c. Bài 3-Tl.2 - Trần Xuân An -- "Ngọc đá đều cháy", chủ trương tạm thời - 1874

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

“NGỌC ĐÁ ĐỀU CHÁY”,

CHỦ TRƯƠNG TẠM THỜI TRONG VỤ TRẤN ÁP

CUỘC NỘI CHIẾN LƯƠNG – GIÁO

Ở THANH –  NGHỆ – TĨNH – BÌNH VÀO NĂM 1874

 

Trần Xuân An

 

 

   I. Trong mục “Hỏi và đáp” thường kì của Tạp chí Xưa & Nay, số 282, tháng 4-2007, tr. 40, có một tiểu mục, trong đó, phần trả lời người đọc (ông Lê Anh Đào, Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum) gây ra nhiều thắc mắc ở nhiều người đọc khác về tính chất chưa thoả đáng của nó. Nói cách khác, phần trả lời ấy chỉ mới nói lên một nửa sự thật, thậm chí chỉ một phần ba sự thật.

 

   II. Trong giới hạn của một ý kiến đề nghị bổ sung, tôi chỉ trích ra một vài đoạn “Đại Nam thực lục”  “Tạp chí Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hué)”  như sau:

 

1. Dụ của Tự Đức về việc đánh dẹp cuộc nội chiến lương – giáo Nghệ – Tĩnh (thực sự là đã lan vào Quảng Bình và lan ra Thanh Hoá), vào khoảng tháng giêng năm Giáp tuất (từ 17-2 đến 18-3-1874; chính xác hơn là trước 15-3-1874), thể hiện quan điểm của triều đình:

 

“Về việc dân lương – dân đạo, triều đình nhiều lần dụ bảo thiết tha. Thế mà thân sĩ tỉnh Nghệ An riêng giữ [ý kiến – người trích dẫn chua thêm trong dấu móc vuông], bàn ngang, không hiểu việc biến đổi ở đời, như bọn Tấn, Mai lấy tiếng là giết người theo đạo mà mê hoặc mọi người làm loạn. [Cho nên, quan quân] phải nên đánh giết ngay, chớ để lan thêm ra…

 

      … Triều đình dẫu muốn khoan dung, cũng không thể được, tất đến tan cửa nhà, mất cơ nghiệp, sao bằng cùng ở yên, không sinh sự với nhau, đều thoả đời sống là bằng phẳng êm đẹp. Huống chi đều là đất của vua, đều là dân của vua, đạo giáo dù khác nhau [Nho, Phật >< Thiên Chúa; lương >< giáo] nhưng mạng người thì giống nhau, sao nỡ tự tàn hại nhau, tự bóc lột của cải của nhau…”  (1).

 

2. Đạo quân do Tôn Thất Thuyết chỉ huy, tiến vào từ phía Bắc, mới chính là mũi tấn công chủ yếu (tháng 6 Nhâm tuất, từ 14-7 đến 12-8-1874):

 

 

 

(Ảnh tư liệu: Kỉ yếu Hội nghị khoa học, ĐHSP.TPHCM., 1996)

 

 

“[Tôn Thất] Thuyết được tờ [thông] tư của tỉnh Thanh, lại được tỉnh Nghệ báo là giặc chiếm giữ thành Hà Tĩnh, quan quân ở thứ Quảng Bình [của Lê Bá Thận, Nguyễn Văn Tường] hiện chưa tiến đánh, bèn cùng thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn định hiện tình ở quân thứ [Sơn Tây] hơi thư [(…)], chính nên đi đến chỗ cần kíp […]  (2)

 

      Đến khi đến tỉnh Thanh Hoá, [Tôn Thất Thuyết] lại xin lấy Nguyễn Đình Thi sung chức tán lí, Trương Văn Đễ quyền sung tán tương […] (2)

 

      Khi ấy bọn giặc ở Nghệ An từ xã Hoàng Mai (thuộc huyện Quỳnh Lưu, giáp núi Ngọc Sơn) tràn sang phủ hạt Tĩnh Gia, đánh và quấy nhiễu. (Các sở đóng [quân] để ngăn chận như Hà Niệm thượng, Hà Niệm trung, Du Xuyên, Sơn Châu, Đội Trà, quan quân nguyên đóng ở đấy đều vỡ cả). Quan tỉnh Thanh Hoá đã phái quan quân đem bảy trăm (700) quân chia làm ba đường tiến đánh. [Tôn Thất] Thuyết tức thì đem bọn đề đốc, lãnh binh tiến quân, hợp với [quân] tỉnh Thanh Hoá đánh giáp lại, toàn được thắng trận (chém được đầu giặc, thu được tang vật của giặc rất nhiều, mà toàn quân chỉ có bốn người bị thương nhẹ). [Tôn Thất Thuyết] đuổi thẳng đến địa giới Tuần La (giáp Nghệ An), giặc ấy đều trốn chạy tan. [Tôn Thất Thuyết] rút quân về tỉnh đóng để trấn áp […] … Sau giặc ấy chuyển về hạt Nghệ An, rồi lại gọi nhau tụ họp ở các xã Thiện Kỵ, Hoàng Mai. Đường trạm không thông được. [Tôn Thất] Thuyết bèn mang quân đến địa giới Nghệ An, tiến đánh. Giặc thấy thanh thế quân lừng lẫy (khi ấy quan quân tỉnh Nghệ An hiện đương tiến đánh đến đấy), [chúng] đã chạy trốn trước. [Tôn Thất] Thuyết nhân tiện đến thẳng Trường thi tỉnh Nghệ đóng quân, cùng với tổng thống Nguyễn Chính hội bàn, cùng đánh” (2).

3. Việc đánh dẹp cuộc nội chiến lương – giáo Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình vào năm 1874 cũng do chính thực dân Pháp đồng thuận với triều đình Tự Đức (vì giáo dân bị Pháp bỏ rơi, đâm ra thù oán Pháp; vì Trần Tấn, Đặng Như Mai vừa sát tả vừa chống cả vua quan nhà Nguyễn thoả hiệp); và sự thật là tàu thuỷ của Pháp chỉ tấn công trong một ngày, chủ yếu là vào lúc Tôn Thất Thuyết đã trấn áp thành công cuộc nội chiến lương – giáo ấy:

a. Trích “Tạp chí Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue [BAVH.])” :

“… Nhưng Tàu Antilope ra đến Huế, thì chánh sứ  [Nguyễn Văn Tường] vắng mặt vì [đang bận] tảo thanh phiến loạn ở sông Gianh [“sông phía bắc Đồng Hới” – riêng chú thích chua thêm này là của Cadière, chủ biên BAVH.]. Thế là tôi [linh mục Nguyễn Hữu Cư] theo tàu Antilope ra sông Gianh luôn, và nhập với quan quân đi tảo thanh. Nội một ngày, quân cướp tan rã [người trích nhấn mạnh]. Các sứ trở vào kinh đô tấu trình lên hoàng thượng [Tự Đức] kết quả chuyến đi [tảo thanh ấy]; và xin lên đường vào Sài Gòn [tiếp tục nhiệm vụ bàn định,] kí kết thương ước với đề đốc Krantz” (3).

 

b. Trích “Đại Nam thực lục”, tháng 6 Nhâm tuất (từ 14-7 đến 12-8-1874):

 

      “Khi ấy, bọn khâm sai Nguyễn Văn Tường theo [lệnh] dụ [của vua] đi tàu thuỷ nước Tây, đem ngay thuyền công và thuyền đánh cá, chia ra bắn vào đồn giặc ở các xứ Mũi Dao, Đèo Con, Thần Đầu, đốt hết cả, giặc sợ, chạy tan. Thống đốc Lê Bá Thận cùng quân các đạo kế tiếp tiến đến. Giặc nghe đại binh tiến đến, bỏ thành huyện Kỳ Anh trốn đi[người trích nhấn mạnh]  […] (4).

 

      […] Lê Bá Thận lại tâu: “Lần này quan quân đến gần thành đạo [Hà Tĩnh], bọn giặc liền trốn ngay từ trước…” [người trích nhấn mạnh](4).

 

4. Sau khi cuộc nội chiến lương – giáo Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình vào năm 1874 đã tạm yên, triều đình Tự Đức còn phải đánh giá tình hình và giải quyết những hậu quả của vụ việc:

 

      “Vua dụ bọn Lê Bá Thận rằng: “Trẫm nghe quan quân đi đến đâu, dân trong hạt phần nhiều đem sản vật thổ ngơi khoản tiếp, chẳng những có thẹn vừa đổi, còn có thể đổi được lỗi trước. Tuy đem [chỉ] giỏ cơm bầu nước để rước quân nhà vua, [mà] đối với đời xưa, có kém gì. Hiện nay đường chạy trạm đã thông, quan quân thứ các ngươi phải nên xem cơ hội đánh bắt, cốt cho kẻ có tội phải chịu tội với pháp luật, người bị hiếp phải theo thì chớ trị tội, để kịp rút quân về được sớm””  (4).

 

Nguyễn Hữu Lập (Sở Thương bạc) cũng tâu: “Nay việc Nghệ – Tĩnh đã yên, mà dân giáo tụ họp chia đặt để báo thù, đốt [nhà], giết [người]; giặc biển ở Bắc Kì quấy nhiễu. Tướng nước Pháp từng muốn đánh giúp, để tiện mở thông thương. Xin [thông] tư cho sứ thần [Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn] đem việc ấy bàn với tướng Pháp [để] phân xử, ngõ hầu mong được chóng yên việc”. Vua nghe theo” (5).

 

Một năm sau, vào tháng 3 năm Ất hợi (từ 06-4 đến 05-5-1875), vụ việc vẫn còn rắc rối do sự nhũng nhiễu, đòi bồi thường và báo thù của cố đạo Gauthier, Croc, giáo dân Nghệ  – Tĩnh, Tự Đức lại phải ra dụ khuyên bảo họ:

“Dân lương hay dân giáo đều là dân ta, thì đều là con đỏ của ta. Tự thù hằn nhau, đã là không nên, lại thù hằn với người Pháp, còn ra thế nào? […] Huống chi lại chống cả người Pháp, chống cả quan… […] Dân giáo của ngươi nhiều người bị chết, dân lương há không chết nhiều ư? Bảo rằng của cải dân giáo mất nhiều, dân lương bị mất, so với ngươi há lại chẳng gấp đôi ư? Nếu hết thảy phải đền [cho] ngươi, thì dân lương bị mất, sẽ ai phải đền?… Trong khi chiến tranh, ngọc, đá đều cháy [người trích dẫn nhấn mạnh] […]. Triều đình xử trí cho hai bên không ngờ ghét nhau…”  (6).

   III. Qua những đoạn tư liệu gốc của nước ta và cả một đoạn tư liệu của Pháp được trích dẫn trên, chúng ta có thể thấy rõ:

1. Có lẽ người phụ trách trả lời câu hỏi của ông Lê Anh Đào (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum) căn cứ vào “Việt Nam sử lược” (7) của Trần Trọng Kim. Ở điểm này, Trần Trọng Kim đã viết lệch, chỉ nói một phần ba chứ chưa được một nửa sự thật lịch sử. Cần cải chính, bổ sung và nhấn mạnh là: Chính cánh quân tiến vào từ phía Bắc do Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Đình Thi, Trương Văn Đễ chỉ huy mới là mũi tấn công chủ lực và cũng chính cánh quân này đã dẹp tan gần như trọn vẹn cuộc nội chiến lương – giáo ở Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình vào năm 1874. Cánh quân của Lê Bá Thận, Nguyễn Văn Tường từ phía Nam tiến ra, cứ lần chần, phân vân, chưa dứt khoát, cho đến khi Krantz sốt ruột vì thương ước chưa kí, nên y sai một viên sĩ quan Pháp cùng linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư lên tàu thuỷ chạy ra Huế, rồi từ Huế, mang theo lệnh dụ cuả vua Tự Đức, chạy ra Hà Tĩnh. Theo lệnh dụ, nhóm khâm sai, trong đó có Nguyễn Văn Tường, phải lên tàu thuỷ của Pháp. Tàu thuỷ Pháp cùng tàu thuyền quân dân nhà Nguyễn chỉ bắn đuổi theo những tàn binh lương – giáo (họ thấy bóng tàu đã bỏ chạy), và có lẽ chỉ bắn với mức răn đe, trong nội một ngày. Sau đó, tàu thuỷ Pháp chở Nguyễn Văn Tường vào Huế, để kịp vào Gia Định cùng Krantz bàn định thương ước, theo nhiệm vụ Tự Đức giao phó.

