Trần Xuân An - LÍ LỊCH GIA ĐÌNH: VIỆC NƯỚC & VIỆC NHÀ

LÍ LỊCH GIA ĐÌNH: VIỆC NƯỚC & VIỆC NHÀ 

Trần Xuân An 

 

(xem tiếp từ :https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1626646627609282 )

 

Những người Miền Bắc khi vào Miền Nam sau 1975, thường có nhận định khá giống nhau về ngoài ấy: Miền Bắc chỉ còn hai "giai cấp" là "giai cấp cán bộ" và "giai cấp nhân dân". Nhận định đó được đúc rút từ nhận thức thực tế về thực tiễn xã hội họ sống. Nói dễ hiểu hơn, giai cấp làm việc nước và giai cấp làm việc nhà.

Thật ra, từ xa xưa, dưới chế độ phong kiến, thuộc địa - nửa phong kiến và ở Miền Nam 1954-1975 có khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, xã hội cũng tự phân chia ra hai "giai cấp" chủ yếu là như thế, tuy xét cho chặt chẽ, thì đa dạng hơn về phương thức sản xuất so với Miền Bắc (1954-1975).

Dĩ nhiên, khác với chế độ lãnh chúa, quý tộc Phương Tây, ở nước ta, dưới chế độ quân chủ, hầu hết là trung ương tập quyền, mọi thần dân thuộc mọi tầng lớp, kể cả cùng đinh, bạch đinh, như con em gia đình bần cố nông, trẻ chăn trâu thuê (trừ con hát, xướng ca vô loài) đều được phép học hành, ứng thí và đỗ đạt, làm quan. Trong số đó, có người làm quan đến mức nhất phẩm triều đình, tuy chỉ dưới vua, nhưng còn trên tất cả hoàng thân quốc thích. Và hoàng thân quốc thích, rõ nhất là dưới triều Nguyễn, tuy được cấp bổng lộc, có người được phong tước, nhưng rất ít người được bổ dụng làm quan. Muốn làm quan, hoàng thân quốc thích cũng phải thi cử (thậm chí quốc thích -- bà con bên ngoại vua -- lắm khi cũng bị nghi kị, ít được sử dụng).

Riêng về "giai cấp làm việc nước", phần lớn, hầu hết xuất thân từ nhân dân. Nếu có công lao to lớn, thì con, cháu, chắt và cha mẹ, ông bà của họ còn được tập ấm, tập tước. Thực chất cũng chỉ nhận được sắc bằng phong tặng, áo quần vài món tượng trưng và có thể thêm một ít lương bổng nào đó mà thôi, chứ không thực sự tham dự vào guồng máy nhà nước phong kiến. Con cháu tử sĩ cũng chỉ được nhận tiền tuất, nhưng muốn làm quan thì cũng phải đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ.

Nếu chỉ hoàng thân làm quan thôi, còn con em nhân dân mọi tầng lớp, đông đảo nhất là nông dân, bị cấm ngặt, thì chắc chắn chế độ quân chủ phong kiến không thể tồn tại lâu dài đến cả ngàn năm như thế.

Chế độ Việt Nam cộng hoà tại Miền Nam Việt Nam (1954-1975) cũng vậy và tiến bộ hơn vậy nhiều lắm. Ai cũng có quyền học hành, thi cử, làm công chức, vào quân đội, tiến thủ từ cấp thấp nhất đến chức cao nhất, ai cũng có quyền ứng cử các chức trách dân cử, theo luật định, không phân biệt thành phần, giai cấp. Nhưng con cháu và cha mẹ, ông bà họ không được tập ấm, tập tước gì cả. Đó là điều tiến bộ, công bằng hơn chế độ quân chủ phong kiến.

Còn "giai cấp nhân dân" thời nào cũng chỉ mưu sinh, lo nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, xây nhà dựng cửa ngày một khang trang hơn. Trong đó, có người trở nên giàu có, mua được nhiều ruộng đất, có nhiều cửa hàng, cơ sở sản xuất. Và đồng thời, trong đó, cũng có người sa sút, thất cơ lỡ vận, nghèo khó... Có người bản thân là quan, là con cháu nhà quan lại, nhưng sa sút thì cũng thuộc vào hạng bạch đinh... Điều đáng nói ở đây là vấn đề thừa kế. Tất nhiên con em "giai cấp nhân dân" cũng chỉ thừa kế tài sản, cơ ngơi (vật chất) từ cha mẹ, ông bà, và có thể cả danh vọng giàu sang, đức độ (tinh thần) từ các thế hệ thân nhân đời trước. Dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, không có việc mua bán phẩm hàm hư vị hư danh (chỉ lấy cái danh hão, như ông cửu phẩm, ông thất phẩm, chứ chẳng được tham dự vào việc làm quan).

Nói chung, chế độ quân chủ phong kiến nước ta không phân biệt đối xử theo giai cấp. Ai cũng có quyền học hành, thi cử, làm quan. Dưới chế độ Việt Nam cộng hoà cũng vậy, nhưng còn tiến bộ hơn, công bằng hơn. Và dù thuộc "giai cấp việc nước" hay "giai cấp việc nhà" ai cũng có quyền thừa kế tài sản (vật chất) và danh vọng (tinh thần) từ thân nhân mình, còn bản thân muốn tiến thủ theo con đường làm quan thì phải tự thân lo việc học hành, thi cử và phải đỗ đạt.

Từ "giai cấp việc nước" có thể nhảy sang "giai cấp việc nhà", và ngược lại, "giai cấp việc nhà" cũng có thể nhảy sang "giai cấp việc nước". Tuỳ ý, tuỳ năng lực, sở nguyện.

Nếu hoàng thân hoàng tộc chỉ độc quyền làm vua, làm quan, và nếu "giai cấp việc nước" cứ khư khư giành giữ quyền học hành, thi cử, làm quan cho con em cháu chắt mình mà thôi, thì chắc chắn sẽ bị lật đổ trong một ít năm cai trị.

T.X.A.

sáng 28-9 HB15 (2015)

Biểu trưng (logo) Hoà giải dân tộc

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE