n. Bài 14-Tl.4 - Trần Xuân An -- Tập truyện mới của Võ Nguyên như ngọn gió lành?

 

► Cập nhật (05-10 HB9): Bài mới nhất: Trần Xuân An -- TẬP TRUYỆN MỚI CỦA VÕ NGUYÊN NHƯ NGỌN GIÓ LÀNH? --- Viết từ  13:58, ngày 12-10 HB9 (2009) đến 18:02, cùng ngày

 

Trong tập truyện “Khát mùa chim di trú”, còn có những truyện được Võ Nguyên mở rộng ra xã hội. “Nước mắt ngàn xanh” tố cáo nạn bán rừng của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cũng là nạn phá rừng của bọn khai thác gỗ phi pháp. Chúng bất chấp đó là rừng phòng hộ đầu nguồn, nên dẫn đến hậu quả, không những khí hậu ngày càng nóng bức, lũ lụt hàng năm còn tàn phá ruộng đồng, phố thị đến mức khủng khiếp. Và chính một anh cán bộ chân chính, vốn bị bọn cán bộ hư hỏng trù dập, sa thải, đã tự mình đi thu thập tài liệu, chứng cứ để trực tiếp phản ánh lên cấp trung ương. Con người trung thực đơn độc ấy đã chiến thắng. Cũng cùng đề tài về sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, công chức trong guồng máy nhà nước, còn có truyện ngắn “Ông nội”. Ở Nam Bộ và các tỉnh Nam Trung phần ngày xưa, trong thời khẩn hoang, vốn có tập tục thể hiện sự hào hiệp, hoàn cảnh đơn côi, xa cách họ hàng bản quán, nên “bà con xa láng giềng gần”, “chén rượu thề kết nghĩa nghìn đời”. Cán bộ tập kết trước đây khi ra Bắc cũng còn duy trì, phát huy tập quán tốt đẹp này. Ngày nay, đối với kẻ xấu, kết nghĩa cha con (nghĩa phụ, nghĩa tử) chỉ là một trò dựa hơi chức quyền, nhằm kiếm chác quyền lợi, đầu cơ chức vụ hay tạo bè cánh tiêu thụ “quà biếu”. Một nhân vật trong truyện ngắn còn bỉ ổi đến mức có rất nhiều “cha nuôi” và ghẻ lạnh với cha ruột của mình, vốn chỉ là một nông dân. Võ Nguyên tỏ ra có nhiều vốn sống về lĩnh vực “cán bộ, công chức”, khi sử dụng nhiều chi tiết vừa chua cay vừa hài hước để lên án, đặc biệt là thông qua những đứa trẻ, trong đó có đứa có nhiều “ông nội”, vì nó là con trai của nhân vật có quá nhiều “nghĩa phụ”, bỉ ổi và bất hiếu kia.

 

Một truyện ngắn khác, “Mùa hoa bươm bướm”. Ngòi bút của Võ Nguyên lại viết về hồi ức của một người đàn bà Việt kiều, di tản bất đắc dĩ trong cuộc “chạy loạn” hồi 1975. Anh lần dở bao trang hồi kí không bao giờ viết, vì chúng chỉ nằm im đâu đó trong trí nhớ, thỉnh thoảng trở thành những tấm gương vỡ sắc cạnh cứa vào tâm hồn của nhân vật. Khi nhân vật trở về thăm quê, gặp lại bạn bè cũ, nay đều đã hai thứ tóc trên đầu, các tấm gương vỡ kí ức ấy lại có lúc trở thành những cánh quạt làm dịu đi từng vết cứa ròng ròng máu bởi cạnh sắc trong kí ức. Trong truyện ngắn này, ta lại bắt gặp một Võ Nguyên hơi quá quắt về “lập trường” như nhiều nhà văn hồi trước “Đổi mới”. Có lẽ, Võ Nguyên nghĩ như thế là “quân bình” khi anh đã có vài truyện trong tập thuộc loại phê phán nội bộ cán bộ, công nhân viên chức hơi nặng tay. … Xem tiếp …

 

 

 

Đã viết xong

Trân trọng mời đọc ở các trang thông tin, báo chí in giấy và điện tử...

 

13-10 HB9: Bài viết đã được đăng trên 2 điểm mạng toàn cầu do nhà thơ Trần Nhương, nhà văn Phong Điệp phụ trách:

http://trannhuong.com/news_detail/2793/TẬP-TRUYỆN-MỚI-CỦA-VÕ-NGUYÊN-NHƯ-NGỌN-GIÓ-LÀNH?

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8661

Thành thật cảm ơn nhà thơ Trần Nhương & nhà văn Phong Điệp

 

 

 

_________________________________________ 

 

 

 

TẬP TRUYỆN MỚI CỦA VÕ NGUYÊN NHƯ NGỌN GIÓ LÀNH?

 

Trần Xuân An

 

Khi cầm tập truyện ngắn mới nhất của Võ Nguyên, tôi nghĩ, phải chăng đây là ngọn gió lành trong khí hậu văn nghệ đang ở thời đoạn nóng bỏng đến mức phát sốt vì đủ thứ huỷ hoại tâm hồn và nhân cách con người? Nhưng thú thật, khi câu hỏi ấy chợt nảy sinh trong tôi, có nghĩa là tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng vào hi vọng ấy, bởi cách đây vài năm, sau khi xuất bản ba đầu sách, Võ Nguyên bỗng dưng viết truyện ngắn “Thương”, và gửi đăng như một cách góp mặt, giao lưu văn nghệ trên điểm mạng toàn cầu của tôi, khiến tôi hơi sững sờ... Từ đó, tôi nghĩ nhà giáo họ Võ này có lẽ sắp rời ngành giáo dục để ném bút danh Võ Nguyên của anh vào khí hậu văn nghệ đang nóng bỏng, sôi sục các thứ “tùm lum” rồi đây!

 

Thật ra, nói thế là hơi cường điệu, quan trọng hoá đến mức hơi quá đáng về cái truyện “Thương” ấy. Đó là một truyện khá hay, nhưng giá như bớt đi một hai chi tiết hoặc thêm dăm ba câu để cân bằng, hài hoà chất thiện với chất chân và chất mĩ đã vốn có trong truyện, hẳn “Thương” không còn bị chê vào đâu được.

 

Trước khi đọc “Khát mùa chim di trú”, tập truyện mới của Võ Nguyên (1), tôi xem trước mục lục và hơi bâng khuâng, vừa tiếc vừa mừng, vì không thấy truyện ngắn nào có tên là “Thương” cả.

 

Mở đầu tập là “Chuối hoa”, tên của một loại cá và cũng là tên truyện. Đó chỉ là một truyện loài vật ngắn ngọn, có tính ngụ ngôn về lòng mẹ. Mặc dù đã đọc một truyện loài vật rất nổi tiếng, kể về một con chim mẹ đã tự mổ vào ngực mình để đàn chim con đang nằm trong tổ có thức ăn giữa những ngày bão lạnh, nhiều người vẫn rất cảm động khi đọc “Chuối hoa”. Theo tôi, “Chuối hoa” với chuỗi thảm kịch -- cá mẹ tự làm mồi nhử để bẫy kiến làm thức ăn cho đàn cá con, cá mẹ lại bị mèo chộp được, toan xé xác để ăn, rồi đến lượt mèo bị chó vồ, tranh mồi, ngẫu nhiên tạo dịp may cho cá mẹ thoát nạn --, còn là một trong vô vàn truyện đã phơi bày được quy luật tàn bạo, ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, của thế giới sinh vật.

 

Có lẽ Võ Nguyên đặt truyện “Dáng mẹ” kế tiếp sau “Chuối hoa” là vì thế. Qua truyện ngắn thứ hai này, Võ Nguyên cho ta cảm nhận được bi kịch ngấm ngấm mà kéo dài, và không bùng nổ, vì đó chỉ là một bi kịch tất yếu phải chịu đựng, như loài người cùng muôn loài vẫn chịu đựng hằng triệu năm nay: Người chồng cùng nhóm bạn thích thú, đam mê bắn chim, nhậu thịt chim, mâu thuẫn với tấm lòng thương xót sự sống của vợ -- một cô giáo. Cùng người mẹ của cô, cô giáo lấy việc thả chim theo lệ phóng sinh như một cách tự xoa dịu lương tâm, đồng thời nhắc ngầm người khác từ tâm một chút trong quy luật tất yếu nghiệt ngã của tự nhiên. Tất cả đều được kể lại thông qua cảm nhận của một cô bé, con của cô giáo.

 

“Tiết canh gà” chỉ là một truyện ngắn vui vui, thể hiện một cách sinh động về óc phát minh táo bạo của một nông dân, nhưng “phát minh” ăn tiết canh gà của ông không đặt trên cơ sở thực nghiệm khoa học, nên không ai khác, chính ông đã phải suýt chết.

 

Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta chứa đựng nhiều bi kịch và lắm chuyện xót xa, đến nỗi phải phơi bày trên báo chí các tội phạm là những học trò không ra gì, những nhà giáo quá tệ hại với danh tính rõ ràng, Võ Nguyên cho vào tập đến ba truyện về ngành giáo. “Tượng buồn”, tuy viết về võ thuật, nhưng lại là võ thuật trong không khí võ hiệp ngày xưa, nên đây cũng là một truyện về ngành giáo dục. Ông võ sư của Võ Nguyên không đào tạo nên tiến sĩ, cử nhân võ nào. Môn sinh của ông rất ít người, một người thành nhà sư trụ trì chùa và một người khác trở nên tướng cướp. Tên tướng cướp muốn ép thầy phải truyền nốt ngón võ bí truyền bằng hành vi thảo khấu, nên bị thầy trừng trị, biến y thành kẻ tật nguyền. Y đành phải tu hành (như sư huynh, nhưng khác về nguyên do), và may thay, y còn biết hối hận, ngày đêm tạc tượng, hình như là tượng về người thầy. Cuối cùng hai thầy trò đều được dân lập miếu thờ. “Trở về” là một truyện khác về ngành giáo dục. Có điều, tuy bối cảnh và nhân vật là ngành giáo, nhưng vấn đề đặt ra lại chung cho mọi ngành. Phải chăng Võ Nguyên muốn nói, dạy học ở nhà trường là giáo dục và đào tạo nhân lực cho mọi ngành, mọi nghề trong xã hội, nên khoa học đồng thời là nghệ thuật dùng người trong ngành giáo mà chẳng ra gì, thì còn nói chi đến xã hội? Hệ quả là xã hội vẫn còn lắm bất công và khó phát triển thành công. Hậu quả nhãn tiền là vị giám đốc sở vốn chỉ thích bố trí, cất nhắc người thân tình mà bạc đãi người tài, có tâm, rốt cuộc lúc về hưu, những “người thân tình” cũ chẳng đoái hoài đến, cũng chẳng ai quý trọng ông mặc dù ông rất mực liêm khiết, thanh sạch. Cũng về đề tài ngành giáo dục, Võ Nguyên còn có truyện “Cũng là anh”. Cũng là anh chồng chê ngành giáo, khuyên vợ nên bỏ nghề, chuyển sang ngành khác, nhất là khi vấn đề thi hành kỉ luật học sinh còn bị quy oan vào cô giáo bởi học sinh là “cậu ấm, con quan”. Cũng là anh chồng lại cảm ơn ngành giáo khi vợ bị tai nạn giao thông ở chân, học trò cũ đến giúp cô giáo nay ngồi một chỗ về vi tính, và cô nhanh chóng trở thành một chuyên viên lập trình xuất sắc; cô giáo trở về với ngành giáo ngay trong ngôi nhà của mình, khi cô mở lớp dạy vi tính tại gia.   

 

Trong tập truyện “Khát mùa chim di trú”, còn có những truyện được Võ Nguyên mở rộng ra xã hội. “Nước mắt ngàn xanh” tố cáo nạn bán rừng của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cũng là nạn phá rừng của bọn khai thác gỗ phi pháp. Chúng bất chấp đó là rừng phòng hộ đầu nguồn, nên dẫn đến hậu quả, không những khí hậu ngày càng nóng bức, lũ lụt hàng năm còn tàn phá ruộng đồng, phố thị đến mức khủng khiếp. Và chính một anh cán bộ chân chính, vốn bị bọn cán bộ hư hỏng trù dập, sa thải, đã tự mình đi thu thập tài liệu, chứng cứ để trực tiếp phản ánh lên cấp trung ương. Con người trung thực đơn độc ấy đã chiến thắng. Cũng cùng đề tài về sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, công chức trong guồng máy nhà nước, còn có truyện ngắn “Ông nội”. Ở Nam Bộ và các tỉnh Nam Trung phần ngày xưa, trong thời khẩn hoang, vốn có tập tục thể hiện sự hào hiệp, hoàn cảnh đơn côi, xa cách họ hàng bản quán, nên “bà con xa láng giềng gần”, “chén rượu thề kết nghĩa nghìn đời”. Cán bộ tập kết trước đây khi ra Bắc cũng còn duy trì, phát huy tập quán tốt đẹp này. Ngày nay, đối với kẻ xấu, kết nghĩa cha con (nghĩa phụ, nghĩa tử) chỉ là một trò dựa hơi chức quyền, nhằm kiếm chác quyền lợi, đầu cơ chức vụ hay tạo bè cánh tiêu thụ “quà biếu”. Một nhân vật trong truyện ngắn còn bỉ ổi đến mức có rất nhiều “cha nuôi” và ghẻ lạnh với cha ruột của mình, vốn chỉ là một nông dân. Võ Nguyên tỏ ra có nhiều vốn sống về lĩnh vực “cán bộ, công chức”, khi sử dụng nhiều chi tiết vừa chua cay vừa hài hước để lên án, đặc biệt là thông qua những đứa trẻ, trong đó có đứa có nhiều “ông nội”, vì nó là con trai của nhân vật có quá nhiều “nghĩa phụ”, bỉ ổi và bất hiếu kia.

 

Một truyện ngắn khác, “Mùa hoa bươm bướm”. Ngòi bút của Võ Nguyên lại viết về hồi ức của một người đàn bà Việt kiều, di tản bất đắc dĩ trong cuộc “chạy loạn” hồi 1975. Anh lần dở bao trang hồi kí không bao giờ viết, vì chúng chỉ nằm im đâu đó trong trí nhớ, thỉnh thoảng trở thành những tấm gương vỡ sắc cạnh cứa vào tâm hồn của nhân vật. Khi nhân vật trở về thăm quê, gặp lại bạn bè cũ, nay đều đã hai thứ tóc trên đầu, các tấm gương vỡ kí ức ấy lại có lúc trở thành những cánh quạt làm dịu đi từng vết cứa ròng ròng máu bởi cạnh sắc trong kí ức. Trong truyện ngắn này, ta lại bắt gặp một Võ Nguyên hơi quá quắt về “lập trường” như nhiều nhà văn hồi trước “Đổi mới”. Có lẽ, Võ Nguyên nghĩ như thế là “quân bình” khi anh đã có vài truyện trong tập thuộc loại phê phán nội bộ cán bộ, công nhân viên chức hơi nặng tay.

 

Trong bốn truyện ngắn còn lại, tạm gạt qua “Dây tầm gởi”“Khát mùa chim di trú”, có thể chia ra hai loại. Một loại, truyện có bối cảnh xưa, nhiều chi tiết có chất cổ tích, “đường rừng” như người đội lốt hổ (cọp), giải mã sự tích một ngôi miếu (“Miếu Nàng”), hoặc nhiều chi tiết sử dụng cổ tích, tuồng cổ Trương Chi – Mỵ Nương vừa như ẩn dụ để phản ánh hoàn cảnh nhân vật, vừa như đề cao chức năng của nghệ thuật là giải thoát thực tại sang – hèn, giàu – nghèo và khả năng tạo lập sự cảm thông giữa người với người trong thực tại cách bức ấy (“Người mang nửa trái tim Trương Chi”). Một loại khác, truyện hướng hẳn về xã hội hiện tại, thời sau “Đổi mới”: tiến trình đô thị hoá đã tác động đến vùng ven và nông thôn, tạo nên những bi kịch gia đình, xô đẩy số phận những cô gái trẻ khốn khó phải trôi giạt ra thị trấn, thành phố trước bao cạm bẫy, có người cố giữ chất sen trong bùn nhục dục, có người cũng phải “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”... 

 

Sở dĩ tôi không đề cập nhiều đến “Dây tầm gởi” bởi hình ảnh này có lẽ là một ẩn dụ không thành công của Võ Nguyên. Ai là dây tầm gởi (loài cây cỏ kí sinh, sống bám vào thân cây khác, có nguy cơ khiến thân cây bị bám vào khô héo, chết đứng), trong truyện ngắn này? Nếu là đứa cháu mồ côi ở với bà cô, thì so sánh ngầm ấy tàn nhẫn quá, mặc dù con cháu nào chẳng tầm gởi khi còn thơ bé, chưa thành đạt trong học hành, nghề nghiệp! Nếu dây tầm gởi là đứa con đang ở tuổi ẵm bồng của cô cháu gái, nay đã là tiến sĩ, đã lập gia đình, thì ẩn dụ ấy càng tàn nhẫn hơn, thậm chí là phi lí... Trong thực tế, cháu ngoan, hiếu nghĩa là niềm vui, tăng thêm sức khoẻ của cô, con ngoan, hiếu nghĩa là hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống của mẹ.

 

Một “truyện ngắn” khác, tôi cũng không đề cập nhiều. Tên riêng của “truyện” cũng là tên chung của cả tập, “Khát mùa chim di trú”. Thực chất đây là một tuỳ bút được viết như thể thơ văn xuôi (hoặc có người từng gọi đấy cũng là “tân truyện”). Trong “truyện” không có cốt truyện và nhân vật không được Võ Nguyên khắc hoạ tính cách này, có một số ẩn dụ cơ hồ để thể hiện vấn đề tình dục (?) chân chính một cách nên thơ và kín đáo. Tôi nghĩ, có lẽ đây là một phụ lục “thơ văn xuôi” của tập truyện hoặc là một thử nghiệm “tân truyện” (xuất hiện từ lâu ở Phương Tây và trong những năm 60-70/XX ở Miền Nam) theo cách của Võ Nguyên. Dẫu xuất phát từ ý định nghệ thuật nào của tác giả, không rõ, dăm bảy trang “Khát mùa chim di trú” cũng chỉ là một tùy bút.

 

Đến đây, tôi phải nhắc lại truyện ngắn “Thương” của Võ Nguyên. Thật ra, không như lúc chưa đọc, chỉ vừa xem mục lục, tôi tưởng lầm là “Thương” không được Võ Nguyên đưa vào tập truyện mới nhất này của anh. Truyện ngắn “Thương” đã được Võ Nguyên viết lại, nâng cấp, phát triển thành một truyện vừa, dài đến 27 trang sách, và anh đặt tên khác: “Nẻo về thành phố”. Cuối truyện, anh ghi: “Phan Thiết, tháng 04 năm 2006, tháng 01 năm 2009”. Cùng đề tài với “Nẻo về thành phố”, còn có “Thị trấn” (20 trang sách). Theo tôi nghĩ, đặt trong bối cảnh văn nghệ hiện nay, và nhìn trong cả tập, đây là hai truyện hay nhất của Võ Nguyên, nhất là truyện “Nẻo về thành phố”.

 

“Nẻo về thành phố” có dáng dấp một truyện vừa tiềm ẩn các yếu tố để có thể trở thành một tiểu thuyết. Tôi hi vọng sẽ có dịp đi sâu vào truyện vừa này...

 

Gấp lại đầu sách thứ tư của nhà văn đồng thời là nhà giáo Võ Nguyên, tôi vẫn không dứt được những ngẫm nghĩ…

 

Trong tập, có truyện thật giản dị về kết cấu và độ dài chỉ vài trang, nhưng cũng có truyện bối cảnh được thay đổi và tính cách nhân vật có quá trình phát triển, do đó số lượng trang cũng dài hơn mười lần. Cho dù truyện chỉ chấm phá, lướt nhanh, ngắn gọn hay đa phức, tính cách nhân vật có bề dày, chiều sâu, hình như lúc nào ngôn từ của Võ Nguyên cũng trong sáng. Là nhà giáo ngữ văn, chuyên viên văn học cấp sở, Võ Nguyên gắn bó lâu năm với ngành giáo dục, nên phải chăng vì thế, truyện của anh phần lớn cho người đọc cảm giác chân phương, mực thước. Dạy văn, chỉ đạo bộ môn văn (2), nhưng có điều cũng ngộ nghĩnh là Võ Nguyên tỏ ra yêu thích và am hiểu võ thuật. Những trang cần vận dụng không khí “võ hiệp kì tình”, ngòi bút Võ Nguyên cũng rất sinh động.

 

Và tôi cũng nghĩ, đã đến lúc nên khép lại những trang điểm sách này. Đã gọi là điểm sách, nhất là sách mới xuất xưởng, tôi cũng chỉ dám học tập các chuyên viên ở trung tâm y học dân tộc, tìm những huyệt đạo trên hệ thống kinh lạc của mỗi truyện và cả tập, để day nhẹ, nhằm “đánh thức kinh mạch”, với hi vọng may chăng, tạo thêm cho tập truyện chút nào khởi sắc (cảm thụ đồng sáng tạo), bằng chính sắc khí từ nội lực vốn có của nó. Có một khiếm khuyết rất nghiêm trọng của bài điểm sách này là khất lại... Vâng, thành thật xin lỗi là phải đành xin hẹn dịp khác, sẽ đi sâu vào “Thị trấn”, đặc biệt là truyện cao cường nhất của Võ Nguyên, “Nẻo về thành phố”. Vả lại, đọc trực tiếp và trọn vẹn là cách tiếp cận tác phẩm tốt nhất.

 

Gấp lại tập truyện “Khát mùa chim di trú”, tôi hoàn toàn (hoặc 95%) yên tâm để có thể bỏ dấu hỏi đằng sau dòng chữ “Tập truyện ngắn của Võ Nguyên như ngọn gió lành”.

 

 

Trần Xuân An

Viết từ 13:58, ngày 12-10 HB9 (2009) đến 18:02, cùng ngày

Xem lại, có chỉnh sửa vài câu, lúc 06:33, ngày 13-10 HB9

                                                                                                                            

___________________________

 

(1) Võ Nguyên, “Khát mùa chim di trú”, Nhà Xuất bản Thanh Niên, 10-2009, 172 trang, cỡ 14 x 20 cm.

 

(2) Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Thuận, tại Phan Thiết.

 

______________

 

 

Tối 12-10 HB9: Bài viết đã được gửi đến nhà văn Võ Nguyên cùng các nhà giáo: Ngô Vưu, Phạm Bá Thịnh (NSNA.), Tôn Thất Dụng (TS.), Nguyễn Chiến, Lê Phước Sinh, Lê Thị Bác Nhã...

Sáng 13-10 HB9: Gửi đăng trên Tạp chí Sông Hương (điện tử & in giấy), Tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận (in giấy), Trang Thông tin điện tử (Tr.Ttđt.) Sông Cửu Long, Tr.Ttđt. Trần Nhương , Tr.Ttđt. Phong Điệp

 

_____________________________________ 

 

>>>>>  Trang chủ‎  >>>>>

>>>>>  ‎I. Danh mục tác phẩm Trần Xuân An‎  >>>>>

>>>>>  ‎Z.(25). Trần Xuân An - Tập tiểu luận 4 & các bài khác (mới viết)‎  >>>>> 

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE