Tệp 1 - Viết về tác phẩm Trần Xuân An

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

NHỮNG BÀI PHÊ BÌNH, GIỚI THIỆU VỀ CÁC TÁC PHẨM TRẦN XUÂN AN

A. VỀ THƠ

B. VỀ TIỂU THUYẾT

C. VỀ PHÊ BÌNH THƠ

D. VỀ TRUYỆN KÍ – BIÊN KHẢO SỬ HỌC

 

A. VỀ THƠ:

1. VỀ TẬP THƠ ĐẦU TAY:

1.1. LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ “NẮNG VÀ MƯA”

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tôi nghĩ rằng Trần Xuân An thuộc về những nhà thơ đang hiếm dần quanh ta bây giờ, những con người sinh ra để mãi mãi nhớ về một mảnh đất vùng sâu của đời người, gọi là Quê Nhà. Giống như bao người, An lớn lên để giã từ quê nhà, để ra đi, để trôi giạt… Nhưng dù ở đâu, cả trong giấc mơ, tâm hồn An vẫn đi đi về về nơi miền quê đó, nơi cái quán nhỏ có màu tóc mẹ trắng dần theo năm tháng, nơi những con đường lầy lội suốt mùa mưa, nơi dòng sông ngụp lặn tuổi hoang dại, ôi, nơi đó rơm rạ làm bay lên dọc theo đời người cái mùi hương day dứt khôn nguôi của ruộng đất yêu dấu.

Nhưng thơ Trần Xuân An không phải được viết ra để giải toả sức nặng êm dịu của những kỉ niệm thời thơ ấu. Chính từ sức nuôi dưỡng của Lòng Mẹ, của tình bạn hay là của tình yêu trinh bạch thuở đầu, từ những gì đơn sơ được tiếp nhận trong khu vườn xanh biếc của con chim vành khuyên kia, Trần Xuân An đã gìn giữ chắt chiu thành vốn liếng tâm hồn để trở nên giàu có trong mối tương quan không ngừng nẩy sinh giữa người thơ và cuộc đời.

Có lẽ không nên tìm kiếm những điều mới lạ trong thơ Trần Xuân An. Nhưng bù vào đó, người ta sẽ bắt gặp một cái gì còn đáng quý hơn nhiều: đó là một hồn thơ điền dã, nỗi dịu dàng trong trẻo của nắng và gió trên đồng lúa, và lòng biết ơn nhân hậu của một người trước cuộc sống, dù qua bao nhiêu bất hạnh. Và đó chính là những của cải đáng giá của tâm hồn mà chỉ Đất mới có thể ban cho, và những cái đơn sơ lại hoá thành điều sâu thẳm, dõi theo năm tháng đời người.

Và Trần Xuân An đã giãi bày những điều ấy bằng một ngôn ngữ Thơ đích thực, không dễ mà có được. Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (*) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng.

Quảng Trị, tiết Xuân Phân 1991

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

(*) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.

 

1.2. TRẦN XUÂN AN, NHÂN BẢN

Hàn Vũ Hùng

(bài viết đã in trên Tạp chí Cửa Việt số 11, 1992)

“Nắng và mưa” (*) là một miền tâm thức độc đáo đáng yêu. Độc đáo mà không xa lạ. Đáng yêu mà không kiêu kì. Đấy là miền tâm thức rất đỗi nhân hậu của một chàng trai Quảng Trị, một kẻ vô vùng tha thiết với Quê hương, với Mẹ già, vợ con, bè bạn và cuộc sống. Anh sớm tha hương, sớm nhập thế, luôn đau đáu, khắc khoải, day dứt với bao nỗi niềm phức tạp, và anh cứ mãi hoài tìm kiếm chính anh “trong ống kính vạn hoa / vạn nghìn đổ vỡ / vạn nghìn niềm vui / say đắm / khát vọng / chua xót / đắng cay” . Đấy là một miền tâm linh huyền ảo và thực tại, ngây thơ và già dặn, ngọt ngào và đắng cay, tự hào và hờn tủi, tin yêu và xao động, dịu dàng và phẫn nộ; ở đấy chứa chất vô vàn những hoài niệm day dứt về tuổi thơ, những suy nghiệm xót xa về hiện tại và những trăn trở khát vọng về tương lai.

“Tóc bay sương trắng” là bài thơ đầu tập, anh viết kính tặng Mẹ – bài thơ của chàng trai 17 tuổi lưu lạc phương trời lạ:

“nhìn sông nước lã trôi xuôi

con như lạc giữa dòng đời đã lâu”

Với Mẹ, anh bao giờ cũng là một đứa bé non dại cần được ấp ủ, dắt dìu. Phải mà, 17 tuổi vẫn còn bé lắm, mà giờ đã vào tuổi 35, anh vẫn còn là bé bỏng. Mẹ là nơi nương náu của linh hồn anh. Mẹ cũng như quê nhà, luôn là cõi đi về. Thế nên, “con úp mặt nhớ quê hương / thương sao quán mẹ bên đường mưa bay” .

Qua bài thơ đầu tập này, ta liền nhận ra các tâm đức đáng yêu trong diện mạo tâm linh Trần Xuân An, và tự nhiên ta tin cậy thật nhiều, thương mến thật nhiều vào thế giới thơ và nhân cách Trần Xuân An.

Cái tôi Trần Xuân An rất đậm nét, phơi bày lồ lộ rất hồn nhiên. “Nắng và mưa” là một dung mạo riêng biệt, giàu cá tính, đa cảm, có tri thức, có chiều sâu, dễ nhớ, dễ nhận, dễ thân quen và chắc chắn là hồn hậu đáng yêu. Anh khiêm tốn ví mình là: “… giọt sương, chỉ là giọt sương / lóng lánh hừng đông”. Một “giọt sương”, giàu hoài niệm và vọng tưởng. Tâm thức anh trăn trở: “ơi giọt sương khuya / hãy lạnh ngón chân bấm trên lối về quá khứ / tỉnh lại những ngày qua còn khét nồng cuồng điên phẫn nộ” . Nhưng ở anh, không hề có chủ nghĩa cá nhân; anh nhận thức rất cao đẹp về trách nhiệm cá nhân, biết xây dựng và thăng hoa cái tôi:

mỗi cuộc đời một hành trình gian khổ

bắt đầu đi từ phía của riêng mình

góp vào hừng đông – chân trời cháy ngời tất cả” .

Đối với Trần Xuân An, “mỗi bài thơ là một lần lắc tay / như một lần trái tim nhói thắt”. Và anh cảnh cáo “loài cú vọ / đừng đụng đến thơ”. Anh cho rằng, nhà thơ như “ngọn thu lôi / nhận bao sấm sét giữa trời thương đau / dẫn truyền xuống tận đất sâu / mạch đời hoá giải biết bao nỗi đời”.

“Nắng và mưa” là một miền tâm linh chân thật, rất thực, đến độ khiến ta ngạc nhiên, mà ta có thể cảm nhận, cảm thông được, thậm chí chia sẻ được.

Chỉ qua một tập thơ mỏng mà ta hiểu biết về anh rất nhiều. Một sự hiểu biết không hề ngộ nhận. Tất cả là hiện thực, nhưng không hiện thực một cách trần trụi, thô kệch. Thơ anh là một hiện thực tinh tế được chắp cánh, được tắm gội, chắt lọc, có hơi hám bùn ruộng nhưng thơm dịu mùi mạ non, có nghiệt ngã mưa bùn nắng lửa nhưng long lanh “giọt sương / đọng cả mùa trăng tuổi nhỏ”. Một hiện thực lung linh sắc màu và gợi cảm vì đã được phản chiếu qua một cõi tâm thức đa tầng, đa diện, mang chiều kích không gian, thời gian vô hạn. Hiện thực này nhiều khi bay vút vào chiêm bao, chiếm lĩnh những ảo ảnh hoang đường, lẫn hoài niệm về một thiên đường đã bị đánh mất; hay có khi lần mò vào cõi siêu thực tìm kiếm Cái đẹp, Tự do, An lạc. Hình như tâm thức anh thường trực nóng sốt, có lẽ vì thế mà anh mắc “bệnh tâm thần” (**). Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Trạng thái “tâm thần” của Trần Xuân An không ít, và khi anh làm chủ được ngôn từ, những ý tưởng đau đớn và cao đẹp bỗng lay động lòng ta” .

Không hiểu sao khi đọc thơ Trần Xuân An, tôi cũng chạnh nhớ đến Hàn Mặc Tử, và còn liên cảm tới nhà thơ Nga Ê-xê-nhin (EceHиH). Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Hãy nghe anh reo trong thổn thức:

“… con về đây, con về đây

nghẹn lòng con giữa đất này, quê hương…”

“… xóm giềng cũng đến sum vầy

tay con mềm lại trong tay bạn bè…”

Anh từng “lang thang dọc cửa sông khuya”, thấy “tâm hồn đất nước hiện về như mơ” , khiến anh “suốt ngày ngây dại sững sờ”.

Tuổi thơ – hay nói chung là những gì đã trôi qua – là một khát vọng kiếm tìm dai dẳng, ráo riết của anh. Anh thường hoài niệm hay “hoang tưởng” để có lại “thời gian đã mất” (Marcel Proust). Nếu có phép nhiệm mầu, anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để được trở về với tuổi thơ, với “mùa trăng tuổi nhỏ”, cả “thời mới lớn đam mê”, cái “thời con dế nhỏ / ngậm sương mùa tương tư” , cho dẫu xã hội “ngắn dài câu gian dối / ướt sũng lời lọc lừa”. Tội nghiệp anh, cứ thích làm “chim đổi xứ / tìm hoài mùa ngây thơ” để “một đời còn thương nhớ / khi nghe tiếng chuông xưa”. Thấy anh cứ trăn trở, ngậm ngùi mà thương: “Đã xa rồi một đời xa / vẫn không nhạt nổi em và ngày xưa / thời tôi vừa tạnh bão mưa / tim ta mê muội bỏ bùa cho nhau”.

Anh gợi ta nhớ về tuổi ngây ngô cứ mãi băn khoăn khi nhìn lên “trời cao xa xanh ngàn năm”, tự đặt ra vô vàn câu hỏi lạ lùng về mệnh số, thiện ác, vui buồn mà đến nay ta vẫn còn đang loay hoay tìm câu giải đáp. Than ôi, những câu đố ấy vẫn sẽ còn lung linh bí ẩn đến ngàn sau.

Mẹ và tuổi thơ (hàm chứa quê hương và di sản văn hoá) là nguồn cội, luôn luôn ám ảnh kích thích anh sáng tạo. Tâm hồn anh khắc khoải niềm ngưỡng vọng vô biên về nguồn cội. Niềm khắc khoải này đã hàm dưỡng nhân cách, lương tâm và tài năng của anh. Mấy câu thơ này tôi cảm thấy là lạ và thú vị:

“mang nỗi đau hoá đá giữa lòng

nhưng chất Quảng Trị trong mình có chút nào không?

cùng gió mới, giữa trưa này, qua sông

hồn Thạch Hãn bảo tôi mỉm cười ngẩng mặt” .

Và nỗi dằn vặt này mới cao quý, cảm động làm sao: “đời cho muôn mối nợ / quên hết, sao quên ơn? / chết, hai mắt vẫn mở?”.

Nhưng có lúc anh bức xúc thốt lên đau đớn để phản đối người đời đã truy bức, áp đặt, ngộ nhận anh: “không phải điên là hết / không phải, không phải đâu” (***). Hãy đọc thơ anh đi! Bạn sẽ hiểu anh là Gã “tâm thần” (****) giàu chất nhân bản, biết sống cao thượng và biết sáng tạo.

Đông Hà, tháng 8. 1991

HÀN VŨ HÙNG

(*) Trần Xuân An, Nắng và Mưa, tập thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, 1991.

(**) “Bệnh tâm thần”, “trạng thái ‘tâm thần’”, hai cụm từ này được hiểu như một cách nói tu từ, không phải là bệnh tâm thần thật sự.

(Chú thích ngày 06. 03. 2005)

(***) Đúng ra đây là câu trích từ bài thơ Trần Xuân An viết thay những bệnh nhân tâm thần. Xem thêm “Lời thưa nhân dịp chép lại tập thơ “Nắng và mưa”, đã xuất bản lần thứ nhất, để phát hành trên mạng liên thông quốc tế (internet)”…

(****) Xem chú thích (**).

(Chú thích ngày 06. 03. 2005)

 

2. NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ VỀ CÁC TẬP THƠ KHÁC (trích từ báo, tạp chí):

Dưới đây là các trích đoạn những bài báo mang đậm dấu ấn cảm nhận riêng của các anh em văn nghệ. Là tác giả của các tập thơ được giới thiệu, đánh giá, tôi chỉ thích mình như một độc giả, trước những bài báo này, kể cả những bài tựa, bạt. Chỉ thế, bởi lẽ, xưa nay, thẩm thức vốn có tiêu chí, chuẩn mực khách quan, nhưng cũng thật vô cùng, và lắm chủ quan bất ngờ! Trích in lại những bài báo viết riêng về thơ tôi, ở đây, trước hết, để bày tỏ niềm cảm ơn đối với những tấm lòng thơ ca ấy, và hơn nữa, là sự lưu giữ, trân trọng kỉ niệm văn nghệ…

 

2.1. Mưa nắng của đồng quê

… Trần Xuân An làm thơ về mẹ, về vợ, cho con, cho những người thân mà Trần Xuân An mang ơn như chính cuộc đời… Ai đó, người Quảng Trị đi xa, được cầm trên tay tập thơ của Trần Xuân An sẽ nghe lòng hoài vọng về xứ sở mình, về cái làng Kẻ Diên, nghèo khó, trơ vơ xương rồng cát trắng, và sẽ thấy ngay trong những bài thơ chỉ khắc họa bóng dáng Kẻ Diên, ngọn nguồn Thạch Hãn, vẫn là dáng dấp quê nhà Quảng Trị, Miền Trung với bao ngày mưa tháng nắng, bao chớp bể mưa nguồn. Đọc, và bâng khuâng thương nhớ, bởi lẽ, đi đâu, ở đâu, không riêng gì Trần Xuân An, ai trong chúng ta cũng đau đáu về mái tóc sương mẹ già xế bóng, canh cánh một quê nghèo lặn lội suốt tháng năm, đeo đẳng cùng kí ức những kỉ niệm tuổi thơ, những buồn vui bao kiếp người ở một nơi xứ vốn chịu quá nhiều khốc liệt của chiến tranh…, giữa nghiệt ngã dòng đời và thử thách của số phận. Trong mạch nguồn liên cảm ấy, “Nắng và mưa” của Trần Xuân An là cây xương rồng Kẻ Diên trên khô cằn nắng hạn, giữa trùng điệp sa ngàn, vẫn lặng lẽ cho đời một đóa tinh khôi muốt trắng…

(LÊ ĐỨC DỤC

báo Quảng Trị,

số 99, 25. 05. 1991)

 

2.2. Một bài thơ thao thức nỗi quê nhà

 … Sống ở Kẻ Diên hay dạy học ở Tây Nguyên, rồi vào sinh sống tại Sài Gòn… Trần Xuân An vẫn hoài vọng tìm kiếm một chất đời tinh hoa cho kiếp thi sĩ. Thơ anh là nỗi đau dịu ngọt của sự tha hương và nhập thế, là niềm tin thảng thốt giữa hiện thực và tương lai, là lời tạ ơn, sám hối với cõi quê nhà cùng trời rộng…

Tóc bay sương trắng là một bài thơ anh viết về cõi quê nhà trên nền phương trời lưu lạc của đứa con trai mười bảy tuổi…

… Giọng thơ Trần Xuân An tinh khiết, huyền ảo…

… Đó chỉ là tượng trưng của một thế giới nội tâm, của nhân cách con người, là bất chợt lóe sáng trong thường trực của một tâm trạng…

… Nỗi lòng cố hương của Trần Xuân An sao mà lo âu khắc khổ. Anh thương Mẹ, thương quê đến đau đáu mà bi quan. Cái bi quan quý báu, da diết mà không làm tàn lụi hi vọng, chỉ với thân phận thi sĩ, mới nắm bắt và thể hiện được, đâu phải dễ dàng đơn giản gì?

Viết về Mẹ và Quê hương, đó là đề tài và trách nhiệm cao cả của thi sĩ muôn đời. Viết được như Trần Xuân An, là vơi đi niềm ân hận – cái ân hận của phận làm con khi phải đi xa nơi mình tôn thờ và hằng tưởng niệm.

Tóc bay sương trắng, đó chính là Mẹ và Quê hương Quảng Trị, dù có đi xa, đời đời đầu còn ngoảnh lại. Một vùng quê nắng chát mưa cay sao mà yêu đến thế, thương đến thế!

(NGUYỄN TIẾN ĐẠT

báo Quảng Trị

03. 1994)

 

2.3. Bao giờ mơ cỏ thành hoa

 … Buổi trưa yên tĩnh, dưới tàn cây trứng cá nhà mình, tôi thú vị vì những bài thơ đọc được. Tháng mười hai, trời cuối năm vốn dễ làm con người bâng khuâng, vậy mà: Bao giờ đá cuội làm tim, Để tôi hờ hững như em bây giờ… … Bao giờ mơ cỏ thành hoa, Cho em biết khổ để mà thương tôi… (Bao giờ) – cú chơi ngược ý từ ca dao Bao giờ rau diếp làm đình, Gỗ lim ăn ghém “cho mình thương ta”…

… Tôi bỗng nghĩ về cô gái không có chân dung ấy. Cô là ai mà sự hờ hững dửng dưng khiến người đàn ông ấy phải kêu lên tiếng kêu oán trách nhưng vẫn dịu dàng, lặng lẽ nhưng đầy đau đớn…? … Chiếc nón ngà trên vai Nguyên Ngân, Vầng trăng xưa che nghiêng thì thầm… … Loanh quanh chim bay rừng vạn cổ, Bỏ không lồng ngực mưa ngàn dâng, Trôi đi, trôi đi, về châu thổ, Hương tàn phai lá mục đầy lòng… (Nguyên Ngân). Một cách nói tượng trưng, hỗn độn, không thời gian, không gian nhưng vẫn rất thơ, vẫn đọng lại cái gì đó để cảm được. Thơ không chỉ để hiểu, có khi cũng chẳng cần hiểu…

Tập thơ 86 bài hầu hết là thơ lục bát. Có lẽ Trần Xuân An thích thể thơ rất Việt Nam này. Thực sự không phải bài nào cũng hay nhưng bài nào cũng có thể nhặt ra được một vài câu gợi cảm: Nắng mê thiêm thiếp giấc trưa, Nắng vàng kí ức, khế mưa tím lòng… (Sài Gòn, trưa đi lạc).

Thế rồi trong cái gam màu trữ tình của những bài thơ tình lục bát, đột ngột có một cú nhập đồng kì dị: Ngày trầm hương thơ ca… … Những hình ảnh lấp lánh ngũ sắc xen kẽ với những lời lầm thầm lạ lùng: Thương thơ vùi đắng, hồn trơ đá…

… In đậm vào thơ anh là dấu ấn của một miền đất quê nhà. Thơ anh còn là hình ảnh của một miền quê chung…

(ĐỖ TRUNG QUÂN

báo Tuổi Trẻ, TP. HCM.,

số 145/92, ngày 10.12.1992)

 

2.4. Trần Xuân An hát chiêu hồn…

 … Trần Xuân An tự biểu lộ một con người trữ tình, luôn biết rung động và đầy cảm xúc trước thiên nhiên, khi hoài niệm, với bao tình tự ngập tràn, xốn xang. Qua bao tháng ngày lưu lạc, tâm thức lãng mạn trong anh càng cháy bùng rồi với bao trăn trở, nó đọng lại thành những suy niệm mang chút dáng dấp tâm linh

… Nỗi nhớ của anh cứ bàng bạc khắp lời thơ, nó cuồn cuộn với hoài niệm, với tình quê để làm nên bản chất trữ tình của anh. Khám phá thơ anh chính là khám phá bản chất ấy…

… Người đọc nhận ra dáng dấp, khuôn mặt của một người đã trải qua những ưu tư, trăn trở…

… Có thể hiểu đó là những giây phút lắng lòng để tự phản tỉnh, để tra hỏi, để tìm về cái ngã sau khi thả hồn chơi vơi trong nhiều thế giới. Và bi kịch bản thân đến với anh từ đó…

… Anh đã từng chập chững giữa hai biên giới: Lòng tôi hồ điệp thoảng trầm vô vi, Là người, là bướm từng khi… Để rồi anh kêu lên thảng thốt: Cho tôi sống lại với đời! Và khi anh trở lại với đời, anh cảm nhìn mình là một kẻ xa lạ.

… Một người như thế làm sao không khỏi buồn cô độc… … Và cứ thế, hình ảnh cuối cùng mỗi khi ta nhìn về Trần Xuân An vẫn là cái hình ảnh chông chênh trong cuộc đời của một kẻ đi tìm chính mình sau bước đường lưu lạc…

(NGUYỄN PHÚ YÊN

báo Vũng Tàu Chủ Nhật,

số 94, ngày 14. 02. 1993)

 

2.5. “Tôi vẫn ở trên đường”, lặng lẽ một nụ cười

 … Như một hành giả mải miết trên đường, khát khao những bến bờ tin yêu của niềm vui và hạnh phúc, anh luôn cố vượt qua chính mình, vượt qua nỗi đau và bao niềm trầm uất, khắc khoải. Anh vọng về “một thuở xa xăm”, về một cõi vô biên, mơ hồ, xa vắng. Anh hướng về phía “chân trời yêu thương”, bồi hồi hi vọng. tất cả những thể nghiệm tâm hồn ấy, phải chăng, với anh, là để quên đi bao đắng cay và giông bão giữa cuộc đời thường… Nụ cười lặng lẽ tin yêu ấy, cùng những khát khao tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi của thế giới nội tâm và tâm linh sâu thẳm, đã cuốn hút để Trần Xuân An không còn quá bận tâm về câu chữ, khiến thơ anh vì thế hầu như có một chất giọng riêng… Tôi vẫn ở trên đường mở ra trước chúng ta những trang nhật kí thơ của một tâm hồn mẫn cảm. Tâm hồn ấy khát khao hòa nhập nhưng chưa thể hội nhập trọn vẹn với đời, vẫn còn có chút nỗi riêng nào đó u uất buồn phiền như của Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên hay chút cười cợt, khinh bạc, chua chát, xót xa như của Lỗ Tấn. Và phải chăng, có những nghịch lí nào trong tâm thức anh cũng là điều dễ hiểu thôi, một khi, Trần Xuân An quá thiết tha yêu mến cuộc đời và đồng thời lại thiết tha cái Vô Cùng, Vĩnh Cửu.

… Dù sao cũng mừng là sau tất cả mặn, đắng, chua, cay, vẫn còn vẹn nguyên: “Niềm tin yêu vào Con Người, khát vọng làm người, Thiêng liêng hơn ngàn thiêng liêng khác”…

(CAO QUẢNG VĂN

báo Người Lao Động TP. HCM.,

số 137, ngày 17 – 24. 09. 1993)

 

2.6. Kẻ bị ném vào bão

Những năm gần đây, với cơ chế thị trường, sáng tác văn học đã tạo được dung mạo mới mẻ với sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Tính tích cực của hiện tượng này ở chỗ người đọc có thể phát hiện những giọng điệu mới, những phong cách đa dạng của văn học hiện đại. Và cũng chính từ trong bối cảnh này, những khuôn mặt trẻ xuất hiện mang theo cả ngôn ngữ và hơi thở của mình. Trong số họ, có thể kể đến nhà thơ trẻ Trần Xuân An.

Với ba tập thơ đã xuất bản mấy năm trước đây (Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường), Trần Xuân An đã khẳng định được giọng điệu và vị thế riêng trong làng thơ trẻ. Đọc thơ Trần Xuân An, người ta nhìn thấy cả một thế giới hoài niệm luôn mở ra những hình ảnh hiền hòa của thiên nhiên và quê nhà yêu dấu mang đậm chất trữ tình. Cùng với sự đổi thay của cuộc sống và tâm hồn, thế giới thơ của anh hôm nay cũng đã biến đổi theo. Điều đó thể hiện rõ nét trong tập thơ vừa mới ra đời của anh: Kẻ bị ném vào bão (NXB. Trẻ, 1995).

Nhan để tập thơ đầy hình tượng dường như đã báo trước với người đọc một bước ngoặt mới, bỏ lại đằng sau anh những con chữ hiền hòa, tỉnh táo cùng cái nhạc điệu du dương của con đường quê, mái lá quê nhà. Từ đây, vẫn dòng đời lặng lẽ trong sáng tạo song đã nghe ra hết nỗi niềm buồn vui khi anh chiêm nghiệm bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời, sự chiêm nghiệm đôi khi muốn bước qua ranh giới của triết lí.

Khi anh trở lại với đề tài dân dã, anh vẫn còn rung động trước Đồng không, bông súng, Đất cát, Mùa lụt, Mùa hạn, Đồng dao cò trắng quê nhà… Không chỉ dừng lại đó, thế giới của anh mở rộng hơn: Khỏa thân sống, Từ vệ tình ảnh không lời…, Trò chơ điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Những không ảnh từng cù lao, Tem điện tử và yêu…Một khuynh hướng thơ cũng đã lôi kéo anh nhiều lần: anh thích bước vào triết lí với nhiều chủ đề mới: Tượng Phật tánh trong chùa nguyên thủy, Tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ, Phân thân, Mũi tên, sống của chết, Nhịp điệu vỉa hè, kinh điển…

Đặc biệt với tập thơ xuất hiện lần này, hầu như Trần Xuân An muốn giới thiệu hầu hết những bài thơ “tứ tuyệt” và tứ tuyệt của anh, trong đó có nhiều trang có bốn bài liền mạch.

Nỗ lực sáng tạo, khám phá cái mới bằng hơi thở riêng độc đáo, đó là một Trần Xuân An mới mẻ qua tập thơ này.

(BÙI NGỌC ÁNH

báo Bà Rịa – Vũng Tàu,

số 429, ngày 04. 07. 1995)

 

2.7. Mắt nhìn trong cơn bão

Thơ bốn câu là cách nói chủ định của Trần Xuân An ở tập thơ Kẻ bị ném vào bão. Phải chăng tác giả muốn hòa vào nhịp điệu nhanh gắt của đời sống hiện tại, hay anh muốn tìm một cách thể hiện phù hợp và độc đáo khả dĩ thay cho một vài thể thức đã trở nên thông thường?

Thơ Trần Xuân An kén người đọc, ở chỗ ngôn từ thơ anh có khi mang một vẻ phức tạp, khó hiểu đối với người đọc. Lẽ nào sự nắm bắt và thể hiện ngôn ngữ vốn tinh tế, phong phú của Trần Xuân An có lúc lại trở thành những “ẩn ngữ” đối với người đọc?!

Thơ Trần Xuân An vẫn chất chứa tình mẹ, tình quê, nỗi buồn về những điều bất như ý, tiếng kêu phản kháng thân phận con người… … Ngoài ra còn có mảng thơ hòa vào nhịp sống thị thành hiện nay với những đề tài khá đặc trưng… … Dù với đề tài nào, thơ Trần Xuân An vẫn thể hiện sự gặp gỡ giữa thế giới nội tâm với vũ trụ khách quan thông qua liên tưởng, trí tưởng tượng, sự so sánh… Những suy nghĩ, cảm xúc trước đời sống cộng hưởng với vũ trụ thiên nhiên khiến thơ Trần Xuân An gần với hồn thơ Phương Đông, mang chất triết lí…

… Thơ Trần Xuân An tạo nơi người đọc một ấn tượng có thể hình dung như những nhát cắt trong tranh lập thể, thường mang sức gợi về những điều muốn nói – những hình ảnh biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, cả những chớp lóe của tiềm thức.

Cái nhìn mềm mại như sông, Khuấy bùn dao chém vẫn trong không rời… (Đôi mắt bốn nghìn năm, tr. 54)…

Rốt cuộc, hình như chính thơ lại giúp cho người làm thơ vượt qua được cơn bão xoáy cuồng của cuộc đời và của chính mình?

(TÔN NỮ THU THỦY

báo Văn nghệ TP. HCM.,

số 234, ngày 11 – 17. 04. 1996)

 

 

3. VÀ NHỮNG BÀI VIẾT ĐỒNG CẢM KHÁC (từ báo, tạp chí):

3.1. TRẦN XUÂN AN & HÁT VỚI ĐỜI ƠI THƯƠNG MẾN

Bốn mươi tuổi, gốc Quảng Trị nhưng sinh tại Huế.

Tập thơ đầu tay của Trần Xuân An xuất hiện khá trễ, khi đã ngoài ba mươi. Nhưng anh có sức sáng tạo thật phong phú. Trong vòng 5 năm qua, Trần Xuân An đã ấn hành 6 tập thơ. Tập thơ đầu Nắng và mưa (Hội VHNT. Quảng Trị, 1991) đã được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu khá trang trọng. Tập thơ mới nhất của Trần Xuân An, Hát với đời ơi thương mến (Nxb. Trẻ, 7.96) gồm 53 bài thơ với nhịp thơ khá mới.

Từ Nắng và mưa đến Hát với đời ơi thương mến, Trần Xuân An đã đi một bước khá dài.

PHẠM CHU SA

(Báo Thanh niên Chủ nhật, ố 136 [924], 25.8.1996)

 

3.2. NHƯ MỘT KHÚC HÁT VỚI ĐỜI

Trong tập thơ thứ hai, dù đã trải nghiệm mình qua những “lạnh buốt sương mù”, những “không bến không bờ” của cuộc hành trình chạm mặt với hư vô, Trần Xuân An vẫn giữ được tấm lòng

”nắng mưa không héo nụ cười

cúi xin lưu lạc trọn đời nhớ quê”.

Có lẽ đó là điều may mắn của anh: phước cho những ai có một quê nhà để mà sống với, sống cùng, dù đó là quê hương tâm tưởng của những “tháng ngày xa rất mộng du”, như lời tự thú trong Lặng lẽ ở phố, tập thơ thứ tư của anh.

Đấy là điểm ra đi và đích về, bởi Trần Xuân An đã tự Hát chiêu hồn mình, đã nhận mình là Kẻ bị ném vào bão, nhưng cuối cùng, anh khẳng định, khúc ca của nhà thơ là Hát với đời ơi thương mến (Nxb. Trẻ, 1996). Sự trở về ấy đã xuất hiện như một sự tự vượt thắng trong quá trình loại bỏ ra khỏi bản thân, mỗi ngày một ít, cái chất nô lệ [có tính phổ quát] của con-người-bé-nhỏ [nói chung, trên cõi đời], như cách nói của A. Tsékhov. Như thế, quê hương của miền đất nắng khô và gió giòn Quảng Trị của anh đã trở thành những quê hương. Đến đây, con-người-bé-nhỏ đã thoát ra khỏi những thúc phược [thúc phọc: trói buộc] để đạt đến cái nghĩa NGƯỜI, ở một bình diện trí tuệ hơn, và do đó, cũng SỐNG hơn (bởi luôn luôn trong dòng chày của cuộc tồn sinh, có biết bao kẻ sống-đó-mà-đã-chết-rồi).

Tôi không muốn nói thêm về thấp thoáng những suy niệm siêu hình mà Trần Xuân An dường như muốn tìm kiếm, lí giải trong tập thơ thứ sáu này của anh. Chỉ xin chúc anh mãi mãi sống với thơ trong mối tình

”trôi trôi biêng biếc ngọt ngào

em nơi nơi, man mác, xao xuyến và…”

Và đó là hạnh phúc của những người làm thơ chân chính. Như một nỗi buồn trong sáng.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(Báo Doanh Nghiệp,

số 21.8 – 27.8.1996).

3.3. HÁT VỚI ĐỜI ƠI THƯƠNG MẾN

Trần Xuân An làm thơ và thơ Trần Xuân An khởi đầu là những giọt nước trong veo chắt chiu từ ruột đất quê nhà. Lớn lên anh cùng với bạn bè cuốn theo cuộc lữ hành số phận để đến lúc ngoảnh lại, nỗi hồi cố cồn cào, dồn sâu thương mến ngọt ngào thấm đẫm tình người trong thơ anh.

“Hát với đời ơi thương mến”, tập thơ thứ 6 của Trần Xuân An, đã thoát ra khỏi giãi bày buồn vui kiếp người vốn không dễ suôn sẻ và không gặp nỗi đau nào.

Cuộc đời vô thường, mà nghiệm chứng được điều đó thì việc gì tự làm khổ mình; và hiển nhiên, khát vọng vươn tới chóng mặt lí giải sự hiện hữu mỗi cá-thể-con-người trong dòng sống cuộn chảy. Trong bi kịch có lạc quan, dù sao đời vẫn đáng yêu, bởi nhựa đời không ngừng lưu chuyển cho cây đời đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái và trở lại gieo mầm sống. Có lẽ vì thế mà từ trầm tư mặc tưởng “Lặng lẽ ở phố” (1) đến những phút “Tôi vẫn ở trên đường” (2) và bây giờ bỗng cất tiếng “Hát với đời ơi thương mến” (3) chăng?

Lần đọc những bài thơ, theo dõi những chạm khắc ngôn ngữ của An trên trang giấy, ta bắt gặp không ít những hoài niệm và suy tưởng về một thời và muôn thuở. Với anh, cuộc sống mang gương mặt tình yêu, nếu tìm tới một lẽ sống tích cực, đồng thời với nó là không chấp nhận sự dụ dẫn ma mị trong “thú đau thương” không ích gì hoặc giả tạo. Anh “nhìn thẳng” đồng nghĩa với nói thẳng mà thật khẽ thật dễ thương:

”đánh thức dậy đánh thức dậy đi em

và gọi đúng tên khát vọng tuổi học trò

hãy thôi gương mặt muộn phiền hờ hững

ném vỡ cái vô hồn bằng sáp dưới hừng đông”

(Nhìn thẳng)

Trần Xuân An tâm niệm “không thể chạy trốn hư vô thì phải vượt thắng”. Điều dó không loại trừ vai trò mỗi chủ thể sáng tạo. Người làm thơ băn khoăn nhưng ở đấy đã có lời giải:

”lẽ nào thơ là trò đùa ma quỷ

dắt nhau hoàn lương giữa cõi đời chung?”

(Trải nghiệm)

Ở cái tuổi “tứ thập bất hoặc”, cùng yêu tin và thuỷ chung với thơ từ hơn 20 năm nay, anh đã chín nhiều trong cách cảm, cách nghĩ. Dù đi xa nhưng lòng vẫn luôn đi về nơi chôn nhau cắt rốn. Đấy là lúc tình cảm câu thúc để có được những câu thơ dung dị, thật lòng mà thấm thía, cảm động:

”nơi cho giọng nói chưa pha phách

chốn yêu thưong, về bỗng khóc ròng”

(Tặng một người)

Rồi ra, dòng sông cuộc đời không ngừøng chảy. Trần Xuân An như tôi biết, anh đi nhiều (đã khép lại một thời ốc đảo, nằm đọc sách và chiêm nghiệm). Cái sự đi của con người ta cũng có 1.001 lí do, mục đích. An thì muốn làm “hành giả của tình yêu” và nhờ thế, tâm hồn thăng hoa bất ngờ và đầy thú vị:

”giữa đồng bằng của hồn anh

đột ngột em, vút cao xanh núi tình”

(Với những hành giả của tình yêu)

Bằng tình yêu, thi sĩ tin vào khả năng hoá hiện mầu nhiệm của niềm hi vọng:

”hát tin đáy rác bùn nhơ

mầm sen sẽ ngát câu hò, hương ngân”

(Hát lên với mỗi đời thường toả sáng)

Vâng, “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây” (ca dao). Từ lòng đời anh hát, từ bấy đến giờ.

Không phải ngẫu nhiên, với sự dồn nén, đã đến lúc anh cho ra đời liên tục 6 tập thơ và dự định một trường ca dài hơi. Càng không phải là chuyện số lượng mà còn là vấn đề chất lượng. Điều đó đáng để chúng ta quan tâm và suy nghĩ về bút lực của cây thơ dồi dào sức sáng tạo.

VÕ VĂN LUYẾN

(Báo Quảng Trị, số ngày 13.5.1997).

1, 2, 3: tên các tập thơ của Trần Xuân An.

3.4. QUÊ NHÀ YÊU DẤU

Trường ca, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1998.

Thực ra, đây là 26 khúc thơ riêng lẻ mà Trần Xuân An xâu chuỗi để thành một trường ca về quê nhà yêu dấu của mình với bóng dáng thân yêu của những người cha, những người mẹ, những người em, của bao người anh đã gặp trên bước đường phiêu du đầy hoài niệm. Ở đó, mỗi con người đều rạng rỡ một nụ cười hiền thơm thảo, biết giấu nỗi đau riêng của mình để tìm về quê nhà cơ cực, lầm than, về với miền gió Lào, cát trắng:

 

"ca dao phương Nam ru hời giọng Trung

mẹ ru em thuở xa xăm bé bỏng

ngày xưa ngày xửa

mù sương vợi vời

em lại ru con theo nhịp đưa nôi …"

Viết về người mẹ, Trần Xuân An có những câu thơ lạ lùng buốt nhói:

"cơn mưa rào tháng hạ

bừng nắng nung và gió bỏng

con trơ vơ khóc mẹ

để thắp được nén nhang

con phải đào tay xuống cát ướt

lửa bùng lên cháy hết nửa rồi

như đời người cơ cực"

Trần Xuân An làm thơ có nghề, biết tiết chế trong từng câu, từng chữ, và với sự liên tưởng phong phú, với cảm xúc chân thành của mình, anh đã chạm được mối giao hoà cùng bạn đọc:

”tạ ơn quê nhà còn mảnh đất để chôn …”.

TRẦN NHẬT THU

(Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM.,

số 37 – 98, 15 – 21.10.1998).

 

3. 5. QUÊ HƯƠNG, DÂN TỘC - NGUỒN CỘI NUÔI DƯỠNG HỒN THƠ TRẦN XUÂN AN

Bài viết của VÕ NGUYÊN

(Nhân đọc 3 tập thơ của Trần Xuân An)

Những năm cuối thế kỉ này, bên cạnh lớp nhà thơ đàn anh của hai cuộc kháng chiến, lực lượng làm thơ trẻ xuất hiện với đội ngũ hùng hậu về số lượng, nhưng để định hình như một tư thế và một phong cách nhà thơ, thấy còn quá hiếm.

Rồi thời gian qua đi, ba mươi năm sau nhìn lại, không biết trong số ấy, ai là người còn được nhắc đến tên?! Thế nhưng, giữa lúc này, có nhưng bài thơ, có những tập thơ của một số tác giả trẻ đã để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm lay động đẹp đẽ. Trong những cây bút trẻ ấy, đối với tôi, có Trần Xuân An.

Trần Xuân An làm thơ đăng báo khi còn ở tuổi học sinh phổ thông. Thời sinh viên ở Huế, sau 1975, thơ An bắt đầu được giới sinh viên chú ý. Cái thời thơ anh nói hộ cho sự trăn trở của lớp người tuổi trẻ ở miền Nam:

sinh ra, lớn lên ở thành phố Miền Nam

nhà tôi chưa có ai đi làm cách mạng

tôi dầm mình trong quên lãng

buổi cờ bay mới biết có nhân dân.

Cái chân thật, đáng thương và cảm động trong sự trở mình ấy có khác chi lớp nhà thơ đàn anh đến với Cách mạng tháng Tám 1945?!

Năm 1976, An được giải thưởng thơ báo Văn nghệ Giải phóng (một trong mười bài thơ hay nhất trong năm 1975). Từ đó đến nay, thơ An thường xuất hiện trên các báo văn nghệ trong nước. Đặc biệt gần đây, anh đã liên tiếp cho ra đời 3 tập thơ: “Nắng và mưa”, 1991, Hội Văn nghệ Quảng Trị xuất bản; “Hát chiêu hồn mình”, 1992, Nhà xuất bản Đồng Nai; và “Tôi vẫn ở trên đường”, 1993, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ba tập thơ là một tiếng lòng, một hồn thơ thực sự và đáng mến.

Nét chính của thơ Trần Xuân An nằm trong mạch cảm xúc tâm linh, với những hồi tưởng day dứt, chiêm nghiệm, tìm tòi, có khi như hoang tưởng mà rất thật. Cái thật trong cảm xúc, hoài niệm, tưởng ảo giác mong manh nhưng rất trong sáng của quy luật tình cảm:

vọng về năm tháng xa vời

rưng rưng mắt nhớ môi cười xa xôi

Có lúc anh nghe “tiếng gió” mà bàng hoàng giữa cái hữu hạn cuộc đời và cái vô hạn thời gian:

đôi khi hồn bỏ thân tôi

ra đồng xuống phố lên đồi vào mây

hiện về trang giấy run tay

gió trời vạn tuổi cuốn bay, sương mờ.

Cảm nhận ấy luôn ám ảnh trong anh. Nhìn cái bàn vắt sổ cũng chạnh lòng thảng thốt: “Tháng năm như tơ chỉ nhỏ/ Ba trục thời gian/ Vơi đến bàng hoàng”… Khái niệm thời gian và cuộc đời đã có từ khi con người biết ý thức về sự hiện hữu của mình, nhưng ở đây, có yêu cuộc đời này lắm, người ta mới thốt lên tiếng lòng như vậy.

Thơ Trần Xuân An đậm tình đối với quê hương, với mẹ, với vợ con, bạn bè và vẫn tâm cảm lắng sâu với cội nguồn dân tộc, với cái đẹp của cõi đời.

Viết về quê hương, tôi cho bài “Đọc ẩn dụ bên dòng Thạch Hãn” trong tập “Hát chiêu hồn mình” có chiều sâu và gợi cảm nhất: “Cúi nhìn mình trong vại giấm in soi cả bóng đất trời/ thương sự sống bụi tro -- thấu suốt cõi người/ Kẻ sĩ ngày xưa ơi…”, để rồi kết lại: “cho tanh xót hoá mỡ màu/ cay cực lại bùi thơm/ bình tâm mỉm cười hồn hậu tự nghìn năm”. Đáng quý làm sao một tâm hồn cảm thông và tin yêu quê hương như vậy.

Quê hương và mẹ trong thơ An đôi khi đan quyện vào nhau, lay động bất cứ lúc nào, tưởng như bàng bạc khắp nơi:

bỗng dưng không biết từ đâu

bay ngang trời đất một màu tóc sương

con úp mặt nhớ quê hương

thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.

Viết thư trao đổi với bạn bè, An luôn luôn tuyên bố tôn thờ chủ nghĩa vô thần; còn trong thơ, An bao giờ cũng luôn nâng niu, trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc. Không như một vài ai đó hay xúc xiểm đến danh nhân và đồng nghiệp, An nhân hậu, luôn ngưỡng vọng về quá khứ với tấm lòng thành kính tri ân trong tư cách phân tích để cảm nhận, từ Lão Tử, Thích Ca đến Maria, từ Khuất Nguyên, Lỗ Tấn đến Van Gogh, từ cô Tấm, anh Bờm, Thị Kính, Trương Chi, Xuý Vân… trong văn học dân gian Việt Nam đến Mãn Giác, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Du, Đồ Chiểu, Tú Xương, v.v… Anh suy ngẫm về họ với một tình cảm trân trọng và sâu lắng. Ở mạch thơ cảm xúc về dân tộc, tôi cho bài thơ “Cảm nhận bên dòng sông” trong tập “Nắng và mưa” và bài “Mặc niệm” trong tập “Tôi vẫn ở trên đường” là hai bài thơ có sức lắng đọng lớn. Viết về con người trong văn học quá khứ, có thể anh bộc lộ cảm xúc với tác giả, hoặc về một hình tượng thơ nào đó của tác giả. Ví như anh nghĩ về Mãn Giác thiền sư:

xuân tàn, thân bệnh… Vô thường!

cành mai sức sống sáng bừng sân đêm

mọc từ khổ sợ lo phiền

đoá sen thanh tịnh nở trên lửa hừng.

Hướng nhân tâm của anh luôn đặt trên nền tảng cái đẹp và niềm tin vào sức sống mạnh mẽ của truyền thống văn hoá, nên triết lí nhân sinh từ cành mai kia của Mãn Giác thường hoá thân vào thơ anh: “Hoa quỳ vàng! Hoa quỳ vàng!/ Nghìn mặt trời chói chang trong đêm”. Anh nhận ra cái đẹp trong quy luật vận động tích cực đó không bao giờ bị lu mờ, lụi tắt ở nơi bóng tối.

Trần Xuân An còn trẻ, nhưng có giọng thơ trầm lắng. Thơ An không lên gân, không “cao đạo”, không bí ẩn, nhưng không dễ dãi. Đặc biệt, An có giọng thơ thỏ thẻ, tâm tình, êm nhẹ và mới lạ. Mới lạ ở cách nói, cách nhìn và cách nghĩ. Điều đó ở nội dung hàm ẩn qua tư duy hình tượng và sức gợi cảm mạnh mẽ qua ngôn ngữ biểu đạt:

trăng! trăng! trăng! trăng não nùng

hồn ai ớn lạnh sặc từng ngụm trăng.

Người ta thường nói uống trăng, tắm trăng, giỡn trăng, thế mà ở đây lại nghĩ ra được cái từ “sặc” – “sặc từng ngụm trăng”. Lạ thật! An cảm về thơ Hàn Mặc Tử đấy. Hoặc đồng cảm với một Chế Lan Viên trước Cách mạng tháng Tám 1945:… “niềm mất nước hoá giấc mơ kinh hoàng/ Thơ ai trên gạch tháp Chàm/ Mười bảy tuổi, vội điêu tàn tóc xanh”.

An có giọng thơ êm nhẹ, như vỗ về, an ủi, nhưng không phải chỉ có thế. Trong cái vỏ êm nhẹ, vỗ về đó có sự bứt phá, nhiều khi quay quắt truy tìm cái đẹp trong mọi nẻo mạch đời. Khi thì anh tìm kiếm ở chính mình: “Trong tôi có một miền quê/ Đôi khi buồn quá tôi về trong tôi”. Nhưng anh không khép mình trong vỏ ốc, mà “về trong tôi” để đến với cõi tâm linh sâu thẳm hơn. Có khi anh quay mặt vào quá khứ để “mặc niệm”:

bao ngôi đình quá thân thương

nơi tôi tìm đến dọc đường xa quê

trái tim gọi thức cơn mê…

hồn thiêng đất nước lắng nghe chút lòng…

Mặc niệm quá khứ dân tộc không có nghĩa quay về nỉ non cùng quá khứ, mà chiêm nghiệm nó, bởi anh nhận thức rất rõ:

không có gì tan mất đâu

thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi

bàn tay in dấu vào Đời

cho nghìn xưa sống với người nghìn sau

Tôi cho rằng, muốn biết được vốn văn hoá của người cầm bút ở độ nào thì xem anh ta đã suy nghĩ và tiếp nhận văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá nhân loại nói chung ở mức độ nào, nhưng trước tiên là ở cội nguồn văn hoá dân tộc với sự cảm nhận về quy luật vận động của cuộc sống hiện tại. Đọc thơ An, thấy anh thường chiêm nghiệm, suy ngẫm không ít về dân tộc. Đó cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng cho hồn thơ anh. Nếu ai đi khỏi cái nôi ấy sẽ mất thăng bằng và khó đứng vững.

Đọc 3 tập thơ với 136 bài thơ của Trần Xuân An, tôi bắt gặp những mảng đề tài phong phú, đa dạng, nhưng đề tài về quê hương, dân tộc như được xuyên suốt và nổi rõ, đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu đậm. Tôi thích và quý thơ An, trước tiên cũng chính từ cái hồn thơ ấy. Và cũng đồng cảm với anh về quan niệm này:

và người thơ -- ngọn thu lôi

nhận bao sấm sét giữa trời thương đau

dẫn truyền xuống tận đất sâu

mạch đời hoá giải biết bao nỗi đời.

Phan Thiết, tháng 6.1994

Võ Nguyên

(Trang thông tin điện tử Sông Cửu Long)

 

 

B. VỀ TIỂU THUYẾT:

1. ĐỜI VẪN CẦN NHỮNG “LÁ XANH” (*) (**)

Nguyễn Khắc Phê

Trong số không nhiều những tác phẩm dự cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được chọn in, có tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An. Sinh ra ở Thành Nội, Huế từ 43 năm trước, nhưng Trần Xuân An xa Huế dễ đã gần hai chục năm. Vì mưu sinh và vì số phận trôi giạt, chàng sinh viên Huế Trần Xuân An từng lên Tây Nguyên dạy học, rồi trở về làng quê nóng bỏng gió Lào và cát trắng của Quảng Trị, và nay “đứng chân” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng là một cây bút “mới” trong làng văn xuôi như Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết đang gây dư luận, “Cơ hội của Chúa”); chỉ khác là trước đó Trần Xuân An đã là tác giả của bảy tập thơ (“Nắng và mưa”, 1991; “Hát chiêu hồn mình”, 1992; “Tôi vẫn ở trên đường”, 1993; “Lặng lẽ ở phố” “Kẻ bị ném vào bão”, 1995; “Hát với đời ơi thương mến”, 1996; “Quê nhà yêu dấu”, 1998). Có lẽ vì thế tiểu thuyết của anh đậm chất thơ. Đề tài không mới, cũng không là “đề tài lớn” – chuyện ngoại tình của Niên, một thầy giáo trở thành nhà văn, với Cúc Tần, một cô giáo trung học dạy Việt văn, ba mươi hai tuổi, độc thân, xinh đẹp, thông minh, dịu dàng, cũng là “đồng chủ quán” cà phê “Lá Xanh”. “Có một nơi lá mãi xanh” còn là một cuốn tiểu thuyết về một tiểu thuyết: chuyện bản thảo tiểu thuyết đầu tay của Niên từng bị đồng nghiệp xoi móc, “đánh đập”, được viết lại, nâng cao, sau mười năm trải nghiệm cuộc đời của chính tác giả… Và những ngẫu nhiên không thiếu trong cuộc đời đã khiến Niên hội ngộ với những đồng nghiệp từng “đánh đập” anh [trong các cuộc kiểm thảo] ngày trước trong một tình thế khá éo le: cả Cúc Tần và đôi vợ chồng chủ quán “Lá Xanh” đều là người thân ruột rà với cô hiệu trưởng và vị bí thư chi bộ nơi Niên dạy học. Là Cháu ruột cô hiệu trưởng, cô bé Cúc Tần hồi 13 tuổi đã mê mải lén đọc tập bản thảo tiểu thuyết “Những mùa thơ dại” bị “tịch thu”. “Một kỉ niệm buồn đau và buồn cười xảy ra năm anh hai mươi ba tuổi! Chả là, với bản thảo mười tám tuổi, anh dẫu sao vẫn còn ấu trĩ lắm. Sự ấu trĩ còn ở người tịch thu bản thảo nữa. Bây giờ, những tấm lòng đã rộng mở, những con mắt đã sáng hơn, khoan dung hơn… Năm tháng qua đi, những bức xúc cay đắng cũng trở thành kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào. Thời gian có lòng nhân hậu của nó…” (tr. 65) .

Thực ra thì có lẽ không phải nhờ “thời gian nhân hậu” mà chính nhờ cách nhìn đời đôn hậu của tác giả nên cuốn sách, dù nói đến những thành bại, lầm lỗi trong cuộc đời, vẫn có nhiều trang đượm chất thơ, gieo thêm niềm tin yêu vào cái đẹp, vào sự hướng thiện của con người cho bạn đọc.

Những trang viết của Trần Xuân An kĩ lưỡng, tâm lí nhân vật khá tinh tế.

Có thể nói phần nào cuộc đời thăng trầm của tác giả đã được tái hiện trong tác phẩm. Sức cuốn hút của tác phẩm không phải ở tính bạo liệt, gay cấn như một số tác phẩm ăn khách gần đây, mà chính ở nơi “lá xanh”, chính ở vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật – những con ngưởi luôn trăn trở, trung thực đối diện với chính mình để không ngừng hoàn thiện. Xung đột của Niên cũng như Cúc Tần và cả những nhân vật phụ không phải là với kẻ đối địch, mà chủ yếu với chính bản thân mình. Cuộc đấu tranh nội tâm không ồn ào ấy chính là “đất” của tiểu thuyết nhưng đồng thời cũng là thử thách đối với nhà tiểu thuyết. Trần Xuân An đã dám chấp nhận “thử thách”, và đây chỉ là cuốn tiểu thuyết đầu tay (***) của anh. Được biết anh vừa gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai dự cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Hi vọng tác phẩm mới của anh sẽ có những bước thành công mới.

Huế, 8-1999

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(*) Đọc tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

(**) Bài viết đã đăng trên Báo Thừa Thiên – Huế, số 1520, ra ngày thứ tư, 22-9-1999; trên Tạp chí Cửa Việt, số 61, tháng 10 năm 1999, tr. 78 – 79.

(***) “Có một nơi lá mãi xanh” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tác giả được xuất bản, nhưng thật ra, bản thảo tiểu thuyết hoàn chỉnh đầu tay của Trần Xuân An là “Mùa hè bên sông” (bản 1997 & bản 2003).

TXA bổ sung thêm 2 chú thích (**) và (***).

2. ĐI TÌM MỘT CHỐN LÁ XANH (*)

Nguyễn Tiến Đạt

Trong những năm gần đây Trần Xuân An là một hiện tượng trong giới văn chương – hiện tượng cả trong đời sống và sức viết. Chỉ trong vòng mười năm anh đã cho ra đời bảy tập thơ: “Nắng và mưa”; “Hát chiêu hồn mình”; “Tôi vẫn ở trên đường”; “Kẻ bị ném vào bão”; “Hát với đời ơi thương mến”; “Quê nhà yêu dấu” … và hai tiểu thuyết dự thi giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: “Có một nơi lá mãi xanh” “Mùa hè bên sông” . Phải nói là sức viết của Trần Xuân An như sóng vỗ bờ, miệt mài cùng ngày tháng. Tác phẩm cũng như chính cuộc đời anh phong trần gian khổ trên hành trình đời người.

Ở Trần Xuân An hội đủ yếu tố của con người Miền Trung. Quê Quảng Trị, sinh ra tại Huế, rồi lên dạy học ở Tây Nguyên, bị “choáng”, “sốc” [“va chạm tư tưởng”], lại về quê nhà Quảng Trị cùng vợ may vá kiếm sống, rồi vào Sài Gòn lập nghiệp. Bốn mươi ba năm đi qua đời anh với biết bao nỗi cơ cực bám riết: chiến tranh, bão lũ, bệnh tật, mưu sinh. Ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, dẫu bất hạnh đến cùng cực, từ cơn “choáng”, “sốc”, cho đến khi sống vững chắc ở Sài Gòn, đối với anh, tất cả trước mặt là trang giấy trắng cần phải gieo chữ, cần phải vượt qua. Trần Xuân An đã làm được với tất cả bình sinh của mình. Văn chương cũng như cuộc đời, cái đích của Trần Xuân An tìm đến là lòng nhân bản, là sự cao cả trong đời sống, là phẩm chất kiêu ngạo của con người trước vực thẳm.

Trước khi đến với tiểu thuyết, một lĩnh vực cần huy động tối đa vốn sống, vốn kiến thức thâm hậu, Trần Xuân An là thi sĩ của những miền mây sương trắng, đồng vọng chiều sáo trúc thôn quê với nỗi buồn sâu thẳm, của những cơn đau vùi trong cát, vì thế tiểu thuyết của anh cũng giàu chất thơ, tinh tế, nhạy cảm đường tơ. Tôi đọc “Có một nơi lá mãi xanh” trong men say như thế. Nó có hương vị ngọt ngào và đắng đót như li cà phê năm nào Trần Xuân An ngồi nhấp môi một mình ở Đa Kao trong chiều mưa với nỗi lòng cô quạnh [thương nhớ] cố hương… Không như một số tiểu thuyết gần đây đề cập đến những vấn đề nổi cộm của xã hội, những cơn đau gió chướng thị trường để rồi chiêm nghiệm những triết lí siêu hình, Trần Xuân An tần ngần nhẹ bước vào một thế giới riêng tư của lớp trẻ, tinh tế với từng cảm xúc để rồi khái quát lên một vấn đề lớn hơn, đó là: Con Người.

Câu chuyện của Niên, một nhà giáo, một nhà văn đã có cuộc sống gia đình riêng, đem lòng yêu một cô giáo, cũng là chủ quán cà phê “Lá Xanh”, có cái tên rất thơ mộng: Cúc Tần. Thế nhưng đây không phải là mô-típ [motif] chuyện tình tay ba, tay tư ta thường hay gặp. Trần Xuân An đi vào một quan hệ biện chứng, đó là văn chương và cuộc đời, là hình trình đi đến cái đẹp đích thực đang ẩn hiện trong cuộc sống quanh ta, đôi lúc vô tình ta không nhận thấy để rồi lao phóng kiếp sống theo ảo ảnh. Cô bé Cúc Tần mười ba tuổi năm xưa từng mê đắm một tiểu thuyết viết tay và thương thầm nhớ trộm tác giả. Cho đến lúc gặp nhau thì Niên đã có gia đình riêng, và không ngờ do cuốn tiểu thuyết ấy anh bị đày đọa cả đời mình. Thế rồi, trên bước đường sóng gió xô giạt, anh đã gặp lại chính những người đã một thời đày đọa tác phẩm cũng như cuộc đời anh, trong đó có người thân của Cúc Tần. Và chính họ đã nhận ra những giá trị đích thực của tác phẩm. Dù thế nào đi chăng nữa, đối với Niên, tất cả là kỉ niệm, cho dẫu có nhói lòng nhưng trên tất cả vẫn là sự nhân hậu của thời gian, là cái đẹp luôn phải đổi bằng giá của khổ đau.

Mọi xung đột trong tác phẩm dưới bàn tay nghệ thuật của Trần Xuân An được xếp đặt và giải quyết một cách khép léo. Ở đây không có sự đổ vỡ của hạnh phúc mà chỉ là sự vật vã đi tìm hạnh phúc đích thực. Xung đột của vợ chồng Niên chỉ là những đợt sóng để vút lên những thanh âm kì diệu của biển cả. Là một nhà văn, Niên khát khao tìm kiếm cái đẹp, cái cao thượng. Nhiều lúc anh muốn nói to lên, xé rách tấm màn nội tâm vướng víu: “Tác phẩm của tôi, ấy là con đường tôi chọn lựa lâu rồi! Con đường tôi chọn lựa lát bằng những trang sách của đời tôi, những trang sách nhỏ bé mang khát vọng vĩnh cửu. Ai sẽ cùng tôi đi trên con đường riêng đó? … Tôi có quyền đập vỡ rồi ném Cái Nghĩa với trái tim đã nung đỏ thành thỏi sắt vào sọt rác? Con đường của gã đàn ông làm nhà văn mãi mãi là con đường lẻ loi, rất riêng, dẫu đi cùng với ai đi nữa!” (tr. 214).

“Có một nơi lá mãi xanh” là cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết, là cuộc đời và nghệ thuật với những khoảng cách tưởng chừng không vượt nổi, nhưng những điều ta tưởng là khoảng cách ấy lại rất gần gũi thiêng liêng, phải đánh đổi cả đời mình mới giành giật được. Ở đây, ta thấy bóng dáng Trần Xuân An với những đêm thức trắng cùng trang giấy. Cuộc vật lộn trong mỗi bản thân con người trên hành trình hướng thiện được Trần Xuân An thể hiện một cách nhạy cảm, tài tình. Gần như từng nỗi đau, mỗi nếp nghĩ, những rung động nhẹ nhàng anh đều gọi được tên. Mỗi trang sách của Trần Xuân An là mỗi góc cạnh của nội tâm nhân vật, nơi đó có bóng mát tâm hồn tuổi trẻ mang đậm thân phận người đời trước tình yêu cuộc sống. Có thể nói đây gần như là một cuốn tự truyện của Trần Xuân An (***), của những người sống chết cùng trang viết. Trên một nền tảng kiến thức rộng, mọi ngõ ngách được Trần Xuân An hóa giải, mang đậm chất thơ, vì thế dễ đi vào lòng người. Cuộc đấu tranh nội tâm là một đề tài khó của tiểu thuyết; cày xới trên mảnh đất nội tâm ấy là một thử thách lớn, lại được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế và đầy linh cảm như Trần Xuân An là một sự sáng tạo độc đáo. Trong thử thách tiểu thuyết ấy, đã không ít tác giả bị sa vào những chuyện tình nhạt nhẽo, hay lên gân thô cứng.

Với một sức viết mãnh liệt như Trần Xuân An, cần mẫn sáng tạo với từng con chữ, chúng ta có quyền hi vọng ở anh với những thành công mới. Trong thế giới của nhà văn Pautôpxki (Pautovsky), có một con người suốt đời quét bụi cho thợ kim hoàn với mơ ước là một ngày sẽ đúc được bông hồng vàng dâng tặng người yêu. Tôi tin Trần Xuân An là như vậy [,ở ý nghĩa khái quát của hình tượng: Cõi Đời, Lao Động và Con Người].

NGUYỄN TIẾN ĐẠT

(*) Đọc tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh” của Trần Xuân An, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

(**) Bài viết đã đăng trên Báo Quảng Trị, số 1012 (cuối tuần), ra ngày thứ sáu, 05-11-1999 (28 tháng 9 Kỉ mão), tr. 5.

(***) Năm đầu tiên của quãng đời giáo viên, TXA. dạy học ở Trường PTCS. Lộc Ngãi, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Xin xem “Ngôi trường tháng giêng” (TXA. chú thích).

 

 

C. VỀ PHÊ BÌNH THƠ:

TRẦN XUÂN AN VỚI “MẮT XANH” ĐỌC THƠ (*) (**)

Chu Thụy

Có người đọc thơ như một thú vui, cứ trải lòng ngõ hầu tìm một tri âm bên ngoài độ rung của câu chữ. Có người đọc thơ bằng sự nóng ấm của cảm xúc nhưng vẫn theo một lối bình xét trong tương quan đối chiếu, với tố chất của một nhà phê bình thực thụ. Trần Xuân An, trong “Ngẫu hứng đọc thơ” (*), đã kết hợp nhuần nhị cả hai “cách” ấy: anh chọn những người thân quen, có mối quan hệ riêng để đọc, nhưng là đọc một cách kĩ lưỡng, sâu, đến độ có cảm giác anh đang muốn “tổng kết” cả sự nghiệp viết lách của ai đó…

Không kể hai phụ lục thể hiện sự cảm nhận về thơ lục bát và bàn đến mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận đồng sáng tạo, phần còn lại, với chín tác giả, Trần Xuân An dành hết gần 180 trang sách để giới thiệu, bình xét, tranh luận, giãi bày… về tác phẩm của họ. Đó là thơ Nguyễn Công Bình, Võ Văn Luyến, Nguyễn Tiến Đạt, Phan Văn Quang, Nguyễn Tấn Sĩ, Võ Nguyên, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hà Linh Chi – những người ít nhiều có mối quan hệ thân sơ (thế hệ đàn anh, bạn bè khắp nơi, quê nhà Quảng Trị) của Trần Xuân An. Cách mà Trần Xuân An chia sẻ cảm xúc về thơ kể cũng lạ: với mỗi tác giả, anh phân ra nhiều trường đoạn, mỗi trường đoạn gói ghém một lối tư duy về thơ hay chí ít cũng “nói” về một giai đoạn sáng tác, một chủ đề nổi bật nào đó. Đó là thế mạnh mà Trần Xuân An – một nhà thơ quê gốc Quảng Trị đã xuất bản các tập “Nắng và mưa”; “Hát chiêu hồn mình”; “Tôi vẫn ở trên đường”; “Lặng lẽ ở phố”; “Kẻ bị ném vào bão”; “Hát với đời ơi thương mến”; “Quê nhà yêu dấu” … – đã khai thác đưa vào tập sách mới của mình: “Ngẫu hứng đọc thơ” .

Nhưng điều quan trọng là tác giả đã “đọc” được những gì? Một Nguyễn Công Bình nhiều biểu hiện và thay đổi với “Người gánh bóng mình”, “Lời quả”, “Một người phía chân trời” ; Võ Văn Luyến vẫn đằm thắm, tình tứ qua “Trầm hương của gió” ; nhà thơ quá cố Nguyễn Tiến Đạt sắc sảo, góc cạnh và đầy dự cảm qua “Người đi nhặt cuội”, “Khúc hát tình tang” ; Phan Văn Quang gắn liền với “trường phái phong trần” nên thơ có chỗ bướng bỉnh, sâu; Võ Nguyên, cây bút văn xuôi đang muốn khẳng định mình ở địa hạt thơ; Hà Linh Chi bộc trực, “lì lợm” trong thơ như bản tính ngoài đời… Mỗi tác giả, Trần Xuân An có giọng viết không hề giống nhau; nhiều chỗ khiến độc giả xúc động bởi những kĩ niệm cũ được nhắc lại.

Nhưng phải đến phần phê bình thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì Trần Xuân An mới thật sự thể hiện rõ nhất năng lực tư duy trong phê bình thơ. Không phải với những nhà thơ này Trần Xuân An đã lược bớt đi những cảm xúc riêng tư, mà là cách anh xâu chuỗi cảm nhận, thậm chí mạnh dạn tranh luận. Với thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Xuân An tự tin “chia” thành từng phần hợp lí, sáng tạo về cấu trúc (“tình yêu đương”, “lính giải phóng” trong “Mặt trời và cơn khát”; “xuân”, “xanh”, “cõi sống”, “cứu láng giềng” trong “Lời hát khẽ” ). Với Tần Hoài Dạ Vũ (tức nhà văn Nguyễn Văn Bổn, quê gốc Quảng Nam, thầy dạy học của Trần Xuân An hồi lớp 10), anh đã sáng tạo khi “chiết tự” bút danh “Tần Hoài Dạ Vũ”, để dẫn đưa độc giả về lối cảm nhận của mình. Từ tứ thơ trong bài “Bạc Tần Hoài” (Bến sông Tần Hoài) của Đỗ Mục đời Đường – Trung Quốc mà chính Nguyễn Văn Bổn từng có ý khi chọn bút danh, Trần Xuân An quả quyết rằng thơ của tác giả này cũng chia ra làm hai mảng: “Tần Hoài” (tâm trạng của người dân mất nước theo điển cố, tức thơ phản chiến) và “Dạ Vũ” (mưa đêm, tức thơ yêu đương). Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường? Trần Xuân An đã “ngạc nhiên” với việc nhiều nhà phê bình ít nói về mảng thơ kháng chiến của nhà văn, nhà thơ họ Hoàng Phủ, và anh bắt đầu khai thác sâu hơn theo hướng này. Tất nhiên, cuối cùng Trần Xuân An vẫn phải quay về với những bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy hình ảnh, được nhiều người chuyền tay, được phổ nhạc… nhưng cách “đặt vấn đề” ban đầu như thế đã gây sự chú ý. Một thủ thuật trong phê bình chăng?

Rất có thể, Trần Xuân An đã tốn nhiều thời gian nghiền ngẫm thơ và theo dõi nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau của các nhà thơ ấy. Vì thế, càng đọc “Ngẫu hứng đọc thơ” , tôi càng thấy Trần Xuân An quả có “mắt xanh” – đọc vừa có nghề, có lửa, lại sâu sắc, tinh. Cách chọn dẫn chứng thơ thật sát cho từng bài viết, lấy ra được cái thần ở mỗi nhà thơ, của Trần Xuân An khiến người đọc thi thoảng giật mình, dù họ cũng đã đọc phần lớn những tác giả mà anh chọn để phân tích. Khi giới thiệu về Tần Hoài Dạ Vũ, anh đã không thể bỏ sót bài “Chiều mưa uống rượu” mà nhiều lần tôi nghe học trò của nhà thơ vẫn ngâm nga mỗi khi có dịp. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vẫn “Bài ngâm đùa chơi”, “Về chơi với cỏ” … ; Phan Văn Quang với “Hoang mang” khá quen thuộc (“Bên suối lặng mình soi đáy nước / Trong trời chiều sinh động hai ta / Bóng nhìn ta và ta nhìn lại / Giữa thinh không hai đứa khóc òa”)

Cũng phải nói rằng, nhiều chỗ Trần Xuân An đã để cho cảm tính lấn át những phân tích sắc sảo vốn được anh khởi đi ngay từ đầu trang viết (thế mới là “ngẫu hứng” chăng?). Nhưng có thế nào anh cũng kịp cho độc giả của mình sự cảm nhận độc đáo của mình. Nếu với thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Tiến Đạt, Tần Hoài Dạ Vũ, Hà Linh Chi… bạn từng có cách cảm nhận riêng, thì hãy đọc thêm “Ngẫu hứng đọc thơ” để biết rằng đã có một người nữa cảm nhận rất khác, rất trải lòng và đôi chỗ thành thực đến thái quá…

CHU THỤY

(*) Đọc “Ngẫu hứng đọc thơ”, phê bình thơ, tập sách của Trần Xuân An, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2005. Bài đã đăng trên Báo Quảng Nam, số 1694 (4916), cuối tuần, ra ngày thứ bảy, 08-10 – chủ nhật 09-10-2005.

(**) Cảm ơn hai bạn Nguyễn Đăng Chín - Hồ Thị Nguyệt Thanh đã gửi tặng tờ báo này. TXA.

 

 

D. VỀ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN:

NHÀ THƠ - NHÀ GIÁO TRẦN XUÂN AN

LÊ HOÀNG ANH phỏng vấn

1. Xin anh cho biết, thơ “trẻ” bây giờ có gì mới?

- Thơ của những nhà thơ trẻ, hai mươi đến ba mươi tuổi, mới và lạ hẳn so với thơ của lớp nhà thơ trước đó: Mới lạ về đối tượng quan tâm, cảm xúc thẩm mĩ, ngôn từ, kết cấu và nhạc điệu. Với mối quan tâm chung về số phận, tâm hồn và tâm linh, trong một bối cảnh đổi mới, họ vẫn có cách cảm nghĩ và cách nói khác với các thế hệ khác hiện sống và làm việc với họ. Nhưng dẫu sao vẫn không thể có một đột biến như Thơ Mới được. Mọi nguồn thơ Đông và Tây đều gặp nhau cả rồi trong suốt thế kỉ này. Cái mà thơ trẻ có thể nhắm tới là bề sâu hơn là bề ngoài, dẫu bề ngoài của thơ cũng quan trọng. Nhưng còn phải chờ. Hiện nay chưa thấy. Họ chỉ chú ý đến bề ngoài của thi pháp.

2. Riêng anh có gì thay đổi trong thơ?

- Viết, phải mỗi ngày mỗi mới.Tôi cũng được một số nhà thơ quen biết xếp vào loại “chịu khó” cách tân. Nhưng dù cách tân cách gì đi nữa cũng không thể liều lĩnh vô căn cứ, thiếu cơ sở lí luận và thực tiễn sáng tác. Tôi thường xuyên sáng tác trong trăn trở, vật vã với chữ nghĩa, hình ảnh và nhạc điệu, kết cấu và tứ thơ. Thơ phải thể hiện chất trí tuệ – cảm xúc đến mức mình có thể đạt được với nỗ lực không nguôi. Thơ không thể trống rỗng, chỉ chú tâm lập dị cho mới, lạ mà không đẹp. Đấy chỉ là tự định hướng cho bản thân. Vấn đề là tác phẩm đã in chứ không phải là hoài bão sáng tạo.

3. Anh đánh giá gì về thơ tình yêu trước sự “lạm phát” thơ tình hiện nay?

- Tình yêu nam nữ là vấn đề lớn bên cạnh những vấn đề lớn khác. Trong văn học thế giới và ở nước ta, có nhiều tác phẩm thể hiện những vấn đề rất lớn của con người và của các dân tộc theo từng thời đại thông qua tình yêu đôi lứa. Theo tôi nghĩ, vấn đề là các nhà thơ làm thơ tình có tránh né các vấn đề xã hội khác hay không. Ai cũng muốn có một nền thơ vững chắc. Vâng, rất cần có nhiều thơ chan chứa tình cảm và trí tuệ công dân bên cạnh nhiều tác phẩm thơ viết về nhiều đề tài khác, trong đó có thơ tình yêu nam nữ.

4. Theo anh nghĩ, giữa thơ và văn, cái nào khó hơn?

- Cái khó của văn, của thơ nói chung về loại và nói riêng về thể, là không giống nhau. Sự khó nhọc, xét về cường độ lao động và thời lượng lao động để hình thành mỗi đơn vị tác phẩm hoàn chỉnh, thì có thể so sánh được. Làm tiểu thuyết thơ cực nhọc hơn viết tiểu thuyết văn xuôi , nếu có độ dày bề rộng như nhau. Thơ cần lao động trên từng chữ, từng vần một. Thơ trữ tình, có khi chỉ hai câu (bản thân tôi có những bài, mỗi bài chỉ vỏn vẹn tám âm tiết – tám chữ, ngắt làm bốn dòng), tưởng buột miệng là thành, cũng phải vất vả ghê gớm. Tôi nghĩ đến sức chứa, độ nén của các linh kiện điện tử hiện nay. Vấn đề là ở đó. Mỗi bài thơ lại là một chỉnh thể đơn nhất. Vả lại, ở đây không phải là sự khó làm hay khó nhọc mà là ở sự khó thành công. Với văn, thành công cũng khó như thành công về thơ.

5. Vậy anh nghĩ gì về sự phát triển “ồ ạt” của thơ hiện nay?

- Sau sự “ồ ạt” như một tất nhiên, sẽ đi đến trạng thái trầm tĩnh hơn và chắc chắn sẽ có chất lượng hơn. Không có gì hư vô, vì ngay cả thể nghiệm cách tân hoặc phục cổ, dẫu thất bại thì vẫn là thất bại có ích. Phát triển rầm rộ nhưng hướng thiện thì có chi đáng ngại.

6. Theo anh thơ cách tân của một số người có gì đáng chú ý?

- Đổi mới thi pháp là mối bận tâm chung. Có một số người đã hình thành được giọng thơ riêng, nhưng do những nhà thơ ấy bảng lảng, mơ hồ, bàng bạc và có lẽ hơi rối rắm như tơ trời trong thơ họ, nên đọc chỉ cảm chứ chẳng nhận được gì nhiều. Có một số người cố tình tạo nên sự trúc trắc trục trặc trong nhịp điệu và thể hiện một cái nhìn mới về các sự vật vốn khó nên thơ. Cái nhìn ấy rất quý. Sự trúc trắc cần thiết cũng phải là một dạng hài thanh chăng?

7. Vậy theo anh, để có một bài thơ hay cần có những điều kiện gì?

- Để có thơ hay, phải hết mình, hết mình học, hết mình sống, hết mình viết. Tất nhiên cũng phải có năng khiếu, và nhờ hết mình, trở thành tài năng. Để có một bài thơ hay, hiểu như đỉnh cao của một đời thơ, ngoài những nỗ lực hết mình, chút năng khiếu tiền đề, cũng còn cần không khí thoáng đãng của xã hội.

8. Hướng tới tương lai, anh nghĩ gì về thơ?

- Mỗi nhà thơ phải tư nỗ lực là điều không cần phải nói. Quan trọng là nhu cầu và thái độ của xã hội đối với thơ.

Thơ là tinh túy của tiếng mẹ đẻ. Dù trong tương lai có học quốc tế ngữ trên toàn thế giới (không phải ngôn ngữ của bất kì nước nào, dân tộc nào) thì cũng phải học tiếng mẹ đẻ. Thơ còn là một dạng nhu cầu đầu tiên, sâu thẳm và bền vững của loài người từ khi có ngôn ngữ.

Ước chi nghệ thuật ngâm thơ và đọc diễn cảm thơ cần được phát huy hơn nữa với các giáo cụ trực quan (băng, đĩa) để nhu cầu thơ cần bằng với nhu cầu nhạc trong xã hội (ở các quán cà phê, ở các tụ điểm văn nghệ).

Chẳng lẽ nghệ sĩ ngôn từ đang viết chỉ cho mình và chỉ cho những người cùng nghiệp?

14.5.1997.

(trích trong cuốn

"Trò chuyện với văn nghệ sĩ”

của nhà thơ LÊ HOÀNG ANH,

Nxb. Thanh Niên, 2000, tr. 19 - 22).

 

 

E. VỀ TRUYỆN KÍ - BIÊN KHẢO SỬ HỌC:

1. LỜI GIỚI THIỆU CUỐN “PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)” CỦA TRẦN XUÂN AN

Dương Trung Quốc

Tôi nhận lời giới thiệu mà lòng vẫn băn khoăn, không biết bộ sách này có được nhiều người đọc hay không, và có nhiều người mua hay không.

Nói lên nỗi băn khoăn đó, để tôi muốn giới thiệu với bạn đọc rằng, đây là một bộ sách được viết rất công phu, và việc đầu tư để in bộ sách dày dặn như thế này, vốn liếng thật không nhỏ.

Công phu của người viết sách trước hết là đã chọn một đề tài không dễ: về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỉ trong giới sử học và trong xã hội nói chung.

Với một vị quan to, đầu triều, như phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, vào thời triều chính và đất nước đứng trước hoạ xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, thì thái độ giữa chiến hay hoà luôn là cái thước đo quan trọng nhất để phân định đúng sai, chính tà, chân ngụy… đối với mỗi một nhân vật lịch sử cùng thời (một bên là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Trương Văn Đễ, Hàm Nghi…; một bên là Trần Tiễn Thành, Dục Đức, Hiệp Hoà, Hồng Hưu…).

Thế mà, chỉ một dòng nhận định rằng, trong khi cả nước đánh Tây, thậm chí đã có một ông vua xuất bôn lập chiến khu chống giặc mà quan phụ chính Nguyễn Văn Tường lại chủ hoà, ở lại kinh đô, đi lại với giặc, là đủ để cho một vài thế hệ người Việt Nam, những người phải trải qua hơn nửa thế kỉ của một cuộc cách mạng “phản đế – phản phong”, rồi cầm súng đánh mọi thứ giặc ngoại xâm, chẳng tốn nhiều giấy mực cũng gạt viên quan đầu triều này sang hàng ngũ những kẻ đi ngược lại lợi ích cũng như truyền thống dân tộc, để chịu sự lên án truyền kiếp…

Những năm Đổi mới đã tạo ra một không khí cởi mở và một nhu cầu nhìn nhận lại lịch sử một cách công bằng, biện chứng hơn. Công bằng là thoát ra khỏi những định kiến, và biện chứng là làm cho những nhân vật của lịch sử được nhìn nhận như những con người mà không phải là các biểu tượng.

Thoát ra khỏi định kiến, người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một (*) với những người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng – chủ chiến – như vua Hàm Nghi hay Tôn Thất Thuyết… Cách nhìn nhận này nhờ vào những phát hiện về sử liệu cũng như những phân tích mà nhiều cuộc hội thảo sử học đã được tiến hành trong một thập kỉ vừa qua.

Nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn – tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với hoạ xâm lăng dày xéo.

Cái kết cục bi thương, chấm dứt cuộc đời nơi chốn lưu đày ở đất khách quê người, một hòn đảo xa tít mù khơi, cùng gương mặt khắc khổ, đau đớn về tinh thần, héo hắt về thể xác trong tấm ảnh di thể Nguyễn Văn Tường, khiến người ta không thể nghi ngờ vào những kết luận của giới sử học về vị trí chủ chiến của nhân vật này trong pho sử chống Pháp bi hùng của dân tộc ta cuối thế kỉ XIX.

Tác giả bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” không chỉ nương theo những kết luận của giới sử học, mà còn bằng một thể loại ông tự phát kiến là “truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử”, để chứng minh với người đọc rằng, cuộc đời của Nguyễn Văn Tường như ông thuật lại trong bộ sách là một cuộc đời thực như thế. Tác giả lại quả quyết: phần hư cấu chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Khó ai định lượng được là bao nhiêu, nhưng dễ nhận ra công sức của tác giả khi ông dành thêm phần khảo cứu sử liệu gồm rất nhiều chú thích, viết kèm theo phần sáng tác. Phần khảo cứu – chú thích sử liệu ấy không phải chỉ để dẫn chứng, trưng dẫn xuất xứ sử liệu, thẩm định tư liệu, trình bày thêm một cách minh xác nhằm tiện cho việc đối chiếu với phần sáng tác, mà còn để minh chứng: hư cấu nghệ thuật có khả năng tiếp cận với sự thật lịch sử (**).

Nếu ai đó đã từng ví rằng, với thể loại tiểu thuyết lịch sử, lịch sử chỉ là một cái đinh để móc cái áo, thì với tác giả bộ sách này, cái áo tiểu thuyết (phần kết cấu truyện) được đem giăng trên một cái mắc (phần sử kí, tư liệu lịch sử) – cái mắc ấy vốn được thiết kế để người ta có thể nhận ra từng chi tiết, từ đường kim mũi chỉ… đến cái vóc dáng hoàn chỉnh của cả tấm áo. Nói cách khác, tác giả (nguyên là một nhà giáo) muốn thể hiện một quan niệm cổ điển (chuẩn mực) về sự “bất phân” của hai ngành, văn và sử, hai phương thức tư duy, khoa học và sáng tác, trong một bộ sách viết về một nhân vật lịch sử gắn với một thời đại lịch sử.

Tôi muốn nhấn mạnh tính độc đáo của bộ sách, cái công phu của người viết, để giới thiệu với bạn đọc một bộ sách đáng xem, đồng thời cũng để biểu dương sự cần cù, quả cảm của tác giả, là đã làm một việc có ích cho cả sử học lẫn văn chương, trong tình hình có sự giảm sút số lượng người đọc nên rất khó khăn trong việc phát hành này.

Xin được nói thêm rằng, tác giả có một ý định về bổn phận riêng tư bên cạnh những mục đích chung, như ông đã có lời đề từ ở trang đầu sách, là tác phẩm được viết để “kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ Nguyễn Văn Tường” với lòng thành của tác giả (một người thuộc hậu duệ thế hệ thứ 5). Điều đó có làm cho người đọc nghi ngờ về tính khách quan của bộ sách hay không? Chính cách viết xem trọng việc khảo cứu sử liệu của tác giả đã giải toả điều đó. Hơn thế nữa, người viết bộ sách này cũng muốn thể hiện cái đạo hiếu nghĩa của người đời nay đối với người xưa. Đó là một việc đang rất cần cho đời nay, để chúng ta có được một tấm gương lịch sử trong trẻo mà soi lại việc xưa, nhằm làm sáng rõ cho cuộc sống đời nay. Giữ bổn phận chính đáng với tổ tiên của mình cũng là một cách góp phần hun đúc cho tình yêu Tổ quốc.

Như thế thì bộ sách này đáng mua và đáng đọc lắm.

IX. 2004

DƯƠNG TRUNG QUỐC

(Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

 (*) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, bản dịch Viện Sử học, tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35: Trong bản án chung thẩm (10.1885, cuối tháng 8 năm Ất dậu) của thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, có 04 người thuộc nhóm chủ chiến bị chúng kết án (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn). Trong đó, chúng xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách. (TXA. chú thích).

(**) Đây là một luận điểm quan trọng trong ngành lí luận văn học: Việc hư cấu nghệ thuật một cách chân thật trên cơ sở nghiên cứu sử học, tiếp thu những thành tựu của khoa học lịch sử sẽ làm cho sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, và do đó, thật hơn cả sự thật lịch sử trong sử học. Luận điểm quan trọng đó được đa số nhà văn, nhà nghiên cứu văn chương, nhà lí luận văn học trên thế giới nhất trí tán thành, bởi lẽ, sách sử kí trong tủ sách tư liệu cổ hầu hết đều ở dạng tinh giản hoá (giản lược bớt, chỉ lấy phần tinh chất – chi tiết tiêu biểu), còn sách sử học được biên soạn trong thời hiện đại lại thường thiên về khái quát hóa, ý niệm hoá (đúc kết quy luật, nhận định, mô tả bằng ngôn ngữ trừu tượng). (TXA. chú thích).

 

 

Ý KIẾN GIÁM ĐỊNH BẢN THẢO SÁCH

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

 

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM

25 Tông Đản, Hà Nội

ĐT. / Fax.: 04.8256588       

 

Ý KIẾN GIÁM ĐỊNH BẢN THẢO SÁCH:

“PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG”

CỦA TÁC GIẢ TRẦN XUÂN AN

 

Kính gửi: Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP. HCM.

 

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (H.KHLS.VN.) đã nhận được công văn của quý Nhà Xuất bản (NXB.), đề nghị Hội đồng Giám định của Hội chúng tôi đánh giá nội dung lịch sử và khả năng xuất bản bản thảo của tác giả Trần Xuân An (TXA.) – bản thảo viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường.

Do Hội KHLS.VN. đã tham gia, tổ chức một số cuộc hội thảo về nhân vật lịch sử này, và tác giả TXA. đã tặng bản thảo này cho một số đồng nghiệp của Hội, nên xin được có một số ý kiến thẩm định như sau:

- Về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường:

Đây là một nhân vật đóng một vai trò chủ chốt của một giai đoạn lịch sử rất phức tạp; tính phức tạp của tình hình giai đoạn lịch sử này gắn liền với sự phân hoá giữa nội bộ các tầng lớp quan lại triều đình Huế, trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và từng bước áp đặt ách thống trị lên đất nước ta. Đã có một thời gian, nhân vật phụ chính Nguyễn Văn Tường bị đánh giá như người đứng đầu phe “chủ hoà”, có xu hướng cộng tác với chế độ thực dân xâm lược. Nhưng cùng với sự đổi mới nhận thức, đặc biệt là nhờ những phát hiện mới về tư liệu của giới chuyên môn, trong đó có nỗ lực của các hậu duệ nhân vật lịch sử này, nên sau nhiều cuộc hội thảo được tổ chức bởi nhiều trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử (Đại học Sư phạm TP. HCM., Viện Đại học Huế, Hội Sử học Thừa Thiên – Huế, Hội KHLS.VN….), giới sử học đã đạt tới sự đồng thuận cao trong quan điểm đánh giá: Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường là một người yêu nước, hoạt động trong phong trào Cần vương vũ trang chống Pháp. Giải thích việc phụ chính Nguyễn Văn Tường không ra sơn phòng cùng vua Hàm Nghi và các văn thân chủ trương kháng chiến chống Pháp, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, đã được nhiều sử gia cho rằng, đó là sự phối hợp hành động vì mục tiêu chung. Qua nhiều tài liệu của thực dân, giới nghiên cứu sử học thấy rõ: thực dân Pháp từ chỗ tỏ ý nghi ngờ đến phê phán quyết liệt thái độ của vị phụ chính đại thần này, và chung cục lịch sử là phụ chính Nguyễn Văn Tường đã bị thực dân Pháp bắt đày ra đảo Tahiti, rồi qua đời ở đấy. Đó là bằng chứng có giá trị thuyết phục để làm cơ sở đánh giá nhân vật lịch sử này.

- Về thể loại sáng tác:

Tác giả đã xác định rõ là “truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử”. Đó là một loại hình mới mẻ. Tác giả tỏ ra rất nghiêm túc trong việc bám sát những sử liệu, đặc biệt là chính sử của triều Nguyễn, để dựng lại kết cấu và các chi tiết của truyện kí. Đây là nét độc đáo của tác phẩm, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, công sức đầu tư của tác giả. Nguồn tư liệu phong phú do công sức sưu tầm, việc khai thác triệt để các kết quả nghiên cứu của giới sử học qua các cuộc hội thảo về nhân vật Nguyễn Văn Tường mà tác giả tham gia, đã tạo nên độ tin cậy về lịch sử trong khuôn khổ một sáng tác mang cả yếu tố văn học vào sử học. Điều đó có nghĩa là, trong phần sáng tác – hư cấu của một truyện kí về một nhân vật lịch sử, tác giả luôn có ý thức bám sát những sử liệu có được để kết cấu sao cho lô-gic. Đương nhiên với một sáng tác có tính chất văn học, những hư cấu nằm ở khoảng trống giữa những sự thực đã được sử liệu minh chứng là thuộc về quyền và năng lực sáng tạo của tác giả; sự kết đính ấy luôn cần thiết cho mọi sáng tác. 

- Một vài ý kiến góp thêm:

Tác giả không sai khi phản ánh một tình hình rất phức tạp ở nước ta vào nửa sau thế kỉ XIX. Tình hình ấy tồn tại một sự xung đột quyết liệt giữa những người truyền giáo Phương Tây với triều đình nhà Nguyễn, và nguyên nhân cùng hệ quả của nó tạo nên sự mâu thuẫn lương – giáo trong nội bộ nhân dân ta. Thực dân Pháp luôn nhấn mạnh đến chính sách đàn áp Thiên Chúa giáo của triều đình Việt Nam bấy giờ để làm áp lực, tạo lí do can thiệp quân sự, dẫn đến việc chiếm đóng Việt Nam. Và trong chính sách cai trị thuộc địa, chúng luôn luôn khai thác mối mâu thuẫn này để áp dụng chính sách “chia để trị”. Giới sử học Việt Nam đã phân tích đến mặt sai lầm trong chính sách của triều đình Huế, những sai lầm khiến bị thực dân lợi dụng, và vạch trần bản chất xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân là không vì lí do tôn giáo. Đối với nhân dân, vì yêu cầu chung luôn đặt ra là mục tiêu đoàn kết dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nên khi đề cập tới những vấn đề lịch sử, ta vẫn nêu rõ sự thật nhưng hạn chế tối đa những yếu tố gợi lại một cách không cần thiết sự xung đột dẫn đến hận thù. Do vậy, mặc dầu tác giả rất có ý thức đối với vấn đề này, và ngay trong phần cuối sách, cũng nhắc lại sự tế nhị, nhưng theo chúng tôi nên giảm bớt về số lần và về tình tiết liên quan đến những hành vi của triều đình Huế đối với Thiên Chúa giáo (nhà truyền giáo và giáo dân).

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho một bản thảo mà chúng tôi đánh giá cao về công sức, thái độ nghiêm túc của tác giả. Công sức, thái độ nghiêm túc ấy thể hiện trong một tác phẩm viết về một nhân vật và một thời đại mà sự đánh giá lịch sử chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, tế nhị, nhưng đã và đang được giới sử học làm sáng tỏ. Bản thảo này nếu được xuất bản sẽ có tác động tích cực vào quá trình làm sáng tỏ đó. Mong tác giả cũng chỉnh sửa trên sự góp ý của chúng tôi .

Xin gửi tới quý NXB. lời chào trân trọng.

 

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2004

TM. Hội KHLS.VN.

Tổng Thư kí,

(đã đóng dấu và đã kí tên)

Dương Trung Quốc

 

2. CHIÊU TUYẾT CHO NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Đinh Xuân Lâm

(GS. Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mới phát hành vào dịp cuối năm 2004 cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” của tác giả Trần Xuân An. Đây là một công trình biên soạn công phu, khá đồ sộ, trọn bộ gồm 4 tập với tổng số 983 trang. Sách in đẹp, bìa cứng, giấy trắng, chỉ tiếc rằng ảnh minh họa quá ít.

Ưu điểm của sách có nhiều, về cả hai mặt nội dung và hình thức. Nhưng trước tiên cần nhấn mạnh tới một ưu điểm lớn mà theo tôi đã quyết định các ưu điểm của nội dung và hình thức. Đó là cái tâm của tác giả khi cầm bút.

Ngay mở đầu bộ sách, tác giả Trần Xuân An đã cho biết ông là nội hậu duệ thế hệ thứ năm, và sách này được biên soạn với mục đích “kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ: Nguyễn Văn Tường”. Điều đó làm cho người đọc trước khi đi vào nội dung sách không khỏi nghi ngờ về tính khách quan của bộ sách. Nhưng khi đọc đến dòng cuối cùng bộ sách, người đọc có thể nhận thấy tác giả bộ sách đã bảo đảm chặt chẽ tính khoa học cần có cả về nội dung và phương pháp.

Yêu cầu đầu tiên tác giả tự đặt cho mình là khôi phục được bộ mặt chân chính của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường lâu nay vẫn bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai các loại cố tình bôi đen vì một lẽ duy nhất ông là một người chống lại chúng quyết liệt nhất. Chẳng phải trong bản án chung thẩm (10-1885, cuối tháng 8 năm Ất dậu) của thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh (Đại Nam thực lục chính biên, tập 37, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 35) chúng đã xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách 4 người thuộc phái chủ chiến, trước cả Tôn Thất Thuyết hay sao? Về điểm này có thể cho rằng tầng lớp chính trị và quân sự ở Pháp bấy giờ khá tinh quái, chúng định lợi dụng con bài Nguyễn Văn Tường để phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng nhưng vẫn cảnh giác theo dõi Nguyễn Văn Tường trong thời gian trở về Huế vẫn bị giam lỏng tại Nha Thương bạc bên bờ sông Hương. Đến khi thấy thất bại trong thảm hại trong âm mưu sử dụng ông, chúng đã trắng trợn đày ông ra hải đảo. Chỉ riêng việc chúng quyết định đày ông ra hải đảo cùng với những nhân vật chủ chiến, như Tôn Thất Đính (cha của Tôn Thất Thuyết) và Phạm Thận Duật (bị bắt trên đường ra Bắc phụ trách phong trào Cần vương), đã khẳng định trước sau ông vẫn chủ chiến, việc trở về Huế cũng là nằm trong kế hoạch chung của phái kháng chiến. Và tại sao lại không đặt vấn đề trong việc Nguyễn Văn Tường cùng Ba cung (chỉ Từ Dũ thái hoàng thái hậu, Trang phi và Học phi) về Huế lúc đầu có ý định để điều đình, thương lượng với Pháp, dọn đường cho vua Hàm Nghi trở lại Huế, như vậy về danh nghĩa vẫn còn nhà nước, còn triều đình (dù cho đã bị ngoại bang chiếm) để chuẩn bị dần cho việc khôi phục về sau. Nhưng do Pháp đã nhanh chóng đặt lên ngôi ở triều đình Huế vua bù nhìn Đồng Khánh nên ý định đó đã thất bại, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết mới phải đi sâu vào con đường vũ trang chống Pháp. Vì nếu không như vậy thì Nguyễn Văn Tường trước sau vẫn là một người chống Pháp triệt để sao lại về Huế lúc đó với mục đích gì?

Cái tâm của tác giả Trần Xuân An không phải chỉ mong làm sáng tỏ một bi kịch lịch sử, khôi phục danh tiết, xác định vị trí của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường đã bị đánh giá sai lạc suốt trong một thời gian dài và đã từng bị xem là một người phản quốc. Cái tâm của ông do chính ông nêu lên để trần tình với bạn đọc – là qua công trình muốn thể hiện ước mong “mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình”, xem đấy đồng thời “cũng là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu”, điều đó có nghĩa đề cao trách nhiệm của người viết sử, phải phản ánh trung thực lịch sử để không có những nỗi oan khiên kéo dài. Cuối cùng tác giả tuy viết về quá khứ, nhưng vẫn có ý thức gắn với hiện tại, đó là vấn đề bao trùm của đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.

Rõ ràng là với cái tâm trong sáng đó, tác giả Trần Xuân An có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ và đạt tới mục đích của mình. Tác giả đã mạnh dạn đi vào khai thác các nguồn tư liệu từ nhiều phía, về phía ta, về phía Pháp, những tài liệu gốc được đặc biệt chú ý khai thác, trong số đó có những cuốn sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, nhưng luôn luôn có sự liên hệ so sánh, phân tích kỹ lưỡng, đặc biệt gần đây được bổ sung những tư liệu sưu tầm tại Pháp và Tahiti do bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân, là hậu duệ đời thứ 5 và 6 [thứ 4 và 5 – TXA.] của Nguyễn Văn Tường sưu tầm, trong số đó có nhiều tư liệu khai thác tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao, Bộ Hải quân Pháp và tại ngay đảo Tahiti, nơi ông Nguyễn Văn Tường trút hơi thở cuối cùng. Tác giả cũng đặt biệt theo dõi (và tham dự) các cuộc hội thảo khoa học lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-6-1996, của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế cùng Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức (2-7-2002), Hội nghị “Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (1-11-2003) để được cập nhật hơn về thông tin và nhận định đánh giá, trên cơ sở đó có điều kiện suy nghĩ và hình thành những nhận định, đánh giá nhân vật Nguyễn Văn Tường một cách chân thực và khoa học. Kết quả là mặc dù công việc sưu tầm tư liệu ngày thêm phong phú nhưng vẫn phải tiếp tục, trên cơ bản đã có thể khẳng định Nguyễn Văn Tường là một nhân vật chủ chiến đến cùng, cùng Tôn Thất Thuyết bên cạnh vua Hàm Nghi là những người lãnh đạo cao nhất trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nước ta hồi cuối thế kỷ XIX. Đã đến lúc vai trò lãnh đạo của ông trong phong trào Cần vương là một thực tế hào hùng trước kia bị phủ định nay cần được khôi phục lại một cách xứng đáng để không những làm thỏa linh hồn người xưa, làm cho các hậu duệ của Nguyễn Văn Tường rũ bỏ được mặc cảm lâu nay đeo đẳng, mà còn làm cho mọi người chúng ta giải tỏa được một vụ nghi án kéo dài.

Điểm cuối cùng tôi muốn cùng tác giả Trần Xuân An trao đổi là về thể loại sách. Ngay ở trang bìa 1, rồi trang 3, đặc biệt trong “Vài lời thưa trước” từ trang 12, tác giả đã ghi rõ ràng đây là một bộ sách: “Truyện – sử ký – khảo cứu tư liệu lịch sử” và dụng tâm làm rõ với bạn đọc rằng “công trình này mặc dù vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ, nhưng vẫn phải được sự bảo chứng của khoa học lịch sử”. Quả thực người đọc rất chú trọng đến sự phong phú và tính chính xác của các sự kiện lịch sử, lại được điểm xuyết đúng lúc, đúng chỗ đôi phần hư cấu nghệ thuật nên đã làm cho câu chuyện và nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, lôi cuốn người đọc hòa mình vào trong dòng lịch sử. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với tác giả ý kiến đó. Nhưng tôi cứ băn khoăn rằng tại sao tác giả lại phải ghi dài dòng “truyện – sử ký – khảo cứu tư liệu lịch sử” mà không ghi đơn giản, ngắn gọn rằng đây là thể loại “lịch sử ký sự” hay “tiểu thuyết lịch sử”. Thực tế ở nước ta đã có nhà văn Nguyễn Triệu Luật viết lịch sử ký sự khá thành công. Những cuốn Hòm đựng người, Bà Chúa Chè, Loạn kiêu binh, Chúa Trịnh Khải, Ngược đường trường thi của ông đều được xây dựng trên cơ sở khai thác sử liệu thời Lê – Trịnh một cách nghiêm túc, được chuyển tải với một hình thức văn nghệ thích hợp đã được bạn đọc trước kia ham thích. Tất nhiên tôi cũng thấy dụng công khai thác tư liệu lịch sử của tác giả Trần Xuân An lớn hơn nhiều, không những đưa tư liệu lịch sử vào chính truyện, mà con có phần chú thích khá kỹ dưới các truyện ký của các tập, mang lại dáng dấp một công trình sử học chính thức. Có lẽ tác giả muốn tăng cường thêm sức mạnh cho các lập luận của mình, có những sự kiện chưa được nói tới hay nói tới chưa sâu trên phần chính văn đều đưa vào phần chú thích, tất cả không ngoài mục đích khẳng định nhân vật trung tâm của mình. Nhưng dù sao thì phần “khảo cứu tư liệu lịch sử” theo tôi vẫn lạc lõng trong một cuốn truyện ký (*).

Trên đây là một số ý kiến nhân đọc “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”, một công trình biên soạn công phu, một cuốn sách hay, rất đáng đọc. Mấy ý kiến trong bài viết nhỏ này, mong được trao đổi rộng rãi trước hết với tác giả và sau với đông đảo các bạn đọc thân mến.

Tháng 1 – 2005

GS. ĐINH XUÂN LÂM

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử

(Viện Sử học, thuộc Viện KHXH. Việt Nam)

số tháng 5 (348) 2005, tr. 71 – 73.

(*) Ý kiến Trần Xuân An khi đọc bài viết này trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số tháng 5 (348) 2005: Tôi rất biết ơn GS. Đinh Xuân Lâm đã quan tâm đến bộ sách này, thể hiện qua việc GS. đã đọc kĩ và đã viết bài “Chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường”. Chỉ xin có một ý kiến nhỏ về phần “khảo cứu tư liệu lịch sử”. Có lẽ GS. Đinh Xuân Lâm muốn thể tất cho các nhà văn, không yêu cầu gắt gao đối với những người vốn giàu trí tưởng tượng, trong công đoạn nghiên cứu, khảo chứng tư liệu lịch sử khi viết về đề tài lịch sử, để không gò bó năng lực hư cấu nghệ thuật của họ. Tuy nhiên, để thực sự có giá trị thuyết phục về tính xác thực sử học, cuốn sách không thể thiếu phần khảo cứu tư liệu lịch sử với hàng ngàn chú thích xuất xứ tư liệu, trưng dẫn tư liệu và thẩm định, đối chiếu tư liệu như thế. Xin được kính thưa như vậy, sau khi đã viết ở phần dẫn nhập: “Vài lời thưa trước” (PCĐT. NVT., sđd., tr 12 – 19). TXA.

 

 

Bản dịch:

JUSTIFICATION FOR NGUYEN VAN TUONG *

DINH XUAN LAM

Professor, Vietnam Nation University, Hanoi 

 

Ho Chi Minh City Literature Publisher recently published the book “The Regent Nguyen Van Tuong (1824-1886)” by Tran Xuan An in 2004. This is a huge and carefully written book with four volumes and total pages of 983. It has a hard cover, good quality paper and printing though too few illustrations.

The book has many good points in design and content. First and foremost, it is necessary to look at the first good point that I think is decisive to its content and design, that is, the passion of the author. Right in the preface, author Tran Xuan An reveals that he is Nguyen Van Tuong’s great grandson (the fifth generation in his farther’s side); and that the book was written in honor of his great grandfather, Nguyen Van Tuong. This casts doubts on the objectiveness of the book for readers even before they start reading it. However, by reading every chapter of the book, readers will realize that the author has ensured the necessary science in its details and research methods.

The first objective the author set for himself is to return the deserved image to Nguyen Van Tuong, a historical personage,  who has been intentionally blackened by the French colonists and their followers because he was their strongest opposer. It is true that in the final sentence by the Appeal Court in October 1885 (at the end of August in Lunar year of At Dau) under the ruling of the French colonist and Dong Khanh Government (according to Dai Nam thuc luc chinh bien, volume 37, and translated version by Institute of History, Social Sciences Pubisher, p. 35), Nguyen Van Tuong topped the list of four fighting supporters, even before Ton That Thuyet. At this point, we can see the cunning of French political and military leaders who intended to use Nguyen Van Tuong for their plot, but still had an eye on him during his imprisonment in Thuong Bac station on the bank of Huong River in Hue. They sent him in exile to the island when they failed to use him for their purpose. The fact that he was sent in exile to the island with other fighting supporters, including Ton That Dinh (Ton That Thuyet’s father) and Pham Than Duat (arrested on the way to the North to lead Can vuong [pro-royal] movement) was adequate evidence to confirm that he was a constant fighting supporter. His return to Hue was also in the plan of the insurgents. And it is possible that the return of Nguyen Van Tuong and three royal women to Hue (Tu Du queen mother, Trang Queen, and Hoc Queen) was primarily to negotiate with French rulers to pave way for Emperor Ham Nghi to return to Hue. This ensured the nominal existence of a state (though occupied by foreign invaders) and its royal court to prepare for its future re-establishment. However, the plan failed because the French rulers quickly established a puppet government, led by Emperor Dong Khanh. As a result, Emperor Ham Nghi and Ton That Thuyet had to prepare the army to fight against French colonialism. That explained the reason why a constant French opposer like Nguyen Van Tuong came back to Hue at that time?

The author’s desire is not only to get insight into a historical tragedy, to return a good reputation to and identify the importance of Nguyen Van Tuong who has been mistakenly considered as a traitor for a long time. His passion was revealed to readers that “each of us has to look into ourselves, and regards this as desire of the history with many sufferings”. It is meant that he emphasized the historian’s responsibility to truthfully reflect the history so as to avoid any prolonged injustice. Finally, though he writes about the past, the author is well aware of the present by looking at the overall issues of national solidarity and human solidarity.

With his passion, Tran Xuan An is much likely to achieve his set objectives. He has opportunities to study different sources of references, both from Vietnam and from France. He paid special attention to original documents, including history books by historians during Nguyen dynasty. He also provided relative comparison and analysis. Particularly, he has added latest documents retrieved from France and Tahiti by Madam Nguyen Thi Ngoc Oanh, and her daughter Tran Nguyen Tu Van, the fifth and sixth ** generation of Nguyen Van Tuong. Many of these documents were retrieved from the archives of French Ministry of Foreign Affairs and Ministry of Customs and on Tahiti Islands where Nguyen Van Tuong pass away. The author always updated information and judgment about Nguyen Van Tuong in order to make honest and scientific judgments by following (and participating in) different history workshops by Ho Chi Minh University of Education (20th June 1996), by Center for Social Sciences and Humanities under Hue University and Thua Thien – Hue History Association (2nd July 2002), and the workshop on 1st  November 2003 by Assosiation of Vietnamese Historians “to disseminate studies and historical evidence on Nguyen Van Tuong during Can Vuong movement”. Though more evidence should be added, the existing evidence basically could confirm that Nguyen Van Tuong was a constant fighting supporter along with Ton That Thuyet and Emperor Ham Nghi, the most important leaders of the Vietnamese in our resistance movement against French occupation in the late 19th century. It is time to return Nguyen Van Tuong his deserved leadership in Can Vuong movement, which was once denied, to ease the soul of the decedent, to erase the clinging shame for his descendants and to solve a suspected case for others.

The last point I would like to share with the author is the book type. Right on 1st cover, 3rd cover [page 3] and in the preface on page 12, the author states that the book is “a story – record – research book on history” and intends to ensure the readers that “even though the book is a storybook, it has employed some evidence of the history”.  Indeed, readers can notice his emphasis on the diversity and precision of historical events, which are finely mixed with some fiction, making the characters and the story more vivid so that readers are fascinated in the flow of story. I strongly agree with him in this aspect. However, I kept thinking about the reason why the author used a lengthly term “a story – record – research book on history”  instead of shorter ones like “Chronicle history” or “Novel history”. In fact, there has been a Vietnamese writer, Nguyen Trieu Luat, who writes history novels sucessfully. Some of his fascinating novels such as “The man box”, “Che Queen”, “Arrogant soldiers’ insurgency”, “Trinh Khai Lord”, and “Up the way to examinations”, are written on the exact historical events during Le – Trinh time in the form of a fictitious novel. However, I think his intention to exploit historical materials is greater, not only to use historical events in the story but also to provide careful endnotes in each volume, which resembles a real history book. He must have wanted to provide more weight to his arguments. Any events which have not been mentioned or mentioned with scanty information in the main text are inserted in the endnotes, which highlights the main character. Anyway, the part “Reference to historical materials” of the book is irrelevant in such a historical fiction.

Above are my comments about the book “The Regent Nguyen Van Tuong (1824-1886)”, a carefully written and highly recommended book. I hope this paper will share my opinions with the author and other readers.

 

Prof. Dinh Xuan Lam

January 2005

 

* This text is the full article published in Vietnamese on Nghien cuu Lich su in 2005, No 5 (348): p. 71-73. (this endnote is by origin footnote of Journal of Historical Studies).

** fourth and fifth generation of Nguyen Van Tuong (TXA.’s endnote).

Source: Journal of Historical Studies (VIETNAMESE ACADEMY OF SOCIAL SCIENCES - INSTITUTE OF HISTORY), volume 1 number 1 (2006), p. 17-18.

(Journal of Historical Studies's Translators: Lam Quang Dong, Vu Thi Thanh Nha, Pham Thi Thuy, Lam Thi Hoa Binh, Dang Minh Quyen, Nguyen Hoang Mai, Dam Thanh Thuy, Dam Thanh Hang, Ly Thanh Yen; Revised by Lam Quang Dong, MA.).

________________

 

I determined my work, “The Regent Nguyen Van Tuong (1824-1886)”, belonged the historical study type (research on history), but, by me, it was written with the words (language) of biography (story – record).

I thought that: Prof. Xuan-Lam Dinh (Dinh Xuan Lam) forgave other writers because he let pass the endnotes of their historical story books. But I considered, in every historical book type, even historical novel, the endnotes were always necessary. With this requirement, all writers had to work carefully in a scientific way.

Respectful greetings and thanks to Prof. Xuan-Lam Dinh (Dinh Xuan Lam).

An Tran-Xuan (Tran Xuan An)

Prof. Dinh Xuan Lam & The Journal of historical studies (No.1)

Source of picture: Web News.vnu

Website Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (The Journal of historical studies):

http://journals.sfu.ca/vn/index.php/hists/announcement/view/1

Website Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Vietnamese Academy of Social Sciences [VASS]):

http://www.iol.gov.vn/vietnam/?act=News&do=Detail&cid=2&nid=16

Website Viện Ngôn ngữ học -- Việt Nam (The Institute of Linguistics -- Vietnam):

http://www.vass.gov.vn/tintuc/mlnewsfolder.2005-01-28.7649218992/mlnews.2007-07-19.7731876383/view

 

3. SỰ CÔNG BẰNG CỦA LỊCH SỬ VỚI MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Bài viết của Nguyễn Khắc Phê

Thời buổi “tốc độ” bây giờ, cầm cuốn sách trọn bộ gần 1.000 trang, khổ lớn nặng trịch, dù trong lòng thầm phục công phu của tác giả, người đọc cũng thấy ngại, nhất là khi tác giả thể nghiệm một cách viết chưa có tiền lệ, nên loại hình tác phẩm đã phải mang một dòng khá dài: truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử. Nhưng chính cách viết mới mẻ của Trần Xuân An, và nhất là cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường vốn chịu những luồng đánh giá phức tạp, ít ra cũng đã khiến độc giả phải tìm đọc.

Với vị trí Đệ nhất Phụ chính đại thần (tương tự như Thủ tướng), khi đất nước phải đối đầu với những bước chân xâm lược của thực dân Pháp, Nguyễn Văn Tường là một trong bốn đại thần đứng đầu phe chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn), nhưng tình huống éo le của lịch sử đã khiến ông phải nhận sự phân công ở lại Huế sống cùng giặc, trong lúc vua Hàm Nghi rời kinh thành, xuống chiếu cần vương, để rồi bị ngộ nhận, bị nhiều sách báo viết về lịch sử lên án là kẻ đầu hàng chống lại phe chủ chiến!

Qua nhiều tư liệu và lý lẽ, sự kiện ông bị giặc Pháp bắt đày tít tận đảo Tahiti gần xứ Nam Mỹ xa lắc (trước đó, chúng đã giam ông ở Côn Đảo nhưng không yên tâm!) rồi chết thảm thương ở đấy (năm 1886), đủ để đặt vấn đề ông là người như thế nào.

Vậy nhưng phải đợi đến thời đất nước “Đổi mới”, mở đầu là Hội nghị khoa học Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường do Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì (6-1996), tiếp theo là Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học Xã hội - Nhân văn Đại học Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế chủ trì (7-2002), rồi Hội nghị Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức (Hà Nội, 11 - 2003), “vấn đề Nguyễn Văn Tường” mới được bàn luận một cách công khai, những trang sử cũ mới được soi rọi với cách nhìn khách quan và tôn trọng sự thật, đưa đến kết luận: Nguyễn Văn Tường là “đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn” (GS Trần Văn Giàu).

Cần phải nói thêm, những tư liệu gốc mà bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (hậu duệ của Nguyễn Văn Tường) và con gái, Trần Nguyễn Từ Vân, bỏ nhiều công phu sưu tầm tại Pháp và tận đảo Tahiti đã là chỗ dựa tin cậy cho kết luận nói trên.

Trần Xuân An đã “nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn - tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với họa xâm lăng giày xéo” (Lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc).

Với rất nhiều công phu và sự cẩn trọng đặc biệt trong việc sử dụng, trích dẫn tư liệu (có cả ngàn chú thích tỉ mỉ tất cả những chất liệu “xây” nên công trình lớn này), tác giả đã tạo nên được sự tin cậy cho người đọc về một cách nhìn nhận công bằng nhân vật Nguyễn Văn Tường.

Nhưng có lẽ do quá chú trọng vào chất “ký” với mục đích xác tín sử học này, phần “truyện” trong công trình có thể loại tổng hợp của tác giả chưa phát huy được thế mạnh của nó, do đó tâm lý nhân vật, những trăn trở đau đớn của Nguyễn Văn Tường trong những tình thế oái oăm chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ.

Trước cuốn sách này, Trần Xuân An đã in 7 tập thơ và 3 cuốn tiểu thuyết. Với tư liệu đầy ắp và tay nghề đang độ chín, liệu anh có thể dựng một tiểu thuyết về nhân vật Nguyễn Văn Tường thể hiện được những ý tưởng sâu sắc và có sức cuốn hút người đọc?

NGUYỄN KHẮC PHÊ

2004

* Nhân đọc cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường 1824-1886” của Trần Xuân An, NXB Văn nghệ TP.HCM, 12-2004.

 

4. TRẦN XUÂN AN VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH MỚI XUẤT BẢN

VỀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Năm 2004 Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố HCM. xuất bản công trình “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” của Trần Xuân An dày gần 1.000 trang (khổ 16 x 24) được biên soạn rất công phu bằng các thể loại truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử, đã cung cấp một khối lượng thông tin và tư liệu hết sức phong phú về Nguyễn Văn Tường dựa trên cơ sở khảo cứu và tổng hợp các nguồn tư liệu một cách khoa học và được trình bày theo một phong cách tư duy độc đáo, mới mẻ; đã được nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá là một bộ sách “đáng mua và đáng đọc lắm”. Có lẽ từ sự thành công đáng trân trọng đó, Trần Xuân An tiếp tục cho ra mắt hai tập sách nữa viết về Nguyễn Văn Tường là “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa”“Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (đều do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2006). Cả hai cuốn sách đều được tác giả biên soạn công phu. Điều đó cho thấy tác giả đã làm việc một cách nghiêm cẩn, đã đầu tư nhiều tâm lực, trí lực (và cả tài lực) để cho ra đời những công trình nghiên cứu chuyên sâu về một nhân vật lịch sử đặc biệt và hoàn toàn không dễ viết như Nguyễn Văn Tường.

                                                                                                         

Sách khảo cứu của Trần Xuân An không dễ đọc như truyện và tiểu thuyết của anh nhưng nếu chịu khó đọc sẽ thu hoạch nhiều điều bổ ích và rất thú vị.

 

P.V

(Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 78 [11 - 12 / 2006],

mục “Thông tin lịch sử -- văn hoá”, tr. 93).

5. VÀI LỜI NGỎ NHÂN DỊP 2 CUỐN SỬ: “NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886), MỘT NGƯỜI TRUNG NGHĨA” – khảo luận về một vài khía cạnh sử học, và “TIỂU SỬ BIÊN NIÊN PCĐT NGUYỄN VĂN TƯỜNG …” CỦA TRẦN XUÂN AN VỪA XUẤT BẢN TRONG NƯỚC.

Nguyễn Văn Hóa

Khi nói về giai đoạn lịch sử 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta thường nhắc nhở đến thời kỳ mở đầu cai trị tàn ác của thái thú Tô Định; nhưng khi nói về giai đoạn thất thủ hơn 100 năm về tay người da trắng Tây dương – tức là thành quả lịch sử dựng nước của 1000 năm sau, đất nước đã có quốc hiệu, bờ cõi đã phân định rõ ràng, nền móng văn hóa đã trở thành nếp sống bàng bạc trong dân gian –, thì chúng ta nghĩ đến cái lý do đưa tới sự mất nước. Lý do đầu tiên là sức mạnh tự chủ quốc gia, là vấn đề nội chính, nên không thể không nói đến ba nhân vật quan trọng của triều đình Huế lúc đó là ba vị phu chính đại thần – Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Trần Tiễn Thành –, khi kẻ đại diện cho uy quyền quốc gia là Vua – đang ở trong tình thế tranh chấp và tuổi tác còn bé nhỏ.

Lịch sử Việt Nam, trong chiều dài hơn thế kỷ không may mắn, nhiều giai đoạn sách sử bị tiêu hủy, thất tán… có mục đích của các chủ thể thống trị, hay vì yếu tố các sử gia, nhà nghiên cứu… bị các khuynh hướng phe phái, tôn giáo thế lực, màu sắc chính trị làm cho sự thật lịch sử trở thành những câu hỏi của nghi hoặc, dị dạng (historical deformation), càng nhiều nghi vấn càng tốt, để cho những câu trả lời quyết định tính chân sử tương đương với phẩm và lượng của những câu hỏi. Đó là thể cách tạo ra ngụy sử dĩ nhiên là thiếu tính khoa học, nhưng tinh vi. Ba nhân vật nòng cốt của triều chính nói trên bị tách phân ra. Tôn thất Thuyết được mô tả như một con người “tốt bụng, khí khái, hữu dõng vô mưu, thậm chí cực đoan…”, trong khi Nguyễn Văn Tường như một nhân vật “mưu trí, khôn ngoan quỷ quyệt, mưu hòa và hàng giặc…” vì động cơ quyền lợi của bản thân và gia thế. Những “loại hình sử liệu” này khuynh loát đánh mất tính hợp lý hợp nhất chủ trương, hành động, mưu dũng… kiên quyết đánh giặc ngoại xâm, “dựng vua khả trị”, bảo tồn cơ chế triều đình để đương cự xâm lăng của hai nhân vật Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Trong khi ấy, nhân vật Trần Tiễn Thành trở thành hình ảnh của người “Khách Minh Hương” “khôn ngoan, hiền đức, sáng suốt, thức thời…” bị giết oan, nếu không quốc gia đã không bước qua giai đoạn binh biến đau thương, tàn khốc kéo dài, kể cả chiều dài thời gian… tới ngày hôm nay!

 

Không riêng gì nền sử học ở Miền Nam trước đây, vốn có sự tự do tương đối về nghiên cứu và giảng dạy, nhưng lại thiếu vắng nguồn chân-sử-liệu; ở miền Bắc vốn có chút tiếng tăm về những công trình khảo cổ sử với dụng ý chính trị về nguồn gốc tổ tiên Thăng Long hoài cổ, thành Cổ Loa xưa cho sự tiếp nối một thủ đô chính trị Hà Nội đương đại, nền sử học Miền Bắc cũng bị biến dạng theo tình thế. Gần nhất là giai đoạn Trung Cộng tấn công biên giới miền Bắc tháng 2/1979, lúc ấy đang còn ở trong nước nên chúng tôi biết rõ sử liệu đã đuợc mài dũa để viết lại; nhưng chỉ trong vòng hai thập niên sau, khi mối-tình-hai-đảng-anh-em được tô điểm lại thì sử học lại thêm một phen thay đổi nữa.

 

Dù sao, sự thay đổi mang tính thời thượng của kinh tế và phát triển không lâu đến nay, mang tới điều may, tư tưởng và học thuật… của mỗi cái đầu, đã được buông lơi tầm kiểm soát và chế ngự, thì “Phụ Chính Đại Thần Nguyễn Văn Tường, 1924-1886” của bạn Trần Xuân An lại được ra đời trong bối cảnh đó. Cho nên, chúng ta rõ hơn về tinh thần “Trung nghĩa ca” (*) của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, thế nào là triết lý chính trị “hòa là cơ nghi” của Nguyễn Văn Tường, đến những âm mưu để thiết đặt kế hoạch nghị hòa giữa người “Khách Minh Hương” với đô đốc Tây dương Courbet, De Champeaux cùng kẻ ‘thừa sai’ Nguyễn Hữu Độ và Giám mục Caspar đã xảy ra như thế nào cho số phận của bờ cõi đã “tuyệt nhiên định phận tại thiên thư” và những kẻ giang hồ mạo hiểm tìm nguồn lợi kinh tế đi kèm với ‘công cụ’ linh hồn! Vì thế, những cái chết của các vương tôn công tử: Hồng Tham, Hồng Tu, Hồng Phì, với sự mưu sát người “Khách Minh Hương” ‘mẫu mực’ ấy có phải là bản án lịch sử cần phải được đem ra phê phán, thương cảm, u hoài… để luận công vận tội những con người quốc gia vì sự nghiệp của giống nòi và dân tộc???.

 

Tôi, nhận được bản tặng cuốn sách vừa đề cập từ tác giả Trần Xuân An hơn một năm nay, có nhiều lần tôi đã cầm nó lên, đã bỏ nhiều giờ để đọc lại một số chương ‘đặc biệt’…; có lúc tôi đã thầm nói một cách quyết đoán thế này: đây là một công trình xứng đáng để cho một trường đại học nào đó, một cơ sở giáo dục có uy tín nào đó (quốc gia hay quốc tế?)… cấp một văn bằng tiến sĩ danh dự sử học… cho tác giả. Nói thế có cường điệu, quá lời không? Tôi hỏi lại lòng mình như thế, thì may mắn thay, 2 tác phẩm “Nguyễn Văn Tường, Một Người Trung Nghĩa (1824-1886)” – khảo luận về một vài khía cạnh sử học và “Tiểu Sử Biên Niên PCĐT Nguyễn Văn Tường…” đã được bổ sung, được giấy phép công quyền và do Nhà Thanh Niên xuất bản đã trở thành hiện thực, làm thước đo đại chúng toàn cầu. Xin thưa trước, đây chẳng phải là lời mời mọc (bởi lý tác phẩm tự nó không cần tới sự mời mọc!), chỉ nhân cơ hội người viết được tác giả yêu cầu “cho mấy lời ý kiến khi đưa hình sách lên web” muốn gõ nhẹ một tiếng chuông… mở đầu cho một hành trình thời gian, sẽ được công luận có ‘chọn lọc’ lượng giá xem một công trình có sự hướng dẫn, giám sát của cơ chế học viện (academics) so với công trình xuất phát từ hoài bão của lòng tôn kính tổ tiên, nếu không muốn nói một cách ‘lớn lối’ – là, lòng yêu đất nước có sự khác biệt nào không ?!.

Nguyễn Văn Hóa

Chiều thứ sáu, 20.10.2006

Nguồn:

http://giaodiem.us/us-2006/12-06/1206-nvh-gt-txa.pdf

“NGUYỄN VĂN HOÁ PAGE”

(San Jose, California, USA.)

________________________

(*) Theo nhiều tư liệu trong nước, “Trung nghĩa ca” là tác phẩm của Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) – con rể của Miên Thẩm (Tùng Thiện vương).

Trên đây là bài viết của ông Nguyễn Văn Hoá (nguyên chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm: giaodiem.com), giới thiệu hai cuốn sách của tôi – “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa” (khảo luận một vài khía cạnh sử học) và “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” – vừa được Nxb. Thanh Niên ấn hành, 9-2006.

 

Không những ông Nguyễn Văn Hoá đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc xuất bản sách điện tử cũng như ủng hộ tinh thần trong việc xuất bản sách in giấy, ông còn viết bài giới thiệu sách mới. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm khích và biết ơn. Tuy vậy, khi muốn gửi đến các nhà nghiên cứu, các nhà văn quen biết hiện sống và làm việc trong nước, qua phương tiện internet, tôi vẫn cảm thấy ngần ngại. Trước hết, cách viết thẳng thắn khi liên hệ đến một số khía cạnh về tình hình sử học trong những thập niên gần đây (sử học phục vụ yêu cầu chính trị nhất thời trước Đổi mới, lúc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra, chẳng hạn) chắc hẳn cũng còn gây đôi chút “phiền lòng”. Biết vậy, nhưng tôi cũng nghĩ, sự “phiền lòng” còn sót lại đó không còn gây “sốc” nữa, cho dù ở một số người chậm đổi mới nhất. Chính hai cuốn sách của tôi cũng vậy, nhưng tôi lại “phê phán” với một tâm thế, chỗ đứng khác với ông Nguyễn Văn Hoá, đề tài của tôi lại là nửa sau thế kỉ mười chín (XIX), do đó dễ được sự đồng thuận của nhiều người trong nước hơn. Một điều khác, tôi nhận thấy thế cuộc đã cởi mở, có nhiều người sống trên đất nước Việt Nam của chúng ta chấp nhận cả những nhận định sử học khác lập trường, chính kiến hiện thời với màu sắc biểu cảm không giống như những người trong nước. Thật ra, nhận thức về sự thật lịch sử nửa sau thế kỉ XIX như trong bài viết trên, có lẽ ông Nguyễn Văn Hoá không khác tôi, nhưng cách nói của ông có sắc thái khang khác, cụ thể là chất Việt kiều, đặc biệt là Việt kiều Mỹ, một nước Mỹ vốn quen “bạo nói” (tự do ngôn luận đa chiều, hết cỡ), một nước Mỹ tư bản chủ nghĩa có cả Đảng Cộng sản Mỹ công khai hoạt động (hiện do ông Sam Webb lãnh đạo), thì chất Việt kiều Mỹ ấy có sao đâu! Từ những suy nghĩ như vậy, tôi muốn mạn phép ông được đưa bài viết trên lên trang web của tôi, để kính mến, thân ái gửi đến những ai thường xuyên hoặc thi thoảng ghé vào trang web này, cùng tôi chia sẻ, đồng cảm, trao đổi, tranh luận và nhất trí.

 

Kính mong ông Nguyễn Văn Hoá vui lòng, không phiền trách về việc mạn phép đăng lại bài trên web cá nhân cũng như về đôi lời kèm theo.

Trân trọng

TXA.

17 : 52’, thứ ba (thứ tư cũ), ngày 13-12 HB6 (2006), tại TP. HCM., Việt Nam.

6. HAI QUYỂN SÁCH VỀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Trà Điêu (PHAN THÀNH NHƠN)

Nguyễn Văn Tường là một nhân vật sống trong thị phi và chết với thị phi. Đánh giá bản ngã của ông, ngay chính những người đương thời với ông, dù ở phía bên này hay phía bên kia, vẫn còn phải phân vân, cân nhắc và thậm chí, hoang mang. Cho nên chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng tại sao, một thời gian rất dài, nhân vật này “được” tránh né đề cập tới; và nếu có “bị” đề cập, thì các luồng đánh giá rất khác nhau, rất không tập trung như khi giới nghiên cứu đánh giá về những nhân vật như Hàm Nghi hay Hoàng Cao Khải chẳng hạn.

Chính vì lẽ đó, đây là một trường hợp hấp dẫn.

Trần Xuân An, sau khi cho ra đời một “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” khá dầy dặn với gần 1000 trang khảo cứu, đã tiếp tục giới thiệu hai quyển sách mới về cùng đề tài: “Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (442 trang) và “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa (khảo luận về một vài khía cạnh sử học)” (354 trang).

Ở quyển đầu, tác giả Trần Xuân An mong muốn trình bày lại hành trạng của vị Phụ chính đại thần theo mạch thời gian gắn liền với những trích dẫn tư liệu do tác giả dày công nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn, với danh mục tài liệu tham khảo gồm 52 tựa sách, luận văn, bài báo. Mục đích chứng minh đã nằm ngay ở tựa sách.

Quyển thứ hai có thể được xem là một lời đối thoại, mặc dù “đối thoại” chỉ là một trong ba phần nội dung chính của quyển sách, theo sự sắp xếp của tác giả. Đối thoại với ai? Như tác giả đã viết trong “Lời thưa đầu sách”: “… nhằm kiến nghị, đề xuất yêu cầu giải quyết thật rốt ráo, dứt khoát trong tinh thần khoa học đích thực về một vài khía cạnh tồn đọng trên trang báo này, chương sách nọ như di chứng của “định kiến sai lầm” … Lại có người muốn đảo ngược tất thảy sự thật lịch sử thuộc giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX ấy để giành chính nghĩa về phía mình…”.

Bỏ mối quan hệ huyết thống trực hệ giữa tác giả và vị Phụ chính đại thần triều Nguyễn, bỏ qua cách đặt vấn đề quá trực diện, bản thân hai quyển sách mang khá nhiều tâm huyết, và nhìn từ phía này sang phía khác, cũng là một sự tập hợp tư liệu khá kỳ công và có giá trị với những ai quan tâm đến nhân vật Nguyễn Văn Tường.

 

Và dù sao, ý kiến của tác giả cũng rất xác đáng ở điểm: chúng ta không nên đánh giá bất cứ vấn đề nào một cách võ đoán; nếu cần thiết, phải đối thoại thẳng thắn, tổ chức hội thảo rộng rãi trên tinh thần khoa học trước khi đưa ra bất cứ một phán xét nào.

 

Xin trân trọng giới thiệu hai quyển sách của tác giả Trần Xuân An đến quý độc giả.

 

Trà Điêu (Phan Thành Nhơn)

đăng trên Tạp chí Xưa & Nay

(Cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

số 270, tháng 10-2006, tr. 35

 

TXA. gõ phím vi tính lại theo số tạp chí đã dẫn,

xong lúc 18 : 01’, 12-12 HB6 (2006)

Xin mạn phép tác giả Trà Điêu (Phan Thành Nhơn) và Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay để phổ biến trên mạng liên thông toàn cầu (internet) bài giới thiệu sách bên trên, theo số tạp chí đã dẫn.

(Luận cứ, luận chứng và nhận định của tôi về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường [1824 - 1886] được thể hiện trong các bộ sách, cuốn sách đã xuất bản với hình thức in giấy hay sách điện tử. Ở đây, tôi không có ý kiến nào khác).

Trân trọng và cảm ơn ông Trà Điêu (Phan Thành Nhơn), Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay.

TXA.

18 : 01’, 12-12 HB6 (2006).

7. VẼ LẠI CHÂN DUNG

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

Cao Quảng Văn

Lời toà soạn:

 

Cuối cùng, sự thật lịch sử cũng được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan: Sau hơn một thế kỷ bị xuyên tạc, hiểu lầm, bao nỗi oan khiên bi kịch trong cuộc đời và hành trạng của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – nhân vật lịch sử đứng đầu triều Nguyễn sau khi Tự Đức băng hà, lúc đất nước ta đang phải đối đầu với hoạ thực dân Pháp xâm lược – đã dần được sáng tỏ…

 

KTNN.

Trả lại sự công bằng cho lịch sử!

Kế tục cuộc hội thảo khoa học về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM., 20-6-1996) là cuộc hội thảo về “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường” (Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, 2-7-2002) và hội nghị “Thông báo nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương” (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, 1-11-2003). Góp phần công phu và tâm huyết vào quá trình tìm hiểu, làm sáng tỏ và khẳng định lại sự thật lịch sử đó có phần đóng góp tích cực, đầy tâm huyết của tác giả Trần Xuân An (nội hậu duệ đời thứ năm) cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái – Trần Nguyễn Từ Vân – (hậu duệ đời thứ tư và thứ năm của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường), với bao nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu [*].

Qua các tư liệu, hình ảnh khai thác được tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao, Bộ Hải ngoại và Thuộc địa Pháp, tại làng Papeete, đảo Tahiti (Trung Mỹ) – nơi ông Nguyễn Văn Tường trút hơi thở cuối cùng (30-7-1886) [**], và nhiều nguồn tư liệu phong phú khác, tác giả Trần Xuân An đã “nghiền ngẫm trên từng trang sử”, công phu, cẩn trọng tham khảo, phối kiểm các nguồn, rồi trên cơ sở đối chiếu, lấy “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn làm tư liệu chuẩn cứ, để viết nên bộ truyện ký – khảo cứu lịch sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” công phu, dày dặn (với 983 trang sách khổ lớn) và tiếp theo là 2 cuốn khảo luận [**]: “Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa” (dày 354 trang) và “Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (dày 442 trang). Tất cả không ngoài mục đích: Trả lại sự công bằng cho lịch sử!

Bức chân dung đầy đủ, sắc nét

Bức chân dung và tính cách của Phụ chính Nguyễn Văn Tường qua đó ngày càng rõ nét, đối lập hẳn với hình ảnh méo mó trước đây qua lăng kính lệch lạc, do vô tình hay cố ý của một số cá nhân, tổ chức, do quan điểm chép sử bất nhất, tiêu chí đánh giá đổi thay, hoặc nhìn dưới quan điểm của tổ chức thực dân, tay sai hay gián điệp đội lốt tôn giáo, … của lực lượng đối kháng, hoặc do suy diễn, xuyên tạc vì ngộ nhận… Cụ thể hơn, là trái ngược với luận điệu xuyên tạc (của phe “chủ hoà”) cho Nguyễn Văn Tường là người tham lam, tàn nhẫn, quỷ quyệt, Tôn Thất Thuyết nóng nảy, võ biền, hiếu sát, ít học, hèn nhát… lại là một Nguyễn Văn Tường đầy mưu lược, sắc sảo, khôn ngoan, giàu lòng trung nghĩa, thương dân, yêu nước; sáng suốt trong hoạch định chiến thuật, chiến lược, kiên trì; mềm mỏng nhưng quyết liệt trong đấu tranh chính trị, ngoại giao; biết chiến đấu và dám dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn.

Phải chăng bi kịch lớn trong đời ông đã lên đến đỉnh cao sau khi đảm nhận “nhiệm vụ lịch sử” theo lời dụ của thái hoàng thái hậu Từ Dũ sau cuộc kinh đô Huế quật khởi và thất thủ ngày 5-7-1885 (tức 23 tháng 5 Ất dậu)?

Khẳng khái, bất khuất trước bọn thực dân và tay sai trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, Phụ chính Nguyễn Văn Tường nhận trọng trách ở lại kinh thành Huế để lo thu xếp mọi chuyện trong khi vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, để rồi sau đó phải gánh chịu bao tai tiếng vu vạ một cách oan uổng bởi các chiến dịch bôi nhọ (nhằm triệt hạ uy tín của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn trong nhóm chủ chiến, nhằm dập tắt phong trào Cần vương) của đám quan chức thực dân và ngụy triều Đồng Khánh.

Ba cuốn sách của Trần Xuân An đã nêu khá đầy đủ các cứ liệu góp phần làm sáng tỏ các vấn đề trên.

Như trong mật dụ của vua Hàm Nghi từ Tân Sở, Quảng Trị gởi về cho Nguyễn Văn Tường ngày 13-7-1885 (tức 2-6 Ất dậu) cùng lúc với việc ban hành dụ Cần vương: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm. Kẻ ở, người đi đều lấy lòng yêu nước, lo dân làm căn bản; đất trời cũng thực chứng giám…” hay trong mật dụ gởi về Tôn nhơn phủ, hoàng tộc 5 ngày sau đó (vào 7-6 Ất dậu), Hàm Nghi phủ dụ: “Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thật là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được…”.

Mặt khác, qua bản án cáo thị ngày 5-9-1885 (27-7 Ất dậu) của Đô thống Đại Pháp De Courcy, Khâm sứ De Champeaux kết tội lưu đày biệt xứ Nguyễn Văn Tường, cùng bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (và Pháp) kết tội Nguyễn Văn Tường cùng 3 thành viên chủ chốt của nhóm chủ chiến triều đình Huế vào tháng 9-1885 (tháng 8 Ất dậu) “đều là bè đảng làm loạn” (ĐNTL., tập 37, tr. 35), đã cho thấy rõ hơn bao giờ hết hình ảnh Phụ chính Nguyễn Văn Tường: một con người trung nghĩa, một đại quan yêu nước, là kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Điều đáng ghi nhận khác là ngoài việc khảo chứng công phu, với thái độ khách quan, đầy tâm huyết trong nỗ lực tiếp cận sự thật lịch sử nhằm “nói lại cho rõ”, làm sáng tỏ tính cách, hình ảnh của nhân vật lịch sử đặc biệt yêu nước Nguyễn Văn Tường trong một giai đoạn trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt bi hùng (1858 – 1885) của cuộc đối đầu với thực dân Pháp dưới triều Nguyễn, tác giả Trần Xuân An đã góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề liên quan đến các sự biến ở kinh đô Huế và những mắc mứu trong quan hệ Việt – Pháp của một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch. (**).

CAO QUẢNG VĂN

Đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay,

số 591, ra ngày 10-01-2007

(theo thông lệ, xuất xưởng & phát hành tại TP.HCM. trước 4 hôm),

mục “Lần trang sách cũ”, tr. 33 – 35.

(*) Nhân đọc 3 tác phẩm biên khảo của Trần Xuân An:

- “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 12-2004.

- “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, Nxb. Thanh Niên, 9-2006.

- “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa” – Khảo luận về một vài khía cạnh sử học, Nxb. Thanh Niên, 9-2006.

(**) Như lời ghi nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, về bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”: "Đây là bộ sách được viết rất công phu. […] một đề tài không dễ về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỷ […]”. Cuốn sách đã “giúp người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một với những người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng – chủ chiến – như vua Hàm Nghi hay Tôn Thất Thuyết”...

(Chú thích của tác giả bài viết: Cao Quảng Văn)

ÔNG CAO QUẢNG VĂN

 & TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY

 ĐÃ ĐÍNH CHÍNH

Kiến Thức Ngày Nay, số 597, ra ngày 10-3-2007 (HB7), tr. 64, có đăng tải bản đính chính, nguyên văn như sau:

ĐÍNH CHÍNH

 

Sau khi bài viết “Vẽ lại chân dung phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường [1824 – 1886]" của ông Cao Quảng Văn đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 591 (ra ngày 10.01.2007), toà soạn có nhận được thư phản hồi, với nguyên văn nội dung yêu cầu được đính chính của tác giả Trần Xuân An như sau:

"1. Tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và cô Trần Nguyễn Từ Vân có sau, và chỉ bổ trợ thêm mà thôi. Hai người này chỉ sưu tầm tư liệu, chứ chẳng viết một bài nghiên cứu nào. Cách diễn đạt gộp của ông Cao Quảng Văn khiến người đọc hiểu là bà Oanh, cô Vân cũng có nghiên cứu.

 

2. Cách diễn đạt của ông Cao Quảng Văn khiến người đọc hiểu lầm là Trần Xuân An nghiên cứu tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, cô Trần Nguyễn Từ Vân trước tiên, rồi mới nghiên cứu tiếp các tư liệu khác vốn có sẵn trong nước.

 

3. Cách diễn đạt của ông Cao Quảng Văn khiến người đọc hiểu là bộ (*) “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” được Trần Xuân An viết trước 2 cuốn “Tiểu sử biên niên PCĐT. Nguyễn Văn Tường …” “Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa”. Đúng ra, cần phân biệt động từ “viết” và động từ “xuất bản” ".

 

Toà soạn KTNN và tác giả bài viết xin cảm ơn tác giả bộ (*) sách và chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc.

KTNN

Trên đây là nguyên văn bản đính chính.

(*) Bộ sách cùng đề tài gồm bộ "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”, bốn tập, và 3 cuốn khác: “Tiểu sử biên niên PCĐT. Nguyễn Văn Tường …” (Nxb. Thanh Niên, 2006, 442 trang in, cỡ 13 cm x 19 cm), “Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa” (Nxb. Thanh Niên, 2006, 354 trang in, cỡ 13 cm x 19 cm), "Nguyễn Văn Tường, thơ -- Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng" (chưa xuất bản sách in giấy, khoảng 550 trang in). Tất cả đều do Trần Xuân An nghiên cứu, khảo luận, xây dựng thành truyện kí... và viết. Cần xác định rõ để đề phòng có những kẻ cố tình gây sự cố hòng thực hiện mưu toan đặt lại vấn đề về sau.

8. TRẦN XUÂN AN VÀ CÔNG TRÌNH PHỤC HỒI DANH TIẾT

CHO NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

 

Hoàng Phủ Ngọc Phan

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết -- nỗi đau và nỗi oan

Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và Tôn Thất Thuyết (1839 – 1913) là hai quan phụ chính đại thần nắm quyền chính trị và quân sự trong triều đình Huế từ sau khi vua Tự Đức mất (1883) cho đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885).

Những gì hai ông làm trong thời gian đó sau này bị lịch sử [1] lên án như những tội nhân thiên cổ. Quả thực họ đã làm những việc tày trời như phế vua Dục Đức, bức tử vua Hiệp Hoà trong ngục [2], giết hại quan đồng phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành [3], tấn công quân Pháp, đưa đến thảm cảnh thất thủ kinh đô ngày 23-5 Ất dậu (1885) [4].

Ngoài ra, trong dân gian còn truyền tụng những câu:

Việt Nam có bốn “anh hùng”

Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu [5]

Để hiểu đúng những nhân vật và sự kiện lịch sử ấy, cần nhắc lại mối mâu thuẫn giữa hai phe chủ hoà và chủ chiến trước cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp. Chủ hoà thực chất là đầu hàng để cầu an, bảo toàn tính mạng, và chủ chiến là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Mâu thuẫn này đạt đến đỉnh điểm khi cả Dục Đức, Hiệp Hoà và Trần Tiễn Thành đứng về phía chủ hoà. Nghiêm trọng hơn, Dục Đức còn có dấu hiệu tư thông với người Pháp khi ưu tiên cho cố đạo Nguyễn Hữu Cư tự do ra vào cung cấm [6]. Khi những nhân vật nói trên tư thông với giặc thì còn gì giang sơn Tổ quốc? Trước tình hình đó phe chủ chiến gồm Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải hành động cương quyết để loại trừ nguy cơ mất nước. Cuộc đảo chánh là rất cần thiết.

Xét ra, những thơ ca, giai thoại nói về hai ông Tường và Thuyết trước đây đều nhằm bôi nhọ, coi hai ông như những người quyền gian chứ không hề ghi nhận mặt tích cực. Đây có thể là quan điểm đánh giá của phe chủ hoà, của những người có tư thù và của người Pháp. Vì như ta đã biết, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình là của người Pháp. Vua tôi đều phục tùng giặc Pháp. Cả Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm, Ông Ích Khiêm, những người chống Pháp tích cực trong triều hoặc ngoài trận địa, đều bị phe chủ hoà biến thành kẻ tội đồ để tế thần, nghĩa là để lấy lòng tin cậy của người Pháp.

Mấy năm gần đây, giới sử học Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo “chủ chiến ở triều đình Huế” để xem xét lại toàn bộ vấn đề.

Hai nhân vật Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã được phục hồi danh tiết, khẳng định là những danh thần yêu nước.

Đối với Tôn Thất Thuyết, việc phục hồi không khó vì ông hành động chống Pháp rất công khai và triệt để. Hai con trai ông là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm là những trang thiếu niên anh hùng, trung quân ái quốc. Con rể là hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền cũng là bậc sĩ phu yêu nước trong phong trào Đông du.

Riêng đối với Nguyễn Văn Tường, do phải gánh vác những sứ mạng chính trị, ngoại giao rất khó khăn tế nhị nên chỗ khổ tâm rất lớn.

Ông bị mang tiếng đầu hàng, phản bội là do sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ông đã quay về Huế cộng tác với triều đình của người Pháp, xoay chuyển tình thế. Khi tìm được bằng chứng, người Pháp liền bắt giam ông, đưa vào Sài Gòn, ra Côn Đảo rồi đày qua đảo Tahiti. Ông lâm bệnh và mất ở đấy trong nỗi đau và nỗi oan khó giải. Các cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế từ năm 1996 đến 2002 tuy thống nhất về nhận định vai trò tích cực của Nguyễn Văn Tường nhưng vẫn chưa đủ tư liệu cụ thể để xác minh một vài điểm còn vướng mắc.

May thay, ông Nguyễn Văn Tường còn có những hậu duệ hiếu thảo, tài năng và đầy tâm huyết để góp phần cùng giới nghiên cứu trong nước [7], viết lại lịch sử tiền nhân.

 

Vào khoảng các năm từ 1996 đến 2002, hậu duệ đời thứ tư của ông Tường là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân đã nhiều lần sang tận đảo Tahiti (thuộc quần đảo Polynésie, nam Thái Bình dương) và các cơ quan lưu trữ tư liệu của Pháp ở Paris và Aix-en-Provence để sưu tầm các bằng chứng thuyết phục. Kết quả tìm kiếm của họ đã được công bố vào năm 2003 trong tập “Tư liệu về Nguyễn Văn Tường (1883 – 1884 – 1885 – 1886), sưu tập tại Pháp và Tahiti” [8]. Trong khi đó, một hậu duệ khác là ông Trần Xuân An, cũng đã âm thầm làm việc không hề mệt mỏi để công bố một công trình sách về Nguyễn Văn Tường khá đồ sộ và hoàn chỉnh.

Công trình của Trần Xuân An

gồm 4 quyển sách sau đây:

1. "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường"

Truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP.HCM., 2004 [9], 983 trang, khổ 16 x 24; giá 140.000 đ.

Quyển sách này một nửa là truyện kí giống như các tiểu thuyết lịch sử. Tác giả phục hiện lại toàn bộ hành trạng của Nguyễn Văn Tường, bắt đầu từ khi còn là một thư sinh ở xã An Cư, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, đi thi phạm huý, bị làm tượng binh lao dịch, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở đảo Tahiti, rồi được đưa xác về, ầm thầm chôn cất ở quê nhà. Truyện viết đến đâu, tác giả dẫn chứng đến đó. Phần trích dẫn tư liệu chiếm một tỉ lệ quan trọng trong nội dung quyển sách. Tư liệu cho thấy bối cảnh lịch sử rộng lớn liên quan đến vua quan, sĩ thứ thuộc cả hai phe chủ chiến và chủ hoà. Bọn gian tà bán nước bị vạch mặt, người trung nghĩa được trân trọng. Cách viết này có phần trở ngại cho việc cảm thụ văn học nhưng lại cung cấp những bằng chứng xác đáng và những trang tư liệu lịch sử đầy ắp. Và mục đích của quyển sách này vẫn là lịch sử chân chính chứ không phải là văn học.

2. “Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa”

Khảo luận về một vài khía cạnh sử học, Nxb. Thanh Niên, 2006 [10], 353 trang, khổ 14,5 x 20,5; giá 60.000 đ.

Tập sách này giới thiệu và phân tích những tư liệu và sự kiện liên quan đến hoạt động của Nguyễn Văn Tường và đi đến khẳng định: “Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (trích mật dụ của vua Hàm Nghi từ Tân Sở gửi hoàng tộc, ngày 7-6 Ất dậu [1885]).

3. “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp”.

Nxb. Thanh Niên, 2006 [11], 442 trang, khổ 14,5 x 20,5; giá 70.000 đ.

 

Tác giả dựa vào sách “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, rút gọn và bình chú thêm để làm sáng tỏ hành tung của Nguyễn Văn Tường.

4. “Nguyễn Văn Tường – thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”

Trần Xuân An và nhiều tác giả, sắp xuất bản [12].

Ở đây, một lần nữa, tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Văn Tường được chính ông tự bạch qua bài thơ “Chia tách triều chính”:

Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc

Lòng tôi một dạng giữ sân son

Đúng, sai, ấy gửi nghìn sau luận

Nhẹ? Nặng? Phò vua? Luyến nước non?

Trần Xuân An, sinh năm 1956 tại Huế, nguyên quán Quảng Trị, hậu duệ thế hệ thứ năm của quan phụ chính Nguyễn Văn Tường. Ông xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp ĐHSP. Huế (1874 – 1978), dạy học tại Lâm Đồng (1978 – 1983). Hiện nay chuyên sáng tác và nghiên cứu tại TP. HCM.. Ông là tác giả của 7 tập thơ và 3 tiểu thuyết đã xuất bản, từng được giải thưởng văn học. Rõ ràng ông không có ý định và không hề được đầu tư để trở thành người nghiên cứu lịch sử. Nhưng vì lòng hiếu kính đối với tổ phụ, niềm hãnh diện đối với gia tộc và quê hương, và niềm bức xúc về việc ghi chép lịch sử “chân chính”, ông đã dành biết bao tâm huyết để hoàn thành công trình sách về Nguyễn Văn Tường.

 

Công trình sách lớn này vượt ra những luận án tiến sĩ trong lãnh vực sử học mà tôi đã được biết. Có thể nói, Trần Xuân An đã đạt được tầm vóc của một nhà sử học; nhất là đồng hương Quảng Trị chúng ta cần ghi nhận cống hiến đột xuất này [13].

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Đăng trên Tình Quê, tuyển tập định kì, số 7,

Nxb. Đà Nẵng, 2007, tr. 42 – 45.

Chú thích của "Web. TXA's"

(Xin được mạn phép chú thích để tránh những hiểu lầm đáng tiếc):

[1] Theo mạch văn, xin hiểu là sách lịch sử được viết với quan điểm thực dân, tả đạo và bảo hoàng, hoặc sách trong chế độ mới còn bị ảnh hưởng dai dẳng bởi các sử liệu xuyên tạc, quan điểm trái ngược ấy. Ở đoạn sau của bài viết này, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan sẽ làm sáng tỏ nguyên ý, chủ kiến của ông.

[2] Xem chú thích [1]. Chính xác là Hiệp Hoà bị thi hành án theo lệ ‘tam ban triều điển’ (dải lụa, thanh gươm, chén thuốc độc). Chính Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ đã trực tiếp thi hành án tại Nha Hộ thành (Dục Đức đường cũ), buộc Hiệp Hoà phải tự xử bằng thuốc độc; và Trần Xuân Soạn đã kết thúc sinh mệnh Hiệp Hoà, kẻ đã bị kết án phản quốc, câu kết với Pháp với bằng chứng cụ thể, xác thực.

[3] Xem chú thích [1]. Chính xác là Trần Tiễn Thành -- đệ nhất phụ chính đại thần; Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết -- đồng phụ chính đại thần (theo di chiếu của Tự Đức).

[4] Xem chú thích [1]. Mạn phép đề nghị dùng cách diễn đạt chính xác, đầy đủ và ngắn gọn: “Cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ”.

[5] Xem chú thích [1]. Còn có thêm hai câu tiếp theo trong bài ca dao tuyên truyền, phản động này. Nguyên văn:

Việt Nam có bốn “anh hùng”

Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu

Lại thêm hai thằng vũ phu

Đề Đức, đề Soạn giương mu (khu) chịu đòn.

 

(Đề Đức, đề Soạn: Đề đốc Vũ Văn Đức và đề đốc Trần Xuân Soạn).

 

[6] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (biên soạn), “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, Nxb. Thuận Hoá, 1995, tr. 372 (dẫn theo PGS. TS. Đỗ Bang, “Cố đô Huế”, Nxb. Thuận Hoá, 2005, tr. 321): Chính Dục Đức đã chuyển giao tài liệu mật cho khâm sứ Pháp Rheinart từ năm Tân tị (1881).

[7] Nhà văn, nhà biên soạn sách kì cựu Hoàng Phủ Ngọc Phan đã khiêm tốn. Thực ra, ông là thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu, biên tập Sở Văn hoá – Thông tin TP.HCM. và Nxb. Trẻ TP. HCM., những người có công rất lớn đối với sử học cận -- hiện đại, trong việc biên soạn cuốn “Côn Đảo, kí sự và tư liệu” (xuất bản, 1996; tái bản, 1998) với sự cố vấn của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Trần Trọng Tân, Nguyễn Thọ Chân). Trong cuốn sách lớn này, nhóm nghiên cứu, biên soạn đã xác minh về việc giặc Pháp lưu đày, tra tấn Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), tuy một vài điểm nhỏ khác chưa thật xác thực (như địa danh Haiti… [do chữ Taiti, tiếng Ý, Tahiti, tiếng Pháp, gần giống dạng tự, dễ đánh máy chữ nhầm]).

[8], [9], [10], [11] & [12] Xin vui lòng xem lại chú thích cần thiết và chú thích quan trọng bổ sung của TXA., cuối bài viết của nhà báo, nhà thơ Cao Quảng Văn (từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 591 & ở web. TXA).

[13] Có nhiều nhà nghiên cứu văn học, sử gia thuộc diện rất đột xuất, từ toán học, hoá học, y học, chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu Hán – Nôm, sử học, sáng tác văn học…

TXA. mạn phép gõ phím lại đúng y nguyên văn & chú thích thêm,

với sự đồng ý của ông Lê Diễn (trưởng ban biên tập), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan,

vào buổi chiều 09 & lúc 6 giờ 22', 10-02 HB7 (2007),

& lúc 14 giờ 11', 11-02 HB7 (2007),

cuối năm Bính tuất HB6-7.

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÁC NHÀ CẦM BÚT

ĐÃ VIẾT VỀ TÁC PHẨM (SÁNG TÁC, BIÊN KHẢO) CỦA TRẦN XUÂN AN.

 

(Tệp văn liệu này được soạn lại để gửi Hội Nhà văn Việt Nam [vanvn net, hoinhavanvietnam vn] -- 10-6 HB9 [2009], nên chưa tập hợp hết các bài giới thiệu, phê bình. Tuy nhiên, hầu hết các bài cùng loại đều có trên WebTgTXA.. Xin vui lòng vào trang "tìm kiếm") 

 

Xem tiếp: http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/vietve-tpham-txa_bosung.htm

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

( http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang )

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày đưa trang này lên web: 11-9 HB9