Trần Xuân An - Một ngày quanh Thành phố Hồ Chí Minh (chùm thơ lục bát nhỏ & một tuỳ bút ngắn)

MỘT NGÀY THƠ QUANH

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Xuân An

NGÃ BA GIỒNG

sử xanh, đây, Ngã Ba Giồng

tượng đài cọc bắn máu hồng đơm xanh

xanh cây đến cỏ đất lành

trăm ba mươi mốt năm (*) thành cõi thiêng.

XỨ BÀ ĐIỂM

trầu cau ngát đất cơ duyên

mười tám thôn đỏ lời khuyên vua Hùng

xa Đất Tổ, xa Miền Trung

tới đây, thắm đến vô cùng Vịnh Xiêm.

NHỮNG PHIÊN BẢN ĐỊA ĐỒ THÀNH PHỐ

tuỳ bút ngắn

Trần Xuân An

 

Nắng sáng sớm đầu tháng chín, ở thành phố năng động nhất đất nước này, có lẽ nhờ những cơn mưa chiều cuối mùa khô năm nay, nên tươi tắn, mát mẻ lạ thường. Chiếc xe dài với khoảng năm mươi chỗ ngồi bắt đầu lướt êm trên đường phố ngập nắng vàng dịu ở khu vực trung tâm để bon ra vành đai. Khởi đầu, hẳn xe đang hướng ra phía Thành phố Bắc, một trong bốn thành phố trong dự kiến sẽ trở thành bốn đô thị nhỏ quanh một đô thị lớn trung tâm. Rồi sau đó, cũng trong ngày thôi, xe sẽ chạy quanh, ngang qua Thành phố Tây dự kiến, Thành phố Nam dự kiến và Thành phố Đông dự kiến, để khép lại vòng tròn hành trình, trở về với nơi xuất phát – đường Trần Quốc Thảo, Quận 3, một trong hai quận trung tâm của mười ba quận nội thành hiện hữu.

Tôi vui mừng và xuýt xoa cảm ơn, khi những tấm bản đồ được in màu trên cỡ giấy A4, người bạn nhà báo ngồi bên cạnh nhận giúp, đặt vào tay tôi. Đây là các bản đồ phác hoạ cho dự án mở rộng khu vực mười ba quận nội thành ra bốn hướng phụ cận với bốn thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc.

Xe cứ lướt êm. Tôi dán mắt vào các phiên bản địa đồ. Bất giác, tôi ngỡ chừng nhìn thấy thế đất, dáng dung thành phố sầm uất nhất nước này là một con cá sấu hay một chú nghé đang dầm mình trong nước, chỉ để lộ ra chiếc đầu và một mảng lưng. Có lẽ tôi bị chi phối bởi địa danh Bến Nghé, được hiểu là nơi ngày xưa còn hoang vu, cá sấu rống lên như các chú trâu con nghé ngọ, hay còn được hiểu theo cách khác, cộng với cách phụ hoạ vui vui của bản thân tôi, đó chính là nơi thực sự là bến giữ nghé (loại “nhà trẻ” của loài trâu) để trâu cha, trâu mẹ cùng với các nhà nông lo việc cấy cày! Nếu nhìn bản đồ theo cách ấy, thì cái đầu là Cần Giờ, Duyên Hải; phần cuối của mảng lưng lộ ra kia là Củ Chi, và giữa mảng lưng ấy là một đoá hoa sắp sửa nở bung ra bốn cánh lớn Đông, Tây, Nam, Bắc với nhuỵ hoa là mười ba quận nội thành hiện có.

Nhưng mặc dù đã rất nổi tiếng từ xưa, trong khoảng hơn ba trăm năm về trước, Bến Nghé cũng chỉ là địa danh của một vùng đất và bến sông nhỏ thuộc thành phố Sài Gòn, chứ không phải của cả thành phố.

Xe cứ lướt êm. Tôi vẫn dán mắt vào các phiên bản địa đồ phác hoạ thành phố mở rộng trong dăm ba năm sắp tới. Tôi bất giác lại ngỡ chừng nhìn thấy Sài Gòn vốn được người Phương Tây thuở trước mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông này, hiện nay đã trở thành Khối ngọc Viễn Đông, với ranh giới hành chính đã được mở rộng từ cuối những năm 70 thế kỉ XX. Trong vài thập niên gần đây, Khối ngọc Viễn Đông ấy gần giống như chú cọp dầm mình trong sương, chứ không phải là trâu con hay cá sấu dầm mình trong nước. Đó là con hổ dũng mãnh – biểu tượng của nền kinh tế có tiềm lực mạnh như người ta ví von một ít nước hay vùng lãnh thổ thuộc Châu Á. Và trên mảng lưng hổ còn lộ ra kia sẽ vẫn là đoá hoa Đông Tây Nam Bắc bốn cánh.

Xe vẫn cứ lướt êm. Nắng tháng chín càng rực rỡ trên những con đường thuộc khu vực vành đai phía bắc, rồi phía tây, phía nam, cuối cùng là phía đông thành phố. Tôi vẫn ngẫm nghĩ, nhìn ngắm các công trình mới. Thỉnh thoảng, tôi dán mắt vào các phiên bản địa đồ dự án, và bất giác lại ngỡ chừng nhìn thấy thế đất, dáng dung thành phố là con Rồng Thiêng ẩn mình trong sương với đoá hoa bốn cánh Đông Tây Nam Bắc nở rộ trên lưng. Rồng Thiêng, biểu tượng xứng đáng của dải đất Thành phố Hồ Chí Minh gồm các huyện ngoại thành mà cả trung tâm, phụ cận lẫn vành đai xanh đều đang vươn lên tầm hiện đại hôm nay.

Xe đã đỗ lại ở một bên đường Trần Quốc Thảo. Nắng vào lúc khoảng ba giờ chiều vẫn đang rực rỡ. Tôi nối gót nhiều người trong đoàn để xuống xe, và cảm thấy rất rõ những công trình đã được tận mắt chứng kiến cùng những phiên bản địa đồ quy hoạch mới Thành phố Hồ Chí Minh đã đọng lại một ấn tượng trong tôi: đoá hoa bốn cánh có tên gọi là Bông Bốn Phương chắc chắn sẽ thật sự nở sáng trên lưng dải đất Rồng Thiêng, rồng truyền thống bốn ngàn năm cũng là rồng hiện đại hôm nay, ngày mai.

Người bạn khác, nhà thơ, vốn là một trong hai vị phụ trách chuyến đi, tặng tôi luôn những phiên bản địa đồ ấy. Tôi áp chúng vào vào lồng ngực mình, khẽ thốt lên lời cảm ơn với niềm vui.

 

3:05, 07-9 – 7:52, 08-9 HB13

T.X.A.

Nguồn ảnh bản đồ: Google search

ĐƯỜNG HẦM THỦ THIÊM

nối Sài Gòn với Thủ Thiêm

bằng cây sáo óng dưới niềm xanh sông

mỗi xe mỗi nốt nhạc hồng

véo von lòng trúc chứa mông mênh trời.

ĐOÁ BÔNG BỐN PHƯƠNG

ngồi bên cao ốc cao vời

thấy hồn sử trong mắt ngời trẻ thơ

và lục bát tự cổ sơ

toả bốn phương nở bốn đô thị hồng.

T.X.A.

06 – 09-9 HB13

________

(*) 1858-1989

Đã gửi đăng trên Tttđt. HNV. TP.HCM., 12-10 HB13 (2013):

http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tho/tran-xuan-an-nghi-ve-coi-anh-linh-dai-tuong.html

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE