f. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 6

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG SÁU

 

 

1

 

 

            Cơn mưa đầu mùa chiều hôm qua khỏa trắng muôn triệu hạt mưa trên thành phố. Nửa khuya, lại mưa. Cúc Tần thức giấc, trở mình nghe mưa trên mái tôn và tiếng nước tuôn xối xả từ ống dẫn máng xối. Bao nhiêu hơi nóng ngột ngạt suốt mấy tháng cuối mùa khô, cao điểm oi bức là tháng năm vừa rồi, đã tan hết. Khuya dịu mát. Sớm nay, đất trời trong vắt nắng. Nắng tươi non. Sân đã được quét sạch lá khế rụng, đẫm nước, đang khô dần. Bàn ghế, cùng những chiếc dù do một hãng chế biến cà phê và trà tặng, đã được dọn ra sân.

            Sáng nay, Cúc Tần hồi hộp chờ Niên đến.

            Một tháng rưỡi nay rồi, anh ấy chỉ đến một lần để giao xấp bản thảo nhưng không gặp cô, và chỉ một lần đó. Cúc Tần vừa mong, vừa ngại vì lỡ nói dối, giờ đã bắt đầu sốt ruột. Không. Không phải mới bây giờ. Sau khi tổng kết năm học, học sinh nghỉ hè, Cúc Tần đã rảnh rỗi suốt ngày. Năm nay cô chỉ dạy khối mười một. Hòa Bình được phân công phụ trách ba lớp mười hai, bận ôn thi cho học sinh, lại bận chữa răng nữa. Cúc Tần cứ ở nhà một mình với Cảo Thơm, nên càng trống vắng. Quả là công việc cuối năm học khá bộn bề cũng giúp cô nguôi quên Niên chút ít. Bây giờ, lại nhớ Niên. Nhớ, rõ là nhớ. Thương, đúng rồi. Và yêu, không thể khác được! Trái tim cô không còn sôi nổi như mấy tháng trước. Đằm thắm lại rồi, nhờ quãng cách. Nhưng thấm thía hơn, sâu lắng hơn. Gần đây, lại sốt ruột! Trống vắng và sốt ruột!

            Ngần ngại mãi, rồi Cúc Tần cũng gọi Niên qua dây điện thoại, cũng với ngôn ngữ hành chính, khách khí.

 

 

2

 

 

            Hơn một tháng nay, nhất là từ buổi chiều gặp Điệp, uống bia với anh, Niên cố vùi đầu vào máy đánh chữ với tiếng lóc cóc. Niên muốn quên. Anh thương Cúc Tần, thương Điệp. Anh sợ cái kết thúc kinh điển của các cuốn tiểu thuyết phê phán ngoại tình. Anh không yếu đuối. Gian nan và đau khổ đã luyện anh từ nhỏ. Nhưng anh sợ chính anh là tác nhân! Nỗi thương nhớ vẫn dằn vặt Niên như người mắc chứng viêm họng mãn tính, thi thoảng cứ phải chữa trị bằng kháng sinh. Nhưng làm sao Niên quên được Cúc Tần! Từ thuở biết yêu đến nay, đã hai mươi ba năm, anh chưa gặp một người nữ nào xinh đẹp, duyên dáng, sâu sắc, bản lĩnh, đằm thắm, dịu dàng đến thế. Đến tuổi ''hết mê muội'' rồi, Niên tin ở mắt mình. Nhưng thôi đành. Anh làm sao nỡ! Yêu có khi đồng nghĩa với Hại. Yêu Cúc Tần là Hại Cúc Tần. Niên quằn người với ý tưởng nghiêm khắc đến bất nhẫn, độc ác, nhưng vang lên từ lương tâm anh.

            Niên cắm cúi sửa chữa, đánh máy chữ, đọc đi đọc lại bản thảo. Bản đánh máy đã xem như hoàn tất. Phần hai và phần ba đã xong. Cuốn tiểu thuyết ''Những Mùa Thơ Dại''  chấm dứt ở tuổi ba mươi sáu của nhân vật. Ba mươi sáu năm sống mới được xem là trưởng thành đối với nhân vật thằng ngốc!

            Đang vùi vào suy ngẫm, Niên chợt nghe chuông điện thoại.

            - Thưa, tôi nghe đây ạ.

            - Tôi muốn gặp ông Niên.

            - Trời đất! Em hở Cúc Tần?

            - Ông nhầm rồi. Tôi là Cúc Lá Xanh ở Thanh Diệp. Tôi phải hạ mình để nói với ông thế này: Tôi cần gặp ông để đánh giá lại món cà phê hôm nọ gấp, vào sáng nay, tức khắc.

            - Tôi sẽ qua, thưa bà chủ.

            Niên nghe tiếng ngắt máy trong lúc Bông Trang vừa đi chợ về. Hú hồn hú vía. Niên vờ thản nhiên cho đến lúc giao cửa hàng sách báo cũ cho vợ. Hơn mười lăm phút ấy, anh sung sướng với nỗi vui mừng rộn rã trong anh. Đập chắn sóng chỉ cần một câu nói ở đằng kia dây là vỡ, và biển tràn bờ. Sóng dạt dào, tâm hồn anh bát ngát sóng. Sóng nắng. Tươi sáng vô ngần!

            Và Niên bồn chồn. Và Niên cố bình thản dắt xe ra.

            Niên gắng bình tĩnh trên hai quãng đường phố, rồi hai trăm mét hẻm rộng, vui chất ngất khi đến cổng Lá Xanh. Anh hơi buồn một chút khi thấy ở chỗ thường ngồi đã có Thạch Na, Biển, cạnh bên là Cảo Thơm, đối diện với họ là Cúc Tần. Bốn người quay mặt ra chào Niên. Trong quán, còn có dăm bàn khách.

            Vợ chồng sinh viên trẻ chào Niên bằng hai tiếng ''Thưa thầy''. Niên cười.

            - Ngồi chơi anh. Anh Niên uống trà đen nghen - Cúc Tần nói, bước vào quầy với vẻ mặt cố gắng bình thản.

Niên nói sau khi gật đầu:

            - Hơi đậm một chút nghe Cúc Tần! Ít nước sôi thôi... - anh quay lại Cảo Thơm - Qua đây với bác Niên nào. Hôm nay quên mua bánh cho Cảo Thơm rồi, đoảng quá! - Cảo Thơm chạy qua, ngả người trên đùi Niên.

            Chú bé sờ râu làm Niên giật mình.

            - Bác Niên dài râu, chưa cạo nè.

            Niên mắc cỡ, sực nhớ mấy tuần nay anh quên để ý đến quần áo, dăm ngày mới cạo râu một lần như hồi chưa quen Cúc Tần.

            - Đừng gọi tôi bằng ''thầy'' nữa nghen. Tôi có bao giờ dạy học hay làm bác sĩ, lương y gì đâu! - Niên cười, nói với Na và Biển.

            Biển thưa:

            - Vậy mà bọn em cứ ngỡ... có thời... anh Niên dạy học.

            - Chưa hề được vậy. Tôi bán sách báo cũ và viết văn.

            Thạch Na cười thật xinh:

            - Tụi em đọc sách thầy... anh... - cô sinh viên che miệng cười khúc khích bởi lúng túng - thấy anh Niên viết nhiều về ngành giáo dục.

            - Chỉ cần bám sát thực tế, thâm nhập vào môi trường ấy, là viết được.

            Li trà đen với hai lát chanh đầy đặn được bưng ra. Cúc Tần cười im lặng sau khi mời Niên. Niên cố quên hết mọi âu lo, suy nghĩ dằn vặt, anh nhìn Cúc Tần bằng cái nhìn giữ kẽ trước mặt hai bạn trẻ và cả Cảo Thơm nữa. Anh nói bâng quơ về mưa đang vào mùa, rồi chợt hỏi:

            - Hòa Bình sáng nay đi đâu rồi, Cúc Tần?

            - Hòa Bình đi chữa răng ở quận Phú Nhuận.

            - Phòng nha tư ? - Niên lại hỏi.

- Dạ, ông nha sĩ này chỉ làm tư thôi, thường chữa cho Cảo Thơm này nè - Cúc Tần ngoắt Cảo Thơm qua chỗ cô. Cảo Thơm lắc đầu, chạy ra cổng, có ý đón mẹ.

            - Vào đây kẻo nắng - Cúc Tần gọi, Cảo Thơm chạy vào - Hòa Bình mấy tháng năm ngoái, mấy tháng năm nay cứ phải đi chữa răng hoài. Hết Cảo Thơm lại đến Hòa Bình.

            Sau một vài câu bâng quơ khác, Niên bỗng nói:

            - Hai bạn, Thạch Na với Biển, trông đẹp đôi và hạnh phúc quá!

            Thạch Na đỏ mặt, da bần quân ửng chín rất duyên:

            - Vậy... vậy mà thực ra... - cô sinh viên lúng túng vì ngượng - Biển lại có bạn gái mới rồi đó - cô bé cười khúc khích - nhưng miệng lúc nào cũng hát:'' Em còn phải học bài!''.

            Biển cũng cười:

            - Na đùa đó anh! Em ''hổng dám đâu!'' thật (16).

            Cúc Tần quay qua Niên, hình như hơi nhói lòng:

            - Em đọc xong bản thảo rồi. Em còn biết chuyện anh hồi đi dạy nữa đó. Lần này đừng chối nhé.

            Niên giật mình, nhìn Na và Biển:

            - Đấy, chính cô Cúc Tần cũng ngỡ thế! - anh nói với Cúc Tần - Anh đã nói anh đi dạy bao giờ!

            Cúc Tần vẫn đinh ninh:

            - Thôi, anh đừng giấu nữa. Em biết hết. Phan Cát Niên chỉ là bút hiệu của anh thôi.

            Không phải lần đầu tiên anh bị gạn hỏi điều này, nhất là trước thầy cô giáo các cấp, học sinh, sinh viên. Anh ngại người ta bảo chính anh là kẻ đào ngũ vì đời sống khó khăn, và cũng vì tế nhị. Anh rút bóp giấy tờ, lôi ra thẻ chứng minh nhân dân, cả thẻ hội viên Hội Chữ Thập Đỏ thành phố Hồ Chí Minh:         

- Đây, Phan Cát Niên, tên từ bé hẳn hoi. Anh đâu phải kẻ đào ngũ khỏi ngành giáo - rồi vội cất ngay bóp giấy tờ cùng hai loại thẻ.

            Cúc Tần vẫn nghĩ cô đã xác minh không thể sai:

            - Em còn biết tên thật của anh, anh ra trường từ đại học nào, dạy ở đâu, nghỉ dạy năm nào nữa kia! - cô cười thật sáng.

            Niên thật lòng chẳng muốn giấu Cúc Tần, nhưng lỡ nói dối với hai vợ chồng sinh viên sư phạm mất rồi, lâu nay Cúc Tần cũng chưa nghe anh nói thật điều này. Niên khoắng đường, vắt chanh vào li. Nhấp một ngụm, anh nói sau khi ngẫm nghĩ:

            - Có một thời đi dạy thì thêm vinh dự. Cảm ơn ai đã nói với Cúc Tần như vậy - anh cười thành tiếng.

            - Anh không phải họ Phan! Anh họ Nguyễn. Nguyễn gì em cũng biết! - Cúc Tần như người đã nắm được mọi bí mật của đối thủ.

            Niên hơi chột dạ, nhưng nghĩ thế cũng tốt. Anh muốn biết cô đã hiểu anh đến đâu.

            - Anh là Nguyễn Văn Phần! - Cúc Tần kéo dài từng tiếng một, rồi cười khúc khích.

            Niên tỉnh bơ:

            - Anh từng biết có đến vài Nguyễn Văn Phần dạy học.

            - Nguyễn Văn Phần có những đặc điểm như anh kia.

            Niên đã gặp nhiều học sinh cũ, đã đối phó bằng một cách khá vui. Anh nói:

            - Mạ anh sinh đôi hai lần, có bốn đứa con y hệt nhau về đặc điểm: da đen ngăm, dáng tầm thước, tóc mượt như con gái, đàn bà... Chẳng tài cán gì, chỉ ngo ngoe viết văn.

            Lần này, Cúc Tần, Thạch Na với Biển, cả Cảo Thơm nữa đều cười. Tiếng cười giòn vang thêm khi Cảo Thơm chợt hiểu ra:

            - Xạo! Xạo! Bác Niên xạo à nghen.

            Niên véo má Cảo Thơm, nói nựng:

            - Cưng quá à ơi! Không xạo. Thật mà!

            Cúc Tần nói:

            - Thú nhận đi, anh Phần!

            Niên trầm tĩnh:

            - Thật đó. Ba người kia đều chết cả rồi. Nguyễn Văn Phần Một, Nguyễn Văn Phần Hai, Nguyễn Văn Phần Ba đã chết hết. Chết vì ''đau tim'', ''đau đầu''. Chỉ còn Nguyễn Văn Phần Bốn thôi!

            Cả bàn cười rộ lên.

            Thạch Na nói, lại dùng chữ ''thầy'':

            - Chắc Nguyễn Văn Phần Bốn là thầy đây rồi!

            - Đúng không, anh Niên? Uở, anh Phần? - Cúc Tần hỏi dồn.

            - Nào phải vậy! Anh chỉ cho Cúc Tần với hai bạn ở đây nhé. Anh biết địa chỉ! - Niên nói - Phần Bốn ở trong cái li này nè! - anh bưng li lên và chỉ vào.

            Cả mấy người chờ Niên nói tiếp. Niên vẫn chỉ vào li, mỉm cười. Cúc Tần hơi đỏ mặt khi nghĩ đến một hình ảnh cổ tích.

            - Phần Bốn là Phần Trương Chi! - Biển nói như đang phát hiện được câu trả lời cho câu đố.

            - Vậy ai là Mị Nương thầy? - Na vui vẻ.

            Cúc Tần hỏi nhanh như muốn khỏa lấp câu hỏi của Na:

            - Phần Một là gì? Phần Hai là gì? Phần Ba là gì?

Lần này, Niên bối rối thật. Một chốc, Niên nói bừa cho vui chuyện:

            - Phần Một là Phần Thằng Bờm! Phần hai là Phần Thầy Đồ! Phần ba là Phần Thằng Cuội! Thằng hay Thầy đều đã chết, chỉ còn lại chẳng ra thằng chẳng ra thầy là anh chàng chèo đò khốn khổ, xấu xí có trái tim bằng... cát trắng... nung thành thủy tinh dễ vỡ, chứ không phải bằng ngọc. Đúng hơn, là đạn nung thành thỏi chì, gọi là Trương Chì!

            Cả bàn cười ngặt nghẽo. Cảo Thơm nghe không kịp cũng cười. Niên phớt tỉnh:

            - Trương Chì nhé, chứ chả dám là Trương Chi!

            Cúc Tần cười mỉm:

            - Nguyễn Văn Phần Một, em còn nghe gọi là Phần Tú Uyên, say người đẹp trong tranh có tên Giáng Kiều kia! Em đọc hết rồi mà!

            Niên chẳng biết nói sao, nói đại:

            - Dẫu Phần Tú Uyên thì cũng chết mất xác rồi!

            Chợt có tiếng xe nổ ngoài cổng. Một chàng trẻ tuổi cùng một cô gái cũng trẻ cỡ Thạch Na và Biển quày xe gắn máy lại. Có lẽ đó là một sinh viên người Âu, hay Mỹ gì đó, với một cô người Triều Tiên, Hàn Quốc hoặc Nhật. Họ không vào, nhớn nhác nhìn vào sân quán như tìm ai. Na với Biển đang vui chuyện, nhìn ra, đưa tay lên chào. Biển nói tiếng Anh:

            - Guy (rơ) hia (we're here)! (17) - Biển chuẩn bị chào thầy cô giáo để ra với họ.

            Niên nói vội:

            - Hư cấu cả thôi, nhớ nghen!

Na cũng đứng dậy, nói đùa sau khi ''thưa thầy'':

            - Phần Bốn, cho hai đứa em thành nhân vật với nghen thầy!

            - Nhân vật tiểu thuyết phải bị đẩy tận cùng... Kì lắm.

            - Bọn em nhất trí vậy. Bây giờ em xin phép thầy cô... - Biển nói và cười.

            Niên cùng Cúc Tần tiễn hai vợ chồng trẻ, vẫy tay chào tạm biệt cả bốn người sinh viên.

            Có hai bàn khách chờ Cúc Tần tính tiền.

            Lúc họ ngồi đối diện nhau, chỉ còn Cúc Tần với Niên, Niên mới dám nhìn kĩ Cúc Tần với ánh mắt trìu mến. Niên nghe xao xuyến bởi Cúc Tần xinh đẹp, hiền hậu đến lạ lùng. Sau hơn một tháng rưỡi anh mới được ngắm lại cô. Cúc Tần bẽn lẽn cúi đầu.

            - Nghỉ hè rồi, còn coi thi, chấm thi nữa, Cúc Tần nhỉ?

            - Dạ - Cúc Tần nói - Cũng có thể năm nay em chỉ coi rồi chấm tuyển sinh khối mười vào tháng tám thôi. Hiện tên em ở danh sách dự bị kì thi tú tài, danh sách giám thị, giám khảo ấy.

            - Cúc Tần!

            - Dạ.

            Niên không biết nói gì. Cúc Tần nhìn anh mỉm cười.

            Một lúc, Cúc Tần nói:

            - Em đọc Phần Một rồi!

            - ''Thơ dại'' một cách ấu trĩ, phải không?

            - Không dám đâu!

            - Nói thật đi, Cúc Tần!

            - Ngày xưa em rất thích!

            - Ngày xưa nào? - Niên ngạc nhiên thật sự, chợt hiểu có gì bí ẩn trong sự hiểu biết của cô về Nguyễn Văn Phần.

Cúc Tần mỉm cười, nghĩ đã đến lúc phải nói thật với Niên:

            - Hôm trước, em có nói với anh, em có yêu mến tác giả một xấp bản thảo bị phê phán, anh nhớ không?

            Niên gật đầu, chợt hiểu ra, nhưng chưa dám quả quyết.

            - Đó là lúc em mười ba tuổi. Em chỉ yêu mến - Cúc Tần đã đắn đo trọng lượng vừa phải của hai chữ ''yêu mến'' bình thường này để giữ kẽ với Niên - Mười ba tuổi, năm bảy chín, chứ không phải mười bảy tuổi - cô đỏ mặt.

            Niên hiểu ra hết rồi. Anh cố trấn tĩnh niềm bối rối.

            - Và sao nữa, Cúc Tần? - Niên nhớ ánh mắt thuở ấy...

            - Cô em hồi đó người ta bảo là công an văn hóa, vào ngành giáo dục làm hiệu trưởng. Nhưng không phải.

            Niên vẫn im lặng. Đợi Cúc Tần nói, nhưng cũng chỉ thấy cô mỉm cười. Cô lại nói sau một lúc:

            - Hoàn toàn không phải là công an văn hóa. Người ta thấy cô quá nhiệt tình cách mạng, lại thoát li vào bưng từ năm bảy mươi, nên đoán già đoán non vậy thôi. Cô ấy tên là gì, anh nhớ không?

            Niên cười:

            - Làm sao anh biết! Phần, Nguyễn Văn Phần đâu phải là anh!

            - Thôi, đừng đùa dai nữa, ông tướng... xạo!

            Cảo Thơm bật cười:

            - Bác Niên xạo! Bác xạo không hả bác?

            - Có, bác Niên xạo chơi thôi mà - Niên vuốt tóc chú bé.

            Cúc Tần reo lên:

            - Thấy không! Em biết hết. Không sốt xuất huyết gì cả, tết đó em có về trường anh dạy ở Mỹ Tho luôn đó. Vậy cô em tên gì, nói đi, anh Niên?

- Lê Thị Sông Phố. Chưa đảng viên vẫn làm hiệu trưởng, một trường hợp hiếm - Niên đáp.

            - Đúng. Vậy ông bí thư chi bộ kiêm thư  kí công đoàn tên gì? người quê ở đâu?

            Niên nhìn thẳng vào mắt Cúc Tần với tia sáng vui:

            - Đặng Văn Chí, người Mỹ Tho luôn.

            - Ông Chí bây giờ ở đâu, làm gì anh biết không?

            Niên lắc đầu. Cúc Tần nói:

            - Ông Chí là ngoại Cảo Thơm đây nè.

            - Trời đất! Anh đâu ngờ! - Niên bồng Cảo Thơm - Không ngờ! Hòa Bình hồi đó nhỏ lắm. Ngờ đâu Cảo Thơm là cục cưng của ngoại Chí! Bảo cũng còn nhỏ. Vả lại anh về dạy ở đó vỏn vẹn có một năm rưỡi, lại ở tập thể. Ông Chí với cô Sông Phố mỗi người đều có nhà riêng, gia đình riêng. Anh chỉ ghé nhà thăm ông Chí một, hai lần gì đó. Vì ngày nào cũng gặp nhau ở trường rồi.

            Cúc Tần nhìn Niên:

            - Anh còn hận vụ đó không?

            - Vụ anh bị phê phán tập bản thảo đó hả?

            - Thì còn vụ gì nữa?!

            Niên lắc đầu, nói một câu khẩu ngữ thời thượng:

            - ''Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó!''. Chuyện đấu tranh, phê phán các tư tưởng siêu hình, duy tâm, lãng mạn, suy đồi, vân vân là chuyện thường, có gì đâu! Vấn đề là kỉ niệm.

            Cúc Tần mở to mắt:

            - Ngộ vậy! Em, cả cô Sông Phố, ông Chí, ba em đều nghĩ vì vụ đó, chủ yếu ở nội dung bản thảo!

            - Ba em nữa?

            - Dạ - Cúc Tần gật đầu - cô Sông Phố có tham khảo ý ba em, dù biết ổng ''phi chính trị'', cũng ''lận đận''...

            Niên ngạc nhiên:

            - To chuyện thế! Đó là bản thảo trước giải phóng, và sau đó một hai tháng. Quan trọng gì đâu. Anh đã học đại học cách mạng, rèn luyện đấu tranh tư tưởng thường xuyên. Nói theo giọng Ba Phi, anh đấu anh, phê phán chính anh còn hay, còn sâu gấp mười ông Chí kia mà! Vụ đó anh chỉ bực mình thôi.

            Cúc Tần không thể điềm tĩnh nữa, cảm thấy mừng:

            - Ngộ quá hén! Vậy do vụ gì anh?

            Trầm ngâm, Niên nhớ lại:

            - Thật ra cũng lặt vặt thôi. Hồi đó, mỗi khi nghỉ dạy, buổi chiều soạn giáo án xong, anh hay đi chơi cho biết thực tế. Thường đi với bạn bè. Đi đâu, cũng nghe dân họ nói: ''Thầy giáo! Phần kịch đi!''. ''Phần kịch'' là gì anh không hiểu, nhưng khó chịu. Hay đừng làm thơ nữa mà viết kịch đi, bởi xung đột kịch mới phản ánh được thời đại? Chắc họ bảo anh đóng kịch. Thế các nhà thơ, nhạc sĩ tiền chiến theo cách mạng sau bốn lăm đều đóng kịch cả sao? Dạy học, dạy theo giáo án, như kịch bản soạn trước, là đóng kịch sao? Đôi khi, muốn hài hóa cho bớt quan trọng hóa, cũng có cợt đùa thế thật. Nhất là các tiết thao giảng. Giảng hay tức là diễn xuất hay. Thế thôi. Vấn đề là tâm có kịch không!... Thật sự, nói giảng bài với giáo án là kịch cũng không công bằng! Chuẩn bị giáo án kĩ là tôn trọng học sinh!... Còn phải xử lí tình huống chuyên môn, sư phạm nữa - Niên ngừng lại - Nếu không có trí tuệ, kiến thức, năng lực giáo dục, tình cảm với thế hệ trẻ, làm sao đảm trách! Giáo viên văn học vừa là nhà khoa học đồng thời là nghệ sĩ. Trở lại vấn đề... Và một lí do nữa, anh có viết một cuốn tiểu thuyết hư cấu có đụng chạm ít nhiều, kiểu ''Chuyện thường ngày ở huyện'' (18). Bản thảo này chẳng ai biết, trừ một, hai bạn thân... Thật là vớ vẩn cả! Mình ngay, đâu sợ gì! Nhưng cái trò ''Phần kịch'' khó chịu thật. Thế là tuốt lên Sài Gòn luôn, may có thằng bạn quý giúp đỡ - Niên chớp mắt.

            - Ngộ quá, anh Niên há! Vậy mà cô Sông Phố, ông Chí cứ ân hận mãi - Cúc Tần nói.

            Niên cười:

            - Anh chỉ đau và thắc mắc về vụ ''Phần kịch''. Còn nói thật, anh phê phán tư tưởng cũ còn gay gắt, sâu sắc hơn ai hết. Tại vì anh hiểu nó, nó ở trong anh!

            Cúc Tần thở phào, thú vị:

            - Sao anh đi, không nói gì cả?

            - Lỗi ở cái sự tức giận vụ ''Phần kịch''! Và đúng là... Anh về Sài Gòn, bán sách cũ, sống giữa môi trường còn đa tạp, đúng là đôi khi, thậm chí thường xuyên phải kịch thật. Mà ai cũng thế chứ. Không thì làm sao sống nổi! Vào nhà thờ Chúa, dẫu Phật tử cũng phải làm dấu thánh! Vào chùa thờ Phật, dẫu tín đồ Chúa cũng phải chắp tay! Mình cứ là mình, nhưng phải linh hoạt, ''vào nhà tùy tục, đến sông tùy khúc'', vì lịch sự.

            Cúc Tần gật đầu:

            - Ai cũng phải vậy. Vấn đề là tâm và trí mình phải thật với mình. Mình cứ giữ đạo Việt Nam, thờ kính Bốn Nghìn Năm...

            - ... và lịch sử nhân loại nữa! Đúng vậy, phải biết đâu là chân lí khoa học, sự thật lịch sử, là cội nguồn, Tổ Quốc... Cái tâm không thể kịch trước Chân Thiện Mỹ... Nhưng đời rắc rối lắm!    

            - Điều em vui nhất, là không phải vì ''Những Mùa Thơ Dại''! - Cúc Tần vui mừng thật lòng - mà vì lẽ khác ấy!

            Niên kín đáo nhìn đồng hồ: mười giờ kém mười lăm. Anh mừng, vì còn những mươi phút nữa.

            - Thôi, đừng nhắc vụ đó nữa nghen Cúc Tần! - anh trìu mến nói với cô.

            Cúc Tần mỉm cười nhìn anh. Một cảm giác hạnh phúc dâng tràn trong ngực anh. Anh chỉ muốn được mãi thế này với người nữ xinh đẹp, đôn hậu, sâu sắc này.

            Cúc Tần thấy ngượng. Quán mới vào thêm ba người khách. Cúc Tần rời ghế, lo công việc của mình. Niên thanh thản, bồi hồi trong cảm giác hạnh phúc ngọt ngào, nhìn dáng đi uyển chuyển, dịu dàng, thanh thoát của cô.

            Nán thêm ít phút nữa, anh đợi Cúc Tần lại ngồi với anh.

            Khi Cúc Tần đã trở lại ghế ngồi, Niên nói:

            - Thật không ngờ! Không ngờ Cúc Tần là cháu ruột của  cô Sông Phố, Hòa Bình và Bảo là con và rể của ông Chí.

            - Cảo Thơm nữa nè! - chú bé nói, cười, nhe răng sún.

            Cả hai bật cười với Cảo Thơm. Niên âu yếm vuốt tóc nó.

            - Bây giờ cô Sông Phố ở đâu? - Niên thú nhận sự vô tình của mình - Cả ông Chí nữa? Ông ấy với gia đình vẫn ở Mỹ Tho chứ?

            - Cô Sông Phố về làm hiệu trưởng ở Cần Thơ lâu rồi, sau khi anh đi khoảng bảy năm. Ông Chí lớn tuổi, về hưu, sống với con trai ở quận Tám, tại thành phố mình.

            - Ông Chí còn viết lách gì không?

            - Lớn tuổi rồi... Nghe đâu sắp xuất bản một cuốn phê bình duy nhất, tập hợp từ trước đến nay, đâu vài trăm trang, để kỉ niệm là chính.       

            - Ổng sâu sắc lắm. Lí luận, phê bình viết thật sâu, chỉ cần một cuốn thôi là đủ đóng góp với đời. Cái gì cũng vậy, cần chất hơn lượng - Niên nói một điều không bao giờ thừa nhưng vẫn rất thừa - Anh cảm thấy xấu hổ cho mình.

            - Hay, sâu, nhiều. Được vậy càng tốt chứ anh.

            Niên gật đầu. Anh cảm thấy lâu nay anh quá vô tình. Quả thật, anh vừa bực với một số công thức cứng nhắc, vừa  mắc cỡ mình là kẻ đào ngũ, lâu nay anh cố quên giai đoạn dạy học của chính anh. Dẫu sao, ngày ấy, những giờ lên lớp, anh đã hết mình bằng cả trái tim và khối óc. Dẫu sao, gạt đi những công thức, cách nhìn phiến diện phải tuân thủ, đấy vẫn là những ngày tháng đẹp nhất đời anh. Rồi sau đó, anh bị đẩy vào cực khác một cách đau đớn. Anh dao động vì bị buộc phải dao động đến tráo trở!

            Đã quá giờ về nhà, Niên đành chào Cúc Tần. Anh còn bao nhiêu chuyện để nói với cô, dẫu có thể chỉ là vu vơ! Cúc Tần tiễn anh ra cổng, sau khi như thường lệ, Niên vào đặt tiền ở quầy.

            - Em còn nhớ giao ước hôm ở Thanh Đa? - Niên hơi mắc cỡ nhưng không thể không nhắc.

            - Anh Niên, vẫn giữ giao ước đó nghen! - bất ngờ, Cúc Tần nhìn vào mắt anh. Niên nao nao trong ngực mình. Anh mỉm cười, gật đầu. Anh đưa tay chào Cảo Thơm.

            - Mai mốt rảnh, lại qua nghen!

            Niên gật đầu sung sướng, cảm động. Anh muốn ngợp đi  trong nắng vàng óng sau cơn mưa xối xả đêm qua.

            Vâng, phải biết quên đi bao rắc rối để sống - anh tự bảo với chính anh như thế trên đường về nhà.

            Ra hết con hẻm quen thân, chạy xe thêm một quãng phố, Niên chợt nhớ, anh hơi ngần ngại, rồi quay xe. Chỗ Niên quay xe lại là một tiệm bánh ngọt. Nhân tiện, anh ghé mua hai gói bánh, cho Cảo Thơm và Ca Dao.

            Đến cổng Lá Xanh, anh vẫn để máy xe ở mức ga xăng thấp nhất, ra hiệu cho Cảo Thơm lúc chú bé đang chơi trò tàu bay giấy. Cúc Tần ở quầy nhìn ra. Thấy Niên rút khỏi túi xách một xấp giấy, cô đoán đó là bản thảo, cố giữ vẻ từ tốn ra cổng. Niên đưa cho Cảo Thơm một gói bánh ngọt,  dặn ăn xong nhớ chải răng kẻo cái kìm nha sĩ sẽ không tha. Chú bé cười khoái chí, bảo không sợ đâu, nhưng vẫn nhớ chải răng kẻo sún rất xấu. Niên cười, đưa tập bản thảo phần hai, phần ba cho Cúc Tần. Cô mỉm nụ cười sáng, sáng cả ánh mắt. Dưới bao tia nắng đang rọi vào mặt, Niên thấy làn da không son phấn của cô vẫn còn quá mịn màng, dù đã xuất hiện dăm vết nhăn rất mờ.

            - Em đọc giùm hai phần này luôn. Cũng hư cấu thôi.

            - Dạ, chắc hay hơn phần một. Chắc thích lắm - Cúc Tần cười rất tươi với vẻ vui mừng, háo hức.

            Anh gật đầu chào hai cô cháu và quày xe về nhà. Nhìn đồng hồ, thấy đã mười giờ bốn mươi. Chắc Bông Trang ngồi trông cửa hàng sách báo cũ với gương mặt bực bội. Niên nghĩ thế, cho xe chạy hơi nhanh dưới nắng trưa. Trong anh chừng như đã nhạt rồi tâm trạng ray rứt mỗi khi từ Lá Xanh về! Quên, phải quên đi tiếng nói của lương tâm cứ mãi đay nghiến tình yêu đích thực! Để sống! Sống thật! Niên lại tự bảo thế! Nhưng anh vẫn thương Bông Trang, vợ anh đã biết gì đâu.

 

 

3

 

 

            Trong lúc ở Lá Xanh, năm người, kể cả Cảo Thơm đang chuyện trò vui vẻ, tại một căn phòng được gắn máy điều hòa nhiệt độ, Hòa Bình, nha sĩ Nha và một người nữ khoảng cùng tuổi với Hòa Bình đang say sưa hát theo những dòng ca từ xuất hiện trên màn hình. Đó là căn phòng ở lầu hai của một tiệm hát theo băng hình (19) trên đường Cách Mạng Tháng Tám, gần ngã sáu Công Trường Dân Chủ.

            Nụ Tầm Xuân, cái tên gồm ba chữ, chưa kể họ và chữ lót, của một kĩ sư tin học người gốc Huế vào Nam đã lâu. Nụ Tầm Xuân đang ngọt ngào hát một khúc tình ca tiền chiến.

 

            ... tình nghệ sĩ (chóng tàn) như giấc mơ

                chóng tàn vì vương bao ý thơ...

 

            Khi không, Nụ Tầm Xuân hát bị vấp ở câu hay và sâu nhất khúc ca này. Mắt cô rưng rưng nhưng miệng lại cười.

            - Sao lại ''chóng tàn''? - với giọng Quảng Nam, Nha buột miệng - Chỉ một lần ''chóng tàn'' thôi chớ! Sao lại hai lận?

            Tấm danh mục các bài hát, Hoà Bình đã chọn từ một xấp đặt trong chiếc hộp lớn, trải rộng trên bàn trước mắt cô. Hòa Bình mỉm cười, im lặng. Nụ Tầm Xuân hơi mắc cỡ, cũng im lặng, mặc các dòng nhạc khác trên màn hình trôi qua theo tiếng nhạc đệm.

            Nha nhấp một ngụm bia lon, ngẫm nghĩ. Và chợt hiểu ra, anh nói:

            - Thơ ca quả là thứ báo hại hay sao vậy?

            Hai người nữ cười khúc khích.

            Nha vờ ngây thơ như một tay sành đời giả nai:

            - Thơ ca làm cho tình yêu đẹp hơn chứ?

            - Đó là thứ thuốc thêm ảo tưởng với những con người ảo tưởng. Nó là chất thơ khống chế sự phàm tục của những con người quá phàm tục - Nụ Tầm Xuân nói với nụ cười -  Tùy bệnh, tùy thuốc.

            - Nghệ sĩ vốn nòi bạc tình, đa tình. Chỉ thế thôi. Có thể, mai, rung cả trái tim rất thật, với người này, mốt, với người kia, cũng rung rất thật - Hòa Bình cười khúc khích - ''Chóng tàn'' là vì vậy, chứ đâu tại ý thơ. Nhạc sĩ tự biện minh đấy mà!

            - Ngụy biện? - Nha hỏi.

            - Có thể - Hòa Bình đáp.

            - Không! Đúng là sống quá thơ, quá mộng, thành ra lúc quen nhau lâu, thành vợ thành chồng, nhận ra những nét tầm thường, nhỏ nhen, họ vỡ mộng, tàn thơ!

            - Li dị, cưới vợ khác, chồng khác - Nha nói, cười mỉm.

            - Lại vỡ mộng sau một thời gian ảo tưởng về nhau - Nụ Tầm Xuân nói.

            - Vài ba lần, hay mười lần như thế càng thích - Nha vừa đùa vừa thật.

            Nụ Tầm Xuân phá ra cười, rồi để câu chuyện sa theo đà của Nha:

            - Đúng. Càng thích! Anh Nha có một tư  tưởng rất hay, gần với một câu thuộc loại ''ranh'' ngôn: ''Người đàn ông có hai lần hạnh phúc trong đời, đó là lúc cưới vợ và lúc vợ chết''.

Nha quay qua Nụ Tầm Xuân, đá lông nheo:

            - Anh có hai lần ''hạnh phúc'' rồi. Bây giờ, chỉ cần một ''hạnh phúc'' nữa là đủ. Xin cảm ơn, từ chối lần tư.

            - Xem ra không muốn góa vợ lần hai! - Hòa Bình cười - Vậy cưới vợ lần này nữa, chắc chắn không chết vợ nữa đâu.

            - Đúng - Nha lại nháy mắt với Hòa Bình, Hòa Bình đỏ mặt, mắt long lanh. Nha thích cái long lanh như lẳng lơ ấy!

            Màn hình vẫn lướt qua những cảnh, những người đâu ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc Mỹ gì đó, với tiếng nhạc đệm cùng những dòng chữ. Những cảnh, những người đã lỡ quen mắt mất rồi với ba người bạn này. Nụ hôn cháy bỏng. Cú nhảy hàng rào đêm khuya tình tự. Những bộ ngực khêu gợi. Những cặp đùi trần. Lá vàng rụng. Sương khói. Thác đổ. Đường phố. Xe hơi. Aằo quần thu hút sự chú ý của kẻ khác bằng sự quái dị... Căn phòng, vẫn êm êm thổi dịu từ máy điều hòa một luồng không khí mát lạnh, tràn ngập, với chong chóng xoay ngược, hút không khí cũ ra ngoài. Men bia khiến Nha ngây ngất, ngây ngất còn bởi vẻ ỡm ờ của Nụ Tầm Xuân, ánh mắt long lanh, trữ tình, bẽn lẽn của người đàn bà Hòa Bình? Họ hiểu tất cả mọi lẽ ở đời, nhưng họ sẵn sàng chạy thoát sự tẻ nhạt, buồn chán của cuộc sống đơn điệu, lê thê thường ngày chăng?

 

 

4

 

 

            Sau lần đến Lá Xanh vừa rồi, suốt cả tuần lễ Niên cứ trăn trở mãi. Một điều rất rõ anh nhận thấy là không thể vừa yêu Cúc Tần vừa dằn vặt thế này. Càng dằn vặt, càng yêu với một tình yêu đau đớn. Dẫu sao cũng chẳng đi đến đâu. Yêu chỉ để mà yêu. Anh buồn bã, rồi muốn cười thật to. Ừ, ''hôn nhân chính là mồ chôn Tình Yêu''! Anh muốn mình trở thành một Hồ Dzếnh với quan niệm về Cái Đẹp lửng lơ, dang dở của tình yêu đôi lứa. Ừ, anh cũng nhớ đâu đó, thời nào người ta bảo, đừng bao giờ thành hôn hay vu quy với người yêu đích thực để Cái Đẹp mãi còn trong tâm hồn. Ừ, người xưa cũng bảo cô gái đẹp mọi bề nên chết sớm, bởi da mồi, tóc bạc quả là ghê sợ trong viễn cảnh! ''Chết'', là lãng quên nhau chăng? Niên muốn cười thật to. Đấy là những gì hợp lí, đâu phải sai hoàn toàn. Trong bế tắc của trái tim anh, đấy là những loại thuốc cho bệnh nhồi máu! Huyết áp thật của xác thịt anh rất tốt, nhưng huyết áp của tình cảm anh quả có vấn đề! Niên muốn cười thật to. Anh vẫn khát vọng tình yêu đương và tình vợ chồng đồng nhất. Nghĩa và tình, anh muốn đồng nhất làm một. Tất cả đồng nhất với sự nghiệp văn chương anh miệt mài đeo đuổi. Anh cao vọng, tham vọng đến thế! Niên muốn cười thật to vào mặt anh trên tấm kính mặt bàn viết.

            Niên không ngờ, quả thật anh không thể ngờ được Cúc Tần lại là cháu ruột  của cô Sông Phố, Bảo là con ruột của cô ấy, cô giáo từng là hiệu trưởng của anh, Hòa Bình là con gái thầy giáo Chí, bí thư chi bộ kiêm thư kí công đoàn trường anh dạy năm nào. Suốt tuần vừa rồi trong tâm trạng giằng xé của anh lại nẩy ra một mối giằng co khác. Dẫu sao, với Cúc Tần, tình yêu của anh, của cô sẽ chẳng đi đến đâu. Nếu khắc nghiệt như đạo lí vốn khắc nghiệt để xã hội bớt buông tuồng, rối rắm, rõ là tình anh và tình Cúc Tần không đứng đắn, là bất chính. Niên nhìn thẳng, gọi đúng tính chất của tình cảm ấy bằng các tính từ chính xác của nó. Niên rợn người. Anh tỉnh người. Và buồn xót xa! Như thế, yêu chân thật vẫn là đùa, thậm chí anh có lần đã nhận ra: Yêu thế là Hại nhau! Anh không thể hại cháu ruột của một nơi anh vẫn xem là chỗ ân nghĩa cũ. Niên chưa hề giận cô Sông Phố và ông Chí bao giờ. Ngay từ lúc còn ở trường học tại Mỹ Tho, năm bảy chín, anh đã có cái nhìn, rằng tất cả đều là nạn nhân của ngộ nhận (có thể kèm theo định kiến), và của kẻ ném đá vào nội bộ, khéo giấu tay. Đó là chuyện thường thấy. Đấy là ngộ nhận? Đấy là kế li gián? Không rõ. Thôi, dẹp qua chuyện cũ. Cái chính là trớ trêu sao anh lại gặp gỡ và trót yêu Cúc Tần. Anh sẽ dám giữ tình cảm hiện nay với Cúc Tần, nếu Cúc Tần không phải cháu cô Sông Phố, nếu Cúc Tần không bà quen của ông Chí, dù thế là đã quá dằn vặt, trăn trở. Cúc Tần là cháu ruột của chỗ ân nghĩa cũ, anh tiếp tục kiểu yêu này, quả anh bất nghĩa đến mức tồi bại nhất. Đánh chết một người lạ mặt đỡ gờm tay hơn một người quen! Niên rùng mình bởi sự liên tưởng so sánh quá kinh khiếp. Nhưng, ngẫm cho kĩ, yêu thế là giết nhau còn gì! Ôi, cái kết thúc kinh điển của các tác phẩm kinh điển trong mảng văn chương viết về ngoại tình! Trái tim yêu đương của anh trong trường hợp này là quả tạc đạn ném vào gia đình, họ tộc cô Sông Phố! Niên rùng mình kinh sợ. Không! Không cách nào khác, phải chấm dứt chút tình thơ mộng với Cúc Tần để cô quên anh đi. Không còn cách nào khác. Anh đã đi đến tận cùng mọi lẽ? ­, còn người chưa rõ bản chất thật của vấn đề cũ, sự cố cũ, sẽ nghĩ anh trả thù cô Sông Phố và ông Chí cách này! Niên rợn người. Niên tỉnh người. Không. Không thể để ngộ nhận chất chồng lên ngộ nhận. Anh chỉ có thể yêu Cúc Tần bằng một tình yêu đứng đắn, chân thành, thủy chung, duy nhất... Nếu được vậy, rồi nhỡ có sự cố gì trong quan hệ vợ chồng, sẽ làm sao tránh được thị phi! Không. Mọi cái đều có trường hợp cụ thể. Còn Bông Trang và Ca Dao nữa! Anh đã sợ hãi đàn ông đa thê, đàn bà dẫu chính thức hay lén lút đa phu, nhan nhản ở đời.

            Niên buồn đến xót lòng, muốn bật cười thật to vào bóng gương mặt anh đang soi trên tấm kính bàn viết. Rõ là anh  cả nghĩ, cả lo đến mức lẩm cẩm, mê muội rồi. Nhẹ nhõm, lạc quan bớt đi mà, Niên! - Niên lại an ủi mình như thế. Niên, Niên, hãy hồn nhiên, hồn hậu đi mà! Tình cảm hãy chất phác, nồng hậu đi! Sao đa đoan đến thế! - Niên lại mỉm cười thẫn thờ. Có phải kẻ cả nghĩ thực chất sẽ bi quan về cuộc đời và lòng người? Họ chẳng bao giờ thực sự hạnh phúc!? Chẳng ai dám sống nữa?!

            Niên rời bàn giấy, bước lui bước tới. Sàn gác gỗ rung lên theo bước chân cố nhẹ gót của anh. Anh tự  nhủ, đây là sàn lướt bằng ván, không phải mặt đất. Mặt đất dưới kia, ngoài đường, chưa lún và nứt để chôn vùi Cúc Tần và anh.   Anh nhận thấy đã đến lúc tình cảm của anh lên tiếng kết án lương tâm - cái lương tâm đã hình thành từ vạn đời trong mỗi người nhờ lịch sử đã biết sáng tạo ra văn hóa! Đến thế kia sao!

            Niên cũng nhận thấy, ở đời có lắm bi kịch, hãy suy ngẫm, hành động để phá bỏ, xóa tan bi kịch nào có thể phá bỏ, xóa tan, nhưng với những bi kịch không cách nào tìm ra lối thoát, như bi kịch Cúc Tần - Niên - Bông Trang - Ca Dao (nhất là với Ca Dao, con gái bé bỏng của anh, nó có tội tình gì!), đang giằng xé trong anh, có lẽ đành vui vẻ chấp nhận. Chấp nhận một cách vui vẻ là thái độ khôn ngoan nhất. Hay cứ dấn tới, việc gì đến sẽ đến?

            Niên gắng mỉm cười, cũng mừng thầm anh đã làm chủ được tình cảm, cảm xúc. Đến với Lá Xanh lần vừa rồi, anh cứ sợ mối âu lo, dằn vặt trong anh sẽ làm không khí cuộc chuyện trò trở nên nặng nề, sướt mướt, ảm đạm. Nhưng rõ là anh cố nghĩ ra cách pha trò không đến nỗi gượng gạo và tẻ nhạt, ít ra là vứt bỏ được những âu lo, dằn vặt canh cánh, đau đáu trong một, hai giờ ngắn ngủi bên Cúc Tần. Đến với  nhau bằng khuôn mặt như tàu lá chuối héo, đến làm gì! Cô có nghĩ anh bông đùa quá mức không? Cũng có thể cô ấy nghĩ anh thiếu chân thành chăng, sao cười đùa, bông lơn được trong bi kịch như thế?

            Niên cứ bước lui bước tới trên sàn gỗ đang khẽ rung. Sực tỉnh, anh ngồi xuống, xếp bằng, tập bài khí công điều hòa hơi thở. Giữa hai đợt điều hòa, vận khí, anh lẩm nhẩm đọc: Thế là êm ấm rồi, quên Thiên Đường Cúc Tần đi. Anh chân thành nhẩm đọc câu kinh tự kỉ ám thị khá buồn cười ấy.

            Lại một tuần lễ nữa đã trôi qua. Niên đâu biết chính tình huống ấy đã biến anh thành một nhân vật hài hước, may là hài hước còn có chút duyên, chưa đến nỗi lố bịch! Nhưng dù sao, vui vẫn hơn buồn!

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-7.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7