f. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 6b

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 6_b

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

(trước và chính xác là từ 02-7-2002)

 

 

 (  bài 6 tiếp theo : phần B  )

 

 

 

 

 

@

 

Tại Huế, chiếu theo khoản 5 của hoà ước Patơnôt, viên khâm sứ Râyna đem quân vào đóng ở Mang Cá, nhưng bị Triều đình Huế cản trở không cho vào Thành Nội.

Ngày 10.6 năm Giáp tuất (1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh mất, làm vua được hơn 7 tháng.

Từ trước đến nay, cái chết của vua Kiến Phúc đã nêu lên một nghi án, mặc dầu trong sử chép rằng Kiến Phúc chết vì bệnh.

Có thuyết cho rằng vua bị Nguyễn Văn Tường giết, lấy lẽ bịnh tình Kiến Phúc không lấy gì làm nặng, lại chết một cách đột ngột, nên có thể là Nguyễn Văn Tường đã bỏ thuốc độc vào thang thuốc của vua.

Nhưng vì sao Nguyễn Văn Tường lại ám hại vua Kiến Phúc? Sau đây cũng lại là những giả thuyết:

 

1. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đồng ý giết vua Kiến Phúc, tôn một vị vua nhỏ tuổi hơn để dễ việc nắm trọn quyền bính.

2. Hai vị quyền thần cho rằng hiệp ước Patơnốt, các quan ta đã nhân danh vua Kiến Phúc để kí kết với Pháp, nếu vua Kiến Phúc không còn nữa thì hiệp ước sẽ mất hết hiệu lực.

3. Ban đêm, Nguyễn Văn Tường tự tiện vào trong cung nên bị vua Kiến Phúc la quở. Vua đã nói với Tường một câu: “Thầy đừng tưởng gươm nhà Nguyễn không sắc”.

 

Sau khi vua Kiến Phúc thăng hà, hoàng thân, đình thần tôn Ưng Lịch lên ngôi, lấy hiệu là Hàm Nghi [TXA. ing.], lúc ấy mới 12 tuổi.

Tôn vương tức vị là một việc hết sức trọng đại, thế mà viên khâm sứ Trung kì không được tham khảo ý kiến. Râyna lấy làm tức tối nên phản đối kịch liệt và không công nhận vua mới.

Quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường [TXA. iđ.] bảo cho viên khâm sứ Pháp biết rằng hiệp ước Việt – Pháp không bao giờ đề cập đến việc lập vua cần phải có sự thoả thuận của Chính phủ Pháp [TXA. ing.]. Nước không thể một ngày không vua, nên phải tôn hoàng tử  Ưng Lịch.

Râyna đề nghị tôn Gia Hưng vương, nhưng hai phụ chánh không thuận [TXA. iđ.], lấy cớ vua Kiến Phúc trước khi mất có di chiếu chỉ định Ưng Lịch. Viên khâm sứ vẫn một mực phản đối việc tấn tôn này, cho rằng vua Kiến Phúc chưa đến tuổi trưởng thành, di chiếu ấy không có giá trị.

Tuy thế, Râyna cũng không biết quyết định thế nào cho phải lẽ nên gửi điện văn xin chỉ thị ở Pháp.

     

Người biên soạn ghi chú thêm vào giữa bài viết của GS. Bửu Kế: Theo cách triển khai các ý tưởng, giả thuyết, sự việc ở đoạn văn viết về cái chết của Kiến Phúc và về âm mưu, quyết tâm tôn lập Gia Hưng vương Hồng Hưu của Râyna (Rheinart), GS. học giả Bửu Kế đã mặc nhiên cho chúng ta thấy cái lô gich (logic, logique) của chuỗi sự kiện. Lô gich này đúng với ĐNTL.CB. V [đệ ngũ kỉ] [4], tr. 150 – 151, tr. 176 – 178, (xin xem 2 trích đoạn ở phần phụ lục tư liệu chuẩn cứ). Chúng tôi đã hơn một lần khẳng định rõ bằng ngôn từ minh xác: Hồng Hưu ám sát Kiến Phúc theo ý đồ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, rõ ràng ĐNTL.CB. V đã khẳng định Kiến Phúc chết vì bệnh tái phát (bệnh mới sắp khỏi lại tái phát thường là rất nguy kịch, dễ dẫn đến tử vong). Thế thì chúng ta căn cứ vào tư liệu giám định thực nghiệm nào để khăng khăng kết luận?!? Do đó, chúng tôi chỉ có thể nhất trí với 1 trong 2 điều sau:

       1. Kiến Phúc chết vì bệnh tái phát rất nguy kịch, đúng như ĐNTL.CB. V đã ghi chép.

       2. Kiến Phúc bị đầu độc bởi Hồng Hưu, (Hồng Hưu là kẻ đáng ngờ nhất, theo lô gich của chuỗi sự kiện trong ĐNTL.CB V [đệ ngũ kỉ], và theo lô gích nói trên của GS. Bửu Kế), do một loại chất độc mà các quan ngự y của Thái y viện không thể giám định y khoa được. Cần lưu ý thêm: đầu độc nhà vua là một việc không đơn giản (thăm bệnh, bắt mạch, bốc thuốc, sắc thuốc, nâng chén cho vua uống thuốc, ngay cả việc cơm ăn, nước uống, nơi ở, giường nằm của vua, đều có cơ chế giám sát với người chuyên môn giám sát từng li từng tí).

      Hơn nữa, cái gọi là giả thuyết thì vô cùng, ai đơm đặt gì chả được! Theo phương pháp khoa học, cái gọi là giả thuyết đòi hỏi phải được chứng minh, và phải chứng minh bằng các dữ liệu cụ thể, đã được giám định thực nghiệm (tang chứng, vật chứng, nhân chứng). Viết sử, nghiên cứu sử, hoặc sáng tác tiểu thuyết, tùy bút lịch sử, làm sao dám chép lại, đưa ra những giả thuyết không một chút bằng cớ, thậm chí có giả thuyết ngây ngô như vậy! Nếu đã đưa ra giả thuyết thì phải chứng minh ngay, tiếp theo ngay vào đoạn văn chép lại giả thuyết ấy, bằng không là đã can tội hình sự, cho dù vô tình hay hữu ý: tội gieo nghi án cho người khác. Kẻ thù chẳng mong gì hơn là lợi dụng được tật cả tin, khía cạnh tâm lí trong một xã hội có mâu thuẫn giai cấp mặc dù thống nhất ý chí chống ngoại xâm và thói đời “tiếng lành đồn gần” nhưng “tiếng dữ đồn xa”, để gieo được nghi án về người chúng căm hận! Đó là chưa kể đến thủ đoạn “câu khách” của các cây bút thuộc loại “ngồi lê đôi mách” với các chuyện thâm cung bí sử, thời nào cũng bị thêu dệt. Chúng tôi xin phép được nhấn mạnh: Bất kì thời nào người đời cũng háo hức, thèm khát trong việc thêu dệt, nghe ngóng, hóng hớt, đồn đãi các loại bí sử. Và kẻ thù đã lợi dụng triệt để loại tâm địa thuộc dạng thói đời rất phi chính trị, rất thế sự này.

      Chúng tôi xin được mạn phép học giả Bửu Kế để “đọc và bình chú” tác phẩm tuỳ bút – khảo luận lịch sử này của ông, bởi lẽ, bài viết thiếu những cước chú cụ thể cần thiết để tiện tra cứu, và nhất là để bảo chứng cho các chi tiết lịch sử được ghi lại, hoặc được phân tích, bình luận. Vâng, xin mạn phép gọi là “tuỳ bút – khảo luận lịch sử”, mặc dù GS. là chuyên gia về chữ Hán, dịch giả Pháp văn, với bảng liệt kê sách báo tham khảo thật có sức nặng [5]*.

 

Chánh phủ Pháp không muốn sinh chuyện lôi thôi, nên đánh điện văn phúc đáp, ra lệnh cho tướng Milô đưa ngay một trung đoàn đến Huế, vào kinh thành tấn phong vua Hàm Nghi.

Đại tá Gheriê (Guerrier), tham mưu trưởng của Milô, nhận lãnh sứ mệnh này, đem theo 600 binh sĩ và 2 pháo đội.

Lúc Gheriê đến nơi thì cửa thành đóng kín, không vào được. Nhưng bên trong không có vẻ chuẩn bị để kháng cự.

Quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường [TXA. iđ.] không chịu bảo quân lính mở cửa, thoái thác rằng bản hiệp ước Việt – Pháp cần thương thuyết lại và quân Pháp không có quyền vào đóng trong hoàng thành.

Đại tá Gheriê đáp lại: Hiệp ước Patơnôt bao giờ cũng có hiệu lực, và hẹn trong 12 tiếng đồng hồ nếu bên ta không nhượng bộ thì bắn đại bác vào Đại nội.

Ngày 15.8.1884, vào lúc 03 giờ chiều, sắp hết hạn đã ấn định trong tối hậu thư, Nguyễn Văn Tường và mấy quan Cơ mật thân hành qua Tòa Khâm sứ báo cho Râyna và tướng Gheriê biết là Chánh phủ ta thuận theo các điều khoản trong hiệp ước và xin phép lập vua Hàm Nghi.

Bản xin phép viết bằng chữ Nôm, Râyna không thuận, buộc phải dùng chữ Hán. Trong câu chuyện, viên khâm sứ có ý dọa ngầm rằng: Ông ta có thể đưa hai quan phụ chánh Nam triều ra trước toà án quân sự về những hành động bất thân thiện và trái hiệp ước.

Đại tá Gheriê muốn hòa giải, nên ôn tồn bảo với các quan ta là ngày hôm sau, ông sẽ sang tấn phong vua Hàm Nghi.

Thấy bên ta nhượng bộ, Gheriê chờ cho Nguyễn Văn Tường đi rồi, liền đem quân về Mang Cá, kéo cờ Pháp lên, đóng quân để chận nơi hiểm yếu của quân ta.

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên, khi thấy Nhà Cầm quyền Pháp cũng như viên khâm sứ ép buộc vua Việt Nam phải nhận lễ tấn phong của người Pháp, một điều mà trong hiệp ước không bao giờ nói đến. Khoản 5 của hiệp ước ngày 06.6.1884 chỉ nói rằng: “Viên khâm sứ đại diện Chánh phủ Pháp, chủ tọa các liên lạc ngoại giao điều hành công cuộc bảo hộ nhưng không can thiệp vào nội trị tại các tỉnh đã ấn định ở khoản 3 (tức là các tỉnh từ biên giới Nam Việt [lục tỉnh Nam kì – TXA. ct.] đến địa giới tỉnh Ninh Bình). Viên khâm sứ sẽ ở trong kinh thành Huế cùng với các đoàn tuỳ tùng quân sự, có quyền lấy tư cách riêng để yết kiến vua Việt Nam”.

Với đầu óc thực dân, người Pháp chỉ [nghĩ – TXA. ct.] rằng trước kia, thần phục Trung Hoa, vua Việt Nam phải thọ phong [bởi – TXA. ct.] vua Trung Hoa, nay chịu bảo hộ của Pháp, thì phải nhận lễ tuyên phong của Pháp. Có như thế họ mới xen vào nội tình của Việt Nam được.

Ngày 17.8.1884, vào lúc 09 giờ sáng, đại tá Gheriê, khâm sứ Râyna, thuyền trưởng chiếc tàu Tát (Tarn) đem 25 sĩ quan và 160 binh sĩ vào Đại nội để làm lễ tấn phong. Gheriê, Râyna và viên thuyền trưởng đi cửa giữa, không mang theo vũ khí, 60 binh lính và sĩ quan đi cửa hai bên, còn những kẻ khác đứng chực ở ngoài. Vào đến điện Thái Hoà, Gheriê đăït lên cái bàn trước ngai vàng huy chương bắc đẩu bội tinh.

Lễ xong, khi đoàn người ra về, đến Ngọ môn thì cửa giữa đã đóng lại, phải đi cửa hai bên để ra ngoài.

Như trên đã thấy, theo hiệp ước Patơnôt thì viên khâm sứ Trung kì được coi như là quan thượng thơ Ngoại giao của Việt Nam. Do đó, đường lối ngoại giao ở Trung cũng như ở Bắc đều lệ thuộc viên khâm sứ Trung kì. Milô, trông coi Bắc kì, lúc bấy giờ là một viên trung tướng, còn Râyna thì chỉ mới đại úy. Một viên đại úy không thể nào lại giữ một chức vụ có thể điều khiển một viên trung tướng được, vì thế nên Chánh phủ Pháp triệu viên quan võ Râyna về và bổ sung một viên quan văn thay thế.

Một điện văn gửi từ Pháp hôm 30.8.1884 cử Lơme (Lemaire), tổng lãnh sự Thượng Hải, giữ chức khâm sứ Trung kì, và yêu cầu đến nhiệm sở gấp.

Lơme nhận được chỉ thị bảo phải có thái độ ôn hoà với Triều đình Huế nhưng cũng đừng để bị lấn áp.

Lơme đến Huế ngày 10.10.1884 với trọng trách tổ chức nền cai trị ở Bắc Việt và điều hành công cuộc bảo hộ ở Trung Việt. Nhưng chỉ trông nom về phương diện hành chánh mà thôi, còn quân sự thì vẫn thuộc các sĩ quan Pháp.

Không chịu thừa nhận chế độ bảo hộ vừa kí kết, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, bên ngoài giả vờ tử tế, nhưng lại cho đặt súng chung quanh hoàng thành và khu kinh thành [TXA. ing. & iđ.]. Đại tá Pécnô (Pernot) lại báo cáo chuyện đó với tướng Brie đờ Lislơ (Brière de L’Isle). Các võ quan Pháp mới bàn bạc với nhau tổ chức những cuộc tập trận và cả ngày lẫn đêm kéo quân đi chung quanh thành để diễu võ giương oai.

Triều đình Huế phản kháng với viên khâm sứ, cho rằng những cuộc diễu hành và tập trận ấy đã làm náo động nhân tâm ở kinh đô Huế [TXA. ing.].

Sau cùng hai bên thoả thuận: quân đội Pháp dẹp hẳn cái lối khiêu khích hăm doạ ấy, còn bên ta thì cất hết những khẩu súng, nhất là những khẩu đang há họng chĩa sang Toà Khâm sứ.

Tuy đại bác đã triệt hạ, nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết [TXA. iđ.] vẫn cho vận tải súng ống, lương thực ra Tân Sở [TXA. ing.], gửi mật thư [TXA. iđ.] cho các quan ở Bắc Hà yêu cầu thu thuế, thu thóc về kinh đô để phòng ngự chiến tranh. 

Ta lại gửi mua ở Hương Cảng 6.000 thước xích sắt hạng lớn, với mục đích giăng ngang ở các cửa bể, cửa sông, khiến những lúc có chiến tranh, tàu Pháp không tiến vào kinh kì được. Cuối tháng 3, lúc hàng về, một chiếc tàu cắm cờ Đức bị pháo hạm của Pháp chận bắt, cho rằng những dây xích ấy có mục đích quân sự.

Các quan Thương bạc phản đối kịch liệt, lấy cớ rằng các đội long thuyền và hai tuần dương hạm cỡ nhỏ của Việt Nam rất cần đến những sợi dây xích ấy. Viên khâm sứ bằng lòng kí giấy cho nhập nội.

Lơme là một người có kinh nghiệm về đường ngoại giao. Trong những cuộc tranh chấp giữa ta và người Pháp, Lơme đã xử trí một cách khôn khéo.

Một sĩ quan Pháp bị một người trong hoàng tộc chế nhạo. Y nổi cáu đánh một bạt tai. Viên khâm sứ đã trừng phạt sĩ quan đó để lấy lòng người Việt.

Nhưng đến việc thứ hai thì Lơme vấp phải sự chống đối của bọn Pháp ương ngạnh.

Mấy người thủy thủ của chiếc tàu Lion (Lionne) đậu tại cửa Thuận An bị mất cắp, viên võ quan chỉ huy chiếc tàu ấy là Hennít (Hennique) vào trong làng lùng bắt viên lí trưởng rồi dùng roi để đánh.

Chánh phủ ta phản kháng với viên khâm sứ, Lơme gửi giấy khiển trách Hennít. Viên sĩ quan này không nhận lỗi, đưa việc ấy ra Hà Nội. Tướng Brie ở Hà Nội bênh vực Hennít, thế rồi không bên nào nhượng bộ bên nào. Cuối cùng viên thượng thư hải quân Pháp phải đứng ra can thiệp, nhưng lại can thiệp một cách rất thực dân. Hennít nguyên chức đại úy hải quân được thăng lên hàm trung tá.

Thấy rõ sự chống đối giữa các nhà cai trị và quân sự Pháp ở Việt Nam, Triều đình Huế mới thảo một giác thư nhờ Lơme gởi thẳng cho Chánh phủ Pháp, gồm mấy khoản, đại khái:

 

1. Hiệp ước Patơnốt chưa được phê chuẩn mà 2.000 hay 3.000 lính Pháp đã chiếm đóng Mang Cá. Khoản 5 của hiệp ước này cần phải sửa đổi, nghĩa là đồn binh của viên khâm sứ phải đóng ở ngoài thành [TXA. ing. & iđ.] để khỏi phạm đến uy quyền của vương triều và cũng để khỏi làm cho dân chúng sợ hãi.

2. Nhiều viên công sứ ở Bắc kì đã xử tử, xử phạt trượng, phạt xuy (đánh bằng gậy và roi), phạt tiền các quan tỉnh hoặc phủ, huyện [TXA. ing. & iđ.].

3. Các tàu Pháp kiểm soát quá chặt chẽ các ghe thuyền của Việt Nam. Tại các tỉnh, việc giữ ghe thuyền quá lâu làm hại cho nền thương mại.

4. Vì dùng cường quyền để áp bức [TXA. iđ.], Triều đình Huế phải huỷ ấn phong vương của vua Trung Quốc. Bạc của cái ấn ấy trị giá 240 đồng Mễ Tây Cơ. Lẽ ra phải gởi trả lại cho Bắùc Kinh, chứ không nên đem phân chia cho các sĩ quan tham dự trong buổi lễ hôm ấy.

5. Viện Cơ mật đòi các thứ thuế nha phiến, thuế mỏ và các thứ thuế khác. [Về thuế nha phiến, đây là chi tiết lịch sử – cụ thể, hậu quả của thủ đoạn ngược ngạo bóc lột “chiến phí” của thực dân Pháp hồi 1862…; là thứ thuế một đi không trở lại! – TXA. ct.]

 

Khoản 2 trong bức giác thư đã tố cáo những hành vi tàn nhẫn của các viên công sứ Bắc kì hồi đó. Chính Râyna cũng đã xác nhận là việc có thật. Nhiều quan phủ, huyện bị bắt cóc hay bị giết. Hà Văn Quan, tổng đốc Hải Dương, bị đày ra Côn Đảo vì tội chống Pháp.

Các sĩ quan Pháp rất tức tối khi thấy kẻ đại diện cho nước Pháp tại Huế cũng đồng ý với ta điểm đó.

Trong khi ấy, Nguyễn Văn Tường gởi thông tư cho các quan ngoài Bắc, ngăn cấm không cho giúp đỡ người Pháp trong việc mộ lính và phu khuân vác, vì cho rằng Brie đờ  Lislơ tuyển lính pháo thủ 2 đại đội là trái với hiệp ước [TXA. iđ.].

Những sự chống đối của hai quan phụ chánh, nhất là Tôn Thất Thuyết, đã làm cho Chính phủ Pháp bất bình. Phơrâyxinê (Freycinet), bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, gởi giấy cho khâm sứ tại Huế yêu cầu tìm cách trừng phạt Tôn Thất Thuyết, không cho ở địa vị ấy nữa và bắt đày đi một nơi khác.

Cũng như Philát, Lơme không được thượng cấp tin cậy, vì tỏ ra ôn hoà với Triều đình Việt, lại không hết lòng bảo vệ chế độ thuộc địa, không tìm cách lấn áp quyền hành của dân bị trị. Vì thế nên ngày 12.4, thượng thư Bộ Binh Pháp bổ nhậm Ruxen đờ Cuốcxy (Roussel de Courcy) sang Việt Nam với những quyền hành hết sức rộng rãi. Các viên khâm sứ ở Huế và ở Bắc đều thuộc dưới quyền điều khiển của viên tướng này.

Trong cuộc tranh chấp giữa quân sự và hành chánh, ta thấy quân sự đã thắng thế. Nam kì bị tách rời và coi như là thuộc địa của Pháp, ta chỉ còn lại Trung và Bắc. Trước kia, Lơme, một viên chức hành chánh đại diện cho Pháp để giao thiệp với Triều đình Huế, quyền hành lớn hơn các khâm sứ và các quan binh ở Bắc. Nay Pháp lại đưa sang một tướng lãnh mà Lơme có bổn phận phải phục tùng. Như thế viên khâm sứ Huế, không còn là vị đại diện của Chánh phủ Pháp nữa, mà chỉ đại diện cho tướng Cuốcxy mà thôi.

Tướng Cuốcxy chủ trương bình định Bắc kì trước, kiếm cách ngăn cản để Triều đình Huế không thể nào thúc giục dân chúng Bắc Việt nổi lên được nữa, rồi uy hiếp Trung Việt sau.

Tướng Cuốcxy đến Bắc kì vào hôm 31.5.1885, liền cho chiếc tàu Pluyviê (Pluvier) vào Huế đón Lơme ra hỏi công việc.

Lơme bất bình về việc Chánh phủ Pháp đặt tướng Cuốcxy làm thống đốc quân vụ kiêm tổng thống toàn quyền, khiến ông mất hết quyền bính, nên sau khi gặp tuớng Cuốcxy ở Hà Nội và trình bày công việc xong, ông liền bàn giao, xin từ chức và không trở lại Huế nữa.

Sămpô được cử giữ chức khâm sứ, đại diện cho Cuốcxy ở Huế.

Tướng Cuốcxy được chính phủ Pháp giao phó quyền hành hết sức rộng rãi. Ngoài việc thống lĩnh tất cả binh quyền ở Trung và Bắc, ông còn nắm cả quyền chính trị của cả 2 xứ.

Chính sách của Pháp bấy giờ là sau khi chiếm Nam kì liền lần ra Bắùc, và bình định Bắc xong sẽ uy hiếp Trung kì. Nơi đây có vua, có Triều đình và một binh lực tương đối hùng hậu hơn các miền khác. Nhưng sau khi sang Đông Dương, được báo cáo rõ về hai viên phụ chánh Tường và Thuyết đang chuẩn bị để tấn công Pháp [TXA. iđ.], tướng Cuốcxy định đánh mạnh một đòn vào Huế để làm tan rã chánh quyền của Việt Nam rồi dần dà dùng võ lực để bình định Bắc kì sau.

Ngày 26.6.1885, từ Hà Nội tướng Cuốcxy gởi điện văn về cho Thượng thư bộ binh Pháp: “Tôi mang trong lòng những nỗi căm hờn đối với các vị phụ chánh. Tôi sẽ hành động thận trọng nhưng cương quyết. Đánh điện về Huế cho biết, nêu Bộ chống lại việc dùng võ lực” [TXA. ing. & iđ.].

Không ngờ Bộ Chiến tranh không chấp thuận việc gây chiến với Triều đình Huế. Tuy vậy, tướng Cuốcxy vẫn quyết hành động theo ý của mình bằng cách tạo ra cơ hội để đưa đến việc dùng bạo lực [TXA. ing.].

Tướng Cuốcxy ban bố lệnh giới nghiêm, đem ra Huế 800 lính Ả Rập do tiểu đoàn trưởng Métdingê (Metzinger) chỉ huy và 154 khinh binh.

Sămpô báo tin cho Triều đình Huế biết để chuẩn bị việc nghinh tiếp. Cuốcxy muốn đến Huế một cách oai vệ để mọi người thấy rõ uy quyền của mình và cũng để hăm doạ hai quan phụ chánh [TXA. iđ.].

Ngày 19-5 năm Ất Dậu (1-7-1885), tướng Cuốcxy đến Thuận An. Bên phía người Pháp có Sămpô và mấy viên văn võ quan, bên ta hai vị đại thần đi đón và có quân lính dàn hầu.

Các cửa thành đều treo cờ và khi tàu cập bến ta bắn 19 phát súng để chào mừng.

Về đến Tòa Khâm, Cuốcxy mật nghị với Sămpô và các tướng lãnh định mưu bắt Tôn Thất Thuyết. Mưu đó rất giản dị, giống kiểu Tôn Quyền mời Quan Vân Trường sang phó hội và chặn bắt. Nhưng cơ mưu ấy bị những người bồi bếp trong Toà Khâm tiết lộ ra ngoài.

Với hành động ngang trái này, tướng Cuốcxy dựa vào ý kiến của Phơrâyxinê, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp. Phơrâyxinê đã từng gởi điện văn cho viên khâm sứ Huế, khuyến cáo nên trừng phạt Tôn Thất Thuyết, không những bãi chức mà còn đổi đi xa.

Lúc tướng Cuốcxy đến Huế, mang theo binh lực, Triều đình Huế không khỏi lo ngại.

Tôn Thất Thuyết vội đến dinh Nguyễn Văn Tường để bàn bạc.

Tường nói:

“Quan lớn là kim chi ngọc diệp, lẽ tất nhiên là phải hết lòng hết sức tôn phù xã tắc. Còn tôi, mặc dù là kẻ bách tính, nhưng cũng biết vị quốc vong thân. Nhưng quan lớn không nghĩ rằng: Nếu gây việc can qua, biết đâu chúng ta sẽ không thất trận? Gia Định thành trì kiên cố, vẫn không chống nổi đại bác của giặc Tây. Vừa rồi thất thủ Thuận An, nhân tâm xao xuyến, vàng bạc tiêu tan. Nếu đánh nhau, thánh thượng không khỏi kinh tâm, quân lính sợ không hết lòng chiến đấu. Hay là chúng ta thử đem tiền bạc, đất đai mà nhượng cho bọn chúng? Nhưng nếu quan lớn tin chắc rằng quân ta có thể đuổi được giặc, đem lại cảnh thái bình thì tuỳ quan lớn định liệu, tôi không dám bàn đến”.

Nghe Nguyễn Văn Tường đưa ra những luận cứ ấy, tuy đúng với tình trạng hiện thời, nhưng lúc bấy giờ bầu nhiệt huyết của Thuyết đang hăng, lại bị dồn vào thế bí, biết rằng các tướng lãnh cao cấp Pháp hiện đang cố kiếm cách hãm hại mình. Vả lại, [trước – TXA. ct.] chính sách tàm thực tham lam của Pháp, dầu ta có đối xử ôn hoà cũng không sao thành công được. Vì thế Tôn Thất Thuyết đã bất bình đáp lại:

“Ăn cơm vua, phải trả nợ nước, huống chi cầm binh quyền trong tay, nếu để giặc Tây chiếm hãm thành trì thời còn đâu nữa vàng bạc thuế má? Tôi nhất quyết đương đầu với giặc, dẫu sau này ra sao cũng đành. Vì vậy tôi định ra lịnh cho các võ quan và binh sĩ phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”.

Sau cuộc đàm luận, hai quan phụ chánh chia tay, nhưng trong lòng đã bắt đầu thiếu sự đồng tâm nhất trí.

Tướng De Cuốcxy đưa giấy mời các hoàng thân, các quan Cơ mật sang dự tiệc tại Toà Khâm sứ để bàn việc triều yết vua Hàm Nghi cùng đệ trình quốc thơ. Trong số quan khách đến dự, người ta thấy vắng bóng quan đệ nhị phụ chánh.

Vừa nhập tiệc, Cuốcxy liền nâng cốc, cầu chúc hai nước được thịnh vượng, đoạn nói tiếp:

“Nếu qúy quốc muốn được yên ổn thì trong vòng 3 ngày phải nạp chiến phí cho chúng tôi là 20.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc và 200.000 quan tiền. Chúng tôi vui mừng thấy các ngài đến đây đông đủ. Nhưng sao quan phụ chánh Tôn Thất thuyết lại vắng mặt? Hay là quan phụ chánh ở nhà để sửa soạn đánh chúng tôi?”.

Một vị đại thần tìm cách nói đỡ: “Dạ, quan phụ chánh của chúng tôi bị bệnh nên không sang được”.

Cuốcxy lên cao giọng trịch thượng: “Nếu bị bệnh cũng phải võng đến. Thế nào chúng tôi cũng cho người đến nhà để bắt!”.

Các quan nghe nói thảy đều ngao ngán. Còn cuộc bàn bạc việc triều yết vua Hàm Nghi thì không mang đến kết quả nào cả. Cơ mật viện yêu cầu: Lúc vào Đại nội, chỉ có tướng Cuốcxy đi cửa giữa, các quan theo hầu đều đi cửa  hai bên, không mang theo vũ khí. Lúc lên điện Thái Hoà, bước vào ngang hàng cột thứ nhì, phải dừng lại, đưa quốc thư cho một viên đại thần dâng lên vua.

Tướng Cuốcxy bác bỏ những lời đề nghị ấy, buộc vua Việt Nam phải tiếp ông ta, nhận quốc thơ xong rồi mới ngồi trên ngai vàng. Còn việc vào cửa Ngọ Môn thì ông nói một cách hống hách: “Không những các quan theo tôi, mà ngay cả quân lính cũng đi cửa giữa”.

Cuộc bàn bạc chưa xong thì tướng Cuốcxy yêu cầu hoãn lại, đợi lúc nào Tôn Thất Thuyết bình phục sẽ hay.

Về phần Nguyễn Văn Tường thì ông đã phản kháng với tướng Cuốc xy là binh sĩ Pháp ăn mặc lôi thôi, hay phá phách, nên yêu cầu cấm chỉ không cho họ vào Thành Nội nữa [TXA. ing.].

Tiệc tan ra về, Nguyễn Văn Tường liền đi ngay đến Bộ Binh, gặp Tôn Thất Thuyết, đem tự sự thuật lại, và nói: “Đến nước này, chúng ta không sao chịu nổi, thôi đành liều may rủi với trời” [TXA. iđ.].

Tôn Thất thuyết cũng giận run lên, bảo với Tường rằng:

“Binh lính của chúng ta đều đã sẵn sàng, chỉ cần hành động gấp để bọn chúng không kịp trở tay. Ngoài Bắc chúng đã chiếm cứ Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, nay đến cửa Thuận. Nếu ta bó tay ngồi nhìn giặc Tây hoành hành thì còn gì là cơ nghiệp nữa! Tôi sắp đặt thế này: Mặt tiền quan hệ hơn cả thì đã có lính Long Thuyền, Võ Sinh, đều tinh thông võ nghệ. Trong hoàng thành do lính Cẩm Y và Kim Ngô chống giữ. Bọn mới tuyển cho đóng ở phía sau. Cửa Đông Ba có 5 vệ, đóng dọc về thẳng Trường Định. Tại cửa An Hoà có 5 vệ, cửa Hậu, 5 vệ. Cửa Tả có vệ Hổ Oai, chọn lựa những đứa thiện chiến. Cửa Chính Tây đã có đội Hùng Nhuệ giữ. Trong và ngoài thành đều có voi, mỗi con 2 nài, súng đại bác bố trí khắp nơi. Bên kia sông, phía trước lầu sứ, lính Long Thuyền, Phấn Nghĩa chuẩn bị sẵn, hễ nghe hiệu lệnh là xung phong vào các trại để tàn sát lính Pháp”.

Hai quan phụ chánh mật đàm mọi việc ổn thoả, chỉ chờ cơ hội là thực hiện [TXA. iđ.].

 

@

 

Cuộc bang giao Việt – Pháp đi lần đến chỗ sụp đổ. Về phía Việt Nam như ta thấy, chuẩn bị chiến cuộc từ lâu. Triều đình cũng như sĩ phu, dân chúng đều muốn đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Đất nước, nhưng tự liệu lực lượng, thấy khó địch nổi nên phải ẩn nhẫn để chờ thời. Nay như thuốc nổ bị châm ngòi, tức lòng nên phải nổ; Tôn Thất Thuyết lo sợ, chưa biết quân Pháp đến bắt mình lúc nào; nên suốt cả ngày 21 và 22 tháng 5 năm Ất dậu (03 – 04.7.1883), hai quan phụ chánh chuẩn bị công việc hoàn tất [TXA. iđ.]. Muốn tăng gia sức lực chiến đấu, Tôn Thất Thuyết ra lệnh mở rộâng cửa nhà lao, chặt xiềng, tháo gông, tha tội cho các phạm nhân, cho bọn chúng tiền bạc, cơm rượu và dụ bọn chúng cầm khí giới quyết tâm giết giặc.

Công cuộc sửa soạn nằm trong vòng quân cơ bí mật. Tuy thế, giám mục Cátpa vẫn biết được và tin báo cho tướng Cuốcxy hay. Cuốcxy tự phụ ở binh sĩ, ở súng ống của mình nên xem thường, không buồn lưu ý. Vì thế cuộc khởi nghĩa của ta đã gây cho Pháp ít nhiều thiệt hại.

Thái độ khiêu khích của Cuốcxy đã biểu lộ một cách rõ rệt. Các tặng phẩm của vua và đình thần đem qua biếu, Cuốcxy từ chối trả lại.

 

@

 

Đêm 22 tháng 5 (04.7), nhân dịp đến Huế, tướng Cuốcxy mở tiệc khoản đãi các văn võ sĩ quan Pháp ở Huế.

Hình như cuộc tấn công Tòa Khâm định vào một giờ sớm hơn, nhưng vì công cuộc sắp đặt chưa hoàn bị nên mãi đến lúc trăng lên, nghĩa là lúc 12 giờ 40 mới bắt đầu khởi sự. Nhưng khẩu đại bác đặt sẵn trên thành chĩa ra cầu Thanh Long và sông Đông Ba, chờ các sĩ quan dự dạ yến trở về sẽ bắn vào họ để tàn sát. Nhưng vì cuộc tấn công bị chậm trễ thành thử các sĩ quan đều trở về đồn bình an vô sự. Tuy thế, về sau, người Pháp vẫn gọi cầu Thanh Long là cầu mưu sát (Pont de L’Attentat).

Quân số của Pháp lúc bấy giờ gồm có:

Tại Mang Cá, hai đại đội bộ binh của người Phi châu, 3 trung đội thuỷ quân lục chiến; tại khu đất nhượng địa trong thành gần Mang Cá: 2 đội lính Phi châu, 1 trung đội thuỷ quân lục chiến và pháo đội; tại Tòa Khâm: 2 đại đội thủy quân lục chiến; phía bắc Mang Cá có 2 pháo hạm Javơlin (Javeline) và Briônvan (Brionval) và một chiếc tàu nhỏ. Tổng cộng  cả thảy 31 sĩ quan, 1.387 binh sĩ và 17 cỗ đại bác.

Sau buổi dạ hội náo nhiệt, quang cảnh lần lần trở lại yên tĩnh. 11 giờ 30 ai nấy đều ra về.

Toà Khâm và Mang Cá đang chìm đắm trong giấc ngủ. Bỗng nhiên vang lên tiếng đại bác và tiếng reo hò vang dậy. Những trại lợp tranh của lính ở bị những bó đuốc của quân ta xung phong vào đốt, bốc cháy dữ dội. Hăng hái nhất là lính Phấn Nghĩa, tức là lính của Tôn Thất Thuyết mộ làm tay chân, cùng những phạm nhân ở lao Thừa Thiên và lao Trấn Phủ được thả ra để đái công chuộc tội. Họ mang súng hoặc đại đao, mã tấu, mình trần trùng trục, tóc bỏ xoã xuống ngang gối. Đạo quân đánh vào Tòa Khâm do Tôn Thất Liệt [Lệ – TXA. ct.], em của Thuyết, cùng quan thủy sư đô đốc, thuỷ sư hiệp lí chỉ huy, còn cánh quân đánh vào Mang Cá thì đề đốc Trần Xuân Soạn và Tôn Thất Thuyết tự thân hành đốc suất. Một viên đại bác từ pháo đài ta trên cửa thành bắn sang làm thủng một lỗ lớn trên nóc Tòa Khâm. Tường và mái đều bị xuyên đạn. Nhà kho, nhà vệ sinh sụp đổ và bốc lửa. Đại uý Bruynô (Bruneau), pháo binh hải quân, bị một viên đạn xuyên qua ngực, ngã ra chết, đại uý Bruanh (Brouin) của đội binh châu Phi gãy mất hai ống chân, tử trận. Hai sĩ quan Hétsen (Heitschell) và Lacơroa (Lacroix) bị thương nặng.

Quân Pháp đã bảo vệ được kho khí giới, đạn dược và lương thực. Nhưng quân trang thì bị cháy sạch đến nỗi viên tiểu đoàn trưởng Métdingê suốt cả ngày 5.7, chỉ mặc có một cái quần đùi, mãi đến tối mới kiếm được một cái quần dài, nhưng lại thiếu kéo, phải dùng đến dao để hớt bớt cho vừa.

Do một cái cửa ăn thông qua trại, 160 binh sĩ của Pháp kéo vào Tòa Khâm. Chính tướng Cuốcxy đã điều khiển toán quân này, đăït mỗi cửa sổ 2 người bắn ra để chặn đứng những đợt xung phong của lính Việt.

Một điều may mắn cho Pháp là Nhà Bưu điện cách Toà Khâm vào lối 300 thước không bị hư hại gì cả, nên tướng Cuốcxy cho đánh điện gọi lính ở Hải Phòng cấp tốc vào Huế và gọi lính ở Thuận An kéo lên.

Ban đầu súng đại bác của ta bắùn không lấy gì làm trúng đích, nhưng về sau đã tàn phá được nhiều nơi, làm thủng trần, sập vách. Cả Tòa Khâm rộng lớn chỉ còn lại một gian phòng chính là đứng vững.

Tại Mang Cá, sau những phút kinh hoàng đã qua, trung tá Pécnô và thiếu tá Métdingê chia quân phản công đánh chiếm kinh thành. Súng đại bác Pháp chĩa bắn vào các ổ súng của ta. Hai pháo hạm, nhờ có ánh lửa của những túp nhà bị cháy nên đã bắn trúng vào mặt đông bắc của kinh thành. Quân Pháp ở Mang Cá, kéo vào tập trung ở khu đất mà ta đã nhượng cho Pháp từ một năm nay, rồi chia thành 3 toán kéo đi tấn công các ngã, tiến vào Thành Nội. Quân ta kháng cự rất hăng nhưng sau 1 tiếng đồng hồ thì rút lui và tan rã hàng ngũ. Pháp chiếm được 6 cỗ đại bác hạng lớn đặt trên mặt thành rồi dùng lại những khẩu súng này để bắn lại quân ta.

Trời gần sáng, chiến cuộc vẫn tiếp diễn dữ dội nhưng quân ta thế yếu cứ lùi dần. Pháp đốt hai bộ, Lại và Binh, là chỗ ở của Tường và Thuyết [TXA. iđ.] và các công thự, các trại lính. Gặp dân chúng chạy loạn, không phân biệt già trẻ trai gái, [Pháp – TXA. ct.] đều tàn sát một cách rùng rợn, tiếng la khóc vang trời dậy đất.

08 giờ 30 sáng, trên kì đài ta đã phất phơ lá cờ Pháp. Tiếng gọi là cờ nhưng kì thật là sợi dây thắt lưng của một tên lính Phi châu kết với hai mảnh vải.

09 giờ thì quân Pháp vào Đại nội, quân ta rút ra khỏi hoàng thành.

Pécnô phải dùng đến 1 tiểu đoàn canh gác cung điện, để khỏi bị cướp phá. Tuy thế, các điện đài, dinh thự khác trong hoàng thành, suốt 48 tiếng đồng hồ bị quân Pháp ra tay vơ vét. Phần nhiều trong túi tên lính Pháp nào cũng có những nén bạc cướp được của kho ta. Một phóng viên của Hãng Ava (Havas) đã nói rằng chính ông đã mua được của các tên lính ấy 08 kilô bạc nén cả thảy. Ông lại còn cho biết suốt trong 5 ngày, 50 người chuyên việc sắp xếp các bảo vật có giá trị không thể tưởng được để đưa về Pháp.

Theo sự ước lượng của Pháp thì quân số của ta trong trận chiến gồm 20.000 người, tử trận 1.200 đến 1.500 người.

Về phía Pháp: 02 sĩ quan và 09 binh sĩ chết; 02 sĩ quan và 04 binh sĩ bị tử thương; 05 sĩ quan và 71 binh sĩ bị thương.

Pháp còn lấy của ta được số võ khí quan trọng: 812 khẩu đại bác, 16.000 súng tại võ khố, vô số súng trường, gươm giáo trong Nội.

Công cuộc sửa soạn chiến tranh, hai quan phụ chánh giấu kín, không để cho vua Hàm Nghi và Tam Cung biết [TXA. ing. & iđ.]. Tới khi thấy rõ sự thất bại, lúc ấy mới tâu với vua và Tam Cung hay, nhưng đổ lỗi cho người Pháp gây chiến trước. [Dẫu sao, sự thật cũng đúng như vậy: Pháp khích tướng (mưu toan bắt hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết; sau đó, bắn tin chỉ bắt Tôn Thất Thuyết để li gián) và khiêu khích Triều đình (bàn lễ triều yết, từ chối tặng phẩm, đòi chiến phí một cách ngược ngạo, trịch thượng) – TXA. ct.].

Hai quan phụ chánh phò vua và Tam Cung ra Quảng Trị [TXA. iđ.]. Khi xa giá ngang qua Kim Long, Tường ghé vào nhà thờ Kim Long nói chuyện với giám mục Cátpa rồi trở về hợp tác với Pháp. Có người chê trách Tường là gian hùng, có kẻ lại cho rằng: Việc Tường ở lại là có dụng ý để làm nội công cho Thuyết về sau. Cũng vì thế nên người Pháp không những không tin dùng lại còn lưu đày ra Côn Đảo, Tahiti và chết luôn ở đấy (30.7.1886) [TXA. iđ.]. 

Đến Quảng Trị, Tam Cung trở về Huế, riêng vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết và một số quan lại, tướng lãnh vẫn ở ngoài để tiếp tục kháng chiến.

      

Người biên soạn ghi chú thêm vào cuối bài viết của GS. Bửu Kế: “… Nhưng đến khi Nguyễn Văn Tường  và Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành tổ chức công cuộc kháng chiến [TXA. iđ.] thì người pháp đã cùng với Triều đình Huế chọn Đồng Khánh đặt vào chiếc ngai vàng còn bỏ trống. […] … Chánh phủ Pháp đã thoả thuận với Tam Cung, lúc bấy giờ đang trú ẩn tại Khiêm cung (lăng vua Tự Đức) để truất phế vua Hàm Nghi và công bố cho thần dân trong nước đều biết. Sau đó, ngày 07.9.1885, Chánh Mông được chọn để thay thế vua Hàm Nghi với sự đồng ý của Tam Cung, tướng Đờ Cuốcxy, tổng trú sứ, Đờ Sămpô, ngoại giao đặc phái, và Nguyễn Văn Tường [trước khi Nguyễn Văn Tường bị lưu đày ngày 06.9.1885 – TXA. ct.]”.

 

(Mạn phép trích nguyên văn bài viết của GS. Bửu Kế ở cùng cuốn sách đang được trích dẫn [6], để chèn vào bài viết này, cũng của chính GS. Bửu Kế). 

                                                 

◘  

                                                                                                  

Về hai chữ “gian hùng”, chúng tôi đã có nhiều luận cứ, luận chứng đề bác bỏ luận điệu đơm đặt về cái gọi là “gian hùng” này. Lẽ ra, hoàn toàn không nên tranh cãi về những luận điệu vu khống, bôi nhọ, bởi tranh cãi như thế là mắc mưu của chính bọn vu khống, bôi nhọ ấy. (Càng không nên bị mua chuộc mà truyền bá luận điệu đó!). Luận điệu đại loại như:

           “Nước Nam có bốn gian hùng

           Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng,

                                                    Thuyết ngu” [7]

thì tranh cãi làm gì! Làm thế nào lại không biết bọn vu khống ấy là ai! Chúng ta thừa biết bọn nào đã đơm đặt, rêu rao về những anh hùng bi tráng chống Pháp là “gian hùng gian”, “gian hùng láo”, “gian hùng khùng”, “gian hùng ngu”! Mưu trí đối phó với giặc Pháp, thứ giặc luôn luôn lật lọng trong mưu kế tằm ăn lá dâu (tàm thực), với bọn bành trướng Đại Hán, loại giặc thường xuyên chực chờ cơ hội để xâu xé nước ta, là “gian” ư?! Thách đố giặc Tàu, giặc Tây (mặc dù cuối đời Hoàng Tá Viêm cực lòng trong nỗi “trung quân” và “yên dân” có phần đáng trách) là “láo” ư?! Chống giặc bạch quỷ, tóc đuôi sam nhưng bản thân hơi tâm hỏa một chút, như vô kỉ luật, phạm thượng khi quân, là “khùng” ư?! Thi hành án những tên vua, tên quan thân Pháp, và tổ chức kháng chiến, cần vương, sát tả (loại tả đạo đích thực thực dân, tay sai) là “ngu” ư?! Xin hãy so sánh bốn nhân vật lịch sử kể trên với những tên Việt gian, cả những tên tả đạo đích thực trong giáo dân đương thời thuở bấy giờ (từng được đặt tên đường phố, tên trường học!!!) để thấy rõ thực chất của luận điệu đó! (Nếu có thể, với ý thức công bằng sử học, xin hãy làm một phép tính để so sánh tất cả các nhân vật lịch sử cùng thời với họ). 

Đó là chưa kể đến hai câu tiếp theo của hai câu trên:

           “Lại thêm hai thằng vũ phu

            Đề Đức, đề Soạn giương mu chịu đòn!” *.

Toàn bộ bài viết của GS. Bửu Kế đã bác bỏ luận điệu “gian hùng” ấy: Một người như Nguyễn Văn Tường không thể có kết thúc là một kẻ “gian hùng”, xét về điều kiện khách quan (phía hoàng tộc, nhất là phía kẻ thù là Pháp, là các cố đạo thực dân) cũng như về ý định chủ quan của ông.

Một lần nữa, xin vui lòng xem lại bài viết của chúng tôi, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885” và các trích đoạn từ tư liệu chuẩn cứ ĐNTL.CB. IV, V, VI., đặc biệt là các tư liệu gốc trong các kỉ ấy, ở cuốn sách này. TXA.

                                                                            

                                                                  

GS. BỬU KẾ

                                  trích nguyên văn và trọn vẹn bài viết

trong CHUYỆN TRIỀU NGUYỄN,

Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 78 – 101.

 

 

CƯỚC CHÚ bài TOÀ KHÂM SỨ PHÁP (MỘT TUỲ BÚT – KHẢO LUẬN VỀ LỊCH SỬ, VÀ VÀI NÉT BÌNH CHÚ):

 

* “… Trần Tiễn Thành, sinh ngày 14.12.1813 {…]. Trong lúc đọc di chiếu, ông đã không đọc, hay đọc rất nhỏ đoạn văn nói xấu vua Dục Đức. Do dó, ông bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết hạch tội. Đứng về phe đối lập nên Trần Tiễn Thành đã bị Tôn Thất Thuyết phái lính Phấn Nghĩa, dưới quyền điều khiển của Hường Hàng, Hường Chước và Hường Tế, đến tại nhà riêng ở Gia Hội để ám sát (đêm 30 tháng 10 năm Quý vị [Quý mùi, 1883])” (trích nguyên văn, kể cả chú thích này, của GS. Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn, bài “Chuyện về vua Đồng Khánh”, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 52 ).

 

[1] Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 52.

 

[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 566; Nxb. VHTT., bản 1999, tr. 594.

 

[3] GS. Bửu Kế,  Chuyện triều Nguyễn (CTN.), bđd., sđd., tr. 53.

 

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên  (ĐNTL.CB). V [đệ ngũ kỉ], tập 36, Nxb. KHXH., 1976,  tr. 150 – 151, tr. 176 – 178. Xin xem 2 trích đoạn ở phần phụ lục tư liệu chuẩn cứ.

 

[5] Bửu Kế, CTN., sđd., tr.178.

 

* Và, xin mở nhỏ một ngoặc đơn lạc đề ở đây: Là người thuộc thế hệ học trò của học trò GS. học giả Bửu Kế, chúng tôi rất thông cảm với những đại từ nhân xưng, các cụm từ miêu tả, thuật sự khá trung tính của ông trong bài viết, như GS. Bửu Kế đã gọi Râyna, Sămpô, Cuốcxy bằng “ông”; hoặc, khác với văn hoá Việt trong ứng xử văn hoá giữa người Việt với nhân vật yêu nước Việt, GS. gọi hai nhà yêu nước bằng hai cái tên cộc lốc: Tường, Thuyết; thậm chí thuật cuộc kháng chiến ở Bắc kì, cuộc Kinh Đô Quật Khởi của ta bằng động từ “gây hấn” chẳng hạn.

Năm 1978, bản thân chúng tôi cũng có lần phạm phải khi gọi Mác-bét (Macbeth), một nhân vật thường bị nhiều người thưởng ngoạn xem là phản diện của Sếch-xpia (W. Shakespeare), là “ông”. Tôi đã bị quy vào tội mất lập trường. Và vì thế, hồi đó, tôi đã suýt bị đánh rớt khi bảo vệ luận văn cử nhân sư phạm khoa ngữ văn, nếu không khiếu nại.

Thật ra, khác với trường hợp GS. Bửu Kế nói trên (cũng như trường hợp GS. Trần Văn Giàu, mất lập trường thực sự), việc tôi gọi Mác-bét bằng “ông” là hoàn toàn có cơ sở khoa học (văn học và đạo đức học).

Theo các học giả Liên Xô, căn cứ vào tác phẩm của Sếch-xpia và nhận định của nhà nghiên cứu văn học người Nga cực kì uy tín Bi-ê-lin-xki (Bêlinxki), thì Mác-bét “không thích hợp với cách xác định “tích cực” hay “phản diện””, và họ cũng gọi Mác-bét bằng “ông” (đại từ ngôi thứ ba trong tiếng Nga cũng như trong tiếng Anh [he], tiếng Pháp [il], nhưng được dịch theo văn cảnh).

(Xem: Tổ Bộ môn lịch sử sân khấu nước ngoài, Viện Nghệ thuật sân khấu A. V. Lu-na-sac-xki biên soạn, GS. X.X. Mô-cun-xki chủ biên, Lịch sử sân khấu thế giới, tập 2, Đức Nam, Hoàng Anh, Hải Dương dịch, Nxb. Văn Hoá, Hà Nội, 1977, tr. 136 – 139).

Cuối cùng, tôi đã khiếu nại thắng lợi trong việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, với điểm 7/10 (mức điểm trong khoa ngữ văn như thế, bấy giờ, đã được xem là cao). Tuy vậy, với sự góp ý trực tiếp của tiến sĩ Lê Văn Hảo, tôi đã thay đại từ “ông” bằng đại từ “y”, để thích đáng hơn trong sự bình giá Mác-bét, đồng thời để tránh những ngộ nhận đáng tiếc. Chắc hẳn cũng như Mác-bét, kẻ đã bức tử vua, cướp ngôi nhà Trần, đổi quốc hiệu thành Đại Ngu (*), để mất nước vào tay giặc Tàu, là Hồ Quý Ly, cũng chỉ xứng đáng bị gọi là “y” như thế. Riêng Trần Thủ Độ, kẻ gian hùng và đáng kinh tởm này còn là một anh hùng chống Nguyên – Mông thắng lợi, hẳn cần phải rạch ròi, có lúc phải gọi là “y”, có lúc nên gọi là “ông”, tuỳ khía cạnh trong hành trạng của Trần Thủ Độ.

Cũng xin khẳng định, Mác-bét phần nào gần với Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly và hoàn toàn khác xa với hai đại thần trung nghĩa Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

Mặt khác, mở rộng ra về khía cạnh đại từ nhân xưng thể hiện sắc thái biểu cảm và bình giá, ngoài văn cảnh cụ thể, trong tiếng Việt, cũng phải lưu ý đến tính địa phương (tiếng địa phương vùng bắc Trung bộ: mụ [chùa Linh Mụ, đèo Mụ Giạ], hắn [= anh ta, y, nó…]). Ngôn ngữ chỉ là sự quy ước của cộng đồng. TXA.

 

(*) Sử Trung Hoa: Kế vị vua Nghiêu, vua Thuấn lập ra nhà Ngu. Hồ Quý Ly biện minh việc cướp ngôi của mình bằng điển tích này. Vấn đề là tại sao lại lấy tên một triều đại bên Tàu để đặt quốc hiệu cho nước ta! Đó là chưa kể khía cạnh khác, trong tiếng Việt thông dụng, chỉ có một chữ ngu (đồng âm, khác chữ, khác nghĩa) với một nghĩa: ngu dốt, ngu ngơ!

 

[6] CTN., sđd., tr. 59.

 

[7] Phan Bội Châu, Những tác phẩm của Phan Bội Châu (NTPCPBC.), tập I, gồm Việt Nam vong quốc sử (VNVQS.) và Việt Nam quốc sử khảo (VNQSK.), lời phê của Hoàng Trọng Mậu (?!), Chương Thâu dịch, Hồ Song giới thiệu, Văn Tạo chủ biên… , Nxb. KHXH., 1982, tr. 305 – 306.

 

* Chủ chiến không phải là hiếu chiến, hoặc có dũng khí nhưng hành động thiếu suy xét, và càng không thể vô kỉ luật như thảo khấu, đến mức cướp bóc của cải ở nhà Trần Tiễn Thành một khi y đã chết như Hầu Chuyên đã phạm phải. Hầu Chuyên là người mà Vũ Văn Đức đã thả ra khỏi ngục. Chính Tôn Thất Thuyết và cả Nguyễn Văn Tường đều phải chấp hành tinh thần “luật pháp bất vị thân” của Bộ Hình, cho dù ở vụ việc này là “luật pháp bất vị đồng chí chủ chiến”. Ý thức “thượng tôn luật pháp” là “gian hùng” ư?    

Cũng như phó đề đốc Trần Xuân Soạn, tham tri Ông Ích Khiêm và đề đốc Vũ Văn Đức vẫn là hai nhà yêu nước, cho dù họ lầm lỡ vi phạm luật pháp.

                [Xem: ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 101, 169 – 171].

Xin vui lòng cảm thụ đại ý (ý nghĩa chung, toàn thể) của bốn câu vè trên. Theo bốn câu vè đầy ác ý đó, phải chăng bốn vị chủ chiến Nguyễn Văn Tường, Hoàng Tá Viêm, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết đều lãnh đạo và chủ động trong mọi kế hoạch đề kháng, kháng chiến chống Pháp, chống bọn tả đạo, nhưng chỉ hai vị đề đốc chủ chiến, yêu nước là Trần Xuân Soạn, Vũ Văn Đức phải chịu hi sinh để cứu tình thế, một khi lại phải hoà hoãn với Pháp để tiếp tục cầm cự?

[Chúng tôi không đề cập đến Hoàng Tá Viêm về sau, sau khi Kinh Đô Quật Khởi và bị thất thủ!].

                                                                                            

 

(  xem tiếp : phụ lục 1  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

________________________________________________________________________________

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7