z+a.a. Bài phụ của bài 26-Tl.3 - Nguyễn Hoàn: Xin đừng "tranh công" mà hãy nghĩ chuyện "hậu" giải oan cho NVT.

Xin đừng “tranh công”

mà hãy nghĩ chuyện “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6904   

NGUYỄN HOÀN

      Sau bài viết của tôi đăng trên mạng nhan đề: Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, một bài viết nêu rõ hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới sử học, của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong đó, ngoài vai trò của giới sử học ra, còn có sự đóng góp quan trọng của những hậu duệ Nguyễn Văn Tường ở nước ngoài là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân trong việc sưu tầm tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường suốt 7 năm trời tại Pháp và Tahiti. Bài viết của tôi không kể tên tất cả các nhà sử học, nhà nghiên cứu đã có công, nhất là có công đầu trong việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường như giáo sư Nguyễn Văn Kiệm, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, PGS TS Đỗ Bang...vì việc đó thuộc về một bài viết khác, vả lại, việc tính công đó nên để cho giới nghiên cứu, bạn đọc và thời gian minh xét.

Do vậy, bài viết của tôi không nhắc đến ông Trần Xuân An, một người đi sau và không có công đầu trong việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường như những tên tuổi đã dẫn trên là chuyện dễ hiểu. Nhưng chính vì sự không nhắc tên ông mà ông đã “làm mình làm mẩy”, viết hai bài tranh luận với tôi trên mạng. Ở bài viết thứ hai của ông, do có sự phản ứng từ một bài viết mang tính học thuật của tôi trước đó, ngôn từ của ông Trần Xuân An đã bớt suy diễn, cực đoan, áp đặt, ông tự nhận là ông đã “nóng giận, mất khôn”, ông “cũng đã tự cười mình”, đã “nghiêm khắc tự phê bình”. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục tự đề cao mình có công nghiên cứu “rốt ráo nhất” về Nguyễn Văn Tường và phủ nhận thành quả đóng góp của người khác, thậm chí còn dám phủ nhận cả những điều mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định. Vậy thực tế, ông Trần Xuân An tham gia đóng góp đến đâu trên hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới sử học, đâu là “giới hạn” những đóng góp của ông, đâu là chân lý mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định? Một hệ luỵ nữa, nếu theo cái cách ông Trần Xuân An phủ nhận tư liệu ở Pháp và Tahiti mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được, cũng có nghĩa là ông Trần Xuân An gián tiếp phủ nhận phương pháp và kết quả làm việc của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vấn đề “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường hoá ra là phải hoài nghi, phải “xét lại” kết quả giải oan này chứ không phải là những chuyện quan trọng, có tầm hơn như cần tôn vinh Nguyễn Văn Tường trong chính sử cũng như tại các di tích lịch sử liên quan ở Quảng Trị đúng với phẩm giá, nhân cách, vai trò của ông đã được giới sử học chiêu tuyết? Đấy là những vấn đề nghiêm túc mà chúng tôi đặt ra và giải quyết trong bài viết này chứ không lặp lại những tranh luận đã cũ với ông Trần Xuân An, tránh sa vào loanh quanh, luẩn quẩn làm mất thì giờ của bạn đọc.

      *Một tham luận của ông Trần Xuân An bằng cả thành quả nghiên cứu nhiều năm trời của giới sử học (?)

      Như chúng ta đã biết, hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới nghiên cứu, giới sử học trải qua 3 kỳ hội thảo, hội nghị khoa học: Hội thảo khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX” do Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12-11-1991, Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-6-1996 và Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế (Đại học Huế) và Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức tại thành phố Huế ngày 2-7-2002. Trong hai kỳ hội thảo, hội nghị khoa học đầu tiên (năm 1991 và 1996), ông Trần Xuân An chưa tham gia. Ông chỉ tham gia kỳ hội thảo cuối cùng về Nguyễn Văn Tường tại Huế năm 2002 với tham luận “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (5-7-1885)”. Ngoài tham luận này ra, ông Trần Xuân An hay nhắc đến các cuốn sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường, nhưng vì các cuốn sách này không có trong các kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học của giới sử học về Nguyễn Văn Tường, mặt khác, các cuốn sách này theo ông Trần Xuân An cho biết là được xuất bản vào các năm 2004, 2006 và 2008, nghĩa là sau năm 2002, năm mà giới sử học nước nhà đã nghiên cứu và kết luận xong về Nguyễn Văn Tường nên chúng tôi không đề cập đến.

Chỉ xin được mở ngoặc ở đây rằng, về cuốn sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (truyện-sử ký-khảo cứu tư liệu lịch sử) của ông Trần Xuân An, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004 (khởi viết từ 12-8-2002, tức là hơn một tháng sau kỳ hội thảo cuối cùng về Nguyễn Văn Tường tại Huế), đối với phần sử, GS Đinh Xuân Lâm (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong bài viết “Chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử (Viện Sử học, thuộc Viện KHXH Việt Nam) số tháng 5 (348), 2005, viết nhân đọc cuốn sách này đã đánh giá: “Phần “khảo cứu tư liệu lịch sử” theo tôi vẫn lạc lõng trong một cuốn truyện ký”, đối với phần truyện, nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết “Sự công bằng lịch sử với một nhân vật lịch sử”, đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng và Sggp online ngày 12 và 13-3-2005 và các báo khác đã phê bình: “Phần “truyện” trong công trình có thể loại tổng hợp của tác giả chưa phát huy được thế mạnh của nó, do đó tâm lý nhân vật, những trăn trở đau đớn của Nguyễn Văn Tường trong những tình thế oái oăm chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ”. Nhưng thôi, như trên đã nêu, các cuốn sách của ông Trần Xuân An không có mặt và không hề được trưng dẫn trong các kỳ hội thảo, hội nghị của giới sử học về Nguyễn Văn Tường nên ở đây không lạm bàn. Ông chỉ tham gia có một tham luận trong kỳ hội thảo cuối cùng về Nguyễn Văn Tường năm 2002 ở Huế nên việc xem xét đóng góp của ông trên hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới sử học là xem xét tham luận này mà thôi.

      Với chỉ một tham luận tham gia hội thảo về Nguyễn Văn Tường năm 2002 ở Huế, ông Trần Xuân An dám “tự phong” cho mình là “người giải quyết rốt ráo nhất về Nguyễn Văn Tường”. Và với chỉ mỗi tham luận đó, ông còn quả quyết một cách “động trời” rằng: “Trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, tôi có một bài tham luận sử học: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi (5-7-1885)” . Đây là bài viết mà tôi đã khẳng định trong một điện thư khác gửi nhà báo Nguyễn Hoàn: “Tôi khẳng định thêm rằng, những kiến giải của tôi về điểm mấu chốt là vai trò Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong cuộc Kinh đô quật khởi, bị thất thủ, và hai tháng sau đó là của riêng tôi”. Vâng, đúng là tôi đã và mãi còn khẳng định như thế”. Sở dĩ phải nói đây là chuyện “động trời” vì, về vai trò Nguyễn Văn Tường sau sự biến thất thủ kinh đô và hai tháng “hợp tác” với Pháp, giới nghiên cứu sử học phải mất một thời gian dài, phải tổ chức qua 3 kỳ hội nghị, hội thảo vào các năm 1991, 1996, 2002 và phải thẩm định thêm tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường sưu tầm được ở Pháp và Tahiti mới đánh giá trọn vẹn được, thế mà ông Trần Xuân An chỉ với một tham luận thôi, ông không chỉ tự “tấn phong” đóng góp của ông ngang bằng chính kết quả nghiên cứu của cả giới nghiên cứu sử học về Nguyễn Văn Tường mà còn tự dán nhãn rằng những kết quả đó là “của riêng tôi”. Hoá ra, dù với chỉ một tham luận thôi, ông Trần Xuân An lại là người có công nhất (“rốt ráo nhất”) trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, các nhà nghiên cứu khác không có đóng góp riêng và không sánh bằng ông được? Ông Trần Xuân An thường nêu lên ám ảnh “tranh công” trong chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường, vậy khi ông tự “tấn phong” cho mình như trên, ông không sợ các nhà nghiên cứu khác cho rằng ông đã “tranh công” họ hay sao?             

      Vậy vấn đề mấu chốt là cần phải chỉ rõ đâu là thực chất, đâu là “giới hạn” những đóng góp của ông Trần Xuân An qua tham luận nói trên, để gạt bỏ những ngộ nhận và ảo tưởng tự phụ. Trong tham luận “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (5-7-1885)” của ông Trần Xuân An tham gia tại hội thảo về Nguyễn Văn Tường ở Huế năm 2002, ông đã dẫn hai mật dụ của vua Hàm Nghi từ Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị gửi về cho Nguyễn Văn Tường ngày 13-7-1885 và hoàng tộc ngày 18-7-1885, thể hiện sự tin tưởng, chia sẻ và khen ngợi hết lời của vua Hàm Nghi đối với Nguyễn Văn Tường. Hai mật dụ này, PTS Võ Xuân Đàn đã dẫn trước đó vào năm 1996, qua tham luận “Nguyễn Văn Tường trước và sau sự biến kinh thành Huế 5-7-1885” tại Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức: “Một bức văn thư của vua Hàm Nghi gửi Nguyễn Văn Tường sau khi rời bỏ kinh thành đã nói lên sự thật ấy. Văn thư có đoạn viết: “...Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cũng theo liền với ta, khanh là Phụ chính đại thần vẫn lưu lại thương thuyết. Kẻ ở, kẻ đi đều là một lòng ưu ái, thực có hoàng thiên, hậu thổ soi xét...”. Một văn thư của vua Hàm Nghi gửi hoàng thân quốc thích đã xác nhận những đóng góp trong thời điểm éo le, hiểm nghèo của Nguyễn Văn Tường: “Nay đã có Phụ chính huân thần Nguyễn khanh (Nguyễn Văn Tường) ở lại giảng giải, nghe đâu cũng được nhiều việc, mọi sự hơi được yên ổn. Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là rất lấy làm khổ tâm, nhân vật nước Nam ta từ xưa trung nghĩa cũng khó hơn được” (1).

Trong tham luận của mình, ông Trần Xuân An đã dẫn lại cáo thị của Khâm sứ Pháp De Champeux về Nguyễn Văn Tường. Trước đó, năm 1996, GS Đoàn Quang Hưng qua bài viết “Tìm hiểu chủ trương của Nguyễn Văn Tường sau cuộc binh biến Ất Dậu (1885)” đã từng dẫn cáo thị này: “Khâm sứ De Champeaux thông báo cho dân chúng biết: Văn Tường đã chống cự nước Pháp nhiều năm. Từ khi cùng với Tôn Thất Thuyết sung làm Phụ chánh, chính ông ta đổng suất quan quân nổi dậy công kích quân binh nước Pháp...” (2). Ông Trần Xuân An nêu việc vua bù nhìn Đồng Khánh vu vạ, đổ tội cho Nguyễn Văn Tường thì trước đây, PTS Võ Xuân Đàn qua tham luận dẫn trên đã nêu: “Bọn quan lại đầu hàng làm tay sai cho thực dân Pháp như: Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Miên Định, Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh-chú thích của người viết) tố cáo hành động chống Pháp của Nguyễn Văn Tường trước đó, cho ông là kẻ “giả hàng”, “tráo trở”, “ngầm làm việc ám muội” ” (3). Tại hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường ở Huế năm 2002, không chỉ riêng ông Trần Xuân An nhắc đến lời dụ và cáo thị của Đồng Khánh và Khâm sứ Pháp triệt hạ uy tín của nhóm chủ chiến, trong đó có Nguyễn Văn Tường mà chính PGS. TS Đỗ Bang cũng đã nhắc (4). Ông Trần Xuân An còn nhắc đến dụ Cần Vương 2, một văn bản xuất phát từ âm mưu bịa tạc nhằm bôi nhọ Nguyễn Văn Tường. Về văn bản dụ Cần Vương 2 này, phải nói rằng, người có công đưa ra những luận cứ để bác bỏ nó đi là nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, qua tham luận “Chiếu hay dụ Cần Vương” tham gia Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh và tham luận “Có hay không có Chiếu Cần Vương đề ngày 11 tháng 8 Ất Dậu” tham gia Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002 tại Huế (công này của ông Trần Viết Ngạc được nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lưu ý là “đặc biệt” khi tổng kết Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường tại Huế năm 2002). Ngoài ra, ông Trần Xuân An còn trích dẫn tư liệu của tác giả Delvaux, dẫn nguồn của giáo sư Nguyễn Văn Kiệm v.v...mà các nhà nghiên cứu khác cũng thường dẫn. Như vậy, rõ ràng những kiến giải về điểm mấu chốt là vai trò Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong sự biến kinh đô thất thủ, và hai tháng sau đó là nỗ lực kiên trì của cả giới nghiên cứu sử học trải qua hàng chục năm trời chứ đâu phải là “của riêng tôi” như ông Trần Xuân An đã đánh liều mạo nhận. Chỉ một tham luận của ông An mà đủ sức giải oan cho Nguyễn Văn Tường, hoá ra cả giới sử học có bỏ công sức hàng chục năm trời mở các hội nghị, hội thảo về Nguyễn Văn Tường cũng chỉ có “giá trị bổ trợ”, phụ hoạ cho ông An mà thôi sao?

      *Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Văn bia Nguyễn Văn Tường đã khẳng định giá trị tư liệu ở Pháp và Tahiti về Nguyễn Văn Tường. Ông Trần Xuân An từng sử dụng những tư liệu này, nay lại “nói ngược”

      Phát biểu tổng kết Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường tại Huế ngày 2-7-2002, một hội thảo đánh dấu hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới sử học Việt Nam đã “về đích”, nhà sử học Dương Trung Quốc khi khẳng định về chất lượng khoa học của hội thảo đã đánh giá rất cao giá trị của những tư liệu về Nguyễn Văn Tường mà bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và cô Trần Nguyễn Từ Vân đã sưu tầm được ở Pháp và Tahiti: “Cùng với những tư liệu mới phát hiện ở nước ngoài do hậu duệ của Nguyễn Văn Tường công bố đã đưa chúng ta đi một bước, theo chúng tôi, là khá dài và chắc chắn, để có thể có một nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về Nguyễn Văn Tường”, “Hội nghị đánh giá rất cao những thông báo mới về mặt tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - hậu duệ của Nguyễn Văn Tường. Những tư liệu này càng củng cố thêm cho những lập luận để có thể giải thích được thời gian hai tháng Nguyễn Văn Tường ở Huế trong khi Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi ở Tân Sở. Để giải quyết được bản chất mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và chính quyền thực dân là sự hợp tác hay là một sự phân công “kẻ ở người đi” như dụ của Hàm Nghi gửi cho Nguyễn Văn Tường” (5). Ông Trần Xuân An cho rằng mức độ định giá của nhà sử học Dương Trung Quốc và ông đối với tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được là không khác nhau. Không khác nhau thế nào được, phải nói là khác nhau một trời một vực, trong khi nhà sử học Dương Trung Quốc và giới sử học Việt Nam khẳng định rõ tính chân xác và đánh giá cao các tư liệu này thì ông Trần Xuân An lại nói theo kiểu lập lờ, nước đôi, hoàn toàn xa lạ với tư duy khoa học và sử học chân chính: “Tôi xem chúng như là phụ liệu, có cũng tốt mà không cũng chẳng sao, có giá trị cũng đáng mừng, còn vô giá trị thì không ảnh hưởng gì lắm đến công trình của mình. Do đó, tôi khẳng định: Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm”.

      Trên cơ sở kết quả của các hội nghị, hội thảo về Nguyễn Văn Tường, đặc biệt là hội thảo cuối cùng “về đích” năm 2002 mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã tổng kết, Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trao tặng Văn bia Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường cho quê hương và gia tộc Nguyễn Văn Tường ngày 3-6-2007. Văn bia khắc tạc vào đá những dòng khẳng định truyền đời đối với giá trị của những tư liệu về Nguyễn Văn Tường sưu tầm được ở Pháp và Tahiti: “Tài liệu lưu trữ ở Pháp và Tahiti cho biết: Trong vòng kềm tỏa của kẻ thù, ông vẫn bí mật chống Pháp. Sau khi phát hiện ra mật thư của một phái viên chuyển đến, ông bị De Courcy ra lệnh bắt khẩn cấp, kết tội, đày đi Côn Đảo, rồi sang Tahiti. Tại đây, uất ức vì chí lớn không thành, ông lâm bệnh và qua đời ngày 30-7-1886 (29-6-Bính Tuất), ít lâu sau thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà”. Văn bia đã khắc rành rành ra đấy, ông Trần Xuân An hoài nghi và phủ nhận giá trị tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được cũng có nghĩa là hoài nghi và phủ nhận cách làm việc của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong xử lý số tư liệu nước ngoài này, cũng tức là phủ nhận văn bia Nguyễn Văn Tường, đó quả là thêm một chuyện quá “động trời” nữa khi mà những oan khuất của ông Nguyễn Văn Tường đã được hoá giải, được “cái quan định luận”.

      Lập luận mà ông Trần Xuân An đưa ra nhằm phủ nhận, hạ thấp giá trị tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được là cho rằng số tư liệu này chưa được chứng thực: “Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn. Giá trị của việc chứng thực này là quá hiển nhiên, đơn giản, sao chúng ta lại tranh cãi đến thế, thật quá vô lí!”. Theo như cách hiểu của ông An, tư liệu chưa được chứng thực, nghĩa là chưa có căn cứ xác tín mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại tin và đánh giá cao, lại cho khẳng định cả trên văn bia Nguyễn Văn Tường nữa, hoá ra, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam làm việc thiếu khoa học, thận trọng, quá cả tin, sơ hở dẫn đến kết luận sai lầm hay sao? Có thể vì thiên kiến cá nhân, ông Trần Xuân An không tin cách làm việc của bà Oanh, cô Từ Vân, chứ ông dám không tin cách làm việc của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sao? Xin dẫn ra đây một nhân chứng nói lên sự thật về cách làm việc công phu, khoa học, thận trọng của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, của bà Oanh, cô Từ Vân cho ông rõ, nhân chứng đó là ông Nguyễn Tuấn Khanh làm việc tại Đại học San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ (người mà ông Trần Xuân An biết và đã nhắc tên trong bài viết của mình), người đã giúp đỡ bà Oanh, cô Từ Vân đánh máy, sắp xếp, in ấn tư liệu sưu tầm được. Sau khi đọc trên mạng biết chuyện ông Trần Xuân An lo bị “mất quyền sở hữu trí tuệ” trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, ông Nguyễn Tuấn Khanh đã trao đổi qua điện thư với chúng tôi rằng: “Nhận thấy càng ngày ông Trần Xuân An càng có những lập luận hồ đồ nên tôi thấy cần ghi lại những điều tôi biết rõ ràng về diễn tiến sưu tầm tài liệu của hai mẹ con bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân. Có thể gọi tôi là 1 chứng nhân trong công cuộc này. Tôi là người đánh máy và in ấn các tư liệu và hình ảnh họ sưu tầm được cho đến tháng 12 năm 2001”.

Theo ông Khanh cho biết, sau khi bà Oanh trình bày các tư liệu sưu tầm được với Hội thảo về Nguyễn Văn Tường ở Huế năm 2002 và được chấp nhận, bà mới in thành tập mang tên “Tư liệu về Nguyễn Văn Tường” trình tại Hội nghị thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 1-11-2003. Vẫn theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, tập “Tư liệu về Nguyễn Văn Tường” năm 2003 sau đó đã được hiệu đính, với sự chỉ dẫn của giới sử học, tại hội nghị này, dưới quyền chủ toạ của giáo sư Đinh Xuân Lâm: “Giáo sư Nguyễn Văn Kiệm và tiến sĩ Tạ Thị Lý đã chỉ dạy cho bà Oanh cách trình bày sử liệu, đó là phải ghi chú (footnote) từng số tham chiếu tư liệu ở dưới mỗi trang sử liệu, chứ không phải ghi chung tất cả các số tham chiếu vào một trang cuối cùng của quyển tư liệu. Vì lý do đó, mặc dù việc chiêu tuyết cho cụ Tường đã thành công, mẹ con bà Oanh lại phải lên đường vào ngày 11 tháng 12 năm 2003 chỉ để dò lại số tham chiếu của từng hồ sơ để khi người đọc cần tra khảo lại các tư liệu đó, họ sẽ chỉ cần theo số tham chiếu đó là tìm được tư liệu ngay, không thể nào gian dối được. Sau đó, tôi phải chú thích số tham chiếu đó vào tập tư liệu 2003 cho hoàn hảo và đó là tập tư liệu 2004”.

Về việc ông Trần Xuân An cho rằng số tư liệu sưu tầm được ở Pháp và Tahiti chỉ có giá trị nếu được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm, ông Nguyễn Tuấn Khanh phân tích rõ về căn cứ, phương pháp kiểm chứng số tư liệu này: “Tôi có đọc qua lập luận nực cười của ông An là đòi hỏi các tư liệu của bà Oanh và cô Từ Vân cung cấp phải có dấu chứng nhận. Điều này chứng tỏ ông An chỉ ngồi nhà mua sách về đọc rồi chép lại, chứ chưa bao giờ biết bỏ công, bỏ của đi sưu tầm nên không biết luật lệ của các thư viện hoặc viện lưu trữ. Mỗi tài liệu (sách, báo, CD, DVD, microfilm v.v...) của thư viện đều có số mã OCLC (Online Computer Library Center) hoặc ISBN (International Standard Book Number), số này đại khái cũng giống như "số tham chiếu” mà mẹ con bà Oanh phải nhọc công đi ghi lại (số tham chiếu đó là số của hồ sơ của viện lưu trữ). Thư viện không có văn phòng để "đóng dấu thị thực" bản copy nên tôi không hiểu ông An căn cứ vào đâu để đòi hỏi phải có con dấu đó. Đó là nói về những tài liệu được copy từ những thư viện, viện lưu trữ. Nếu những nhà nghiên cứu đi điền dã rồi chụp được những mộ bia, lăng tẩm thì thử hỏi tìm ai ở đó mà xin "đóng dấu chứng nhận"? Bổn phận của những nhà nghiên cứu là khi nhận được những tư liệu, nếu nghi ngờ thì sẽ kiểm chứng lại, thí dụ như theo số OCLC, ISBN, số tham chiếu để tìm tài liệu đối chiếu. Riêng trường hợp mẹ con bà Ngọc Oanh, khi họ sang Pháp để lấy bổ túc số tham chiếu cho tập tư liệu thì cũng đã tình cờ gặp lại tiến sĩ Tạ Thị Lý lúc đó đang công tác bên Pháp. Nếu ông An không tin thì cứ tìm tiến sĩ Lý mà hỏi, hoặc qua Pháp mà kiểm chứng lại”. Đấy, rõ ràng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chỉ dẫn cho bà Oanh cách thức lập hồ sơ tư liệu về Nguyễn Văn Tường đảm bảo chuẩn xác, khoa học, số tư liệu này đã được giới sử học Việt Nam thẩm định, công nhận, chỉ duy nhất có ông Trần Xuân An mới “tranh cãi đến thế, thật quá vô lí!” (như cách nói của chính ông).

      Một thực tế không thể chối cãi, khi ông Trần Xuân An viết rằng: “Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước”, chính là ông đã viết ngược, nói ngược không chỉ với kết luận của giới sử học, mà còn nói ngược, viết ngược với chính những gì ông đã từng viết. Lương tâm người nghiên cứu, người viết văn không cho phép bất cứ ai được nói lập lờ, nay thế này, mai thế khác, nói hai giọng lưỡi. Chính ông Trần Xuân An, trong cuốn sách của ông, nhan đề “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004, ở phần “Thông tin về các hội nghị, hội thảo khoa học”, ông đã dẫn lại thông tin về Hội nghị thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 1-11-2003, nêu rõ: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã thẩm định và đã đi đến khẳng quyết về tính chân xác của các sử liệu được công bố trong hội thảo ngày 2-7-2002 tại Huế” (trong các sử liệu được công bố, có số tư liệu được đánh giá rất cao mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được). Liền sau dòng đã dẫn đó, ông Trần Xuân An chú thích thêm: “Các tư liệu ấy cũng đã được công bố trên báo chí một cách công khai và minh bạch. Xin xem: Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” (giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường và con gái bà Trần Nguyễn Từ Vân), bán nguyệt san Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10-2002, tr. 18-20” (6). Ông Trần Xuân An dẫn tiếp Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6-2003, tr. 90 đăng thông tin sử học về hội nghị nói trên do Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Phương Chi viết: “Cũng trên cơ sở có tư liệu mới nên việc đánh giá về Nguyễn Văn Tường đầy đủ, khách quan và chính xác hơn” (7). Khi dẫn bài “Nguyễn Văn Tường, những chuyển biến trong sự đánh giá”, Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) số 151 (199), tháng 11-2003, tr. 7-9, ông Trần Xuân An còn in đậm và in nghiêng những dòng nhấn mạnh với bạn đọc về giá trị của những tư liệu mới mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được: “Theo các tài liệu mới sưu tầm được, ...có tài liệu cho biết Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục liên lạc với quân Cần Vương và bị De Courcy phát giác” (8). Ông Trần Xuân An còn chú dẫn xin xem thêm “Lời Toà soạn” tạp chí Xưa & Nay số 151 (199), tháng 11-2003 giới thiệu bài viết của cô Từ Vân (bài viết ấy đăng trên cùng số tạp chí này, tr. 10-12), đặc biệt, ông Trần Xuân An lưu ý bạn đọc về tính chuẩn xác và giá trị của những tư liệu mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được: “Trong đó, có đoạn khẳng định rõ việc giám định về tính xác thực của tư liệu sưu tầm được. Về bài viết của Từ Vân, có đoạn thuật lại việc tìm được các tư liệu cực kỳ quan trọng” (9). Đến đây, bạn đọc chắc đã quá rõ vì lẽ gì ông Trần Xuân An từng nói xuôi theo kết luận chung của giới sử học nay lại nói ngược một mình trái khoáy về số tư liệu mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được. Tình trạng nói ngược này, nếu không vì ám ảnh “tranh công”, sợ mất quyền sở hữu trí tuệ như ông nói, không vì bực dọc cá nhân do các đầu sách của ông không được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nhắc tới trong lễ giải oan cho Nguyễn Văn Tường thì còn vì động cơ gì nữa?

      *Hãy nghĩ chuyện “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường

      Với những chứng cứ hiển nhiên mà chúng tôi đã viện dẫn, rõ ràng, trên hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà giới sử học đã nỗ lực “về đích” thành công năm 2002, ông Trần Xuân An hoàn toàn không phải là người có công đầu (“giải quyết rốt ráo nhất”) và công đó là “của riêng tôi” như ông “tự phong” được, càng không thể hoài nghi và phủ nhận giá trị những tư liệu về Nguyễn Văn Tường sưu tầm được ở Pháp và Tahiti mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thẩm định, khẳng định. Vấn đề mới hơn, cần bàn hơn như chủ đề mà chúng tôi đã đặt ra từ đầu trong bài viết “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường”, đó là vấn đề “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường, trong đó có chuyện cần sớm tôn tạo lại di tích lịch sử quốc gia Tân Sở như niềm ao ước của chúng tôi mà chính ông Trần Xuân An cũng đã chia sẻ.

      Vấn đề “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường hoàn toàn không bao giờ là chuyện xét lại số tư liệu mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được, cũng như xét lại kết luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xét lại văn bia Nguyễn Văn Tường đã khẳng định về giá trị của số tư liệu này. Liệu ông Trần Xuân An có tưởng tượng nổi cái cảnh đau lòng là phải đục bỏ văn bia mang giá trị truyền đời này không, do hệ quả từ sự hoài nghi và phủ nhận tư liệu ở Pháp và Tahiti của ông gây nên? Rất may, đó chỉ là chuyện “không tưởng”.

      Qua hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường của giới sử học, vấn đề đáng quan tâm hơn, tức vấn đề “hậu” giải oan là làm tốt những công việc quan trọng như: trên cơ sở những kết quả nghiên cứu sử học đã đạt được (nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, về nhà Nguyễn...), giới sử học, giới nghiên cứu cần tiếp tục phát huy, đổi mới tư duy sử học để đạt được những thành tựu mới; cần tôn tạo lại di tích Tân Sở và bảo tồn, lưu niệm những dấu tích về Nguyễn Văn Tường sao cho xứng với vị trí, vai trò mà ông đã có đối với Tân Sở; cần sửa lại nội dung viết về Nguyễn Văn Tường trong sách giáo khoa v.v...Tại lễ tặng bia Nguyễn Văn Tường trên chính quê hương ông, chúng tôi đã có dịp hỏi chuyện nhà sử học Dương Trung Quốc rằng: “Việc dựng bia cho Nguyễn Văn Tường đã hoàn thành, nhưng sau này trong chính sử cần phải sửa lại những đánh giá không đúng về nhân vật Nguyễn Văn Tường chứ?”, nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời: “Tôi nghĩ những kết quả này đương nhiên được truyền bá ra và những nhà sử học phải tiếp cận những kết quả mới nhất. Điều quan trọng nữa chúng tôi muốn tác động trong thay đổi, chỉnh sửa sách giáo khoa để giáo dục truyền thống cho học sinh” (10).

      Khép lại bài viết này, xin dẫn ra đây câu kết trong văn bia Nguyễn Văn Tường: “Nhưng cuối cùng hậu thế đã hiểu được ông: Một đại thần suốt đời trung trinh với nước, sáng tỏ một tấm lòng son”. Trong hậu thế đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, cô Trần Nguyễn Từ Vân và ông Trần Xuân An, xin đừng xáo rỗi “thị phi” nữa để Phụ chính đại thần được “ngậm cười” thiên thu trước thành tựu đổi mới tư duy sử học nói riêng, đổi mới đất nước nói chung. “Hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường cũng như “hậu” minh xét lại một thời kỳ lịch sử nào đó bị đánh giá đầy thiên kiến, sai lệch đã qua, dân tộc Việt Nam (cả trong nước và nước ngoài) được tiếp thêm sức mạnh từ quá khứ, sức mạnh đoàn kết từ cội nguồn máu đỏ da vàng để nhân lên nguồn lực góp phần dựng xây đất nước mạnh giàu, xứng danh nòi giống Tiên Rồng. Đấy mới là thông điệp lớn lao, đấy mới là thông điệp nức lòng mà ông Trần Xuân An không thể không chia sẻ vậy.

 

 (1) Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, 1996, tr. 117.

(2) Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 103. 

(3) Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 118.  

(4) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Nguyễn Văn Tường (1824-1886) cuộc đời và lời giải, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 60, 61.

(5) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Sđd, tr. 241, 242, 243.

(6), (7), (8), (9) Trần Xuân An, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 971, 972, 975, 978.

(10) Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sẽ có sự thay đổi cách đánh giá trong sách giáo khoa về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, Báo Quảng Trị số 2461, ngày 4-6-2007, tr. 3.

Bản tác giả gửi Phongdiep.net

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE