h. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 8

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 8 )

30

 

Khác với mọi hôm, trưa nay Ka Kring lại mặc quần bò (jean) như hôm mới đến trường, có lẽ cô sợ bị vướng gấu váy lúc ngồi sau xe đạp do Nam chở. Bây giờ, khi đã đến ngôi trường với năm phòng học, có cả hai phòng lồi ra phía hai đầu hồi, một là văn phòng Phân hiệu C, một là phòng ở tập thể của năm cô giáo, Ka Kring đã mặc váy lại.

Nam, Khoai, Huyện và Nghệ … thấy cô rút ra từ túi xách may bằng thổ cẩm Tây Nguyên một tấm thổ cẩm màu đen với các hoa văn viền một cạnh dài, cỡ bằng khăn trải bàn. Ka Kring vẫn hồn nhiên trong khi bốn người con trai đứng dậy định ra khỏi văn phòng. Ka Kring vấn tấm vải quanh chiếc quần bò cô đang mặc, ít ra cũng vấn hai lần vải, rồi thắt hai đai vải đúng vào vị trí của nó phía trước bụng, thành một chiếc nơ. Đai vải được may hẳn vào tấm thổ cẩm với sự tính toán trước về kích thước. Ka Kring mặc váy tự nhiên như người ta mặc áo vét hoặc áo len trước mặt người khác. Ka Kring lại là Ka Kring gần một tháng nay. Bốn thầy giáo sau phút bàng hoàng bỗng nhận ra một Ka Kring tự nhiên đến hồn nhiên và độc đáo.

Nam thoáng nhìn, sững sờ ngó ra cửa sổ văn phòng, mở ra phía một triền dốc thoải làm sân trường, tiếp với con đường rộng như xa lộ. Màu đất đỏ ba dan rực rỡ trong nắng xế trưa. Hình ảnh Ka Kring đã thu vào mắt anh. Nam đang ngắm hình ảnh Ka Kring bằng bộ não, bằng trái tim. Mái tóc nâu hoe vàng được bối tó, lộ chiếc gáy tròn đầy với những sợi tóc con rất xinh. Chiếc áo khoác cũng may bằng thổ cẩm, bên trong là chiếc áo vải cổ tròn. Ka Kring thon gọn, thanh thoát trong nhiều lần vải. Chiếc váy mới choàng vào buông xuống tận gót, càng tăng vẻ đẹp của dáng hình cô. Sao Nam không thấy chút nặng nề nào của trang phục xứ lạnh ở Ka Kring. Nam chợt hiểu vì sao quần bò của Ka Kring không có chiếc túi nào.

Khi Nam quay mặt lại, đã thấy Ka Kring cởi áo khoác vắt vào lưng ghế. Sau lưng váy của cô có ba hạt cúc đỏ cài khuy.

Mới đạp xe ở ngoài nắng vào, mồ hôi áo rìn rịn bỗng thấm hơi lạnh trong phòng cho Nam một cảm giác man mát ở ngực và lưng. Khí hậu tháng giêng lịch mặt trăng xứ này thật tuyệt.

- Có lẽ rồi Lộc Biếc cũng học cách ăn mặc của Ka Kring thôi.– Lộc Biếc nói, không một chút ganh tị thường thấy ở các cô gái –.

Câu nói của Lộc Biếc phá tan sự im lặng của những gương mặt trong văn phòng, sự im lặng của ngạc nhiên, ngẩn ngơ.

Cô giáo Tấm mỉm cười:

- Chính bọn em ở buôn B’Kẽh này mới cần phải vậy.– Cô Tấm lại ngập ngừng, rồi nói –. Thật ra, về phố mặc váy ngoài quần dài như Ka Kring mới thật độc đáo. Đẹp, kín đáo, rất Việt Nam và rất Á Đông.

- Giản dị, tự nhiên đến ngẩn người.– Nam nói –. Ka Kring làm tấm vải hình chữ nhật có hồn một cách không ngờ.

Ka Kring lắc đầu:

- Cái váy người Chiau Mạa em nó vốn vậy, em chỉ gia công thêm chiếc nơ. Nó đơn giản thế thôi. Chẳng cắt may gì cả.

Những giáo viên trẻ lại chuyện trò với nhau một lát về đời sống, một vài phong tục K’Hor – Chiau Mạa. Họ chờ nắng dịu bớt. Nắng phải xế về chiều những đồng bào Chiau Mạa mới từ rẫy về nhà.

- Đi B’Kẽh chơi, nói tiếng Chiau Mạa thế nào hở Ka Kring?– Nam hỏi –.

- Lọt B’Kẽh n’hơn (Lọt [bờ] Kẽ [hơ][nờ] hơn).– Ka Kring cười –.

- Chữ “chợ”, “thị trấn”, tiếng Chiau Mạa là gì?– Khoai mỉm cười hỏi –.

- Tầm rạ.– Ka Kring đáp –.

-Vậy là tôi dịch được một câu rồi.– Khoai thích thú –. Lọt tầm rạ B’Lao n’hơn!

Huyện đùa:

- Còn câu mà bất kì ai học ngôn ngữ khác cũng xem là câu đầu tiên phải nhớ, tiếng Chiau Mạa là gì?

Mọi người đều cười. Ka Kring hỏi lại:

- Cơm? Nước uống?– Cô hơi đỏ mặt –. Và tình yêu?

- Tình yêu ấy!– Huyện nói –. I love you, hoặc Je t’aime (tôi yêu em / anh) ấy mà.

- Vi còn ỏ,– Ka Kring đáp –, hay là, anh còn vi.

Cô giáo Thôn Hương sực nhớ:

- Có một lần vì từ “anh” tiếng Chiau Mạa ấy, em suýt bắt một học sinh ở đây chép phạt năm mươi câu luôn đó. Em hỏi một học sinh lớp hai: “Sao em không thuộc bài?”. Em ấy đáp: “Anh chỉ thích hát thôi”. Em giận đến muốn khóc và cũng buồn cười nữa. Nó dám xưng anh với em kia đấy! Hóa ra, chữ “anh” tiếng Chiau Mạa có nghĩa là “em” trong tiếng Việt! “Anh” cũng có nghĩa là “tôi”!

- Chép phạt câu gì vậy? Chắc không phải “Anh còn ỏ” chứ? Anh thích cái nhạc rồi thích cái chữ mấy hồi!– Huyện đùa –. Anh học trò xem ra dại dột quá! Cái chữ của cô giáo xinh đẹp thế mà …

Thôn Hương cười:

- Em đâu dám! Tất nhiên là một câu có tính giáo dục. Đâu phải lớp bổ túc văn hóa cho người lớn. Với học viên lớp bổ túc thì … cũng dám lắm chứ!

Đúng là một câu trả lời hay, buộc mọi người cười thú vị vì sự đáo để. Mỗi lúc, câu chuyện càng thêm vui nhộn.

Nắng đã xế chiều.

Sáu giáo viên trẻ ở Phân hiệu A, với Hương Quê, phân hiệu phó, cùng anh K’Đa, phân hiệu trưởng, mới đến trường khoảng độ mươi phút, kết thành một nhóm, đi về phía buôn B’Kẽh.

Buôn B’Kẽh chỉ gồm hai dãy nhà sàn đứng ven con đường rất rộng, dễ chừng trên ba mươi mét. Đi gần đến giữa buôn, Nam với các bạn bước lên một cầu thang được đóng bằng các khúc gỗ tròn, nhỏ, đã vạt phẳng chỗ đặt chân để khỏi trượt ngã. Một phần vì cận thị, một phần không ngờ, K’Bẻo đang vuốt ve con chó lai bẹc-giê gầy guộc, buông một câu hỏi bằng tiếng Chiau Mạa. Cũng bằng tiếng Chiau Mạa, Ka Kring đáp lại. K’Bẻo che mắt do nắng hắt vào từ khung cửa, lật đật đứng dậy thưa thầy cô.

Nam nói bằng tiếng Kinh vì anh không biết một tiếng Chiau Mạa nào cả:

- Các thầy cô đến thăm K’Bẻo đây. Ba má đi rẫy về chưa?

- Dạ, sắp về rồi thầy.– K’Bẻo vòng tay rồi xoắn các ngón tay lại với nhau, lộ vẻ bối rối –.

K’Bẻo đứng sững, bên chân là con “xồ” (chó) bẹc-giê đang ghếch mõm nhìn khách.

Chẳng biết nói sao, khi thấy bỗng dưng K’Bẻo đá vào hông con “xồ” một phát khá tàn nhẫn. Con chó kêu ăng ẳng rồi cúp đuôi chạy mất. Các thầy cô giáo nghĩ đó là cử chỉ vô ý, không phải vô lễ. Các giáo viên ngồi bệt xuống sàn gỗ. Đây là căn hộ của gia đình K’Bẻo mà Nam, Lộc Biếc, Huyện, Khoai đã đến thăm hai lần trong học kì một. Nam nhìn thấy không có gì thay đổi. Gọi là căn hộ, nhưng thật ra, không có phên vách hoặc màn vải ngăn giữa các căn. Một nhà sàn dài đến bốn, năm chục mét, đứng ở đầu này thấy rõ đầu kia. Nhà dài là nét đặc trưng của người Chiau Mạa về nếp ở. Mười hai hoặc mười lăm gia đình chung một nhà, có lẽ cùng chung huyết tộc, dẫu chồ đựng thóc, cũng cất theo kiểu có chân sàn, lại riêng, ở ngay phía sau mỗi hộ. Bầu đựng nước, gùi mây, rìu, xà gạt (chà gạt, một loại rựa), ché và nhiều vật dụng khác, mắc lủng lẳng ở vách gỗ, đặt trên sàn, chỗ dưới chân vách. Đây là buôn định canh, định cư, vách ván mái tôn hẳn hoi.

Nam nhìn đống than tro trên tấm tôn vuông, giữa căn hộ của K’Bẻo, một cảm giác lo ngại về hỏa hoạn lại lần nữa dấy lên trong anh. Nam biết đó là bếp, cũng là lò sưởi về đêm.

Trừ Ka Kring, ai cũng ngạc nhiên rồi bỏ qua, về cú đá tàn nhẫn sau khi vuốt ve con “xồ” của K’Bẻo. Ka Kring vẫn nghĩ ngợi.

- Sao em ác với con “xồ” vậy, K’Bẻo?– Ka Kring thắc mắc –.

K’Bẻo lại lúng túng. Chú bé cũng chẳng hiểu vì sao như vậy. K’Bẻo nói:

- Thưa cô, em thương nó hơn cả em nữa.

- Sao em đá nó đau thế? Mà sao lại thương hơn cả em nữa?– Ka Kring cười –.

- Thật mà cô, thật mà … Nó là bẹc-giê đó cô.

Ka Kring không hỏi gặng chú bé, mặc dù thật lòng cô chả hiểu vì sao như vậy. Cô nhìn vào đôi mắt xanh lơ rất châu Âu của K’Bẻo. Đôi mắt ấy toát ra một nỗi cô đơn và u sầu.

- K’Bẻo dạo này có tiến bộ, các thầy cô rất mừng. Nhưng em không thu xếp được một góc học tập có bàn ghế hẳn hoi sao? Thầy đã dặn rồi mà. – Nam nói –.

K’Bẻo lắc đầu:

- Khó lắm thầy.

Nam nhìn chồng sách vở cuối chân vách. Sách vở nhem nhuốc, cong góc giấy. Nhưng K’Bẻo biết bao vở bằng gì! Sách của thư viện đã qua tay lớp năm ngoái, không được giữ gìn cẩn thận, mà cẩn thận thế nào được khi chả có cặp lẫn bao sách!

Mãi đến khi nắng gần tắt, ba má K’Bẻo mới về cùng các người dân khác thuộc buôn B’Kẽh. Các nhà sàn dài sôi động hẳn lên. Trong gùi là bí ngô trái nhỏ, chỉ to hơn trái bưởi một chút, cùng mướp thơm … Họ còn mang về những bó củi.

Ba má K’Bẻo là hai người cỡ chừng ba mươi lăm tuổi, da nâu bóng khỏe mạnh. Sau những lời chào hỏi, họ lấy từ gùi ra các đốt mía chặt từ rẫy về để mời các thầy cô giáo. Đó là một loại mía lau rất ngọt. Vì hai chiếc răng giả, Nghệ phải mượn dao tiện ra từng lóng nhỏ để nhai.

Ba K’Bẻo thưa với thầy giáo Nam, sau một hồi chuyện vãn:

- Vợ chồng tôi có nó là út. Con trai đầu được bắt cái chồng rồi. Có điều cái bệnh bạch tạng này của K’Bẻo chắc khó chữa lắm. Ông mục sư bảo người da trắng bên Tây, bên Mỹ bị Chúa Trời phạt, cũng bị bạch tạng, vì dám buôn bán, khinh miệt người da đen, bắt người da đen làm công-cụ-biết-nói. Nhưng nhà tôi với K’Bẻo có tội gì đâu?

Ka Kring hơi giật mình. Cô ấp úng, rồi nói:

- Ông mục sư nào nói kì vậy, thưa anh?

- Ông mục sư Mỹ da đen nói vậy, hồi K’Bẻo mới phát bệnh. Năm đó K’Bẻo khoảng tám tuổi, cô à, tuy nó bệnh từ bụng mẹ.

- Chúa Giê-su (Jésus) cũng da trắng mà.– Cô ngạc nhiên –.

- Ông Chúa cũng bị phạt, để thương người da đen! Ông Chúa Giê-su cũng vấn khố như người Chiau Mạa. Ông mục sư cũng nói vậy, cô à. Cô không thấy Ông Chúa trên Thánh giá sao cô?

Các giáo viên chỉ ngồi im lặng. Lát sau, Nam dè dặt nói:

- Tôi không rành Kinh thánh lắm, nhưng hồi nhỏ cũng có học giáo lí, chưa thấy cha nào, chị nào giảng vậy cả. Ai lại cứu chuộc kiểu gì lạ đời, không mấy hiệu quả như thế!

- Đúng. Theo Đạo Chúa chỉ thấy cảm tình với người da trắng thêm. Chúa đã “bị” Âu – Mỹ hóa rồi, không còn là người Trung cận Đông thuộc châu Á nữa.– Lộc Biếc góp lời –.

Nam không muốn sa đà vào chuyện tôn giáo, nhất là trước mặt người có tôn giáo. Đó là khu vực cấm kị đối với anh, cũng như đối với hầu hết mọi người. Nếu có nói đến, anh cũng chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa của tôn giáo mà thôi. Nam hỏi ba K’Bẻo:

- K’Bẻo dạo này ở nhà có linh hoạt hơn không? Sao nó có con “xồ” lai bẹc-giê vậy, thưa anh?

Ba K’Bẻo cười:

- Nó thấy ông K’Sieo xin ở Minh Rồng về, nó thích quá, vì con “xồ” lai chó Tây. Đôi khi K’Bẻo nghĩ nó cũng lai Tây. Những lúc đó nó vui lắm, nó thích được ở bên Tây!

Nam bỗng rùng mình. Hình như anh hơi rớm nước mắt. Anh ngưỡng mộ, kính phục mục sư Mác-tin Lút-thơ King (Martin Luther King), người đấu tranh cho Quyền Con Người ở Mỹ. Nam cũng đọc nhiều truyện và thơ của người da đen ở châu Phi, ở các nước … Anh nhớ người lính Mỹ da đen đào ngũ, lấy vợ Việt Nam, sống chui nhủi nhưng hạnh phúc ở một xóm nghèo tại Đà Nẵng … Nam sực nhớ phim “Bầy thú trước bảng đen”, về một thầy giáo da đen trước một lớp học mà học sinh là da trắng. Anh nhớ người nô lệ da đen cao thượng chịu khổ hình thay cho người bạn da trắng cũng cùng thân phận nô lệ như mình trong phim “X-pác-ta-quýt” (Spartacus). Nam rùng mình, muốn khóc. Bi kịch về màu da thật thê thảm!

Nam đã hiểu, con “xồ” không chỉ chia sẻ hơi ấm từng đêm cao nguyên lạnh buốt với K’Bẻo. “Xồ” không chỉ là tấm chăn sinh động của K’Bẻo, và ngược lại. “Xồ” còn là bạn, là nguồn an ủi, là ước mơ tội nghiệp của K’Bẻo nữa. Nam cũng chợt hiểu, con “xồ” lai bẹc-giê cũng là kẻ thù của K’Bẻo, để K’Bẻo trút hết căm giận vào từng cú đá tàn bạo. K’Bẻo ngỡ nó lai Tây như con “xồ” lai chó Tây. Nó vừa thích, vừa thù. Nó thích vì thoát khỏi bệnh bạch tạng. Nuôi ảo tưởng không bị bệnh, K’Bẻo muốn thà là lai. Và chú bé học trò này lại căm thù thân phận lai màu da trắng mà nó ngỡ thế, ước muốn được thế. Còn gì thê thảm hơn một người mang chứng bệnh màu da, bị lạc lõng giữa cộng đồng! Còn gì thê thảm hơn một người căm thù ước mơ tội nghiệp cũng vì chứng bệnh màu da, gồm cả bệnh màu mắt, màu tóc! Tất cả cũng chỉ vì sự khác biệt về mức độ của khả năng hấp thu, chuyển hóa sắc tố mê-la-nin (mélanine) trong cơ thể của một số tế bào có chức năng ấy!

- Tôi phải đổi con “xồ” này cho K’Bẻo bằng hai gùi lớn thóc mới đó, thầy cô à.– Ba K’Bẻo nói –.

Ka Kring nãy giờ nhợt nhạt hẳn đi. Cô gái xinh đẹp anh đã choáng váng yêu từ phút đầu mới gặp đang cúi rũ đầu. Nam bỗng thấy anh đã vô tình làm tổn thương Ka Kring. Anh đâu ngờ cơ sự lại thế. Lâu nay, Nam có biết bi kịch giữa con “xồ” với học trò của anh đâu! Và hình như ai cũng cảm nhận được nỗi chạnh lòng của Ka Kring.

Mọi người xin phép ba má K’Bẻo ra về. Nam vẫn còn đứng sững ở cửa khi thấy Ka Kring nói gì đó với K’Bẻo, cầm lấy bàn tay trắng hồng của chú bé. Nam tiếc mình không hiểu, không nói được tiếng Chiau Mạa. Chú bé bỗng nắm chặt tay cô giáo bằng hai tay của mình, nước mắt đoanh tròng.

Trong bóng nắng chiều đã dần tắt, Nam bước về Phân hiệu C bên cạnh Ka Kring. Nam không biết nói gì hơn là im lặng. Anh sợ chạm vào nỗi đau màu da, nỗi đau lạc lõng đã quá trầm kha và đã hé nở thành nụ cười trên đôi môi đỏ hồng xinh đẹp, và cả nụ cười trong đáy mắt nâu trong vắt, sâu thăm thẳm của Ka Kring.

Sau bữa ăn với các cô giáo ở phân hiệu, anh K’Đa về căn hộ của mình tại buôn B’Kẽh. Các giáo viên Phân hiệu A sắp xếp ở văn phòng để nghỉ lại đêm nay, vì ngày mai là chủ nhật. Họ không nói gì nữa về chuyện màu da của K’Bẻo.

Đó là một đêm trăng cao nguyên.

Trăng cao nguyên mùa khô ráo và lạnh buốt, đặc biệt vào tháng giêng, có lẽ đẹp nhất trong năm. Trời cao xanh vời vợi, lạ thay, không một gợn mây. Bầu trời mùa này không mây, bao lần Nam sững sờ ngẩng mặt. Nam biết, màu trời trên thế giới này khác nhau. Vị thầy giáo rất thương mến Nam, một đêm ngắm trăng bên lan can cầu Trường Tiền ở Huế, có bảo nền trời Sô-phi-a (Sofia) màu tím. Bây giờ, bên cạnh Ka Kring, Nam bỗng nhớ người vợ Bun (Bulgarie) của thầy. Thầy yêu cô giáo người Bun ấy lẫn nền trời quê vợ. Nhưng Ka Kring đâu mang dòng máu người K’Hor Tây Nguyên. Biết thế, theo lời Hoán, song liên tưởng cứ là liên tưởng.

Ngắm ánh trăng ngời ngợi trong hơi sương lạnh buốt, nghe tiếng sáo u u ở các chòi thóc sau các dãy nhà sàn dài, thấy đêm bỗng có tâm hồn, tiếng thở của sự sống, sự sống của đêm. Nam biết, mỗi ống sáo ấy được gắn với một chiếc chong chóng để tự điều chỉnh theo hướng gió, luồng gió, và cả hai bộ phận cùng được gắn trên nóc chồ lúa. Đó là một loại sáo diều trên mặt đất. Tiếng sáo làm đêm sâu thăm thẳm, rộng bát ngát.

Nam thấy Ka Kring không có vẻ buồn do âm hưởng của chuyện con “xồ” với K’Bẻo. Anh bỗng mừng thầm, khi cảm nhận lại nụ cười trên môi, trên mắt của cô lúc từ nhà sàn của bà con K’Bẻo về. Hồi nãy, anh đã lí giải sai chiều sâu nụ cười ấy? Không, không thể sai được. Nhan sắc cũng có quê xứ với thị hiếu nghìn đời của nó, và nó cũng chịu sự lạc lõng ở quê xứ khác với thị hiếu khác.

Nam đọc khẽ một đoạn thơ về cô gái châu Âu và mùa thu Pa-ri (Paris) của Cung Trầm Tưởng đã được phổ nhạc:

mùa thu nơi đâu

người em mắt nâu

tóc vàng sợi nhỏ

không em chín đỏ trái sầu

Nam đọc như thể vu vơ, bâng quơ. Ka Kring mỉm cười, nhìn vào mắt anh, song chỉ thấy hai tròng kính trắng và gọng thép trắng.

- Em không thấy tâm hồn anh được.– Ka Kring thầm thì –.

- Người cận thị có tâm hồn lờ đờ.– Nam khiêm tốn nói khẽ –.

Ka Kring cười với tiếng cười trong vắt.

Bóng K’Đa đã xuất hiện ở cổng trường. Lộc Biếc và Khoai cũng vừa thấy, cả hai bước ra. Như đã bàn trước, bốn người bước ra sân để đón anh K’Đa, rồi cùng đi tới buôn B’Kẽh.

Thấp thoáng những ngọn lửa ấm trong các hộ của hai dãy nhà sàn, gợi nên một cảm giác hoang sơ cảm động.

- Anh K’Đa đã nhắn lại với chị nhà, cho anh em gửi lời thăm chứ?– Nam nói –.

- Có. Nhà tôi cảm ơn. Bà ấy đang ốm, chưa khỏe hẳn, bảo quá tiếc, không thể chuyện trò với các bạn được.– Anh K’Đa đáp –. Bây giờ, mình đến thăm nhà K’Bri trước, sau đó là Ka Tem nhé.

- Vâng. Nếu các em ấy đến trường chơi được, anh em mình chỉ ghé nhà một chốc thôi. Mai chủ nhật mà.– Nam lại nói –.

K’Đa gật đầu.

Đến căn hộ của ông K’Đờn, ba của K’Bri, vốn là cán bộ cách mạng về hưu, Nam lại một lần nữa nhìn vào ánh lửa bập bùng trên sàn gỗ. Quanh bếp lửa sưởi ấm: những người thân trong gia đình ba mẹ K’Bri. Lửa ở đây còn là ánh sáng. Lửa hắt lên những gương mặt da nâu đen ở nhiều lứa tuổi. K’Bri cười tươi sáng trên gương mặt thông minh. Ông K’Đờn, tóc đã ngã muối tiêu, nét mặt gân guốc như một tượng đồng, đang nói chuyện với Ka Kring bằng tiếng Chiau Mạa.

Anh K’Đa nói khẽ với ba giáo viên Kinh:

- Họ đang bàn về hai nhân tộc Chiau Mạa và K’Hor. Đã có một sự chia cắt từ lâu đời. Có thể Chiau Mạa ngày xưa là một nhánh của K’Hor hoặc K’Hor là một nhánh của Chiau Mạa. Vâng, có thể. Một sắc tộc bị chia vụn, chẳng hiểu do đâu. Nhưng không phải vì chính trị, tôn giáo … Hiện nay nhân tộc K’Hor có đến sáu nhóm chính: X-rê, Nóp, Chin, Lát, Tơ-ring … (1).

- Chỉ trên danh từ thôi sao?– Lộc Biếc hỏi –.

- Vâng. Ông K’Đờn nói có lẽ là do những nhóm người tách khỏi cộng đồng, mặc dầu sắc tộc K’Hor chỉ chín vạn người, cũng có thể là do óc cát cứ của các già làng, cũng có thể do cư trú khác địa phương, rồi như thể khác giống nòi … Ông ấy mong ước nay phải thống nhất lại bằng giao lưu … 

- Đúng rồi. Phải giao lưu.– Nam nói, gật đầu –.

Ông K’Đờn bập bập tẩu thuốc khá dài, nhả khói:

- Tôi đã lo góc học tập cho K’Bri rồi, thầy Nam à.

- Dạ vâng. Phải có bàn ghế, dù đóng bằng gỗ thừa hay tre ghép lại, để chữ đẹp hơn. Chữ các em xấu, do phải ngồi chồm hổm để viết.

Ông K’Đờn cười vui vẻ, đang khi Nam nhìn bàn ghế bằng tre ghép của K’Bri. Trong ánh lửa bập bùng, Nam thấy một cây đèn bão treo bên cạnh tấm giấy nhỏ, kẻ khung ghi thời khóa biểu, và chiếc khăn quàng đỏ treo ở móc đinh, trên vách ván.

Nam yên tâm. Mục đích chuyến đi này của anh chỉ để kiểm tra góc học tập của các em, vận động các gia đình lo cho các em việc đó.

Họ từ giã gia đình ông trưởng thôn K’Đờn, xin phép cho K’Bri đi theo họ đến nhà Ka Tem.

Bà mẹ của Ka Tem mang bầu đã khá lớn, có lẽ sắp đến ngày sinh nở. Anh K’Đa đã có lần nói với Nam việc này: mẹ của Ka Tem, cả cô bé Ka Tem, thỉnh thoảng vào rừng sâu thăm  chồng, thăm cha, một sĩ quan Phuyn-rô (FULRO.), với giỏ thức ăn và thuốc thang. Bên ngọn lửa bập bùng, Nam chỉ xin phép bà Ka Đôm cho cô bé Ka Tem lên trường chơi. Anh rất vui khi Ka Tem cũng đã có góc học tập với bàn ghế, đèn treo, thời khóa biểu.

Bà Ka Đôm uể oải tiễn khách.

Trong ánh trăng vằng vặc, lạnh buốt, họ đến nhà K’Bẻo để rủ em cùng lên trường chơi trăng. Ba má với K’Bẻo đang ăn tối, mỗi người cầm trong tay một chiếc bao đan – bao bằng sợi cỏ dùng để nén các vắt cơm nắm trước khi bẻ ra, đưa vào miệng. Nam ngỏ ý. K’Bẻo xin đi ngay, nhưng Nam bảo cứ dùng cơm đi, xong rồi lên trường cũng được; thầy cô và các bạn sẽ chờ.

Các giáo viên bước chậm về trường với Ka Tem, K’Bri. Ánh trăng cao nguyên và các bếp lửa hoang sơ! Nhà sàn dài, ủn ỉn tiếng lợn, chim chíp tiếng gà, u u trầm bổng tiếng sáo gió, thấp thoáng bóng các đàn dê … Tất cả, ngoại trừ những mái tôn sáng ướt ánh trăng, gợi lại một hình ảnh hồng hoang huyền sử. Ban Định canh định cư mới cất nhà cho họ theo nếp cổ truyền, cũng chỉ mới xây cho các em một ngôi trường gạch, trát vữa, nền được láng bằng xi măng. Đó là cả một sự ưu tiên, hơn hẳn trường lớp, nhà tập thể ở phân hiệu chính, ở các phân hiệu người Kinh.

- Huyện Công còn hứa sẽ cho một hệ thống loa truyền thanh về các hộ, sao đợi hoài chưa thấy có.– Anh K’Đa nói –.

- Chắc sẽ có. Có được vậy, đời sống tinh thần khá hơn.– Khoai xúc động đáp –.

Ở sân trường, dốc thoải, ngập ánh trăng, các cô giáo, Huyện và Nghệ đang múa hát với các học sinh cấp một, nhưng cũng chỉ đâu chừng hai mươi em. Các học sinh khác không đến, bởi hôm nay chỉ vui mà tập hợp, đâu có thông báo gì trước.

Nam đứng lại ở cổng trường, Ka Kring cũng đứng lại theo. Anh ngoảnh nhìn về buôn B’Kẽh, có ý ngóng K’Bẻo. Nam bỗng dưng thương chú bé bạch tạng quá. Anh hiểu, ba má K’Bẻo hầu như đã tuyệt vọng về chứng bệnh đã phát tác mấy năm nay nơi đứa con út của họ. K’Bẻo chưa có góc học tập. Điều đó cho thấy họ có trông mong gì sự khỏi bệnh ở em! Họ chỉ còn cầu xin một phép lạ từ Giàng, thượng đế của họ, cầu xin trong niềm tuyệt vọng. Nam cũng chỉ biết chữa bệnh cho em bằng hi vọng. Nam vẫn hi vọng có một ngày thế giới sẽ vui mừng bởi sự cứu rỗi của liệu pháp hóa dược, chữa lành những trục trặc về mã di truyền sắc tố, mê-la-nin (mélanine). Ngày ấy, không xa nữa, nhờ các bác học tài giỏi. Ngày ấy, K’Bẻo sẽ trở lại khỏe mạnh với màu da nâu trong lòng mẹ cho đến năm em tám tuổi, hoặc K’Bẻo sẽ là một chàng trai Bắc Âu hẳn với mái tóc bạch kim, da trắng hồng, mắt xanh lơ, như hiện nay ở em, nhưng lành mạnh, rắn chắc, yêu đời và thông minh, như những đồng bào của An-đéc-xen (Andersen) (35), nhà văn có tầm nhân loại.

Dưới ánh trăng, Ka Kring chừng như trực nhận ra điều đó. Cô nhìn Nam, lại mỉm cười:

- Anh Nam chờ ai, K’Bẻo thôi sao?

- Chờ hiện thân của niềm đau.– Nam bông đùa với nỗi buồn trong lòng mình –. Chờ Gôn-đô (Goldot) như Béc-két (Berket) (36).

Ka Kring bỗng đẹp lạ lùng và rất liêu trai dưới ánh trăng. Anh biết mình vừa ngốc, song không thể nói một câu gì khác.

- Trong em, có nhiều dòng máu của nhiều chủng người. Anh Nam tin điều đó không? Máu da đen, máu da trắng, máu da vàng … Máu đế quốc, máu nô lệ, máu cộng sản … Trong em, có một sự hòa hợp và xung đột của ý hệ nữa. Anh Nam có tin điều đó không?

- Em nói như một lời thoại của truyện cổ tích hiện đại, hiện thực huyền ảo. Đúng hơn, Ka Kring là nhân vật viễn mơ.

- Em không ngờ anh là một nhà thơ trẻ, cùng quê với Chế Lan Viên! Ka Kring vẫn nghĩ không có gì đẹp hơn trái tim nhà thơ.

Nam những muốn ôm ghì lấy cô gái lai xinh đẹp này. Nam run lên, nóng bỏng cả vầng trán. Anh tự ái và bổi hổi yêu dấu.

- Anh chưa là gì cả.– Nam nghèn nghẹn –. Có điều anh không tin nổi sự đa sắc tộc, đa văn hóa trong dòng máu em. Đó chỉ là giấc mộng của một khát vọng tốt đẹp, của tương lai xa.

- Thật ra,– Ka Kring mỉm cười, mắt cô nhìn xa xăm –, em cũng không hiểu về lí lịch của em.

Ka Kring bỗng như muốn trốn khỏi ánh trăng. Cô bước tới, tựa vào cổng trường được xây bằng gạch, màu vôi nhem nhuốc với bùn đỏ, khuất trong bóng tối. Nam bước đến gần.

- Anh Nam biết không … Em là con gái của một người tài xế Chiau Mạa với một cô gái tóc vàng vốn là con của ông chủ lai Pháp. Mối tình của ba và mẹ em, em cũng chỉ nghe nói một cách mơ hồ. Bà cố nội của em là người Kinh. Bà nội là Mỹ da đen … Bà cố ngoại là người Nga. Bà ngoại là Tàu lai Nhật. Ông ngoại là Pháp lai Nga. Ba em là người Chiau Mạa có cha là Chiau Mạa lai Kinh …– Cô ngập ngừng, giọng Bắc pha Nam của Ka Kring run run –. Phả hệ gia tộc em thế đó, nếu tính theo phụ hệ.

Nam không thể không ngạc nhiên về một phả hệ kì lạ như vậy. Anh chợt nhớ, có rất nhiều người hoàn toàn mơ hồ về lí lịch của mình, họ đâm ra bị hoang tưởng về nguồn gốc xuất thân. Họ có chứng nhớ bịa. Họ hoàn toàn tin điều họ bịa ra, hoặc chỉ thấy trong giấc mơ lúc ngủ, là sự thật. Điều họ không biết, chỉ có thần linh biết, và thần linh đã khải thị cho họ bằng giấc mơ. Cũng có thể họ tự củng cố lí lịch bịa để dần dần họ đinh ninh đấy là sự thật, vì nguyên nhân tâm lí, thần kinh hay xã hội. Niềm tin lại rất chân thành! Ba của Nam ngày xưa là một sĩ quan quân đội ngụy nhưng làm công việc hành chính (nội an về dân sự và quân vụ thị trấn) có nghiên cứu sâu về tâm lí học tội phạm, nhờ thế, anh đọc được tư liệu tâm lí về chứng hoang tưởng. Chẳng lẽ Ka Kring lại rơi vào trường hợp hoang tưởng về nguồn gốc dòng tộc? Không. Chỉ đùa thôi, hoặc thoáng nhẹ thôi?

Ka Kring khuất trong bóng tối, nhưng ánh mắt cô vẫn long lanh, chừng như rưng rưng nước mắt. Cô có thể nhìn rõ nét mặt, cả cử chỉ của anh dưới ánh trăng vằng vặc sáng.

- Anh chỉ tin em là người Việt Nam, có cha mẹ là người Bắc di cư, theo Đạo Phật, như lí lịch em nộp ở anh Giảng, Nguyễn Thị Ka Kring ạ.– Nam nửa tin nửa ngờ –.

- Em là người sắc tộc Chiau Mạa thật mà.– Và Ka Kring cười khanh khách –. Ka Kring sẽ bắt cái chồng là anh Nam đấy! Em cũng là người vô thần, anh Nam ạ.

Nam cũng cười vang với Ka Kring.

- Cảm ơn Ka Kring.– Nam phớt tỉnh, giấu niềm xúc động –.

- Em sẽ sinh ra cho anh bốn người con, hai da vàng, một da trắng, một da đen.– Ka Kring nửa thật nửa đùa –. Anh thích không? Nhưng rất tiếc, anh không phải là nhà thơ, vì trái tim anh bằng xi măng cốt thép!

- Đừng khiêu khích nhau mà, Ka Kring!– Nam đã thấy Ka Kring hoàn toàn đùa cợt –.

- Thôi, ta vào trong ấy với các bạn!– Ka Kring bỗng lạnh lại trong giọng nói –.

Ka Kring bước một mình. Bộ áo váy thổ cẩm màu đen viền các hoa văn đỏ, trắng, xanh, vàng khiến cô gái lai này xinh đẹp, cao sang và hoang sơ lạ lùng. Nam sững sờ nhìn theo.

Tiếng hát các học sinh, các thầy cô giáo vẫn ngân vút lên dưới ánh trăng.

Nam chợt nhớ K’Bẻo vẫn chưa tới.

Khi Nam ngồi ở thềm trường học một lúc lâu với anh K’Đa, K’Bẻo mới một mình đến phân hiệu. Cô giáo Lộc Biếc vội ra khỏi vòng tròn múa hát, cầm tay K’Bẻo dắt vào.

Không biết Lộc Biếc đã tập hát thêm nhạc thiếu nhi với Trăng Thu, Cam Ly lúc nào, bây giờ cô lại cao giọng hát trong ánh trăng cao nguyên đêm nay.

Rồi tiếng hát trong vắt của Ka Kring:

- … trái đất này là của chúng mình

vàng, trắng, đen, tuy khác màu da

bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý

đầy hương thơm, nắng tô màu tươi thắm

màu hoa nào cũng quý cũng thơm …

… bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến

hải âu ơi, cánh chim vờn trên sóng …

… màu da nào, cũng quý cũng thơm … (37)

- Không có màu da đỏ chứ, anh Nam?

- Không. Người da vàng vốn là thổ dân châu Mỹ. Khi ra trận, họ bôi phẩm đỏ. Những thực dân đầu tiên, ở châu Âu đến, nhầm họ là Ấn Độ, rồi gọi là dân da đỏ.– Nam mệt mỏi đáp với một cái ngáp trong lòng bàn tay –. In-đi-ân (Indian)!

- Tây Nguyên này, xa xưa là của vương quốc Phù Nam. Điều đó đúng không?– K’Đa lại hỏi –.

Nam gật đầu.

- Rồi người Chăm, từ Nam Đảo (Indonésia) đến, lập quốc ở miền duyên hải dưới Tây Nguyên?

Nam gật đầu, đáp khẽ:

- Đúng rồi, anh K’Đa.

- Nhân tộc K’Hor, nhân tộc Chiau Mạa là dân thiểu số của vương quốc Chăm, rồi của Việt Nam?

Nam gật đầu một lần nữa:

- Nhóm Bách Việt, trong đó có người Kinh, cũng di dân từ Trung Quốc tới Bắc Bộ Việt Nam. Đó là những nhân tộc bị lấn chiếm địa bàn cư trú ở Quảng Đông, Quảng Tây. Thái, Kinh, K’Hor, Chăm … đều chung một số phận lịch sử.

Anh K’Đa im lặng. Nam cũng thấy hơi buồn ngủ, vì suốt ngày hôm nay Nam chưa hề chợp mắt lát nào. Nam muốn ra sân múa hát với các bạn, với học sinh cho tỉnh người.

Nam chợt nhớ một sáng sớm gần Tết, sau khi nghỉ lại ở phân hiệu này, Khoai và Nam đã đến nhà K’Bẻo. Trong ánh nắng sớm, những bà con Chiau Mạa ra trước hiên nhà sưởi nắng. Ngồi sưởi nắng mãi cho đến chín giờ sáng, lúc sương với khí lạnh trên rẫy xa đã tan, họ mới mang gùi, vác xà gạt lên vai. Những nụ cười ban mai của bao người dân buôn B’Kẽh mãi còn ấm áp với vẻ chất phác, thuần hậu nơi sâu thẳm kí ức Nam.

Nam cũng chẳng hiểu vì sao lúc này Nam lại nhớ những gương mặt, những nụ cười ấm nắng ban mai ấy.

Anh lại nhìn Ka Kring xinh đẹp trong ánh trăng tháng giêng, trong tiếng hát tháng giêng. Thật lòng, Nam cũng không hiểu nổi mình nữa. Nam còn yêu Sông Hương chăng? Nam mãi nuôi một mối tình thầm với Lộc Biếc sao, khi Huyện và Lộc Biếc gần gũi, cảm mến nhau đến thế?

Nam bỗng thương Khoai biết bao! Nam không thể không hiểu nỗi lòng Khoai. Nhưng làm thế nào được!

Ka Kring, Ka kring, tôi nào phải là trò đùa của em!– Nam cúi đầu thầm nghĩ –.

Tiếng sáo gió u u theo gió khuya bổng trầm, giạt xa, rồi gần lại trong ánh trăng mênh mang, và tiếng hát ngoài sân trường học kia như lóng lánh sương trăng, đưa ý nghĩ của Nam trôi theo mạch bâng quơ.

- Anh K’Đa này, mình ra sân cùng chơi đi.

K’Đa gật đầu, đứng dậy, bước ra bên cạnh Nam.

-… trái đất này là của chúng mình

quả bóng xanh bay giữa trời xanh …

Anh Nam à,– Anh K’Đa đọc hai dòng ca từ, lại nói tiếp –, trái đất này dễ vỡ như quả bong bóng xanh sao?

- Vâng, mong manh lắm, anh K’Đa à. Tùy loài người chúng ta đó thôi. Yêu thương sẽ chiến thắng, sẽ vững bền …

Bài hát ấy với tiếng hát Ka Kring mặc dù đã tắt từ lâu, nhưng vẫn còn âm hưởng trong tâm thức K’Đa.

Khi K’Đa và hai cô giáo khác tựa lưng nhau, đứng hát giữa vòng tròn, tay Nam nối vào tay Ka Kring và tay K’Bẻo, trong vòng tay nối liền của các thầy cô giáo từ nhiều quê xứ đến đây, của các em Chiau Mạa, Nam bỗng ngỡ họ đang đan tay nhau quanh quả đất dễ vỡ và khát vọng vững bền.

Trăng đã lên cao, lúc tiễn các em cùng anh K’Đa ra về, Nam bắt tay ba học sinh lớp bảy của anh thật chặt như bắt tay ba số phận không giống nhau.

- Này nhà thơ,– Ka Kring lại trêu Nam –, anh đâu có cách tư duy của công an hay cán bộ chính trị, phải không? Nhà thơ ơi, hãy là nhà thơ, cho đời ấm áp tình người.

Bước chậm bên cô giáo lai xinh đẹp, anh nghẹn họng. Ka Kring vẫn tự nhiên mở ba hạt cúc màu đỏ sau lưng váy, rồi mở cả chiếc nơ trước bụng được thắt bằng hai đai vải bên cạnh anh. Nam hơi bàng hoàng. Anh bảo, sau một lúc:

- Anh chỉ là một con người, em cũng là một con người, con người rất Việt Nam. Chúng ta là người Việt Nam. Đó là điều trước tiên, cũng là cuối cùng. Và anh chỉ có mỗi một khát vọng, đam mê, ấy là sáng tạo văn chương.

Khoác tấm thổ cẩm hình chữ nhật lên vai, bước từ cổng trường vào sân, dưới ánh trăng sáng, Ka Kring với chiếc quần bò bạc màu không bó sát, với áo khoác mở cúc, trông giống như một cô gái trong phim về châu Mỹ, chỉ khác là Ka Kring không mang giày cao ống có cựa thúc ngựa, mà với đôi dép có quai sau màu trắng trong, bằng nhựa, được sản xuất đâu ngoài Hải Phòng. Nam thoáng rùng mình.

- Như vậy anh Nam mới đúng là một nhà thơ trẻ. Ka Kring sẽ bắt cái chồng là anh Nam đấy!– Ka Kring lại bật cười khanh khách, vụt chạy vào phòng của các cô giáo –.

Mặc dầu vẫn bị ấn tượng về thực dân da trắng, nhưng nghĩ cụ thể, Nam thấy Ka Kring thật ngộ. Lòng Nam dâng lên một niềm vui sướng. Anh vẫn chậm bước vào văn phòng.

Đêm ấy, Ka Kring đắp tấm thổ cẩm làm váy như đắp tấm chăn mỏng. Cô mỉm cười, nao nao nghĩ về Nam trong khi chờ giấc ngủ khỏa ánh trăng lên tâm hồn cô, cho cả tâm hồn và thân xác cô tan vào ánh trăng tháng giêng cao nguyên.

Đêm ấy, nằm trên hai băng ghế học sinh, được đặt vào văn phòng, Nam thao thức. Vẳng trong gió khuya, tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng kèn não nuột buồn từ khu rừng mồ côi (38) ngoài đồn điền trà, khiến Nam hình dung ra một người Chiau Mạa vừa mất, có thể mấy hôm, mấy tháng rồi, đang được đưa linh hay gọi hồn ở nghĩa trang của buôn B‘Kẽh. Nam khao khát được sống hết mình, sống mãnh liệt và sâu lắng. Nam biết Ka Kring đã chiếm hết tâm hồn anh. Ka Kring có đùa không nhỉ? Nam phân vân … Âm nhạc cõi chết kia dạy anh nỗi khát sống … Cơ chi đừng bao giờ có ban đêm của giấc ngủ trên đời này. “Cổ nhân bỉnh chúc!”. Nam nhớ người xưa tiếc kiếp người quá ngắn ngủi, ngày đã chuyên cần lao động miệt mài, phải thắp đuốc đi chơi về đêm.

 

31

 

      Những ngọn gió ở vùng cao này như một người bạn kiên tâm, nhẫn nại và giữ đúng lời hẹn. Tháng này, hằng năm, gió lại về, thổi ù ù suốt ngày như gió Lào Quảng Trị quê Nam và Khoai, có điều nhẹ nhàng, lành lạnh. Người ta gọi đó là tín phong.

Không biết có phải vì gió hay vì tình cảm với chú Hải của cô bé Ngoan, Cam Ly đã ngã bệnh. Cam Ly cơ chừng không chịu nổi sự giằng xé trong trái tim mười chín, hai mươi của cô.

Hoán đang đọc lại những cuốn sách giáo khoa lớp mười hai để chuẩn bị cho kì thi tuyển vào đại học sư phạm, nhưng anh cũng vui vẻ xuống bếp phụ một tay với anh Quỳnh, Nam, Huyện và Nghệ. Họ đang lúi húi “xử lí” những con thỏ gầy guộc. Anh Quỳnh có vẻ chán nản vì kế hoạch của Công đoàn về nuôi thỏ đã thất bại. Hoán vừa lột bì vừa nói:

- Thỏ đã thuần hóa bao đời, nay đồng chí Quỳnh lại hoang hóa bằng cách nuôi lộ thiên! Sương lạnh, đất lạnh, làm sao chúng chịu thấu. Chả tăng trọng được mấy tí.

Anh Quỳnh rạch mũi dao, xẻ xương sống của một con thỏ, lấy sạch tủy, vì nghe đâu, làm thế, thịt thỏ đỡ bị hoi. Anh cười:

- Chỉ giỏi cái tài thịt, còn nuôi thì phải trả giá kinh nghiệm một lứa. Hoán mới rút kinh nghiệm chứ hay ho gì!

Mấy anh em cùng cười. Cô Trâm đang đun sôi soong cháo nhỏ cho Cam Ly, mùi gạo bốc lên thơm lừng. Đây là gạo dự trữ từ nửa kí trên mười hai kí rưỡi (mười hai kí chẵn là bo bo “bọc nhựa”, chỉ nửa kí là gạo chưa sạch thóc, còn nửa kí khác thuộc về khoản tiết kiệm, nghĩa vụ cho chiến trường biên giới). Nửa kí gạo hàng tháng ấy, thuộc tiêu chuẩn của mỗi giáo viên, đã được trích lại dành cho trường hợp ốm, theo yêu cầu của Công đoàn trường. Cô Trâm băm thịt thỏ nạc, rồi cho vào soong cháo. Mùi cháo thơm nức mũi với hương hành ngò do hai chị nuôi trồng.

Xong việc, nhường khâu nấu nướng cho các cô giáo, cánh nhà nam ra chái đầu hồi. Nam nhìn những con thỏ còn lại trong chuồng. Thỏ gầy guộc, hom hem giữa các cây sắn ghép lại bao quanh đang trổ lá xanh um. Nam mỉm cười với ý nghĩ, nuôi thỏ kiểu này không khéo lại thu hoạch được sắn củ!

Hoán rít thuốc lào, nhả khói:

- Sao lại liên hoan thịt thỏ gầy lúc Cam Ly ốm nhỉ! Rõ là cô ấy bệnh, mất một tiếng cười hồn nhiên, tinh quái nhất nhà.

- Dự định tuần trước,– Anh Quỳnh gãi râu quai nón lu lú xanh –, đâu ngờ cô ấy hôm qua lại ốm.

- Thông tin mới nhất đã được kiểm chứng, Cam Ly ốm nhớ, ốm tương tư với ông Hải, em cô Xinh.– Hoán nói –.

- Yêu đến phát ốm, đó là cả một chuyện tình lớn. Anh em nhà tập thể liên hoan Mừng tình yêu đương là đúng chứ còn gì nữa.– Khoai cười, định nói thêm: “Chúc mừng nhưng cũng phải phạt, phạt trái tim “ốm yếu””.

- Thật ra mình biết, cô ấy giằng xé lắm. Công đoàn ơi, anh không quan tâm gì đến trái tim của công đoàn viên cả! Cam Ly vừa yêu, vừa lo.– Nam nói –. Người coi vậy mà yếu thật đấy.

Anh Quỳnh gật đầu:

- Mình hiểu chứ. Giáo viên nữ ở riết tại các trường vùng xa, vùng phụ cấp hai mươi lăm phần trăm lương trở lên, sẽ ế chồng hết. Họ cô đơn, biết yêu ai! Và ai yêu! Mấy đồng chí nam thì sẵn sàng muộn vợ, như Nam, Khoai, Nghệ … Cam Ly yêu Hải là một khổ tâm cho cả hai. Cái cuốc với cây bút xem ra chênh lệch nhau quá, khó hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Hải nó mặc cảm, trời đất ạ!

- Công đoàn phải bổ sung chỉ tiêu đám cưới! Mỗi năm ít ra là phải có vài đám cưới mới đạt danh hiệu “Công đoàn cơ sở tiên tiến”!

- Vậy Nghệ trước nhé! Có đối tượng chưa?– Khoai lại cười –.

Anh Quỳnh bỗng vừa đùa vừa thật:

- Có lí đấy. Lẽ ra Ban Tổ chức của Phòng phải làm ông Tơ bà Nguyệt trước, bổ nhiệm các cặp xem ra có thể kết hôn …

- Người ta đang chống Ăng-ca (Angkar) của Pôn-pốt (Pon Pot), I-êng Xa-ry (Ieng Xary) và chủ nghĩa Mao, thưa các thầy!– Hoán cười khùng khục –. Ăng-ca là một tổ chức gây nhiều tội ác nhất của Kh’mer Đỏ, trong đó có cả việc “phân phối chồng vợ”, áp đặt hôn nhân!

- Tùy ý chứ ai áp đặt gì đâu!– Anh Quỳnh lại gãi chân râu –. Đó là tạo điều kiện, cái quyết định vẫn là trái tim, cái đầu …

Nam bỗng thấy, chẳng hiểu sao trong nhà chị Xinh lại có thêm một bi kịch nữa. Nhưng anh biết mối tình Cam Ly với Hải vẫn là một mối tình mãnh liệt và trong sáng. Cam Ly là một cô gái bản lĩnh. Chú Hải của bé Ngoan lại đậm chất Nho giáo, tuy thất học sớm, trình độ mới lớp chín đã bị đôn quân vào lính ngụy. Nam cũng biết, mối quan hệ giữa chị Xinh với anh Trà đã vỡ lỡ. Phụ huynh đã xầm xì bàn tán. Học sinh đã nhìn chăm chăm vào bụng cô giáo Xinh khi cô lên lớp. Ban An ninh xã đã bắt quả tang, lập biên bản trong một đêm họ lén lút gặp nhau, với tội danh “vi phạm thuần phong mĩ tục, gây tác hại đến uy tín giáo viên”. Có điều, Nam cũng mừng khi thấy bé Ngoan đã chịu đựng được tai họa mà cô bé đã lường trước. Hơn bao giờ hết, Nam đã nâng đỡ tinh thần của Ngoan trong mấy tuần gần đây. Nam tìm cách để khen ngợi, biểu dương Ngoan trước tập thể lớp, cả đề xuất khen trước toàn trường sau buổi lễ chào cờ sáng thứ hai, tuy không lạm dụng giá trị lời khen.

Nam mỉm cười khi anh Quỳnh bảo:

- Sao ông Nam trầm tư vậy! Sắp tới, anh em mình nuôi ong đi. Mình đã liên hệ xin được vài tổ ong của mấy anh em thợ rừng rồi. Cứ nuôi, xem thử, “thất bại là mẹ thành công”!

- Cứ nuôi thì cứ nuôi chứ sao! Cứ nuôi cho biết. “Nuôi ong tay áo” tôi cũng nuôi. Quá lắm, bị chích vào nách chứ khó gì!– Hoán lại khiêu khích anh Quỳnh với nụ cười khùng khục –.

Anh Quỳnh bị sặc vì khói thuốc lào, đang vuốt ngực:

- Ông Hoán “khẩu xà” quá đấy nhé.– Anh Quỳnh vừa ho vừa nói –.

Hoán thấy thuận miệng, nói chơi, hóa ra hớ. Anh đỏ mặt thấy mình đùa vô duyên.

- Ý em nói bất cứ giá nào cũng nuôi ong. Cho dù thất bại như nuôi thỏ, cũng nuôi cho biết.– Hoán cầu hòa –.

Ngọn gió đúng hẹn được gọi là tín phong cứ thổi thao thao, nhẹ nhàng, lành lạnh. Vạt khoai lang trước mặt nhà tập thể đã được dỡ củ từ lâu, cỏ tranh lại phủ lên vượt vồng. Những lá cỏ cong mình theo luồng “gió hẹn”. Trong một khoảng khắc gió ngừng, Nam nghe mùi thịt thỏ hòa vào mùi sả cháy thơm thơm, khen khét. Chiếc bao tử đã hẹp lại theo tiêu chuẩn lương thực hạn chế, không thể ăn nhiều được nữa, cũng khẽ sôi réo. Nam mỉm cười về sự thích nghi của cơ thể trong điều kiện khó khăn chung. Sự khắt khe ở mức độ đúng với đạo lí muôn đời, Đông cũng như Tây, trước thời bùng nổ chủ nghĩa lãng mạn cá nhân, sóng yêu đương vỗ tràn bờ, và phong trào thác loạn ở các nước Âu – Mỹ, có làm ngăn tim chứa đựng tình yêu đôi lứa nhỏ lại không nhỉ.– Nam tự hỏi, vì không dứt được suy nghĩ về mối tình anh Trà – chị Xinh, mối tình Cam Ly – Hải –. Nam nghĩ, có thể như vậy, cũng như với bao tử, về mặt nghĩa bóng, để tình yêu khác rộng lớn hơn, cao đẹp hơn, như Tình yêu Đất nước, Tình yêu Con Người, Tình cảm Thầy trò … Biện chứng giữa đạo lí với tình yêu đương đâu phải chưa được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử! Nam cũng tự hỏi anh có quá khắc kỉ không. Nếu với quan niệm ấy, giá trị đích thực của con người sẽ cao quý hơn chăng.– Nam cũng tự đặt lại vấn đề đã cũ –. Hàng nghìn năm phong kiến, Nho giáo, có bao giá trị cần bảo lưu, duy trì dưới ánh sáng dân tộc và khoa học hiện đại! Nam kéo một hơi thuốc lào, rơi vào sự trầm tư như thể say thuốc, mặc anh em cánh nhà nam cười đùa, chuyện phiếm.

- Xong rồi, mời các thầy cô vào ăn bữa chiều sớm một hôm.– Cô Lài bước ra ở khung cửa hông chái sau, nói với nụ cười –.

Nam vào gian nhà nam lấy bi đông rượu cần mà ông K’Đờn – ba của K’Bri – hôm nào anh qua B’Kẽh thăm, đã tặng. Nam để dành từ hôm ấy đến nay.

Nam quay lại chái sau. Anh chị em nhà tập thể đã ngồi vào bàn. Nam rót ra một li nhỏ chất rượu đùng đục, hơi chua, đi quanh bàn mời từng người. Nam bồi hồi khi chạm ánh mắt Ka Kring.

Nhấm nháp một lúc, Hoán nói:

- Rượu cần này lẽ ra phải nhậu với mối rang hôm nọ mới tuyệt.

Khoai gật đầu. Lộc Biếc bỗng thích thú vì cảm giác sờ sợ khi ăn món mối rang béo ngậy rất nguyên sơ hôm nào:

- Lộc Biếc cũng thấy vậy. Món mối rang rất rừng sẽ rất hợp với rượu cần, hút từ cần trúc cắm vào ché. Ở Tây Nguyên, tiếc là chưa được hút rượu kiểu đó.

- Đợi mùa lúa mới sang năm!– Anh Giảng cười –.

Nam vừa nhai thịt thỏ áp chảo, vừa nhớ mùa mối. Mối từ các ụ đất (do mối đùn lên giữa rẫy, cứng như bê tông), bay ra mù mịt một khoảng trời, sà vào ánh đèn. Cứ việc thong thả nhặt cho vào chảo nóng. Hoặc đun khói đầu lỗ này, bao úp miệng vào lỗ kia cho mối bay vào, cột bao lại, rồi cũng đổ vào lòng chảo nóng trên bếp. Những con mối gần bằng nhộng tằm, rụng hết cánh, béo ngậy. Nhộng xào và mối rang! Nam lại liên tưởng đến những dĩa nhộng …

- Tình hình tổ chức ở ngoài Phòng có gì mới không anh Giảng?– Huyện chợt khẽ hỏi bên tai anh Giảng –.

Anh Giảng lắc đầu:

- Sang năm còn phải ăn mối rang ở đây một mùa nữa!

Cô Phước nhờ Nghệ châm đèn. Trong nhà, đã nhập nhoạng tối. Chú mèo đực hôm nay được một miếng thịt thỏ, đang mê mải nhai, với tiếng gừ gừ như sợ bị tranh mất. Nam thấy chú mèo ăn với cả sự rung động toàn thân!

Ánh đèn sáng, hắt vào tấm bảng đen tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, nổi sáng nét phấn của Trăng Thu hôm kia. Nam sực nhớ, tối hôm nay anh còn phải đi bổ túc văn hóa tại nhà ông Binh. Nam lại nhớ những câu chuyện thời chống Pháp, chống Mỹ ông đã kể lại cho Nam nghe. Anh hiểu niềm khát vọng được học của ông Binh thời trai trẻ, với những xung đột trong nội tâm ông, những xung đột lẽ ra không có … Chuyện tổ chức khiến Nam liên tưởng vu vơ.

- Ăn thịt thỏ cứ nghĩ về cái ngon của thịt thỏ, sao cứ dại nghĩ về mối rang! Thế là không biết cách ăn rồi đó.– Ka Kring cười và nói –.

Dưới ánh đèn, họ vừa ăn vừa nói chuyện, vừa bông lơn, trách đùa về việc Cam Ly phải bệnh bất ngờ.

- Cô ấy chỉ ăn thịt “cọp nhà meo meo” thôi!– Hoán cười khùng khục –. Thỏ nhát lắm! Thịt “cọp nhà” mới ngon.

 

32

 

Lộc Biếc vừa phác qua vài nét chính về bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, vốn được xem là một bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt. Cô vòng tròn bằng nét bút đỏ chữ “Đế” trong bài thơ ấy, một chữ rất quan trọng thể hiện niềm tự hào dân tộc, sự bình đẳng quốc gia, chủ quyền Đất nước mà ở giai đọan chống bành trướng Trung Quốc hiện nay, các bài báo nhấn mạnh, phân tích kĩ (39).

Nhưng đã đến giờ họp Hội đồng Phân hiệu, Lộc Biếc cầm luôn cuốn vở giáo án dạy kèm cho ông Binh sang văn phòng.

Hai ngọn đèn dầu đặt trên hai bàn giấy. Lộc Biếc ngồi đối diện với kệ gỗ đựng giáo cụ trực quan vốn áp sát vào lưng vách ván của phòng hai cô cấp dưỡng. Cái sọ người thật do anh Quỳnh xin ở đâu về, với hai hố mắt rỗng, sâu hoắm, hàm răng đã rụng vài chiếc nhe ra trọn bộ, đang hướng về cô. Ban đầu thì sợ, bây giờ cũng đã quen, Lộc Biếc nhìn cái sọ người rồi nhìn quanh văn phòng. Các khuôn mặt nhà tập thể, và anh Ruộng, chị Xinh, với Hạ nữa, đã tề tựu đủ.

Những nhận xét, đánh giá công tác tháng trước, kế hoạch tháng tới đã được anh Giảng triển khai. Cô Lụa cũng thông báo thêm về kết quả phong trào thi đua “Về thăm Lăng Bác”. Một cuộc họp thường lệ khá bình thường bỗng trở nên sôi động hẳn, khi anh Giảng lại phát biểu:

- Trong kì họp này, có hai vấn đề mà Ban Giám hiệu đã bàn luận, cân nhắc kĩ trước khi đem ra Hội đồng. Trong đó, có một vấn đề, đã xin ý kiến của Phòng Giáo dục huyện Công, và Phòng đã có một vài gợi ý về vụ này. Xin các đồng chí bình tĩnh.

Lộc Biếc hơi run, biết đâu, đó là vấn đề báo cáo chuyên đề đầu năm của cô! Lộc Biếc vẫn bình tĩnh, tự trấn an. Cả phòng họp xôn xao hẳn lên. Nhiều người đã biết trước chuyện gì đã xảy ra. Chị Xinh cúi đầu, khiến nhiều cặp mắt chú mục vào chị.

- Thưa Ban Giám hiệu và các đồng chí, như vậy xem ra toàn thể mọi người trong phân hiệu đã thảo luận, nhất trí với sự đánh giá và kế hoạch tháng của nhà trường, kể cả ý kiến của đồng chí Lụa, tổng phụ trách Liên chi đội Đội Thiếu niên, đại diện của Chi đoàn … Xin đồng chí Giảng triển khai tiếp hai vấn đề còn lại.– Anh Ruộng phát biểu –.

Anh Giảng đằng hắng lấy giọng:

- Xin các đồng chí bình tĩnh. Thứ nhất, đó là vấn đề dâu của trường bị hái trộm trong học kì một. Ban Giám hiệu đã biết chắc, anh Quỳnh đã bán cho một xã viên nuôi tằm cá thể. Chúng tôi đã làm việc riêng với anh Quỳnh. Anh Quỳnh không nhận khuyết điểm. Ban đầu là thế. Cuối cùng anh ấy đã nhận.

Phòng họp bỗng im ắng hẳn, rồi lại xôn xao.

- Vấn đề thứ hai,– Anh Giảng lại nói –, đó là vấn đề quan hệ bất chính của cô Xinh với anh Trà, người sửa xe đạp đầu xóm. Ban Giám hiệu đã trao đổi riêng với cô Xinh ít ra là năm lần. Cô ấy nhận khuyết điểm nhưng không khắc phục, lại còn dấn sâu hơn. Đến nay đã vỡ lỡ, Ban An ninh xã đã lập biên bản quả tang. Dư luận của phụ huynh là rất phẫn nộ. Tôi vừa đi họp trực báo ở Phòng Giáo dục. Phòng Giáo dục đã có công văn của Ủy ban xã ta về vụ này.

Chị Xinh cúi đầu, tấm tức khóc. Hình như chị đã có bầu vài tháng, bụng đã hơi lùm lùm.

Nam lắng nghe một vài lời phát biểu. Anh im lặng. Nam thấy không một ai xem đó là chuyện đời tư nữa. Có vài ý kiến khá gay gắt. Hằng ngày gặp nhau là chuyện thân tình, song giữa buổi họp, vấn đề là uy tín giáo viên, uy tín nhà trường. Tâm thế của mọi người trong buổi họp, vì không khí nghiêm túc của nó, đã ở một trạng thái khác.

- Đồng chí Nam!– Anh Giảng lại nói –. Tôi đề nghị đồng chí cho ý kiến, bởi lẽ em Hoàng Thị Ngoan Ngoan, con của cô giáo Xinh chúng ta, là học sinh lớp đồng chí làm chủ nhiệm. Liệu chuyện này có ảnh hưởng gì không?

- Thưa Ban Giám hiệu cùng các đồng chí … Tất nhiên là có ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi cùng một số giáo viên bộ môn đã và sẽ giúp cho bé Ngoan lấy lại tinh thần, niềm tin vào cuộc sống, vào nhà trường. Chỗ dựa của bé Ngoan chính là các thầy cô … Tôi không lo em ấy sợ trường, sợ lớp nữa, mà thấy rằng trường, lớp chính là nơi đã phân biệt rõ, ai có lỗi, chứ Ngoan không có lỗi, và mở rộng vòng tay với em ấy. Nhà trường phải đấu tranh để giành lại một con người, ấy là bé Ngoan. Bé Ngoan cũng đã đấu tranh, tuy thất bại ở gia đình, nhưng đã thắng lợi, chinh phục được bạn bè trong lớp. Do đó,– Nam bỗng ngần nại, rồi với giọng dứt khoát –, mọi quyết định của Hội đồng, của Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường, và của Phòng Giáo dục, cả của Ủy ban xã đều có thể thực hiện …

Anh Quỳnh mỉm cười, ngẩng mặt lên trời, như cầu nguyện. Với dáng vẻ đó, anh Quỳnh đã vô tình khiêu khích thêm vào không khí tòa án đã tràn ngập trong phòng. Nam nhận ra, hầu như mỗi người đều có một thứ bản năng được gọi là bản năng tòa án, hay gọi chính xác hơn, ấy là bản năng thẩm phán, một dạng biểu hiện của lương tri. Không khí buổi họp khích lệ cho bản năng ấy được tăng cường độ. Chị Xinh cúi gục đầu, rấm rứt khóc.

- Xin anh Quỳnh, chị Xinh cho ý kiến.– Lộc Biếc nhắc –.

- Vâng. Xin hai người cho ý kiến.– Đồi Hương nói, sau khi ngừng ghi biên bản cuộc họp, cũng với ý định nhắc nhở “bị cáo”. –

- Thể theo yêu cầu, tôi đề nghị anh Quỳnh cho ý kiến trước, sau đó là chị Xinh.– Anh Giảng nhấn mạnh lại –.

Anh Quỳnh đứng dậy:

- Tôi xin nhận khuyết điểm. Cuối năm tôi sẽ gieo thóc, đầu năm học tới, xin được đền bù cho quỹ nhà trường bằng số tiền từ thóc thu hoạch được. Chả là tôi đánh rơi mất tiền, đành làm liều. Thật đáng xấu hổ. Tôi cũng không ngờ cơ sự lại ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, đến học sinh, “tập cho các em biển lận, tham ô …”.

Anh Quỳnh ngồi xuống. Lần này, dường như anh ứa nước mắt. Anh cắn chặt môi trên của mình.

Chị Xinh lau nước mắt bằng khăn tay, đứng dậy, không nói được lời nào. Chị lại ngồi xuống.

- Tôi xin nhận hết khuyết điểm. Tôi đã nhuốm bùn, thứ bùn không tẩy rửa được. Tôi xin chịu …– Chị Xinh òa khóc nức nở, nói khi ngồi úp mắt vào chiếc khăn nhỏ trên tay –.

Sau một vài ý kiến, anh Giảng thấy đã khuya, nên lại phát biểu:

- Ban Giám hiệu đã lấy ý kiến chung, xin đề nghị hai biện pháp: Thứ nhất, với anh Quỳnh, là cảnh cáo, buộc đền bù, bởi lẽ tuy giá trị vật chất chả mấy, nhưng là danh dự nhà trường, sự phản tác dụng trong việc giáo dục học sinh, ảnh hưởng cho các em về sau. Thứ hai, đề nghị chị Xinh thôi đứng lớp làm chức năng giáo viên, mà từ ấy sẽ làm công tác thư viện, cấp dưỡng, còn cô Nhân sẽ đứng lớp giảng dạy thay, đồng thời giúp đỡ cho chị Xinh về nghiệp vụ thư viện.

Nam thấy chị Trâm, cô Lài hơi ngạc nhiên. Phòng họp lại khẽ xôn xao. Đồi Hương là thư kí Hội đồng, vẫn cắm cúi ghi biên bản, mặt lộ vẻ căng thẳng, xúc động.

- Tôi sẽ xin ý kiến của Phòng Giáo dục về vấn đề cô Xinh.– Anh Giảng lại phát biểu –. Phòng Giáo dục rồi sẽ có quyết định bằng văn bản cụ thể. Ai có ý kiến gì khác?

Lộc Biếc hồi hộp về vụ chuyên đề của mình. Cô đảo mắt nhìn quanh, rồi nhìn anh Giảng, cô Lụa. Cái sọ người thật như vẫn nhìn cô chằm chằm. Bất ngờ, Ka Kring ghé tai Lộc Biếc:

- Sao lại soạn giáo án ở đây! “Đế” lại vòng tròn đỏ nữa, hở Lộc Biếc! … Ồ, thắng Trung Quốc, giải phóng Nông Pênh (Pnom Penh) rồi! Quân mình sắp rút khỏi Căm-pu-chia (Campuchia) rồi!

Lộc Biếc gấp cuốn sách cô vô ý mở ra trên tay nãy giờ.

- Đâu có, nếu không họp Hội đồng, tối nay mình đi dạy bổ túc cho ông Binh.– Cô đáp khẽ –. Còn vòng tròn đỏ này, mình lỡ tay, vẽ bút bi vào sách …

- Tính chiến đấu tối nay ở đây cũng thể hiện tinh thần yêu nước rồi.– Ka Kring lại nói, giọng vừa thật vừa đùa. Cô chợt hẫng khi thấy mình vừa nói câu ấy –.

- Ka Kring! Đúng cũng đúng, nhưng đừng đùa. Im lặng nghe.– Lộc Biếc lại nói khẽ –. Trông chị Xinh khóc kìa …

Anh Giảng tuyên bố cuộc họp kết thúc. Tiếng khóc của chị Xinh òa ra. Mọi người muốn chia sẻ với chị, song chẳng biết nói sao. Anh Quỳnh đi nhanh ra khỏi phòng họp. Nam thật lòng không thể hiểu được anh Quỳnh. Vụ vừa được đưa ra, thấy thật bất thường với tính cách của anh Quỳnh. Nhưng tại sao đó là sự thật?! Ka Kring bỗng quá hối hận, sao cô lại nói đùa một câu cũng bất bình thường, không đúng chỗ đến thế, vừa thể hiện sự vô tâm, vừa xúc phạm đến một vấn đề thiêng liêng, tuy không phải là sai. Còn Lộc Biếc, cô thở phào nhẹ nhõm.

Đồi Hương đứng dậy:

- Đề nghị các đồng chí cho tôi đọc lại biên bản trước Hội đồng đã!– Đồi Hương cầm cuốn sổ bìa đen to tướng đưa cao.– Đề nghị đồng chí Quỳnh trở lại phòng họp, đồng chí Quỳnh ơi!

 

( xem tiếp phần 9 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

            Cập nhật: 06/30/09

            (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7