r. Tiểu mục 18 - Giao lưu - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hoàn

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Đọc Nguyễn Hoàn

 

Nhân đọc tập bút ký, phóng sự “Mai sau dù có bao giờ”

của Nguyễn Hoàn, NXB. Thuận Hoá, 2007

 

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

"Vài lời ngoài lề" của Trang Giao lưu.: Nỗi đau hậu chiến không phải chỉ xoáy sâu vào một số phận cá biệt hay chỉ ở "bên này" hoặc chỉ ở "bên kia" -- "bên này", "bên kia" trên một miền đất nước. Với cái nhìn một phía, không thể làm lành di chứng vết thương hậu chiến. Người cầm bút không nỡ nào làm vậy. Trang Giao lưu còn có nghĩa gì nữa nếu vẫn phiến diện -- đậm đặc nỗi đau của những người Miền Nam thuộc chế độ cũ, mặc dù như thế là bù đắp vào một phương diện thuộc vấn đề trung tâm của thời của chúng ta, trước đây và hiện nay còn thiếu vắng! Mong sao "bên này", "bên kia" thấu hiểu được nhau trong giai đoạn quá dài này, giai đoạn chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, nhưng hình như chưa bao giờ nỗi đau chấm dứt...

       Đọc bản thảo sau đây của Nguyễn Hoàn, tôi chợt thảng thốt như đọc một bộ hồ sơ điều tra về toàn bộ mảnh đất Quảng Trị. Cái nghề “thư ký toà soạn” của một tờ báo tỉnh hẳn đã giúp Hoàn lướt qua mọi vấn đề của mảnh đất này, thêm một điều là tiếp cận với đôi mắt “mục sở thị”, xoi mói đến tận nội tạng của sự việc và khiến cho người đọc nhìn ra vấn đề như thể nhìn thấy sự sinh thành của chính mình, chắc không khỏi run rẩy cái cảm giác “đẻ đau mang nặng”.

       Các nhà báo khi đưa tin chiến tranh về Quảng Trị, đã nói rằng ở đây bom đạn của quân đội Mỹ bao phủ như “lột vỏ trái đất”. Đúng thế, và mở đầu thời kỳ “hậu chiến”, cách đây khá lâu, con người cũng bắt đầu làm ra cuộc sống của mình bằng cách “lộn ruột trái đất”. Mở đầu thời kỳ “hậu chiến” này, con người phải bắt tay vào việc rà phá bom mìn, công việc thăm thẳm như chọc từng mũi kim nhọn vào một thân thể chực nổ; sau đó, sắp xếp lại từng nắm xương cốt lạc loài. Việc này phải làm gấp rút từ giải phóng Quảng Trị đợt 1. Ông chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh đã phải dầm mình trong bùn nước Gio Linh để mở đầu chiến dịch, mò mẫm chất nổ, thách thức với cái chết. Ai đã từng trải qua những ngày này đều hiểu rằng, để sống được trên một tấc đất của đôi bờ sông Bến Hải, người ta phải đọc lại chương “Sáng thế ký” của Kinh Thánh. Đây là một thời kỳ tái sinh cho mặt đất bằng màu xanh của cây cỏ, một thời kỳ vượt qua đã bao năm, chỉ còn giữ lại trong trí nhớ những dấu vết kỷ niệm của đời dân dữ dội và sự khẳng định về sự sống “sau chiến tranh”.

 

                           

 

    

    

 

       Việc hình thành con đê cát bao hàm việc tách rời đồng bằng Quảng Trị ra khỏi mép biển cùng với một dung cát bờ biển gồm suốt cả dải Đại Trường Sa ven biển Đông, và công trình thay trời đổi đất của cộng đồng dân tộc ở Quảng Trị, gồm có việc “lộn ruột trái đất” trong giai đoạn hậu chiến như đã nói ở trên, nhằm chặn bước chân xâm thực của cát, bảo vệ vùng làng ven biển. Vậy là trong lòng cát biển, thay vì để mặc gió biển thổi cát trùm lên đồng bằng, người ta đã khai phá một dải mênh mông trồng dưa hấu với cảnh quan “nắng tốt dưa mưa tốt lúa”, quy hoạch trở lại vùng đồng bằng Quảng Trị. Công việc quy hoạch này là hậu thân của công việc mở mang bờ cõi bắt đầu từ thời Ô Lý nổi tiếng của lịch sử. Nhưng thôi ta có thể xếp lại trang sử cũ để đọc tiếp việc kinh doanh của mảnh đất “Châu Ô” và theo dõi tiếp công việc hậu chiến bề bộn của tác giả Nguyễn Hoàn.

       Nhà văn Nguyễn Tuân có lần bảo rằng để hiểu một vùng đất, người ta phải đi bằng cả hai chân: Lịch sử và Địa lý. Ta sẽ thấy cái nhìn sinh đôi của Nguyễn Hoàn trên mảnh đất. Về địa lý, tác giả đã trà trộn hiện tại với từng nhát cuốc rà phá những mảnh bom đạn cũ, nghĩa là địa lý trong chiều sâu của riêng nó; và lịch sử chính là quá trình phấn đấu của con người để xây dựng cuộc sống, nhào nặn lại thành chất muối của văn hoá. Đọc nhiều trang của Nguyễn Hoàn, ta mới biết những ngày thơ ấu của đồng chí cố tổng bí thư Lê Duẩn và Trần Phú trên đất Quảng Trị. Cố tổng bí thư Lê Duẩn đã “Quảng Trị” biết bao nhiêu khi không quên củ khoai lang của đồng đất Quảng Trị, để từ đó toả ra một nội lực phi thường như sức mạnh của Thánh Gióng sau khi ăn hết “chín nong cơm và ba nong cà” của làng Phù Đổng đủ sức đánh bại giặc Ân, ở đây đồng chí Lê Duẩn đã gan góc đánh bại toàn bộ đoàn quân viễn chinh Mỹ trong một cuộc chiến long trời lở đất làm cho toàn thế giới phải khiếp phục “ý chí Việt Nam”. Và cả cố tổng bí thư Trần Phú cũng đã trải qua những năm tháng quyết liệt trên đất Quảng Trị để rèn đúc nên những trang máu hồng sử xanh của “Luận cương lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Và còn ai nữa đang cần mẫn cày cuốc trên mảnh đất nở đầy những hoa nhân văn này, phải chăng các người là những “kẻ sĩ” khoác tấm áo vải thô của nông dân.

       Việc sắp xếp lại công việc trồng trọt chăn nuôi trên mảnh đất huỷ diệt tình cờ đã tạo nên một phong trào tái bố trí những cây trồng, vật nuôi. Trải qua cơn binh hoả tưởng như không còn sót lại thứ cây cỏ gì có ý nghĩa đối với sự sống. Ví dụ nghề nuôi tôm trên cát, nghề thả tôm hùm trong những rạn đá ven bờ, trồng lúa bên trong đê cát v.v...

      Cả một dải đồn điền cà phê dọc đường 9 hồi ấy đã bỏ hoang phế, ngày nay đã xanh tươi trở lại bằng những giống cà phê mới, cùng với những khu rừng đồi trồng ớt xuất khẩu. Làng Lễ Môn sâu thẳm giữa đám làng mạc với những khu vườn lâu đời nổi tiếng với những ngôi nhà của cư dân làm bằng gỗ mít vàng óng màu mật ong trước khi gót giày xâm lược của giặc Mỹ giẫm nát Dốc Miếu hồi bấy giờ đã bị san bằng thành những đám cỏ may bạt ngàn dưới chân hàng rào điện tử Mac Namara; bây giờ nơi ấy trở thành một đồn điền cao su mênh mông, lẻ tẻ khắp nơi, con người còn gây dựng những trang trại bằng đủ giống cây quý hiếm, ví dụ trang trại trồng toàn giống vải Lục Ngạn của ông cựu chiến binh Đỗ Duy Thảo. Chen vào giữa những mảng biến đổi to lớn của cuộc sống, Nguyễn Hoàn còn trân trọng gom nhặt lại những cố gắng đơn lẻ của con người để tạo nên những bông hoa cho mặt đất vừa được cày ải, những làng Bích La Đông biết dựng lại phiên chợ Đình ngày Tết với con Rùa huyền thoại nổi trên mặt hồ làng, với nét vẽ tài hoa của danh nhân hội hoạ thế giới Lê Bá Đảng, những Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với cành cây bồ đề huyền thoại. Dòng sông Ô Lâu mấy trăm năm còn gìn giữ một mẩu chuyện tình bi thảm; lòng đất vẫn ấp ủ hương vị nồng nàn của giọt rượu Kim Long; và những thầy cô giáo đã quên mình vì sự học của con em, những mong mỏi một sự “bùng nổ về nhân cách” trước cuộc sống. Đó chính là ý thức cội nguồn mà ta lấy làm hả dạ hả lòng đọc thấy trong tập bút ký của Nguyễn Hoàn; chút ý thức không hề sản sinh những chuyện lạ nhưng cũng không hề bị bỏ quên trong bề bộn những nét ý thức văn hoá đồng thời cũng là ý thức của những người đi từ cái hôm nay ra đến một ngày mai rộng mở thênh thang. Trong tác phẩm văn xuôi này của Nguyễn Hoàn, ý thức địa lý là những đặc điểm không gian của các sự kiện còn ý thức lịch sử là sân chơi của các hành động. Và ở một giới hạn xa tít tắp nào đó, hai ý thức lịch sử địa lý bện chặt vào nhau thành một sự kiện “đầu tiên của mọi sự kiện”, gọi là ý thức cội nguồn. Qua tấm thảm của các sự kiện, ý thức của con người tất nhiên tự động vươn tới một điểm đầu mối nào đó để nghe một lời chất vấn: “Ta làm”. Đó là hình ảnh cây đa đầu cố hương của cố tổng bí thư Lê Duẩn, là “bàn chân Giao Chỉ” trong tác phẩm của hoạ sĩ Lê Bá Đảng, là ngôi làng Cổ Luỹ chằng chịt những quan hệ nhân văn của cố tổng bí thư Trần Phú, là nơi an nghỉ của những linh hồn người giữ nước tên gọi là Nghĩa trang Trường Sơn và hình ảnh người sản phụ đã nhận chịu sự đẻ đau mang nặng để sinh ra những thế hệ mới kế thừa di sản Quảng Trị cho ngày mai.

       Đấy cũng là ý thức nguồn cội, tinh hoa của ý thức lịch sử.

       Cội, ở đây chính là gốc rễ của cây đa và nguồn, cũng là dòng nước của trăm sông chảy về đồng trên đại thuỷ nông Nam Thạch Hãn; dân gian ở đây nói rằng:

       Không thơm cũng thể hương đàn

       Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra

       Để chuẩn bị tư liệu cho tập bút ký này, Nguyễn Hoàn đã thực hiện một đợt cày ải trên mặt đất Quảng Trị để tìm ra những mảnh đất di sản và những con người có phẩm chất.

       Tôi đã có dịp đi qua trên cánh đồng đất ải Quảng Trị dưới trời nắng hạn và đã thấy từ trong đất chói lên những điểm sáng lấp loá, như thể là đất có ngọc như để tôn vinh vùng đất, có người nói từ đó lời phát ngôn truyền ra khắp cộng đồng, rằng đất Quảng Trị đích thực là đất Kim Cương. Đất như thế ắt phải được cày cuốc bởi những con người như thế: người nông dân Quảng Trị không phải là những người thuần nông chân lấm tay bùn, mà là những người nông dân có chữ nghĩa, gọi là những người nông dân “khoác áo xanh Tư Mã”.

 

                                                                                                              Tháng 3-2007 

                                                                                 HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Nhận từ NH. qua Gmail, 6-6 HB7

Nguồn hình ảnh: h.1. Trang Thông tin Khoa hoc & Công nghệ tỉnh Quảng Trị: Bản đồ

                           h.2. Trên một trang web (talawas ?): "Đại lộ kinh hoàng, 1972"

08-6 HB7:

NGUYỄN HOÀN -- Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của hoạ sĩ Lê Bá Đảng:

     http://www.lebadang.org/index1.asp?id=10&?group=tacgia

Dòng dẫn (link) đến vị trí mạng liên thông (inter-website) về LÊ BÁ ĐẢNG, một hoạ sĩ nổi tiếng ở cấp độ thế giới:

   http://www.lebadang.org

________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang Giao lưu:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 06-6 HB7 (2007) = 21-4 Đinh hợi HB7