s. Tiểu mục 19 - Giao lưu - Nguyễn Bội Nhiên, Võ Văn Luyến

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Nhà báo Nguyễn Hoàn đã gửi links vào, qua Gmail,

và cùng với hai tác giả Nguyễn Bội Nhiên, Võ Văn Luyến,

anh có nhã ý góp mặt trên Trang Giao lưu này với tất cả tình cảm quê nhà.

Xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Hoàn và hai người bạn văn thơ.

 

Nguyễn Bội Nhiên

http://www.tcs-home.org/ban-be/sinh-hoat/2006.04.01-dem-nhac-dau-chan-dia-dang/

Nguồn: Web TCS.home.org

 

Tích Tường - "Để người về hát đêm hồng"

Trong ánh mưa bất chợt của buổi tối mồng một tháng tư, có rất nhiều bước chân và tâm hồn con người chọn không gian xanh như một lời hẹn của khu du lịch sinh thái Tích Tường ở thị xã Quảng Trị để đến. Tiếng vọng của những tia chớp trên bầu trời khi ấy thả xuống con đường dẫn tới nơi đó như được ấm thêm trong lời đề từ khúc chiết của nhà báo Nguyễn Hoàn rằng, mỗi người đi qua cõi nhân sinh đều để lại dấu chân từ thuở chập chững ấu thơ rồi háo hức vào đời đến hăm hở dấn thân sống và đấu tranh cho lý tưởng cao cả, tình cảm tốt đẹp. Dõi theo những bước đi ấy, có một con người luôn ôm một nỗi cuồng si bất tận với cuộc đời đã lựa chọn con đường dẫn về ca tụng sự vinh quang của đời sống nên dấu chân của anh vẫn hằng đồng hành với nhân loại trên cõi địa đàng. Người ấy là Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ của những ca khúc cứ hoài được hát lên đây đó, hát trong tất cả những lần cõi thế tưởng nhớ ngày anh về chốn không còn thấy mặt trời. Như trong đêm nhạc Dấu chân địa đàng ở Tích Tường của những người Quảng Trị bởi mến mộ mà luôn muốn hiểu âm nhạc của Trịnh Công Sơn ở góc độ có chiều sâu hơn.

Trong tinh thần ấy, đêm nhạc tưởng nhớ năm năm Trịnh Công Sơn về nơi cuối trời được mở ra sau phần hòa âm của guitar, organ và saxophone trên nền nhạc của ca khúc Dấu chân địa đàng gợi thức giữa tâm trí khán, thính giả "lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người" (Trịnh Công Sơn). Khán, thính giả mỗi lúc một đông, các gian nhà trong khu du lịch nhanh chóng chen kín người với sự quen mặt, gần gũi nhau mỗi lúc mỗi thắm thiết hơn nên bài hát Nối vòng tay lớn trầm hùng thêm phần hào sảng trong sự đồng giọng ấm áp và say mê của tốp ca nam nữ thị xã Quảng Trị. Không ai biết những giọt mưa đã im bặt từ lúc nào. Trong không gian và thời gian chỉ còn tiếng nói phân tích cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn cùng những lời giới thiệu có khả năng thâu tóm nội dung của mỗi bài hát từ Ngày xưa khi còn bé, qua Ngày sau sỏi đá, vào Cát bụi tuyệt vời, đến Quê hương thần thoại. Hiệu ứng nghệ thuật của đêm nhạc dần dần được tạo nên bởi những giọng hát chân phương, mộc mạc kết hợp với những hình ảnh minh họa về mỗi quãng đời và sáng tác của Trịnh Công Sơn được monitor trình chiếu như những lát cắt có giá trị hỗ trợ sáng tạo cho những phong cách biểu diễn khác nhau, mức độ hiểu hoặc ngấm ca từ trong âm nhạc của "kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận". Cùng lúc với những tiết tấu ân tình quen thuộc, những khúc thơ mê hoặc được hát lên là hình ảnh Trịnh Công Sơn thấp thoáng giữa những cảm xúc âm nhạc qua các bức chân dung, tấm hình chụp chung với thầy giáo và bạn hữu, khuôn nhạc, trang bút ký, dòng tâm tình, khung cảnh quê hương thời đạn bom và thái hòa, hình ảnh thân thương của người mẹ, bóng dáng hư thực của những người con gái trên nền sáng của đèn chiếu. Bên ngoài giới hạn của những khúc xạ âm thanh và thị giác là những đôi lứa nồng thắm, những người từ núi đồi Lao Bảo đến chân sóng Cửa Việt đi vào khu du lịch sinh thái vốn tĩnh lặng này cứ nhiều lên để cùng "về hát đêm hồng". Xe máy, ô tô khách, xe con nối nhau chở gần hai ngàn người đến tiếp cận âm nhạc Trịnh Công Sơn với những liên tưởng âu yếm về kỷ niệm, nỗi nhớ nhung và giấc mơ yêu thương trong cuộc đời khi nghe trẻ thơ hồn nhiên hát ca khúc Mẹ vắng nhà, cô gái nhỏ nhí nhảnh trình bày bài hát Em là hoa hồng nhỏ, lắng hồn mình trong khắc khoải Lời mẹ ru, sự thảng thốt của Chiếc lá thu phai... dài về đến cung đường sắt ngang qua thị xã Quảng Trị ở chỗ giáp Quốc lộ IA.

                                 

                     Người mẹ Ô Lý

Sức lan tỏa và lôi cuốn của đêm nhạc Dấu chân địa đàng ở Tích Tường được tăng thêm nhờ một số thông tin về mối liên hệ giữa người cha yêu nước của Trịnh Công Sơn với mảnh đất Quảng Trị được người dẫn chương trình phân tích tường tận cùng dòng thư tha thiết của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh với miền quê Quảng Trị và khán giả của đêm nhạc. Đặc biệt hơn, ca khúc Người mẹ Ô Lý lần đầu tiên được hát giữa đất trời Quảng Trị có ý nghĩa như một sự kiện nhỏ trong tổng thể của đêm nhạc tưởng niệm Nhạc sĩ đã viết ca khúc này "tặng người mẹ già tôi đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế". Bắt đầu từ đó, quê hương Việt Nam hiện bóng trong từng nét nhạc với trái bí trên giàn còn xanh phải ngủ đường xa trên vai mẹ già qua xương trắng máu hồng trong chiến tranh. Tầng cảm xúc của khán, thính giả được đêm nhạc làm dày thêm bởi các ca khúc về khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập để dựng xây và phát triển của dân tộc, của đất nước như Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Huyền thoại mẹ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Đồng dao năm 2000 và bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba được Trịnh Công Sơn viết trong suy ngẫm đặc sắc về nhịp điệu lao động ở Quảng Trị vào năm 1978: "6 giờ. Đường ra Thạch Hãn sương mù dày đặc. Đường sương, ruộng sương, cầu sương, sông nước cũng sương. Hai bên đường loáng thoáng bóng người rải sắn lát, chờ sương tan để nắng lên để hong khô... Con đường này, ruộng lúa, bóng núi này cũng phả vào hồn những tình cảm đoan trang, thanh thoát". Vào lúc ấy, tất cả đều nhìn thấy Trịnh Công Sơn không chỉ là một người hát rong trên cõi địa đàng mà còn là người đã một thời làm dấy lên tinh thần Da Vàng và lương tâm dẫn đường trong thế hệ người Việt Nam đấu tranh chống kỳ thị và áp bức, cùng nhau đi tới những giá trị mỹ học của cuộc đời, nơi có hòa bình và nhân bản bằng các ca khúc Da Vàng phản chiến góp phần làm nên âm hưởng hùng tráng của những đêm không ngủ hát cho đồng bào nghe của tuổi trẻ miền Nam khao khát vẽ lại chân dung của nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực. Chính khát vọng hòa bình đã thôi thúc những nốt nhạc của Trịnh Công Sơn âm vang tinh thần đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền tự do trong hòa bình.

Sự đồng cảm giữa những người biết thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn đến khi tất cả nâng niu từng giai điệu giản dị lẫn tinh tế và quyến rũ của đêm nhạc Dấu chân địa đàng đang kể về tình yêu trần thế và giấc mơ đời bằng nỗi từ tâm. Những người trình bày các tác phẩm âm nhạc có "lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca" (Văn Cao) đã say sưa hát mà không sợ bị đơn điệu bởi đây cũng là lúc một lần nữa họ hát về cuộc tình của mình, một lần nữa họ nhớ thương tuổi trẻ của mình ngào ngạt hương hoa và nồng nàn tình yêu, và cũng là lúc họ an ủi mình, an ủi một cái gì còn ở lại, một điều gì đã ra đi. Vậy nên, những khúc nhạc lòng có tên Diễm xưa, Hạ trắng, Chiếc lá thu phai, Một cõi đi về... lại vang lên không dứt trên một vùng gò đồi Tích Tường trầm mặc trong đêm. Thật khó cưỡng lại sự ngẩn ngơ khi ca khúc Cát bụi được cất lên để chuyển tải cố gắng miệt mài của con người nhằm thấu suốt dự báo của ngày Lễ Tro trong Phúc Âm: từ cát bụi đã sinh ra và sớm muộn người cũng được trả về cát bụi, hoặc có thể chạm vào sắc long lanh của giọt mưa trong lời hát muốn thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người khi đã hiểu ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Đặc sắc nhất trong các phần trình bày âm nhạc của đêm mồng một tháng tư này ở Tích Tường là một giọng nam trầm ấm quyện một giọng nữ réo rắt nâng dần cung bậc yêu đương với "mùi hương phấn người một hôm nhớ lại hẹn ngày sau sẽ mua vui, về thu xếp lại ngày trong nếp ngày vội vàng thêm những lúc yêu người" rồi bàng hoàng nhắc nhở "chiều hôm thức dậy ngồi ôm tóc dài chập chờn lau trắng trong tay" của ca khúc Chiếc lá thu phai. Giọng nam ấy là anh Đỗ Việt Hà, người đã bắt nhịp được niềm yêu thích những bản tình ca của Trịnh Công Sơn trong tâm hồn người bạn đời, đồng thời là người bạn diễn của mình, đã khẳng định anh chị bị âm nhạc của Trịnh Công Sơn cuốn hút, chinh phục đến nỗi không nói được thêm gì ngoài việc hát say mê như vậy trong nhiều năm qua. Với từng chi tiết ấy, như đánh giá của anh Cao Trọng Cân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Quảng Trị, đêm nhạc Dấu chân địa đàng có được sự thành công ngoài mong đợi của những người thực hiện chương trình cả về nội dung, quy mô và cả về cách ứng xử của đại biểu, khán, thính giả trong suốt thời gian thưởng thức. Sự lễ độ với văn hóa trong đêm nhạc Dấu chân địa đàng thể hiện ở chỗ, với lượng người đông đến bất ngờ, ban tổ chức phải thuê thêm hàng trăm ly, cốc cùng chừng ấy chiếc ghế nhưng kết thúc đêm nhạc, không có bất kỳ mảnh vỡ, đoạn gãy nào trong khu vực, không một ai không trả tiền cho món ăn, thức uống đã gọi để dùng. Và, thành công này sẽ góp phần vào sự chuẩn bị cho Năm Du lịch Quảng Trị 2007 trên địa bàn thị xã Quảng Trị.

Nhạc Trịnh Công Sơn không cao siêu, xa lạ mà thanh thoát, nhẹ nhàng và cứ như dòng nước róc rách chảy vào lòng người là cảm nhận của chị Kim Duyên khi hát "đời xin có nhau dài cho mãi sau" và, tấm lòng của Trịnh Công Sơn lớn lao như vậy thì mình vẽ chân dung, viết tên của Trịnh Công Sơn bằng tấm lòng vì nhạc sĩ của những bài hát mà trong đó ai cũng có thể thấy thân phận của mình, tình yêu của mình, mưa nắng của đời mình là cảm xúc chính để họa sĩ Hoàng Cường vẽ rất đẹp gương mặt của "kẻ hát rong không tuổi" Trịnh Công Sơn trên phông nền của đêm nhạc. Tất cả cho thấy, với nhiều biến hóa sinh động, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn khiến con người say mê bằng chính tinh thần tìm kiếm trong dòng nhạc ấy những âm thanh và ánh sáng của tình yêu, của những điều nhân bản vẫn tồn tại với nguyên chân giá trị được đồng vọng và thắp lên trong lòng mỗi người...

Nguyễn Bội Nhiên

 

 

Võ Văn Luyến

Âm nhạc Trịnh Công Sơn với những tâm hồn đồng điệu

http://www.qtttc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=48&Itemid=2

Nguồn: Web Trường CĐSp. Quảng Trị & Web TCS.home.org

17.04.2005

 

Nếu không có ngày Mẹ Âu Cơ mang nỗi đau "vượt cạn" sinh thành dân tộc để mai sau cháu con làm nên huy hoàng nước Việt?

Nếu không có ngày 30 tháng 4?

Và nếu không có những tâm hồn yêu quê hương xứ sở đến quặn lòng như Trịnh Công Sơn làm sao có được "khối tình lớn" từ một tâm hồn tìm tới những tâm hồn đồng điệu? Thay cho câu trả lời ý nghĩa đó, CLB Bạn đọc trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã dựng chương trình về Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỉ niệm 4 năm (01/04/2001 - 01/04/2005) ngày mất của ông. Chương trình được thiết kế lồng ghép khá qui mô, hoành tráng. Sau bản lược trình tình hình hoạt động của CLB là nội dung diễn thuyết về Đặc sắc ca từ Trịnh Công Sơn của Nhà báo Nguyễn Hoàn với sự minh hoạ những tình khúc bất tử của Trịnh qua các giọng hát truyền cảm và triển lãm thư pháp của Nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung. Điều đáng ghi nhận ở buổi sinh hoạt văn hoá này là đã lôi cuốn được nhiều khán thính giả trong - ngoài trường tham dự và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhà giáo Lê Thị Xuân Liên - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét:

- CLB Bạn đọc hoạt động ngày càng khởi sắc, có chiều sâu, tránh được hình thức chung chung khô khan. Có thể nói từ Trịnh Công Sơn, từ "chân trời một người đến chân trời của tất cả"; cách làm sử chân dung, sử tâm hồn như thế là tốt. Đường đi và đích đến phải nên như thế.

 

 

Ca khúc của Trịnh Công Sơn qua những tiếng hát chị em của Khánh Ly đã nén không gian Nhà Đa chức năng đông chật. Sự đông chật hoà điệu những tâm hồn mang khát vọng yêu thương và chia sẻ. Mỗi người như được thấy bóng dáng mình trong những ca khúc về tình yêu, quê hương và thân phận. Hợp âm chủ Mi thứ (Em) với điệu slow đầy tâm trạng cùng sự dụ dẫn mê hoặc của ca từ đã tạo ra sức mạnh cảm xúc lan toả khó quên. Có thể ví Trịnh Công Sơn là người có phép biến ảo chữ nghĩa trong âm nhạc một cách tài tình. "Chữ bầu nhà thơ" (Lê Đạt), câu nói ấy vận vào Trịnh Công Sơn thật đúng, bởi ông là người hiếm hoi trên đời này biết "ca thơ" (chữ của Văn Cao) bằng sự gào thét vô thanh của trái tim chan chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Tình yêu ấy đặc biệt hơn ở chỗ khi thân phận con người mong manh tơ trời trước cơn gió dữ chiến tranh.

Như lẽ tự nhiên, những ai đã từng nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh rồi sẽ tự ru mình trong nỗi buồn kiếp người - một nỗi buồn cứu rỗi tâm linh và đưa tới những bến giác thức tỉnh tình yêu con người dù đường trần muôn nẻo lô xô và không thiếu cạm bẫy. Xin đừng nhầm tưởng Trịnh Công Sơn đang gieo dòng "não ca", vì bản thân thời cuộc bấy giờ chất đầy những âu lo và bi kịch. Đúng ra, Trịnh đã dựng đài tháp "bi kịch lạc quan". Điều đó có nghĩa ông nhìn thẳng vào đau thương để thắp sáng ngọn nến nguyện cầu hoà bình và nhen lên khát vọng cho một tương lai nước nhà xanh tươi, tốt đẹp. Có người cho rằng, hát nhạc Trịnh không phải dựa vào kỹ thuật thanh nhạc hay chất giọng thiên phú mà phải đánh thức được những run rẩy kiếp người đi sóng đôi với ca từ bàng bạc nỗi niềm của tác giả. Từ sự đồng điệu ấy, chúng ta có quyền hy vọng về những đêm nhạc Trịnh nối đến hẹn xuân thu nhị kỳ như khúc luân vũ của thời gian...

Võ Văn Luyến

Cập nhật lần cuối ( 06.12.2005 )

 

Nguyễn Hoàn

BẮT GẶP NHỮNG Ý NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA HS. LÊ BÁ ĐẢNG

http://www.lebadang.org/index1.asp?id=10&?group=tacgia

Nguồn: Web LeBaDang.org

Bài viết vào thời điểm Hs. Lê Bá Đảng mở triển lãm tại đình làng Bích La Đông năm 1992 nhân ngày giỗ của thân sinh hoạ sĩ.

Ai đó chủ xướng cho mình một tâm lý bi quan theo kiểu người phương Tây rằng: “Ta sinh ra quá muộn trong một thế giới đã quá cũ” thì hẳn là khi được xem tranh Lê Bá Đảng sẽ tự phản tỉnh tức khắc về sự nhầm lẫn ghê gớm của cái điều mà mình đã chủ xướng kia. Biết rằng hoạ sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng kỳ tài vì đã tạo hình nên những “Không gian Lê Bá Đảng” luôn hiện hữu mối giao hoà tuyệt vời giữa con người, vạn vật và vũ trụ nhưng tôi vẫn rất đỗi bất ngờ về một cách triển lãm tranh độc đáo của hoạ sĩ tại quê nhà là dựng tranh ven hồ đình, dựng tranh giữa cây xanh và trải mượt mà thảm tranh lên mịn màng thảm cỏ tơ non trước mặt đình làng. Cắt nghĩa về cách bày tranh lộ thiên trên vùng đất của huyền thoại Rùa Nổi mầu nhiệm ở trước đình làng Bích La, thay cho lối triển lãm phòng tranh tù túng, hoạ sĩ giãi bày mà như là nói về một biểu trưng sang trọng: “Tôi đem tranh ra hoà hợp với tạo hoá”. Đằng sau những “Không gian Lê Bá Đảng”, đằng sau cuộc “hoà hợp với tạo hoá” kia, hay nói theo cách của chính ông, “bên kia nghệ thuật đồ hoạ”, có những nội lực bí ẩn nào của ông đã đưa duyên cho bàn tay hoạ sĩ tài hoa?

 

                        

Tôi chưa có dịp đi đến tận cùng đáp số trả lời cho câu hỏi kia, nhưng qua tham dự buổi tiếp xúc giữa hoạ sĩ Lê Bá Đảng với anh em văn nghệ sĩ, báo chí vừa qua, tôi cho rằng hoạ sĩ đã đưa nội tâm mình ra để giải mã ở mức không đến nỗi dè sẻn về những bí mật chi phối quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Có hai nguồn nội lực bí mật được ông tập trung giãi bày, đó là vai trò của chủ thể sáng tạo (tức người nghệ sĩ) và sức mạnh của những quan niệm đặc trưng, đặc thù trong tư duy nghệ thuật của ông. Nếu ta nhớ lại rằng vai trò của chủ thể sáng tạo (chẳng hạn như cá tính, suy nghĩ chủ quan của nghệ sĩ trước hiện thực khách quan...) trong một thời gian dài trước đây bị lý luận văn nghệ ở ta xem nhẹ thì càng thấy rằng, những ý tưởng của hoạ sĩ Lê Bá Đảng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cá tính riêng, suy nghĩ riêng, kỹ thuật kỹ xảo riêng chứ đừng bắt chước người khác được nêu ra dầu không mới nhưng hãy còn chưa muộn. Là nghệ sĩ từng được mệnh danh là “bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây”, ông có một bài học tự nhủ về nghề nghiệp rằng Tây mà bắt chước là Tây giả và Đông mà cố tạo lấy được là Đông thì cũng không thành Đông, hãy đón nhận các nguồn ảnh hưởng một cách tự nhiên hoà hợp. Theo ông, điều quan trọng trước tiên với nghệ sĩ là phải biết nhìn, sau đó mới đến phần kỹ thuật. Phải có kỹ thuật nhưng đừng quên rằng, đôi tay phải chạy theo suy nghĩ của mình mới được. Phải quên hết những gì mình đã học được ở nhà trường, ở thầy giáo để sáng tạo nên cái của mình. Đấy chính là bí quyết giúp mình thành công hơn người khác.

Bất kỳ một nghệ sĩ nào dù đã ý thức đầy đủ vai trò của chủ thể sáng tạo, vẫn không thể nào thực hiện trọn vẹn vai trò cao quý ấy, nếu không chịu tìm kiếm, xác định và hình thành nên những tính chất đặc trưng trong tư duy nghệ thuật cuả mình. Với Lê Bá Đảng, nét đặc trưng đầu tiên dễ phát hiện ở ông đó là một quan niệm phóng khoáng về việc định danh mỹ thuật là gì và mỹ thuật có chức năng gì. Ông khẳng định rằng mục đích của con người trong buổi đầu tiên bày ra mỹ thuật là nhằm bày ra cách, bày ra cái gây cảm hứng cho người xem, chứ chưa cốt chủ tâm vào việc phân loại những cái đó thành tranh, thành tượng như về sau đã làm. Khác với số đông nhiều người xem việc phân loại kia là một bước ngoặt đặc biệt đánh dấu sự phát triển tư duy nghệ thuật của loài người, ông đã phá bỏ kiểu phân loại để hành hương trở lại với nguồn cội khai sinh mỹ thuật mà sáng tạo nên những tác phẩm có sức chứa tổng hợp tất thảy mọi loại thể: tranh, tượng, in nổi, vẽ nổi, đắp nổi...Khả năng tổng hợp này là một trong muôn vàn tác nhân quan trọng quyết định đến hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ của các tác phẩm của ông. Mỗi bức tranh nhỏ của ông đã hoạ thành một phong cảnh lớn mà trong đó, con người được tạo hình thành những ký hiệu tuyệt vời của sự sống. Ông muốn tạo nên một xóm, một xứ, một làng, một nước ở trong tranh mình, với ước vọng rồi đây sẽ có biết bao nhiêu xóm-xứ-làng-nước trong đời được chuyển hoá trở thành những bức tranh.

Khẳng định điều quan trọng trước tiên với người nghệ sĩ là phải biết nhìn, hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã phân tích sự cách tân độc đáo về điểm nhìn trong phần lớn các tác phẩm của mình như sau: “Tôi cứ làm khác người ta. Xưa nay, người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ, con người đã bay trên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát, để thoát khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh”. Ở dưới điểm nhìn kỳ vĩ của ông, con người đã trở thành những tâm điểm giao nối vào vũ trụ. Người ta nói rằng con người là vốn quý nhất, ông nói thêm rằng, cái quý nhất là tinh tuý của con người. Thành thử, tranh ông luôn có con người, đặc biệt là những nhóm người gồm cha mẹ và con cái tạo thành mối hoà hợp nghĩa tình là gia đình đặt trong mối giao hoà với tạo hoá. Do không nhìn ra lối thể hiện con người trong tranh ông, có người đã băn khoăn vì sao ông không vẽ phụ nữ. Thực ra, có rất nhiều phụ nữ hiển hiện sống động, rộn rã trong tranh của ông. Nhưng những người phụ nữ của ông không môi son, má phấn loè loẹt mà là những thực thể mênh mang, khoáng đạt hoà nhập vào vũ trụ. Chính sự cách tân về cách nhìn, điểm nhìn của ông khiến cho người xem muốn thưởng ngoạn trọn vẹn tranh ông thì phải phá bỏ cách xem tranh theo lối cũ. Tranh ông sống theo chiều ánh sáng với những biến đổi của nó qua từng khoảnh khắc. Hơn thế nữa, ánh sáng trong tranh ông khác hẳn ánh sáng tạo hoá, điều này dễ dàng kiểm chứng khi xem tranh ông vào lúc chiều xuống, lúc mà ánh sáng tạo hoá bắt đầu tạm biệt cõi trần. Aïnh sáng tạo hoá chỉ chiếu thẳng, còn ánh sáng trong tranh ông vừa chiếu qua, vừa chiếu lại, tạo nên loại “ánh sáng thứ ba” theo như cách nói của ông.

Những nét đặc trưng trong tranh ông được nhuốm bởi sắc thái da diết của một tình yêu quê nhà nồng cháy của ông. Ông mang cả bản sắc quê hương toát lên từ dáng vẻ, sắc màu đất đai...phả vào tâm cảm và tác phẩm của mình. Những đốm sáng đom đóm, những vệt sáng tựa sao băng trong tranh ông chính là sự in dấu hằng cửu ký ức tuổi thơ của ông về những chuyện huyền bí và tưởng tượng xảy ra ở cõi trời. Tình quê thấm đậm cả đến những chất liệu ông dùng để vẽ chứ không chỉ đơn thuần là cái được vẽ. Ông đã dùng những chất liệu tự mình có được, hơn nữa, ông còn chủ trương dùng cái nghèo của mình mà vẫn làm ra cái đẹp cho đời chứ không ham chạy theo những chất liệu “giàu có”. Ông hành hương tìm về quê nhà chính là tìm về cội nguồn đã ấp ủ và hoài thai ra những tác phẩm đưa đẩy ông thành trứ danh.

Quảng Trị, 1992

Nguyễn Hoàn

 

________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang Giao lưu:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 11-6 HB7 (2007) / 4 Đinh hợi HB7