c. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 3

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG BA

 

 

 

1

 

 

            Cúc Tần thân yêu,

            Sáng nay anh đến Lá Xanh với những trang rời của xấp bản thảo. Anh không biết có nên xếp nó vào loại gì hay không. Tuy nhiên, quan trọng gì đâu việc định danh theo thể loại. Đó chỉ là những trang hồi tưởng của một nhân vật hư cấu. Nhân vật ấy là ai, điều đó lại càng không quan trọng, dẫu được hư cấu từ nguyên mẫu có thật. Có điều, nguyên mẫu ấy đã được biến đổi, cộng với nhiều tưởng tượng để trở thành một người khác.

            Nhân vật ấy đã ám ảnh anh đến đau đáu những năm anh sắp bước vào lứa tuổi hai mươi, trước ngày đất nước được thống nhất. Những câu văn của anh, ở tuổi đó, mỗi chữ đều muốn ''hát'' lên!

            Cúc Tần đã nhiều lần bảo anh mang tới để em đọc. Anh ngần ngại vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ là xấp bản thảo này được viết lại từ một xấp bản thảo đã bị tịch thu, có thể đang còn được lưu trữ ở đâu đấy. Nó đã xô đẩy anh vào một bước ngoặt. Một kỷ niệm buồn đau và buồn cười thế đó xảy ra năm anh hai mươi ba tuổi! Chả là, với bản thảo mười tám tuổi, anh dẫu sao vẫn còn ấu trĩ lắm. Sự ấu trĩ còn ở người tịch thu bản thảo nữa. Bây giờ, những tấm lòng đã rộng mở, những con mắt đã sáng hơn, khoan dung hơn. Rộng mở, sáng, khoan dung, dẫu muộn nhưng vẫn hơn những từ phản nghĩa.

            Năm tháng qua đi, những bức xúc, cay đắng cũng trở thành kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào. Thời gian có lòng nhân hậu của nó.

            Những trang bản thảo này, trước đây, cách đây hơn hai mươi năm, với anh chỉ là kỉ niệm đã trở thành văn. Ngay đêm trước ngày bị tịch thu, anh vẫn nghĩ đó chỉ là kỉ niệm của một thời dại khờ. Sau ngày bị tịch thu, và ngay ngày hôm nay, khi viết những dòng chữ này ở Lá Xanh cho em, bạn thân mến, anh vẫn thành thật nghĩ không khác hơn. Anh đã viết lại những dòng chữ của một thời cảm nhận mọi sự còn dại khờ xa xưa, với cách nhìn vừa của gã con trai mười tám, mười chín tuổi, vừa của người đàn ông nay đã vào tuổi bốn mươi hai.

            Có thể em thất vọng. Anh nào giấu giếm sự ấu trĩ của anh tuổi mới bước vào trường đại học ấy.

            Bạn thân mến,

            Tiếc quá chừng là sáng nay không gặp được Cúc Tần ở Lá Xanh. Hòa Bình bảo Cúc Tần qua thăm ba bên quận Ba.

            Thôi thì hí hoáy vài dòng. Chúc Cúc Tần - người bạn thân mến của anh - sẽ không đổ bệnh và bớt xinh đẹp, dịu dàng, thông minh, khi đọc những trang rời bản thảo này.

                                                                         Niên.

 

            T.B.: Điều làm anh đau đớn, bức xúc hồi anh bị tịch thu bản thảo là gì, Cúc Tần biết không? Thương cho anh và buồn cười cho anh hồi đó lắm, là bị xâm phạm đến kỉ niệm! Chỉ có thế! Có bao kỉ niệm tầm thường, với anh, cũng mãi là báu vật, nhất là khi trở thành trang viết!

 

 

2

 

 

            Hồi ấy, mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học, tôi dự cảm cuộc đời mình sẽ rẽ qua một chặng đường khác, khác hẳn mười tám  năm trên lối cũ. Không phải khác mái trường, nơi chốn. Cái khác, ấy là sự đổi đời. Một tôi sẽ phải chết đi, để một tôi được nở sinh vào một kiếp khác. Chết. Khi có ý niệm đó, nghĩa là còn tiếc nuối được sống với mười tám năm đã trở thành quá vãng. Nở sinh. Đấy là ý niệm thèm sống, được sống mới hẳn, với một thân phận mới tinh khôi. Vừa tức tưởi, vừa hân hoan. Rồi nhanh chóng thôi, hân hoan lấn át tức tưởi.

            Trong những ngày cô đơn và cô độc, tôi đã viết như  trút bỏ hết quá khứ mười tám năm  trên trang giấy. Tôi đã hình dung ra một Gương Mặt Tình Yêu để chia sẻ nỗi niềm. Tất cả những gì đã được cảm nhận, trải nghiệm suốt mười tám năm đã trở thành một nhân vật trữ tình - tự sự hư cấu.

            Tôi, nhân vật tự xưng ở ngôi thứ nhất ấy, kể lể ngậm ngùi, triết lí buồn bã, với một nhân vật khác được gọi bằng đại từ Nhỏ : Nhỏ thân yêu, hay Bé Con yêu dấu!

            Tất cả được viết dưới ánh sáng của nỗi buồn, ánh sáng ảm đạm, để rồi cuối cùng được sáng lên ánh sáng của hi vọng.

            Tôi đã bắt đầu dòng chữ thứ nhất bằng một băn khoăn về điểm khởi đầu của một phận người. Nhân phận hay thân phận, danh từ ấy là tên gọi khác đi về Kiếp Người. Sao ngày xưa, ngàn năm xưa, những chữ ấy buồn đến thế, gợi nên cả một trời bi đát. Sống là buồn, là trả nợ, là nghiệp. Và cái nghiệp của tôi, bi đát như nghìn nghìn triệu triệu cái nghiệp khác, khởi đầu từ đâu? Từ một Tình Yêu của Cha và Mẹ? Từ một ngẫu nhiên hân hoan hay tình cờ đau đớn?

            Cha và mẹ tôi ngày ấy có thật lòng yêu nhau không nhỉ? Họ phải lòng nhau từ giây phút nào, nơi chốn nào? Tôi tin nhân phận tôi khởi đầu từ phút ấy, nơi chốn ấy. Tôi cứ hình dung những khoảnh khắc trao tình, ngỏ ý trong ca dao. Cha đã ngã cành hoa hồng cho mẹ sang sông? Cha đã xin cắt cỏ cùng mẹ để chung tình làm đôi? Hay từ ép uổng nào, mẹ khóc thầm ở xó bếp, cha gầm lên tủi hận giữa đồng khô, động cát?

            Làm sao tôi biết được! Cũng không làm sao tôi biết liệu mẹ và cha có chăng cùng nhau nỗi ngọt lịm huyền ảo của trăng với mật! Nhân phận tôi, cái nhân phận xác thịt xương cốt này, khởi từ giây phút âm dương nào? Ngọt hay đắng? Nồng nàn hay lạnh nhạt? Vằng vặc huyền ảo hay tối tăm thô thiển?

            Có một điều chắc chắn là tôi được chào đời vào một buổi sáng mùa mưa. Với một cảm quan nào đó, mưa như một nỗi buồn đằng đẵng - mưa Miền Trung lê thê như một định mệnh. Tôi không tin vào tiền định. Tôi cũng không tin thời tiết như một tác nhân siêu hình. Mưa, sau này, năm mười tám tuổi, mãi sau này, vào tuổi bốn mươi hai, mưa là biểu tượng của một bối cảnh. Mưa, có tội tình gì bao giọt nước rơi rơi, bay bay, nhẹ như tơ hay nặng hạt giữa trời. Ở Quảng Trị, các tỉnh gần đó, vào mùa mưa, người ta sợ mưa, mưa bợt người, mưa không cất mặt lên nổi, mưa đến sốt ruột buốt gan, người ta cũng khát mưa đến cuồng dại giữa mùa nắng hạn, sông phơi lòng, nứt nẻ đến mức chân trâu cũng sỉa xuống vết nứt ấy, hoặc nhớ mưa mùa đông đến quay quắt, ngẩn ngơ, bồi hồi. Nhưng dẫu sao, mưa với tôi vẫn là một bối cảnh buồn, có vui chăng lúc nào đó, cũng là niềm vui trầm lắng, thấm thía, ở một văn cảnh nhất định. Đấy là cảm nhận về mưa, và mưa như một biểu tượng của riêng tôi. Tôi không tin cơn mưa sáng hôm tôi chào đời làm  nên bản chất đời tôi một cách ngây ngô.

            Mười tám tuổi, tôi muốn tìm cách định nghĩa cái tôi của mình. Tôi cũng ước ao sao, chính tôi là kết tinh của phút ngỏ tình trong ca dao, bởi lẽ cha tôi là nông dân thuộc loại lực điền, mẹ tôi là thôn nữ xinh đẹp. Tôi cũng ước ao sao, tôi chính là kết tinh của trăng vằng vặc, huyền ảo hòa hợp với chất ngọt lịm của mật. Và thú thật, tôi âu lo về cơn mưa

khoả ngập cả tiếng khóc chào đời của tôi năm nào xa lắc ấy một cách vớ vẩn.

            Đó không bao giờ là một cách định nghĩa khoa học đến tuyệt đối. Tôi biết vậy. Trong chừng mức nhỏ thôi, tính chất của ba khoảnh khắc ban đầu để làm nên một nhân phận, một kiếp người, tôi hi vọng không sai.

            Tôi hiểu tôi đã định nghĩa chính mình với đôi mắt thơ ca.

            Bây giờ, khi đã đứng tuổi, viết những dòng chữ này, tôi mỉm cười với những ''vì sao'' thuở ấy, năm mười tám tuổi.

            Sống, ai khờ khạo gì cứ đăm đắm hồn mình vào dĩ vãng, dẫu dĩ vãng thế nào đi nữa. Nhưng sắp bước vào tuổi mười chín, trước phút đổi đời, chết đi để lại được nở sinh , tự khai sinh lại đời mình, tôi đã ngậm ngùi vĩnh biệt tôi thế đấy. Và băn khoăn ấy là những trang đầu của xấp bản thảo.

            Gương Mặt Tình Yêu ơi, em là nhỏ thân yêu, là bé con yêu dấu của tôi năm ấy và mãi sau này, dẫu em không hề có thật. Em có nhớ em đã chia sẻ giúp tôi và cùng tôi băn khoăn ấy không? Có nhớ cho nhau không, Thượng Đế yêu dấu của trái tim tôi, năm mười tám tuổi? Một em của nỗi cô đơn đã tưởng tượng ra, một tôi của niềm cô độc đã hư cấu nên. Một em của khát vọng tình yêu đương, một tôi của chất thơ trong những trang  văn xuôi thuở đó. Em còn nhớ không?

            Chắn chắn tôi không phải là gã con trai bệnh hoạn say đắm bóng mình trên làn nước. Em không phải là phiên bản của chính tôi. Em đã kết tinh trong tôi thành Gương Mặt Tình Yêu tự bao giờ, từ những ngọn nguồn nào? Tôi cũng tìm cách định nghĩa chính em. Em còn nhớ không?

 

 

3

 

 

            Em yêu dấu,

            Thật ra, có lúc tôi đã nghĩ, mỗi một con người đều được kết tinh từ những ngọn nguồn có thể đã hàng vạn năm. Em hiện hữu từ nỗi cô đơn và niềm thèm được yêu trong tôi cũng có thể đã hàng vạn năm như thế. Có điều, bao người có thật như họ có thật, còn em là hình tượng của khát vọng xóa lấp cô đơn. Em hãy cùng tôi nhớ lại những trang kỉ niệm...

            ... Có thể mỗi con người đã cảm nhận cuộc đời từ lúc mới chỉ là hạt máu hồng trong lòng mẹ. Nhưng để ý thức lờ mờ, hồn nhiên về cuộc đời chung quanh, mỗi người phải đợi đến năm mình hai tuổi.

            Tôi không cách nào nhớ được bước chân đầu tiên chập chững có lẽ trên nền nhà bằng đất của một mái tranh.

            Năm được lên năm, kí ức đã hình thành rõ rệt. Tôi tin rằng trước tuổi lên năm, có thể các cảm nhận, nếu có, đều thành vô thức.

            Mái nhà tranh mẹ tôi sống góa bụa ở một làng quê với một người dì xa vắng chồng, lúc tôi năm tuổi, đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.

            Năm ấy, trong một tối trời mưa, vẫn là mưa mùa đông ở Quảng Trị... Ngọn đèn thắp sáng chỉ là ngọn đèn nhỏ, bóng đèn bé bằng quả trứng vịt. Khi tôi được bế lên giường, nằm cạnh mẹ, còn mẹ cạnh dì, bấc đèn được vặn thấp để chỉ còn lại đầu bấc một chấm lửa xanh biếc hơi hoe vàng. Tôi đã ngủ đẫy giấc lúc trưa nên đến lúc đó vẫn còn thức. Hơn nữa, mùa đông mưa rét, người ta lên giường sớm lắm. Nằm trên giường, đắp chăn, nghe mưa rơi và gió rít bên ngoài.

            Tôi nghe tiếng dì thở dài:

            - Mưa buồn quá. Năm nay trời lại lạnh  hơn năm ngoái.

            Mẹ tôi cũng thở dài, tiếng thở dài đã từ lâu nén trong ngực:

            - Ừ, buồn. May là không bão. Cứ sợ bão xô cửa, xô nhà. Nhà không có đàn ông...

            - Anh mất rứa cũng đã ba năm rồi, phải không chị? Cơ khổ, hồi anh bệnh... - dì chậc lưỡi.

            Hình như mẹ gác tay lên trán, lại thở dài:

            - Kiếp người ta có số, có phận cả. Số tôi mẹ góa, con mồ côi.

            - Số em số đợi, số chờ... - dì tôi nghèn nghẹn - Hai chị em mình răng khổ rứa!

            Tôi nghe hình như dì khóc tấm tức.

            - Đừng khóc nữa dì - mẹ tôi an ủi - Dì vẫn mau khóc, nhạy nước mắt như hồi nhỏ. Ít lâu nữa, dượng về.

            - Nói hai năm, đến chừ đã bảy năm rồi! Không chừng có vợ, có con ngoài Bắc rồi! Lại không thư từ chi cả! - giọng dì như hờn dỗi, tủi thân - Chiến tranh chặn cả đường thư từ!

            - Nhưng có chờ, có đợi vẫn hơn không! - mẹ nói khẽ.

            - Thà là không! Không như anh là khỏe lòng! Cơ chi em có được đứa con như chị - hình như dì trở mình quay mặt vào vách đất - Không như anh, thà chỉ nhang với khói thôi...

            - Dì đừng nói dại! - mẹ tôi lại an ủi - Không là thành đất. Không như cha thằng cu đây thì buồn hơn.

            Im lặng một lúc lâu, tôi không nghe mẹ hoặc dì nói gì nữa. Mưa và gió vẫn bay, vẫn lạnh buốt bên ngoài.

            - Mưa gió buồn quá! - mẹ thở dài - Ngủ đi dì, thức chi thêm buồn.

            - Em cứ muốn lên giường là ngủ liền, mà không ngủ được! Không biết khi mô mới thống nhất!

            - Dây lạc tiên phơi khô, răng dì không sắc mà uống? Quên đi. Khi mô dượng về thì về, nhớ với thương chi cho mất ngủ.

            - Nói đi tập kết ra Bắc hai năm mà rứa đó! - dì ấm ức.

            - Thôi, quên đi - mẹ nói - Rồi dượng về... Ngủ đi! Tôi ngủ đây, nghe dì! - có lẽ mẹ muốn dì đừng khóc nữa.

            Và tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ.

            Sau này, khi lớn lên, tôi mãi còn nhớ giọng thì thầm, buồn rầu của mẹ, giọng nghẹn ngào, da diết, hờn dỗi của dì, trong đêm mưa ấy. Đấy là lần đầu tiên tôi biết không cha, cha đã mất là một nỗi buồn, và thương nhớ, thương đến cứa lòng, nhớ đến đứt ruột một người xa vắng, không tin tức, thư từ cũng làm người ta rơi nước mắt hay vu vơ hờn dỗi. Có lẽ đấy cũng là lúc tôi cảm nhận ý nghĩa thơ ca của mưa lạnh và đêm tối.

Gương Mặt Tình Yêu ơi, em nhớ không - mỗi người có thể chăng định nghĩa về chính mình bằng những ấn tượng  kí ức thuở ban đầu như thế, cùng với những kỉ niệm không thể nào quên sau này, nhất là thời mới lớn, năm tháng thanh niên? - điều tôi chia sẻ cùng em năm mười tám tuổi?

 

 

4

 

 

            Nhỏ thân yêu,

            Như em đã biết đó, ấu thơ của tôi hồn nhiên mà đìu hiu với dì và mẹ, hai người đàn bà chưa vượt qua tuổi ba mươi đã sớm già nua, héo hắt bởi cô quạnh, đau buồn, thương nhớ. Tôi không thể quên được màu đen, màu nâu, hai loại màu sắc buồn như muốn lẫn vào với bùn đất, mẹ và dì thường xuyên mặc quanh năm, chỉ trừ mỗi ba ngày tết. Năm tuổi, chưa vào được đầu cấp tiểu học, mẹ đã gửi tôi vào lớp vỡ lòng, một lớp như lớp mẫu giáo lớn bây giờ. Thế là tôi không còn chơi đùa với mấy đứa nhỏ trạc tuổi, nghe mệ già móm mém, gầy sắt lại với lớp da nhão, đùn vô vàn nếp gấp kể chuyện ngày xưa. Bà mệ già cũng mặc màu nâu hoặc đen. Mọi người ra đồng hết rồi, chỉ còn lũ trẻ với các cụ già trông nhà. Bà mệ già, lũ bạn kia là những người láng giềng của mẹ. Từ nâu và đen ở nhà mình, tầm mắt tôi mở rộng ra sân đất bên kia rặng tre, cũng gặp nâu và đen. Rồi học vỡ lòng, lại gặp màu áo đen của các tu nữ đeo thánh giá trước ngực.

            Nhà tôi không xa trường lắm, nên đã có thể đi bộ một mình về nhà hoặc đến lớp.

Sau những giờ hát hò, tập đếm số bằng bó thẻ tre, tôi lại được nghe giảng giáo lí Đạo Chúa, cũng ê a đọc kinh, tay làm dấu thánh, theo sự hướng dẫn của các tu nữ.

            Thuở đó, các tu nữ có một chiếc yếm mang trước ngực, bên ngoài lần áo đen. Chiếc yếm trắng nổi bật trên áo đen, như vầng trăng còn khuyết, chưa tròn vành vạnh, hoặc tròn rồi nhưng hao hụt đi. Trăng còn non hay trăng đã già, tôi không rõ. Cây thập giá treo trên vầng trăng đó.

            Tôi còn nhớ các tu nữ rất nghiêm khắc với chiếc roi mây. Tôi hát hò, chơi đùa với chúng bạn dưới vầng trăng hao khuyết, cả chiếc roi mây, và cũng cùng với màu đen.

            Tôi không muốn nói ấu thơ của tôi chỉ là màu đất, màu đêm, dẫu suốt đời tôi yêu lúa, yêu trăng. Sau này tôi mới nghiệm ra, đất nẩy mầm xanh, còn vầng trăng ấy sáng lên cái chết tử hình của Chúa. Sự sống và cái chết để sống (?).

            Rồi như em biết đó, tôi không biết nhờ cơ may nào, mẹ cùng tôi được vào Miền Tây Nam Bộ sau khi tôi học chưa hết lớp vỡ lòng ở Quảng Trị. Tôi đã học lớp đầu của bậc tiểu học ở một huyện lị thưa vắng dân cư tận sông Hậu, rồi sau đó lên Sài Gòn. Tôi bỗng dưng trở thành chú bé nói rặt giọng Nam. Lần đầu tiên tôi biết đến màu vàng nghệ của tấm áo tu sĩ phái tiểu thừa khất thực.

            Sau hai, ba năm gì đó về lại quê nhà giữa lòng Miền Trung, tôi nhạt dần giọng Nam, quên bẵng màu đắp y vàng. Cho đến một hôm, trên đường đến lớp, ngang qua đình làng, tôi thấy lại màu vàng ấy, nghe lại giọng Nam ấy. Các hành giả tiểu thừa đang nghỉ trưa sau bữa cơm độc nhất trong ngày đựng ở bình bát. Tôi lấm lét lẻn vào đình vì sợ ông từ. Những hành giả ngồi xếp bằng lim dim mắt khiến tôi liên tưởng đến tượng Phật trên chùa làng. Hình ảnh Phật với các hành giả này không khác gì nhau cả. Điều đó khiến tôi vừa thấy gần gũi vừa sờ sợ, nhưng rồi cũng mon men đến gần các hành giả áo vàng, hầu như ở Quảng Trị không có, chỉ các tu sĩ áo lam hoặc nâu.

            - Tới đây, bước lại đây, cháu ơi!

            - Dạ - tôi vừa dạ vừa nghe trong kí ức mình vang lên chất giọng Nam Bộ một thuở nào đã ngấm vào nếp tư duy, vào cả tiềm thức của tôi, đã ngọt trong thanh quản và đầu lưỡi tôi.

            - Cháu ở xóm nào trong làng này?

            - Dạ, ở xóm hạ.

            Rồi qua dăm câu làm quen, tôi hầu như đã quá thân với các hành giả ấy, những khất sĩ từ Nam Bộ lặn lội ra đây.

            - Tu làm chi rứa, thưa sư? Để lên Thiên Đàng?

            - Để thành Phật, để lên cõi Niết Bàn.

            - Niết Bàn là Thiên Đàng hả sư? Có giống Bồng Lai không sư? Sư giảng cho cháu nghe đi.

            - Là một đó thôi, nhưng mắt nhìn mỗi tôn giáo mỗi khác. Đó là nơi không có sự chết cũng như không có sự sinh nữa, không trẻ, không già nữa, không buồn, không khổ, không bệnh nữa.

            - Không chiến tranh, bắn nhau nữa, thưa sư?

            - Ừ. Không cả chiến tranh.

            - Tu hành khổ lắm. Mạ nói người tu xem khổ là sướng.

            - Khổ để sau này sướng, cháu ơi! ''Tu là cỗi phúc''.

            Tôi nhớ đến mẹ và dì, nhớ bà mệ già, nhớ các tu nữ. Đấy là những người cũng như sư, đều mơ ước hạnh phúc. Hạnh phúc trong cõi người ta và hạnh phúc ở cảnh giới vô hình. Mẹ ước cha tôi sống lại, mẹ cùng cha sinh con đẻ cháu đông đàn dài lũ, cơm no áo ấm. Dì mơ ước đất nước thôi chia cắt, người dượng tập kết ngoài Bắc trở về bên dì cho đến khi trắng tóc. Nhưng cả mẹ và dì, cũng như bà mệ già, đều mơ ước thêm cõi bồng lai ngoài trần gian này. Các nữ tu sĩ, các hành giả cũng không muốn chết, hoặc chết tạm thời để sống vĩnh hằng ở cõi trên trời. Và mọi người đều có kinh kệ riêng, là ca dao, cổ tích, huyền thoại, là chuông mõ với giọng tụng niệm ê a âm Phạn ngữ, là đàn với thánh ca có tiếng La Tinh.

            Cũng thế, tôi, năm mười tám tuổi, mơ mộng đến mức khát vọng về em - Gương Mặt Tình Yêu của tôi, yêu dấu của tôi, hạnh phúc của tôi.

            Em còn nhớ không, những câu thơ, những trang văn của tôi ngày đó là kinh kệ, là thần chú gọi em về trong thương nhớ đầy ắp trí tưởng, tâm hồn tôi.

            Vượt lên màu nâu, màu đen, lam lũ và nghèo khó, của mẹ, của dì, vượt lên màu đen, màu trắng tu nữ, nghiêm nghị và khắc kỉ, vượt lên cả màu vàng, màu nâu, màu lam của hành giả, thiền sư, chay tịnh và khổ hạnh, là màu lụa hồng áo em, màu trắng học trò của tâm hồn em, tình yêu và trinh bạch.

            Tôi không hề đùa chút nào cả, nghe không bé con yêu dấu! Tôi cũng âu lo khi nghĩ ai đó sẽ bảo tôi phạm thượng, nhưng tôi quả thực thành tâm nhớ về em, và em tràn đầy trong tâm hồn tôi như Thượng Đế. Nhưng em không bao giờ có thật! Vậy phải chăng tôi là người mộng mơ đến hoang tưởng? Không. Trong cô đơn và cô độc, như cô bé  An-nơ Phơ-răng viết nhật kí, tâm tình với con búp bê Ki-ti, tôi cũng có người yêu với cõi miền tưởng tượng của mình (10). Bấy giờ, mười tám tuổi, tôi đã tôn giáo hóa, thi ca hóa tình yêu đương, khát vọng yêu đương đến thế! Em có nhớ một tác phẩm văn chương cổ điển...

            Nhỏ yêu dấu, thuở đó, em cũng thành tâm như tôi. Bây giờ, em có buồn cười cho thời mơ mộng ấy? Nhớ không, bức tranh yêu dấu trong niềm tương tư một thuở, dẫu là bức tranh được vẽ bằng chữ (11)?

 

 

5

 

 

            Nhỏ yêu dấu,

            Vậy đó, tôi đã kể tiếp chuyện cho em nghe.

            Từ hôm được gặp các hành giả ở đình làng, giữa một ban trưa mùa hè, tôi thốt nhiên được đánh thức chất giọng Nam Bộ. Rồi suốt lớp học hè tôi rặt nói giọng Nam Bộ, nhất là vào những giờ ra chơi. Đó là một trò đùa giữa một làng quê Quảng Trị. Ban đầu là cái nhớ vô thức, sau đó lây lan trong nhóm bạn như một trò vui của chúng nó, còn với tôi vẫn là ôn lại kỉ niệm sông Hậu - Sài Gòn, nhưng dần dần, tôi nào ngờ, với lũ bạn, trò chơi giả giọng đã nhạt, đã chán. Chúng đã phát cáu khi tôi vẫn hồn nhiên thích nói giọng Nam.

            - ''Chửi cha không bằng pha tiếng''! Mi phải im cái miệng lại, vặn lưỡi lại, nghe chưa!

            Có đứa bực bội vì  có thể đã hiểu sai câu tục ngữ đó.

            Tôi gân cổ ra cãi:

            - Pha tiếng! Tức là không chêm tiếng Tây, hoặc dốt chữ nho mà hay chêm chữ Tàu. Pha tiếng đâu phải pha giọng!

            Một thằng bạn thân nhe răng sún:

            - Pha tiếng tức là, thay vì mô tê răng rứa, lại đâu kia sao dzậy!

            - Dốt! - một đứa khác ra vẻ đàn anh - Rứa sách vở, lời thầy cô giảng đều pha tiếng Nam, tiếng Bắc cả hay răng?

            - Hoan hô pha tiếng Nam, Trung, Bắc. Chỉ nện, chỉ ''guánh'' (đánh) thằng mô pha tiếng Tây hay xổ nho.

            Nhưng khốn nỗi, đứa thua lí cả bọn lại là thằng to xác. Nhà nó xa lớp hè hơn nhà tôi nhưng cùng đường về. Đứa bé mười tuổi là thằng tôi phải mấy phen nhừ đòn bởi nó. Nó đánh tôi vì cho rằng tôi đùa dai, chơi trội, và có lẽ còn do nó thua lí nữa. Cũng có thể thêm một nguyên nhân khác: Nó không muốn giữa đàn gà bỗng dưng có một con vịt.

            Làng quê thương mến của tôi còn có một đặc điểm, hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ trên trần gian này có một. Đó là mỗi ''phe'' (xóm) một giọng. Một làng có bốn phe, âm sắc không phe nào giống phe nào. Chỉ cần nghe giọng nói là biết địa chỉ! Lạ vậy đó, dẫu bốn phe đều có chung một đình làng! Nếu không chung một đình làng, hẳn bốn phe sẽ thành bốn quốc gia, bốn dân tộc trong vài trăm năm sau.

            Phe này nhại giọng phe kia cũng đã bao lần gây ra ẩu đả. Tất nhiên chỉ giữa bọn con nít với nhau!

            Việc tôi ốm đòn bởi một thằng to xác cùng phe, do khoái nói giọng Nam một cách vô thức, hồn nhiên, khiến tôi nhận thức rõ ''đặc điểm'' của làng về sự khác giọng. Sự ghét giọng của nhau làm tôi căm ghét sự khác đó, vì chưa hiểu tính đa dạng.

            Đúng là thằng bạn to xác thua lí ngày ấy, bằng cú đấm trời giáng, cú đá nẻ đất của nó, vô hình trung đã dạy cho tôi lòng căm giận óc cục bộ, địa phương, kì thị dân tộc. Sự khác biệt dân tộc trước hết là khác biệt ngôn ngữ, và sự khác biệt ngôn ngữ khởi nguyên từ khác biệt địa bàn cư trú. Biết đâu, khác biệt địa bàn cư trú cũng là nguyên nhân rất xa, hàng vạn năm, dẫn đến khác biệt màu da, chủng tộc! Thằng bạn ''kẻ thù'' ngày thơ bé ấy đã thành ''thầy'' của tôi như vậy. Thằng bạn ấy, sau này, lại cưới một cô gái Nam Bộ và nói giọng Nam đặc sệt. Có lẽ, nó cũng học được điều gì từ cú đấm, cú đá tự vệ của thằng ôn con là tôi! Để học được cách tự vệ, tôi đã đấm đá bầm dập hàng chục cây chuối trong vườn mẹ! Tôi nào muốn đánh nhau, nhưng để khỏi đánh nhau nữa, cũng chẳng muốn lạy lục ''kẻ thù'', không còn cách nào khác là phải rèn luyện cú đấm, cú đá như thế. Thật buồn cười chuyện con nít! Buồn cười đến nghẹn ngào!

            Em còn nhớ không, năm tôi mười tám tuổi, em đã cùng tôi về thăm lại kỉ niệm đắng chát ấy, lúc vị đắng chát nhờ biết suy ngẫm và thời gian đã trở nên ngọt bùi. Ồ, nói thế cũng là cường điệu, phóng đại quá. Đắng chát tuổi thơ mau trở nên ngọt bùi lắm, đôi khi vết bầm ''guánh'' nhau chưa bớt tím, đã chia nhau chiếc kẹo vừng ngọt bùi. Không. Năm mười tám tuổi, ta đã giúp nhau ôn lại bài học tuổi thơ về ghét giọng, ghét miền, và cả bài học về tính đa dạng, phong phú mà thống nhất.

            Nhỏ thân yêu, bé con yêu dấu, em còn nhớ không?

            Vậy đó, tôi đã kể chuyện cho em nghe. Tôi lại lắm lời tâm tình với em bằng những dòng vĩ thanh của mỗi chương thế này!

 

 

6

 

 

            Sáng hôm đó, sau khi từ quận Ba về lại Lá Xanh, Cúc Tần nhận được xấp bản thảo gói kín trong giấy báo từ tay Hòa Bình. Cô tiếc không được gặp Niên. Vừa làm bếp, Cúc Tần vừa đọc bức thư Niên hí hoáy viết tay, rồi đọc luôn cả những trang đầu cuốn tiểu thuyết còn ở dạng đánh máy thô sơ. Cúc Tần hơi ngờ ngợ. Đọc hết chương đầu, cô sực nhớ hình như cô đã được đọc những nhân vật này, tình tiết này ở đâu đó. Cô đọc lướt, đọc nhảy cóc các chương khác. Đúng rồi. Không thể sai được. Đây chính là cuốn tiểu thuyết tự truyện của anh giáo viên dạy trường của cô ruột cô, tận Tiền Giang. Đúng là cách kết cấu này: cứ mỗi chương tự sự lại có đôi ba trang trữ tình như nằm ngoài kết cấu chung, dạng của một bức thư. Mười hai chương cộng với mười hai bức thư như vậy. Bức thư như lời trữ tình ngoại đề dài, có đôi chi tiết tự sự bổ sung trong đó.

            Ăn cơm xong, Cúc Tần lại đọc trong khi Hòa Bình rửa chén bát. Đến trường, Cúc Tần lại mang theo để đọc trong những phút đổi tiết ở văn phòng. Chiều lại, đón Cảo Thơm, về nhà, cô tắm rửa, ăn cơm, rồi lại đọc. Chưa bao giờ cô đọc vội vã, bỏ băng như vậy.

            Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn tiểu thuyết  ở dạng viết tay cô đã đọc năm ấy. Nhưng cũng không phải đúng y như cũ. Rõ là có bổ sung, sửa chữa và lược bớt. Cô run lên với những bức thư cuối mỗi chương, Niên gọi là các vĩ thanh. Đó là những lời thầm thì tâm tình, rất ít các chi tiết tự sự. Cốt truyện và tự sự, với ngôi thứ ba, đã ở các chương trong kết cấu chính của tiểu thuyết. Cô cứ ngỡ, với các bức thư ngoại đề, vĩ thanh này, ở ngôi thứ nhất của đại từ, Niên chỉ viết cho riêng cô. Đấy là ngỡ thế, Cúc Tần vẫn ý thức rõ Niên viết cho một nhỏ thân yêu nào, cô bé yêu dấu nào Niên tưởng tượng ra. Cô vừa sung sướng vừa xấu hổ (Tâm trạng đó có lẽ đậm nỗi tự ái!).

            Cúc Tần đọc các bức thư xen kẽ ấy trước. Cô chẳng cần tự sự lạnh lùng của người kể chuyện. Cô cần lời trữ tình trực tiếp, mỗi chữ như gõ vào trái tim cô. Tự ái đã được chất ngọt mê hoặc!

            Có lẽ nào những bước chân tình cờ lại đưa đẩy để cô gặp được tác giả cô chưa hề gặp mặt ấy. Và lạ lùng thay, đã gặp, đã quen, đã yêu nhau vẫn không ngờ mười mấy năm trước đã có cơ duyên cùng nhau, từ một xấp bản thảo!

            Trong mấy ngày, nhất là các buổi sáng, Cúc Tần muốn bấm số gọi Niên, nhưng cô lại ngần ngại. Cô ngần ngại vì sợ Niên không phải là anh giáo viên ngày ấy tít tận Tiền Giang. Có thể Niên viết lại câu chuyện anh giáo viên ấy đã viết. Cô sợ sự thật. Cô cũng sợ Niên biết, ngày ấy, cô yêu tác giả xấp bản thảo bằng trái tim dại dột nhất, mê cuồng nhất của cô bé mười ba tuổi. Cúc Tần đỏ mặt khi nghĩ đến điều đó. Mười ba tuổi, chứ không phải mười bảy tuổi, như cô đã nói với Niên! Năm bảy chín ấy, con bé mười ba tuổi đã yêu đến bật khóc một người chưa hề gặp mặt!

             Cúc Tần cứ tần ngần trước máy điện thoại. Cô vừa ngóng Niên, vừa ngại Niên đến.

             Cúc Tần nhớ, năm bảy chín ấy, cô Lê Thị Sông Phố của cô, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Mỹ Tho lên Sài Gòn ăn tết với gia đình cô, đã mang theo một xấp bản thảo. Cô Sông Phố đưa cho ba cô và nói, giọng còn bực dọc:

- Anh thử đọc trong tuần lễ nghỉ tết nguyên đán này xem. Của một anh giáo viên vừa ra trường được một năm đấy!

            Ba cầm, thấy những dòng chữ viết tay, ngẩng mặt lên hỏi:

            - Tác giả tên gì vậy?

            Cô Sông Phố lắc đầu, vừa thông cảm vừa nghiêm khắc:

            - Thôi, đây là chuyện riêng của người ta mà. Dạng như tự truyện, có thể tự thuật mười mươi cũng nên. Lẽ ra, phải tôn trọng kỉ vật riêng tư, nhưng lại do bí thư chi bộ kiêm thư kí công đoàn phát hiện mới rầy rà! Em đọc rồi, chẳng có gì là động thời văn hay ngụy thư cả. Anh tác giả cũng nói anh ta đã'' sáng mắt sáng lòng'' lâu rồi, nhưng vẫn giữ cái gọi là lãng mạn, siêu hình, duy tâm này để kỉ niệm thời trước giải phóng chơi. Chỉ có vậy, nhưng ông bí thư cứ muốn xới việc lên để rút kinh nghiệm trong tổ ngữ văn luôn thể. Ông này vốn là nhà phê bình văn học, thỉnh thoảng có bài phê bình, lý luận đăng báo. Thật tâm ổng cũng tốt thôi, nhưng anh giáo viên không chịu nổi. Anh ta cho vậy là thô bạo, đánh vu hồi quá khứ, là lợi dụng khuyết điểm cá nhân! Còn theo em, cũng nên phê phán để rút kinh nghiệm!

            Ba cười ha hả:

            - Chuyện gì mà dao to búa lớn thế! Kỉ niệm riêng tư cũng đáng giữ gìn thật, dẫu thế nào đi nữa. Mấy ông nhà thơ, nhạc sĩ tiền chiến đó, cũng ngụy chứ còn gì nữa. Vấn đề là sau bảy lăm, sau ngày giải phóng... Thật ra, thay đổi nhận thức, nhân sinh quan, thế giới quan, có người rất nhanh, như thể đột biến, có người rất chậm, hàng chục năm, có người không thay đổi! Cô cứ để đó, tôi mượn đọc xem. Dẫu sao, cũng ''cùng một lứa bên trời lận đận''! - ba ngẫm nghĩ - Tôi thấy cô ... hơi căng đấy chứ?

            Và cô bé Cúc Tần mười ba tuổi len lén đọc. Cô bé say mê nhân vật trong truyện đó, mê cả giọng văn, dẫu ba cô bảo chưa thật hay lắm, nhiều đoạn còn vụng. Cô bé Cúc Tần vẫn thích chất lãng mạn của khát vọng yêu đương! Với thẩm thức của cô hồi đó, đấy là tác phẩm tuyệt vời. Cô bé yêu luôn cả tác giả!

            Mùng hai tết, cô Sông Phố về lại Mỹ Tho, Cúc Tần thỏ thẻ xin về, vì cô biết, mùng bốn, có người chú họ lại lên Sài Gòn, cô sẽ theo lên. Thật lòng cô bé Cúc Tần muốn gặp anh giáo viên cô Sông Phố giấu tên ấy. Mùng ba, Cúc Tần theo cô Sông Phố đến nhà tập thể của giáo viên. Qua câu chuyện, cô biết anh giáo viên ấy tên Nguyễn Văn  Phần, nhưng rất đáng tiếc, cô không được gặp! Tác giả ấy đã bỏ trường ra đi từ trước tết, hôm hai mươi sáu tháng chạp âm lịch!

            Cúc Tần thất vọng trở lại Sài Gòn. Cô không những yêu mến mà còn thương, rất thương anh giáo viên ấy. Anh ấy lớn hơn cô những mười tuổi! Rồi cô bé Cúc Tần buồn quá khi nghe anh ấy chết!

            Sau này, cô vẫn nghĩ đấy là mối tình đầu của trái tim cô! Cúc Tần đã đau đớn với những cụm từ: ''Tư tưởng, tình cảm lãng mạn chủ nghĩa'', ''cái nhìn siêu hình về chiến tranh, về nhân phận'', ''truy tìm, khai quật vô thức theo những khái niệm tư biện, bịa đặt, suy đồi, duy tâm''... Những từ ngữ ấy đóng đinh vào trí óc cô một cách khô khốc. Bấy giờ, cô chẳng hiểu gì về những cây đinh sắc nhọn ấy. Cũng chẳng hiểu sao nhân vật của cuốn tiểu thuyết đó vẫn là hình tượng ám ảnh Cúc Tần từ độ ấy, rồi theo tháng năm, khuất chìm trong vô thức.

Cúc Tần phân vân bên máy điện thoại. Cô muốn gọi Niên, nhưng cứ sờ đầu ngón tay lên phím số, lại phân vân. Cô nghĩ phải gọi về Cần Thơ, gặp cô Sông Phố, để hỏi thử cô Sông Phố còn nhớ chăng tác giả Nguyễn Văn Phần với xấp bản thảo. Chắc chắn cô Sông Phố không sao quên được. Cô ruột của Cúc Tần chẳng ân hận đến thẫn thờ khi tác giả ấy bỏ đi đó sao! Một người nữa, Cúc Tần phải gặp, đó là ba của cô. Cách đây mấy hôm cô mới vừa qua quận Ba thăm ông. Trí nhớ của ông không thể không mờ đi theo tuổi tác. Có điều, chắc ông cũng không thể không nhớ về  xấp bản thảo ông đã đọc cách đây mười chín năm!

            Cúc Tần mỉm cười, trước sau gì cô cũng biết rõ điều cô đang muốn biết. Có lẽ tối nay, Hòa Bình sẽ phải ở nhà một mình, Cúc Tần sẽ qua thăm ba.

            Cúc Tần bỗng thấy cô còn quá trẻ con, thật buồn cười. Khi yêu thật lòng, người ta buồn cười lắm nhỉ! Cúc Tần lại thấy, trái tim cô cần phải bình tĩnh lại. Cô đã yên tâm khi thấy đáp số trong lòng bàn tay. Cô cố gắng giữ nét mặt bình thản, hồn nhiên. Chuyện đâu còn có đó. Chẳng cần gì phải cuống lên đến thế!

            Cúc Tần bâng khuâng, hi vọng cô sẽ hiểu thêm  Niên. Nhưng khi biết từ năm mười ba tuổi, cô đã yêu Niên, Niên có coi thường cô không nhỉ? Có một số điểm trong chuyện này cô đã tránh nói thật với Niên!

            Mối tình đầu bâng quơ sao thăm thẳm, thăm thẳm đến mức Cúc Tần cũng không hiểu chính cô! Ngay cả khi kể lại chuyện này, cô không thể không rối lòng, ngường ngượng! Giờ càng rối, càng ngượng vì đã lỡ dối Niên!

 

 

7

 

 

            Nhỏ yêu dấu!

            Với những dòng tự sự triển khai theo mạch cốt truyện, tôi là một ai khác kể cho em  nghe về chính tôi những năm mới lên đệ thất, đệ lục (lớp sáu, lớp bảy bây giờ). Ngày kể ấy, tôi mười tám tuổi, em đã đọc. Bây giờ, tôi viết lại để cùng em đọc lại rồi đó.

            Tuổi nhỏ của tôi đã lớn lên ở một làng thôn trở thành quận lị. Những trận công đồn của quân giải phóng phối hợp với du kích cứ mỗi năm diễn ra đôi bận.

            Nửa đêm, có khi khoảng một hai giờ khuya, tiếng súng rền lên đột ngột đã đẩy mọi người xuống hầm trú ẩn. Thời đó, dân làng dồn hết công của vào chiếc hầm, thậm chí hầm trú ẩn còn quan trọng hơn cả nhà ở. Có người còn giở cả gỗ nhà rường, lấy cả những tấm phản dày cả gang tay của đứa bé khoảng mười mấy tuổi để làm hầm.

            Như vậy tôi đã kể cho em nghe, mẹ và dì cùng thằng nhỏ là tôi cứ hồi hộp, phập phồng mong ánh hỏa châu thôi lơ lửng sáng, tiếng súng các loại, tiếng lựu đạn, tiếng mìn và tiếng đạn pháo từ hạm đội  ngoài biển khơi rót vào thôi nổ. Tiếng đạn pháo rít gió nghe thật rùng rợn. Bao nhiêu nhà cháy vì pháo sáng hạm đội, bao nhiêu người chết, bị thương vì đạn.

            Người ta còn xuống hầm bởi một loạt đạn vu vơ hoặc cả vài phút mìn cùng với đạn nổ. Có thể người lính ngụy nào thảng thốt giữa khuya, vì một bóng gà, bóng chim, hay chỉ do ám ảnh khiến không làm chủ được cò súng, có thể là một trận phục kích và phản phục kích trên rú cát.

Những năm tháng tuổi nhỏ kinh hoàng, như em đã biết đó, đã khiến tôi vượt quá ngưỡng của lo sợ. Hầu như ai cũng vậy. Chuyện súng đạn đối với người có súng trong tay, kẻ trong cuộc, dẫu sao cũng bị say thuốc súng, họ quên sợ. Trẻ con, đàn bà, cụ già và những người không hề cầm súng, nỗi sợ có lẽ lớn hơn. Sợ quá, đến mức nào đó rồi cũng quen đi. Sống trong ám ảnh về cái chết, có thể xoáy vào bằng mũi đạn đồng, hay ập xuống bằng quả pháo đại bác, riết rồi cũng quen đi! Hóa ra, bản năng sống là bản năng mãnh liệt nhất, trong chiến tranh, đôi khi thành ra vô nghĩa. Thậm chí, dửng dưng với cả cái chết, thời người ta sống trong nỗi chết.

            Tôi có một người bạn cùng tuổi, cùng lớp khá thân. Bạn ấy từ một làng quê thuộc vùng ngày ngụy, đêm cách mạng - vùng ''xôi đậu'' - lên huyện lị tạm cư và học tập. Có vài lần, đèo nhau trên chiếc xe đạp, tôi và bạn ấy về làng vì tiếc một mùa ổi, mùa cam không ai hái, nhất là những tháng chiến tranh khốc liệt nhất, rất ít dân làng cả gan bám trụ. Tôi đã được gặp những anh bộ đội chính quy nói giọng đâu ngoài Miền Bắc xa xôi, những o chú du kích suốt năm,  suốt tháng nằm hầm, ăn toàn cây xương rồng, da xanh mét và phù thủng. Họ hát cho nhau, cho các thằng nhóc, con lỏi bọn tôi nghe những bài ca hùng tráng, trữ tình lạc quan. Họ còn ngâm thơ nữa. Thuở đó, tôi chỉ cảm nhận mơ hồ rồi họ sẽ thắng, ít ra là nhờ những bài ca, bài thơ nọ.

            Trên đường đạp xe về lại huyện lị, càng gần nhà, càng gặp nhiều hơn các bóng dáng lính địa phương quân, nghĩa quân và cán bộ xây dựng nông thôn, cả biệt chính ngụy. Họ cũng là những thanh niên từ các ngôi làng quanh đây, từ làng của thằng bạn tôi.    

Hai bên đều anh em, bà con ruột thịt cả đấy!

            Nhỏ thân yêu, em còn nhớ không, năm mười tám tuổi, tôi đã kể, và vừa rồi với những dòng tự sự, tôi lại kể một lần nữa, cũng chia sẻ với em bao cảm xúc, suy nghĩ của tôi trên con đường đất đỏ, ngập bùn mùa đông, mù mịt bụi mùa hè, khi cùng thằng bạn về nhà. Lúc đó, tôi đã khờ khạo liên tưởng đến những cuộc chơi ném đất cày, bắn ống bóc (12) bằng hột cây bời lời của chính chúng tôi.

            Bọn nhóc chúng tôi cũng chia phe để chiến đấu với nhau. Cũng hăng máu, cũng bươu đầu sứt trán, cũng tấn công, cũng phục kích, rồi cũng cùng nhau đi moi khoai sống ở các vồng đất phủ xanh những lá để cùng nhau nhai rau ráu. Cũng thù nhau đến tím ruột bầm gan. Cũng ngộ nghĩnh là chiến tranh trên đất nước thuở đó còn phản ánh vào trò chơi chế súng đạn của chúng tôi. Tôi đã ra bờ kênh moi đất sét, đem về vo tròn, rồi cắt một đoạn ngắn dây thừng được bện bằng xơ dừa cắm vào viên đất tròn vo ấy. Nửa đêm, cũng thức dậy, đốt đoạn thừng rồi dùng ná cao su bắn lên trời làm đạn lửa. Đạn đất sét có xơ dừa cũng xẹt một đường lửa đỏ ngang trời!

            Thuở ấy tôi làm sao biết ai chính nghĩa, ai phi nghĩa, ai ngụy, ai cách mạng! Tôi chỉ thấy chiến tranh là một trò chơi nguy hiểm quá dại dột của người lớn.

            Thêm một vài tuổi nữa, tôi lại ngẫm đến bản năng thích chém giết, bè nhóm, cát cứ của con người, như lịch sử đã diễn ra thời Trịnh - Nguyễn! Niềm khát vọng hòa bình của tôi nẩy sinh từ cái nhìn khá siêu hình về cuộc chiến.

            Nhỏ thân yêu, sau này, tôi còn biết nhiều trí thức nổi tiếng cũng có cái nhìn về chiến tranh như vậy. Một vài nhà thơ ở Miền Bắc cũng mệt mỏi, buồn rầu không khác hơn. Tôi biết có bài thơ đã xây dựng tứ trên vành khăn tang trắng: đồng nhất hố bom tròn với vành khăn tang tròn và vòng tròn của con số không! Thủ phạm, nạn nhân, và hư vô! Tất thảy đều hư vô!

            Chiến tranh đâu phải là trò chơi của định mệnh (mà định mệnh chính là bản năng sinh vật của con người!?), phải không, nhỏ yêu dấu!

 

 

8

 

 

            Nhỏ thân yêu,

            Năm mười tám tuổi của tôi, em còn nhớ không, ta cũng đã băn khoăn cùng nhau thân phận làm người.

            Có rất nhiều điều bây giờ đã trở nên quá cổ bởi nghìn xưa đã cũ. Tôi còn nhớ một triết gia nào đã ném ra một câu hỏi về sự hiện hữu của mỗi nhân phận: Mỗi con người ra đời đâu được hỏi ý kiến về sự ra đời của chính nó! Sự hiện hữu của mỗi nhân phận là sự áp đặt của cha mẹ và quy luật tạo hóa. Một triết gia khác lại đặt ngược vấn đề của nhân phận: Tất cả mọi vấn đề triết học đều vô nghĩa nếu không giải quyết được vấn đề tự tử. Câu hỏi to lớn nhất, trầm trọng nhất, theo ông ấy, là có nên sống hay không sống nữa. ''Sống hay không sống, vấn đề là ở đó'', từ băn khoăn của Hăm-lét (13) trở thành băn khoăn triết học. Con người không ai chọn lựa để được sinh ra hay không, nhưng đều có thể ngẫm xem ''đời đáng chán hay không đáng chán'' (14), đời đáng sống hay không đáng sống, để chọn lựa tự tử hay không.

            Nhỏ yêu dấu, thật ra mỗi chúng ta đều không chọn lựa gì cả, kể cả những vấn đề thiêng liêng nhất, lớn lao nhất, máu thịt nhất. Chúng ta đều bị áp đặt, bị cưỡng bức. Chúng ta đều lỡ trước sự đã rồi. Nghìn xưa đều vậy, nghìn sau đều thế. Mỗi người không thể chọn cho mình một màu da, chủng người, tộc người. Không ai, xưa đến sau, chọn cho mình mẹ cha, quê quán, ngày sinh tháng đẻ. Không ai chọn lựa được Tổ Quốc. Nói cách khác, tại sao tôi mang dòng máu này, sinh ra trong gia đình này, thời đại này, trên mảnh đất này, với trí tuệ này, dáng dấp hình hài này, tâm hồn này? Người ta chỉ có thể chọn lựa quốc tịch, lí tưởng, lẽ sống, tôn giáo hay không tôn giáo, ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia, và nghề nghiệp nào đó, người vợ, người chồng nào đó thôi sao? Ta là ai với năng lực gì, phẩm chất gì, vô thức gì từ bẩm sinh? Tại sao ăn, tại sao thở, tại sao phải truyền giống?

            Nhỏ thân yêu, sẽ rất lẩm cẩm hoặc sẽ rất vô tri, nếu chỉ biết băn khoăn hay không hề băn khoăn. Vấn đề là băn khoăn như thế nào và giải thích thế nào. Có thể trả lời bằng các khái niệm của các tôn giáo: luân hồi, nghiệp chướng, tội tổ tông truyền, quy luật nhân quả, ân sủng thượng đế, âm dương ngũ hành, các thứ. Cũng có thể trả lời bằng quy luật vật chất, kinh tế, vân vân.

            Những thắc mắc nghìn xưa! Nghìn xưa đã trả lời, nay lại tìm cách trả lời.

            Quả thật trước những câu hỏi thuộc về quy luật tự nhiên như màu da, dòng máu, và thuộc về ngẫu nhiên, như Tổ Quốc, quê quán, ngày sinh, có lẽ thái độ khôn ngoan nhất là mỉm cười. Mỉm cười, sau khi thấu suốt hết mọi lẽ!

            Tại sao ta yêu Tổ Quốc, quê hương? Tại sao ta quý màu da vàng, dòng máu Việt Nam? Tại sao ta nhớ ngày sinh? Tại sao ta kính yêu cha mẹ? Tại sao ta họ Lê chứ không phải họ Lí? Câu trả lời dung dị nhất lại là câu trả lời đúng nhất xưa nay.

            Con người còn có thể chọn lựa cho mình những gì có thể chọn lựa, trên cơ sở nhận thức đâu là chân lí, đâu là sự thật, đâu là khoa học đích thực, đâu là Cái Đẹp...

            Nghìn vạn năm ở trong ta, ta là một phân số của tồn tại, phát triển, thuộc về nghìn vạn năm sau, theo quy luật vật chất. Tinh thần cũng là một dạng vật chất. Tiến hóa và tồn tại mãi.

            Chủ nghĩa nhân đạo cao cả nhất và sâu sắc nhất là để mỗi người được tự do chọn lựa những gì có thể chọn lựa, nhân danh độc lập, tự do cho mỗi người!

            Nhỏ thân yêu,

            Liệu tôi và em đã sáng suốt khi chọn lựa? đã đủ bản lĩnh để chọn lựa? Những vấn nạn không thể không đặt ra. Có điều, nguy cơ của việc đặt ra những vấn nạn ấy là sẽ xô đẩy chúng ta vào hố thẳm của chủ nghĩa hư vô. Đối mặt với Hư Vô rợn ngợp, chúng ta sẽ nổi loạn, sự nổi loạn tư tưởng trước Phi Lí của mọi tồn tại, mọi thực thể. Hệ quả kế đến là chúng ta sẽ mỉm cười trước Tất Yếu của Tự Nhiên để có cảm giác Tự Do, hoặc sẽ sa lầy vào trụy lạc vật chất và suy đồi tinh thần. Hệ quả khác, sẽ nhận ra mọi nền văn hóa chỉ là trò bịa đặt có quy ước, mọi giá trị cũng là trò chơi có luật lệ, kể cả tình yêu Tổ Quốc, Dân Tộc, Nhân Loại, nên sá gì những cuộc đấu tranh giai cấp, bảo vệ độc lập, tự do, nhân phẩm. Thật kinh khủng!

            Những vấn nạn ấy thật ra khi nêu lên là đã có thể tìm thấy các trả lời đúng đắn, nhưng vẫn có nguy cơ chúng sẽ là loại thuốc phiện kiểu khác, chích vào ý chí của chúng ta.

            Cuối cùng, liệu chúng ta phải tìm cách cảm nhận tính hợp lí, có ý nghĩa trong cái phi lí, cái vô nghĩa, như vấn đề cách bức giai cấp, giàu nghèo, tín ngưỡng, dân tộc, hoặc nỗ lực xóa bỏ tính phi lí, vô nghĩa ấy? Tất  yếu xã hội có phải đều là áp đặt phi lí?

            Nhỏ yêu dấu, có phải tất cả đều phi lí và vô nghĩa?

            Thôi thì cứ tìm hiểu ''Ta là Ai?''  để sống như thế nào và ''Vì Ai?'' một cách hữu hiệu, tích cực? Tích cực như thế có là tích cực?

            Vấn đề đã quá cổ, phải không?

            Vấn đề đã gây nên sự khắc khoải của hàng nghìn năm, gây nên dịch ''buồn nôn'' cho mấy thế hệ. Phi lí, vô nghĩa, hư vô, cô đơn và - tôi muốn nhấn mạnh, bổ sung điều đã nói đâu đó với em - tính chất độc ác trong sự sát sanh thực vật, động vật của quá trình sống, quả là gây ''buồn nôn'' thật nếu thiếu ngẫm nghĩ.

            Tất yếu tự nhiên là những gì cần phải từng bước chiến thắng. Nhân quyền (mọi quyền con người trong hiến pháp) là cái chiến thắng các sự áp đặt, cưỡng bức được gọi là tất yếu xã hội. Và nhân phận không hề hư vô, nếu ta nhớ lại: Vạn nghìn năm ở trong ta và ta là một phân số của tồn tại, phát triển, tiến hóa theo quy luật của vật chất, thuộc về vĩnh hằng của vật chất. Sống không phải là bi kịch của Xi-díp (15), biển đông xe cát như dã tràng. Mọi nhân phận đều là sự tiếp nối và bất tử.

            Vấn đề đã quá cổ, phải không, nhỏ yêu dấu? Và tôi đã lặp lại quá nhiều lần đến nhàm chán!

 

 

9

 

 

            Nhỏ yêu dấu,

            Tôi đã kể cho em, mong em chia sẻ cùng tôi bi kịch sự khẳng định chân thành, mạnh mẽ một lẽ sống, năm tôi mười tám, mười chín tuổi.

            Để khẳng định sự hiện hữu, từ tấm bé tôi đã hết mình học tập và luyện cú đấm tự vệ, dẫu mãi đến mười tám tuổi, đến bây giờ, cú đấm chả ra gì, còn chữ  nghĩa vẫn ngo ngoe!

            Tôi vẫn còn nhớ một chiều hè nào, một cụ già trong nhóm người Chăm, quê ở đâu xa tít trong Bình Định, Ninh Thuận, lặn lội ra huyện lị nhỏ bé tận Quảng Trị để bán những vòng đeo tay có lục lạc reo leng keng, với các nét khắc chạm tinh tế, đựng trong các gùi mây cực đẹp, đã nói với chú bé mười tuổi là tôi hồi ấy:

             - Cháu sau này làm nghề nghiệp gì, phải tinh xảo nghề nghiệp ấy, nghen cháu.

            Tôi mỉm cười bối rối:

            - Dạ.

            - Để sống được, phải luyện lấy một tài năng! Tài khoa học, tài thơ văn, tài sửa xe, tài chế tạo, tài cày ruộng... Tài năng, phải có tài hơn người! Cháu hiểu không, mồ côi, khổ lắm! Và dù không mồ côi, cũng phải vậy. Người phải có ý thức vượt lên người khác bằng tài năng, chứ không phải bằng trò ma mảnh, mới thật người, nghen cháu.

            Ông cụ tặng tôi chiếc vòng đồng có lục lạc kêu leng keng nghe vui tai. Tôi đã mang nó suốt cả thời mới lên bậc trung học đệ nhất cấp, mặc chúng bạn hay chế giễu, đó là đồ trang sức của đàn bà, con nít và của chó mèo. Tiếng lục lạc ấy, với tôi hồi đó, là sự nhắc nhở thường xuyên về cụ già Chăm cùng lời bảo ban của cụ.

            Sau này, năm mười tám tuổi, tôi đã kể em nghe. Em còn nhớ không?

            Nhỏ yêu dấu,

            Tôi đã thành thật bảo rằng tôi đến với cuộc đời, với mọi người từ mái nhà tranh của mẹ và dì tôi, trước hết, bằng ý thức muốn khẳng định cái tôi, khẳng định sự hiện hữu của chính mình. Thuở đó, em chẳng bảo tôi cá nhân chủ nghĩa là gì. Không! Không hẳn là vậy...

            Chả hiểu tôi có bi quan về con người không, khi nghĩ rằng không có ai trên đời này suốt đời vị tha, quên mình. Dẫu vẫn có những khoảnh khắc hầu như vị tha, quên mình thật, nhờ sự giáo hóa và biết tự giáo hóa, nhưng động cơ ngấm ngầm, thường trực vẫn là vị kỉ, vì mình. Thánh hiền vẫn lưu danh đó thôi, trừ các vua Hùng, Thánh Gióng, Lão Tử. Lưu danh cũng đã vị kỉ rồi! Thực chất mọi cuộc đời, mọi hành vi vị tha, vì đời cũng là vị kỉ. Vì lợi, đấy là khuynh hướng của đa số tầm thường. Vì danh, đấy là khuynh hướng bình thường. Nếu nâng cấp, có thể nói, đấy là bình thường và phi thường.

Tôi chỉ dám khát vọng sẽ khẳng định được chính mình dẫu cho như thế là thế nào đi nữa. Phải dám sống vì mọi người, còn bản thân được một chút danh thơm, ấy là hạnh phúc cao quý của đời người. Đúng vậy. Hạnh phúc cao quý nhất của đời người là có sự nghiệp không duy lợi mà duy danh cho mình.

            Thú nhận điều đó không thể không gây cho bản thân cảm giác xấu hổ, vì chúng ta chỉ kính trọng những ai tuyệt đối vị tha.

            Nhỏ yêu dấu,

            Em đã nể nang tôi để thêm hai tính từ đằng sau cụm từ ''chủ nghĩa cá nhân'': vị tha, cao cả.

            Có gì khác nhau không giữa chủ nghĩa tập thể không triệt tiêu cái riêng, chung và riêng hài hòa, với cái gọi là chủ nghĩa cá nhân cao cả? Tất nhiên có khác trong phương pháp làm việc, trong cấp độ lợi ích? Làm việc tập thể, đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Đúng. Nhưng không thể có danh, nếu không đặt lợi ích theo thứ tự các cấp độ như thế, dẫu động cơ là chủ nghĩa cá nhân cao cả. Và chỉ vậy thôi, sẽ sa vào chủ nghĩa phường hội, bè nhóm. Thứ tự các cấp độ muôn thuở vẫn là: nhân loại, dân tộc, gia đình, cá nhân. Và phấn đấu đạt được tính thống nhất của các cấp độ, dẫu phân cấp cách khác: xã hội, tập thể, cá thể.

            Nhỏ thân yêu,

            Như thế, lẽ sống của tôi có đáng xấu hổ lắm không? Có phải thành thật thú nhận điều này là đã trâng tráo? Nên ảo tưởng nữa chăng? Lừa mình dối người một cách chân thành nữa chăng? Tất nhiên, lịch sử có nhiều giai đoạn buộc nhiều người tự nguyện quên mình, làm chiến sĩ vô danh. Nhưng lịch sử đâu phải bao giờ cũng chỉ là chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, quê hương, gia đình!

            Nhỏ yêu dấu,

            Nhưng cứ chăm chăm vào chút danh thơm sẽ mệt nhọc lắm, hoặc háo danh. Cứ miệt mài làm việc hết mình cho mọi người, danh thơm sẽ đến cùng ta. Phải đóng góp cho bằng được chút gì mới mẻ, có tính sáng tạo cho đời, danh thơm sẽ đến cùng ta.

            Khi nói trắng ra vậy, có còn thơm danh không nhỉ!

            Nhỏ yêu dấu,

            Em đã khinh tôi lúc tôi chân thành như vậy, thuở đó, và đã góp ý cho tôi, thuở đó, em còn nhớ không?

            Vòng đồng có lục lạc tôi đã đánh rơi mất trong thời chiến tranh, nhưng lời bảo ban của cụ già Chăm tôi không bao giờ quên. Thay tiếng lục lạc, tôi đã có nhịp đập của trái tim, thầm thì, khỏe khoắn, sâu lắng trong lồng ngực mình. Sau này, lúc đã lớn lên, tôi vẫn không có dịp tìm thăm cụ già Chăm ấy, và chắc bây giờ cũng không còn có dịp vì e rằng cụ đã mất. Nhưng gương mặt hiền hậu, dáng người gầy guộc của cụ không thể mất trong tôi.

            Nhỏ yêu dấu, thế là tôi lại lặp lại một điều đã viết: Tôi đã đến với chủ-nghĩa-tập-thể-không-triệt-tiêu-cái-riêng thế nào.

            Gắng duy lợi cho mọi người để được chút duy danh cho mình!

 

 

10

 

 

            Em còn nhớ không, quê hương của tôi ngày ấy tôi đã miêu tả để em hình dung. Cát, cát trắng. Đồng, đồng xanh. Giữa hai phía đồng xanh, cát trắng là xóm làng, chợ búa. Đấy là một làng quê bình thường ở Quảng Trị.

            Rất nhiều người đã định nghĩa về Quê Hương. Đó là nơi đã ban cho con người thứ tình cảm sâu thẳm nhất, do vậy mọi định nghĩa đều đã đạt đến độ sâu sắc tương đương, cho dù bằng câu nói đơn sơ, hồn nhiên thôi.

            Nếu đồng nhất quê hương với quê cha đất tổ - tộc quán, nơi dòng họ sống lâu đời và có nhà thờ họ tộc - mấy ai chả có một quê hương với nghĩa ấy. Quê cha đất tổ không xa nơi tôi sống thời tuổi nhỏ, nhưng không thể về thăm thường xuyên, vì chiến tranh, công việc, nên chẳng có bao nhiêu kỉ niệm!

            Mỗi người đều có nhiều quê hương: quê cha, quê mẹ, quê sinh, quê ở và có thể kể cả quê vợ nữa. Vậy quê nào mới đích thực là quê hương của bản thân mình, nhân phận mình? ­,  tôi còn quên một quê nữa, đấy là nơi đã cho mình giọng nói, dù tính thời gian ở chẳng nhiều nhặn gì.

            Tôi đã tâm tình cùng em về khoảnh khắc trao duyên giữa cha và mẹ, giờ phút trăng mật của hai người, nơi vang tiếng khóc đầu tiên của mỗi nhân phận. Ba yếu tố ban đầu tạo nên mỗi sinh mệnh cũng là ba quê hương nữa đấy.

            (Tôi cố ý dùng chữ trăng mật, với ý thức rõ ràng rằng mọi khoảnh khắc âm dương gặp nhau để tạo nên một mầm sống con người đều tinh khôi như lần trăng mật).

            Nhưng, ngẫm lại các loại quê hương ấy của một đời người, quê hương nào đích thực là quê hương nhất? Có người không biết mình có quê hương nào cả, chỉ biết mỗi một loại quê hương là quê ở. Có thể những người ấy cố tình không biết, hoặc thành tâm không biết thật.

Cũng có nhiều loại quê hương tôi hoàn toàn không biết thật đấy.

            Nhiều đêm, nhỏ thân yêu, tôi tự lục vấn trong mình, tận đáy trái tim, bản sắc vùng quê nào đậm đà, bền lâu trong ấy nhất? Có thể chỉ là nơi cho tôi kỉ niệm sâu sắc nhất, lắng đọng nhất chăng? Có thể là nơi tuổi nhỏ, tuổi mới lớn, tuổi thanh niên tôi sống? Chất Huế, chất Sông Hậu, chất Sài Gòn, chất Quảng Trị, chất Quảng Nam, chất Lâm Đồng... Chất nào nhỉ? Có lẽ chất Tổ Quốc Việt Nam là đúng nhất!

            Em thân yêu, nhưng vẫn trội lên một chất Quê Hương...

            Em hãy đọc vào trái tim tôi để tìm thấy giúp tôi Quê Hương đích thực của tôi. Tôi biết Quê Hương ấy chỉ có thể tìm thấy trên Tổ Quốc Việt Nam này, dẫu tôi chưa hề là kẻ bài ngoại cực đoan, về tư tưởng, văn hóa, và cũng vì tôi chưa hề có một giây ở nước ngoài (Tôi vẫn biết có người nhiều năm sống ở nước ngoài, họ vẫn mang Quê Hương theo trái tim họ).

            Quê Hương, với nội hàm như vậy, em thân yêu, ta làm sao thù ghét được. Thù ghét Quê Hương là thù ghét  chính phần sâu thẳm nhất của mình.

            Như thế, tôi e rằng tôi sẽ sa vào ước lệ mất, nếu bảo Quê Hương tôi là làng quê ở Quảng Trị, cát trắng và đồng xanh. Làng quê ấy đã sinh ra một đứa con phản phúc chăng? Không. Chẳng bao giờ tôi muốn vậy. Tôi không bao giờ là vậy.

            Em thân yêu, có khi ước lệ lại đúng.

            Em hãy đọc vào trái tim tôi để tìm thấy giúp tôi Quê Hương đích thực của tôi. Tôi cũng có ý định cùng em thử đùa chơi: tuyển chọn một tập thơ của những người có chung một Quê Hương được hiểu với nghĩa đó. Như vậy ắt không còn cục bộ, địa phương chủ nghĩa thô thiển nữa chăng?

            Quê Hương, ấy là phần thâm sâu nhất. Ai quy định

được, ai tự chọn lựa được chăng chất Quê Hương ấy?

 

 

11

 

 

            Nhỏ yêu dấu,

            Bé Con thân yêu,

            Có lẽ em sẽ buồn cười với cách gọi đầy nuông chiều, cưng quý của một kẻ thích sự nũng nịu, nhõng nhẽo của người yêu. Không, chưa hẳn vậy. Đó chỉ là cách gọi phổ biến của những người yêu nhau. Tôi còn biết có nhiều bạn tình gọi bạn tình: con mèo yêu dấu, con búp bê xinh đẹp, con chó ốm, con cá ươn thân yêu, nỗi buồn của tôi, bài ca thương nhớ!...

            Năm tôi mười tám tuổi, Gương Mặt Tình Yêu vẫn ngời hào quang từ vành nón mười sáu trăng tròn, sáng lên vừa kiêu hãnh, hồn nhiên vừa e ấp, dịu dàng trong tôi, với áo lụa hồng đơn sơ ở nhà và áo trắng học trò đến lớp. Em không hề nũng nịu, nhõng nhẽo bao giờ!

            Điều đáng tiếc nhất là em chưa bao giờ có thật!

            Vậy em từ đâu đến trong tôi, năm ấy?

            Em biết đó, tôi luôn luôn truy tìm Vô Thức để cắt nghĩa hiện tại, tương lai của bản thân. Chính vô thức cũng là một vị thần số mệnh của mỗi người. Tôi đã khờ dại ''mê tín'' như vậy.

            Có một bài ca dao tôi nhớ nằm lòng:                                                  

                  thương em từ thuở nằm nôi

                  đến khi em khóc anh đôi (quẳng) cho cục đường

                  bây giờ em  nỏ (chẳng) muốn thương

                  một, hai, ba, bốn, trả cục đường lui cho anh!

 

            Đấy là cách nói cường điệu của thơ ca? Cũng có thể ý niệm về tình yêu đôi lứa nẩy sinh ở con người nói chung rất sớm?

            Quả thật, từ thuở sơ sinh, có thể nói mọi đứa trẻ đã tiêm nhiễm các bài ru em (con) đẫm tính trữ tình yêu đương. Bố, mẹ, cô, dì đã đưa nôi bằng bao câu hát huê tình. Nỗi niềm về tình yêu đương của họ đã thể hiện với một tỉ lệ khá nhiều trong các bài hát ru như thế. Sự thật là các bài ru em (con) thuần hát về thiếu nhi rất ít. Cộng với hiện tượng đó là bao bài tình ca từ đài thu thanh, từ máy băng nhạc.

            Đúng là xuất phát từ thực trạng ấy và xuất phát từ khái niệm về sự hình thành vô thức, mọi người được chứng minh là mỗi người vẽ vời ra một gương mặt tình yêu cho riêng mình.

            Có những tri thức, người ta bị thuyết phục rồi tin là đúng. Tôi đã khiên cưỡng thực tế, thậm chí xuyên tạc thực tế, kể cả thực tế tâm lí để minh họa cho khái niệm. Tôi giải mã Gương Mặt Tình Yêu bằng vô số những gương mặt bạn gái thời tuổi nhỏ, những gương mặt thoáng gặp nào đó. Gương Mặt Tình Yêu còn hình thành trong tâm thức của con người do nhiều nhân tố, tổng hòa từ tình cảm yêu thương, kính mến, tôn thờ hoặc tình cảm căm ghét, khinh bỉ, phỉ báng. Ngoài những hình ảnh, kỉ niệm từ bao người bạn gái thời tuổi nhỏ, tuổi mới lớn, Gương Mặt Tình Yêu còn hình thành như sự kết tinh từ các nguồn khác. Huyền tượng tôn giáo, thần thoại, truyền thuyết, hình tượng văn chương, phim ảnh, báo chí, nhân vật lịch sử, hình ảnh những người kính mến cũng là các nguồn của tổng hòa đó.

            Gương Mặt Tình Yêu là hình ảnh của mơ mộng, của khát vọng. Do đó, Gương Mặt Tình Yêu là vô thức, cũng là ý thức.

            Nhưng tại sao một người có thể yêu nhiều dạng người khác nhau, và những dạng người này khác biệt nhau?

            Nhỏ thân yêu,

            Em là hình ảnh lí tưởng. Nhưng trong thực tế cuộc đời, khó có thể có sự trùng khít, giống hệt giữa người trong mộng và người yêu có thật. Người tình có thật mang nét  này, nét nọ về diện mạo, tính cách chứ không thể gồm tất cả các nét của người trong mộng. Tình yêu đương càng mãnh liệt, lâu bền khi người tình thật và người tình mộng càng giống nhau. Và buồn thay, tình yêu đôi khi chỉ là sự nhân nhượng với chính mình, bởi con người không thể gặp người trong mộng ở ngoài đời. Cũng vì thế, người ta yêu Tình Yêu chứ chưa hẳn yêu người yêu. Tình Yêu mãi là một khát vọng không nguôi. Con người chỉ hạnh phúc khi gặp người tình mộng ở đời thực, hoặc biết lãng quên người tình mộng để chấp nhận người tình thực không hoàn toàn vừa ý. Ở đời, người ta chỉ đạt được Cái Tương Đối chứ không thể đạt được Cái Tuyệt Đối. Tuổi càng lớn, người ta dễ dàng hơn trong việc chấp nhận Cái Tương Đối.     

            Tình cảm của con người trước một đối tượng được xem như một nguồn là cả một phức hợp (có thể có mâu thuẫn tình cảm: vừa ghét vừa thương).

            Nhỏ thân yêu,

            Em là Gương Mặt tôi mãi tìm kiếm, và chắc chắn là một quá trình tìm kiếm vô vọng. Sự kiếm tìm này còn là ý tưởng xuất phát từ ẩn dụ của một truyền thuyết Phương Tây: ''Tình Yêu là sự tìm gặp một nửa bản thân mình đã mất'', để một lại được thành hai - hai của một.

            Đấy là một cách nhìn về tình yêu bị lên án là khai quật các lớp trầm tích của vô thức bằng chiếc xẻng khái niệm mà cán xẻng là sự bịa đặt, xuyên tạc, tư biện, lưỡi xẻng là sự suy đồi.

            Em yêu dấu,

            Thế đấy, tôi đã hơi lạnh lùng định nghĩa về em!

            Em là người tình mộng, là Gương Mặt Tình Yêu, là một Thượng Đế của Tôn Giáo Yêu Đương.

            Em là Cái Đẹp của Tình Yêu trong tôi.

            Em là Bổn Lai Diện Mục của trái tim tôi.

            Đấy là một thứ  Tình Yêu duy tâm chủ quan chăng?

            Có phải tôi đã minh họa các khái niệm tâm lý học bằng các dẫn chứng thực tế đã khiên cưỡng, xuyên tạc, theo yêu cầu của khái niệm?

            Đấy cũng có thể là khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa, là một sự chạy trốn hiện thực chiến tranh, một sự né tránh các loại búa rìu chuyên chế? Đấy là một cách thoát ly thực tại?

            Với tôn giáo Tình Yêu Đương, hệ quả khá kỳ lạ xảy ra, ấy là tình yêu nam nữ vốn có cơ sở tình dục đã thăng hoa đến mức phi thực như một tình cảm tôn giáo thiêng liêng.

            Sao bấy giờ tôi chỉ biết khát vọng Tình Yêu, không biết cách thoát li thực tại bằng ước mơ khoa học, bằng vẽ vời xã hội tương lai (chỉ ước mơ mùa xuân thanh bình vĩnh cửu trên đất nước)?

            Tác hại của Tôn Giáo Yêu Đương ấy là sự vô vọng của quá trình tìm kiếm Gương Mặt Tình Yêu trong đời thực, thấy đời thực quá buồn tẻ, phàm tục đôi khi đến ghê tởm, do đó, khó sống.

            Em thân yêu,

            Như vậy em cũng là ma túy của tôi rồi đó!

            Thế đấy, tôi đã hơi lạnh lùng khi định nghĩa về em.

            Đôi khi tôi nghĩ là đã xúc phạm đến em bằng chính sự phân tích thô bạo. Em, Nàng Thơ của tôi năm mười tám tuổi!

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-4.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7