đấy không phải là tư tưởng tầm thường... Không phải Chúa mặc cảm nghèo...

Hiền Lương mỉm cười. Cô nhõng nhẽo, không hiểu hết ý chú Nông:

- Ba có cho con thoát li gia đình không?

Chú Nông cười đến sặc. Nghỉ mệt một lúc, chú vờ nghiêm giọng:

- Xin mời con gái của ba ra khỏi nhà tức khắc! Cửa nhà này luôn luôn mở cho những ai muốn ra đi, nhân danh độc lập, tự do cho mỗi người. Nhưng, liệu con có đủ bản lĩnh chưa? Cạm bẫy giăng đầy!

Hiền Lương cũng cười thật giòn. Cô biết ba đang đùa. Hiền Lương hiểu, trong gia đình mình, ba là người thương cô nhất mặc dù ông luôn luôn tỏ ra công bằng với hai người chị của cô.

Chú Nông chợt cười mỉm :

- Bộ con ưa đi lấy chồng rồi sao?

Lần này, câu hỏi của ba làm cô đỏ mặt.

- Ba ác quá, đuổi con sớm thế?

- Thì con xin! Nói chung, con cái lấy chồng, lấy vợ là đã thoát li rồi.

Hiền Lương sau phút mắc cỡ, cô nói:

- Không. Con muốn vừa đi làm, vừa đi học, vừa thuê nhà ở nơi khác, và không bao giờ gặp lại ba mẹ, hai chị, không bao giờ đi xem lễ ở nhà thờ nữa, bỏ đạo dứt khoát, nghĩa là thoát li tuyệt đối.

Chú Nông sững người, tròn mắt kinh ngạc. Chú im lặng, nghĩ ngợi một lúc khá lâu.

- Oằc tự lực như thế rất tốt. Nhưng... con mặc cảm về ba à? - Giọng chú Nông chùng xuống -. Ba không xứng đáng là cha của con sao?! Vì thời cuộc, đâu phải vì ba! - Chú Nông nói một mình, nói với chính mình.

Hiền Lương biết cô vô tình chạm vào nỗi đau đời của ông... Thời cuộc đã làm nhỡ cả một đời người, và bao nhiêu đời người như ông! Có lẽ không nỗi nhục nào lớn hơn là bị làm giặc ngay chính trên quê hương, Tổ quốc mình. Hiền Lương hiểu điều đó vì đã bao lần cô nghe tiếng thở dài, nhìn thấy nếp hằn trên trán ba, chứng kiến những chén rượu suông hoặc các cuộc nhậu cay đắng của ba với bạn bè ba... Hiền Lương bỗng hối hận, chẳng ngờ cô thốt ra một ý tưởng chẳng hiểu từ đâu hình thành trong tâm tư mình như ước vọng, đã khiến chú Nông buồn đến vậy. Chú Nông lại bật lửa, châm thuốc, lặng thinh, và bỗng dưng cười một mình, chua chát. Hiền Lương cảm thấy hoảng sợ trước tiếng cười ấy. Cô mấp máy môi định nói, cô chỉ nhõng nhẽo thôi, nhưng chú Nông nhìn thẳng vào con gái mình:

- Ba nhất trí, nếu quả thật con thấy thoát li tuyệt đối như thế là tốt.

Hiền Lương thấy giọng mình nghẹn lại, cô đỏ bừng mặt, lúng túng.

Chú Nông nói nhanh :

- Con đi lo việc của con đi!

Hiền Lương bước đi như cái máy đã được ra lệnh. Chú Nông chợt thấy giọng nói mình gay gắt quá.

- Ba xin lỗi con... - Chú hơi sững sờ nhìn theo Hiền Lương.

Cô bước vào phòng, chẳng buồn bật đèn, ngã người, lại trở mình úp mặt vào gối. Hiền Lương khóc, như một đứa trẻ bị đòn oan.

Một lúc, cô chợt kìm lại những giọt nước mắt, rời khỏi giường, bật đèn, tìm chiếc khăn lau vội và ngồi vào bàn học. Hiền Lương ngồi sững.

Bây giờ, nhớ lại, cô không thể không tự mỉm cười. Hiền Lương khẽ đong đưa chiếc võng, ngước mắt nhìn tán lá trứng gà xanh thẫm đang lay đập trong gió nam nóng. Còn một chiều hôm nay, một ngày mai, một ngày mốt nữa, cô và mẹ sẽ rời quê nội với chuyến tàu khuya, rồi ba mươi mấy tiếng đồng hồ nữa, Hiền Lương sẽ gặp lại ba và Thủ Dầu Một. Hiền Lương bâng khuâng nhớ nhà, nhớ bạn bè, lối xóm.

Hiền Lương đâm ra ngán ngẫm cho đầu óc cô quá. Chẳng hiểu sao, như ma ám, ra với dòng sông Bến Hải này, cô tự thấy mình hành hạ chính mình quá đáng. Xới lật bao vấn đề đã cũ rích để làm gì! Hiền Lương uể oải, nằm thừ người, kéo nhẹ sợi dây buộc vào cột hàng hiên cho võng đong đưa từng nhịp ru. Đang lim dim trong trạng thái rã rời, trống rỗng, cô lại hoảng hốt giật mình. Hai giọt nước mắt ứa ra. Chẳng lẽ mười mấy bức tranh và bao nhiêu phác thảo đành phải đốt cháy? Hiền Lương nấc lên khi hình dung ngọn lửa bùng với khói sơn dầu khét lẹt. Đống tro than lãng quên! Ờ, đúng rồi, bao nhiêu người đã lãng quên. Biết lãng quên là biết sống? Hiện tại và tương lai! Tất cả cho hiện tại và tương lai? Không phải không có lịch sử. Không phải không có quá khứ của một đời người. Kẻ chết đã chết. Kẻ già đã già. Chỉ có kẻ già, bước thêm dăm bước là đến huyệt, là chẳng còn tương lai nữa? Chính họ là quá khứ. Hãy để quá khứ lên tiếng. Vinh quang hoặc tủi nhục thuộc về họ và vết thương Bến Hải này. Tại sao y bác sĩ  kia chịu khổ hình? Tại sao cô và Hành, Bông Bưởi và Nàng Hương chịu khổ hình? Quằn quại, cuồng điên đau đớn. Hồn nhiên, lắng trầm đau đớn. Bỗng dưng, cô buồn quá về sự im lặng của quá khứ. Gỡ gạc, biện minh một cách thiếu trung thực cũng tầm thường. Ông Nộp nói đúng: Đã trót một đời sai lầm, cam tâm làm giặc cho Pháp và Mỹ, hãy chấp nhận sự thật đời mình, sự thật lịch sử. Đó là liêm sỉ cuối cùng. Hiền Lương thấy ông Nộp là người mù chữ sáng suốt nhất, sáng suốt hơn bao kẻ vênh vang tiến sĩ này, thạc sĩ nọ. Bất giác, Hiền Lương thở dài.

Có một điều Hiền Lương không biết, hay đã nghe thím Cận kể rồi, đó là về nỗi bệnh ngoan cố.

Có vài câu ông Nộp thường xuyên nói, khi thì như quát lên cho con cháu, xóm làng nghe, nhưng không dám quát to, và chỉ quát lúc một mình, thành ra không ai nghe thấy cả, khi lại lầm thầm một mình như tự nhủ. Hình như đó là những câu thần chú cứu khổ cứu nạn cho đời ông: "Phản phong, phản đế, phản thần! Chống quân chủ, phong kiến; chống thực dân, đế quốc; chống duy tâm, hữu thần! Tui thua Cách mạng lâu rồi, thua ông Hiền, chú Học lâu rồi. Suốt cả cuộc đời thằng ngụy Nộp ni theo giặc Pháp, giặc Mỹ thiệt, cũng có chịu lụy cố đạo "thập ác" cho qua thời, qua buổi thiệt. Bởi vì theo hai thằng giặc Pháp, giặc Mỹ nớ cũng như theo hai thằng giặc Nga Sô, giặc Trung Cộng thôi. Phía mô cũng giặc. Bởi vì chịu lụy "tả đạo" thì còn đình, còn chùa, còn lư hương, bát nước thờ cúng ông bà, tổ tiên, chứ theo Đảng vô thần, giặc vô thần thì mất sạch sành sanh, mất nước mất non, ruộng đất thì chung chạ sinh bậy bạ, lại mất cả hồn cả vía, ông bà không nhang không khói, lại đặt mấy thằng mắt xanh mũi lõ với mấy thằng chệt Mác - Lê - Mao trên đầu trên cổ của cả dân tộc, nhục đến rứa làm răng sống nổi! Xóm làng ai hiểu cho thằng ngụy Nộp ni thì hiểu, con cháu đứa mô hiểu cho thằng cha ngụy, thằng ôông ngụy của bây thì hiểu". Mỗi lần quát một mình, không dám quát to vì sợ bị tù, mặc dù rất muốn cho xóm làng, cháu con nghe thấy để thông cảm, hoặc khi lầm thầm trong miệng như niệm thần chú, ông Nộp thường trào nước mắt, đôi lúc khóc ồ ồ rất thảm. Tuy vậy, cán bộ xã cũng biết! Có lắm lần chú Tập, bí thư xã, trách ông Nộp già rồi mà còn bệnh ngoan cố! Nhưng chú Tập hiểu đó là nỗi bệnh đâu chỉ riêng ở ông Nộp, mà của cả một cuộc chiến tranh dài dằng dặc, từ Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) cho đến mãi sau này. Chú Tập ôn tồn bảo: "Chừ đình làng, chùa chiền, ban thờ tổ tiên với lư nhang bát nước, mọi thứ chi của ôông cũng đều có cả rồi. Rứa mà ôông còn nói ri, nói tê, tui không chịu trách nhiệm mô nghe. Ôông còn quát một mình, còn lầm bầm trong miệng như rứa nữa, thì chính ôông phải lên công an huyện để tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đó!". Nói vậy, có điều chú bí thư Đảng uỷ xã cũng biết ông Nộp tuy sai điểm này, nhưng không phải không đúng điểm nọ, nên chú Tập không khỏi cảm thấy đau đứt cả ruột. Đau đứt cả ruột, nhưng chú Tập cũng bực bội không kém. Chú rủa ông Nộp trong bụng: Lão ngụy cứ ngụy biện!

Có lẽ Hiền Lương không biết nỗi bệnh đó của ông Nộp thật, hay cô cho rằng cái chính là ông Nộp đã thừa nhận sự thật lịch sử ở khía cạnh chủ yếu, cơ bản của nó, như cô vừa cả quyết khẳng định trong chuỗi suy tư: Ông Nộp nói đúng. Đã trót một đời sai lầm, cam tâm làm giặc cho Pháp và Mỹ, hãy chấp nhận sự thật đời mình, sự thật lịch sử. Đó là liêm sỉ cuối cùng.

 

 

2

 

 

Hiền Lương còn nhớ, năm chín lăm, bấy giờ cô đang học năm thứ tư đại học, một buổi chiều, chú Nông và Hiền Lương đến thăm gia đình của vị cựu linh mục Quảng Bình. Chiếc xe gắn máy bon qua những đường phố rồi dừng lại trước cổng căn nhà quen thuộc, trong một con hẻm ở Tân Bình, một quận rộng nhất nhì ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy giáo Tiếng đã hơn bảy mươi tuổi. Thầy đã cởi áo linh mục, lập gia đình với một dì phước cũng đã cởi áo nữ tu (II.10), sau một thời gian tình cờ họ quen biết nhau ở đất Sài Gòn. Từ độ đó, thầy Tiếng thuần dạy học, suốt hơn hai mươi năm nay. Thầy dạy tiếng Pháp và quốc văn. Đã về hưu hơn mười năm rồi nhưng thầy vẫn tiếp tục dạy cho một lớp đêm. Dì Lan cũng là nhà giáo, mới nghỉ hưu một năm, và vẫn dạy kèm chương trình tiểu học cho lũ trẻ hàng xóm. Ba người con của hai thầy cô đã trưởng thành. Bây giờ, chỉ còn người con gái út ở với thầy cô - chị Vân. Chị ấy đang làm ở một xí nghiệp dệt.

Hôm nay, ngày nghỉ cuối tuần, chị Vân ở nhà. Chị nghe tiếng chuông, bước ra với một nụ cười thật tươi.

Dắt xe vào sân, dựng bên cạnh mấy chiếc gắn máy khác, chú Nông hỏi thay một lời chào thân mật:

- Khách của thầy cô đến rồi hở Vân?

Đứng bên hòn non bộ róc rách nước chảy, Vân cười thật sáng:

- Dạ, thưa chú, khách quen thân cả. Cũng mới đến cả ạ.

Thầy Tiếng đã đón sẵn ở cửa:

- Vào đây, anh Nông, Hiền Lương.

Bắt tay thân mật với những bạn trẻ và già xong, chú Nông xin phép lui sau bếp chào cô giáo Lan. Cô giáo Lan vui lắm. Giọng Cần Thơ của cô vẫn ngọt như đường:

-Vâng, vâng. Xin chào. Anh Nông cứ lên nhà trên lai rai chút rượu với mấy ổng. Lát nữa cô sẽ lên.

Bàn rượu cũng chỉ là bàn trà phòng khách. Một tủ lạnh nhỏ bằng cái truyền hình đặt bên cạnh.

Thầy Tiếng mở tủ lạnh, lấy ra bốn lon bia, một lon cô ca.

- Chúng ta bắt đầu nhé. Uả, Hiền Lương đâu rồi? Hiền Lương ơi...

- Dạ, thưa thầy, để cháu nó phụ một tay với chị Vân và cô. - Chú Nông nói.

Hiền Lương nghe gọi, chạy lên, xin phép được ở sau bếp cho vui. Nhưng thầy Tiếng dứt khoát buộc Hiền Lương ngồi đó.

- Bọn đàn ông mình từ thời A-đam đến nay cứ giành hết mọi ưu tiên! - Thầy Tiếng cười, nói trong tiếng bật miệng lon.

Thầy đẩy từng lon đến mỗi người. Chị Vân cũng mang mấy dĩa thức nhấm lên. Tất cả chén bát cũng đã sẵn trên khay.

- Lâu lắm mới lại gặp nhau. Nào, xin nâng li chúc sức khỏe.

Hai người khách, một cỡ bốn mươi lăm tuổi, một cũng đã trên sáu mươi. Anh trẻ là nhà văn, vốn sinh viên tranh đấu, đã thất sủng thành phó thường dân. Chú già, nguyên hiệu trưởng trường cũ của thầy Tiếng, gốc Quảng Bình, từng có huy hiệu Bốn mươi tuổi Đảng, đã hưu trí. Toàn là dân nhà giáo cả.

- Chương trình hôm ni ra răng đây? - Thầy Rơm cười, hỏi đùa.

Thầy Quyển bật cười to, nói giọng Sài Gòn:

- Ngỡ như họp liên tịch!

Mọi người cười vui vẻ. Thầy Tiếng cũng đùa:

- Chương trình gồm: phần một, lai rai, phần hai, “chữa cháy” bằng bún mọc, chỉ có rứa, và chuyện “trong nhà ngoài phố”, “nắng mưa dưa lúa” chi cũng được, chủ yếu là vui.  Đời có chi mà buồn cho thêm bệnh. - Rồi thầy gợi chuyện -. Báo chí dạo ni có chi lạ không, nhà văn?

- Thấy rặt ảnh người mẫu, khỏa thân, kích dục. Xem ra thiên hạ thèm chuyện phiếm vụ án giật gân. - Thầy Quyển cười.

-  Đổi mới theo kiểu Mẽo. - Thầy Rơm bỗng chua chát.

- Phim đánh đấm, khiêu vũ đèn mờ, quảng cáo đú đởn, thời trang dâm ô, tham nhũng gần tận nóc, ma túy tận Bộ Công an... Thời được tổ chức đấu tranh học đường, chống Mẽo là vì vậy, bây giờ có lẽ cũng lại chống Mẽo. Tổng thống Nga mà cũng người của Mẽo là hết rồi! Mẽo đưa “Ăn-xin” lên, báo Tuổi Trẻ có đăng bài rõ ràng. Hết... Báo chí cũng kinh doanh mông, đùi, vú...

- Khiêu vũ là một trò vô luân, xâm phạm thuần phong mĩ tục. Phải bắt chước người Thượng, nhảy đơn, nhảy tập thể thôi. Cấm nhảy cặp, từng đôi nam nữ. Và đèn phải sáng. Cấm nhạc giựt gân, tóc xù. - Chú Nông nói, nghiêm túc một cách rất quân sự.

- Đừng “cấm”, chỉ nói “không nên”, nhưng thật kiên quyết, triệt để. - Thầy Tiếng ôn tồn -. Mọi thứ khác cũng vậy, nếu đồi trụy. Phải “binh phạt, tâm công”, “tâm công” là chính, rồi mới “binh phạt”, tức là công an phải ra tay. Nên khuyến khích thể thao, võ thuật, phát triển các môn thể thao dân tộc, cổ truyền và võ Bình Định của mình. Phim ảnh phải chú trọng tính giáo dục, trong đó có giáo dục thẩm mĩ, chú trọng vẻ đẹp của nghị lực, tâm hồn, trí tuệ, nhân cách, cái đẹp bên trong, còn cái đẹp trời cho bên ngoài không nên đề cao quá lắm. Cái đẹp của cái tốt, cái thật! Văn hóa văn nghệ là một mặt trận mà! - Thầy Tiếng uống một ngụm bia, cười.

Thầy Tiếng cười, nụ cười của một người cảm thấy bất lực trước thời thế, hơn nữa, thừa hiểu ý tưởng vừa nói cũng chỉ là những điều tuy đã cũ nhưng vẫn ngời ngời giá trị dài lâu, nói cũng thừa nhưng không nói hóa ra đồng lõa.

- Cách đây mấy năm, hồi chưa về hưu, có người cho tôi một bộ vét tông. Tôi hoảng hồn. Trời nóng bỏng người, người người chỉ thích mặc vải sợi cô tông, mình mặc vét dày cộp, hệt như Tú Xương than nghèo, mùa nực phải mặc áo bông, hay như anh chàng điên mất ý niệm và cảm giác thời tiết. - Thầy Rơm nói -. Các vị lãnh đạo dạo này cũng thế. Lạ thật! Đổi mới đến mức tâm thần phân liệt! Đại để cũng như trước đây, chuyện “ôm hôn thắm thiết tình hữu nghị” tôi thấy chướng lắm. Cách xã giao, bày tỏ tình cảm ruột thịt, thương mến của người Á Đông, người Việt mình không có khoản “ôm”!

Mọi người cười ngúc ngắc, sặc sụa. Hiền Lương nhấp nhổm định rút lui nhà bếp. Thấy Tiếng cười, đưa tay tỏ ý ngăn:

- Ngồi đó, ngồi đó. Phải biết tất. Thanh niên, dẫu nữ, cũng phải mạnh dạn lên! Này, Hiền Lương, áo dài, áo tứ thân, áo các nhân tộc đồng bào đẹp chứ, sao cứ theo Tây, làm nghèo văn hóa mình đi vậy, và rứa cũng là làm nghèo văn hóa nhân loại mất! - Thầy Tiếng đưa tay gãi gáy.

- Phải cách tân, nhưng phải lưu giữ nét kín đáo rất người, rất văn minh, rất Á Đông... Tôi suýt bị xe tông mấy lần vì sự hở hang của các cô! Các cô gián tiếp khuyến khích mãi dâm bằng cách ăn mặc kích dục như thế. Phải đánh mãi dâm tận gốc. Ăn mặc kích dục và bán dâm là chị em sinh đôi! - Thầy Quyển cường điệu.

Tiếng cười vỡ cả nhà. Hiền Lương sượng chín người.

- Từ Hải là khách mua dâm, Thúc Sinh cũng vậy, sao cụ Tố Như ưu ái quá. Từ Hải được thần tượng hóa nữa chứ. Chắc phải chấp nhận... - Thầy Quyển cười, ngưng câu nói giữa chừng.

Thầy Tiếng bàn lướt về sự vĩ đại của kẻ dám quên quá khứ Kiều, và nói:

- Nhưng nghĩ kĩ cũng lạ. Nếu truyện Kiều là tiếng kêu đòi nhân phẩm, sao cụ Nguyễn Du không lên án tội phạm nhỉ? Chấp nhận thế nào được cái chuyện mua dâm ấy. Tự biến hoặc bị biến thành đồ chơi cho thiên hạ thật quá nhục nhã, đau xót, “mua đồ chơi” cũng quá ác độc... Ma-ri-a Ma-đa-len-na là đĩ thành Thánh đấy... Chỉ chấp nhận cho bọn con trai thủ dâm thôi (tất nhiên không để đến mức thành một thứ bệnh rất nguy hại!), để cứu bọn con gái nhà lành... Phải trinh nguyên, tim trinh, mắt trinh, môi trinh...

- Đúng vậy. - Chú Nông nói giọng nghiêm túc -. Đạo đức cũng có tính lịch sử - cụ thể. Tôi đồng ý với thầy. Phải tự kỉ ám thị điều thiện để chống lại sự ám thị điều xấu. Lẽ ra, UNESCO. phải đánh tận gốc, tại Mỹ và các nước Tây Âu, nơi tung ra các sản phẩm văn hóa đồi trụy. Thật ra, mỗi người rất dễ sa chước cám dỗ, và làm sao giữ khỏi sự dữ đây? Là công dân, mỗi người phải tự phê và phải phê phán. Không thể chìa má phải cho người ta tát, hoặc trát, nếu họ tát hoặc trát má trái được. Nhà văn như thầy Quyển cần phải thế, phê và tự phê, tự vấn sâu sắc, thành khẩn, như nhà văn lớn Nam Cao vốn gốc  Đạo Chúa ấy!

- Tôi mới há miệng chúng đã bôi tôi rồi, bịt miệng và diệt khẩu. - Thầy Quyển rùng mình -. Bọn ma-phi-a ghê lắm. Thậm chí chúng còn xúi tụi làm báo bình thường hóa tội lỗi.  Đại để là mình đồi trụy, tham nhũng, phải biến mọi người cũng tham nhũng, đồi trụy, cho huề hòa, xí xóa. Không hiểu như vậy có phải vô hình trung rơi vào hố thẳm hạ bệ Con Người của Phương Tây và Mẽo không? Thậm chí, hiện nay, nghe đâu còn cho phép bọn nước ngoài mở trường học! Chúng sẽ giáo dục chủ nghĩa cá nhân cực đoan để tiến lên chủ nghĩa tư bản! Buông giáo dục là nát tiền đồ dân tộc. Người ta nhân nhượng, thỏa hiệp đến mức đó là tận cùng. Hay “lùi một bước để tiến hai bước”? Tôi điên cái đầu mất.

- Bây giờ hết phong trào vô sản hóa rồi. Các lãnh đạo quý tộc hóa hết. Con em ruột thịt họ hết chất cộng sản rồi! Đâu rồi những mùa hè nông thôn, những năm học ở xóm lao động, ở nhà máy? - Thầy Rơm cười lặng lẽ sau câu nói, lắc đầu.

Bỗng dưng thầy như chồm ra trước, nói tiếp:

- Tôi cũng thuộc loại gọi cho oai là “tham gia cách mạng” sau hai mươi bảy tháng bảy, năm tư ở Bắc vĩ tuyến mười bảy. Trong Nam có ngữ “cách mạng ba mươi tháng tư”, tôi thuộc loại “cách mạng hai mươi tháng bảy”, thứ “chạy theo” khi chuyện đã rồi! Tôi cũng xin tự kiểm điểm và tự vấn như vậy... Theo tôi, tự vấn mới quan trọng, thành khẩn tự lòng mình chứ không đối phó... Con cái tôi chỉ biết lí thuyết cộng sản chứ bảo nó “vô sản hóa” một ngày nó cũng chả chịu. Thực chất bọn con cái tôi nó khinh nông dân nhà quê và công nhân ít học ít tiền. Phải giáo dục bằng thực tiễn kia! Chúng nó nhục khi viết lí lịch về ông bà nội của chúng, vốn các cụ là nông dân mù chữ - nạn nhân của các nền giáo dục cũ! Thế mới biết giáo dục bằng cái mồm là vô nghĩa, nước chảy lá môn! Nhà trường thực chất là cái chợ bán chữ và bằng cấp. Chắc người ta muốn đạo đức chỉ có trong chùa, chỉ trong chùa với các thầy tu thôi... Ồ, có chùa cũng chỉ làm “dịch vụ tâm linh”, buôn Thần bán Phật! Buồn thật.

Mọi người chợt rơi vào khoảng lặng. Lát sau, thầy Tiếng nói:

- Xin cứ tùy hỉ lai rai cho vui. Chuyện đời, chuyện phiếm mà. - Ngừng lại, có vẻ dè dặt, ngẫm nghĩ, thầy Tiếng nói tiếp -. Tôi vốn là linh mục chống cộng khét tiếng ở Quảng Bình, Quảng Trị. Nhưng may là từ đầu những năm bảy mươi, hiểu ra sự thể, tôi bỏ nhà thờ, cởi áo dòng, về dạy học. Để tránh tiếng, tôi vào Sài Gòn từ bảy mốt đến nay. Tôi không mặc cảm gì cả. Sau bảy lăm, cách mạng cho vợ chồng tôi tiếp tục dạy hay không, chẳng cần. Lúc ấy, tôi bằng tuổi anh Nông bây giờ... Nhưng vẫn được dạy, thì cứ dạy, và dạy tốt... Có lẽ nhờ tôi biết khắc phục một nhược điểm ngỡ đã ăn sâu của Đạo Chúa, ấy là cảm thức tội lỗi. Mới nứt mắt là phải rửa tội và dăm bảy tuổi, đã phải xưng tội, chỉ rặt xưng tội suốt đời. Theo Kinh Thánh, loài người là sản phẩm sai lầm của Thượng đế Giê-hô-va, và sống có nghĩa là tội lỗi. Thực ra không ai hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Vậy thì phải biết tự hào nữa. Biết tự hào là một ưu điểm bên cạnh biết sám hối. Thiên Chúa giáo không dạy tín đồ tự hào, kể cũng lạ. Có lẽ cũng nhờ tạng chất riêng của tôi, trung thực, không lừa mình dối người, thấy đời mình sai thì sửa, và tiến bước. Nhà nước không cho dạy, tôi viết sách, không cho in, tôi gửi vào cơ quan lưu trữ bản thảo, thậm chí có lúc tôi đã viết đơn xin ở tù...

Mọi người kinh ngạc. Hiền Lương buột miệng:

- Thưa ông, sao vậy ạ?

- Ở tù thật, với điều kiện cho tôi được viết sách. Viết được cuốn nào nộp bản thảo cho Nhà nước cuốn ấy, nhưng tất nhiên tôi phải giữ bản quyền. Hai bề yên tâm. - Thầy Tiếng bật cười -. Thật rứa đó. Nhưng rồi vẫn đi dạy, vẫn viết sách. Đổi mới, in được vài cuốn rồi.

- Em đã học tập ở thầy, viết về dân tộc mình là chẳng ai làm gì được, và giá trị lâu dài, vĩnh hằng. Từ mảnh đất Tổ quốc, định hướng suy nghĩ ra cả nhân loại, để đóng góp cho nhân loại, và học tập ở nhân loại một cách khoa học. Đấy cũng vì dân tộc mà cũng vì nhân loại. Em chỉ sợ “lực bất tòng tâm”.

- Vâng, phải phát huy ra và phải tiếp thu vào. Các Mác là gì? Với tôi, Mác chỉ là nhà khoa học xã hội. Tôi vận dụng Mác như vận dụng Ta-lét, Pi-ta-go, Pha-ra-đây, Ác-si-mét... trong khoa học tự nhiên. Mác cũng vận dụng Hê-ghen và  Đác-uyn, với các nguyên lí công xã nguyên thủy, với chủ nghĩa xã hội không tưởng Tô-mát Mo-ơ... Ta không thể không vận dụng phát minh của Men-đen, vị linh mục di truyền học, cũng như không thể không vận dụng phép biện chứng duy vật của Mác... hoặc của Kinh Dịch... Tôi chả mặc cảm gì cả. Cái gì sai thì vứt, cái gì dùng được mà không dùng chỉ thiệt thân thôi, chẳng hạn, thiệt thòi như kĩ sư điện không hiểu định lí Ăm-pe...

Chú Nông gật gù và hỏi:

- Vâng, phải phát huy ra và phải tiếp thu vào. Thưa thầy, thầy đang viết về đề tài cụ thể nào ạ?

- Đề tài này tôi nghiên cứu đã một đời. Tôi lật ngược, lật xuôi, cũng đã lâu. Đấy là Kinh Thánh (II.15).

- Nghĩa là...

- Nhan đề cuốn sách là: “Kinh Thánh Đạo Chúa Dưới Đôi Mắt Khoa Học Hiện Đại, phê phán và khẳng định”. Nhưng phê phán thì nhiều quá, khẳng định được rất ít.

- Hồi nãy thầy đùa vậy, chứ ai lại viết đơn xin ở tù! - Thầy Quyển cười và nói -. Chẳng lẽ “Tầng Địa Ngục Thứ Nhất”, trong tác phẩm cùng tên của Xon-den-nít-xưn?

- Đấy là mình sợ chết. Mình muốn sống để làm việc có ích nên mới viết đơn xin ở tù cho yên tâm đôi bên, giữa mình với công an. Tâm trạng hồi ấy cũng bi đát thật.

- Đời có nhiều chuyện lạ thiệt! - Thầy Rơm cảm thán.

- Xin thầy nói khái quát, sơ sơ... - Chú Nông nhìn thấy Tiếng, tỏ ý chờ đợi.

Cả năm người rơi vào từ trường của vết thương chung.

Trầm ngâm một lát, thầy Tiếng nói:

- Thứ nhất, mình đặt vấn đề từ vấn đề nền tảng nhất, ấy là “Nguồn gốc vũ trụ và sự sống”. Phần này chú trọng vào Sáng thế kí. Thứ nhì, “Tư tưởng và hành trạng Giê-su”. Đây là cốt tủy của Đạo Ki-tô, Đạo Tin lành. Phần thứ nhì này, mình sẽ minh định Đức Mẹ Ma-ri-a là người đàn bà nghèo khổ yêu nước, yêu độc lập, tự do, có ý thức cách mạng, chống xâm lược. Còn khía cạnh Đức Mẹ đồng trinh trọn đời hay bị phỉnh gạt nên có hoang thai, không thành vấn đề, đối với nhà nghiên cứu khoa học. Tư duy thần thoại, tôn giáo trung đại mà! Không nên quan trọng hóa sự đồng trinh hay ngây thơ dại dột trong niềm tin tôn giáo của Người, mặc dù việc giữ gìn sự đồng trinh của người nữ cho đến ngày lấy chồng là giá trị đạo đức mãi mãi cao quý. Vả lại, theo cách tư duy khoa học, cũng như đối với đạo Tin lành, hình tượng độc nhất, tập trung nhất là Giê-su, chứ không phải là Ma-ri-a, Giu-se. Thứ ba, “Kinh Cựu Ước - Tân ước chỉ là pho sách về văn hóa, lịch sử của dân tộc Do Thái”. Cựu ước là dã sử, sử kí, kí sự chính trị, hành chính, pháp luật, văn học, tín ngưỡng riêng của Do Thái. Tân ước là các kí sự về cuộc phân hóa, cải cách một bộ phận Do Thái giáo thành Giáo hội Ki-tô giáo và về quá trình truyền bá Ki-tô giáo của các môn đồ cùng thời với Giê-su Cờ-rít. Thực sự, nội dung tổng quát của Kinh Thánh chỉ vậy thôi. Mình quá nực cười cho mình thời mê tín Kinh Thánh. Cả mấy tỉ người,... không, hai ngàn năm nay, tỉ tỉ và tỉ tỉ người mê tín! Chả hiểu sao văn hóa - lịch sử nói chung của một dân tộc lại trở thành tôn giáo bao trùm đến tuyệt đối ở châu Âu, châu Mỹ và của triệu triệu người châu Phi, châu Á. Hóa ra sự u mê của nhân loại lâu đến thế. Kinh Thánh đặc sệt đất và người cùng văn hóa - lịch sử Do Thái chứ có gì đâu! Rõ là vô duyên, vô lối. Mình sẽ lí giải vấn đề kì quặc này!

- Nghe thầy nói em há hốc mồm! Nhân loại sao buồn cười thế! - Thầy Quyển nói, rung đùi như một cố tật.

- Thầy lí giải ra răng ạ? - Chú Nông hỏi với vẻ ngạc nhiên.

- Mình có nói sơ sơ với cậu chưa nhỉ? Hồi bảy mốt, với ngôn ngữ nói, có thể mình nói thiếu chính xác và chặt chẽ. Vả lại, Kinh Thánh có chỗ hơi mù mờ, do diễn đạt tù mù thiếu lô-gích. Nói chung, văn thuộc loại văn cổ, lại qua bản dịch, mặc dù bản dịch đã được Giáo hội Va-ti-căng, Giáo hội Tin lành kiểm định, hiệu đính, nhuận sắc. Đó là văn thuở thế kỉ mười ba trước Tây lịch đến thế kỉ thứ nhất sau Tây lịch cơ mà! Nghiên cứu văn bản cổ phải có phương pháp... Mình rất  cẩn thận, dè dặt... Trở lại vấn đề, tại sao vô duyên, vô lối đến mức đem văn hóa - lịch sử của một dân tộc truyền bá ra khắp thế giới, với những ưu, nhược, khuyết điểm được xem là ưu cả, như là tôn giáo chung của nhân loại? Ki-tô, Tin lành, Chính thống, Hồi hồi đều lấy Kinh Thánh làm kinh điển chính, hoặc một phần, hoặc những cốt lõi, tinh túy... Tất cả đều khởi từ Do Thái giáo... Nhưng xin lưu ý là Do Thái giáo lại thu hút tinh hoa, kể cả những gì không tốt của các tôn giáo cổ đại... Và cũng xin lưu ý thêm, vai trò truyền bá, áp đặt đức tin, chủ yếu là do Thiên Chúa giáo, chứ không phải do Do Thái giáo. Tại sao Thiên Chúa giáo truyền bá Kinh Thánh và áp đặt đức tin được rộng khắp đến thế? Đó là một câu hỏi phải trả lời bằng cả một cuốn sách về lĩnh vực sử học. Xin nói vắn tắt: Đó là do nhu cầu tín ngưỡng! Đó là do sự độc đoán, cực kì độc đoán, độc đoán bằng bạo lực thập tự chinh, pháp đình Thiên Chúa giáo, bằng mọi thủ đoạn, và bằng sự câu kết chặt chẽ của Giáo hội với chính quyền, thế quyền thực dân, đế quốc trong các thế kỉ, các thời đại! Tôn giáo kiểu Thiên Chúa giáo trở thành công cụ tâm-linh-chính-trị của chuyên chính nhà nước, của thực dân, đế quốc. Có thể lấy quy luật duy lợi để giải thích sự câu kết và truyền bá này. Tất nhiên, người ta phải sa-đích Kinh Thánh.

Thầy Tiếng cười buồn, lại vẫn chậm rãi nói, cố giấu niềm ân hận:

- Tại Việt Nam mình, sự truyền bá Thiên Chúa giáo của các linh mục, giám mục thực dân là để tạo lực lượng nội phản, nhằm mục đích dùng người Việt đánh người Việt, trên các mặt trận, từ quân sự đến văn hóa... như Tạ Văn Phụng, Trần Lục, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Hữu Cư (Thơ), Nguyễn Hoằng, Ngô Đình Diệm... Các nước châu Âu thời đế quốc La Mã trung đại cũng ở trường hợp tương tự như vậy. Các nước Á - Phi - Mỹ la tinh trong cùng thời gian bị xâm lược như Việt Nam cũng không khác hơn. Điều này, sách lịch sử đã đề cập đến rất nhiều, theo nhiều quan điểm khác nhau, kể cả quan điểm ngụy biện cho Thiên Chúa giáo. Sách sử học, ngoài Đại Nam Thực Lục, Việt Nam Sử Lược, Hạnh Thục Ca, tạp chí Những Người Bạn Cố Đô Huế (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế), Thiên Chúa Giáo Và Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Tại Việt Nam. 1857 - 1914 (Cao Huy Thuần), còn có cuốn Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp Và Trung Hoa của giáo sư tiến sĩ Nhật Bản T-su-boi (Yoshiharu Tsuboi), đặc biệt là cuốn Thập Giá Và Lưỡi Gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh, lẽ ra phải dịch chính xác là Thiên Chúa Và Xê-da tức là Thiên Chúa và hoàng đế của đế quốc La Mã, có nghĩa bóng là Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Vè Thất Thủ Kinh Đô. - Thầy Tiếng cúi đầu, nén tiếng thở dài -. Trong loại sách sử học giai đoạn “bình Tây sát tả” và sau đó, cần kể thêm bộ Chống Xâm Lăng, hai cuốn nghiên cứu Hệ Ý Thức, tập một là về Phong Kiến, tập hai là về Tư Sản, Và Sự Thất Bại Của chúng Trước Nhiệm Vụ Lịch Sử, của giáo sư Trần Văn Giàu... Chúng ta ai cũng đọc rồi mà...

Thầy Tiếng ngừng lại, chiêu một ngụm bia. Ba người khách đàn ông, gương mặt hồng lên hoặc tái đi vì men, cùng Hiền Lương ngồi chờ thầy nói tiếp. Thầy Tiếng đưa tay chỉ lên bàn thờ. Trên một tấm bê tông gắn nằm ngang thẳng góc với vách tường chỉ là ảnh hai cụ thân sinh của thầy, lư hương với ba cây nhang, hai chân đèn có cắm đôi cây nến. Lửa nến và nhang là bóng đèn vài oát. Những sợi tung ten hay kim loại khác làm điện trở, bóng đèn sáng lên ánh lửa lay động ngỡ như lửa nhang nến thật.

- Từ năm bảy mốt đến nay, tôi tuyệt đối không liên hệ gì với nhà thờ và Đạo Chúa. Dứt khoát là dứt khoát hẳn, như người cai á phiện, không lưu luyến, vấn vương gì nữa, không thể làm hỏng cuộc đời mình thêm nữa. Tôi đặt hết cả phần đời còn lại, tính từ dạo ấy, vào văn hóa dân tộc Việt Nam mình với những giá trị suốt bốn ngàn năm đã được đãi lọc bằng khoa học hiện đại. Tôi tin vào điều ấy. Tất cả rồi sẽ trôi qua, dân tộc và các giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc là vĩnh hằng, với những giá trị vốn rất riêng khác của các cộng đồng dân tộc khác trên hành tinh này, đã được đãi lọc, khúc xạ qua tâm thức Việt. Không ai giết được tôi.

- Thầy nói nghe ghê quá! - Nhà văn nhà giáo Quyển vừa bật cười, vừa xúc động, nhưng vẫn rung đùi.

- Hồi nãy tôi chưa nói phần thứ tư của cuốn sách, ấy là “Từ các giá trị của bản sắc Việt Nam, thử định giá những giá trị văn hóa Do Thái giáo và Ki-tô giáo qua Kinh Thánh”. Phần này cũng có nhiều chương... Có một điểm cần xác định rõ là văn hóa Do Thái, văn hóa Do Thái giáo, văn hóa Ki-tô giáo với văn hóa do các tông phái từ Ki-tô giáo tạo ảnh hưởng, hình thành nên, có những dị biệt.

- Xin đề nghị thầy cụ thể hơn .- Chú Nông nói.

- Xin công bố với sự lưu ý bản quyền như sau... - Thầy Tiếng có vẻ trịnh trọng cho vui -. Thứ nhất, đối chiếu gia phả Giê-su với Sáng thế kí, thấy rõ là A-đam, E-va chỉ là thủy tổ của Do Thái chứ không phải của toàn nhân loại. A-đam được nặn thành người vào ngày nghỉ, thứ bảy, sa-bát, và được đặt vào mảnh đất riêng là Ê-đen. Thủy tổ các dân tộc khác được dựng vào ngày trước đó, thứ sáu. A-đam sinh ra E-va theo cách sinh sản vô tính nhờ Giê-hô-va. Bấy giờ, luật hôn nhân đã có. Vợ của Ca-in là người ngoài Địa đàng. Có điều này là quái thật: Chả hiểu sao Đức Chúa Trời lại cấm loài người ăn quả sự sống và quả phân biệt thiện-ác. A-đam và E-va chưa mở mắt, như cặp chó con mới đẻ, mặc dầu hình dong là người, và nếu không phạm “tội” ăn trái-cấm-tham-si ấy, họ không có mắt luôn. Có mắt, không được mở, có làm gì! Đúng là mù tối, u mê. Không biện biệt, nghĩa là nhất nguyên, bất nhị của Thiền tông, là không khổ đau cũng chẳng hạnh phúc. Về khái niệm nhị nguyên đối đãi, xin ví dụ: không có xấu làm sao có đẹp, không có thấp làm sao có cao, không có ý niệm về thiện làm sao có ý niệm về ác... Tuy vậy, khởi thủy đã có nam, có nữ, có quỷ, có Trời..., nhưng A-đam, E-va mù và ngu, họ không sa vào nhị nguyên đối đãi nên không có khổ đau lẫn hạnh phúc. Tâm hồn họ hồn nhiên, hư vô, bất nhị, không thị chẳng phi, không bỉ chẳng thử. Đấy là cảnh giới niết bàn...? Tội tổ tông thực chất là tội khao khát và chiếm hữu trí tuệ, muốn mở mắt ra nhìn hiện thực quanh mình và chính mình - năng lực nhận thức. Aãy là “tội” không muốn ngu và mù. Trái-cấm-tham-si là tham sự hiểu, sự thấy, là si mê sự biện biệt: hạnh phúc - khổ đau, thiện - ác... Tội tổ tông sau Nô-ê mới là tội loạn luân... - Thầy Tiếng nói tiếp -. Cần lưu ý là Sáng thế kí được một tác giả là Môi-se sưu tầm, sáng tác lại mà phần hư cấu là nhiều. Môi-se sống vào thứ kỉ thứ mười ba trước Tây lịch. Sáng thế kí được sáng tác vào thời điểm đó nên không còn dấu vết chế độ mẫu hệ, thậm chí, ý chí phụ hệ mạnh đến mức hư cấu ra ý niệm: đàn bà chỉ là cái xương sườn của đàn ông - đàn bà từ đàn ông mà ra. Giê-hô-va cũng là đàn ông có nhiều con trai lắm! - Mỉm cười, thầy Tiếng lại nói -. Là một dân tộc mà mỗi thành viên chỉ có tên, không có họ (Chúa Giê-su cũng không có họ), như các bộ lạc khác, nhưng theo Sáng thế kí, Do Thái là dân tộc đặc biệt, dân tộc thượng đẳng được sinh ra từ mảnh đất thượng đẳng là Địa đàng Ê-đen. Môi-se rất quốc xã, kiểu Hít-le! Cho nên, phải chăng bởi vậy mà Do Thái bị anh Đức thợ sơn này tiêu diệt, tiêu diệt suýt tuyệt chủng Do Thái, vì Đức quốc xã vốn rất tự tôn, tự tôn đến cuồng điên, cho rằng không thể có hai dân tộc thượng đẳng! Môi-se trong lịch sử đã cứu dân tộc Do Thái nhưng đã gián tiếp giết dân tộc này bằng Sáng thế kí!...- Thầy Tiếng ngừng lại, nhìn lướt qua những gương mặt quen thuộc, và nói tiếp -. Đức Chúa Trời còn là kẻ diệt chủng, diệt loài người bằng hồng thủy... Trong một đoạn Sáng thế kí, Đức Chúa Trời còn xúi dại A-b-ra-ham (Ap-ham) đưa cả dân tộc vào vòng nô lệ, chịu nô lệ để kiếm lợi: chấp nhận bị ngoại bang cai trị bốn trăm năm để sau đó giàu có. Một dân tộc chịu làm thuê, làm nô lệ! (STK : 14 : 13 - 15)... Và Chúa Trời, theo Môi-se, rất phàm tục... A-b-ra-ham có nghĩa là “cha các dân tộc”!...

- Chuyện thần thoại cổ đại ấy mà! - Nhà văn Quyển cười.

Thầy Tiếng nói:

- Dân tộc tính có trong ấy. Thần thoại Do Thái phản ánh ít nhiều dân tộc tính Do Thái. Nhưng chính Môi-se chịu trách nhiệm. Đó là thần thoại của riêng tác giả Môi-se bởi Môi-se đã “tái chế”!... Xin trở lại nguồn gốc vũ trụ và sự sống! Vấn đề này, đã có nhiều giả thuyết khoa học. Tiến hóa luận đã chứng minh các nguyên tố vật chất tự-nó-có, bởi vì tự nó có, chứ chẳng nhờ ai mà có, như thể Trời có, vì tự-nó-có, chẳng ai sinh ra. Các nguyên tố vật chất sau một quá trình tự phối kết hợp, một cách ngẫu nhiên, nếu không thành thì tan, nếu không tan vì hợp nhau thì thành, ổn định, rồi tự phát triển, tiến hóa trong nhiều điều kiện, môi trường. Và quả đất là môi trường có thể hình thành, tồn tại, phát triển sự sống. Qua tỉ tỉ sự kết phối, suốt cả quá trình dài đến tỉ tỉ năm, mới có sự sống đơn bào, rồi đa bào, rồi muôn vật, trong đó có loài vượn-người. Quá trình truyền giống, theo từng giai đoạn lịch sử loài người, là qua các hình thái tạp hôn rồi quần hôn như chó mèo lợn gà, trong cùng thị tộc... Giống cái phải đẻ rồi nuôi con và không thể biết cha của đứa bé là ai, vì đâu phải hôn nhân một vợ một chồng. Người ta mang họ mẹ theo mẫu hệ, là do vậy. Rồi do cơ chế sinh lí giống đực vốn khỏe hơn giống cái, do óc gia trưởng của phái mạnh, phái chủ yếu làm ra sản phẩm, nên sinh ra phụ hệ, theo họ cha... Thứ kiến thức phổ thông này đã được kiểm chứng khoa học...

- Về trái-cấm-tham-si nghe thầy giải thích sao chưa thỏa đáng... - Chú Nông ngập ngừng.

- Có thể hiểu thêm về si của E-va, ấy là “u mê, mê đắm”. E-va nghe lời ma quỷ Rắn, muốn bằng Chúa Trời. Chúa Trời không muốn “con hơn cha là nhà có phúc”! (Chất lãnh tụ gia trưởng của Môi-se thể hiện rõ!). Và...

- Rứa “bào tộc”, hay “đồng bào” thì răng? - Thầy Rơm cười, tỏ vẻ đã hiểu ý.

- Ai mà chả biết mỗi dân tộc thường cùng một dòng máu, “cùng một bào thai” mà ra! Nhưng hai chữ “đồng bào” hiện đại có nghĩa tượng trưng: thân thiết. “Bà con” cả mà! “Ruột thịt” tất!

- Mặc cảm Ơ-đíp của Phơ-rớt có lí chứ nhỉ? Mặc cảm lưu cữu của loài-người-mặc-dù-đã-tiến-hóa-thoát-khỏi-loài-trâu-chó-gà-mèo-tạp-hôn-quần-hôn, hay còn gọi là bản-năng-giới-tính-sinh-vật ấy mà! - Chú Nông nói.

- Có thể hiểu như vậy. Lưu ý siêu ngã, và siêu ngã hiện hữu ngay trong vô thức, kể cả vô thức của cộng đồng lẫn vô thức cá nhân. Vạn năm rồi vẫn còn mặc cảm, loài người ơi! - Thầy Quyển pha trò, vẫn rung đùi!

- Thưa thầy, còn Giê-su?

- Giê-su? Nhiều người nói rồi. Ông ta có nhiều tư tưởng hay, rất phong kiến nhưng rất dân chủ, có yếu tố xã hội chủ nghĩa, nhưng phong kiến là chính. “... Song ai lớn hơn hết trong các ngươi sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ: 23: 11), là một câu thể hiện tư tưởng dân chủ. Còn ai “đứng đầu sẽ thành sau rốt”, theo riêng Ma-thi-ơ, có nghĩa là không phân biệt đối xử, kẻ giác ngộ đức tin sau rốt lại được ưu ái ngang với hoặc được ưu ái hơn kẻ được Chúa chọn, được Chúa kêu gọi mà đến trước. Có lẽ câu đó chỉ có tính chất động viên chăng? Nhưng ý tưởng này, “vì con Người đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta...”, cũng như câu thể hiện tư tưởng dân chủ ở trên, là khá dân chủ, ít ra trong ý hướng tôn giáo. Và ngược lại, xin lưu ý cái-biểu-hiện lẫn cái-được-biểu-hiện trong ẩn dụ, sẽ thấy Giê-su xem quan hệ chủ - tớ, địa chủ - tá điền, chủ tiền - người làm thuê... rất phong kiến, tư sản bóc lột. Sự mâu thuẫn giữa thực tại với tư tưởng, mâu thuẫn ngay trong tư tưởng... của một người là sự thường thấy. Bây giờ, - Thầy Tiếng nói -, chỉ xin bàn lướt vài khía cạnh thôi... Ngôn ngữ Giê-su hơi cực đoan, ác khẩu... Và Giê-su có thỏa hiệp thật, với xê-da... Đồng tiền trong miệng con cá là để đóng thuế cho đền thờ... Nghĩa vụ bình đẳng... Giê-su có ý thức tự nguyện chết thật. Ồ,... ý thức “tự sát”... Phép lạ Giê-su là chữa bệnh, đa số là chữa bệnh... Thế mới biết nhu cầu được chữa bệnh lớn dường nào!  Đấy là nhu cầu rất bức bách và thiết thân của con người... Cách chữa bệnh cũng như các thầy phù thủy, bói toán chữa bệnh bằng ma thuật!... - Thầy Tiếng ngừng lại, tự chiêu một ngụm bia cho đỡ khản giọng, lại chậm rãi nói -. Giê-su có ý thức phục hồi nước Y-sơ-ra-en thật. Sách Công vụ các sứ đồ có chép: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-en chăng? Ngài đáp rằng: Kỳ-hạn và ngày-giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các người chẳng nên biết. Nhưng khi Đức Thánh-linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ  Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (CVCSĐ. 1: 6-8)... Giê-su chết vì “tự sát” và vì dân ngụy trong dân tộc Do Thái thật. Đấy là phái bảo thủ, cam tâm làm nô lệ cho xê-da La Mã... Giê-su “tự sát”, mặc dù không muốn uống “chén đắng”. “Chén đắng” được hiểu như cái chết, nhục hình, dù dưới hình thức nào, ở đây là bị đóng đinh. Giê-su đã có một tâm trạng rất thật của người tự sát: bản năng sống và ý định chết đấu tranh với nhau. Giê-su tự nguyện chết với một ý thức về tất định của sự cứu rỗi, theo kịch bản của Định mệnh. - Thầy Tiếng nhận xét -. Bi kịch của Cái mới được nhận thức một cách siêu hình, thần bí! - Thầy Tiếng lại xoáy sâu vấn đề “tự sát” của Chúa Giê-su -. Thất bại chủ nghĩa! Tư tưởng chủ “hòa”!

Thầy Tiếng tìm cuốn Kinh Thánh dưới gầm bàn nhậu (II.11). Ông rút kính mắt trong túi áo đeo vào, rồi lật tìm trang cần thiết. Thầy Tiếng đọc:

- “... Phi-lát kiếm cách để tha Ngài; nhưng dân Giu-đa kêu lên rằng: Ví bằng quan tha người này, thì quan không phải là trung thần của sê-sa [xê-da] vậy!” (Giăng: 19: 12)... (...) ... “Phi-lát nói với chúng rằng: Ta sẽ đóng đinh Vua các người lên thập-tự-giá hay sao? Các thầy tế-lễ cả thưa rằng: Chúng tôi không có vua khác, chỉ sê-sa [xê-da] mà thôi”. (Giăng: 19: 15).

Thầy Tiếng gấp sách lại, nhưng chẳng cúi hôn lên sách Thánh như ngày xưa còn là linh mục làm lễ trong nhà thờ ở Quảng Trị.

- Đấy là tiếng kêu đòi của bọn ngụy tặc Do Thái cam tâm làm nô lệ cho đế quốc La Mã, dưới sự đạo diễn đầy thủ đoạn chính trị của Phi-la-tô và Hê-rô-đê. - Thầy Tiếng nói.

Ông lại lật thêm những trang Kinh Thánh khác.

- Khi đã đến tuổi độ ba mươi, bắt đầu đi giảng đạo, Giê-su đọc sách tiên tri Ê-sai như thể một tuyên ngôn:

 

... “Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng

           truyền tin lành cho kẻ nghèo;

     Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha,

     Kẻ mù được sáng,

     Kẻ bị hà hiếp được tự do...”.

   (Ê-sai: 61: 1, Lu-ca: 4:18-19).

 

Nhưng, đây là lời cuối cùng trước tòa án đế quốc: ... “Đức Chúa Giê-su đáp lại rằng: Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước của ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới. Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Thật như lời, ta là vua”... (Giăng: 19: 36-37). Xin lưu ý hai chữ “hiện nay”.

Thầy Tiếng lại lật đến trang khác.

- Đây là bài ca do Đức Mẹ sáng tác (đúng hơn là thơ tự do!):

 

... Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài.

(...) Ngài đã cách người có quyền khỏi ngôi họ,

Và nhắc kẻ khiêm-nhường lên

Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon,

Và đuổi kẻ giàu về tay không.

Ngài đã vùa-giúp Y-sơ-ra-en, tôi tớ Ngài...”.

(Lu -ca: 1: 48 và 52-54).

 

Và với ngày lễ lá, tung hô vạn tuế Con-cái-dòng-dõi-vua-Đa-vít, nhân dân khát vọng độc lập, tự do đã bày tỏ ý chí của họ rất rõ. Nhưng chẳng hiểu vì sao Giê-su lại được báo mộng bởi Môi-se, Ê-li, rằng sứ mệnh của Giê-su là phải tự nguyện đi đến cái chết tử hình khổ và nhục. Giê-su quả thật đã “tự sát” theo kịch bản đã định trước của Chúa Cha! Chính Giê-su, trong lúc hấp hối trên thập giá, ông đã nói một câu mà hầu như ai cũng biết : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca : 23 : 34). “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca : 22 : 38). Như thế, bọn đế quốc xâm lược và tử hình Giê-su, là theo ý chí của Giê-hô-va sao? Chúng xâm lược nhưng không có ý thức xâm lược? Và tử hình Giê-su nhưng vô ý thức? Giê-su lại xin tha cho bọn đế quốc đang xâm lược và thống trị nữa! Bác ái ư?! Thật kì quặc! Và kết quả dân tộc Do Thái phải như thế nào, mọi người đã biết! Rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói ông ta điên!... Yêu nước, cứu nước là điên? Nhận mình là Chúa, hẳn là điên mới dám thế? (...) Thật là một tôn giáo kì dị! Hẳn đã bị sa-đích! Mà quả thật là anh hùng của Do Thái đi nữa, thì chỉ của Do Thái thôi! Chẳng cần ai dạy dân tộc Việt Nam này yêu nước! - Vị cựu linh mục bật cười thật to -. Cũng xin lưu ý rằng cả Giê-su lẫn Thích Ca đều không lưu lại bút tích, văn tự. Thần học ngày xưa bảo Chúa không hề biết chữ (II.11)... Các tông đồ, các Thánh, các đệ tử của hai ngài chép lại, kể lại, có thể không hiểu hết ý... Có tư liệu cho rằng Ma-hô-mét của Đạo Hồi cũng vốn là người mù chữ!

- Thầy có dùng hai chữ “ngụy tặc”... - Chú Nông nói.

- Ai sùng bái lãnh tụ của bọn nước ngoài xâm lược nước ta đều là ngụy tặc. Dân Do Thái ngu trung, sùng bái xê-da, chẳng ngụy tặc là gì!... Nhưng... Thiệu Trị, Tự Đức diệt Thiên Chúa giáo vì Chúa “chịu chết”..., vì giáo dân lại bị cố đạo lợi dụng, làm tay sai cho Pháp...

- Nếu hiểu về khía cạnh chính trị, Hai Bà Trưng, Mai Hắc đế... của chúng ta hào hùng hơn nhiều, vĩ đại hơn nhiều. - Thầy Rơm cười, góp chuyện, gật gù -. ... “Bình Tây sát tả” còn vì phong tục... (II.12).

- Chúng ta chỉ bàn chuyện chính trị, thậm chí có thể trở thành nhà chính trị học như Khổng, Lão, nhưng làm chính trị mệt lắm! Em thấy tôn giáo pha mùi chính trị hơi nhiều. - Thầy Quyển rùn vai -. Nhưng viết văn, dạy học cần hiểu chính trị lắm..., đặc biệt là viết văn, rất cần tự do, dân chủ, và “vô chính phủ” tí chút cũng khoái. - Thầy Quyển cười, nốc một ngụm bia lớn, lại rung đùi!

- Ai chả thích tự do, dân chủ. Tự do tư tưởng, ngôn luận, bày tỏ ý kiến chính trị..., ồ, rất quý báu và rất thích! “Vô chính phủ” rất cần kinh tế cá thể. Nhà nước nắm lấy bao tử ắt nắm lấy trái tim, khối óc. - Chú Nông nói -. Tôi thấy lưỡng đảng vẫn hay hơn độc đảng. Nước mình cần có lưỡng đảng nhưng phải là hai đảng cộng sản cả hai. Mác có nói về phạm trù mâu thuẫn, và ai cũng biết, bất kì sự vật, hiện tượng nào không mâu thuẫn, thì không vận động, và thế là trì trệ. Các sự vật, hiện tượng đều phải mâu thuẫn trong chính nó, trong tính thống nhất của nó để phát triển. Độc đảng chỉ trì trệ thôi. Mâu thuẫn đối kháng thì phân liệt, suy yếu và có thể dẫn đến nội chiến, chia cắt Đất nước hoặc mất nước. Nước mình nhỏ, còn nghèo...

- Buồn cười! Anh Nông định lập đảng chăng? - Chợt thấy hơi trực tính, thầy Tiếng vội khỏa lấp -. Anh Nông sắc bén lắm, tuy nhiên, bọn mình chỉ bàn chuyện thời sự, văn hóa thôi, nhiều lắm là bàn chính trị học, kinh tế học... - Và thầy cười, mong chú Nông thông cảm, kiêng dè cho, rồi thầy nói -. Chỉ là phiếm đàm lung tung thôi!

- Tôi, cách mạng “hai mươi” trong ngoặc kép nháy nháy đây. Loại tôi với cách mạng “ăn theo” đều giống nhau. Tôi chỉ phục các cụ hoạt động cách mạng thời trước ba mươi, trước bốn lăm, ít ra cũng trước năm tư. Đấy mới là cách mạng thứ thiệt. Mong các cụ trên Trung ương lưỡng đảng cho và chỉ lưỡng đảng trong Ban Chấp hành Trung ương thôi; nói từ khác, là lưỡng đầu thì đúng hơn, không, hai bán cầu não... - Thầy Rơm cười hinh hích vì cách chơi chữ một cách minh bạch, lối ví von đầy ấn tượng của mình -. Đúng, hai bán cầu não bộ!

- Nguy cơ “hữu khuynh”, tức là nịnh dân, nuông chiều thị hiếu thấp hèn, thói đồi trụy, nịnh thực dân, đế quốc, tư sản... - Nhà văn Quyển buột miệng -. Ngày xưa Phật giáo chia hai phe, Aãn Quang và Việt Nam quốc tự, chả ra gì! Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần rất tốt, nhưng có lẽ hiện nay và sau này các sư chỉ lãnh đạo đạo hữu về tâm linh thôi, cho đúng tôn chỉ của Đức Phật: Đức Phật rời bỏ ngai vàng để cứu đời. Tôi cũng như thầy Tiếng, ghét lợi dụng thần quyền vào chính quyền. Tôn giáo là nơi thanh tẩy tâm hồn, gạt bỏ trần tục để hồi phục thiện tâm. Tôn giáo như Thiên Chúa giáo rất chính trị và lại là chính trị thất bại chủ nghĩa, thỏa hiệp với đế quốc đến mức “tự sát” và mất nước như thế, thật là nguy hiểm!

- Đảng Đại Việt ngày xưa ở Quảng Trị khá mạnh, mạnh hơn Quốc dân đảng nhưng hơi lạc hậu đến mức sa vào sự câu kết với thần quyền hạng bét, là võ phái Thần quyền bùa chú. - Thầy Tiếng sực nhớ, nói thêm.

- A hà... Thần quyền, ồ, chính trị câu kết với thần quyền... lại thêm một dạng khác là thần quyền hóa như thiên tử hóa... Thôi, đừng chính trị kiểu suy tôn lãnh tụ nữa. Kẻ có quyền, mà suy tôn... kì quá! Đấy là một dạng thần quyền hóa lãnh tụ... -. Thầy Quyển bật lửa, rít một hơi thuốc lá đầy phổi, từ từ phả ra những sợi khói trắng -. Tôi rất thèm tự do!... Tự do, dân chủ cũng phải có cơ chế chứ nhỉ? Vừa rồi, anh Nông có nói, tôi xin nói lại cho rõ: Độc đảng chỉ trì trệ thôi, và hệ quả là lạc hậu, nghèo nàn về tinh thần lẫn vật chất, xã hội bức bối, ngột ngạt, cuối cùng là chế độ sụp đổ, như Liên Xô cùng các nước Đông Âu mới đây! Tôi chỉ sợ rằng, cứ vin cớ nước ta nhỏ, phải thực hiện chuyên chính bằng chế độ độc đảng, để rồi bọn đế quốc tư sản nắm lấy chuyên chính độc đảng ấy mà thao túng. Nói cách khác, chúng lợi dụng chuyên chính vô sản ở nước ta để thực thi chuyên chính tư sản! Chúng chẳng mong gì hơn! Trong thâm tâm bọn tư sản như bọn tài phiệt ở Mỹ chẳng hạn, chúng cũng muốn độc đảng lắm, nhưng ở nước chúng, nhân dân Mỹ không chịu đó thôi! Ôi, độc lập, tự do, dân chủ... Để đạt được các mục tiêu ấy, sao khó khăn quá vậy! - Nhà văn Quyển trầm ngâm -. Tất nhiên không phải tự do kinh doanh mông, đùi, vú phụ nữ trên sách báo, phim ảnh, truyền hình... với các thứ triết học sa đọa, bạc nhược..., đàn bà gắn liền với quảng cáo...

- Này, nhà văn Quyển, các anh bôi chúng tôi trong thơ, trong truyện của các anh quá cỡ thợ mộc! Lính ngụy chúng tôi đâu phải ghê tởm, phi nhân tính đến thế! Chỉ vài con sâu làm rầu nồi canh. Hãy cụng li với tôi, và giải thích tại sao. - Chú Nông nói vui, nhưng cũng có phân nửa tâm trạng thực trong lời nói vui ấy, mặc dù biết Quyển chỉ là nhà văn trưởng thành từ phong trào tranh đấu ở đô thị, chưa bôi nhọ lính ngụy bao giờ.

- Aãy, sao lại choảng tôi một quả lạc đề đến thế, thưa ông anh ? Anh vu oan cho tôi! Xin cụng li cái nào.

Hai người uống sạch hai li đầy bia ướp lạnh, nhìn nhau cười.

-  Đấy là văn chương tuyên truyền thời chiến tranh. Sau này các nhà văn thời ấy sẽ nhuận sắc lại chính tác phẩm của họ tí chút cho chân thực. Có gì đâu!... Này, trở lại vấn đề sùng bái cá nhân lãnh tụ, tôi thấy thời Ngô Đình Diệm rởm lắm. Đấy là thủ thuật chính trị hơi lạc hậu rồi, tàn dư của phong kiến, thần quyền... như thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, “lá chấm mỡ heo” của Nguyễn Trãi, “mâm đồng đốt lửa giả mặt trời” của Quang Trung... Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh phong kiến, thủ thuật ấy có giá trị của nó. Thời dân chủ, rõ là khác rồi... Ồ, cái phỉnh xem ra cũng là ma-ki-a-ven-lít ("cứu cánh biện minh cho phương tiện" = "vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn"!). Nhưng Diệm thì vẫn Diệm thôi, không đánh đồng với Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Lê Lợi nằm gai nếm mật, Quang Trung đại phá quân Thanh, thống nhất Tổ quốc hai Đàng làm một, lại toan thu hồi Lưỡng Quảng được... A à... Tôi thương mấy anh lính ngụy lắm. Khi không họ bị phỉnh, mang tiếng làm giặc! Bản thân tôi là cách mạng “ba mươi”, nhưng tôi vẫn coi thường các anh cách mạng “hai mươi” ngoài Bắc, và cách mạng “ăn theo” dạng “học sinh Miền Nam ra Bắc học”, hoặc “ăn theo” lí lịch... Lố bịch và thiếu tự trọng! Nhưng lỡ rồi, lịch sử ơi! Ngụy cứ phải mang tiếng ngụy, cách mạng “hai mươi”, “ăn theo” thì cứ... cách mạng! Người ta bảo mình ghen với họ mất công! Giá trị văn chương, hội họa thuộc về thời gian! Chưa muộn đâu, anh Nông thân mến ơi! - Nhà văn Quyển hơi ngà ngà, ra chiều suồng sã.

Hiền Lương từ lúc ba giờ chiều đến giờ, đã gần bốn tiếng đồng hồ, ngồi nghe, lặng lẽ. Cô chợt mỉm cười.

- “Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội trong tính hiện thực của nó”. - Nhà văn Quyển lè nhè nói tiếp -. Mấy ông nhà triết cứ hay trích dẫn Các Mác, tôi chưa kịp tra cứu, xem nó nằm đoạn nào, văn cảnh, ngữ cảnh nào. Nhưng câu đó, tôi ngẫm nghĩ tạm thời, thấy cụ Mác đồng nhất quan hệ gia đình với quan hệ xã hội; đúng hơn, xếp quan hệ gia đình vào quan hệ xã hội luôn. Nếu không thế, câu ấy... không “triết” gì cả! Và thế thì, rõ là cụ Mác này chỉ thừa nhận hai cấp độ sống: cá nhân (cá-thể-người) và xã hội (cộng-đồng-người-khác). Nói cho thuần nôm là: mỗi người với mọi người thôi! Mác cũng “vô gia đình” như Giê-su chăng? Và nếu là “vô gia đình” được xem như một nhận thức triết học, một giá trị triết học thì lí lịch gia đình chỉ là xiềng xích của định kiến phong kiến, dùng để áp bức con người mà thôi! Chủ nghĩa lí lịch là sự tru di!

- Này, ông có say không đó... Nói chuyện gì như ổ líp xe đạp trật cóc! - Chú Nông cười, vỗ vai Quyển.

Quyển cũng cười và mọi người cười ầm.

- Câu văn, ủa, đoạn văn này chưa “ngoắt cần câu” lại mà. Bàn ra xa rồi mới quẹo lại chớ! Anh làm tôi cụt hứng!

- Quẹo với ngoắt ra sao, cứ quẹo với ngoắt! - Thầy Tiếng nói trong tiếng cười - ... Ôi, cái sự tru di tam tộc kiểu mới!

- Xem ra, mấy cụ rất thích độc lập, tự do cho mỗi người, đặt giá trị bản thân độc lập với giá trị tha nhân, kể cả gia đình, cộng đồng! Ở khía cạnh nào đó, giá trị do cái tôi tự thân làm ra rất được các cụ nhấn mạnh, xem là “oách”. Tâm lí người có tài là chả thèm “ăn theo”... Hãy tự khẳng định chính mình!... Nói như vậy, không phải là sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tôi muốn nói rõ thêm hai cấp độ sống. Một, mỗi người sống với ý thức về cái tôi cá thể. Hai, cái-tôi-cá-thể-người ấy sống với ý thức xã hội, sống trong và sống với xã hội trong quan hệ tương tác biện chứng. Tôi sống trong và sống với xã hội (gồm gia đình) nhưng tôi có thể bất đồng, chống lại, đạp đổ, hoặc tuân theo. Quan hệ vừa nói đến bao gồm quan hệ sản xuất, quan hệ phong tục, vân vân... Sự chống lại hoặc thuận theo ấy nhào nặn lại tôi, tạo nên một cái tôi thống nhất của các mặt, các loại quan hệ. Tôi, một chỉnh thể hài hòa của các mâu thuẫn, các quan hệ chồng chéo, chằng chịt... Tôi không tự điều hòa, vô thức hay hữu thức điều hòa, tôi sẽ rơi vào trạng huống bị giằng xé, tự thân phân liệt, tự thân tan hoang, tan tác... A à... Xin nhớ cho rằng các quan hệ đều có tính lịch sử - cụ thể của xã hội... Tính hiện thực thì phải cụ thể và rất đa dạng... Không có cá nhân nào giống hệt cá nhân nào, không có gia đình nào giống hệt gia đình nào, không có giai đoạn lịch sử nào giống hệt giai đoạn lịch sử nào... Rất đa dạng..., vì “..., trong tính hiện thực của nó” cơ mà!

- Này, nhà văn gàn, anh say rồi đấy... - Chú Nông lay lay cánh tay ngấm men mềm oặt trên thành ghế của Quyển.

Quyển cười mơ màng, chìm đắm trong suy tưởng, vụt thẳng lưng lại, cười khùng khục rồi cười vỡ ra, sặc sụa, ngặt nghẽo. Thật ra, nhà văn Quyển chỉ ưa đùa tếu cho vui, chứ đã uống bao nhiêu đâu. Không chừng anh Quyển này giả bộ để được chị Vân và Hiền Lương chăm sóc cũng nên!

Chú Nông ngờ ngợ:

- Chưa say thì cứ “phán” tiếp!

- Xin “phán” tiếp! - Nhà văn Quyển ra vẻ nghiêm trọng -. Nhưng tôi cũng có đọc một câu trích từ Mác - Ăng-ghen toàn tập, trong một cuốn sách nào đó về thân sinh Bác Hồ, như thế này: "Lịch sử của từng cá nhân hoàn toàn không tách rời mà là bị quy định bởi lịch sử của các cá nhân tiền bối hoặc cùng thời với họ"! "Các cá nhân tiền bối hoặc cùng thời" là gì? - Nhà văn Quyển thật lòng cũng không rõ câu này của Mác hay của Ăng-ghen, nhưng thầm nghĩ Mác hay Ăng-ghen gì cũng thế, một người là con trai luật sư tư sản có cơ ngơi là lâu đài đồ sộ, còn người kia thì... Trong một loé chớp, anh bỏ dở ý nghĩ thầm trong đầu và nói tiếp -. Sao Ăng-ghen không nói quách là cha mẹ, ông bà, cố, vãi hoặc anh chị em cho trong sáng, minh xác ngôn từ? Ai cũng biết Ăng-ghen là con trai một lão tư sản công nghiệp dệt giàu sụ thuộc loại bậc nhất ở Đức. Thế thì vị lãnh tụ vô sản thế giới này là bản sao phô-tô-cóp-pi của lão tư sản bóc lột kia ư? Anh chị em của Ăng-ghen thế nào, tôi chưa biết, nhưng lão tư sản thân sinh của Ăng-ghen ai cũng rõ! Thế thì thế nào nhỉ! - Nhà văn Quyển lại rung đùi một cách dữ dội như lên kinh phong, khiến mọi người đều bật cười -. Chắc là bản sao chụp phô-tô-cóp-pi về gen di truyền nhưng lại nhuộm màu khác! Về gen di truyền phải có phả hệ dăm bảy đời để nghiên cứu mới đủ dữ kiện để kết luận. Cũng có thể... Ví như cái gì nhỉ? Như khuôn dấu, chữ khắc ngược, hình khắc ngược, nhưng ịn xuống mặt giấy, chữ và hình kia thành xuôi? Thật ra, nói một cách triết học, một con người cụ thể với mã gen di truyền đồng biến, dị biến - đột biến, còn chịu sự tác động của môi trường, điều kiện học tập, xã hội, các yếu tố thời đại nữa, và đồng thời con người ấy tác động ngược lại các thực thể ấy. Biện chứng là thế! Vả lại, người có lúc, sông có khúc! Một người, một sông còn thế, nữa là bản sao chụp gen di truyền từ lão tư sản thân sinh đến con trai là Ăng-ghen, lãnh tụ vô sản. Cha và con dẫu sao cũng hai người, chưa kể người thứ ba mang nặng đẻ đau là mẹ. Biện chứng ở đâu, nếu rập khuôn? - Nhà văn Quyển cười mơ màng trong men say -. Cái chốt của câu trích từ Mác - Ăng-ghen toàn tập là ở chỗ Ăng-ghen dùng từ ngữ chung chung, mơ hồ: "các cá nhân tiền bối hoặc cùng thời"! Theo tôi, rõ ràng Ăng-ghen là con trai đích thực của Đác-uyn (nhà sinh vật học, cha đẻ của thuyết vạn vật cạnh tranh sinh tồn), đồng thời là con cháu đích tôn của Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen (những nhà kế thừa, sáng tạo thêm chủ nghĩa xã hội) và đặc biệt là con trai đích thực của nhà biện chứng pháp lộn ngược: Hê-ghen! Rõ ràng anh em ruột của Ăng-ghen là Mác! Đó, tiền bối và người cùng thời của Ăng-ghen đó! - Nhà văn Quyển đắc chí cười và càng rung đùi một cách rất tức cười -. Ăng-ghen là đứa con tinh thần của nhiều huyết hệ, dân tộc!... Cái chốt còn ở chữ "hoặc". Ăng-ghen có thể không giống các tiền bối kia mà chỉ giống Mác! Mác cũng vậy, không giống ai... không giống ai... trong các tiền bối mà chỉ giống Ăng-ghen!

- Giỏi!

- Trời đất! Tôi đâu phải học trò ông anh, sao ông anh thán phục tôi như khen con nít vậy!

Chú Nông cười, nâng li bia bằng hai tay, rất cung kính trao cho Quyển với nụ cười:

- Xin lỗi triết gia kiêm văn hào Quyển! Kính mời ngài dùng thêm bia.

- Được! - Nhà văn Quyển trả miếng với vẻ mặt quan lớn -. Khá khen!

Mọi người lại bật cười vui vẻ.

Lúc đó, chị Vân và cô giáo Lan xin phép thầy Tiếng cùng các vị khách được bưng bún mọc lên. Vì bàn nhậu nhỏ, nên các lon bia, nước ngọt được gom lại để dọn đi. Chị Vân nói:

- Ba và các chú vẫn như thường lệ, chả ai uống được nhiều.

- Tùy hỉ thôi. Nhưng mỗi người uống một đến hai lon cho có hơi men, để thêm rôm rả thôi, Vân à! - Nhà văn Quyển lẳng lơ nói, nhìn đôi bàn tay rất đẹp của chị Vân.

- Xin lỗi trước, tôi nói hơi vô phép, là dạo này chúng ta như những kẻ mắc bệnh tâm thần, thể hoang tưởng cải cách, hay sao ấy! - Thầy Tiếng cười giòn, tiếng cười làm nhẹ và vui câu nói.

- Không khí chung của thời Đổi mới, dân chủ hóa mà! Em hay la cà các quán, thấy đâu cũng vậy. Chẳng lẽ cứ mãi “khép nép” trong tư tưởng và “lí nhí” cái mồm. Nhưng chẳng ai điên cả, chững chạc, lịch sự hơn thì có. Người dân có tư cách công dân hơn. - Nhà văn Quyển nói, lại quay qua chú Nông - Anh Nông, đến “tiết mục chữa cháy” rồi mặc dù chưa ai muốn “cháy” bao tử. Tôi vẫn xin hẹn dịp khác để xin thưa với anh là hôm nay chuyện trò chưa “đã”, có cái còn chưa công bằng và thỏa đáng.

- Tư cách công dân đâu phải là bợm nhậu oang oang trong quán rượu! Tư cách công dân đâu phải tản mạn, lan man trong “Nhật Kí Người Điên”! - Chú Nông “sờ gáy” nhà văn Quyển.

Quyển cười, đan tay xá chú Nông :

- Xin thua ông anh!

Mọi người cười. Chị Vân và cô giáo Lan ngồi cạnh Hiền Lương để vừa tiếp thêm bún vừa góp thêm chuyện.

- Trước mắt là bất công với bà nhà và Vân! - Thầy Tiếng cười, mời khách bạn dùng bún cho nóng sốt.

Sau buổi gặp mặt ngẫu hứng đó, Hiền Lương và chú Nông về nhà, với niềm băn khoăn trên đường phố ngập ánh đèn và xe cộ. Dọc đường về Thủ Dầu Một, chú Nông nói với con gái trong tiếng gió bạt nhẹ theo tốc độ chậm của xe gắn máy:

- Mừng là thầy Tiếng vẫn nhiệt tình một cách lặng lẽ trong công việc. Đôi khi ba phải thẹn với ổng. Ổng bản lĩnh, dũng cảm quá, và trung thực đến tận cùng với khoa học. Nhận thức của ổng về Thiên Chúa giáo khác với thời ông còn là linh mục đến một trời một vực. Thời thầy Tiếng còn ở Quảng Trị, ổng nhận thức hoàn toàn theo thần học La Mã (Rome).

- Đâu phải ai cũng nghiên cứu khoa học được như ổng! Con muốn ứa nước mắt khi nghe thầy Tiếng nói, đại để là mỗi người chỉ có cơ may được sống một lần duy nhất, chết rồi thì chẳng ai phục sinh, sống lại ở nghĩa đen, nghĩa thật, không ai dại làm hỏng mình, lừa mình dối người.

Chạy xe chậm, chú Nông căng mắt nhìn mặt đường nhựa trong ánh đèn đường. Chú nói, khi xe máy đã đến đoạn Lái Thiêu:

- Ba đã tìm mua ở hiệu sách cũ cuốn “Kẻ Tuẫn Đạo” của Uy-na-muy-nô, một tác giả lớn người Tây Ban Nha, và đã đưa con đọc từ lâu. Thầy Tiếng muốn được phong thánh với công việc của mình - “thánh” là nhà nghiên cứu khoa học hết mình, chứ không phải “thánh” của Kẻ Tuẫn Đạo... Nhưng... nhà văn Quyển nhầm rồi. Ngày xưa, hồi còn làm linh mục, thầy Tiếng đã sử dụng thần quyền Thiên Chúa giáo để chống cộng đấy! Ổng mới ghét sự câu kết tôn giáo với chính quyền từ năm bảy mốt đây thôi. Sở dĩ ba lưu ý cho con điều đó là để con có sự so sánh giữa giáo lí xưa nay ở nhà thờ giáo xứ cũng như ở khắp thế giới với nhận thức riêng của thầy Tiếng. Nói cho đúng, thầy Tiếng nhận thức về Kinh Thánh, gần giống với linh mục Mai Lão Bạng trong Duy Tân hội của Phan Bội Châu, nhưng với quan điểm duy vật.

- Có dịp nào mời các vị hôm nay họp mặt chuyện trò ở nhà mình cho vui ba nhỉ? Nhận thức của ba về Kinh Thánh có khác với ông Tiếng, tất nhiên cũng khác với Va-ti-căng.

- Ờ, để có dịp... Cũng phải bàn thêm cho công bằng, thỏa đáng!... Con còn nhớ nội dung của Kẻ Tuẫn Đạo không?

- Dạ, làm sao con quên được. Đó là truyện về một giám mục quản hạt tại Tây Ban Nha, không tin có sự tồn tại của Đức Chúa Trời, cũng không tin vào "sự phục sinh", thế giới siêu hình, thiên đường, địa ngục, nhưng vẫn suốt đời phụng sự cho giáo hội Thiên Chúa giáo, bởi giám mục ấy nghĩ rằng, các tín đồ vẫn cần có ảo tưởng, một thứ thuốc phiện tâm linh, để có thể tiếp tục sống ở trần gian này. Giám mục ấy được Toà thánh La Mã phong thánh, nhưng thực chất ông ta là một người vô thần.

Chú Nông cười khẽ:

- Giám mục ấy là một kẻ lừa người dối mình, mặc dù rất đạo hạnh trong nghiệp vụ, kiếm sống bằng nghề giám mục (hẳn mức sống cũng đạm bạc thôi), đồng thời ông ta là một kẻ chống lại sự tiến bộ, cách mạng, lại buồn bã mỉa mai phong trào công nhân. - Chú Nông nói tiếp, mắt vẫn nhìn mặt đường đêm loáng ánh đèn -. Sự thành thật duy nhất của giám mục ấy là ông ta không bao giờ đọc câu kinh quan trọng nhất trong bài kinh "Tin kính". Bi kịch nội tâm của giám mục ấy là vậy đó.

- Dạ, con hiểu chứ. - Hiền Lương đáp -. Dẫu sao, giám mục ấy cũng rất đáng bị phê phán.

Bây giờ, ở làng nội bên bờ sông Bến Hải này, đong đưa nhịp võng dưới tàn cây trứng gà mùa hè xanh thẫm, Hiền Lương nhớ ba, nhớ nhà, nhớ Bình Dương và Sài Gòn. Còn mai một ngày, mốt một ngày nữa, Hiền Lương và mẹ sẽ vào lại hai nơi ấy! Cô chợt nghĩ, làm sao mỗi người không có dĩ vãng của mình được nhỉ? Người không có quá khứ là người phi thực. Đắm chìm trong quá khứ đen tối, lỡ lầm là sống bệnh, cũng rất bệnh nếu mãi say mê quá khứ huy hoàng, hào hùng, đức hạnh của mình. Một khóe mắt ở thời điểm hiện tại, trên đôi mắt ai đó, làm sao không còn dấu vết quá khứ của chính người đó, và hơn thế, còn thể hiện cả tín hiệu tương lai trong dự định, dự cảm cũng của chính người đó nữa. Ờ, chỉ có than, từng vỉa than trầm tích đen tối mới kết tinh kim cương. Đúng. Nhưng có những cuộc đời rạng rỡ như mặt trời hay ít ra như tia nắng, như ngọn lửa. Những định giá chỉ là ước lệ xã hội. Ờ, dẫu sao, con người vẫn cần lửa và nắng hơn. Còn những đầm lầy bốc hơi kết đọng thành mưa nữa. Giọt mưa đẹp, đơn sơ, bình thường đến tầm thường mà cần thiết biết bao. Tất cả đều tự kết tinh, bật sáng, tỏa sáng, kết đọng, cho mình và cho đời, nhưng phải tự thân trước hết, rồi mới cần đến tác nhân. Ờ, nghệ sĩ, sứ mệnh của họ là gì nhỉ? Hiền Lương muốn bật cười to vì cô mệt mỏi đến rã rời, toan làm mình làm mẩy vô cớ với chính mình. Với bao miệt mài vẽ, cô mơ ước được làm nghệ sĩ tạo hình biết bao... Cô đang đào mỏ, khai thác trục lợi từ vết nhục, từ huân chương chăng. Cô cám ơn chiến tranh chăng. Hiền Lương rùng mình với tiếng vang của ngôn từ, lảnh lói, xé ruột, trong chuỗi suy tưởng. Không, trừ những kẻ độc ác, chẳng ai muốn lịch sử đau thương đến vậy, mặc dù biết rằng “từ trong đau thương mới thấy rõ gương mặt của Tổ quốc rạng ngời”. Hiền Lương không thích hỗn xược với bất kì ai, không muốn làm mình làm mẩy với bản thân mình. Cô cũng chẳng muốn vu oan cho mình. Cô muốn sống tận cùng ý nghĩa của động từ “sống”, đấy là điều trước tiên trong ý thức sáng tạo. Cho dù không sáng tạo nghệ thuật, là thanh niên, là con người, cô phải sống sâu sắc. Cô phải sống với lịch sử đang sống, một giai đoạn lịch sử chưa tĩnh tại, chưa chết cứng. Nghĩ cho cùng, có giai đoạn lịch sử nào, mặc dù đã quá xa xưa, đã và mãi mãi chết cứng, không còn phập phồng mạch máu nối với hiện tại và tương lai, nữa là cô đang sống với giai đoạn lịch sử chưa khô vết máu, chưa lành nỗi đau, chưa sáng hết độ sáng của nụ cười sâu thẳm hào hùng. Cô biết, cô đang sống trong âm hưởng hậu chiến với tiếng cười, tiếng khóc của nó.

Gio Linh - Bến Hải ơi, chỉ còn mai và mốt nữa...

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương XII: không có cước chú.

 

 

( xem tiếp chương XIII-A )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE