g. Trần Xuân An - Thơ sử và những bài thơ khác - Tệp 7

 

CHÚ THÍCH

Thơ sử và những bài thơ khác

– tập thơ thứ mười một của Trần Xuân An –

 

Bài 1:

 

Bài 2:

 

(1)  Nguyễn Huệ có tên thật là Hồ Thơm, vốn là hậu duệ của dòng họ Hồ Quý Ly (họ Hồ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; về sau chuyển ra Thanh Hoá...). Hồ Quý Ly lại là hậu duệ của thái thú Hồ Hưng Dật, người thiểu số (?) Trung Hoa, sang cai trị nước ta thời Bắc thuộc. Mặc dù có gốc gác rất xa đời là người thiểu số (?) Phương Bắc (Trung Hoa), nhưng thực chất huyết thống dòng họ Hồ Thơm (Nguyễn Huệ, chi nhánh ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã pha trộn qua mấy chục đời để trở thành huyết thống Việt. Dẫu vậy, vẫn có một bộ phận nhân dân không ủng hộ Quang Trung Nguyễn Huệ vì lẽ đó.

 

Có tư liệu cho rằng: Tổ tiên dăm ba đời trước của Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) là lính thuộc quân binh họ Trịnh Đàng Ngoài. Trong một đợt giao chiến với quân Đàng Trong, người lính ấy bị bắt sống, và may thay, được chúa Nguyễn cho đưa vào Bình Định khai hoang lập ấp, rồi được phép định cư hẳn ở đấy. Từ đó, đất Tây Sơn tỉnh Bình Định có một nhánh họ Hồ vốn thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh sôi nẩy nở, nhưng lại đổi sang họ Nguyễn. Tư liệu này cần được khảo chứng thêm.

 

Nhân đây, nên chăng cũng cần xác định cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Sinh Cung) hoàn toàn không phải thuộc họ Hồ này. Đó chỉ là tin đồn lưu truyền trong dân gian, không có căn cứ. Cụ đích thực là hậu duệ của họ Nguyễn Sinh ở Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An.

 

(2) Nhánh lá trong ngày lễ Phục sinh (theo sự tích lịch sử - Kinh Thánh: nhân dân Do Thái tung hô Chúa Giê-su [Jésus], hậu duệ vua Đa-vít [David]).

 

(3) Attila (người Hung Nô [Les Huns, Mông Cổ], 406? - 453): một danh tướng có tầm vóc thế giới, xét về mặt thiên tài quân sự. Các cố đạo Thiên Chúa giáo vừa khâm phục, vừa lo sợ trước thiên tài quân sự của Quang Trung; họ so sánh Attila với Quang Trung trong những bức thư gửi về Pháp, Tây Ban Nha...

 

(4) Tất nhiên vẫn có rất nhiều cựu thần vua Lê, chúa Trịnh chống đối: Phạm Thái  (tác giả “Sơ kính tân trang”), Nguyễn Công Tấn (thân sinh Nguyễn Công Trứ)...

 

(5) “Ai tư vãn”, một bài thơ dài của Lê Ngọc Hân (công chúa nhà Lê), vợ Quang Trung, khóc thương vị vua này khi ông băng hà.

 

(6) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Huế (lấy hiệu là Quang Trung), nhưng về sau lại có kế hoạch dời đô về nguyên quán Nghệ An. Địa điểm xây dựng kinh đô là vùng đất dưới chân núi Quyết, bên bờ sông Lam. Tên kinh đô là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành.

 

(7) Xin đừng hiểu Bà huyện Thanh Quan đồng cảm với những người Chăm (““chợ” / rợ mấy nhà”), khi dừng bước ở Đèo Ngang, vốn là biên giới Đại Việt – Chăm-pa thuở nào. Cũng đừng đẩy xa ý tưởng đó, rồi cho rằng, người Đàng Ngoài với người Chăm có chung một kẻ thù là các chúa Nguyễn, vua Nguyễn, khi cảm nhận hai câu luận và hai câu kết của bài “Qua Đèo Ngang”:

 

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta

 

Đặc biệt là câu thơ “một mảnh tình riêng, ta với ta”! Ấy chỉ là cảm xúc khi chỉ còn mình đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn. Cũng đừng đẩy xa hơn nữa ý tưởng đó, để kết luận Bà huyện Thanh Quan vốn có gốc gác là Chăm, tuy không ít người Đàng Ngoài đích thực là người Việt gốc Chăm (người Chăm phải ra Đàng Ngoài nhập cư, từ thời Lý đến thời Nguyễn).

 

Tôi nghĩ thi sĩ đài các, trang trọng rất mực trong ngôn từ thơ ca này có thể bị ám ảnh về biên giới lịch sử bởi câu sấm kí của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (Đèo Ngang một dải vạn đời dung thân), khi chúa Nguyễn Hoàng (cử người) đến xin gặp Trạng Trình để tham khảo ý kiến. Mặc dù trong thực tế, sông Gianh mới là biên giới Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhưng trong tâm thức người Đàng Ngoài, Hoành Sơn (Đèo Ngang) mới là biên giới có tính lịch sử.

 

Phải liên hệ với các bài thơ khác của Bà huyện Thanh Quan, nhất là “Thăng Long thành hoài cổ”, khi cảm thụ “Qua Đèo Ngang”.

 

(8) Phong trào Thái Bình thiên quốc (bài Thanh phù Hán) ở Trung Hoa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo; về sau biến tướng thành giặc Cờ, quấy nhiễu các tỉnh biên giới nước ta để chiếm cứ đất, xưng hùng xưng bá.

 

(9) Tạ Văn Phụng là một giáo dân, có tên thánh là Pierre (Phê-rô). Tuân theo lời các cố đạo, các tên thực dân Pháp, Tây Ban Nha, y mạo danh là hậu duệ vua Lê, với cái tên Lê Duy Phụng hoặc Lê Bảo Phụng. Pierre Tạ Văn Phụng gây nên một cuộc nổi loạn phản quốc, kéo dài nhiều năm, tạo thêm sức ép ở phía Bắc Kì, để triều đình Huế phải kí nhượng ước Nhâm tuất 1862, và mưu toan lập "xứ Bắc Kì thuộc Pháp "bảo hộ"". Sau khi đạt mục tiêu, thực dân, cố đạo Pháp và Tây Ban Nha liền bỏ rơi Pierre Tạ Văn Phụng!

 

(10) Nazaret, quê hương của Chúa Jésus. Theo Kinh Thánh, lúc Đức mẹ Maria sinh ra Chúa Jésus, trên trời có xuất hiện một ngôi sao lạ. Ngôi sao này dẫn đường cho ba vị vua Trung Đông đến chầu.

 

(11)  Không phải chỉ khi đề cập đến Gia Long (Nguyễn Ánh), mới cần nhận thức theo quan  điểm lịch sử – cụ thể, nhưng không thể không nhấn mạnh như thế khi cần làm sáng tỏ, thoả đáng thêm về vấn đề này.

 

Chủ quyền Đất nước dưới chế độ quân chủ cũng là một hình thức quan hệ sở hữu phong kiến (Đất nước và thần dân là tài sản và tôi tớ của hoàng tộc cầm quyền, nối đời thừa kế). Do đó, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh đổ triều Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản) là để giành lại cái gọi là quyền sở hữu Đất nước Đàng Trong và thần dân của dòng họ mình, và thừa kế luôn cả Đàng Ngoài mà dòng họ ông ta có công trung hưng (vai trò công thần của Nguyễn Kim). Chủ quyền Đất nước và nhân dân được xác lập theo quan hệ sở hữu phong kiến về tài sản và nô bộc là một quan niệm phản động, cực kì phản động, nếu đứng ở giác độ dân chủ để phê phán. Tuy nhiên, ở cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Ánh vẫn chính nghĩa theo quan niệm phong kiến! Và cũng cần khẳng định rõ: mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và cố đạo thực dân Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) chỉ là quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi! Sau khi nắm được ngai vàng hoàng đế, chính Gia Long (Nguyễn Ánh) đã hạn chế sự bành trướng Thiên Chúa giáo! Như thế, trên cơ sở đó, có thể có một nhận định: Quang Trung (Nguyễn Huệ) đáp ứng được yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài (mặc dù công lao ấy phần nào còn bị hạn chế do tình trạng tam phân giữa ba anh em Tây Sơn). Tuy nhiên, Gia Long (Nguyễn Ánh) không phải không chính nghĩa, xét theo quan hệ sở hữu phong kiến về vương quốc, thần dân; và Gia Long còn kế thừa cả sự nghiệp thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài của Quang Trung một cách tốt đẹp. Đó không phải là một nhận định "ba phải", mà xét trên cơ sở sự thật lịch sử và xét theo quan điểm cụ thể – lịch sử tiên tiến, khoa học nhất của chúng ta, trong thời đại dân chủ hiện nay. Mặc dù đối với chúng ta hiện nay, chế độ phong kiến nói chung (chứ không phải chỉ riêng triều Nguyễn) vốn đã trở nên quá lạc hậu, cực kì phản động, "một đi, không bao giờ trở lại", nhưng cũng phải công bằng, thỏa đáng trong việc nhận định lịch sử.

 

Nói một cách giản dị, Nguyễn Ánh không dễ dàng gì để mất vào tay Tây Sơn sự nghiệp suốt hai trăm năm của dòng họ ông ta. Đó là sự nghiệp chín chúa Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân Đàng Trong khai phá đất phương nam, từ Phú Yên đến Cà Mau!

 

Cũng nói một cách giản dị, nếu lấy tiêu chí dân chủ hiện nay, nhất là dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực sở hữu ruộng đất (sở hữu toàn dân hay còn gọi là công hữu), để nhận định về chế độ phong kiến quân chủ ... rồi trách cứ, thì chẳng khác nào trách cứ sao Nguyễn Du không sáng tác Truyện Kiều trên máy vi tính và phát hành trên mạng VnExpress hoặc Cinet! Nhưng có người sẽ vặn lại tôi: Đâu rồi quan điểm so sánh đồng đại? Từ năm 1848, giữa thế kỉ XIX, Karl Marx và Fridrich Engels đã xuất bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” kia mà! Tôi chỉ biết bảo người ấy nhìn ra thế giới ngay vào thời điểm này: Hiện còn bao nhiêu nước theo chính thể quân chủ lập hiến (lập hiến nhưng vẫn còn vua chúa!)? Còn năm 1848, cách thời điểm Gia Long lên ngôi (1802) đến bốn mươi sáu (46) năm! Nếu chọn thời điểm so sánh tương đồng, phải là 1789, năm cách mạng tư sản Pháp nổ ra và cũng là năm Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, triều đại vua Lê – chúa Trịnh hoàn toàn tiêu tan; và lúc đó, Nguyễn Ánh vẫn còn trường kì chiến đấu khôi phục. Nhưng cách mạng tư sản Pháp tồn tại không bao lâu; rồi chính giai cấp phong kiến Pháp cũng xé toạc Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền 1789 để phục hồi đế chế quân chủ! Vả lại, nên hiểu giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ, cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, trong điều kiện chung là thông tin liên lạc còn hạn chế. Do đó, giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ là chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là phạm vi châu Á... Hơn nữa, tầm nhìn còn bị quy định bởi bao nhiêu điều khác, nhất là nền tảng kinh tế (lực lượng sản xuất...), dân trí toàn xã hội! Hiểu như thế, mới thật là lịch sử – cụ thể. Không nên kéo lùi lịch sử hiện tại vào sự lạc hậu (tụt hậu), cũng không nên cưỡng bức lịch sử quá khứ phải thật dân chủ xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu Đất nước, tức là quyền làm chủ Đất nước.

  

Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc lại một nhận định xác đáng và công bằng của nhiều nhà nghiên cứu sử học về Gia Long Nguyễn Ánh: Ông là một con người có nghị lực mạnh mẽ, vị vua sáng nghiệp từ hai bàn tay đã trắng (có khi quân lính không còn một đội, lương thực không có để dùng). Ông chỉ có một điều kiện thuận lợi, ấy là lòng trung thành của nhân dân Đàng Trong đối với các chúa Nguyễn tiền bối. 

 

Ở chú thích này, tôi chỉ nhấn mạnh đến nghị lực mạnh mẽ hay còn gọi là đức tính kiên cường của Nguyễn Ánh, nhất là sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, từ Nam Quan đến Cà Mau. Và khi so sánh tổng bí thư Lê Duẩn với Quang Trung, Gia Long ở khía cạnh thống nhất Tổ quốc, tôi hiểu "so sánh nào cũng có sự khập khiễng". Có thể nói rõ ra, cả Quang Trung, Gia Long cộng lại mới có thể so sánh với nhân vật lịch sử Lê Duẩn (1907-1986).

 

TXA.

04.HB3 & 26.02.HB4

(07.02 Giáp thân HB4).

 

Bài 3:

 

 

Bài 4:

 

 

Bài 5:

 

(1) Địa danh chính thức có nghĩa là hồ nước Xuân Hương, nhưng có lẽ người đặt tên đã cố tình gợi lên sự đồng nhất giữa hồ nước ở trung tâm thành phố Đà Lạt với nhà thơ Hồ Xuân Hương, “Bà chúa thơ Nôm” (danh xưng tôn vinh của Xuân Diệu) và cũng là tác giả tập thơ “Lưu hương ký”. Về khía cạnh khác, không một tư liệu nào ghi nhận Hồ Xuân Hương có thời gian sống thiền như một cư sĩ, ni sư, cho dù gần đây có một số nhà nghiên cứu xem “Đồ Sơn bát vịnh”, tám bài thơ viếng cảnh chùa ở Đồ Sơn, cũng là tác phẩm của Hồ Xuân Hương (?). Dù sao, “Đà và Lạt” cũng chỉ là một bài thơ, khi viết, tôi đã khẳng định rõ: tôi tự cho phép mình bông đùa với thiện ý và lòng kính trọng. (02-10 HB8).

 

(2) Địa danh phiên âm từ địa danh gốc, tiếng K’Hor: Từ Đạ Lạch (suối Lạch), trở thành Đạ Lát, Đa Lát rồi Đà Lạt. (02-10 HB8).

 

Bài 6:

 

(1) Núi Lang Biang (Lang Bian): 2163m

Núi Ra Đa: 1932m (độ cao tính từ mặt biển).

 

(2) Hình tượng nhân vật, hình tượng tác phẩm chân chính, có giá trị thực sự, kết tinh chân thiện mĩ hay ít ra cũng thể hiện được khát vọng vươn tới chân thiện mĩ. Với ý nghĩa đó, không một nhà văn chương nào có thể đứng cao hơn giá trị chân thiện mĩ đã được kết tinh trong hình tượng nhân vật, hình tượng tác phẩm văn chương chân chính.

 

Bài 7:

 

 

Bài 8:

 

 

Bài 9:

 

(*) Pạp, mea: cha, mẹ.

 

Bài 10:

 

(1) Bảng treo ven đường: “Come back to the nature”.

 

(2) Nhà sàn trên cành cây cao, gần ngọn thông.

 

Bài 11:

 

 

Bài 12:

 

 

Bài 13:

 

(*) Chỉ là một cách nói về tính co giãn của thời gian tâm lí, theo các câu: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”; “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù, ngàn thu ở ngoài)…

 

Bài 14:

 

(*) Phần nào theo nghĩa chữ Hán của hai địa danh Tuy Hòa, Phú Yên.

 

Bài 15:

 

(1) “Lệnh dụ thiên hạ Cần Vương”“Dụ Nguyễn Văn Tường”, từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), được phát đi khắp nơi và gửi về Huế trong cùng một ngày, 13-7-1885 (02 – 6 Ất Dậu), với sách lược “kẻ ở, người đi” (Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, chính biên, tập 36, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1976, tr. 225 – 226.).

 

(2) Kháng chiến là cần vương (giúp vua [cứu nước]); “hòa”, nhưng quyết không cùng lòng với giặc Pháp. “Hòa” ở trường hợp Nguyễn Văn Tường, trong thời điểm sau ngày 05-7-1885, thực ra là chiến. Nguyễn Văn Tường vốn là người đứng đầu nhóm chủ chiến (xem: bản án chung thẩm trong “Đại Nam thực lục”, kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., tr. 35).

 

(3) “Hịch Chiêu quân” của Lê Thành Phương có câu không đúng với sự thật lịch sử. Từ lâu, giới sử học cùng bản thân tôi đã làm rõ. Cũng cần nói thêm: đồng thời với các chi tiết bôi nhọ, xuyên tạc, chính các bản dụ, cáo thị của thực dân Pháp, ngụy triều Đồng Khánh – Nguyễn Hữu Độ cũng vô hình trung ghi nhận lòng trung thành của nhân dân, phong trào Cần vương các tỉnh tả kì đối với Nguyễn Văn Tường (1824-1886), Tôn Thất Thuyết (1839-1813). Do đó, “Hịch Chiêu Quân” chắc hẳn đã bị thêm bớt do đời người đời sau (“hay cáo giặc làm ai nhiễu lòng?” – TXA.) (*). Xin xem thêm bốn đầu sách đã xuất bản chính thức của Trần Xuân An cùng các bài khác của tác giả (trong cuốn “Bàn thêm về mấy vấn nạn sử học”) về đề tài Nguyễn Văn Tường; trong đó, bài “Bàn thêm về Thông báo cần vương (Cáo dụ Cần vương), Dụ Cần vương, Chiếu Cần vương” vừa được đăng tải trọn vẹn ở Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 101, 9&10-2010 với nhan đề “Bàn thêm về tên gọi các văn bản có nội dung Cần vương năm 1885”, tr. 73-83.

 

(*) Năm 1971, mới công bố "Hịch Chiêu quân". Trích dẫn từ các nguồn tài liệu:

 

-- “Do các ông Lê Thành Thao, Lê Thành Lược, Võ Toàn Lưu, cháu nội ngoại 4 đời của Lê Thành Phương sưu tầm. Các bài này hiện còn ghi tại đền thờ Lê Thành Phương” (Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật Phú Khánh, xuân Giáp Tý, số 2 – 1984, tr. 32 – tài liệu tại Thư viện Phú Yên).

 

-- “Bài hịch này, đọc trước ba quân tướng sĩ (*1), vào tháng 8-1885, ở núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An. Thân quyến Lê Thành Phương đã ghi chép và lưu giữ bản hịch này. Đến năm 1971 (đền thờ Lê Thành Phương xây dựng xong), ông Võ Toàn Lưu và ông Lê Thành Thao chép bài hịch thành văn bản để thờ tại đền thờ Lê Thành Phương” (Đặc san “Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương”, Bản tàng tỉnh Phú Yên xuất bản, 2-1997, tr. 17 – tài liệu của ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến)

 

                    (*1) Lê Thành Phương chỉ là một vị chỉ huy lực lượng hương binh ở một địa phương mà thôi.

 

Thêm vào đó, tấm chân dung Lê Thành Phương được đặt ở bàn thờ trong đền thờ ông là một bức họa được vẽ, cho chúng ta thấy ông mặc quan phục (trang phục quan võ triều Nguyễn?). Rõ ràng đó là chi tiết phi lịch sử. Suốt đời Lê Thành Phương chưa hề làm quan (chỉ đỗ tú tài, ở nhà dạy học) và lúc khởi nghĩa Cần vương (sau 5-7-1885), chắc chắn ông không có điều kiện kịp thời để mặc quan phục võ tướng. Mặt khác, các sĩ phu lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa Cần vương chỉ chỉ huy hương binh và cung cách ăn mặc cũng theo cách của các nghĩa sĩ, nghĩa là không mặc quan phục võ tướng như thế.

 

(4) Lê Thành Phương không được sách sử trong Nam ngoài Bắc từ trước đến nay đề cập đến, mặc dù đều có viết về phong trào Cần vương ở Phú, Khánh, Thuận. Thậm chí, A. Laborde còn cho rằng phong trào Cần vương ở Phú Yên (1885-1887) là do người Bình Định thúc đẩy, cụ thể là Mai Xuân Thưởng (1860-1887) (bài “Tỉnh Phú Yên”, trong “Những người bạn cố đô Huế” [B.A.V.H.], tập XVI, năm 1929, Nguyễn Cửu Sà dịch, Lưu Nguyễn, Nhị Xuyên hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 2003, tr. 389-391 [tr. 382-454]). Đền thờ Lê Thành Phương mới được dựng từ 1956, tu bổ vào năm 1971. Xin đánh dấu hỏi khoa học ở điểm này.

 

(5) Quần đảo Tahiti, thuộc Pháp, trên Thái Bình Dương, gần châu Mỹ.

 

(6) Hiện nay, thực hiện yêu cầu khoa học cần thiết là chú giải vào “nguyên bản” lưu hành. Gọi là “nguyên  bản” nhưng thực ra bản gốc “Hịch Chiêu quân” không còn.

 

(7) Khổ thơ này, tôi viết thêm sau khi từ Phú Yên về (29 – 30-9 HB10), để sát hợp với thông tin -  tư liệu hơn. Xem lại bị chú của chú thích (3).

 

 

 

 

 

Bài 16:

 

(*) Theo truyền thuyết dân gian về Gành Đá Đĩa.

 

Bài 17:

 

 

Bài 18:

 

(*) Trần Xuân An, “Cuộc khởi binh nâu sồng 1900 và Võ Trứ (1855?-1900) qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau”, đã đăng ở các tạp chí điện tử tự lập Tran Nhuong Com, Phong Diep Net (một vài điểm mạng toàn cầu khác đã đăng lại: Ton Vinh Van Hoa Doc Vn, Bich Khe Org…), cũng đã đăng ở Tập Thông tin điện tử Hội Nhà văn TP.HCM., và sẽ đăng trên một tạp chí chuyên ngành (in giấy).

 

Bài 19:

 

(*) Đà Diễn: sông Đà Rằng ngày nay. Trong các nguồn, các nhánh sông Đà Rằng, có một dòng mang tên Thạch Hãn (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 3, Bản dịch Viện Sử học [người dịch: Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh], Nxb. Thuận Hóa, 1992, phần viết về Phú Yên, tr. 72).

 

Bài 20:

 

(1) Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Việt Yên (Cửa Việt) ở Quảng Trị.

 

(2) Lương Văn Chánh, người Phú Yên – theo Quốc sử quán Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, tiền biên (tập 1), bản dịch VSH., Nxb.Thuận Hóa, 1993, tr. 89.

 

Bài 21:

 

 

Bài 22:

 

 

Bài 23:

 

(1) Theo A. Laborde, “Tỉnh Phú Yên” (BAVH., 1929): Võ Trứ (1855?-1900) dán và rải truyền đơn màu đỏ với nội dung Cần vương (cũng có thể hiểu là nhân danh vua Thành Thái?).

 

(2) Hồ Tịnh Tâm (Huế), 1916, nơi Trần Cao Vân  (1866-1916) và Thái Phiên tìm gặp vua Duy Tân.

 

(3) Các căn cứ của triều đình kháng chiến (1885-1888): Tân Sở (Quảng Trị), Hương Khê (Hà Tĩnh) và còn dự kiến một sơn phòng ở Thanh Hóa.

 

(4) Cống Chém (An Hòa, Huế).

 

(5) Theo vài tài liệu, bà Trương Thị Dương, người Quảng Trị – xứ non Mai sông Hãn –, đồng chí của Trần Cao Vân, đã âm thầm cải táng di cốt ông cùng Thái Phiên vào năm 1925.

 

(6) Tác phẩm lập thuyết của Trần Cao Vân, chỉ mới phổ biến trực tiếp bằng trò chuyện và bằng bài thơ “Vịnh Tam tài”: Thiên (tả, thượng) – Nhân (trung) – Địa (hữu, hạ), cũng cùng ý tưởng thể hiện trong bài thơ tuyệt mệnh: “Đứng giữa Trời – Đất, không dựa vào Thượng đế”, đề cao vai trò chủ thể của Con Người.

 

(7) Chùa Đá Trắng (Từ Quang) ở Tuy An, Phú Yên.

 

(8) Các loại thư từ thuộc lĩnh vực bói toán, địa lí phong thủy… Ngoài ra, còn có các văn thơ thư từ liên lạc tại Phú Yên, kí tên Chánh Minh, Chơn Diện (xem: Tô Đình Cơ, “Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân (1866-1916)”, Sở VHTT. Bình Định, 1995, tr. 27). Riêng bức thư gửi vua Duy Tân, theo tác giả Trần Trúc Tâm, “Chí sĩ Trần Cao Vân (1886-1916)”, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 53-54: “Thư dài nhưng tựu trung mang 3 ý ‘Tha Mỹ quốc… chung nhược’; ‘Thiên khải… chi quyền’; ‘Phụ hoàng đế… kiến quật’…” và tất nhiên, còn có ý kiến nghị vua đứng đầu cuộc khởi nghĩa, như nhiều sách đã chép lại và diễn ý, ngoài ra không có gì khác.

 

(9) Bản án ngụy triều Đồng Khánh và thực dân Pháp về Mai Xuân Thưởng: "Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù" (Mặt phải, vì Hàm Nghi mà khởi nghĩa; mặt trái, vì ngụy Nhạc [Tây Sơn] mà phục thù). Bản án về Võ Trứ (1898?/1900?) hẳn không phải vậy.

 

(10) Tuyệt mệnh thi 2 (“Lời nói sau cùng trên án chém”, thơ chữ Nôm, theo hậu duệ Trần Cao Vân: Trần Trúc Tâm, sđd., tr.170).

 

Bài 24:

 

(1) Ngô Thị Ngọc Lâm (Ngô Thị Trà, làng Thế Lại, Thừa Thiên). Qua Qua, Trảo Trảo  là các âm gọi khác của Oa Oa nữ thần, và có thể cũng biểu hiện hai ẩn dụ: tiếng khóc trẻ con, tiếng bới cát để mai phục. Xem sự tích này ở “Đại Nam thực lục”, tiền biên, kỉ Gia Dụ Nguyễn Hoàng, “Đại Nam nhất thống chí”, kinh sư (Thừa Thiên – Quảng Trị). Từ đây, xin xem theo sách dẫn hay mục lục trong các cuốn sách, bộ sách được dẫn chứng, vì đây là thơ, không tiện chú thích thật chi tiết.

 

(2) Làng Đào Đặng (cũng gọi là làng Ả Đào), tỉnh Hưng Yên. Danh từ đào nương, từ đời Lý, vốn xuất phát từ làng này. Đào Nương dùng giọng hát của mình để quyến rũ giặc Minh (Trung Hoa) và tiêu diệt chúng. Xem: Ngô Đức Thọ, “Từ điển di tích văn hoá Việt Nam”, Nxb. TĐBK., 2007.  

 

(3) Ngô Thị Ngọc Lâm và Đào Nương (và cả An Tư công chúa đời Trần), đều hi sinh trinh tiết vì nghĩa lớn, nên dân làng, dinh tổng trấn, triều đình có thể hiện niềm ân hận, tủi thương trong sự tôn vinh.

 

Bài 25:

 

(1) Quê gốc: làng Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; từ đời thân sinh, đã vào Nam bộ. Mỹ Quý (Quí), tỉnh Định Tường (Tiền Giang) là nơi ông lập căn cứ, liên kết với Trương Định, Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân và các lực lượng nghĩa binh Nam Kỳ khác để chống Pháp. Xem “Quốc triều hương khoa lục”, “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức, “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).

 

(2) Người dân địa phương thường gọi quan tri phủ Trần Xuân Hoà của mình một cách vừa kính trọng, vừa thân mật là Phủ Cậu (ông cũng là con trai của bố chính sứ Trần Tuyên).

 

Bài 26:

 

(*) Người huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (có thể xác định xã nguyên quán là Hải Lâm, Hải Thọ hay Hải Thượng? Vui lòng xem bài vị ở Trung Nghĩa từ, Huế). Ông vốn là chưởng vệ (chỉ huy một vệ quân), sung đề đốc hải phận Hải Dương - Quảng Yên, nên gọi là Ông Chưởng. Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức, “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).

 

Bài 27:

 

(*) Lâm Hoành, còn có âm đọc khác là Lâm Hoằng, người xã Gio Bình, huyện Gio (Do) Linh, Quảng Trị. Cuối đời, khi Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm, vua Tự Đức có sai ông đi tu bổ hệ thống đồn luỹ ở cửa biển Thuận An (Huế). Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức và phần phụ chép vua bị truất bỏ (Dục Đức, Hiệp Hoà), “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4), “Quốc triều hương khoa lục”, Quốc triều đăng khoa lục” (phó bảng, tuẫn tiết).

 

Bài 28:

 

(1) “Giải triều...”, tên một bài thơ của Nguyễn Văn Tường (1824-1886), được viết sau cuộc Kinh đô quật khởi và bị thất thủ. Tờ son: “Dụ Nguyễn Văn Tường”, do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bí mật gửi về cho Nguyễn Văn Tường, cùng một ngày ban “Dụ Cần vương”, tại Tân Sở (02-6 Ất Dậu: 13-7-1885), theo sách lược “kẻ ở, người đi”.

 

(2) Lễ tần Nguyễn Nhược Thị Bích, tác giả “Hạnh Thục ca”. Theo “Đại Nam liệt truyện”, bà là người viết tất cả các bản dụ của Thái thái hậu Từ Dũ, sau ngày Kinh đô quật khởi, bị thất thủ, từ Quảng Trị quay về Huế.

 

(3) Nguyễn Văn Tường còn có mĩ hiệu vua Tự Đức ban: Kì Vĩ. Ông bị giặc Pháp lưu đày ra Côn Đảo, rồi tiếp tục bị lưu đày sang quần đảo thuộc địa Tahiti (Thái Bình Dương, gần Trung – Nam châu Mỹ), và qua đời ở đó (30-7-1886).

 

(4) Thơ Nguyễn Thượng Hiền: “Không quá Tây môn, bi thái phó” (Cái hư không đến cửa Tây, thương xót thái phó = Trời vượt cửa Tây, thương thái phó). Nguyễn Văn Tường có cung hàm là thái phó.

 

Bài 29:

 

(1) Nguyễn Tự Như, người xã Hà Thượng, tổng An Xá, huyện Gio (Do) Linh, tỉnh Quảng Trị, cùng Trương Đình Hội và nhiều thủ lĩnh khác khởi nghĩa Cần vương ở tỉnh nhà. Thân sinh ông là Nguyễn Tự Cường, anh ruột ông là Nguyễn Tự Khiểm. Bại tướng Viêm: Hoàng Tá Viêm. Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Đồng Khánh.

 

(2) Xem “Quốc triều hương khoa lục” (cử nhân), “Quốc triều đăng khoa lục” (tiến sĩ) và bia tiến sĩ ở Huế.

 

Bài 30:

 

(1) Thất thủ thành Hà Nội lần 2 (1882). Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức. Bài thơ này chủ yếu viết về giai đoạn làm sử của Hoàng Hữu Xứng (và Quốc sử quán triều Nguyễn sau 1885).

 

(2) Hoàng Hữu Xứng, người làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, khi làm “Đại Nam thực lục”, kỉ Kiến Phúc. Đây là kỉ vẫn còn đậm tinh thần dân tộc, yêu nước, chống Pháp, mặc dù ít nhiều còn bị hạn chế. Kỉ này vượt trội và hơn hẳn so với kỉ Đồng Khánh thân Pháp.

 

Bài 31:

 

(1) Chế Mân, vua Chiêm Thành, cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, với sính lễ là hai châu Ô và Lý (châu Thuận và châu Hoá, từ Quảng Trị vào đến Điện Bàn, Quảng Nam).

 

(2) Trần Khắc Chung theo lệnh vào viếng tang, nhân đó cứu Huyền Trân khỏi lễ hoả táng theo chồng như phong tục Chiêm Thành thuở bấy giờ. Thuyền đi lạc ra các đảo xa; một năm sau mới về đến Thăng Long (Hà Nội). Sau đó, Huyền Trân xuất gia tu Phật, trụ trì chùa Nộn Sơn, Nam Định (“Đại Việt sử kí toàn thư”; “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Nam Định; và “Từ điển di tích văn hóa Việt Nam” do Ngô Đức Thọ chủ biên…). Các chi tiết khác với sử, trong bài thơ, chỉ là truyền thuyết.

 

(3) Có nhiều nơi ở Quảng Trị đồng nhất công chúa Huyền Trân (chứ không phải Bà Liễu Hạnh) với Thiên Y A Na (Bà chúa Ngọc), thể hiện sự dung hợp (loại trừ và bổ cứu) văn hóa Việt – Chăm.

 

(4) Đoàn Nhữ Hài là vị quan đầu tiên trấn nhậm đất Ô và Lý.

 

Bài 32:

 

(1) Viết thay lời Hoàng Kim Hùng, người Cam Lộ, Quảng Trị, một vị tướng của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông cáo quan về quê sau khi Nguyễn Huệ mất, mặc dù bấy giờ chỉ mới 28 tuổi. (Theo sử tích gia tộc và địa phương; ngoài ra, hình như không có sử sách nào đề cập đến nhân vật Hoàng Kim Hùng).

 

(2) Trương Phúc Loan và Nguyễn Phúc Dương.

 

Bài 33:

 

(1) Xem “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4). Sách viết về thành Đồ Bàn: “Đồ Bàn thành ký”, và nhan đề cuốn thứ hai đúng nguyên tác là “Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam đạo chí”.

 

(2) Xem “Đại Nam nhất thống chí”, phần kinh sư (Thừa Thiên – Quảng Trị). Tên sách đúng nguyên tác là “Sĩ hoạn tu tri lục”.

 

(3) Xem “Đại Nam thực lục chính biên”, kỉ Đồng Khánh.

 

(4) Xem “Đồng Khánh, Khải Định chính yếu”.

 

Bài 34:

 

(1) Giếng cổ ở Gio An và các làng gần đó, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo phán đoán của cá nhân tôi, có lẽ đó là những công trình do người Chiêm (Chăm) và chủ yếu do người Kinh (Việt) tái tạo, nâng cao bằng vật liệu đá, với hàng chục ngàn mét khối đá, trên các giếng cổ đơn sơ của người Ca Lơ (tên tự gọi khác của Bru-Vân Kiều), sắc dân bản địa Quảng Trị. M. Colani cũng đã nghiên cứu về các giếng cổ này (xem “Những người bạn cố đô Huế” [B.A.V.H.]).

 

(2) Tiểu thuyết của TXA., viết về ngôi trường ở Lộc Ngãi, Bảo Lộc, Lâm Đồng, hoàn tất 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.

 

(3) Thêm một khổ thơ, thể hiện ý tưởng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Bài 35:

 

(1) Trà Liên, Trà Lộc: địa danh ở Quảng Trị, nơi phát hiện được trống đồng Việt cổ.

 

(2) Dương Lệ, thuộc huyện Triệu Phong, nơi có biểu tượng nguyên khí âm (yoni) ( - ) lớn nhất; Cát Tiên, thuộc Lâm Đồng và Đồng Nai, có thể là kinh đô của vương quốc Phù Nam cổ đại, nơi có biểu tượng nguyên khí dương (linga) ( + ) lớn nhất.

 

(3) Khu Liên (người Chăm) là anh hùng chống xâm lược Trung Hoa, lập quốc năm 192 sau Công nguyên Tây lịch.

 

(4) Châu Ma Linh (Gio Linh, Vĩnh Linh) và châu Ô (Nam Quảng Trị, từ sông Hiếu trở vào).

 

(5) Bố cục đất nước theo cách nhìn của triều Nguyễn. Bố cục này thuộc phạm trù lịch sử. Chồ là một loại kho lẫm chứa thóc, kiểu như nhà sàn.

 

(6) Quảng Trị là thủ phủ Đàng Trong thời chúa Nguyễn, một phần kinh sư vương triều Nguyễn, kinh đô kháng chiến Tân Sở, thủ đô của Cộng hoà Miền Nam Việt Nam.

 

Bài 36:

 

(1) Papeete thuộc quần đảo Tahiti, giữa Thái Bình Dương, gần Trung Nam châu Mỹ, nơi Nguyễn Văn Tường bị lưu đày biệt xứ và vô thời hạn, sau khi đã bị đày ra Côn Đảo. Ông mất vào ngày 30-7-1886 tại đó. Di thể được Tôn Thất Đính đưa về quê nhà.

 

(2) Cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916. Nhờ Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng, nên Trần Cao Vân, Thái Phiên và các đồng chí của các ông mới biết tâm và ý của vua Duy Tân. Nhưng cuộc quật khởi bất thành vì lộ cơ mưu, và cũng do lực lượng còn non yếu, trong khi thời cơ đã xuất hiện (chiến tranh thế giới lần thứ 1, 1914-1918).

 

(3) Trường THCS. Khóa Bảo, tại Cam Lộ.

 

Bài 37:

 

(1) Ông được sinh ra tại nguyên quán: Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng thời tuổi nhỏ, sống tại làng Hậu Kiên, gần đó. Hiện nay, Nhà Lưu niệm được xây dựng tại Hậu Kiên.

 

(2) Xem: Lê Bá Tạo, “Gia đình đồng chí Lê Duẩn những năm 1946-1953 ở Bích La Đông”, đăng trong tạp chí Cửa Việt, số 151 (bộ mới), tháng 4-2007, tr. 83-85; cũng đã đăng trên báo Quảng Trị và tập san Tình Quê của Hội Đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng. Cố tổng bí thư Lê Duẩn có thời làm thư kí kho vật tư tại ga xe lửa Đà Nẵng, Hà Nội, dưới thời Pháp xâm lược, thống trị, cũng như chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có thời là lính thợ của thực dân Pháp (tôi viết câu thơ này trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc). Tuy nhiên, ông sớm tham gia cách mạng (1930), trải qua hai lần tù tại Côn Đảo, 1931-1936 và 1940-1945…

 

(3) Xem: Bộ Ngoại giao Nước CHXHCN. Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua”, Nxb. Sự Thật, 10-1979.

 

(4) Ông bắt đầu ngã bệnh vào năm 1982.

 

TXA.

 

CHÚ THÍCH CHUNG:

 

Các bài thơ cùng các chú thích trong tập thơ này đều đã được đăng trên các tạp chí điện tử tự lập, các tập thông tin điện tử công lập:

 

1) Tạp chí Giao Điểm (ông Nguyễn Văn Hóa phụ trách), 2005: hai bài 1, 2.

 

2) Tạp chí Chim Việt Cành Nam (ông Lại Nhữ Bằng phụ trách), 2008: chùm thơ viết ở Nhà Sáng tác Đà Lạt.

 

3) TranNhuongCom (nhà thơ Trần Nhương phụ trách), 2008-2010: hai bài 1, 2 và các bài còn lại (trừ vài bài chỉ đăng ở PhongDiepNet).

 

4) PhongDiepNet (nhà văn Phong Điệp phụ trách), 2008-2010: chùm thơ viết ở Nhà Sáng tác Đà Lạt và các bài còn lại (trừ vài bài chỉ đăng ở TranNhuongCom).

 

5) XuanDucVn (nhà văn Xuân Đức phụ trách), 2009: chùm thơ tháng 3-2010.

 

6) Evan (VnExpress), 2009: 2 bài trong chùm thơ tháng 3-2010.

 

7) Hội Nhà văn TP.HCM. (nhà thơ Lê Quang Trang, nhà thơ Phan Hoàng phụ trách), 2010: các bài 18, 22 và chùm thơ sử về Quảng Trị.

 

và trên điểm mạng toàn cầu của tác giả (nhà thơ Trần Xuân An).

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG

 

TRANG BÌA TẬP THƠ

MỤC LỤC TẬP THƠ

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE