Từ các báo: Xuất bản chính thức có giấy phép hợp pháp trên mạng vi tính toàn cầu

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Thông tin trên báo chí:

XUẤT BẢN CHÍNH THỨC

(CÓ GIẤY PHÉP HỢP PHÁP)

TRÊN MẠNG VI TÍNH TOÀN CẦU

 

 

THẬT hay    KHÔNG ? DỄ    hay   KHÓ ?

  

 

Ý nghĩ của WebTgTXA. khi đọc các thông tin dưới đây trên báo chí: Lao tâm khổ tứ rất nhiều để viết từng cuốn sách. Nhưng sách còn đang ở dạng bản thảo! Muốn công bố, phải xuất bản. Xuất bản bằng hình thức sách in giấy tại các nhà xuất bản là cách thức tốt nhất, yên tâm nhất cho tác giả. Tuy nhiên, đối với một số bản thảo nghiêm túc, không phải cuốn nào cũng được cấp giấy phép xuất bản. Mặt khác, trong thời buổi này, nói chung, phát hành sách in giấy không phải dễ dàng, sách không đến được tất cả các hiệu sách từ tỉnh đến huyện trong toàn quốc (chưa nói phát hành ra hải ngoại), cũng rất khó thu được tiền vốn bỏ ra. Trong đó, thơ, tiểu thuyết và khảo cứu là ba loại sách rất kén người đọc; và những người thích đọc ba loại sách này lại ít tiền nhất. Vậy thì, chỉ đăng báo, tạp chí lai rai và cất bản thảo trong ngăn tủ.

 

Tự xuất bản trên các điểm mạng toàn cầu của cá nhân, cũng không thật yên tâm về bản quyền. Những bản thảo sách (thơ, khảo cứu, tiểu luận, bài báo...) người viết lao tâm khổ tứ viết ra, bỗng chơi vơi giữa trời, mặc dù "bầu trời internet" khá thông thoáng, tự do, tự chủ và rộng khắp, mở ra đến chân trời góc biển.

 

Chắc hẳn người cầm bút nào cũng cần vừa xuất bản bằng hình thức sách in giấy theo cách thức hợp pháp, qua nhà xuất bản, vừa xuất bản trên mạng toàn cầu. Nhưng tiền túi lại quá nghèo (vì cần mẫn viết sách, làm sao kiếm ra tiền), nên có lẽ cách xuất bản chính thức, hợp pháp trên mạng toàn cầu qua các nhà xuất bản là một giải pháp tốt cho một số bản thảo mà tác giả không đủ tiền để xuất bản với hình thức in giấy như từ trước đến nay. Có điều, đi đôi với nó, hệ thống lưu chiểu và các thư viện ở các địa phương cũng cần hình thành, điện tử - vi tính hóa. Nào ai muốn viết sách để tung lên "bầu trời internet" để rồi mãi mãi chơi vơi, trôi hút vào hư vô hay bị kẻ xấu dở trò đạo chích ý tưởng, chữ nghĩa -- mồ hôi nước mắt của tim óc mình!

 

WebTgTXA. (Trần Xuân An)

16:39, 08-3 HB9 (2009)

 

___________________________________

 

Nhà xuất bản phải đăng ký với Cục Xuất bản trước khi xuất bản trên Internet

http : // hoinhavanvietnam . vn / News . asp? cat=13 & scat=&id=958 

P.v (2/19/2009 7:04:37 AM)

ĐCSVNĐây chỉ là một trong nhiều điểm mới theo quy định tại Nghị định 11/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/02/2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.

Theo đó, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, văn phòng đại diện (VPĐD), nhà xuất bản (NXB), tổ chức phát hành xuất bản phẩm của nước ngoài tại Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01/01/2009 phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép.

Thời hạn giấy phép hoạt động của VPĐD tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là 5 năm kể từ ngày cấp và được gia hạn mỗi lần không quá 5 năm.

Nghị định cũng bổ sung một số quy định mới liên quan đến thông tin ghi trên xuất bản phẩm, xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet, nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.

Trước khi xuất bản trên mạng internet, NXB phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản, trong đó ghi rõ thời gian và địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm và phải được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của NXB. Ít nhất 10 ngày trước khi trực tiếp xuất bản trên mạng internet, NXB phải nộp lưu chiểu 1 bản xuất bản phẩm.

Việc nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông). Trong một số trường hợp đặc biệt thì chỉ cần làm thủ tục hải quan như: Tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức tại Việt Nam; xuất bản phẩm là tài sản di chuyển của tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng; xuất bản phẩm thuộc tiêu chuẩn hành lý mang theo người của người nhập cảnh để sử dụng cho nhu cầu cá nhân và xuất bản phẩm tặng cho tổ chức, cá nhân gửi qua bưu điện có giá trị không lớn hơn tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định của pháp luật.

 

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)

(Nguồn trực tiếp: Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, 19-02-‘’09)

 

 

 

Quản lý xuất bản sách trên mạng có khả thi?

08:38' 03/03/2009 (GMT+7)

http : // vietnamnet . vn / vanhoa / 2009/03/833725/

VNN - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2009/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung cho Nghị định số 111/2005/NĐ-CP, trong đó có điều 11b quy định về việc Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính (mạng Internet).

Ở Việt Nam hiện chưa có NXB nào xuất bản trực tiếp tác phẩm trên mạng. Thậm chí, nhiều NXB đến thời điểm này vẫn chưa có website chính thức để quảng bá cho các tác phẩm của mình. Dưới đây là ý kiến của bà Quách Thu Nguyệt (Giám đốc NXB Trẻ) và ông Bùi Việt Bắc (Giám đốc NXB Văn hóa Thông tin) về Nghị định này: 

 

 

Bà Quách Thu Nguyệt: - Tôi thấy xuất bản sách trên mạng hoàn toàn không khả thi. Tôi chưa hiểu được vì tôi không nắm rõ nghị định 97/2008 về dịch vụ Internet và thông tin trên Internet, nhưng trong điều 11b nói rằng, xuất bản trên mạng Internet là lần đầu tiên NXB công bố toàn bộ trực tiếp trên mạng. Nếu thực sự như vậy thì không thể quản lý được.

Thứ nhất, nếu quy định tất cả những xuất bản phẩm trên mạng đều phải thông qua NXB theo như tôi hiểu ở văn bản này thì quyền công bố tác phẩm của cá nhân theo quy định của Luật Xuất bản sẽ được hiểu như thế nào? Chả nhẽ nhà văn phải thông qua NXB thì mới công bố được tác phẩm? Thật ra hiện nay trên website cá nhân hoặc blog, tác giả vẫn có quyền công bố tác phẩm của họ chứ không cần phải thông qua NXB, và NXB không quản được điều này.

Thứ hai là muốn xuất bản trên mạng thì NXB phải đăng ký với Cục Xuất bản. Lẽ ra chỉ cần chuyển đường link của website đó chứ cần gì phải chép sang CD-ROM nữa? Đã quản lý một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nhưng lại hành xử theo kiểu đó là không ổn. Tôi không hiểu ai tham mưu văn bản này nữa.

Thứ ba là đối với những ấn phẩm tái bản hoặc nối bản đã được công bố trước đây, nếu muốn xuất bản trên mạng thì phải được sự đồng ý của tác giả bằng văn bản nhưng vẫn phải thông qua NXB, thế thì những mạng xã hội, những trang ebook miễn phí của các tổ chức xã hội họ miễn phí hoàn toàn thì họ đâu cần thông qua NXB? Tôi không hiểu tại sao lại bổ sung thêm điều khoản này.

Chúng tôi không xuất bản trực tiếp lần đầu trên mạng mà chỉ khai thác giá trị gia tăng của các sản phẩm truyền thống dưới dạng ebook thôi. Tôi không hiểu điều khoản này sẽ được thực thi như thế nào vì tôi chưa được hướng dẫn cụ thể. Đọc văn bản này thì tôi thấy tính khả thi quá khó, không biết các nhà hành pháp sẽ giải thích điều khoản này thế nào để cho việc thực thi được thông suốt? Chắc sắp tới cũng sẽ có cuộc triển khai để hiểu cho đúng văn bản này chứ theo như tiếp cận ban đầu thì tôi thấy không khả thi trong thực tiễn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Bùi Việt Bắc: - Tôi thấy xuất bản trên mạng là điều rất khả thi vì người quản lý phải ra những quy định đón đầu. Còn NXB nào có nhu cầu xuất bản trên mạng thì họ thực hiện. Tôi chỉ quan tâm sách của NXB VHTT khi xuất bản trên mạng sẽ lợi cái gì và hại cái gì và có cái gì sai luật.

Việc xuất bản sách trên mạng chúng tôi có nghĩ đến nhưng phải 5 năm nữa, còn bây giờ thì chưa. Vì chúng tôi cũng phải nghĩ đến việc quản lý nó như thế nào, cấp mật khẩu ra sao, thu phí bạn đọc ra sao. Hiện giờ, chúng tôi mới chỉ xuất bản trích đoạn trên mạng để giới thiệu với bạn đọc thôi. Nếu xuất bản đầy đủ trên mạng thì mất công lắm.

Tôi thấy những ai không rành về xuất bản thì cho rằng việc xuất bản trên internet là khó khả thi, khó thực hiện, nhưng phía chúng tôi thấy nhà quản lý cần có những quy định chặt như thế này.

* NXB sẽ gặp khó khăn gì nếu thực thi điều khoản này?

Bà Quách Thu Nguyệt: Nếu khai thác tác phẩm trên mạng thì chúng tôi chỉ làm dưới dạng ebook khai thác giá trị gia tăng của các sản phẩm truyền thống thôi chứ chúng tôi không xuất bản lần đầu tác phẩm trên mạng. Hoặc, chúng tôi chỉ quảng bá trước một phần những tác phẩm sẽ xuất bản dưới dạng truyền thống để thăm dò độc giả và đánh giá thị trường chứ tôi hoàn toàn không có nhu cầu xuất bản toàn bộ tác phẩm trên mạng lần đầu. NXB Trẻ không phải là một NXB trên mạng.

* Làm thế nào để quản lý đối tác nếu như họ xuất bản tác phẩm liên kết lên mạng (tên miền .vn) nhưng không thông qua NXB?

Bà Quách Thu Nguyệt: - Tôi thấy khó quản lắm. Có thể phải có thêm một quy định về trách nhiệm của công dân với việc công bố tác phẩm trên mạng.

Ông Bùi Việt Bắc: - Tôi nghĩ không vấn đề gì! Các tác giả cần phải quảng bá sản phẩm của họ, nên họ có quyền đưa lên blog hay trang web. Còn khi họ bán cho một NXB thì NXB phải lưu ý tác giả gỡ những trang web đã đưa tác phẩm đó, hoặc không gỡ cũng được. Nhưng thường NXB nào kỹ lưỡng, họ sẽ yêu cầu tác giả gỡ xuống để tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh cuốn sách đấy.

* Khi mua tác quyền các tác phẩm của nước ngoài, các điều khoản có bao gồm việc khai thác trên mạng Internet hay chỉ được khai thác dưới dạng sách in?

Bà Quách Thu Nguyệt: - Thông thường, hợp đồng của NXB Trẻ với đối tác nước ngoài chỉ giới hạn trong phạm vi bản in truyền thống trong một thời hạn nhất định. Nếu muốn khai thác trên Internet hoặc dưới dạng ebook thì phải có hợp đồng hoặc phụ lục riêng.

Ông Bùi Việt Bắc: - Với riêng sách dịch, khi chúng tôi mua bản quyền trong hợp đồng chỉ ghi chung chung mua bản quyền tiếng Việt, giờ chúng tôi sẽ lưu ý về hợp đồng là mua bản quyền bằng tiếng Việt trên internet nữa. Vì chúng tôi từng có một trường hợp trang web saharavn có đăng tải truyện dịch của NXB VHTT và chúng tôi đã lên tiếng về chuyện này. Vì nếu không lên tiếng, phía đối tác sẽ phạt chúng tôi, hoặc cho chúng tôi là làm ăn không đàng hoàng.

 

 

         Ông Bùi Việt Bắc

            Bà Quách Thu Nguyệt

Điều 11b. Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính (mạng Internet)

1. Xuất bản trên mạng Internet là việc nhà xuất bản công bố lần đầu tiên toàn bộ tác phẩm, tài liệu trực tiếp trên mạng Internet.

Việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

2. Việc xuất bản trên mạng Internet phải do nhà xuất bản thực hiện theo quy định sau: 

a. Trước khi xuất bản trên mạng Internet, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản, trong đó ghi rõ thời gian và địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm và phải được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản. 

b. Ít nhất mười ngày trước khi trực tiếp xuất bản trên mạng Internet, nhà xuất bản phải nộp lưu chiểu 01 bản xuất bản phẩm được ghi trong thiết bị lưu trữ dữ liệu (CD-ROM, DVD, VCD, USB, riêng thư điện tử có dung lượng không quá 3MB) cho cơ quan nhận lưu chiểu quy định tại Điều 12 Nghị định này. 

c. Địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (tên miền .vn). 

d, Trường hợp có tái bản, tái bản có sửa chữa, bổ sung xuất bản phẩm thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.  

3. Việc phát hành tác phẩm, tài liệu đã được xuất bản và đang lưu hành hợp pháp tại Việt Nam trên mạng Internet phải do NXB, cơ sở phát hành ấn phẩm XB phẩm thực hiện theo quy định sau:  

a. Phải được sự đồng ý của tác giả bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

b. Trước khi phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet, NXB, cơ sở phát hành xuất bản phẩm phải báo cáo bằng văn bản với Cục XB về tên XB phẩm, tác giả, địa chỉ website và ngày đăng tải.  

Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm phát hành trên mạng Internet vi phạm các quy định của Luật XB thì Cục XB có văn bản yêu cầu NXB, cơ sở phát hành đình chỉ phát hành XB phẩm đó.  

4. Trường hợp phát hành trên mạng Internet XB phẩm của NXB, cơ quan, tổ chức được phép XB đã giải thể, sáp nhập hoặc chia tách phải được sự đồng ý của tác giả, cơ quan, tổ chức được chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự của NXB, cơ quan, tổ chức được phép XB đã bị giải thể, sáp nhập, chia tách (nếu có).  

SGGP online: VĂN HÓA VĂN NGHỆ

Xuất bản qua mạng: Đã có lộ trình

http : // www . sggp . org . vn / vanhoavannghe /2009/3/183379/

Thứ bảy, 07/03/2009, 23:36 (GMT+7)

Xuất bản trên internet là một khái niệm không mới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật truyền thông, mạng internet đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại. Nhiều loại hình giải trí, giáo dục, học tập… đã thay đổi hình thức thể hiện để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển trên mạng internet. Ở Việt Nam, khái niệm xuất bản trên mạng, phát hành sách, đọc sách trên mạng gần đây đã trở nên quen thuộc.

Xuất bản trên mạng có một ưu thế lớn là sự tiện dụng, nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, ưu thế cũng là trở ngại, chính vì sự tiện lợi quá đã khiến cho vấn đề xuất bản qua mạng trở nên khó kiểm soát. Ở góc độ cá nhân, rất nhiều trường hợp, thông các trang web, diễn đàn, blog… các tác giả đã tự “xuất bản” những tác phẩm của mình trực tiếp đến với người đọc qua mạng.

Thế nhưng, có người lại nhận ra cơ hội để lợi dụng sự thoải mái của mạng nhằm thực hiện mục đích không trong sáng. Điều này đã dẫn đến sự hỗn tạp, tốt xấu, trắng đen lẫn lộn của hình thức xuất bản tự phát qua mạng. Bộ Thông tin Truyền thông đã phải ban hành Chỉ thị quản lý blog để ngăn chặn tình trạng này.

Trong bối cảnh đó, các nhà xuất bản (NXB) lớn trong nước lại có vẻ chưa mặn mòi với hình thức xuất bản qua mạng. Lý do chủ yếu là thiếu quy định cụ thể về xuất bản trên mạng. Các đơn vị xuất bản vốn đã có khá nhiều lo lắng trong việc xuất bản truyền thống như sách lậu, nối bản, giá giấy, in… nên việc thờ ơ đối với hình thức xuất bản trên mạng được xem là dễ hiểu.

Thực tế hơn 4 năm sau, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, xuất bản qua mạng có vai trò tương đối quan trọng trong đời sống tinh thần. Nhiều sự kiện về văn học, nhiều tác phẩm xuất bản từ mạng đã được cụ thể hóa bằng xuất bản truyền thống. Trong bối cảnh đó, Nghị định 11/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10-2-2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.

Trong đó, có một điểm mới được nhiều người chú ý là trước khi xuất bản trên mạng internet, NXB phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản, trong đó ghi rõ thời gian và địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm và phải được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của NXB. Ít nhất 10 ngày trước khi trực tiếp xuất bản trên mạng internet, NXB phải nộp lưu chiểu một bản xuất bản phẩm.

Nghị định mới đã tạo ra một cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ các NXB tiến vào lĩnh vực xuất bản qua mạng. Sự tham dự của các NXB lớn được trông chờ sẽ đem lại sự ổn định cho xuất bản trên mạng vốn đang ngày càng hỗn loạn do sự xuất hiện của nhiều tác phẩm tiêu cực. Như vậy, đối với xuất bản trên mạng, hiện nay “đường” đã có, chỉ còn chờ “xe” của các NXB tham gia lưu thông

TƯỜNG VÂN

 

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

 

&

 

trang mục lục Giao Lưu:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

 

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

(trang 1 Giao lưu)

 

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

 

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan