Trần Xuân An - BIỂU TƯỢNG THẦN CÔNG LÍ BỊ MÙ MẮT HAY TỰ BỊT MẮT? (ý kiến ngắn)

BIỂU TƯỢNG THẦN CÔNG LÍ BỊ MÙ MẮT HAY TỰ BỊT MẮT?

(ý kiến ngắn của Trần Xuân An)

Câu trả lời là “Nữ thần Công lý” chỉ tự bịt mắt, khi phán xét (tuyên án). Hành vi tự bịt mắt đó có ý nghĩa là không bị chi phối bởi ngoại cảnh, do đó không bị áp lực nào, khi bản án, mức án được tuyên.

Dĩ nhiên, đôi mắt bị mù khác hẳn đôi mắt bị bịt bằng một dải vải, bịt bởi chính người có đôi mắt ấy, do ý thức tự nguyện với ý nghĩa như trên.

Cũng xin lưu ý, thần công lí tự bịt đôi mắt của mình vào chính thời điểm cần thiết, nhất định, đó là lúc tuyên án, chứ không phải trong quá trình xét hồ sơ về vụ án. Nếu bị mù, thần công lí làm sao đọc được các văn bản ghi chép điều tra, cáo trạng, phản biện trong hồ sơ, làm sao xem xét, giám định vật chứng, quan sát nhân chứng… Nói một cách hình ảnh theo hình tượng thần thoại, thần Themis hay thần Justitia (nữ thần công lí của Hy Lạp, La Mã cổ đại), nếu mù mắt, thì làm sao thấy được mức chênh lệch cán cân trên tay, làm sao vung gươm trừng phạt? Vâng, Thần Công lí chỉ tự bịt mắt lúc tuyên án mà thôi.

Có thể nói thêm: Nếu giải mã hình tượng nữ thần công lí tự bịt mắt có ý nghĩa là: công lí chỉ thực có, khi được mặc khải bởi Thượng Đế, mà Thượng Đế chỉ nhờ thần công lí nói thay, thì chẳng khác nào muốn bảo rằng không có công lí trên thế gian này, giữa con người với nhau! Không, không thể diễn dịch như thế.

Chúng ta nên dừng lại với ý nghĩa khá cố định của biểu tượng Thần Công lí theo văn hoá Phương Tây. Dĩ nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh một lần nữa, mù mắt (không thấy gì, không phân biệt được trắng – đen) khác với mắt tinh tường nhưng tự bịt lại trong dăm phút tuyên án.

T.X.A.

03-11 HB15 (2015)

Xem thêm:

Nữ thần Công lý (Đức) có mắt --- Nguồn: Google search

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE