p.a. Bài phụ của bài 16-Tl.3 - Võ Văn Luyến cảm nhận bài viết 1 của TXA. về VMMV. của Sơn Nam

Mấy suy nghĩ từ khảo luận của Nnc. Trần Xuân An

về "Văn minh miệt vườn"

 

Võ Văn Luyến (*)

 

            Tôi có cái vinh hạnh được đọc nhiều tác phẩm của Trần Xuân An, có cuốn từ khi còn nguyên dạng bản thảo và cả những cuốn sau khi ấn hành. Cảm nhận chung là ở cây bút này tung hoành trên nhiều địa hạt, từ thơ, tiểu thuyết, đến khảo cứu, nghiên cứu, phê bình, trải khắp các lãnh địa văn học, sử học, triết học... Đặc biệt, gần đây, anh cho ra đời loạt tác phẩm biên khảo với đề tài Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (2004, 2006, 2008) đã làm cho nhiều nhà chuyên môn chú ý, thán phục, và được thuyết phục bởi một tư duy nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng và khoa học. Điều này thì nhiều người đã thấy. Ở đây, tôi chỉ xin "đi rết" (direct) vào bài tham luận của anh về nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam qua việc đánh giá lại tác phẩm biên khảo "Văn minh Miệt vườn" của chính nhà văn nổi tiếng này, đặt trong sự cấu thành của một khối lượng trước tác làm nên di sản tinh thần của ông để lại.

 

            Bài viết cho thấy một Trần Xuân An ngấm lâu và sâu về tác phẩm "Văn minh Miệt vườn" (tác giả nhớ đã đọc từ hồi còn học phổ thông, và bây giờ đọc đi đọc lại). Có lẽ nhờ thế nên cách tiệp cận và lý giải thật rõ ràng tinh thần cũng như thông điệp mà nhà văn Sơn Nam gửi đến qua cuốn sách. Ngay tựa đề "Văn minh miệt vườn" đã bắt người đọc ngụp lặn vào những vấn đề cần tìm hiểu và tiếp tục tìm hiểu, soi sáng từ nhiều góc độ.

 

            Trước hết, Trần Xuân An cho thấy một Sơn Nam vừa là chủ thể (người Nam bộ ròng) vừa là khách thể nghiên cứu nên những điều ông nêu ra có sức truyền dẫn, gợi thức và khá thuyết phục. Văn minh miệt vườn được khảo cứu ở cả hai trục lịch đại và đồng đại. Trên trục lịch đại (thời gian), tác giả có cái nhìn xuyên suốt và phần nào vẽ được độ biến thiên qua sự hình thành nhân cư của vùng đất so với lịch sử hình thành dân tộc Việt còn rất mới này.

 

            Đó là sự tiếp biến văn hoá (trong đó có văn minh) trên vùng đất vốn hội tụ người Khơ-me, Tàu, Chăm... nghĩa là có mặt nhiều dạng thể văn minh khác nhau, nếu không muốn nói là có chỗ căn cốt khác biệt như người Tàu thì thích buôn bán... Nhưng trong tiến trình "thích nghi hoá" để chung sống, họ đã tìm tới cách hoà huyết để sau đó bị dòng máu Việt chinh phục và tạo ra một chân dung miệt vườn độc đáo mang bản sắc Nam bộ đặt trong sự phong phú của văn minh Việt "hoà hợp nhưng không hoà tan".

 

            Qua bài viết có tính chất "nghiên cứu của nghiên cứu" của nhà nghiên cứu Trần Xuân An, tôi thấy tác giả đã  gợi mở và đặt ra nhiều vấn đề cần đi sâu tìm hiểu hơn nữa về văn minh miệt vườn, mà người đặt móng cho vấn đề này không phải ai khác mà chính từ "ông già Nam bộ" - nhà văn Sơn Nam đáng kính của chúng ta.

 

Võ Văn Luyến

từ: Luyến Võ Văn <luyen_vv@qtttc.edu.vn>

tới: Tran Xuan An <tranxuanan.writer@gmail.com>

ngày: 22:15 Ngày 10 tháng 10 năm 2008

chủ đề: Re: Về: Moi xem tiep TEP 2: Ve SON NAM (1926-2008)

được gửi bởi: qtttc.edu.vn

__________________

 

(*) Thạc sĩ, giảng viên Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Trị tại Đông Hà. (WebTgTXA. ghi chú).

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE