Trần Xuân An - Đầu đạn lưu cữu (truyện ngắn)

TRUYỆN NGẮN NÀY ĐÃ ĐƯỢC GỬI ĐẾN BBT. TTTĐT.HNV.TP.HCM., 26-12 HB15 (2015)

Đã đăng tại txawriter.wordpress.com & Facebook:

https://txawriter.wordpress.com/2015/12/29/dau-dan-luu-cuu-truyen-ngan-tran-xuan-an/

https://www.facebook.com/notes/trần-xuân-an/dau-dan-luu-cuu-truyen-ngan-tran-xuan-an/1651640548443223

Xin mời xem truyện thứ nhất về đề tài và các nhân vật này:

Song sinh Kẻ Diên

ĐẦU ĐẠN LƯU CỮU

Trần Xuân An

truyện ngắn

 

1

 

Ông Trảng đang đứng trên chiếc thang tre, cầm cọ để cùng với bạn cũ sơn lại, làm mới cái chuồng bồ câu nhà bạn. Bất ngờ, một chiếc xe máy từ ngoài ngõ lao vào, chạy băng qua mấy luống hoa trên sân, húc vào cột chuồng, khiến ông ngã xuống. Ông nằm ngửa bên chiếc thang. Sơn xanh đổ tung toé. Bạn ông, cũng như ông, ngã xuống phía kia, cách ông dăm mét. Còn chiếc xe Wave, cùng người lái nó, nằm ngay dưới cột chuồng bồ câu.

Hoá ra, đó là một người say rượu!

Không có gì trầm trọng lắm, cả ba người chỉ trầy chợt, bầm tím vài chỗ. Sau một ngày, hai người kia vẫn đúng là vậy, nhưng riêng cẳng chân ông Trảng, lại sưng to lên, đau nhức, bắp chân tím bầm. Ông ngờ là gãy xương hay vết thương cũ tái phát.

Người bạn cũ chở ông Trảng đến bệnh viện. Bác sĩ chỉ định ông đi qua phòng X-quang. Một tiếng đồng hồ sau, ông được khám lại. Bác sĩ đọc phim, bảo cẳng chân ông có một đầu đạn nằm ở trong đó đã lâu lắm rồi, cần phải mổ để lấy ra.

- Trường hợp sống chung với đầu đạn, miểng mìn này, báo chí thỉnh thoảng đăng tin. Tôi cũng đã xử lí trực tiếp vài bệnh nhân như vậy. Nay lại đến trường hợp anh. – Bác sĩ nói, nhếch môi cười nhẹ, trấn an –.

Ông Trảng lại lo về xương chân, còn đầu đạn lưu cữu ấy ông đã biết. Ông hỏi, bác sĩ bảo chỗ xương bị mẻ ngày xưa, nay hơi rạn lại, cần phải bó bột, khiến ông vừa mừng, vừa lo ngại. Mừng là không đến nỗi nào, lại gặp dịp lấy đầu đạn ra, nhưng lo ngại là phải mất ít ra cũng cả tháng trời bị cố định chân bằng thạch cao.

Ông Trảng phải nằm lại tại bệnh viện, sau khi được phẫu thuật và bó bột. Trên khúc băng tẩm bột trắng, từ quá đầu gối cho đến tận nửa bàn chân phải, có chừa một cái lỗ, đúng nơi miệng vết mổ ở cẳng chân, để y tá làm thuốc hằng ngày.

Đầu đạn được gói trong tấm gạc, đã rỉ sét, chỉ mới rửa bằng cồn và oxy già, nhưng ông biết, nếu cạo rửa, nó vẫn có thể sáng lên màu đồng nguyên vẹn. Đặt nó trong túi áo, thỉnh thoảng ông Trảng lại lấy ra, cầm trên tay, mân mê, ngắm nghía, rồi mắt lại xa vời, như nhìn ngược vào bên trong kí ức thời chiến tranh cách đây đã hơn 43 năm.

 

2

 

Ông Trảng nằm bệnh viện đến ngày thứ hai, anh em Trưng và Tre đã vào đến nơi. Chuyến xe khách chạy suốt Đông Hà – Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất hơn 24 giờ. Từ chỗ đỗ là Bến xe Miền Đông, hai anh em thuê xe thồ đến bệnh viện luôn, và cùng nhau lo chăm sóc ông Trảng thay người bạn cũ của ba.

Ông Trảng vui mừng khi thấy hai đứa con trai. Sau mấy câu thăm hỏi chuyện nhà ở Kẻ Diên, ông nói:

- Có cái may là nhân tiện lấy đầu đạn cách đây 43 năm ra luôn, nhưng xui thì cũng là xui thật!

- Cứ xem như trong cái rủi có cái hên đi ba. Ba cứ yên tâm tĩnh dưỡng, đừng âu lo chi hết, ba à. – Trưng nói –.

Chiều hôm đó, ông Trảng bảo Tre cầm đầu đạn ra tìm chỗ rửa, cạo thật sạch. Ông còn cẩn thận dặn dò Tre đừng để lỡ tay làm rơi mất. Hai anh em kéo nhau ra hành lang xem kĩ, rồi một mình Tre đi về phía dãy phòng vệ sinh, tìm vòi nước.

Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, Tre mang vào phòng bệnh cho ba. Ông Trảng ngắm nghía đầu đạn đã sáng lại màu đồng. Ông buột miệng:

- Đúng là đầu đạn AK! Chưa cạo, rửa, đã biết chắc như rứa rồi! Bây chừ, càng rõ! Rứa mà mấy chục năm nay không biết đạn AR15 hay AK47!

- Như vậy là sao hở ba? – Tre hỏi –.

Ông Trảng không nói gì. Ông chìm sâu vào kí ức của mình.

Mãi đến tối, sau khi dùng bữa khá lâu, ông mới chuyện trò khe khẽ với hai đứa con trai, trong khi ba bệnh nhân khác và người nhà của họ đang chăm chú dán mắt vào khung kính máy truyền hình.

- Tại vì lúc đó là thời chiến tranh. Trận chiến ấy lại rất khốc liệt. Quân của cả hai phía lẫn lộn vào nhau, bắn nhau loạn xạ, bùn đất bê bết, tùm lum. Bóng đêm chỉ thỉnh thoảng loé sáng lên bởi lựu đạn hay mìn. Với lại, lựu đạn sáng, hoả châu chắc cũng hết sạch, hoặc vẫn còn nhưng không ai dám ném, không ai dám bắn lên trời, vì người ném, nhất là người bắn, sợ chính họ trở thành mục tiêu, lãnh đạn ngay. – Ngừng một lát, ông Trảng nói như trong cơn mê hồi ức –. Súng ống của phe đỏ, có khi lính phe vàng chộp được, dùng luôn. Lính phe đỏ cũng rứa, có khi đoạt được súng phe vàng, cùng xài luôn.

- Trận đó ở chỗ nào, ba? – Tre hỏi nhỏ –.

- Ở Quảng Trị mình chứ đâu! – Ông Trảng cũng đáp rất nhỏ tiếng –.

- Ở làng nào, hay ở Thành Cổ?  

- Ở... – Ông Trảng kịp nín lại, không nói rõ địa danh –. Thôi, đừng hỏi cụ thể làm chi...

Hai anh em Tre và Trưng vẫn đang sốt ruột, muốn biết thật cặn kẽ, nhưng sợ ba buồn lòng, nên không ai dám hỏi gì thêm.

- AR15 hay AK47 thì cũng đều là của “đầu sỏ Mỹ”, của “quan thầy Nga Sô – Trung cộng” cả! – Ông Trảng lại nói rất khẽ như thể nói một mình, với hai cụm từ thời Chiến tranh Lạnh, hai phe đỏ và vàng thường sử dụng trên Đài Hà Nội, Đài Giải Phóng, Đài Sài Gòn, Đài Tự Do và các đài phát thanh khác nữa, hồi đó –. Phe nào, đỏ hay vàng, cũng đều đánh giặc ngoại bang cả! Giặc ngoại bang đằng sau lưng của mỗi phe! Xót xa thật! – Ông Trảng cười héo hắt –.

- Còn Pháp, Nhật, thưa ba? – Trưng hỏi –.

- Sau 1945, thực dân Pháp, phát xít Nhật còn là cái quái gì nữa! Nhật đầu hàng, tan hoang. Pháp vốn bại trận, bị chiếm đóng ở châu Âu, nên từ thời điểm đó, nhếch nhác, như cái xác không hồn. Thực chất, từ 1949, Quốc gia Việt Nam đã đi với Mỹ và Khối Tự do rồi. – Ông Trảng lại im lặng, khép hờ mắt, trầm tư –.

- Nói cho đầy đủ hơn một chút, – Ông Trảng bỗng mở mắt, nói tiếp –, thì Cách mạng Tháng Tám được Phe Đồng minh, cụ thể là Mỹ ở Đông Dương ủng hộ. Vua Bảo Đại cũng đồng thuận trao ấn kiếm, đi với Việt Minh. Nhưng, Việt Minh thực chất là cộng sản... Và từ 1948, 1949, nhất là từ 1951, 1952, Việt Minh đã hoàn toàn lộ diện, công khai ghi vào điều lệ Đảng Lao động, tức là Đảng Cộng sản tái hoạt động với tên đó, là tuân phục theo Lê-nin, Sta-lin, Mao Trạch Đông, mà Sta-lin, Mao là hai lãnh tụ hai nước lớn còn sống! Sta-lin uỷ nhiệm cho Mao phụ trách! Thật là vô tiền khoáng hậu! Thế là quá rõ, Việt Nam dân chủ cộng hoà là chư hầu! Do đó, từ 1948, 1949, nhiều người đã trở về với Quốc gia Việt Nam của vua Bảo Đại, để được sự ủng hộ, viện trợ của Mỹ và Khối Tự do, nhằm giành độc lập. – Ông Trảng ngừng lại, rồi nói thêm –. Đó là chuyện thuộc thế hệ cỡ tuổi ông nội của hai con, chứ thế hệ của ba là từ sau 1954. Năm 1970, ba mới phải đi lính. – Ông Trảng lại im lặng, suy nghĩ, và lại khép hờ đôi mắt –.

Một lúc khá lâu, ông mới nhướng mắt lên, hỏi Tre:

- Tre có biết cô giáo, nghệ sĩ Sông Hiếu mà, phải không?

Ngạc nhiên, Tre thưa:

- Dạ, con biết cô nớ chứ. Cô nớ ngâm thơ, đọc diễn cảm hai bài ca dao Kẻ Diên...

- Đúng rồi. Ba nhớ có lần ba nói với con là, tưởng ai xa lạ, chứ khi hỏi con rằng nghệ sĩ Sông Hiếu con ai, ở làng mô, ba nghe con trả lời, ba đã nói ngay, chú của Sông Hiếu chính là trung đội phó của trung đội ba hồi đó. Trung đội đó, ba làm trung đội trưởng.

- Dạ, chừ con mới nhớ...

Tre chưa kịp hỏi gì thêm, ông Trảng đã nói:

- Chú của nghệ sĩ Sông Hiếu tên là Trưa, Phạm Văn Trưa. Chú Trưa hồi đó, có lần nói đùa, không biết mũi đạn trong cẳng chân ba do phe đỏ hay phe vàng bắn. Nếu muốn biết, giả dụ có phẫu thuật, lấy ra mũi đạn ra, cũng không biết được! Đó, như ba đã nói lúc nãy, khi đó mặt trận loạn xạ, đỏ với vàng lẫn lộn vào nhau, việc chộp được hay lượm được súng của nhau là không có chi lạ. Với lại, có khi bắn lầm người thuộc phe mình nữa!... – Ông Trảng chợt cười, mắt tươi lên –. Nhưng không biết phe nào bắn như rứa, cũng hay. Dù sao đi nữa, bây giờ Đất nước cũng đã thống nhất, độc lập, chỉ cần độc lập hơn nữa, và dân chủ thật sự, công bằng thật sự, mạnh dạn thay đổi những gì cần thay đổi, thu hồi biển đảo bị xâm chiếm...

Ông Trảng không nói gì thêm. Tre và Trưng cũng không dám hỏi ba thêm câu nào. Ba bệnh nhân cùng phòng và người thân của họ vẫn đang dán mắt vào màn hình nhỏ.

 

3

 

Ánh Sương và Sông Xanh đặt gói cam trên chiếc tủ nhỏ, bên cạnh giường ông Trảng đang nằm. Tre và Trưng cũng đứng gần đó. Ông Trảng đã qua mấy giây ngạc nhiên, sau khi biết hai cô gái này là bạn Facebook của hai đứa con trai song sinh. Đây là lần đầu tiên họ gặp mặt nhau, sau gần hai năm dài kết bạn với nhau trên mạng xã hội.

- Mạng xã hội! Facebook! Cũng vui thật! – Ông Trảng cười và nói, sau khi rướn người lên, kê lưng trên gối, đầu tựa vào thanh sắt tròn trên đầu giường, nửa ngồi nửa nằm –. Bác cũng đỡ rồi! Cảm ơn hai cháu nghe! – Mặc dù đã nghe Tre giới thiệu, nhưng ông Trảng cũng hỏi lại –. Hai cháu là người dưới Miền Tây? Đang học ở Đại học Tài nguyên và Môi trường tại thành phố này?

- Dạ. – Sông Xanh đáp –.

- Năm thứ mấy rồi?

- Dạ, bọn cháu đang học năm thứ ba.

Sau một vài câu thăm hỏi nữa, bốn người bạn trẻ Facebook xin phép ông Trảng để ra vườn hoa ngay trước dãy phòng đây, chuyện trò với nhau trong lần gặp gỡ trực tiếp bất ngờ này.

Cả bốn người đều vui, và rõ là thân thiện với nhau lâu rồi, vì đã nhiều lần chuyện trò với nhau bằng bàn phím và hội thoại bằng giọng nói qua mạng toàn cầu. Họ cùng ngồi trên một băng ghế đá.

Hỏi thăm, chuyện trò với nhau đủ thứ chuyện đã và đang diễn ra trên Facebook cũng như chuyện học hành, làm ăn của nhau. Thú vị nhất là khi Tre nhắc đến chứng bệnh tâm lí đã khỏi của Sông Xanh, bệnh ám ảnh bởi mùi cống rãnh! Sông Xanh phá ra cười. Ánh Sương cũng bật cười.

- Nếu gọi đó là bệnh, thì rất may là đã lành hẳn. – Sông Xanh nói –. Và ngộ thật, ngành tài nguyên - môi trường, vốn là tài nguyên thiên nhiên, môi trường vật chất, đã dần dà, với Sông Xanh, trở thành ngành tài nguyên con người, môi trường văn hoá mất rồi!

                                                              Xem tiếp ở trang bên   =====>>> 

                            

- Như vậy, kênh nước đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại trở thành các loại kênh truyền hình, internet rồi chắc? Và nhiều loại kênh thông tin, tuyên truyền khác nữa! – Tre nói –.

- Không dám đâu, anh Tre! Đừng suy diễn. Đó là bạn Ánh Sương trêu Sông Xanh đó mà!

- Trêu gì! Trong thực tế, gần hai năm nay, trong tủ sách nhỏ của Sông Xanh, sách chuyên môn đang học thì ít, mà sách văn học, văn hoá – xã hội, nhất là sử học thì nhiều! – Ánh Sương nói với nụ cười –.

- Như thế cũng tốt, chứ sao! – Tre lại nói –. Đúng là các loại kênh truyền thông, giáo dục của nước mình từ lâu rồi bị ô nhiễm quá nặng, thành các kênh nhọ đen... Nhưng thôi, bọn mình nói chuyện gì khác đi. Dù sao cũng thật là đáng quý khi chúng mình bất ngờ được gặp mặt nhau thế này, không phải trên thế giới ảo Facebook!

- Hai bạn và Tre có nhớ đến cô giáo, nghệ sĩ Sông Hiếu không? Ánh Sương và Sông Xanh nhớ thành viên Facebook đó chứ? – Trưng ngoái qua hai người bạn nữ, và nói –.

- Thì cũng trong nhóm Facebook mà! Sao không nhớ! – Sông Xanh nói –.

Tre rút điện thoại di động ra, tìm tên Sông Hiếu, và bấm gọi ngay. Trong khi nghe chuông đổ đằng kia đường sóng điện, Tre chợt tự trách mình nhanh nhẩu đoảng, có lẽ do vui mừng được gặp hai người bạn nữ Thành phố Hồ Chí Minh này. Biết đâu, giờ này, Sông Hiếu đang bận phải giảng dạy!

Nhưng Tre lại cười vui, vì sau khi anh hỏi Sông Hiếu có rảnh không, Sông Hiếu đáp là có. Tre liền nói với Sông Hiếu về cuộc gặp gỡ bất ngờ này của họ, rồi chuyển điện thoại cho Sông Xanh.

Một cuộc chuyện trò với điện thoại chuyền tay cả bốn người thật vui vẻ.

Buổi chiều, nắng vẫn còn rực rỡ, chói chang, nhưng may là công viên của bệnh viện có nhiều gốc cây rợp bóng mát và những khuôn hoa tươi tắn.

 

4

 

Nhà bạn cũ của ông Trảng không có nhiều phòng, mặc dù vẫn còn thừa đất làm sân, trồng hoa và dựng chuồng chim bồ câu. Đây là loại nhà đất thường thấy ở nông thôn, mặc dù địa chỉ chính xác thuộc quận Thủ Đức, tại thành phố đông và rộng nhất nước này.

Theo nhã ý của vợ chồng bạn cũ, ông Trảng đã được hai người con trai song sinh đưa về ngôi nhà ấy để tạm ở, tiếp tục uống thuốc theo đơn bác sĩ đã kê. Vết mổ đã ổn định, đang đơm da non, nhưng vẫn chưa đến ngày tháo băng bột.

Sáng nay, cả hai vợ chồng bạn đã đi làm. Nhà chỉ còn ba cha con ông Trảng.

Như đã hẹn với ông Xuân (1), một bạn cũ khác, vốn là người đồng hương Quảng Trị, nên ông Trảng đã bảo con trai gấp lại chiếc giường xếp mà chủ nhà đã dành cho ông, được đặt tại phòng khách. Gối kê đầu dành cho Tre và Trưng, để hai chàng trai này đặt ngay tại một khoảng nền trống, nơi họ nằm kề bên giường sắt gấp của ba, cũng đã được dọn đi. Phòng khách lại gọn nhưng thoáng, như những ngày ba cha con họ chưa vào đây tạm trú.

Ông Trảng ngồi trên ghế sa lông, chiếc nạng gỗ đặt một bên.

Và rồi ông Xuân đã đến. Tre đi nhanh ra mở cổng, với nụ cười cảm mến.

Ông Xuân dựng xe gắn máy trên sân, nơi ông Trảng ngã xuống vào tuần trước, giờ đây còn phải chịu nông nỗi này. Ông bước vào nhà cùng với Tre.

Hai người bạn cũ đã đứng tuổi gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Trưng từ nhà sau, bưng tới hai li nước, đặt trên bàn, khẽ mời ba và chú Xuân.

Ông Xuân đặt một gói nhỏ, bên trong là một hộp sâm khô thái lát, vào tay của bạn.

- Thật là không may! Ở ngoài mình vào thăm bạn bè, chưa được vài hôm, anh đã bị tai nạn thế này! Nhưng rồi cũng tai qua nạn khỏi, phải không anh? – Ông Xuân nói, an ủi bạn –. Cũng nhờ Tre gọi điện thoại báo tin, chứ không thì làm sao tôi biết để tới thăm anh!

- Cảm ơn bạn Xuân nhiều lắm. Tôi vào đây, chưa kịp đến nhà bạn để thăm, lại gặp phải tình cảnh khiến bạn phải đến thăm tôi! – Ông Trảng cười gượng, nhưng vẫn rất thân tình –.

Câu chuyện giữa hai người bạn cũ lại dẫn đến đầu đạn AK trong cẳng chân ông Trảng 43 năm nay. Ông Trảng bảo Trưng mang đầu đạn được gói trong miếng gạc ra, và ông mở, đưa cho ông Xuân xem. Ông Xuân cầm trên tay, xúc động:

- Thế mà lại hay cho anh! Đây thật đúng là vết tích cụ thể, rất cụ thể, của chiến tranh. – Ông Xuân diễn ra thành văn xuôi hai câu thơ tâm đắc của mình –. Người lính Việt Nam hai chiến tuyến bắn nhau thật, nhưng thật sự là không phải bắn nhau, mà bắn những ngoại xâm nhân danh khai hoá, đồng minh, đồng chí, giải phóng, sau lưng nhau mà thôi!

- Bạn Xuân có còn nhớ bài ca dao Kẻ Diên “Tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn...” không?

- Làm sao mà quên được, anh Trảng! – Ông Xuân vẫn nhìn vào đầu đạn trên tay –. Đầu đạn này nhắc anh đến bảy cái trứng ung của con gà mái và ba con gà con của nó đã bị diều tha, quạ bắt, cắt lôi?

- Tuy không đến nỗi túng quẫn, nhưng tôi cũng đang ít nhiều bị xui xẻo như vậy. Và tôi đang nhớ đến cách giải mã của bạn về cảnh huống tận cùng bi đát trong bài ca dao, đặc biệt là câu bạn nói hồi nào đó: Hình như bài ca dao này có chứa đựng tinh thần phản chiến, phản ánh hoàn cảnh trai thiếu, gái thừa và gần như cảnh diệt chủng do gươm đao súng đạn mang lại!

Ông Xuân cười ngậm ngùi:

- Vì tôi ngẫm nghĩ, dường như qua việc liệt kê dài dằng dặc, lặp đi lặp lại các điệp từ, điệp ngữ, để diễn tả từ cái trứng thứ nhất đến cái trứng thứ bảy, người nông dân ngày xưa đâu chỉ nói đến những cái trứng gà không có trống, mà nói đến những năm tháng thanh xuân của bao người con gái, bao phụ nữ không chồng, vắng chồng, chết chồng vì chiến tranh. Và cũng tương tự như thế, dường như khi liệt kê, dùng điệp ngữ, để nói về ba con gà con đã có cơ may nở ra, chào đời, nhưng bị chiến tranh tha mất, bắt đi, lôi khỏi cuộc sống... – Ông Xuân nói, nén xúc động –. Anh lại nhớ đến điều đó sao?

Ông Trảng cũng cười buồn:

- Cầm đầu đạn chiến tranh hiện đại này, làm sao không liên tưởng đến tinh thần tố cáo chiến tranh thuở xưa... hình như là nội chiến Trịnh - Nguyễn... phải không bạn?

- Thì cũng dường như, hình như vậy thôi. Và thù oán trong bài ca dao Kẻ Diên thứ hai, bài “Một vác tre” ấy, hình như cũng là thù oán thời chiến tranh... Thậm chí, đó có thể là phản ánh sự phá hoại hậu phương của đối phương trong chiến tranh... – Ông Xuân lại cười buồn –. Nhưng, cũng giải mã một cách dè đặt thôi. Có thể ở tầng sâu ý nghĩa là như vậy!

Tre và Trưng vẫn đang ngồi cạnh ba và chú Xuân, lắng nghe. Sau một quãng im lặng giữa họ, Tre hơi ngập ngừng rồi anh thấy cũng cần phải nêu ra:

- Thưa ba và thưa chú, cháu rất xúc động khi nghe chú giải mã về tầng sâu của hai bài ca dao Kẻ Diên. Tuy vậy, ở bài “Mười cái trứng”, cháu thấy hình như có gì đó như là rẻ rúng thân phận bao người con gái, phụ nữ ngày xa xưa, khi so sánh ngầm họ với con gà mái bất hạnh, mặc dù thủ pháp nhân hoá là rất thông thường!

- Chú đã nghĩ đến điều đó, nên chú cũng rất dè đặt đưa ra cách giải mã như rứa. – Ông Xuân nhìn Tre với nụ cười quý mến trên môi –. Có điều, chắc cháu Tre biết thành ngữ khá phổ biến, đến nay mình vẫn còn dùng, đó là “cầm vợ đợ con”. Ngày xưa, vợ con như là hàng hoá! Cháu cũng biết chi tiết Cái Tý và ổ chó trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Cái Tý là một bé gái ngoan nhưng vẫn chỉ là một món hàng hoá, bị đặt ngang với ổ chó! Bối cảnh của “Tắt đèn” là khoảng những năm 20, 30 của thế kỉ XX, cách đây cũng chưa phải là xa lắm, nữa là thời đoạn mà chúng ta phỏng đoán là quãng Trịnh - Nguyễn phân tranh, chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, từ 1558 đến 1789, 1802, chủ yếu bảy trận trong vòng 45 năm, từ 1627 đến 1672! Vì rứa, Tre à, có thể ở bài “Mười cái trứng” chỉ là biểu đạt bằng phép ẩn dụ ta thường thấy trong văn chương, nhưng cũng có thể lưu dấu vết của thời chiến tranh xa xưa, trong đó có cảnh mua bán người lao động là nữ giới. Tuy không phải là “chợ người” hẳn, nhưng không phải không có những người nữ thất thế, neo đơn, nghèo khổ tìm đến chốn đông người là chợ để mong có ai đó cần người cày cuốc, chăn nuôi... – Ông Xuân nói –. Tiếp cận ở bình diện lâu nay là tiếp cận về cái thời vận cá nhân xui xẻo, đen tối, bế tắc, tức là cái thời vận có tính siêu hình, còn tiếp cận ở bình diện này lại có tính xã hội, tính hiện thực rõ rệt (2).

- Dạ vâng. Cháu hiểu rồi... Ngày xưa, tội nghiệp quá!

- Chú biết cháu và Trưng rất thích hai bài ca dao Kẻ Diên này. Chú có nghe nói cháu đã nhờ nghệ sĩ Sông Hiếu diễn ngâm, đọc diễn cảm, thu vào đĩa CD.

- Dạ, cũng cách đây mấy tháng rồi chú à. Cô ấy ngâm, đọc hay lắm...

Tre chợt hỏi, khi thấy chừng như chú Xuân đang định tạm biệt:

- Thưa chú, cho cháu mạn phép hỏi chú một điều nữa. Cháu thấy bất tiện quá, nhưng... Thế này chú à, cháu có đọc một truyện ngắn của chú, có những chi tiết hẳn là kỉ niệm về thời gian cuối những năm trung học của chính chú. Cháu đoán chắc nhân vật Xuân trong đó chính là chú. Phải vậy không, chú An? – Tre cười –.

Ông Xuân cũng cười, ngắt ngang:

- Chú có cước chú mà! Cứ gọi chú là chú Xuân. Xuân là chữ lót của họ tên, hay đúng ra là chữ thứ hai của họ Trần Xuân. Gọi rứa cho tự nhiên như nhân vật trong tiểu thuyết.

Tre vẫn giữ nụ cười trên môi, khẽ dạ, nói tiếp:

- Cháu băn khoăn mãi một nét, vâng, chỉ một nét thôi, của nhân vật Trương trong “Bướm trắng” của Nhất Linh. Đó là việc Trương xem mối tình với Thu như một giấc mộng ảo, trong chuỗi ngày bi đát, mang bệnh lao nan y của Trương, và thế rồi, sau khi biết mình khỏi bệnh, Trương về quê, lấy cô thôn nữ là Nhan làm vợ, như một cách chôn vùi cuộc đời mình... – Giọng của Tre cơ hồ run run –.

Ông Trảng giật mình, phác tay, muốn can ngăn Tre đừng nói nữa, và đưa ánh mắt nhìn ông Xuân, như ngỏ ý xin lỗi giúp con. Ông Xuân hiểu, ông hơi cúi đầu, nhưng rồi lại mỉm cười, nói với Tre:

- Đó là cách ứng xử thường là như vậy, trong tình huống như thế. Nhiều người như thế. Nhân vật Trương cũng thế... Nhưng nhiều người vẫn không sa đoạ, không biển thủ như Trương, nghĩa là không liều mạng làm hỏng đời mình trong tâm trạng bi phẫn, bi phẫn do số phận hay do thời cuộc. – Ông Xuân lại cúi đầu, rồi lại ngẩng lên, nhìn Tre –.

Tre nói, như theo một thôi thúc nào đó trong suy nghĩ đã lâu rồi:

- Cháu nghĩ thế hệ cháu cũng đang bị bệnh nan y, đó là bệnh mà cháu gọi là bệnh Bến Hải, bệnh Vĩ tuyến 17, bệnh thời chia cắt và bệnh thời nối liền Đất nước! – Tre phân vân, muốn tìm từ thật đích xác –. Cháu đã đọc sách của chú khá nhiều, cháu nghĩ, gọi chính xác hơn, đó là nỗi bệnh nạn nhân do văn - sử một chiều, chú à...

Ông Xuân ngẩn ngơ, tự hiểu thuật ngữ mà ông cùng nhiều người trong giới cầm bút thường dùng dù sao vẫn có sức mạnh phê phán lớn hơn, nhưng ông vẫn nói:

- Thế là cháu đã góp phần chẩn đoán được tâm hồn, tư tưởng của dăm ba thế hệ ở nước mình... Tuy vậy, cháu đã yêu thích hai bài ca dao về sức sống Kẻ Diên, nên chú tin cháu sẽ không để tuổi trẻ và cả cuộc đời mình lụi tàn, mà phải luôn vươn lên, một cách chính đáng, bằng chính tài sức, đức độ của mình.

Ông Xuân lại nói tiếp, khi những người có mặt trong cuộc thăm viếng, chuyện trò này đều im lặng:

- Anh Trảng, đầu đạn lưu cữu trong bắp chân anh là đây. – Ông Xuân chỉ ngón tay trỏ vào đầu đạn đang được đặt giữa tấm gạc trắng, trên bàn sa lông. – Nhưng thật ra, miểng đạn lưu cữu trong người tôi, và cả trong người anh, trong người cháu Tre, cháu Trưng... chỉ là bốn chữ: văn - sử một chiều! Rứa đó, anh à. Cảm ơn cháu Tre đã đồng cảm... – Giọng ông Xuân hơi nghèn nghẹn –.

Và như thể muốn thoát khỏi không khí đầy nỗi niềm tâm sự này, ông Xuân đứng dậy, muốn tỏ ý chia tay:

- Chúc anh Trảng mau hồi phục. Chúc hai cháu vui, khoẻ, thành đạt, đều cố gắng trở thành đại gia! – Ông Xuân dùng một từ thời thượng hiện nay với một nụ cười quý mến, chân thành dành cho hai chàng trai trẻ song sinh –.

Ông Trảng chống nạng một bên, tiễn bạn ra tận cửa nhà. Tre và Trưng tiễn ông Xuân ra tận ngõ. Ông Xuân nói bâng quơ như để lấp đầy khoảng trống lúc từ giã:

- Con đường này chú cũng thường hay đi. Hầu như chủ nhật nào chú cũng lên Gò Dưa thăm mộ, phải đi trên đường này.

Ông Xuân khởi động xe máy:

- Mai mốt chú cháu mình lại gặp nhau nghe!

Ông Xuân đi rồi, Tre vẫn còn đứng ngó theo. Anh nghe như trong tâm trí mình có tiếng dội âm: Đầu đạn Hiền Lương, miểng đạn Bến Hải... Mặc dù không được cụ thể nhắc đến trong cuộc chuyện trò này, nhưng ba chữ “Cầu Ý Hệ”, cùng với hai cụm từ “văn - sử một chiều”, “kênh nhọ đen”, lại dội âm vang vọng nhất. Đó là vết thương lịch sử của Đất nước, của hai Khối trên thế giới một thời Chiến tranh Lạnh... Sự thật lịch sử như thế là đã quá rõ rồi. Quốc gia, Cộng sản đều có niềm tự hào và đều có nỗi bi kịch.

Tre khép cổng, cài then, mở vuông cửa nhỏ ngang tầm mắt ở cánh cổng để khách ngoài cổng có thể nhìn vào, gọi mở cửa. Anh lững thững bước vào nhà.

Hai con chim bồ câu mới sà xuống sân, mổ nhặt thêm những hạt thóc hồi sáng sớm chúng còn để sót, chợt động cánh theo phản xạ khi nghe tiếng chân của Tre, nhưng rồi vẫn cứ mổ nhặt tiếp. Tre đi tránh qua một bên, bước lên thềm nhà, ngước nhìn chuồng bồ câu mà tuần trước, khi ba của Tre cùng bạn cũ của ông sơn lại, cả hai người đã bị té ngã do một gã say rượu lao xộc xe máy vào cột chuồng. Bị sơn dở dang, nhưng rồi chuồng cũng đã hoàn tất. Mùi sơn thơm nồng đã nhạt. Đàn bồ câu đã quen với “ngôi nhà lầu” bé xíu mới sơn quét của chúng. Có dăm con đang đứng rỉa cánh, ngó mông lung cây lá, trời mây và nắng, trên ban công chuồng. Tre chợt liên tưởng đến hai bài ca dao “Mười cái trứng”“Một vác tre” Kẻ Diên. Anh bỗng thấy mình sáng ra từ sự khơi gợi cảm nghĩ của ông Xuân trong cuộc chuyện trò vừa rồi.

Tựa vào cột xi măng trên thềm nhà, Tre cũng dè dặt nghĩ rằng, phải chăng bảy cái trứng ung là ẩn dụ về hậu phương vắng bóng đàn ông, con trai, do bảy trận đại chiến (1627-1672) thời Trịnh – Nguyễn phân tranh? Phải chăng ba cái trứng còn lại may mắn có trống, thành sự sống, nở thành ba con gà con, nhưng rồi cũng bị quân cường bạo, bị chiến tranh ngầm hay các trận chiến nhỏ lẻ, chớp nhoáng, như loài diều, quạ, mắt cắt, na đi, bắt mất, lôi khỏi cuộc sống? Và phải chăng hai câu lục bát kết, không nói về hình tượng ẩn dụ là gà mái, trứng, gà con nữa, mà nói khái quát về vạn vật chúng sinh với hình tượng khác đi, “còn da, lông mọc, còn chồi, nẩy cây”? Phải chăng hai tiếng “ai ơi” chính là nhãn tự, làm sáng tỏ rằng, chính người phụ nữ, chứ không gì khác, bên trong ẩn dụ thân phận con gà mái ở bài ca dao ấy? “Ai ơi”, hai tiếng ấy có thể để khẽ gọi bao người cùng cảnh ngộ chung quanh, có thể để tự gọi chính mình, nhưng chủ yếu vẫn là để khẽ gọi người nữ bất hạnh trong ẩn dụ là hình tượng con gà mái khốn khổ?

Tre xúc động đến ứa nước mắt với cảm thụ và suy tưởng của mình.

Lát sau, Tre mới bước vào phòng khách, nơi tạm trú của ba cha con anh.

Tre thấy ba anh vẫn ngồi ở chỗ cũ, cũng với chiếc nạng gỗ đặt một bên, và anh Trưng đang ngồi đối diện với ba.

Ông Trảng áp điện thoại di động vào tai, đôi môi mở ra nụ cười, có vẻ thú vị:

- Bạn đã đi đến đường Bạch Đằng rồi à? Tôi phải gọi điện thoại vói theo bạn để đọc hai câu thơ tôi mới chế biến lại từ bốn câu thơ tâm đắc của bạn. Xin lỗi trước, tôi chẳng rành thơ phú chi mô, cả đời chỉ võ vẽ vài ba câu, nhưng sáng nay hai câu thơ chế biến này nghe được lắm:

dựa giặc, giặc kề ta, chẳng sợ

sợ ai dựa giặc, giặc trong tim (3)

  Ông Trảng cười thành tiếng một cách khoái trá nhưng đượm chua xót –.

Tre đứng sững. Trưng cũng ngồi sững. Tre không nghe ông Xuân ở đầu kia đường sóng điện nói gì, hình như ông ấy cũng cười thành tiếng, mặc dù đang dừng xe bên lề đường phố.

T.X.A.

14:11, 23-12 – 08:40, 24-12 HB15 (2015)

_________________

(1) Nhân vật Xuân (An Trần Xuân, như danh tính của nhiều người khác trên mạng xã hội) chính là tác giả Trần Xuân An (T.X.A.).

(2) Căn cứ vào văn bản bài “Mười cái trứng”, cả hai cách giải mã đều hợp lí. Tôi dè đặt đưa ra cách giải mã thứ hai, theo phát hiện và cảm nhận của bản thân.

(3) dựa giặc, giặc kề ta, chẳng sợ

sợ ai dựa giặc, giặc trong tim

Miền Nam vắng bặt thơ tâng Mỹ

khinh nhạc chư hầu thé giọng kim

(thơ do Trần Xuân An viết, để khắc hoạ tính cách nhân vật ông Trảng) — 03-01 HB16 (2016).

Để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, xin lưu ý thêm: Các nhân vật trong truyện đều là sản phẩm tưởng tượng, do tác giả hư cấu để phản ánh hiện thực, chuyển tải những nội dung cần thiết.

---- Trân trọng mời xem tiếp truyện ngắn thứ ba, cùng đề tài, nhân vật:

CÓ THỂ TRONG NĂM NÀO SẮP ĐẾN

PHỤ ĐÍNH:

Bài 1:

Mười cái trứng

Tháng giêng

Tháng hai

Tháng ba

Tháng bốn

Tháng khốn

Tháng nạn

Đi vay

Đi tạm

Được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên

Mua con gà mái

Về nuôi

Hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng ung

Hai trứng ung

Ba trứng ung

Bốn trứng ung

Năm trứng ung

Sáu trứng ung

Bảy trứng ung

Còn ba trứng

Nở ra ba con:

Con diều tha!

Con quạ bắt!

Con mặc cắt lôi! (*)

Chớ lo phận khó, ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

(*) Mặc cắt (còn được phát âm là mắt cắt, mặt cắt) là một loại chim cắt.

Bài 2:

Một vác tre

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn,

tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi tạm

được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên

Mua một vác tre

Về che cái quán

Ai thù ai oán

Đốt quán tôi đi?

Tôi thương cái cột

Tôi nhớ cái kèo

Tôi thương cái đòn tay

Tôi nhớ cái cửa

Bạn nghèo gặp nhau.

(Ca dao Quảng Trị)

https://txawriter.wordpress.com/2015/12/19/toi-chi-muon-khac-sau-dieu-nay/

1945-1954-

1975

.

.

TRONG MỘT NĂM SẮP QUA, 2015, VÀ NĂM NGOÁI, 2014, TÔI CHỈ MUỐN KHẮC SÂU ĐIỀU NÀY:

TRONG GIAI ĐOẠN 1945-1954-1975, DÂN TỘC VIỆT NAM TRÊN HAI MIỀN ĐẤT NƯỚC ĐÃ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỰC DÂN PHÁP, PHÁT XÍT NHẬT, CAN THIỆP MỸ, ĐẾ QUỐC ĐỎ LIÊN XÔ, BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC.

ĐÓ LÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ. CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VÀ ĐỦ.

SỰ NHẬN THỨC ĐÚNG VÀ ĐỦ NHƯ VẬY CÓ LỢI CHO LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC VÀ HOÀ GIẢI DÂN TỘC HƠN LÀ CÁCH NHÌN PHIẾN DIỆN TRÊN LẬP TRƯỜNG CHẾ ĐỘ, THIÊN VỀ BÊN NÀY HAY BÊN KIA VĨ TUYẾN 17.

Dù sao đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận XƯƠNG MÁU của cả Miền Nam lẫn Miền Bắc.

Nếu phủ nhận miền này, đề cao miền kia là có tội với dân tộc Việt Nam nói chung; và như thế, chỉ là kẻ dối trá, như câu danh ngôn nổi tiếng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì chỉ là giả dối”.

T.X.A. (18-12 HB15 [2015])

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE