j. Trần Xuân An -- Khái lược về thời và thế (906-980) -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 10

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

( Bài 10 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

Chương III

 

THỜI KHAI SÁNG KỈ NGUYÊN ĐỘC LẬP, TỰ DO

VÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TỰ CHỦ TRUNG ĐẠI

 

 

KHÁI LƯỢC VỀ THỜI VÀ THẾ (906 – 980)

 

Trong 304 năm, sau triều đại Tiền Lý – Triệu Việt vương – Hậu tiền Lý (541 – 602), từ năm Quý hợi (603) đến năm Bính dần (906), nước ta bị phụ thuộc dưới ách đô hộ của hai đế chế hầu như nhất thống toàn cõi Trung Hoa là Tuỳ và Đường. Nối tiếp truyền thống từ các cuộc kháng chiến vĩ đại của Trưng Trắc – Trưng Nhị (40 – 43), Triệu Thị Trinh (248) trước kia, suốt ba trăm năm lẻ đó, hai cuộc khởi nghĩa, kháng chiến lập nên hai triều đại độc lập, tự chủ: Mai Hắc đế (722), Phùng Hưng (791). Tuy ngắn ngủi, nhưng triều Mai và triều Phùng không những chỉ gây phấn chấn cho ý chí quật khởi, tự cường của dân tộc, mà còn buộc kẻ thù xâm lược là bọn phong kiến bành trướng Hán tộc Trung Hoa phải run sợ, lo âu.

Đến thời điểm cuối thế kỉ thứ IX, bước sang thế kỉ thứ X, một thời cơ lịch sử dần dần chín muồi để nhân dân ta mở ra một kỉ nguyên mới, quyết giành lại và quyết giữ vững mạnh, bền lâu nền độc lập, tự do cho Đất nước. Đây là kỉ nguyên được khai sáng bởi dân tộc Việt, một dân tộc bấy giờ chưa đông đảo, một đất nước vốn không rộng, bị áp bức, bị đồng hoá cả văn hoá lẫn phần nào huyết thống, nhưng vẫn giữ được cốt cách, bản sắc dân tộc để tự lực đánh bại một đế quốc cổ đại khổng lồ cực kì nham hiểm là Trung Hoa phong kiến.

Thời điểm lịch sử là năm 906.

 

1

Ở Trung Hoa:

 

Bấy giờ, phía chính quốc Trung Hoa, nhà Đường đã phải rơi vào chỗ diệt vong, sau hơn 80 năm tuột dốc – quãng lịch sử được gọi là mạt Đường (823 – 907). Nếu thời trung Đường, biến động chủ yếu là khởi nghĩa An Lộc Sơn và tình trạng phiên trấn cát cứ, liên minh chống triều Đường, thì vào thời mạt Đường, nội loạn chính là do thế lực của hoạn quan (mặc dù hoạn quan được trọng dụng khởi từ sự mất tin tưởng của vua Đường vào các quan văn võ, nhất là các tiết độ sứ tại các phiên trấn). Với các vua chúa, hoạn quan thực chất chỉ là bọn gia nô, thế mà, vua Văn đế nhà Đường phải nuốt hận than: “Trẫm bị gia nô áp bức!”. Và các vua kế tiếp cuối thời mạt Đường lại do chính thế lực hoạn quan lập lên. Hoạn quan hoàn toàn tuỳ ý sử dụng, bố trí quan khanh, tuỳ ý giết hại hay trọng thưởng họ. Hoạn quan đục khoét, bán chức buôn án.

Trong khi đó, bên ngoài cung đình nhà Đường, các tộc người, các nước nhỏ như Nam Chiếu, Cầu Phủ, Bàn Huân kéo quân vào trung nguyên để xâm chiếm hoặc uy hiếp. Nổi bật nhất vẫn là hai cuộc khởi nghĩa do Vương Tiên Chi và Hoàng Sào lãnh đạo.

Năm 875, Hoàng Sào khởi binh. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa mạnh dần, tấn công vào tận kinh đô Trường An, vua Đường lại thêm một lần chạy qua đất Thục. Chỉ 6 năm, Hoàng Sào đã đạt thắng lợi, lên ngôi hoàng đế.

Lý Khắc Dụng (thuộc tộc Sa Đà của sắc tộc Đột Quyết) được triệu về, trấn áp được cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào. Nhưng một viên tướng của Hoàng Sào được trọng dụng, đó là Chu Toàn Trung. Chu đã cùng Thôi Dận, Lý Mậu Trung dẹp yên được bọn hoạn quan lộng quyền.

Về sau, chính Chu Toàn Trung đã giết vua Đường – Chiêu Tông, lập Ai đế, rồi lại ép Ai đế nhà Đường nhường ngôi, để y lên ngôi cữu ngũ, lập nên nhà Hậu Lương (907). Vai trò và quyền bính nhà Đường phải bị tước đoạt, sụp đổ, diệt vong sau 209 năm tồn tại (1).

Sau khi nhà Đường bị cướp ngôi vĩnh viễn, lịch sử Trung Hoa bước sang một chặng khác với nhiều ngả rẽ.

Đó là thời Ngũ Đại – Thập Quốc (907 – 960):

● Ở trung nguyên Trung Hoa:

1. Chu Toàn Trung chiếm ngôi nhà Đường, lập ra nhà Hậu Lương. Đến năm 923, nhà Hậu Lương bị Lý Tồn Húc tiêu diệt.

2. Lý Tồn Húc (tộc người Sa Đà) lập nên nhà Hậu Đường (923).

3. Thạch Kỉnh Đường (tộc người Sa Đà) diệt Hậu Đường (936 ?), lập nên nhà Hậu Tấn. Sau hai đời vua (11 năm), nhà Hậu Tấn đầu hàng quân binh của nhân tộc Khiết Đan (947 ?).

4. Lưu Trí Viễn (tộc người Sa Đà), thấy trung nguyên vô chủ, lập nên nhà Hậu Hán. Sau 4 năm (947 ? – 951 ?), lại bị Quách Uy tiếm ngôi.

5. Quách Uy (tộc Hán) lập ra nhà Hậu Chu (951 ? – 960 ?). Triệu Khuông Dẫn lại ép vua Hậu Chu nhường ngôi, lập nên nhà Tống.

Ở các biên trấn chung quanh trung nguyên Trung Hoa:

Trong thời đoạn khoảng 53 năm (907 – 960) ấy, mười nước khác vốn là các phiên trấn, đứng đầu là các tiết độ sứ cát cứ, chớp lấy thời cơ, mỗi xứ tự xưng thành nước độc lập. Thập quốc ấy gồm: Ngô, Tiền Thục, Ngô Việt, Sở, Mân, Nam Bình, Hậu Thục, Nam Đường, Bắc Hán, đặc biệt là nước Nam Hán gần kề nước ta (đất Quảng Đông ngày nay), do Lưu Ẩn dựng lên.

Cuối cùng Triệu Khuông Dẫn đánh thắng tất cả, lập nên nhà Tống (Bắc Tống: 960 – 1126; Nam Tống: 1127 – 1279 [tổng cộng 320 năm]). Nhưng tồn tại bên cạnh nhà Tống (Hán tộc) ở trung nguyên, còn có nước Liêu (tộc người Khiết Đan), nước Tây Hạ (tộc Thát Bạt), nước Kim (tộc Nữ Chân) (1).

 

2

Ở nước ta:

 

Năm Quý mùi (803), bộ tướng Giao Châu đánh đuổi tên đô hộ phủ Bùi Thái về nước (2).

Năm Kỉ hợi (819), Dương Thanh, cha ông từng làm ngụy quan đến chức thứ sử Hoan Châu, bản thân vốn là tù trưởng người thiểu số (tộc người ở Giao Châu), đánh úp phủ thành, giết tên đầu sỏ Đô hộ phủ là Lý Tượng Cổ. Cuộc khởi nghĩa kéo dài khoảng chín năm. Nhà Đường đã từng mua chuộc Dương Thanh bằng chức thứ sử ở Quỳnh Châu, nhưng người anh hùng này vẫn kiên quyết kháng chiến. Đến năm Mậu thân (828), Dương Thanh bị giặc Đường đánh bại, bắt được và đem chém, tru di cả họ tộc (3).

Năm Tân dậu (841), kinh lược sứ Vũ Hồn từ Tàu sang nhậm chức, bắt quân lính đắp sửa thành luỹ, gây nên một cuộc nổi dậy lớn, khiến y phải chạy về Quảng Châu (4).

Năm Mậu dần (858), nhân dân Giao Châu lại nổi dậy. Nhưng Vương Thức lại là một tên thực dân cổ đại cáo già, y đã khôn khéo, nham hiểm, trầm tĩnh đối phó (5)!

Mặt khác, nạn xâm lăng của quân Nam Chiếu suốt 20 năm trời (846 – 866), trong đó có năm chúng đánh thắng quan quân nhà Đường (860) và chiếm đóng trên nước ta (863 – 866), gây thêm cho nhân dân rất nhiều tang tóc, đau khổ! Năm Giáp thân (864), Cao Biền được cử sang làm đô hộ tổng quản và chuyên lo việc đánh dẹp quân Nam Chiếu. Sau khi y thắng lợi, được phong làm tiết độ sứ (866). Cao Biền là một tên thực dân phong kiến cổ đại rất mực tinh vi trong thủ đoạn lừa bịp một số không ít nhân dân, đến mức y tự dựng lên huyền thoại về bản thân: y có phù phép như có thể hô phong hoán vũ, tìm ra long mạch, cỡi diều giấy bay khắp mọi nơi… Đây cũng là một hiện tượng khá đặc biệt đến mức kì quặc (6).

Năm Canh tí (880), quân Đô hộ phủ lại nổi loạn chống tiết độ sứ Tăng Cổn (7). …

Hai điều kiện thời và thế đã hình thành trong diễn biến lịch sử như vậy. Đến năm 906, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra, khởi đầu từ Khúc Thừa Dụ, đến Dương Đình Nghệ. Và lưỡi kiếm lịch sử, Đất nước đã trao tay Ngô Quyền để hoàn tất sứ mệnh giành giữ độc lập, tự do, rồi trao đến Đinh Bộ Lĩnh với sứ mệnh thống nhất bờ cõi nước ta về một mối.

 

TP. HCM., 10 giờ 15 phút ngày 16. 07. HB4

(29. 05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

Cước chú của bài Khái lược về thời và thế (906 – 980):

 

(1) Xem: Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn – Sài Gòn, 1958, tr. 133 – 136.

 

(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998, tr. 192 (Tb. [tiền biên], [quyển] IV, [tờ] 27).

 

(3) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 273 – 274 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 7a – 8a); Cương mục, sđd., tập 1, tr. 194 – 195  (Tb. [tiền biên], [quyển] IV, [tờ] 29 – 30).

 

(4) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 199 (Tb., IV, 34 – 35).

 

(5) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 202 – 203 (Tb., IV, 38 – 39).

 

(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 199 – 214 (Tb., IV, 35 – 36…, & q. V, [tờ] 10); Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 289: có đến ba trăm (300) đền thờ về y ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá, chưa kể ở các tỉnh khác như Nghệ An, Hải Dương v. v… với sự tôn xưng y là Cao vương [sic!]. Xem thêm: sđd., tập 3, tr. 425 (sự tích Cao Vương, chương về tỉnh Hải Dương). Chắc hẳn sự tôn thờ phi lí này là do “ma thuật” lừa bịp của Cao Biền và do mệnh lệnh của nhà Đường, một phần khác là do tướng tá trong đội quân viễn chinh của y lưu trú, trực tiếp phỉnh gạt và cưỡng bức nhân dân ta. Vả lại, dẫu không đặt chân đến để chăm lo hương khói, nhân dân cũng không dám đập phá vì tâm lí mê tín, sợ “thần” ngại quỷ. Xin trích một vài đoạn nguyên văn từ sđd., tập 3, tr. 425 [TXA. in đậm (iđ.) & chua thêm (ct.)]:

“[…] Vương người tỉnh Bảo Sơn, thuộc quận Quảng Nam ở Trung Quốc, họ Cao tên Hiển […]. … khi chết được [vua Tống – ct.] tặng [hàm tước – ct.] đại vương, khiến [:ra lệnh cho – ct.] các chư hầu đều lập đền thờ. […] Nay xét triều Tống không có chức đại thừa tướng, mà danh thần liệt truyện trong sử cũng không có người nào họ Cao tên Hiển. Vả Khánh Lịch là niên hiệu Tống – Nhân Tông, ngang với đời Lý Thái Tông nước ta. Nếu Cao vương có công với nhà Tống thì [nhà Tống – ct.] thờ là đáng, cớ gì mệnh lệnh lập miếu lại sang cả nước ta? Duy Cao Biền nhà Đường phong làm Bột Hải quận vương, từng làm tiết độ sứ ở nước ta, hoặc giả trước kia tướng tá [của y – ct.] có lập đền, rồi dân sở tại nhân đấy mà thờ, bèn [lưu – ct.] truyền sai đi mà thôi. Nhưng việc này vẫn chưa khảo cứu được, vậy chép ra đây, để chờ đính chính”.

 

(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 217 (Tb., V, 13 – 14). Lời cẩn án của Quốc sử quán triều Nguyễn: Sách An Nam kỉ yếu của Cao Hùng Trưng cho rằng Tăng Cổn nổi tiếng về tài chính trị, ngờ sử cũ nhầm (?).

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 11

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

               Cập nhật: 07/01/09

               (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host