Di cảo Nguyễn Văn Tường, 1824-1886 (Trần Đại Vinh)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

DI CẢO NGUYỄN VĂN TƯỜNG (*)

 

TRẦN ĐẠI VINH

 

Nguyễn Văn Tường (1824-1886) xuất thân từ một gia đình lao động nghèo thuộc làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đậu cử nhân, ông được bổ làm tri huyện Thành Hoá, Quảng Trị (1950) (1). Sau 24 năm lăn lóc chốn quan trường với lắm nỗi thăng trầm, ông đã lên tới chính khanh đại thần, tham gia công việc cơ mật của triều chính. Khi vua Tự Đức mất, cùng với nhóm chủ chiến, cầm đầu là Tôn Thất Thuyết, ông đã từng quyền nghi phế lập các vua tạo ra cảnh “tứ nguyệt tam vương” với mưu đồ đánh Pháp. Sau sự biến kinh thành năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông đã chủ động ở lại Huế để thương lượng với giặc Pháp (2). Ông lần lượt bị Pháp giam lỏng tại Huế, đày ra Côn Đảo, rồi bị lưu đày sang tận Tahiti và mất ở đó.

Vốn là người có văn tài lại biện thuyết giỏi, trong khi làm quan Nguyễn Văn Tường đã dâng lên vua rất nhiều tấu sớ (3). Hầu hết đã được vua Tự Đức đích thân phê duyệt và được tàng trữ ở các nha, môn, bộ, viện. Về sau, hàng cháu nội của ông là Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Hiệu và Nguyễn Văn Phùng ra sức sưu tầm đưa về lưu giữ tại từ đường để làm gia bảo (4). Phần lớn di cảo này đã được nhóm tư liệu Hán – Nôm lịch sử cận đại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sưu tập và đang dịch thuật (5).

Việc nghiên cứu các tư liệu này sẽ tạo điều kiện tiếp cận sự thật lịch sử, đánh giá chân thật về cuộc đời, hành trạng của Nguyễn Văn Tường -- một nhân vật trước nay còn nhiều ngộ nhận – cũng như các nhân vật lịch sử đương đại đã từng ảnh hưởng vận mệnh dân tộc trong một giai đoạn “khổ nhục nhưng vĩ đại”.

Dưới đây xin giới thiệu sơ lược từng tập:

I. Nam Kỳ tấu nghị: [Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh liệt kê: 4 bản – chua thêm]

Trong chuyến đi Gia Định làm tuỳ biện tháng 01-1868, cùng với khâm sai đại thần Trần Tiễn Thành, thương thuyết với Soái phủ Pháp, Nguyễn Văn Tường đã viết gởi về vua Tự Đức 2 bản tấu:

1. -- Bản đề ngày 6-2 Tự Đức 21 (1868) tâu về buổi làm việc với lãnh sự Pháp và buổi vận động một luật sư Pháp giúp thương thuyết.

2. -- Bản tấu ngày 22-3 nói về âm mưu của thực dân Pháp và đề nghị cải cách nội trị.

Năm năm sau, trong chuyến làm phó sứ thương thuyết tại Gia Định, ông lại viết 2 bản tấu:

3. -- Bản không đề rõ ngày tâu về âm mưu xảo quyệt của các nước Tây phương và tình hình cụ thể ở Nam Kỳ.

4. -- Bản tâu ngày 10-8 Tự Đức 26 (1873) trình bày ý định chiếm đóng Nam Kỳ lâu dài của Pháp và đề nghị không cử sứ bộ đi Pháp.

II. Thời sự tấu nghị: [8 bản]

Thỉnh thoảng trong khoảng các thời gian trên, lúc ở Huế trước các chuyến đi, ông cũng gởi các bản tâu đáp ứng các vấn đề vua đặt ra, gồm các bản sau:

1. -- Bản đề ngày 3-8 Tự Đức 21 nói về tình hình chung.

2. -- Bản đề ngày 1-7 Tự Đức 21 trình bày tình hình và đề xuất cách giải quyết việc xung đột giữa dân lương và dân đạo ở Quảng Trị.

3. -- Bản đề ngày 1-6 Tự Đức 26 về việc tìm thuốc tây trị bệnh hiếm muộn cho vua.

4. -- Bản tấu ngày 7 tháng 8 nhuận năm Tự Đức 26 trình bày lời nhận xét về các vị đại thần: Trần Tiễn Thành, Lê Bá Thận, Nguyễn Tư Giản, Phạm Phú Thứ, Phan Đình Bình, Võ Khoa, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Tri Phương, Võ Trọng Bình và Đoàn Thọ, theo lời hỏi của vua.

5. -- Bản tấu không rõ ngày, năm Tự Đức 26, đề nghị mở trường dạy học ở Nam Kỳ, để kích thích sĩ dân.

6. -- Bản đề ngày 27-10 năm Tự Đức 27 (1874) trình bày tình hình đất nước và đề nghị về nội trị.

7. -- Bản tâu ngày 27-11 năm Tự Đức 27 đề nghị về việc dùng người và cắt cử quan lại.

8. -- Bản đề ngày 20-1 năm Tự Đức 28 (1875) tâu về tình hình địa lí, dân cư, chính trị và kinh tế ở phủ Thành Hoá, đạo Quảng Trị.

III. Bắc Kỳ tấu nghị: [6 bản]

Từ tháng 6 năm Tự Đức 26 (1873), Nguyễn Văn Tường đã tâu lên vua một số tấu sớ về tình hình Bắc Kỳ, gồm có:

1. -- Bản tấu ngày 10-6 nhuận nói về tình hình biên giới phía Bắc.

2. -- Bản đề ngày 20-6 nêu nhận xét về các biên thần như Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Uy, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Đình Thi, Trần Thiện Chính, Võ Huy Thuỵ, Đinh Hội, Nguyễn Văn Hùng, Ngô Tất Ninh, Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Đễ.

Đến cuối năm, trong chuyến đi cùng Philastre ra Bắc giải quyết vụ giao trả 4 tỉnh, ông đã tâu về việc này:

3. -- Bản đề ngày 16-11 trình bày tình hình ở Hải Dương.

4. -- Bản tấu ngày 26-11 nói về tình hình ban đầu ở Hà Nội và đề nghị giải quyết vụ J. Dupuis.

5. -- Bản đề ngày 5-12 cấp báo về việc văn thân Nam Định đánh phá dân đạo ở phủ Hoài Đức và các giải quyết.

6. -- Bản tấu ngày 1-12 nói về tình hình 4 tỉnh và phương hướng giải quyết xung đột.

IV. Thương Bạc viện phúc: [23 bản]

Gồm 23 bản thư lấy tư cách Đại Nam quản lí Thương bạc sự vụ đại thần, trong đó có 21 bản phúc [đáp] cho toàn quyền Dupré, hay khâm sứ Rheinart… về các thắc mắc, bất bình, khiếu nại của Pháp trong quá trình giao thiệp, thông thương; và 2 bản phúc gởi cho toàn quyền Anh ở Hương Cảng về thương thuyền và thuyền dân.

Các bản phúc này đều thuộc về năm Tự Đức 28 (1875).

V. Văn thư xin Nhà Thanh viện binh tiễu phỉ: [không ghi rõ số lượng bản]

Trong chuyến tham gia quân thứ ở miền Bắc, Nguyễn Văn Tường đã được cử viết nhiều văn thư gởi cho tuần vũ Quảng Tây, đề đốc Phùng Tử Tài, các vị thống lãnh họ Lưu, họ Trần và đặc biệt là cả quốc thư yêu cầu Nhà Thanh tăng phái viện binh tham gia tiễu phỉ, để đánh dẹp dư đảng Thái bình Thiên quốc tràn sang cướp phá Bắc Kỳ. Tất cả văn thư đó được viết trong 2 năm Đồng Trị 11 và 12.

VI. Thơ sáng tác: [hơn 60 bài] (6)

Trong số tư liệu trên còn có hơn 60 bài thơ do Nguyễn Văn Tường sáng tác, phần nhiều trong thời kì tham gia quân thứ, bộc lộ những xúc động, ưu tư của ông trước tình hình đất nước, niềm ước mơ thái bình, cũng như tình cảm sâu nặng của ông đối với nhà vua, bằng hữu và gia đình, quê hương.

VII. Các tạ biểu: [không ghi rõ số lượng bản]

Xen kẽ trong các tập trên còn có một số biểu tạ của Nguyễn Văn Tường trong các dịp được thăng thưởng hay phong tặng. Đặc biệt có một bản trần tình gởi lên Tam cung sau sự biến kinh thành 1885, trình bày khá cụ thể về nguyên uỷ, diễn biến của sự kiện và cách cứu vãn tình thế của ông (7).

Ngoài ra còn có hai văn bản: Tân định hoà ướcThương ước do ông tham gia kí với toàn quyền Pháp vào năm 1874.

Tất cả những tư liệu trên chưa phải là tập hợp đầy đủ về tác phẩm của Nguyễn Văn Tường, nhưng cũng đã là những văn bản tiêu biểu cho sự nghiệp hoạt động và trước tác của ông (**).

 

Trần Đại Vinh

 

 

(*) Chú thích trong nguyên bản: Giảng viên Khoa Văn, Đại hoc Sư phạm Huế.

Bài đã đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ, số 2(2), 1991.

TRÂN TRỌNG KÍNH MẠN PHÉP NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN ĐẠI VINH ĐỂ GÕ PHÍM VI TÍNH LẠI BÀI VIẾT TRÊN, NHẰM PHỤC VU NGƯỜI ĐỌC XA GẦN. THÀNH THẬT CẢM ƠN.

 

 

Dưới đây là các chú thích của Trần Xuân An:

(**) Trần Xuân An gõ phím vi tính theo nguyên văn trong cuốn “Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn” do Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xuất bản, 7-2002, tr. 592-594. Tôi mạn phép chỉnh đổi các số thứ tự Arabi & dấu gạch đầu dòng (1,2,3… & -- ) thành số thứ tự La-mã & số thứ tự Arabi (I,II,III… & 1,2,3…) để tiện cho người đọc web.

(1) Đây là những nét tiểu sử được lược ghi. Thật ra, sau khi đỗ cử nhân năm 1850, Nguyễn Văn Tường được bổ làm học quan (huấn đạo) tại Mộ Đức, Quảng Ngãi; đến 1853, huyện Thành Hoá được thành lập (thuộc đạo Quảng Trị [đạo là đơn vị nhỏ hơn tỉnh về địa lí, dân số nhưng về cấp hành chính là ngang tỉnh], thống thuộc kinh sư Thừa Thiên), ông mới được bổ làm tri huyện ở đấy.

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/tieu_sbnpcdtnvtuong_tep1.htm

(2) Theo kế hoạch của nhóm chủ chiến. Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục" (ĐNTL.CB.), tập 36, Nxb. Khoa học xã hội - Hà Nội, 1976, tr. 150-151 & ĐNTL.CB., tập 37, 1977, tr. 35: hai bản dụ của vua Hàm Nghi (& Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về ngày 13-6-1885 [cùng ngày ban bố Dụ Cần vương] & 18-6-1885; bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến (cùng việc thi hành án…).

(3) Xem thêm những bản tấu sớ khác của Nguyễn Văn Tường trong ĐNTL.CB. từ tập 31 (Tự Đức năm thứ 18, Ất sửu [1865]) đến tập 36 (9-1885), bộ sđd.. Có nhiều bản tấu, sớ quan trọng mà danh mục trên bị thiếu.

Xin khẳng định thêm một lần nữa: Phải lấy “Đại Nam thực lục” (công trình của các tập thể sử thần triều Nguyễn) làm chuẩn cứ để thẩm định “Di cảo Nguyễn Văn Tường” (sưu tập gia tộc). “Di cảo Nguyễn Văn Tường”  có giá trị bổ trợ rất lớn, nhưng chuẩn cứ vẫn là “Đại Nam thực lục”

(4) & (5) Xem 2 bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc và nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_2.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_6.htm

& bài viết của Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_5.htm

(6) Tổng cộng Thị tập gồm 66 bài; có hai bài, 40 và 42 (theo số thứ tự), có thể không phải của Nguyễn Văn Tường (đó là 2 bài thơ xướng trong thơ xướng - hoạ).

(7) Xem chú thích (70), trong “KINH ĐÔ QUẬT KHỞI VÀ QUỐC KẾ CHIA TÁCH – PHỐI HỢP TRIỀU CHÍNH”, truyện kí thứ mười hai, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” của Trần Xuân An, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep6_IV.htm

“ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 224 – 225. Theo  nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (ĐHSP. Huế), trong các tập châu bản Nguyễn Văn Tường, có một bản sớ phụ chính họ Nguyễn phân trần với Tam Cung về biện pháp cuối cùng: “… Lấy mặt cười vui để đối phó bàn tay hung bạo, mở tấm chân chành để thông suốt đá cứng, tuy [với biện pháp đó] không thể lấy làm mạnh, mà chỉ có thể làm kế lâu dài…” (“Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử …”, ĐHSP. Tp. HCM., 20.06.1996, tr. 41). Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc còn trích dẫn châu bản: “… Huống nay sức kiệt của mòn, hai kì rách nát, sau khi đã bôn bá lưu li, mà nói là có thể mưu khôi phục, như thế khác gì kẹp núi mà vượt biển, có lí lẽ đúng chăng?” ; “… dời kho tàng, đặt phòng thủ cũng vì bởi cái lo chưa phát khởi mà dự phòng, không phải lấy điều đó mà mưu tính với người [:giặc Pháp]”. Vẫn theo Trần Viết Ngạc, công việc Cần vương đã chuẩn bị từ 1883, nhưng đến tháng 07.1885, chưa phải là lúc để nổ ra trận chiến ngay tại kinh đô, mà thời, thế, cơ bấy giờ bắt buộc phải có thêm một quãng thời gian hòa hoãn, cầm cự để tích cực chuẩn bị thời, thế, cơ mới (tập “Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886 -- Các báo cáo khoa học” [ấn hành] tại Huế, 02.07.2002, tr. 56). Phát biểu trong hội thảo 02.07.2002, sau khi dịch giả Trần Đại Vinh đọc toàn văn bản sớ mà Trần Viết Ngạc trích dẫn nêu trên (có đoạn Nguyễn Văn Tường phê phán cả sự nóng vội của Tôn Thất Thuyết…), nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã (ĐH. Hùng Vương Tp.HCM.) cho rằng đó là một cách nói của Nguyễn Văn Tường với mục đích đối phó, tạo sự tin tưởng ở Pháp, ở phe chủ “hòa” nhằm củng cố lại triều đình, để thực hiện sách lược “hai mặt”. Trong tập “Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886 -- Các báo cáo khoa học”, [ấn hành] tại Huế, 02.07.2002, tr. 59 – 83, tôi đã có bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi, 05.7.1885”, viết về vấn đề này. Mong rằng toàn bộ châu bản liên quan đến Nguyễn Văn Tường sẽ được giám định khoa học thực nghiệm để chính thức công bố bằng xuất bản. Xin xem lại bản sớ khác trích dẫn từ ĐNTL.CB. và đoạn truyện kí của tôi theo chú thích này”.

 

TXA. gõ phím vi tính từ nguồn ghi trên

và chú thích xong vào lúc 13 : 39’ ngày 05-6 HB7 (2007)

 

_________________________________________________________________________________________________________

Trở về trang "Nghĩ về những khó khăn, cản trở...":

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/khokhan-cantro.htm

 

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 05-6 HB7 (2007)