2. Quan điểm về vấn đề “bình Tây sát tả”, phong trào Văn thân và về “hoà” ước 1874 của Nguyễn Văn Tường đã thể hiện rất rõ ở các bản tấu, bài thơ của ông và ngay cả trong nhận định của thực dân Pháp:

a. “Việc lương – đạo thù nhau, thần đã từng lấy làm lo. Đã cho đạo binh kinh lược [của Nguyễn Chính (Chánh)] đi nhanh để trấn áp và [thông] tư cho các tỉnh bắt giữ, phủ dụ, khiến cho cùng yên… Thần trộm xét sự thế Bắc Kỳ dần dần sẽ xong, chỉ có việc lương – đạo không yên làm cho các việc nhân đó mà đổi khác” (Nguyễn Văn Tường, châu bản, tấu, ngày mùng năm [05] tháng chạp [12] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu, [1973, đầu năm 1874]) (8).

“Nay mai việc lương – đạo ở các tỉnh khá yên, chỉ còn lại vài tên côn đồ thì đã có đạo binh của quan kinh lược [Nguyễn Chính] tuỳ cơ tiễu trừ, phủ dụ, ít lâu sẽ xong. Duy thần trộm nghĩ, muốn việc về sau tốt đẹp thì nên xem chuyện lương – đạo là rất quan trọng. Kẻ gánh vác phải có nhiều cách thể hiểu dụ, dạy bảo khiến cho người ta trông cậy ở mình mà không sợ hãi, tin mình mà không nghi, mới có thể cùng quay về điều tốt đẹp” (Nguyễn Văn Tường, châu bản, tấu, ngày mùng năm [05] tháng chạp [12] năm Tự Đức thứ hai mươi sáu [26], Quý dậu [1873, đầu năm 1874]). (8).

 

(Ảnh tư liệu: Kỉ yếu Hội nghị khoa học, ĐHSP.TPHCM., 1996)

 

b. Kí phỏng Đặng tú tài

 

Kỉ kinh sương tuyết phí mang bôn

Hồi ức tiên giao cứu trượng hồn

Hoàng Thạch phi vô phương lược tại

Truyền thư khước hận tải không ngôn!

 

                    (thơ Nguyễn Văn Tường)

 

Gửi tú tài họ Đặng

 

Trải bao sương tuyết, phí in lòng

Thường nhớ, keo sơn, cứu chí ông

Hoàng Thạch đâu chăng, phương lược đó

Gửi thư bèn hận, chuyển lời không! (9)

 

(Ảnh tư liệu của PGs.Ts. Đỗ Bang)

 

c. Ngày 30.11.1881, bảy năm sau, tên thực dân Rheinart còn viết thư báo cáo, với cách nhận định sự thực theo cái nhìn và ý định “thực dân hạng nặng” của y:

      “Khi trở thành đứng đầu phe cứng rắn, chính [Nguyễn Văn] Tường đã xúi Tự Đức coi thường hiệp ước năm 1874. Do đó, làm cho mối quan hệ Việt – Pháp suy thoái dần” (10).

3. Chúng ta có thể kết luận khái quát về tình hình một cách vắn tắt như sau: Trước khi chấp nhận cưỡng ước 1862 (Nhâm tuất), triều đình Tự Đức và hầu hết các quan cũng chủ trương “bình Tây sát tả”. Nhưng đến thời điểm 1873 (Quý dậu), tình hình đã khác. Bốn tỉnh ở Bắc Kỳ bị thất thủ do Françis Garnier tuân lệnh Dupré ra Bắc quấy nhiễu để làm sức ép, sau nhiều tháng đấu tranh với sứ bộ Lê Tuấn – Nguyễn Văn Tường tại Gia Định; và giáo dân Bắc Kỳ (cũng như Nghệ – Tĩnh) ra mặt ủng hộ giặc Pháp. Riêng ở Bắc Kỳ, Françis Garnier đã tuyển mộ đến 12.000 quân nguỵ, cất đặt nhiều giáo dân làm quan chức, do Puginier tiến cử, như tên thợ rèn “tổng đốc” Trương, kẻ toan tính mưu sát Nguyễn Văn Tường. Trước tình huống đó, triều đình phải nhân nhượng thực dân Pháp, thi hành chủ trương hai mặt, “thoả hiệp tạm thời” (11). Đây cũng chính là bi kịch của vua quan triều Tự Đức.

 

Tuy sự thể là vậy, nhưng cũng cần lưu ý thêm: Qua bài hịch của Trần Tấn, Đặng Như Mai, chúng ta thấy chủ trương của phong trào “Bình Tây sát tả Nghệ – Tĩnh”, vốn có từ nhiều năm trước, đến năm 1874 mới nổ ra dữ dội, chủ trương ấy vẫn chủ yếu thiên về sát tả đạo, chứ không xem nhiệm vụ bình Tây là chính, đặt bình Tây trước nhiệm vụ sát tả, như câu chủ trương của triều đình và sĩ phu văn thân.

 

Do đó, diễn biến vụ việc buộc triều đình phải trấn dẹp cả lương lẫn giáo (“ngọc đá đều cháy”). Có thể nói “dẫu sao, ấy vẫn là cách xử trí đơn giản mà thiết thực nhất, như thể hai đứa em nhỏ trong nhà bị người lạ ác tâm kích động đến mức ẩu đả nhau u đầu sứt trán, thì người anh cả chỉ còn cách lôi hai đứa ra hai đường sau khi quất cho mỗi đứa vài roi vào mông, để còn thời giờ đối phó với người lạ ác tâm! Ví von thế là xúc phạm, nhưng ví von nào chẳng khập khiễng!” (người viết tự trích dẫn) (12).

 

Vắn tắt sự việc là như thế. Có thể xem kĩ hơn ở bộ sách: “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (tác giả Trần Xuân An), Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004 (13).

 

TRẦN XUÂN AN

10-5 HB7 (2007)

 

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, chính biên (ĐNTL.CB.), Tổ phiên dịch Viện Sử học, tập 33, Nxb. Khoa học xã hội, 1975, tr. 10-11.

(2) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 68-70.

(3) “Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hué)”, bài “Hoà ước 1874, Nhật kí của thư kí sứ bộ An Nam” của linh mục Nguyễn Hữu Cư (còn có tên là Thơ), tập VII (1920), Bửu Ý, Đặng Như Tùng, dịch, Nxb. Thuận Hoá, 2001, tr. 487. Krantz lúc này đã sang thay Dupré.

(4) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 77-78.

(5) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 78.

(6) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 186-189.

(7) Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 1999, tr. 549-550; đối chiếu với bản in lần thứ bảy, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 520-521.

(8) Dẫn theo: “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, bài “Nguyễn Văn Tường qua châu bản triều Nguyễn” của Trần Viết Ngạc, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, tr. 216; bài dã dẫn, tạp chí Xưa & Nay, số 100, tháng 9.2001, tr, 14 – 16 xem tiếp tr. 32.

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep4_II.htm

(9) Trần Xuân An (biên soạn [chú giải, chuyển lại ngôn ngữ thơ…]), “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – thơ -- Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”  (NVT. -- T. -- VNVCNTH. & TT.), Trần Viết Ngạc sưu tầm, giới thiệu, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển dịch thơ, giới thiệu, Nguyễn Tôn Nhan dịch nghĩa, TS. Ngô Thời Đôn hiệu đính, TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng khảo luận sử học, bản in vi tính, 2000 & 2003 (chưa xuất bản), bài thơ số 44, bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch thơ của Trần Xuân An, tr. 287 – 288. Tú tài họ Đặng trong bài thơ chưa hẳn là Đặng Như Mai, nhưng chắc hẳn cũng cùng tư tưởng, tâm trạng như ông.

Có thể xem tại:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_13.htm

(10) Tài liệu lưu trữ của Pháp, AOM. Aix. Amiraux 12940, Rheinart (khâm sứ tại Huế) gửi thống đốc Pháp tại Nam Kỳ, Huế, ngày 30-11-1881 (09-10 Tân tị, Tự Đức thứ 34); xem thêm: Georges Taboulet, “La geste français en Indochine” (“Bản hùng ca của Pháp tại Đông Dương”), Paris, 1955-1956, tập II, tr. 741, số 1.  Dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa”, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên, Ban KHXH. Thành uỷ TP.HCM. xb., 1993, tr. 270. 

Xin lưu ý: Sự kiện và thời điểm bài viết phân tích là vụ trấn áp cuộc nội chiến lương -- giáo ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vào năm 1874, với trọng tâm là chủ trương tạm thời "ngọc đá đều cháy".

Tuy nhiên, nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử không phải là một khúc gỗ bị cưa rời ra khỏi thân cây, khô chết, mà là một phần không thể tách rời của một thân cây sống, đang trong tiến trình phát triển. Lịch sử phải được phân tích, nhận định trong quá trình phát triển biện chứng của nó.

Trong bài viết trên, tôi xem việc trích dẫn tư liệu là chính, còn phần lời dẫn, tôi cố gắng viết thật ngắn gọn. Tuy vậy, tôi cũng đã làm sáng tỏ sự gắn bó, ủng hộ phong trào Văn thân của Nguyễn Văn Tường ngay ở thời điểm đầy bi kịch 1874.

Vui lòng xem thêm các chương, các bài khác: 1875, Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục quan tâm đến hệ thống sơn phòng (nhấn mạnh kinh nghiệm thời còn là tri huyện, bang biện huyện Thành Hoá [Cam Lộ], Quảng Trị). Đến 1881, lúc thực dân Pháp bắt đầu lộ hẳn ý đồ xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2, và sau cuộc tấn công cửa Thuận An (Huế), buộc triều đình Đại Nam chấp nhận cưỡng ước Quý mùi 1883 [Harmand -- Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp] (Hiệp Hoà cùng phe chủ "hoà" thực sự đầu hàng), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không những ủng hộ lực lượng Văn thân mà còn trực tiếp xây dựng, phát triển phong trào này. Sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (5-7-1885), phong trào Văn thân được gọi tên là Cần vương. Tôn Thất Thuyết chính thức trở thành lãnh tụ của phong trào; Nguyễn Văn Tường mặc dù ở lại Huế, nhưng vẫn gắn bó với phong trào Cần vương cho đến lúc bị bắt vào Gia Định, rồi ông bị đày ra Côn Đảo, cuối cùng bị đày sang Tahiti và qua đời ở hòn đảo ấy (1886). Bản án chung thẩm (10-1885) đã xác quyết vị trí đứng đầu nhóm chủ chiến, vai trò quan trọng của ông trong phong trào Cần vương.

Xem thêm: Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), một người trung nghĩa", Nxb. Thanh Niên, 2006:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nguyen_vtnntntxtkhduoc_b1.htm ...

 

(11) Lénine: “Thoả hiệp với kẻ thù mà có lợi cho cách mạng, chúng ta vẫn sẵn sàng thoả hiệp”; ý tưởng ấy thể hiện trong việc thoả hiệp với phát-xít Đức ngay sau Cách mạng Tháng mười trước sự tấn công của các nước đế quốc tư sản (hiệp ước Brest – Litovsk, ngày 13.5.1918); xin xem: Ban Tuyên huấn Trung ương, Vụ Huấn học, “Lịch sử thế giới”, Nxb. Sách Giáo khoa Mác – Lê-nin, 1975, tr. 80 – 82, 94. Sách lược thoả hiệp này còn được cách mạng nước ta thực hiện nhiều lần, cụ thể như “thoả ước” Moutet, 1946.

(12) Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (PCĐT.NVT.), Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 378.

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep4_II.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep5_II.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep6_II.htm

(13) PCĐT.NVT., sđd, truyện kí – khảo cứu thứ 7, chủ yếu ở các tr. 341, 353-362, 376-381,403-406. Người đọc cũng có thể xem đầy đủ các chi tiết được rút gọn và vài nét kiến giải khái quát về vụ việc này: Trần Xuân An, “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp”, Nxb. Thanh Niên, 2006, tr. 104, 107, 108, 109, chủ yếu là các tr. 110-112, 117.

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/tieu_sbnpcdtnvtuong_tep4.htm

(và các cuốn sách, bài viết khác về Nguyễn Văn Tường:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com )

 

 

 

Bổ sung bài viết, ngày 13-5 HB7 (2007), vào chú thích (10):

Xin lưu ý: Sự kiện và thời điểm bài viết phân tích là vụ trấn áp cuộc nội chiến lương -- giáo ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vào năm 1874, với trọng tâm là chủ trương tạm thời "ngọc đá đều cháy".

Tuy nhiên, nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử không phải là một khúc gỗ bị cưa rời ra khỏi thân cây, khô chết, mà là một phần không thể tách rời của một thân cây sống, đang trong tiến trình phát triển. Lịch sử phải được phân tích, nhận định trong quá trình phát triển biện chứng của nó.

Trong bài viết trên, tôi xem việc trích dẫn tư liệu là chính, còn phần lời dẫn, tôi cố gắng viết thật ngắn gọn. Tuy vậy, tôi cũng đã làm sáng tỏ sự gắn bó, ủng hộ phong trào Văn thân của Nguyễn Văn Tường ngay ở thời điểm đầy bi kịch 1874.

Vui lòng xem thêm các chương, các bài khác: 1875, Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục quan tâm đến hệ thống sơn phòng (nhấn mạnh kinh nghiệm thời còn là tri huyện, bang biện huyện Thành Hoá [Cam Lộ], Quảng Trị). Đến 1881, lúc thực dân Pháp bắt đầu lộ hẳn ý đồ xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2, và sau cuộc tấn công cửa Thuận An (Huế), buộc triều đình Đại Nam chấp nhận cưỡng ước Quý mùi 1883 [Harmand -- Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp] (Hiệp Hoà cùng phe chủ "hoà" thực sự đầu hàng), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không những ủng hộ lực lượng Văn thân mà còn trực tiếp xây dựng, phát triển phong trào này. Sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (5-7-1885), phong trào Văn thân được gọi tên là Cần vương. Tôn Thất Thuyết chính thức trở thành lãnh tụ của phong trào; Nguyễn Văn Tường mặc dù ở lại Huế, nhưng vẫn gắn bó với phong trào Cần vương cho đến lúc bị bắt vào Gia Định, rồi ông bị đày ra Côn Đảo, cuối cùng bị đày sang Tahiti và qua đời ở hòn đảo ấy (1886). Bản án chung thẩm (10-1885) đã xác quyết vị trí đứng đầu nhóm chủ chiến, vai trò quan trọng của ông trong phong trào Cần vương.

Xem thêm: Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), một người trung nghĩa", Nxb. Thanh Niên, 2006:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nguyen_vtnntntxtkhduoc_b1.htm ...

TXA.

 

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trang chủ:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 12-5 HB7 (2007) = 26-3 Đinh hợi HB7

13-5 HB7

31-5 HB7: Bài viết này đã được trích đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 284, tháng 5-2007, tr.42

& cùng vài bài khác (TXA. viết trong tháng 5-HB7), bài này cũng đã được đăng nguyên văn trên một tạp chí điện tử khác.