z. Bài 25-Tl.1 - Trần Xuân An (Nguyễn [Sài Gòn]) - Góp ý vào bài viết "Đa nguyên, vấn đề thời sự..."

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI HAI MƯƠI LĂM

 

 

NGUYỂN (Sài Gòn) (Trần Xuân An)

 

GÓP Ý VÀO BÀI VIẾT

“ĐA NGUYÊN, VẤN ĐỀ THỜI SỰ NỔI BẬT”

 

 

 

Không phải không hiểu, càng không phải là sự công kích, phê phán quyết liệt, mà chỉ là những ý kiến phản biện với mục đích làm rõ, đào sâu vấn đề được nêu ra trong bài viết của nhà văn (*) Trần Xuân An. Tôi nghĩ vậy, khi đọc những bình luận của độc giả về bài viết ấy.

 

Vượt lên trên tất cả những gì đã được BBCVietnammese.com ( bấm lên hàng này để đọc ) đăng tải trên trang này, phải chăng chúng ta nên cùng nhau và cùng kêu gọi mọi người góp tay xây dựng một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rộng mở, rộng mở nhưng cốt lõi vẫn là chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, bởi đất nước đã trải qua một cuộc “ngoại chiến” dài dằng đặc 131 năm (1858 – 1989). Nói là “ngoại chiến” là để nhấn mạnh rằng: Dân tộc Việt Nam bị phân hóa do sự nhân danh những ý hệ, tôn giáo ngoại lai, ngoại nhập, ngoại xâm trong cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc, bành trướng. Vì vậy, lẽ nào không xây dựng một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa biết tiếp thu tinh túy văn hóa nhân loại nhưng không đánh mất giá trị bản sắc dân tộc Việt Nam, không vay mượn (hay đội trên đầu) danh nghĩa ngoại lai, ngoại nhập? Để từ chủ nghĩa dân tộc Việt Nam rộng mở đó, quyết tâm tiến đến xây dựng một cơ chế lưỡng đảng đối lập trong tính thống nhất cho nền chính trị Việt Nam; và như thế là để nâng cao tầm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Cơ chế lưỡng đảng đối lập – thống nhất ấy cũng là con đường bảo vệ liêm sỉ, niềm tự hào của những con người Việt Nam thuần túy chân chính trước nạn độc quyền chính trị (hoặc catholique, hoặc bolsévik [!]). Đó là yêu cầu chính đáng, chính nghĩa, hết sức bức thiết của lịch sử.

 

Thiết tưởng, cần phải khẳng định rõ, chính việc xây dựng một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam truyền thống và hiện đại (không cực đoan, hẹp hòi) là để muôn đời con cháu mai sau tự hào về những giá trị Việt Nam đích thực (gồm cả những giá trị nhân loại được sàng lọc và Việt hóa một cách nhuần nhị), chứ không phải tự hào một cách khá nực cười về các ý hệ, tôn giáo ngoại lai, ngoại nhập. Trong thảo luận, không nên diễn dịch sai lệch theo cách ngụy biện để rồi quy chụp. Thật là bất công khi cho rằng tư tưởng nhà thơ Trần Xuân An nêu ra trong bài viết là dân tộc chủ nghĩa cực đoan, và do đó, nguy hiểm! Xin vui lòng đọc kĩ lại bài viết.

 

Chính chủ nghĩa dân tộc Việt Nam ấy là hệ tư tưởng của một chính đảng dân tộc chủ nghĩa, một chính đảng không sớm thì muộn cũng phải xuất hiện trên vũ đài lịch sử Việt Nam thế kỉ hai mươi mốt (XXI). Chắc hẳn nó sẽ được đại đa số nhân dân Việt Nam, gồm cả Phật giáo Việt Nam, hậu thuẫn, để đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập dưới sự chỉ đạo của Đệ tam Quốc tế Cộng sản.

 

Cũng cần xoáy sâu lại ý tưởng có vẻ mâu thuẫn này. Cộng sản hay Phật giáo tất nhiên cũng chỉ là ngoại lai, ngoại nhập, nhưng trong thực tế lịch sử lại có công với dân tộc Việt Nam, ít ra là ở phương diện chống ngoại xâm. Lịch sử là chuyện đã rồi. Nhưng cần nhìn thẳng vào sự thật, để công nhận hai thực thể chính trị ấy (Phật giáo Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam). Nhà thơ Trần Xuân An không phủ nhận và chống đối vai trò chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời ông cũng không phủ nhận vai trò tích cực của Phật giáo Việt Nam cổ, trung đại và cận, hiện đại. Nhưng Trần Xuân An đề xuất: Phật giáo Việt Nam từ nay phải là một tôn giáo thuần túy (như tôn chỉ của Phật Thích Ca); Phật giáo Việt Nam chỉ nên đóng vai trò hậu thuẫn cho chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam mà thôi.

 

Trong bài viết, cũng chứa đựng ý tưởng: Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia chính trị một cách bình đẳng (chỉ tính đến lí lịch bản thân, không chấp nhận “chủ nghĩa lí lịch ba đời”!). Điều đó, có nghĩa là ai cũng có quyền thoát li gia đình, họ tộc và đặc biệt là thoát li tôn giáo mà gia đình, họ tộc đã lỡ tin theo (cụ thể là Thiên Chúa giáo!) trước khi tham chính. Phải thoát li một cách rõ ràng, công khai và thành khẩn. Chính trường không phải là cuộc vui dạ hội hóa trang. Chính trường phải có tính tổ chức thật sự khoa học và nhân bản…

 

Tóm lại, lưỡng đảng đối lập trong tính thống nhất, gồm Đảng Cộng sản Việt Nam và chính đảng dân tộc chủ nghĩa Việt Nam, là cơ chế chính trị cần phải có, vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì quyền sống và vì nhân phẩm, liêm sỉ của không ít người Việt phi cộng sản, vì tinh thần dân tộc chân chính đại đa số nhân dân Việt Nam. Độc đảng chỉ dẫn đến hố thẳm trì trệ và sụp đổ.

 

Trong tương lai, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải Việt hóa đến mức tuyệt đối có thể đạt được (cả về lá cờ, khẩu hiệu, thói tôn sùng lãnh tụ ngoại quốc). Phật giáo Việt Nam cũng phải như vậy.

 

Lịch sử là chuyện đã rồi. Nhưng vẫn còn chiều hướng tương lai: Việt hóa mạnh mẽ, rõ rệt và có hiệu quả.

 

Xin để cho con cháu mai sau tự hào về giá trị văn hiến Việt Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị, thay vì phải đổ xương máu và nước mắt vì những ý hệ, tôn giáo đậm đặc ngoại lai, ngoại nhập (đậm đặc chất “ngoại” từ tôn chỉ [cương lĩnh] đến lá cờ, chân dung “giáo chủ” ngoại quốc!). Trước mắt, cơ chế chính trị lưỡng đảng đối lập – thống nhất và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam rộng mở sẽ đánh thức tinh thần tự hào dân tộc, sẽ được sự ủng hộ của đa số nhân loại tiến bộ.

 

NGUYỄN, Sài Gòn

(Trần Xuân An)

23-03-2006

______________

 

(*) Theo chỗ tôi biết, ông Trần Xuân An chỉ được công nhận là nhà thơ (hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.). Nhưng ai cũng hiểu vấn đề được Nhà nước công nhận danh nghĩa ở Việt Nam vốn rất phức tạp và hẹp hòi. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN. Việt Nam rất áp chế những người sinh trưởng Miền Nam (1954 – 1975). Không nên câu nệ vào danh nghĩa (gồm cả học hàm, học vị) mà chỉ nên căn cứ vào chất lượng, số lượng tác phẩm (sáng tác, khảo cứu). NGUYỄN (Sài Gòn).

 

 

Xem tiếp: Bài thứ hai mươi sáu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b26.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE