Bút danh & tác giả xuất hiện trong tiểu thuyết: nhân vật hoàn toàn hư cấu

31-03 HB12

         Phần ngoài truyện hay vĩ thanh, ở đây, cũng là thủ pháp nghệ thuật, đại để như dùng nước chanh hư cấu (dù hư cấu ít hay nhiều) để làm dã rượu hư cấu, nhằm lưu ý về một điều rất thường tình: Trong tiểu thuyết, tác giả xây dựng hình tượng hư cấu để phản ánh hiện thực, gồm cả hiện thực tâm lí.. 

         Thiết tưởng cũng nên thưa rõ: nhân vật Phan Cát Niên (da ngăm đen, có biệt danh "nhà văn Châu Phi") chính là một trong bốn cái bóng của nhân vật Trần Nguyễn Phan (làn da không ngăm ngăm đen) 

         Trong các bản sách xuất bản chính thức qua các nhà xuất bản với dạng in giấy, hai phần ngoài truyện dưới đây đã bị gác lại:

 

PHẦN NGOÀI TRUYỆN

TIỂU THUYẾT “CÓ MỘT NƠI LÁ MÃI XANH”

CỦA TRẦN XUÂN AN

(Nxb. Hội Nhà văn, 1999)

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/co-mot-noi-la-mai-xanh/tep-8  

 

            1

 

            Người đàn ông bừng tỉnh. Bây giờ, anh trở lại với gương mặt vốn có, chiếc kính cận trên sóng mũi thẳng, làn da không ngăm ngăm đen, bộ ria mép đã có dăm sợi bạc. Anh đứng dậy, vẫn vóc dáng cũ của mình, tầm thước, một mét sáu mươi hai phân. Anh mỉm cười, không còn thấy mình đang ngồi giữa các kệ sách cũ, vốn rất cần thiết cho đời, trong một cửa hàng với bốn ngọn đèn bốn góc, hắt ra bốn phía bốn chiếc bóng như cầu thủ trên sân cỏ, mang bốn cái tên khác nhau: Nguyễn Văn Phần, Phan Cát Niên, Trần Nguyễn Phan, cả Nguyễn ''Tú Uyên'' nữa. Tất nhiên, người đàn ông ấy không phải là một tính cách đa ngã. Một chia ra bốn, bốn chỉ là một. Duy nhất.

            Người đàn ông tuổi Khỉ, đã sống ở đời bốn mươi ba năm kể cả chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, bỗng bừng tỉnh cuối giấc mơ đã trải dài hơn hai trăm trang sách, anh đã hí  hoáy, say đắm viết, và đem xuất bản. Những nhân vật của anh, Cúc Tần, Bông Trang, Ca Dao, Hòa Bình, cả Niên, Phần, cô Sông Phố, ông Chí nữa, với nhiều cái tên khác nữa, đã rời khỏi trí tưởng tượng của anh. Cũng không có tiệm sách cũ với Lá Xanh nào cả. Như Bờm, Thầy Đồ, Cuội, Từ Thức! Như cõi cười và xứ tiên!

            Người đàn ông trở lại với chính mình, với trái tim đỏ thắm khát vọng văn chương, ngồi trong phòng viết của chính anh, đang đọc lại cuốn tiểu thuyết anh mê mải viết, nay đã thành sách in: "Có một nơi lá mãi xanh". Ngẫm nghĩ, anh thấy bốn cái bóng dẫu sao cũng chỉ là bốn cái bóng. Anh mỉm cười, và bật cười: Sao mình tưởng tượng ra nhiều cô gái đẹp yêu mình đến thế! Thật hài hước những mộng mơ khởi từ bi đát, cái bi đát của trái tim đa cảm nhưng chung thủy trong ngực anh.

 

            2 

 

            Người đàn ông ngắm nghía bìa sách, lại ngẫm nghĩ. Vừa cảm động vừa khoái trá, anh ngâm nga điệu hát nói, phỏng theo Tú Xương, nhà nho bất phùng thời, nhưng là một thi sĩ đả kích sâu sắc rất phùng thời:

 

                        viết tiểu thuyết đưa ngay vợ đọc

                        hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

                        thưa chàng: gay thật là gay...

 

            Tiếng cười khúc khích khiến anh giật mình. Anh quay lại nắm lấy bàn tay thân yêu. Không phải đang cầm chiếc hộp đựng những Viên Phấn Vàng, bàn tay ấy sáng bừng lên "Có một nơi lá mãi xanh" chưa ráo mực in. Anh biết cô đã đọc rất  kĩ từ khi còn là bản thảo, và đã cẩn trọng chữa bản xếp chữ giúp chồng.

            - Sao không ''viết tiểu thuyết đưa ngay vợ... đốt'' cho khớp với vần lưng câu dưới! - Thi Phú mỉa mai trong tiếng cười dòn - Anh viết cuốn tiểu thuyết tự trào này cũng hay đấy chứ nhỉ, thưa anh Cử...i Trần! Càng đọc càng yêu sự bội bạc của anh! - cô vờ đay nghiến.

            Người đàn ông cười ha hả với vợ:

            - Anh đã viết để phơi trần tất cả thằng Trần là anh! Tập cú một câu hát nói của Chu Mạnh Trinh, cái ông nhà thơ xu thời dù rất mực tài hoa ấy, rằng em là ''Bầu Trời, cảnh Bụt'' rất trần thế, rất yêu dấu của anh...

            Vợ anh nguýt mắt. Cuối cái nguýt đáng yêu là một nụ cười tươi cho anh, một chiếc hôn ngọt cho sách. Cô biết tất cả chỉ là hư cấu nghệ thuật.

            - Anh cần sống nhiều, sống sâu: Trải và nghiệm. Trải để nghiệm - Thi Phú nói, mắt bỗng rưng rưng. Ánh cười trong đôi mắt cô long lanh, hoen ướt.

            Người đàn ông áp hai lòng bàn tay vào đôi bầu má trắng mịn của vợ, nhìn vào mắt cô, bỗng thấy bóng mình và Thi Phú nhập làm một trên vách tường nhà. Anh ngẫu hứng chữa bài thơ đã viết từ lâu:

 

                        ... Lá Xanh chỉ bắt đầu từ trái tim em

                                      cho anh vượt lên anh

                   để cùng em biến thiên thành nhiều gương

                                                                             mặt khác

                        cõi Thi Phú nắng hồng: Bông Trang

                                         đỏ tươi là Cúc Tần tím ngát

                        ta cúi xuống vì thơ, bay lên cùng thơ...                                        

 

Viết xong lúc hai mươi mốt giờ

bốn mươi phút, ngày hai mươi chín

tháng tư năm mậu dần (24.05.1998)

tại TP.HCM.

Sửa chữa, bổ sung đến ngày: 04.6.98

TRẦN XUÂN AN

 

 

Dưới đây cũng là thể hiện của thủ pháp "DÙNG NƯỚC CHANH VĨ THANH HƯ CẤU LÀM DÃ RƯỢU TIỂU THUYẾT HƯ CẤU". Trong thực tế, không hề có nhóm đạo diễn, diễn viên nào như thế!

PHẦN NGOÀI TRUYỆN

TIỂU THUYẾT “SEN ĐỎ, BÀI THƠ HÒA BÌNH”

CỦA TRẦN XUÂN AN

(Nxb. Thanh Niên, 2003)

 

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/sen-do/tep-5

 

 

            Lúc ngồi ở ghế đá bên bờ nước ở Đầm Sen, anh Đoàn tình cờ nghe anh Mặc Chi nói chuyện với Tre Trúc. Đang mỉm cười, thả hồn trên mênh mông mặt đầm gợn sóng nắng, anh Đoàn khẽ giật mình...

 

            - Cuốn sách của chị Tre Trúc được dịch và xuất bản ở nước ngoài, thích nhỉ? - anh Mặc Chi nói.

            - Đã thấy bản dịch gửi về cho đâu! Có thể ông giáo sư Úc công Hàn kiều Mỹ ấy đùa chơi ấy mà! - giọng Tre Trúc hơi cay đắng, dù sau câu nói là một tiếng cười.

            Anh Đoàn, cả anh Mai Tự, đều chưng hửng. Mọi người đứng, ngồi cạnh Tre Trúc đều im lặng.

            Anh Đoàn nghĩ, chắc các ngoại kiều ấy gặp trở ngại gì đấy... Anh đặt mắt vào ống ngắm máy quay băng hình, xem lại các đoạn đã quay ở biệt thự Sen Trắng, ở Ngã năm Cái Chuông Rạn, bỗng lạnh toát, tay cầm máy run lên. Xem kĩ một lúc, anh bàng hoàng nói:

            - Không thấy tòa nhà lớn, với hai cái nhà nhỏ đối xứng, và sân Sen Đỏ đâu cả! Toàn bộ khuôn viên biệt thự Sen Trắng cũng biến đâu mất! Trong băng hình, chỉ có hai mươi lăm người chúng ta, cùng bốn trẻ nhỏ, với một mảnh đất kha khá, trên đó có ba ngôi nhà nhỏ, lụp xụp! Trời đất ơi! - anh Đoàn hơi nghẹn ngào - Cũng không có tượng đài Nguyễn An Ninh, với anh công nhân trí thức quét rác, nâng cao Sen Đỏ và chuôi Cái Chuông Rạn trên Trống Đồng Đông Sơn đoàn kết đâu cả! Chỉ có hai mươi chín người chúng ta ở bồn tâm hoa cỏ giữa ngã năm thôi! Sao kì lạ vậy nhỉ! Ờ... mà sao lại đóng phim chỉ với cái máy quay bỏ túi này!

            Bên bờ nước ở Đầm Sen, lúc này đã tụ lại cả hai mươi ba người vì chuyện lạ anh Phan Kết Đoàn vừa nói. Họ đều im lặng. Hãng đặt mắt vào ống ngắm của máy, cũng kinh ngạc hồi lâu.

            - Ước vọng truyền bá thơ ca và tiểu thuyết của mình chẳng lẽ chỉ là mộng! Mộng, cứ ngỡ là hiện thực! Hóa ra tôi hài hước, lố bịch hóa ông bà Hương Chữ và tất cả chúng ta đây sao! - anh Đoàn ném mạnh cái máy quay băng hình xuống đầm nước, với nụ cười chua chát - Đó, thế là tôi cũng tự biếm, tự lố bịch hóa bằng hình tượng nhân vật trong truyện, trong... phim rồi đó. Ôi, con cóc muốn bằng con bò! - anh ngẩng mặt - Bằng lòng chưa hỡi ''trẻ tạo hóa đành hanh''? - anh Đoàn bật cười - ­, không! Trong đời thật, chúng ta tốt đẹp hơn nhiều!

            Lạ thay, mặt nước không một tiếng vang, không một chút xao động, vẫn gợn nhẹ sóng nắng buổi sáng. Lạ thay, cái máy quay băng hình ấy cũng chỉ là giấc mơ đẹp, đã thoảng bay, vô hình như ngọn gió. Giấc mơ của các diễn viên!

            Anh Đoàn, anh Cơ Dân, Hãng, Tre Trúc và cả anh Mặc Chi bật cười. Hai anh lái xe cũng không thể nín cười. Ông Hương Chữ, bà Lụa Hà, Hoài Hương, Hoàng và cả vợ chồng Vũ Thương Hoài cũng bật cười. Những người lớn còn lại cũng bật cười. Chỉ bốn đứa trẻ bật khóc. Cơ Nguyên, Y Cao, Cây Bàng và Bến Chữ - cậu bé mới mồ côi mẹ, con trai anh Mai Tự - khóc ngất như chưa bao giờ khóc đến thế, khóc vì không được đóng phim!

            - Tượng đài Nguyễn An Ninh muốn dựng cũng phải đề xuất, kiến nghị chứ. Có gì mà khóc với cười nhỉ! - diễn viên Hương Chữ nói - Ôi, chúng ta, một nhóm diễn viên bảo thủ, gàn dở chăng?

            Nắng lấp loáng trên đầm nước ngan ngát hương sen ca dao. Rất vang giòn tiếng cười và tiếng đùa của họ. Bốn đứa trẻ cũng bật cười tuy mặt mày còn ướt đẫm nước mắt.

            Diễn viên Hương Chữ diễn tiếp, bằng cách đi thụt lùi đến tận mép nước, loạng choạng suýt ngã xuống đầm, rồi lấy lại thăng bằng. Hoảng hốt, mặt tái ngắt, ông bước tới chỗ hai mươi tám người đang đứng, ngồi, với hai mươi tám nụ cười thán phục. Quả là một ''miếng diễn'' cường điệu với ẩn dụ rất đạt.

            - Ôi, chúng ta, một nhóm diễn viên bảo thủ, gàn dở, chỉ chịu lùi một chân kinh tế thôi! Vâng, dứt khoát vậy nhé, chỉ lùi một chân thôi, nhưng coi chừng, lọt xuống đầm luôn thì khốn. Các bạn hãy suy nghĩ giúp chúng tôi. Có thể chúng tôi thiếu thức thời hay không xu thời, hoặc sa đọa, phản động, chia rẽ, hữu khuynh, quá ''tả''... Xem phim xong, xin lỗi, ai đó không vô ngã, vô chấp, cứ cột chặt trái tim mình vào quyền lợi chức vụ và vật chất, vào các tư tưởng thần bí, mê tín, đừng ám hại chúng tôi nhé. Chúng tôi đâu muốn chết! - ông như nói với khán giả.

            Diễn viên Hương Chữ bỗng xoạc chân, nhảy lên, hóa thành một ông khổng lồ, một chân phải đứng tấn tận mép đầm, một chân trái cũng đứng tấn tận bảng ''Công viên Văn hóa Đầm Sen''. Tất nhiên đó chỉ là cú vươn vai trở thành khổng lồ với ước lệ của tuồng chèo, với các đạo cụ, bối cảnh tượng trưng. Tất nhiên hai mươi hai người vốn rất phong phú trí tưởng tượng, theo tiểu xảo điện ảnh, mới thấy rõ phút hóa thân kì vĩ của diễn viên Hương Chữ. Bốn đứa trẻ, với bốn đôi mắt trẻ thơ là thấy rõ nhất ảnh ảo đó. Chúng há hốc mồm, ngẩn ngơ thích thú, và cả tự hào nữa.

            - Tôi, tôi là Cóc Kiện Trời đây! Cóc kiện Nhà Trời sao không thuận hòa mưa nắng, sao thơ và tiểu thuyết của tôi không được truyền bá khắp nhân gian trên trái đất!? - diễn viên Phan Kết Đoàn lại diễn, với các thao tác nhảy cóc rất khỏe, rất hài - Nhưng Cóc tôi không biết nghiến răng đâu nhé!

            Đặt hai tay lên đầu gối, với tư thế ngồi xổm trên đường, như một con cóc khổng lồ, Phan Kết Đoàn (một diễn viên ''dỏm'', chưa hề đến phim trường, sàn tập để... đóng phim, đóng kịch bao giờ!) phóng từng bước nhảy nghìn dặm, bay lên cầu thang Nhà Trời. Những tiếng cười vui nhộn vang lên giòn giã.

            Đặt ngón cái vào cánh mũi, bịt lại một lỗ mũi, đồng thời ngón trỏ gảy vào cánh mũi kia trong lúc đẩy hơi ra, tạo nên tiếng đàn từng tưng, anh Cơ Dân diễn rồi nói:

            - Tôi chả chịu làm quản gia đâu nhé - anh Cơ Dân bóc cái bớt vểnh trên mép phải trong tiếng vỗ tay tán thưởng - Tôi không có năng lực quản lí và điều hành đâu. Tôi là diễn viên mà lị! Vả lại, không ai có thể sáng tác nhạc thay tôi. Nhạc của tôi phải rất Cơ Dân, mặc dù viết về ai, cho ai, thay ai đi nữa - anh Cơ Dân lại gảy ''đàn mũi'' giữa những tiếng cười vui.

 

 

 

 

            Bỗng từ cổng công viên, các diễn viên đóng các vai phản diện, đã chết hoặc đang bị tù, ung dung bước tới. Họ trở lại tính cách thật của họ trong tiếng cười, tiếng vỗ tay của đồng nghiệp.

            Gion là một ông Mỹ thật với tóc vàng, mắt xanh nhạt, cao đến một mét tám mươi lăm, nói tiếng Việt rất hay. Như thể ra sàn diễn, ông Gion liền nhập vai tử tù gián điệp đang bị xử bắn trong một lúc, rồi trở lại con người thật của mình:

            - Tôi chỉ là một kiến trúc sư đang nghiên cứu ở Việt Nam, bỗng được mời đóng một vai ''tiểu thuyết điện ảnh''. Mặc dù mới đọc bản thảo tiểu thuyết chưa được chuyển thể thành kịch bản phim truyện, tôi đâm ra căm ghét vai trò của tôi đến mức ghê tởm, ghê tởm đến bật khóc. Không! Không thể như vậy! Tôi ao ước được làm nhà khoa học - nghệ thuật kiến trúc yêu chuộng hòa bình của nhân loại. Tôi chỉ nung nấu khát vọng: chất xám và máu đỏ của tôi sẽ được cống hiến cho Việt Nam và cả nhân loại. Làm sao tôi cam tâm bán mình để làm giàu cho các ''quý ngài tài phiệt''! Tôi còn là một chiến sĩ hòa bình, quyết tâm vận động nhân dân tôi kết án tử hình các tập đoàn sản xuất vũ khí, nếu họ vẫn muốn làm giàu bằng chiến tranh và tội ác - ông Gion mỉm cười, cương quyết và hiền hậu.

            - Tôi, Vũ Hồng Ngà - ông Ngà nói - Cũng như các đồng nghiệp ở đây, tôi mới tập dượt để  vào vai phản diện, cũng đã được khen là rất xuất sắc. Lão Nguyễn Hà Đông ơi, và cháu Nguyễn Đồng Triệu ơi, ra đây nào.

            Hai người đã chết ở trường xử bắn tử tội cười hinh hích và cười mỉm, bước ra. Ông Ngà quàng vai họ. Diễn viên phụ, được nhiều diễn viên khác đoán là sẽ lãnh giải xuất sắc nhất, lại nói:

            - Thế là trọn vai rồi ! - ông Ngà cười - Hãy lại là mình rất thật! Này cháu Triệu, hãy đứng vào chỗ của gần hai mươi người đang tuổi hai mươi kia. Còn các lão xồn xồn đứng tuổi, các lão già sụm chúng ta, đừng lấn sân chơi của tuổi hai mươi. Chúng ta hãy đứng cạnh tuổi hai mươi, hãy cùng họ nói lên bao khát vọng, hoài bão, bao khó khăn, trở lực trên bước đường hiện tại và tương lai của họ. Chúng ta chỉ là những nhân vật phụ thôi mà! Nhân vật trung tâm đâu, hãy hết mình đi! Hãng và Thắp ơi, mặc dù còn quá sách vở với cách tư duy, cách nói nhà trường, chưa ''hồn nhiên thượng thừa'', các bạn vẫn là tương lai. Vũ Thương Hoài - Đào Hải, Tre Trúc, Song Mây,  Nghị, Trắng Cát, Gió, Lúa Ngọc... cũng là tương lai. Để nhuần nhị, phải trải qua giai đoạn có độ chênh giữa nhận thức với hành động và sinh hoạt như một tất yếu. Đúng vậy không, hỡi những người trẻ tuổi đang ở trong nhà trường và mới ra trường, cọ xát, va chạm với thực tiễn chưa bao nhiêu? - ông Vũ Hồng Ngà lại pha trò - Ôi, ở những trang kết này, sao các lão xồn xồn, các lão già sụm chúng ta lại nhiều lời đến thế. Những người đang tuổi hai mươi đâu, các nhân vật trung tâm đâu?

            Hãng đang ẵm Cây Bàng, đứng bên Tre Trúc, mỉm cười:

            - Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, vẫn là chúng tôi... Có người nghĩ chúng tôi đã được tô hồng!... ­, thế thì, xin đừng ảo tưởng về lũ trẻ chúng tôi nhiều lắm, mặc dù tuổi hai mươi vốn rất cần sự tôn trọng và tin yêu, mặc dù tuổi hai mươi rất khổ tâm trước sự... tự phụ về kinh nghiệm, có thể đã... lạc hậu, ''lão hóa'' của các bậc cha chú - sực nhớ đang bị ám ảnh bởi vai diễn, Hãng cười - Riêng tôi, tôi được vào vai hơi chính trị một cách còn sống sít, văn hóa một cách chưa nhuần nhị, hồn nhiên. Đó có phải là cố tật không? Vâng, là cố tật của nhân vật tiểu thuyết. Một cố tật đáng yêu! Tôi vẫn nghĩ, độ chênh của anh Mai Tự, của Gió cũng là đặc điểm của chúng tôi. Nhưng bác Vũ Hồng Ngà cũng có độ chênh giữa nhận thức với hành động, sinh hoạt như thế. Độ chênh ấy là bi kịch đáng quý và đáng ghét của loài người! Bi kịch về độ chênh ấy có thể tạo nên những nhân cách cao cả, hoặc những kẻ ngụy tín, hoặc những kẻ tử tội - Hãng, diễn viên chính, nhiều người hi vọng cũng sẽ được trao giải xuất sắc nhất, nói tiếp - Và xin thay mặt anh Phan Kết Đoàn, thưa rằng, đây chỉ là một tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu. Thực tế tiêu cực, mại bản chỉ xảy ra ở các ngành đã được báo chí phản ánh, chứ chưa phải ở ngành xây dựng. Xin xem đây là một tiểu thuyết giả định có tính cảnh báo, trong đó ít nhiều có vận dụng thủ pháp nghệ thuật cường điệu, gián cách... Cũng xin hỏi: Có phải tác giả Phan Kết Đoàn thiếu khách quan, trung thực chăng? Nói rõ hơn, có phải anh Đoàn đã thiên lệch khi xây dựng, khắc họa một nhân vật cán bộ Miền Bắc quá thâm độc, quỷ quyệt, tham lam như thế chăng? Cũng xin hỏi thêm: Có phải anh Phan Kết Đoàn muốn thông qua nhân vật chẳng khác gì con rối, có tên là Vũ Hồng Ngà, để tố cáo những bàn tay giật dây, điều khiển, ''đạo diễn'', vốn là những tên cáo già, cáo trẻ, gián điệp gian ác, thâm độc, quỷ quyệt vạn lần hơn?

            - Hãng! Hãng! Cứ vặn vẹo, bắt bẻ anh đi Hãng! - nhà thơ con cóc Phan Kết Đoàn, đã từ Nhà Trời bước xuống tự hồi nãy, đang nhe răng cười hềnh hệch.

            Cây Bàng bỗng nói, như với lời thoại của người lớn:

            - In sách có cháu là nhân vật đi! In đi! In đi mà! Rồi cho cháu đóng phim luôn! Cháu thích có mặt ở đời như trong tiểu thuyết, trong phim lắm!

            Những nhân vật của tiểu thuyết cười vang cả một góc Công viên Văn hóa Đầm Sen. Cũng là các diễn viên, họ đều ao ước được vào phim điện ảnh. Trong cơn say lao động nghệ thuật, họ thích thú với việc lẫn lộn giữa thực và hư, giữa tính cách thật của họ trong đời thật và tính cách nhân vật trong tiểu thuyết, giữa ''đã'' với ''đang'' và ''sẽ''.

            Tưởng không ai nói gì nữa, bất ngờ anh Mai Tự lại lên tiếng, tuy lúng búng như gà mắc tóc:

            - Ai... nói... nói... nói gì thì nói, tôi vẫn xem đây là một cuốn tiểu thuyết có dáng dấp "tiểu thuyết triết luận" (sic!). Do có vài đoạn luận về triết, triết dưới dạng luận, kể cả... lí luận bằng độc thoại nội tâm, kể cả đàm luận về... về... ''chuyên luận'', một ''chuyên luận'' (!) với các ý tưởng rất riêng của nhà thơ con cóc ... bốc phét Phan Kết Đoàn, gửi gắm qua nhân vật tuyệt vời Tre Trúc và... và... và..., nên... xem ra hơi... khô khan. Bởi hơi khô khan, tôi... tôi... tôi... có... lỡ dại... cho có vẻ... bậy bạ...

            Song Mây đỏ bừng mặt, tuy ý thức rõ mình đang sắm vai diễn. Mọi người lại được một mẻ cười vỡ bụng. Ai đó bỗng nói:

            - ''Bậy bạ'', ''tươi mát''  một cách ẩn dụ thôi nhé! Tôi cũng phê phán '' miếng diễn cà lăm'' hơi... ác... với tật nguyền của nhiều người, mặc dù tật cà lăm có trường hợp chữa được. Nhưng còn nhiều loại tật nguyền thể chất, tinh thần không thể chữa khác nữa! Tôi căm là anh Mai Tự đã ''cà lăm'' để gây cười!

            Lại những tiếng cười, có tiếng chạnh lòng, có tiếng ngặt nghẽo.

            Nghị, nhân vật điển hình của hiện tại và của tương lai, chói sáng nhất, chỉ khiêm tốn trong ''tiểu thuyết điện ảnh'' này, lúc này cũng chỉ mỉm cười.

 

Viết xong lúc 15 giờ 11 phút

            ngày 26.05.1999 (12 tháng tư kỉ mão)

Bổ sung, sửa chữa xong lúc 8 giờ 20 phút

            ngày 23.06.1999 (10 tháng năm kỉ mão),

            tại thành phố Hồ Chí Minh

TRẦN XUÂN AN

 

 

Một số chú thích về thơ Trần Xuân An ở tiểu thuyết "Sen đỏ, bài thơ hòa bình" cũng bị gác lại. Riêng chú thích dưới đây vẫn còn trong sách in giấy của tiểu thuyết "Ngôi trường tháng giêng":

 

CHÚ THÍCH CUỐI

TIỂU THUYẾT “NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG”

CỦA TRẦN XUÂN AN

(Nxb. Thanh Niên, 2003)

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/ngoi-truong-thang-gieng/tep-12

 

“Ngôi trường tháng giêng”, thơ của tác giả tiểu thuyết (TXA., tập Lặng lẽ ở phố, Nxb. Trẻ, 1995); sử dụng để hư cấu nhân vật Nam và nhân vật xưng “tôi” (Đỗ Khoai)... Xin lưu ý thêm: Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết này, đều là hình tượng hư cấu theo phương thức phản ánh hiện thực của văn học. Xin được khẳng định rõ như thế để tránh những ngộ nhận đáng tiếc.

Các bài thơ khác trong tiểu thuyết cũng của Trần Xuân An, tác giả tiểu thuyết này. 

 

 

31-03 HB12 (2012)