k. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Cảm thức lục bát - Tệp 11

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Phụ lục 2

 

CẢM THỨC LỤC BÁT

 

1

Cảm thức lục bát được thấm đượm, khơi mở và hình thành từ tiếng ru bên vành nôi, từ câu hát điệu hò bên luỹ tre xanh.

Ca dao hầu hết được sáng tác, truyền miệng với thể lục bát và lục bát biến thể. Thi ca dân gian – những vần, những nhịp thơ, cất lên từ ruộng rẫy sông nước – đã được tiếp thụ, phát triển trong dòng “văn học bác học”. Trong đó nổi bật lên là Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc. Truyện thơ Lục Vân Tiên cũng tiếp thụ thể vè (1) dân dã với mục đích thiết thực và muôn đời, ấy là luân lí. Rồi lại đến lượt tiếng thơ bác học trở thành tiếng ru bên vành nôi, thành câu hát điệu hò nuôi dưỡng đất nước và tâm hồn Việt Nam.

Lục bát, song thất lục bát đều khởi nguồn từ ca dao, từ giọt mồ hôi trên dảnh mạ, mái chèo.

 

2

Trong hàng vạn, hàng triệu câu ca dao, số lượng lục bát được gieo vần trắc (2) chiếm một tỉ lệ nhỏ. Đó là những cặp lục bát có khuynh hướng trở thành tục ngữ hoặc đã là một bài thơ hai câu hoàn chỉnh.

Tò vò mà nuôi con nhện

Đến khi nó lớn nó quện nhau đi.

Và:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Đêm năm canh chầy thức đủ vừa năm.

Nếu câu lục bát vần trắc được phát triển thêm, nó phải trở về vần bằng (2). Đó là một điều hết sức thú vị!

Vần trắc, nhịp chẵn ở thể thơ bốn chữ hoặc thể thơ tám chữ với nhịp 4\4 trở về với lục bát vần bằng cũng tạo một rung cảm thẩm mĩ! Sau này những bài thơ thể tự do trong kháng chiến của Yên Thao (Nhà tôi), Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống), với các đoạn lục bát trữ tình sâu lắng, đã kế thừa từ “Trước bến Văn Lâu…” của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, mà Ưng Bình đã tiếp thu từ “Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá…” của người dân sông nước xứ Huế.

Anh nói với em như dao chém vào đá (4\5)

Như rạ (rựa) chém vào đất (2\3)

Như mật rót vào tai (2\3)

Bây giờ em nỡ nghe ai

Để anh lên xuống Đông Đoài cực chưa!

Bài trên, vần rơi vào nhịp chẵn nhưng câu thơ thì ở nhịp lẻ. Và độc đáo là hai câu kết lại trở về lục bát vần bằng!

Cũng mô thức ấy, các câu thất ngắt nhịp (*) thuần Việt, vần trắc nhịp lẻ, đã tổ hợp với lục bát vần bằng thành một chỉnh thể:

Áo xông hương \ của chàng vắt mắc

Đêm em nằm \ em đắp lấy hơi

Gửi khăn, gửi túi, gửi lời

Gửi đôi chàng mạng cho người đằng xa.

Song thất lục bát tuyệt hay như thế và các cặp câu thất vần trắc nhịp lẻ thuần Việt thế này thì trong kho tàng ca dao tục ngữ, có nhiều vô số:

Tóc em dài \ em cài hoa lí

Miệng em cười \ hữu ý, anh thương!

Và:

Gái thương chồng \ đương đông buổi chợ

Trai thương vợ \ nắng quái chiều hôm.

Mở rộng khía cạnh vần trắc, nhịp lẻ đó, chỉ nhằm nêu rõ một đặc điểm nổi bật sau đây trong thể lục bát: Vần bằng; mặc dầu không nhiều, vẫn có lục bát vần trắc. Vả chăng, đây là một điều cần suy nghĩ: lục bát biến thể, song thất lục bát vẫn là lục bát, cho dẫu song thất lục bát đã phát triển thành một thể riêng với các luật tắc ổn định và đạt được những thành tựu rực rỡ.

 

3

Lục bát thuần tuý, dù một bài hai câu chỉ gồm 14 âm tiết (14 chữ) hay cả một trường ca, một tiểu thuyết thơ dài vài ngàn câu, vần gieo chỉ là vần bằng.

Thanh bằng, cả vần lưng, vần chân, xoắn xuýt, quấn quýt, nương níu từ đầu đến cuối bài thơ hay truyện thơ như một dòng chảy liên tục không đứt đoạn. Nếu có trường hợp cần đứt đoạn như một thủ pháp nghệ thuật thì phải dùng điệp từ đảo trang để nối mạch thơ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đó là trường hợp đặc biệt (cũng có thể lí giải bài trên đã được gieo điệp vần từ “vàng”, chữ thứ hai ở câu lục).

Và cũng cần lưu ý, điệp vần, ngay cả không đổi vần (vần: âm chính + không hoặc có âm cuối) trong nhiều câu liên tiếp cũng làm hạn chế nhạc tính của lục bát. Là dòng chảy, nhưng lục bát không thể độc vận. Độc vận là cái chết của con sông lục bát!

Vần chân và cả vần lưng (cước vận, yêu vận) đều ở thanh bằng, dù thanh bằng không dấu (phù bình thanh) hay mang dấu huyền (trầm bình thanh). Ở câu tám, có cả vần lưng lẫn vần chân, nhưng nhất thiết phải một không dấu và một dấu huyền.

Dù lục bát là thể thơ cách luật ít câu thúc, lại rất uyển chuyển, phóng khoáng, nó vẫn có hai yêu cầu phải tuân thủ: vần bằng và phân biệt thanh trong vần bằng.

Đây là một bài thơ có thể phá vỡ tất cả luật hài thanh cơ bản nhưng vẫn có thể chấp nhận được?

Bây giờ ngoài mình mưa chưa

Ngày vàng se, ngày đang thưa môi cười

Sông người dưng, sông trôi xuôi

Con như lênh đênh theo đời từ lâu!

Khi không, đâu hay nơi đâu

Bay ngang trời, bay bay màu mây sương

Tay ôm đầu thương quê hương

Ơi lều tôn run bên đường mưa bay!

                 (TXA., bản thử nghiệm)

Tất cả các âm tiết trong bài đều ở thanh bằng!

Về thanh và vần, xin mở một ngoặc đơn ở đây:

Chênh vênh lênh đênh đường đang xa

Bóng tôi đã khuất với quê nhà

Cát chìm cát trắng nắng hoa

Lá về cội cũ xanh oà chồi non.

                 (TXA., trong tập KBNVB.)

Đó là song thất lục bát thử nghiệm với hai câu thất gieo vần chân thanh bằng!

Nhìn chung, về vần và thanh, cảm thức lục bát thiên về âm hưởng nhẹ nhàng và tinh tế. Điều đó phản ánh khả năng thẩm âm và phối thanh rất tinh của người Việt, thể hiện ở một ngôn ngữ giàu âm thanh, chú trọng đến âm thanh (6 thanh) mà những nhà thơ hôm nay thừa hưởng và nỗ lực nâng cao.

 

4

Về nhịp. Nhịp lục bát biến hoá rất tự do để biểu đạt cảm xúc nội dung, nhưng nhìn chung, nhịp chẵn (6 // 6 \ 2 hoặc 6 // 4 \ 4; 6 // 2 \ 6; 2 \ 4 // 6 \ 2 …) vẫn chủ đạo trong từng câu. Trong từng bài hay trọn trường ca, trọn tiểu thuyết thơ, nhịp sáu // tám (câu chẵn ngắn // câu chẵn dài) nối liền nhau vẫn là nhịp tổng thể của âm hưởng toàn tác phẩm. Nhịp thơ không những khoan thai, êm đềm, ríu rít, bay bổng… mà còn có thể gay gắt, thắt, nén, tắc, nghẹn, bùng nổ, dồn dập… nhưng vẫn trên nền tảng âm hưởng chủ đạo ấy. Ngỡ như lục bát đơn điệu nhưng kì thực rất phong phú và đa dạng.

Nhịp cũng thể hiện ở cách gieo vần. Ngoài cách gieo bình thường, còn có thể gieo vần lưng ở chữ thứ hai hoặc chữ thứ tư của câu tám (nhịp chẵn):

Núi cao chi lắm núi ơi

Núi che mặt trời không thấy người thương.

Dù ở câu tám phá thể, vần vẫn phải rơi về chữ kế áp cuối và chữ cuối câu để giữ nhịp chẵn trước khi dứt câu:

Chăn đơn nửa đắp nửa không

Cạn sông lở núi, ta đừng quên nhau

Từ ngày ăn phải miếng trầu

Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu

Biết rằng thuốc giấu hay là bùa yêu

Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa

Làm cho quên mẹ quên cha, quên cửa quên nhà

Làm cho quên cả đường ra lối vào

Làm cho quên cá dưới ao

Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.

Và:

Đất bụt mà ném chim trời

Ông Tơ bà Nguyệt xe dây, xe nhợ nửa vời ra đâu!

Cho nên cá chẳng bén câu

Lược chẳng bén đầu, chỉ chẳng bén kim […]

Tại sao vần phải là thanh bằng và nhịp phải là nhịp chẵn trong lục bát thuần tuý? Tại sao, trong song thất lục bát, ngay ở hai câu thất, dù gieo vần ở nhịp lẻ, nhưng hai câu thất ấy phải bắt vần vào nhau thành cặp như một điều luật? Và nhạc thơ thắt, nén ở hai câu thất lại duỗi, đằm ở hai câu lục bát; rồi nhạc điệu ấy cứ tuần hoàn một cách linh hoạt suốt cả bài thơ, khúc ngâm?

Có khiên cưỡng chăng, khi nói cảm thức lục bát thiên về âm hưởng nhẹ, đằm, sâu lắng và tinh tế?

Cảm thức ấy còn thể hiện một nhân sinh quan gắn bó, quấn quýt lẫn nhau và không thích những gì không có đôi có cặp. Trên nền tảng ấy, cảm thức lục bát vẫn dung chứa hết mọi cung bậc tình cảm, mọi cường độ cảm xúc, mọi sắc độ tâm trạng… Nhạc điệu lục bát gợi nên cảm giác về sự hài hoà giữa tính cương (độ căng, nặng) với tính nhu (độ giãn, nhẹ) khi tổ hợp với các câu thất thuần Việt? Và lòng nhân hậu cũng thể hiện trong cảm thức này: dù biến thể hay đã trở thành song thất lục bát, thì cuối khổ, cuối bài hoặc thiên, cũng phải là hai câu lục bát; như thể ở đời, dẫu trúc trắc trục trặc đến mấy đi nữa, thì cuối cùng cũng mong đằm thắm, nhẹ nhàng, quyến luyến, gắn bó vào nhau.

 

5

Khả năng biểu đạt, chuyển tải của lục bát hầu như phong phú, tinh tế vào bậc nhất. Như đã nói, lục bát trường thiên có thể dài tối đa, hàng ngàn câu, thậm chí hàng vạn câu, nếu muốn, tuy nhiên cũng có nhiều bài ca dao hoàn chỉnh chỉ hai câu 14 âm tiết (14 chữ), ngắn hơn hai-ku của Nhật (17 âm tiết). Tiểu thuyết lục bát rất dài nhưng không đơn điệu, và có thể chuyển tải một cốt truyện giàu kịch tính với một dung lượng hiện thực lớn – đan xen vào các tuyến nhân vật và các cảnh đời (Truyện Kiều của Nguyễn Du, Sơ kính tân trang của Phạm Thái…) hoặc mơ mộng, diễm tình (Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự…). Trường ca lục bát như một khúc ngâm trữ tình sâu lắng, da diết (Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính…), như một hùng ca, sử ca thấm đượm cảm xúc (Việt Bắc, Nước non ngàn dặm của Tố Hữu; có thể kể thêm một trường ca song thất lục bát của ông: Ba mươi năm đời ta có Đảng…), như một thiền ca ẩn dật, lánh đục về trong, thanh thoát, bay bổng (Đưa em tìm động hoa vàng của Phạm Thiên Thư…). Thơ lục bát trữ tình, châm biếm thì vô số (từ ca dao: “Đêm đêm ra đứng bờ ao…”; “Lỗ mũi mười tám gánh lông…” đến các tác phẩm hiện đại). Lục bát không những có thể biểu đạt, chuyên chở một cách tinh tế, nhuần nhị, cô đọng mọi tâm trạng buồn sầu, thắm thiết, u hoài, dịu ngọt, mà còn rất tuyệt vời với mọi loại thơ, với tất cả phạm trù mĩ học tuỳ theo lí tưởng thẩm mĩ của nhà thơ trước hiện thực đời người, xã hội.

Đêm khuya đèn tắt tối thui

Bếp ai còn lửa cho tôi lùi củ khoai!

Đó là một bài ca dao hai câu tục tĩu lại rất nghệ thuật! Và còn có thể nhận định, trong trường hợp câu ca dao này, tính dung tục bất chấp tính thiện! Đây là một trong những hạn chế của văn học dân gian cần ghi nhận. Hay ta hiểu lệch?

Suốt ngày nằm ngả nằm nghiêng

Không ai nằm sấp trên miềng (mình) cho vui! (**)

Bài lục bát hai câu dân gian này, khó hiểu lệch được nữa!

Câu thơ lục bát cao sang của Nguyễn Du có khi cũng biểu hiện và phản ánh những gì rất ghê tởm nhất ở lầu xanh!

Này con học lấy nằm lòng

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề!

 

6

Tuy nhiên như đã trình bày, lục bát là tiếng ru, chính xác hơn là mang âm hưởng của nhịp ru dìu dịu, buồn buồn, trầm lắng, đều đều. Là tiếng ru, dù ru con, ru em bằng sử thi:

Chàng về thiếp một theo mây

Con thơ để lại chốn này ai nuôi?

thì vẫn thao thức, chiêm nghiệm; hoặc:

Ru con con ngủ cho lành

Cho mẹ gánh nước rửa bành con voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh kiếm (quế? phượng?) cho chồng đi quân.

thì lục bát vẫn mang âm hưởng trầm hùng, đằm sâu.

Lục bát uyển chuyển, mềm mại, linh động, phát xuất từ cốt cách của một dân tộc tự tin và bản lĩnh, hiếu hoà và nhân bản, suốt bốn nghìn năm.

Lục bát gợi âm hưởng miên man, mênh mang, không đứt rời, và tưởng chừng hoà nhập vào bao la cho dù chỉ ở một bài ca dao cực ngắn (thanh bằng).

Đó là triết lí Việt Nam và Phương Đông.

Thâm trầm. Thâm thuý. Nhẹ nhàng. Ung dung. Tự tại.

Từ cái chung Việt Nam, đặc sắc Việt Nam, còn có những phong cách lục bát rất riêng của từng tác giả, góp phần làm phong phú thêm tính cách dân tộc và châu lục.

Vì lục bát là cảm thức, phong thái, cốt cách và điệu hồn Việt Nam, là bản sắc Việt Nam, tôi yêu lục bát. Tôi yêu lục bát từ vô thức, tiềm thức đến ý thức, từ cảm tính của trái tim đến lí tính của tâm linh. Và tôi nghĩ người Việt Nam nào cũng vậy.

Tuy nói đến thơ Việt Nam là nói đến lục bát, nhưng tâm hồn lục bát Việt Nam còn dung nạp và lan toả vào các thể thơ khác, từ thơ Đường Trung Hoa, hai-ku Nhật Bản đến xon-nê châu Âu, khi thể thơ ấy nằm trong tay các nhà thơ Việt Nam. Từ bản lĩnh ca dao (gồm nhiều thể thơ, kể cả thơ tự do dân gian; mà lục bát là chủ yếu), với bản lĩnh lục bát và song thất lục bát bác học (dù hiện nay đang có khuynh hướng “quên lãng” song thất lục bát, mà chỉ nở rộ lục bát!), họ có thể Việt hoá tất cả.

 

TRẦN XUÂN AN

 

(Bài đã đăng trên tạp chí Cửa Việt, số 27 [tháng 12. 1996]).

 

 

 

Chép lại trên máy vi tính, xong lúc 10 giờ 09 phút, ngày 02 tháng 11. HB4

(20. 09. G. thân HB4).

 

 

 

(1) , trong cụm từ liệt kê bốn thể văn vần có diễn xướng “thơ, ca, hò, vè”, là một thể chỉ chú trọng đến yếu tố vần điệu. Đó là một hình thức tuyên truyền, kể chuyện, bình luận dễ nhớ, dễ hiểu. Vè xuất hiện nhiều ở miền Bắc và miền Trung.

(2) Vần trắc: vần mang thanh trắc; vần bằng: vần mang thanh bằng.

(*) Trong bài này, tôi sử dụng dấu sổ nghiêng về phía trái (\) như một kí hiệu ngắt nhịp của câu thơ, ca dao. Khác với các bài trước, kí hiệu hai dấu sổ nghiêng về phía phải (//) đã được dùng để ngắt dòng thơ thay vì phải xuống dòng; kí hiệu ngắt dòng (//) đó đi đôi với kí hiệu ngắt nhịp (\) này. (Chú thích của tác giả, khi đưa bài viết vào tập).

(**)  Ngô Vưu (giáo viên Trường PTTH. chuyên Quốc Học, Huế) sưu tầm.

 

 

MỤC LỤC

 

1. Đọc thơ Nguyễn Công Bình. 7

2. Đọc thơ Võ Văn Luyến. 14

3. Đọc thơ Nguyễn Tiến Đạt. 23

4. Đọc thơ Phan Văn Quang. 33

5. Đọc thơ Nguyễn Tấn Sĩ. 41

6. Đọc thơ Võ Nguyên. 55

7. Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ. 62

8. Đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. 77

9. Đọc thơ Hà Linh Chi. 94

10 & 11. Phụ lục:

     - Một vài yếu tố trong sáng tạo & tiếp-nhận-đồng-sáng-tạo. 106

     - Cảm thức lục bát. 108

12. Mục lục. 113

13. Danh mục tác phẩm của tác giả. 114.

 

 

 

 

Ngày 18 tháng 11 năm 2004

(07. 10 Giáp thân HB4)

tôi đã gửi trọn tập bản thảo này cho

bạn Y THI & anh HỒ THANH THOAN (Tạp chí Cửa Việt),

nhân dịp hai anh vào TP. HCM. công tác.

 

Một ngày khoảng cuối tháng 11. HB4 (10 Giáp thân HB4),

tôi cũng đã gửi INRASARA trọn tập bản thảo này.

 

Cuối năm Giáp thân (đầu năm 2005),

tập bản thảo này cũng được gửi đến PGs. Ts. HUỲNH NHƯ PHƯƠNG.

 

 

Ghi chú:

Vào giữa tháng 3 đến đầu tháng 4. 2005, tôi đã đổi bản thảo này từ hệ mã và font VNI-Centur sang hệ mã và font Unicode, Arial.

Ngày 6 & 7 tháng 7. 2005, tôi đã trình bày lại (những chỗ in nghiêng…), vì khi sử dụng phần mềm vi tính VietSpell để đổi hệ mã và font, footnote chuyển sang endnote, những chỗ in nghiêng bị sai lệch, sai lệch cả những chữ kế cận.

Về số trang, cũng có sự sai lệch, cần chỉnh sửa lại.

TXA.

 

 

Trần Xuân An

Sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;

Nhân tộc: Kinh (Việt Nam);

Quê gốc: Quảng Trị;

Tốt nghiệp ĐHSP. Huế (1974 – 1978);

Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 – 1983;

Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.

(Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

 

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.

2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.

3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.

4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.

7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.

8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.

10. Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.

11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 2004.

12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình văn học, NXb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005.

 

13. Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001. Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

14. Thơ những mùa hương, thơ.

15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.

16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.

17. Tiểu luận (bài đăng trên Tcđt. Giao Điểm), 2005

 

     Soạn phẩm & biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

18. Thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm

19. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

20. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.

21. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com 

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

22. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 2004.

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

 

Tặng thưởng, giải thưởng:

1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.

2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.

       ( Xem trang Danh mục tác phẩm thuộc website này ).

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7