Trần Xuân An - SONG SINH KẺ DIÊN - truyện ngắn

Xin mời xem truyện thứ hai về đề tài và các nhân vật này:

Đầu đạn lưu cữu

SONG SINH KẺ DIÊN

Trần Xuân An

truyện ngắn

 

“bài ca sức sống Kẻ Diên

hát trong tuyệt vọng, sáng thêm cách nhìn

oán thù? Vẫn sẵn ngọt lành

bát nước đổ xuống, bưng lên, lại đầy

nhân tình, cười ấm lòng say

rất nhân hậu, nhẹ nhàng thay nụ cười”.

(T.X.A. – Cảm nhận bên dòng sông, 1985)

 

1

 

Ngôi nhà xây gạch, lợp ngói thuộc loại giản dị nhất vẫn vậy, chỉ thấy cũ kĩ đi theo năm tháng. Nhưng mảnh vườn phía trái đã khác, từ khi anh em Tre và Trưng quyết định xin ba mạ cho dựng hai cái quán liền nhau, trổ cửa ngõ ra đường làng, lưng quán kề sát với mảnh sân trước ngôi nhà. Hai cửa ngõ của hai quán cũng giản đơn thôi, chỉ bứng đi mươi gốc chè tàu lá nhỏ vốn làm bờ rào cho mỗi bên, và biến thành hai chiếc cổng tre. Trên mỗi cổng, có tấm biển làm bằng ván gỗ, ghi “Cà phê Tre”“Cháo bột Trưng”. Hai cái quán lợp tôn, đóng trần và thưng bốn phía bằng phên tre cật, cũng song sinh như anh em họ.

Sáng nay, Tre không trông có nhiều khách vào nhâm nhi cà phê như mọi buổi sáng khác. Anh đang nhấp nhổm ngồi phía sau quầy, muốn gọi ra Đông Hà hỏi thử việc thu âm hai bài ca dao của làng Kẻ Diên, quê anh, với giọng ngâm của một giáo viên trung học đồng thời là nghệ sĩ trẻ được khá nhiều người ưa chuộng, đã xong chưa.

Tre bấm số trên bàn phím điện thoại di động của mình.

- Xin chào... Tôi là Tre ở Kẻ Diên đây. Cho tôi hỏi về cái đĩa CD tôi nhờ cô diễn ngâm, thu âm giúp, không biết đã xong chưa? – Tre cười thân thiện trong khi hỏi –.

- Xong rồi đó anh Tre. Cũng may là phòng thu âm tốt nhất tại Đông Hà mới vừa nâng cấp thêm, nên chất lượng âm thanh cũng khá lắm. Anh ra lấy đi nghe! – Giọng của nữ nghệ sĩ trẻ –.

- Vâng, vâng. Khoảng 12 giờ, tôi có mặt ở Đông Hà. Chắc giờ đó sẽ được gặp cô.

Tre kết thúc cuộc điện thoại với nụ cười hài lòng.

Một người bạn cũng là khách của quán, ngồi ở bộ bàn ghế gần với quầy nhất, hỏi Tre:

- Thu âm nhạc à? Có nhạc mới gì hay không?

Tre bước ra ngồi với bạn:

- Không phải nhạc. Mình nhờ nghệ sĩ Sông Hiếu ngâm thơ và thu âm giúp hai bài ca dao nổi tiếng của làng Kẻ Diên mình đó mà!

- À! Cũng hay đó! – Người bạn lại cười hóm hỉnh –. Tre thích thu âm hai bài đó thật, hay chỉ là cái cớ để làm quen với nghệ sĩ Sông Hiếu?

Tre cười:

- Không dám mô! Người ta là giáo viên trung học phổ thông, nghệ sĩ nổi tiếng, mặc dù còn quá trẻ!

- Trẻ thì cũng cỡ tuổi bọn mình, hay nhỏ hơn vài tuổi chứ mấy! Về trình độ, bằng cấp, Tre cũng cử nhân đó chứ thua kém gì!

- Thua kém chứ, thua vì cái thất nghiệp của mình.

Ngồi với nhau thêm một lúc, người bạn trả tiền cà phê và bước ra cửa, quay mặt lại với nụ cười:

- Chúc may mắn!

- Không có chi đâu! – Tre cũng cười xoà –.

Trong quán, chỉ còn dăm người khách trẻ, cũng là dân trong làng cả. Tiếng nhạc êm dịu vẫn lan toả khắp không gian của quán.

 

2

 

Khi Tre chuẩn bị đóng cửa quán, khép lại cánh cổng tre để ra Đông Hà, anh nhận được cuộc gọi từ Sông Hiếu. Nghệ sĩ trẻ này bảo chiều nay cô không có tiết dạy, nên anh cứ thư thả, khoảng 2 giờ chiều ra đến Đông Hà là được rồi.

Gần đúng 14 giờ, Tre dựng chiếc xe gắn máy trước cổng nhà Sông Hiếu. Thấy không có nút chuông, Tre bấm số điện thoại.

Sông Hiếu ra mở cổng, mời Tre vào nhà với nụ cười tươi tắn.

Trong phòng khách đã có sẵn đầu máy đĩa và những chiếc loa.

- Anh có cần nghe thử không? – Tự tin trong vẻ tự nhiên, Sông Hiếu hỏi –.

- Nếu không có chi phiền hà, nghe thử được, cũng... đỡ sốt ruột. – Tre cười nhẹ –.

Chiếc đĩa được lấy ra khỏi hộp, đặt vào máy. Tiếng ngâm thơ xen lẫn đọc diễn cảm vang lên trên nền tiếng sáo trúc, tiếng đàn tranh phụ hoạ. Tre xúc động đến ngẩn ngơ.

 

Bài 1

 

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn

tháng khốn, tháng nạn

đi vay, đi tạm

được mấy quan tiền

ra chợ Kẻ Diên

mua một con gà mái

về nuôi

hắn đẻ ra mười cái trứng

cái thứ nhất: ung

cái thứ hai: ung

cái thứ ba: ung

cái thứ tư: ung

cái thứ năm: ung

cái thứ sáu: ung

cái thứ bảy: ung

còn ba cái nở ra ba con

con – diều tha!

con – quạ bắt!

con – mắt cắt lôi!

đừng than phận khó, ai ơi

còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.

 

Bài 2

 

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn

tháng khốn, tháng nạn

đi vay, đi tạm

được mấy quan tiền

ra chợ Kẻ Diên

mua một vác tre

về che cái quán

ai thù, ai oán

phá quán tôi đi

tôi thương cái cột, tôi nhớ cái kèo

tôi thương cái đòn tay, tôi nhớ cái cửa

bạn nghèo gặp nhau!

 

Tre cảm thấy chỉ nên nói ngắn gọn về cảm xúc của mình. Anh muốn ánh mắt mình nói lên hết lời cảm phục. Có lẽ vậy, nên Tre chỉ buông ra một lời:

- Không biết cảm ơn nghệ sĩ Sông Hiếu thế nào cho đủ đây!

Và Tre mở xách tay mang theo, lấy ra một phong bì đựng số tiền thù lao nghệ thuật, đặt trên bàn, cạnh tách trà trước mặt Sông Hiếu. Sông Hiếu cũng đã lấy đĩa CD ra khỏi máy, đặt vào hộp, đặt trước tách trà của Tre.

- Anh Tre là người làng Kẻ Diên?

- Đúng rồi, cô Sông Hiếu. – Tre cười thân thiện –.

- Chiều nay, mạ tôi và tôi không có tiết dạy, còn ba tôi vẫn đang ở trường, đứng lớp. Tôi là giáo viên, nhưng cũng nghệ sĩ lắm. Nếu anh không ngại, và không mất thì giờ, tôi xin được hỏi anh đôi điều về hai bài ca dao của làng anh. Như rứa có bất tiện không anh?

Tre hơi bối rối:

- Tôi thích là bởi chúng xuất phát từ làng Kẻ Diên tôi. Một trong hai bài đã được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông. Nhưng đây là ca dao cổ...

- Tôi chỉ thắc mắc một chi tiết nhỏ thôi. – Sông Hiếu cố gắng cười nhưng thật ra, cô đang tự hiểu mình quá bộc trực –. Tôi thắc mắc thật đó. Có người bảo câu “Ra chợ Kẻ Diên ...” chứng tỏ hai bài ca dao này xuất phát từ mấy làng ở phía nam của làng Kẻ Diên, chứ không phải do người dân làng Kẻ Diên sáng tác, truyền khẩu.

Nhìn vào gương mặt Tre, Sông Hiếu cảm thấy mừng, vì Tre không phân vân, lúng túng, mà rõ ràng ngay trước mặt cô, Tre đang sáng lên những tia lấp lánh trong đôi mắt, tỏ vẻ sẵn sàng bàn cãi cho vui.

- Tôi không giỏi về phân tích văn chương. Nhưng đây là hai bài ca dao tôi rất yêu thích, vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ là chúng có chứa đựng địa danh Kẻ Diên làng tôi – Tre nói –.

- Anh nói tiếp đi!

- Và thế này, tôi có quen một người cũng quan tâm, yêu thích hai bài ca dao đó. Chú ấy có giải đáp thêm cho tôi, qua điện thoại, rằng chúng có thể xuất phát từ Giáp Phước, tức là Phe Tư hoặc ở Xóm Đông, tức cuối Phe Nhất của làng Kẻ Diên. Thật ra ở giáp nào hay còn gọi phe nào của làng Kẻ Diên, người ta cũng nói là “ra chợ”, vì chợ ở trước đình làng, mà phía hậu của chợ liền kề với con kênh đào, kênh đào lại kế tiếp với đồng ruộng rồi. Nói gọn là các xóm dân cư của làng ở phía trong, còn chợ ở phía ngoài, giáp đồng ruộng, nên nói “ra chợ” là đúng. Thêm vào đó, việc đưa tên làng mình vào ca dao cũng xuất phát từ tâm lí tự hào, chút tự hào cần khẳng định với mục đích để rồi tiếp ngay sau đó, thể hiện tâm trạng tự buồn của người dân trong làng. Và có thể có ai đó vội nghĩ, chợ chi mà bán gà, bán tre xui xẻo đến tận mạng! Với hoàn cảnh quá đen tối, bế tắc trong bài ca dao, việc xác định rõ địa danh làng mình là phù hợp nhất, chứ chẳng lẽ lại công khai khắc hoạ sự đen tối, bế tắc gắn liền với chợ thuộc địa phương khác! Công khai bày tỏ buồn phiền gắn liền với chợ địa phương khác? Thiếu tế nhị quá! Rồi kế tiếp, trong bài ca dao này, là phẩm chất tốt đẹp ẩn kín, trong sự tự động viên mình, khích lệ người khác, trong tình nghĩa với người cùng cảnh ngộ, chỉ thể hiện thêm ở một, hai câu kết mà thôi! – Tre nói thêm –. Nếu giả thiết, làng Trường Sanh, làng Kẻ Văn, Kẻ Đâu, Kẻ Vịnh, Kẻ Lạng... chi đó ở phía nam làng Kẻ Diên là nơi xuất phát bài này, hoá ra các làng ấy nói xấu chợ huyện trên đất làng Kẻ Diên à? Trong ứng xử văn hoá, tội nói xấu làng khác, cụ thể là chợ trên đất làng khác, mang tên làng khác, không ai dám phạm phải một cách công khai!

Sông Hiếu chờ Tre nói thêm. Tre cũng cảm thấy cần nói cho trọn lẽ:

- Xét mặt khác, ở các làng hơi xa chợ Kẻ Diên, như Trường Sanh, Bến Đá, Kẻ Văn, mua chỉ một con gà mái, chỉ một vác tre đủ để làm quán, người ta cần gì phải đi xa vậy! Ngay trong mỗi làng, hầu hết nhà nào cũng có tre, có gà, người đó có thể đề nghị láng giềng để lại, bán cho, chứ cần chi phải ra đến tận chợ Kẻ Diên! Hai món này với số lượng chừng ấy thôi, thì chỉ có người ở ngay tại làng Kẻ Diên mới ra chợ, vì chợ quá gần, quá tiện.

Hai người im lặng suy nghĩ thêm, mặc dù Sông Hiếu đã cảm thấy cách giải thích theo cấu trúc bài ca dao như vậy là sâu sắc đến không ngờ, và về mặt kiểm chứng thực tế, là thoả đáng nhất.

- Ca dao vốn có nhiều dị bản! Nhưng dù cách nào người dân của Kẻ Diên cũng phải đưa địa danh làng mình, là Kẻ Diên, vào đó mới thật thích hợp với tâm thế của người trong làng. Mà tâm lí, cách ứng xử văn hoá của con người nói chung là rứa cả. Vả lại, nhờ có thêm địa danh, nên có màu sắc địa phương hơn, và đến nay hậu thế mới biết nó là sản phẩm của Kẻ Diên. – Tre nói –. Tôi muốn nói thêm một ý quan trọng: Ở ngôn từ đối thoại thông thường trong cuộc sống hằng ngày, với khung cảnh mà không gian, thời gian mặc nhiên đã xác định, thì chỉ nói tắt là “Ra chợ” cũng đủ nghĩa rồi. Nhưng ngôn từ trong văn bản, dù văn bản ca dao truyền khẩu, việc xác định rõ “Ra chợ Kẻ Diên” cũng rất cần thiết và bình thường.

Quả thật bài thơ có thể hiện nỗi niềm tự buồn, chứ không phải tự trào, cho dù cười ra nước mắt. Nhắc đến tự trào, tự biếm, tự trách, Sông Hiếu nhớ đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Các thi sĩ ấy đều nhắc tên bản thân mình, quê quán mình trong thơ để tự chê trách, tự châm biếm. Tuy vậy, họ cũng có khi nêu đích danh đối tượng khách thể đáng châm biếm trong thơ của mình! Trường hợp cười mình thì tế nhị, trường hợp cười người thì mang tiếng cay độc, cho dù cay độc một cách nhẹ nhàng. Nhưng đây đúng là tự buồn, nên tự nêu lên địa danh làng mình là tế nhị nhất. Bài ca dao chẳng ám chỉ chợ nào khác. Và, Sông Hiếu thấy, nhận xét về ngôn từ chuyện trò, trao đổi trong đời sống hằng ngày, về ngôn từ văn bản, dù văn bản truyền khẩu, như Tre nói là hoàn toàn hợp lí.

Một khoảng lặng đăm chiêu, ngẫm nghĩ xuất hiện giữa câu chuyện của hai người.

Ý tưởng chìm lắng đâu đó lại chợt hiện ra trong đầu, Sông Hiếu nói:

- Nhưng thật ra, hai bài ca dao Kẻ Diên có hai chủ đề chính. Đó là đề cao ý chí vượt qua khó khăn, hoàn cảnh sống ngỡ chừng như tuyệt vọng, ở bài thứ nhất, còn ở bài thứ hai, đó là lòng nhân hậu, không nuôi thù oán, và yêu thương người nghèo khổ cùng cảnh ngộ. Hai điều ấy mới thật là thông điệp mà tác giả là nhân dân làng Kẻ Diên tự nhắc nhở mình và gửi đến người nghe, với niềm tự hào thầm kín về nghị lực, về tình cảm, về tấm lòng không lấy oán báo oán. Thật ra không phải chợ xui xẻo (người ta chỉ cảm nhận vậy thôi), mà chính là thời vận chung, hoàn cảnh khốn đốn chung, đặc biệt đối với những phận người nghèo khổ, trong hoàn cảnh đó, càng khốn cùng hơn. Nói cho cùng, thấy gà khoẻ, tre tốt mới mua chứ. Người mua có quyền chọn lựa mà! Làm sao biết con gà nào, vác tre nào mang tới xui xẻo! Cho nên, không có chuyện chợ bán gà đang sống, bán tre còn tươi, mà gây xui xẻo! Người dân Kẻ Diên, qua hai bài ca dao đó, nói về chợ trên đất làng mình, mang địa danh làng mình, và nói về phẩm chất của chính người dân Kẻ Diên. Không phải chợ Kẻ Diên “bán” xui xẻo cho người mua! – Sông Hiếu ngừng lại, rồi tỏ ý muốn nói tiếp. Cô nhấn mạnh –. Tóm lại, đó chỉ là một tứ thơ, có cách cấu tứ là khắc hoạ hình tượng nhân vật chủ thể trong thơ bị lâm vào cảnh huống tận cùng tuyệt vọng, để cuối cùng, làm bật sáng lên phẩm chất cao quý của nhân vật.

- Đúng! Cảm ơn... Ai cũng đều mơ hồ cảm nhận ra chủ đề, tứ thơ chính là vậy. Cảm ơn cô Sông Hiếu đã nói rõ ràng, khúc chiết, và thật trọn vẹn như rứa. – Tre thật lòng cảm kích –. Nhưng... Mặc dù ánh sáng bật lên ở câu kết, nhưng cảm giác về sự đen tối, bế tắc mà bài ca dao diễn tả là có thật đó.

Sông Hiếu như vỡ lẽ trước lời chú giải từ Tre và chính ngay từ lời khẳng định lại của chính mình, cô có cảm giác phấn chấn hẳn.

Bỗng dưng, Sông Hiếu đưa tay ra, thu lại hộp đĩa CD vào lòng mình:

- Tôi sẽ ngâm lại, thu âm lại hai bài ca dao ni. Phải ngâm lại cho thật đúng với tinh thần của chúng, anh à!

Tre ngạc nhiên, mặc dù cũng hiểu thiện chí của Sông Hiếu:

- Thôi, được rồi, cô Sông Hiếu! Phiền hà cho cô quá!

- Không sao đâu! Tôi sẽ cố gắng ngâm tốt hơn... – Sông Hiếu lại ngẫm nghĩ –. Thôi thì thế này, anh cứ mang vào nghe. Vài hôm nữa, tôi sẽ gọi điện thoại, anh cảm phiền đem đĩa này ra, đổi lại. Tôi sẽ huỷ đĩa này.

Sông Hiếu lại khẽ đặt chiếc hộp đĩa ở chỗ cũ, trước mặt Tre.

Chừng như Sông Hiếu đã tìm ra cách ngâm hay hơn, đúng hơn, nên cô càng phấn chấn.

- Tôi cũng muốn cảm ơn anh về những thông tin vừa rồi. Chiều nay tôi rảnh rỗi, anh cũng chẳng mấy khi ra Đông Hà, tôi muốn mời anh đi cà phê, thăm vài đường phố Đông Hà cho vui.

Tre hơi sửng người khi thấy Sông Hiếu rất cởi mở, hiếu khách một cách tự nhiên. Cô gái này đúng là có phẩm chất nghệ sĩ từ trong máu thịt.

- Tôi rất vui. Được cô mời đi quán cà phê, ngắm phố sá, tôi vui lắm.

Sông Hiếu đã mặc sẵn áo quần ra phố để đón tiếp Tre, nên cô đứng dậy, nói ngay:

- Vậy thì mình đi. Đi xe anh nghe! Anh đợi tôi một chút, tôi vào nhờ mạ tôi đóng cổng đã nghe!

Đợi một chốc, Tre thấy Sông Hiếu bước ra với mẹ. Sau cái cúi đầu và lời chào hướng về phía mẹ của Sông Hiếu, Tre xin phép ra phố cùng cô.

Khi ngồi sau lưng anh, trên chiếc xe máy đang phóng đi với tốc độ chậm, vừa phải, Sông Hiếu nói:

- Về chi tiết nêu đích danh tên làng để thể hiện chút tự buồn xen lẫn tự hào, tôi thấy thú vị lắm. Nhưng cái gì cũng tuỳ trường hợp, phải không anh? Không phải nhất nhất đều rứa cả!

Tre chợt nhớ:

- Tôi quên một chi tiết, đó là từ “ung”. Hiện nay, ở làng không mấy ai còn dùng từ đó khi nói về trứng. Họ dùng từ “ung” cho trường hợp khác. Cũng khá lâu rồi, họ nói “trứng hư”, “trứng thúi”, chứ không nói “trứng ung” nữa. Có lẽ “trứng ung” thuộc lớp từ do lớp người di dân vào sớm nhất, chứ lớp di dân kế tiếp, từ Thanh Hoá, nhất là từ Nghệ - Tĩnh vào (như “Ô châu cận lục”“Phủ biên tạp lục” đã ghi nhận), người ta nói “trứng hư”, “trứng thúi” mà thôi. Nhưng cũng có thể, chắc chắn hơn, đó là ngôn từ văn chương, nên dùng từ một cách linh hoạt để phong phú hơn, khác với ngôn từ thường dùng trong đời thật chút ít.

- Tuyệt! Đúng là thêm một thông tin thú vị! – Sông Hiếu như reo lên –. Cảm ơn anh nhiều. – Sông Hiếu cười thành tiếng, một cách sảng khoái –.  

Cô lại nói:

- Anh rẽ sang phía tay phải, khi đến ngã tư thứ hai, trước mặt nghe!

- Tôi hoàn toàn nghe theo sự điều khiển của cô! – Tre cười, nói theo giọng vui đùa –.

Vẫn theo sự hướng dẫn của Sông Hiếu, Tre cho xe máy dừng lại trước cổng một tiệm cà phê khá sang trọng. Một cô gái có lẽ lớn tuổi hơn Sông Hiếu mỉm cười nhìn ra, và đưa tay đón chào. Tre đoán, có thể đó là tiệm cà phê thân thuộc của nghệ sĩ trẻ này, mà cô gái kia là chủ, hoặc giả, lúc vào nhà sau thưa với mẹ, cô đã luôn thể dùng điện thoại gọi bạn của mình đến đây.

 

3

 

Tối hôm đó, trong khi anh Trưng của Tre cùng mẹ và hai người phụ giúp khác đang vừa lo xắt bột thành từng con nhỏ, từ những ống tre tròn đã được lăn bột ướt, thả ngay xuống soong nước đang sôi với những miếng cá trắng ngần, đầy đủ gia vị nêm nếm, vừa lo múc cháo, bưng ra cho khách, Tre ở bên này, tại quán cà phê, cũng đang lo những công việc của mình. Đúng là công việc của Tre nhàn nhã hơn, nhưng phải trải dài từ sáng sớm đến gần 10 giờ đêm. Công việc của anh Trưng chỉ tập trung vào buổi chiều, đặc biệt vất vả trong khoảng hai, ba tiếng đồng hồ, từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối.

Sau buổi chiều gặp cô giáo trung học phổ thông cũng là nghệ sĩ ngâm thơ trẻ Sông Hiếu, Tre cảm thấy mình bổi hổi bồi hồi khó hiểu.

Anh đã nghe đi nghe lại đến ba lần hai bài ca dao Kẻ Diên, đã được ngâm nga, đọc diễn cảm bởi một chất giọng tràn đầy cảm xúc, lúc ngân vang, lúc sâu lắng, trên nền sáo trúc, đàn tranh. Những người khách phần lớn là dân làng đều cảm thấy quá tuyệt vời, trước hết là bởi đó chính là ca dao từ xa xưa tổ tiên họ để lại, truyền qua nhiều đời, và vì chất giọng quý báu của Sông Hiếu.

Trong những quãng thời gian ngồi sau quầy thu ngân, sau mỗi lần pha cà phê, bưng ra cho khách, rồi chờ dọn li tách vào, Tre nhận thấy những lời chuyện trò với Sông Hiếu và bạn của cô, Lá Xuân, cứ vọng về trong anh rõ từng từ, từng ngữ điệu.

- Không phải ngẫu nhiên anh tên là Tre, phải không anh? – Sông Hiếu tỏ ra thân tình hỏi –.

- Đặt tên cho con, có người cũng ngẫu nhiên thật, nhưng phần lớn cha mẹ nào cũng ít nhiều có ngẫm nghĩ. – Tre trả lời chung chung, như muốn né tránh –. Nhưng... – Tre ngập ngừng rồi nói tiếp –. Tôi nghe ba tôi kể, sở dĩ tôi tên Tre và người anh song sinh của tôi tên Trưng là cũng vì hai bài ca dao Kẻ Diên này. Trưng là trứng đó, như nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hai Bà Trưng, chính là Trứng Chắc, Trứng Nhì, viết và đọc theo mặt chữ và âm Hán ngữ. Với anh Trưng, trưng là trứng gà Kẻ Diên... Nguyễn Hoàng Trưng, tên ấy gợi nhớ đến quả trứng thứ mười một, đó là quả trứng vàng may mắn, quả trứng vàng hi vọng, nghị lực vượt qua gian khổ cùng cực. Còn tôi là Tre, Nguyễn Miền Tre, cũng khởi xuất từ bài ca dao “Một vác tre” Kẻ Diên.

Hai cô gái cười khúc khích, thú vị.

- Không ngờ hai bài ca dao đó gắn bó sâu xa, máu thịt đến như vậy đối với anh em anh Tre và ba mạ anh... – Lá Xuân nói –.

- Như rứa có thể định nghĩa trong văn cảnh này, Trưng là nghị lực, hi vọng, Tre là nhân hậu, không oán hận, phải vậy không anh? – Sông Hiếu cười với nét vui rất chân thành –.

Tre cũng chỉ biết cười, tỏ vẻ cảm ơn.

Đêm hôm đó, sau khi dọn dẹp quán xong, Tre kê chiếc chõng tre, ngủ ngay trong quán của mình như thường lệ.

Điều đọng lại trong giấc ngủ anh, khá mơ hồ, nhưng nếu diễn đạt lại cho rõ ràng, thì chính hai anh em song sinh Trưng và Tre là sự hiện thực hoá hình tượng của hai bài ca dao Kẻ Diên. Có thể liên tưởng đến chùm hoa lài ngát thơm trên chậu đặt ở thềm nhà, bỗng nửa đêm thoắt biến hoá thành những tiên nữ vận xiêm y trắng ngời phảng phất hương. Có điều, hoa lài thành tiên nữ trong giấc mộng, còn hai bài ca dao song sinh Kẻ Diên lại trở thành tên của hai anh em song sinh có thật. Trưng và Tre là hiện thực hoá, chứ không phải mộng ảo hoá.

Trời đã hửng sáng. Tre bước ra, sau khi mở cửa phía sau quán, thấy anh Trưng đã đứng đó, kề ảng nước, bên thau vỏ trứng gà, đang định làm gì đó, có lẽ sắp vút gạo, ngâm gạo để xay thành bột bánh canh, trong buổi sáng nay, chuẩn bị cho buổi chiều tối, như thường lệ. Trưng ngoảnh mặt lại, nhìn Tre đang ngái ngủ, cười:

- Mau mau mà ăn sáng, rồi mở máy lại cho anh nghe cái đĩa diễn ngâm “Mười cái trứng”“Một vác tre” đi! –. Trưng đùa, chỉ tay vào thau vỏ trứng –. Mười cái trứng thì ăn thua chi! Đây nì, gần cả tám chục cái trứng gà, số trứng gà tươi tối hôm qua khách ăn cháo yêu cầu thêm đó! Có lẽ đó là hiệu quả của cái đĩa diễn ngâm... Tre biết đó, anh đang gầy một đàn gà đẻ. Và biết đâu, sẽ tiến lên trang trại luôn! “Mười cái trứng” sẽ thành vạn cái trứng, vạn con gà!

- Còn em? – Tre cười trong khi nói –. Một chuỗi tiệm cà phê vách xây, mái đúc, nhưng đều được trang trí bằng chất liệu tre, hình tượng tre, và mãi giữ thương hiệu “Tre”!

Hai anh em song sinh cùng cười vang.

 

4

 

Năm ngày sau, Tre thất vọng vì Sông Hiếu không vào Kẻ Diên như cô đã hứa, qua cuộc điện thoại gần đây nhất. Cô chỉ nhân tiện nhờ một người quen từ Đông Hà về lại Cu Hoan thăm nhà, mang vào cho Tre hai chiếc đĩa CD y như nhau, cô mới thu âm lại lần thứ hai, kèm với một phong thư để ngỏ.

 

Anh Tre quý mến,

Khi anh nhận được chiếc đĩa mới này, có nghĩa là hợp đồng giữa anh và tôi về việc diễn ngâm, thu âm hai bài ca dao song sinh về chợ Kẻ Diên đã hoàn tất. Vâng, hoàn tất tốt đẹp rồi đó anh.

Cảm ơn anh nhiều về những thông tin xác định xuất xứ của hai bài ca dao như cặp bài trùng đó, nhất là về kết cấu theo biến chuyển tâm trạng được thể hiện ở bài ca dao “Mười cái trứng”, mà một nhà thơ thân quen của anh, của Kẻ Diên quê anh đã gọi là “Bài ca sức sống Kẻ Diên” trong “Nắng và mưa”, một tập thơ ông ấy đã xuất bản từ năm 1991, cách đây đã 24 năm!

Anh Tre thân mến,

Về xuất xứ, tức là “quê gốc”, “quê sinh” của hai bài ca dao đó, anh đừng bận tâm quá lắm. Nền văn học viết hiện đại, có tên tác giả hẳn hoi, rõ ràng, nhất là ở sách in giấy và sách điện tử đã xuất bản, đã công bố, thì 100% là chính xác rồi (trừ những kẻ đạo văn!). Còn ca dao, nhất là ca dao xưa, là văn học dân gian, truyền khẩu, dĩ nhiên tác giả của chúng là nhân dân, chứ đâu phải của một ai. Việc nó có “quê gốc”, “quê sinh” ở làng nào cũng không quan trọng đâu. Mặc dù lập luận anh Tre đưa ra 99% là hợp lí, nhưng xác định cho được tuyệt đối 100% cũng khó. Các làng phía nam Kẻ Diên (nam Diên Sanh) hay chính Kẻ Diên là tác giả tập thể thì cũng đều là nhân dân Quảng Trị cả thôi. Điều đáng tự hào là trong hai bài ca dao rất giá trị ấy có địa danh KẺ DIÊN, quê hương bản quán của anh Tre và anh Trưng. Đó là niềm tự hào vĩnh cửu, vì văn bản đã cố định trong nhiều sách rồi, kể cả sách giáo khoa, cho dù phải hiệu đính lại vài từ vốn bị hiệu đính sai, như “tạm” đúng hơn “dạm”, “lôi” đúng hơn “xơi”...

Anh Tre quý mến,

Cuối thư, xin đùa một chút cho vui: Giọng ngâm thơ của nghệ sĩ diễn ngâm Sông Hiếu này, có giới thiệu trong CD, là đã xác định “quyền liên quan” của Sông Hiếu đó nghe! “Quyền liên quan” là một thuật ngữ trong quy ước bản quyền đó, chứ chẳng đùa đâu! (Cũng xin vô duyên cười hic hic hic để chấm dứt thư này).

Chào tạm biệt anh hí!

Mong anh Tre và Sông Hiếu có dịp gặp lại nhau trong một ngày rất gần.

Trân trọng,

– Sông Hiếu –

 

Tre mân mê, ngắm hai chiếc đĩa CD song sinh.

Ca dao song sinh. Anh em song sinh. Quán cũng song sinh... Liệu có gì song sinh nữa không? Biết đâu, sẽ có hai cô gái đến với anh em Trưng và Tre, để hai mối tình yêu đương bừng nở, song sinh cùng lúc?

 

T.X.A.

09:31, 12-12 –

05:20, 13-12 HB15 (2015)

Trân trọng mời xem tiếp truyện ngắn thứ hai, cùng đề tài, nhân vật...

ĐỂ TRÁNH NHỮNG NGỘ NHẬN ĐÁNG TIẾC, XIN LƯU Ý, CÁC NHÂN VẬT CHỈ LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯỞNG TƯỢNG, ĐƯỢC TÁC GIẢ HƯ CẤU ĐỂ PHẢN ÁNH CHÂN THẬT HIỆN THỰC, CHUYỂN TẢI NHỮNG NỘI DUNG CẦN THIẾT

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE