GS. Nguyễn Quốc Trị (Hoa Kỳ) -- Về Nguyễn Văn Tường, 1824-1886 (bài 1)

 

 

 

Bản sao để LƯU (ngày 15-5 HB9 [2009])

 

Bài 1

Nguyễn Văn Tường

và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn

Nguyễn Quốc Trị

 

4 BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN QUỐC TRỊ

 

Tạp chí điện tử Giao Điểm (giaodiem com), tháng 5 năm 2005:

Bốn bài viết của ông Nguyễn Quốc Trị (Hoa Kỳ) trên mạng liên thông toàn cầu “thahuong net” (Google, Yahoo. MSN search):

 

Bài 1:

http://members.cox.net/luanlac/vanhoa/nvt&slcp.htm

Nguyễn Văn Tường và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn

 

Bài 2:

http://members.cox.net/luanlac/vanhoa/nvt&hpkp.htm

Nguyễn Văn Tường có tư thông với bà Học Phi và giết vua Kiến Phúc không?

 

Bài 3:

http://members.cox.net/hoaihuong/vanhoa/nvtthl.htm

Nguyễn Văn Tường tham lam?

 

Bài 4:

http://members.cox.net/hoaihuong/vanhoa/nvttnh.htm

Nguyễn Văn Tường tàn nhẫn?

__________________________________

Vài lời của Trần Xuân An: Nếu cứ liệt kê, phân tích và cải chính tất cả những gì kẻ thù của Nguyễn Văn Tường bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt về ông và từ những người cố ý hay vô tình phụ họa, lặp lại luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt ấy, như ông Nguyễn Quốc Trị đã thực hiện một cách khá đậm đặc trong 3 bài viết 2, 3 & 4 dưới đây, hoặc sử dụng tư liệu đã được chứng minh là giả mạo (thư gửi thống đốc Tahiti chẳng hạn), như trong bài viết 1 (cũng ở chùm bài kể trên) thì hóa ra là mắc mưu chúng, vô hình trung tiếp tay cho chúng. Chúng sẽ càng được thể mà bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt về những nhân vật lịch sử khác.

______________________________

Bài 1

 

 

Nguyễn Văn Tường và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn

Nguyễn Quốc Trị

 

LTS: Tác giả là nguyên Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài gòn. Ông có khảo cứu về vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, và sáng tác cuốn Third World Development: Aspects of Political Legitimacy and Viability. Associated University Presses, 1989; 2010 Eastpark Blvd, Cranbury, NJ 08512; ÐT (609) 655-4770; Fax (609) 655-8366; là một tác phẩm được báo chí quốc tế ở Nữu ước, Luân đôn, và Ba-lê khen ngợi.

Tác giả giữ BẢN QUYỀN. Bài này là một thành phần của cuốn sách tác giả đang soạn về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Mọi sử dụng, bất kỳ dưới hình thức nào, cần sự đồng ý của ông Nguyễn Quốc Trị.

Bài này sẽ chứng minh rằng vào hậu bán thế kỷ thứ 19, triều Nguyễn đã có một kế hoạch chống Pháp dài hạn và có đường lối mach lạc, để đối phó với sức mạnh của vũ khí và kỷ thuật quân sự Tây Phương; và nhân vật lịch sử đã cùng vua Tự Ðức soạn thảo và áp dụng kế hoạch đó là Nguyễn Văn Tường (NVT), người mà các sử gia thường gọi là cố vấn thân tín của nhà vua. (Devillers, Philippe, Francaìs et Annamites, partenaires ou ennemis? 1856-1902, Destins Croisés, 1998, 257; Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam [1858-1897], 1994, 299) Kế hoạch đó đã được NVT trình lên vua Tự Ðức sau khi đi sứ ở Nam Kỳ vào năm 1868 như sau: khi lực lượng giữa ta và địch tương đương hay xấp xỉ với nhau thì có thể áp dụng chiến lược thông thường là 'chiến rồi sau mới thủ được, thủ rồi sau mới có thể hòa được'. Nay tình thế đã muôn vàn khó khăn vì lực lượng của địch hơn ta quá nhiều, thì phải dùng 'hòa để thủ, thủ để mưu chiến mới hợp cơ nghi, mà may mắn mới không sai lầm'. Trong khung khổ sách lược tổng quát đó, việc chống Pháp, theo NVT, cũng giống như chống rợ, Hung Nô, Khiết Ðan, hồi xưa, 'không có thượng sách, chỉ châm chước theo thời thế mà thôi... cho nên giao hảo...phải chầm chậm nhẫn nhịn chấp nhận, lời lẽ nhỏ nhẹ, lễ vật nhiều ...'. (Bản tấu ngày 8-3 Tự Ðức 21, 1868, NQT nhấn mạnh) Kế hoạch này đã giúp nhà Nguyễn giữ được chủ quyền quốc gia một thời gian khá lâu trước khi đất nước rơi vào vòng nô lệ.

I. Nguyễn Văn Tường và kế sách chống Pháp dưới Triều Tự Ðức

NVT đã trình vua Tự Ðức kế hoạch này sau khi Pháp chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, bất chấp Hiệp Ước Hòa Bình ký kết vào năm 1862, và Phan Thanh Giản đã tự tử vì không giữ được thành trước sức mạnh vũ bão của quân đội Pháp. Trước đó, Pháp đã chiếm 3 tỉnh miền Ðông, rồi phong tỏa các cửa biển không cho chở gạo từ miền Nam ra Trung Bắc, và dùng vụ loạn Lê Văn Phụng ở đất Bắc đương đe dọa sự tồn vong của chế đô, để ép buộc triều đình phải ký Hiệp ước 5-6-1862 chính thức nhìn nhận việc nhường đứt 3 tỉnh ấy cho Pháp. Dân chúng hết sức bất mãn với triều đình, tự động tổ chức tình nguyện quân đánh phá phần đất bị Pháp chiếm, và âm mưu chống lại cả vua và triều đình. Trước tình hình sôi sục đó, nhà vua xử tội Phan Thanh Giản đã làm mất thành, mặc dầu ông đã quyên sinh, và tìm cách gởi sứ đoàn sang Pháp để xin chuộc lại các tỉnh đã mất. (Fourniau, Charles, Vietnam, Domination coloniale et résistance nationale, 1858-1914 . Paris, Indes savantes, 2002, 91-185) Chính trong lúc này, vua Tự Ðức đã gọi NVT đang làm bang biện ở huyện Thành Hóa, Quảng Trị về sung vào phái bô Trần Tiễn Thành để vô Nam nghiên cứu tình hình và đề nghị giải pháp đối phó. (Ðại Nam Thực Lục Chính Biên [ÐNTL], Tập XXXI, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Hà nội,1962-1978, 184)

Nhân dịp này, NVT đã đề nghị kế hoạch nói trên, một việc đã đòi hỏi rất nhiều can đảm ở một viên chức còn ở địa vị thấp kém như NVT. Thật vậy, chiến lược 'hòa để mưu chiến' đi ngược lại ý muốn của vua là dồn sức lực vào việc gởi sứ đoàn đi chuộc đất, trong lúc NVT thì lại xin vua nên đặt nhẹ ý tưởng chuộc đất mà đặt trọng tâm vào việc 'tự cường' để giữ phần đất còn lại. NVT cũng thẳng thắn trình bày rằng việc mất đồn mất đất là ngoài ý muốn của các quan ta như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp, mà là do ở việc địch quá mạnh với vũ khí tối tân, và ta thua quá rõ. Hơn nữa, NVT cũng không ngại tâu vua đừng nên tin quá nhiều vào hiệp ước ký kết, vì

'Thề ước mà giữ trung tín thì rất mỏng manh. Cho nên càng họp thì càng nghi, nhiều lần thề thì nhiều lần phản bội...Thì chuyện Câu Tiễn thành công đối với Ngô ... sao lại thường chấp vào cái thành thực nhỏ bé ...'.

Từ đó, vua Tự Ðức đã dần dần lưu ý nhiều hơn đến việc chấn chỉnh nội bộ, mở mang các sơn phòng, với hậu ý chuẩn bị một cuộc kháng chiến lâu dài. Trước đó vua đã có ý dùng sơn phòng vùng Tân Sở làm một kinh đô thứ hai, ủy cho NVT phụ trách và cấp cho NVT ấn ‘khâm phái quan phòng’ để tâu bày mọi việc cần thiết trực tiếp lên vua. (ÐNTL, XXXI, 86-7) Trong 8 năm làm tri huyện và bang biện Thành Hóa, tức Cam Lộ ngày nay, NVT đã phát triển vùng hoang địa này thành một nơi trù phú, và chiêu dụ nhiều dân thiểu số về thần phục triều đình. (ÐNTL, XXVIII, 217, 271, 315, 321; XXIX, 48 )

Vua đã nhận thấy tài năng của NVT trong việc khai khẩn đất hoang, giữ đất, đề phòng biên giới, và thăng bổ ông lên Phũ Doãn vào 1864 để giải quyết vấn đề tranh chấp lương đạo trầm trọng ở đây. (ÐNTL, XXX, 98; Trần Huy Thanh, "Nguyễn Văn Tường trong thời gian làm phủ doãn Thừa thiên ", Hội thảo Khoa học Nhân vật Lịch sử Nguyễn Văn Tường, Huế 2/7/2002, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Huế - Ðại học Huế & Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa thiên Huế [gọi tắt là HTNVTHUE02], 84-91). Ðến năm 1866, vì nạn giặc Chày Vôi xảy ra trong địa hạt Thừa Thiên của ông, NVT bị giáng chức về làm bang biện ở huyên Thành Hóa, nơi mà ông đã từng làm tri huyện. Nhưng NVT vẫn kiêm sung nhiệm vụ khuyến nông sứ và doanh điền sứ vùng Thừa Thiên Quảng Tri, và được quyền tâu bày trực tiếp lên vua. (ÐNTL, XXXI, 87)

Sau khi ở Gia Ðịnh về, ông được cử ra Bắc dẹp loạn với tư cách Tán Tương quân vụ. (ÐNTL, XXXI, 238) Ở đây ông đã hợp tác chặt chẽ với các ông Ðỗ Thọ, Võ Trọng Bình, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm, Phạm Thận Duật, v. v. lúc thì ở bô Tham Mưu, lúc cầm hàng ngàn quân đánh giặc thật sự. Vua Tự Ðức nhận thấy tài năng ngoại giao đối đáp, giao thiệp của NVT nên cử ông thường xuyên qua lại thương thuyết với các quan tướng nhà Thanh, như đề đốc Phùng Tử Tài để phối hợp việc đánh dẹp giặc cướp, và vỗ về dân chúng. Ông đã chiến đấu, vào sinh ra tử, trên khắp nẽo đường của vùng thượng du và biên giới Hoa Việt. (ÐNTL, XXXI, 287, 316, 325, 327, 330, 357, 371; ÐNTL, XXXII, 11, 30, 31, 46, 61, 70, 71, 81,101, 105, 157, 177, 185, 189, 225) Gần cuối 1873, NVT được vua triệu về kinh để cùng khâm sai Lê Tuấn vào Gia Ðịnh và đi sang Pháp thương thuyết hòa ước với Pháp. (ÐNTL, XXXII, 293)

A. Giải trừ âm mưu của Dupré, Dupuis và Garnier

Nhân khi đó, người lái buôn Pháp Jean Dupuis đem một đoàn tàu tới phá rối Bắc Kỳ, dùng sông Hồng Hà để chở khí giới cho các quan chức Tàu ở Vân Nam. (ÐNTL, XXXII, 253-4) Mặc dầu Dupuis hết sức ngang ngược, vua, theo kế hoạch của NVT, vẫn chỉ thị cho các quan địa phương cố hết sức giữ ôn hòa, nhường nhịn với Dupuis hầu tránh mọi sự gây hấn với y trong lúc triều đình yêu cầu Thống đốc Nam kỳ và các quan Tàu ở Lưỡng Quảng can thiệp giải quyết. Thật vậy, chính sử kể rằng sau khi ngăn cấm Dupuis từ Hà Nội đi Vân Nam không hiệu quả, Tổng đốc Bùi Ân Niên tâu lên thì

"Vua dụ cho các quan tỉnh và các quan quân thứ từ Hà Nội trở lên, chờ cơ châm chước đối phó, không hướng dẫn không tiếp, chúng đến đâu tự biết là khó đi, thì tự phải rút lui. Chỗ nào chỗ ấy đều có chức phận, phải theo thể thống mà khu xử cho khéo để được thỏa đáng. Nhưng khi chúng đến đâu, làm việc gì, phải phi báo ngay để tiện xử trí, chớ có tự mình gây hấn trước, chớ để cho thất thế là được rồi.'' (ÐNTL, XXXII, 255)

Dupuis, vì đã có ăn ý ngầm với nhà chức trách Pháp ở Sài gòn, lại càng tỏ thái độ ngang ngạnh, tiếp tục chở muối gạo là đồ cấm xuất cảng, sang Vân Nam bất chấp lệnh của quan lại địa phương. Dupuis cũng chả đếm xỉa gì đến chỉ thị của Ðề đốc Dupré, thống đốc Nam Kỳ buộc y rút đi. (Ibid., 258, 272, 305-6, 321-5, 327-8; Fourniau, Vietnam, 241-3) Theo lời yêu cầu khẩn khoản của vua Tự Ðức, Dupré cử Francis Garnier ra Bắc để thi hành lệnh trục xuất Dupuis. Garnier ra Hà Nội, theo lệnh ngầm của Dupré, thay vì đuổi Dupuis, đã hợp tác với Dupuis và các giáo sĩ Công giáo Pháp để chiếm kinh thành Hà Nội, rồi Ninh Bình, Nam Ðịnh, Hải Dương, và ra lệnh tự do lưu thông thương mãi trên sông Hồng Hà. (ÐNTL, XXXII, 328-331, 336-341; Fourniau, Vietnam, 250-258). Vua và triều thần thấy mình mắc mưu Dupré, và biết Dupré muốn tìm lợi thế để mặc cả một hiệp ước, mà y đã mong muốn lâu nay trước khi về nước. (ÐNTL, XXXII, 342). Một yếu tố thời cơ thuận lợi, mà có thể phía Việt Nam ngầm biết trong việc điều đình, là việc chính phủ Pháp ở Paris không muốn có chiến tranh, vì mới thua trận 1870 và mới vừa trả xong chiến phí cho Ðức. Tin Hà Nội bị Garnier chiếm được loan ở Paris thì Bộ Trưởng Hải quân Pháp đã đánh điện liền cho Thống đốc Nam Kỳ nhắc nhở việc chính phủ Pháp nhất thiết không muốn gây chiến ở Bắc Kỳ. (Fourniau, Vietnam, 258)

Vua Tự Ðức gởi tiếp sắc phong cho Lê Tuấn và NVT được toàn quyền điều đình để bày tỏ nhiệt tâm muốn hòa bình của mình; và đồng thời chỉ thị cho các sứ thần nhiệt liệt phản kháng việc 'nói một đàng làm một nẻo’ của thống đốc Nam Kỳ. ( ÐNTL, XXXII, 342) Dupré đành phải gởi thơ chỉ thị cho Garnier trả lại các tỉnh thành đã chiếm cho triều đình. Thơ lập thành 2 bản, một do tàu thủy đưa ra cho Garnier, một giao cho NVT mang về trình vua biết. NVT yêu cầu cho một đại diên Pháp đi theo để giải bày tự sự cho vua rõ. Philastre, Chánh sở Pháp lý Nam Kỳ, cựu thiếu tá hải quân được cử đi. Philastre được vua quan tiếp đãi rất nồng hậu. Rồi vua yêu cầu Philastre ra Bắc với NVT để giải quyết nội vụ, mặc dầu công tác của Philastre chỉ là trình bày tự sự cho vua rõ thiện chí của phía Pháp, rồi về lại Sài gòn, có tàu D'Estrées chờ sẵn ở Ðà Nẵng. (Ibid., 342-4)

Với sự thỏa thuân của Thiếu tá chỉ huy tàu D’Estrées, thay vì trở về Sài gòn, Philastre cùng NVT ra Bắc, và đến Ðồ Sơn ngày 24-12-1873. Trước đó 3 ngày Garnier đã bị Lưu Vĩnh Phúc giết cùng với một số bô thuộc. Philastre và các sĩ quan trên tàu đều nổi giận và đòi bỏ về Sài gòn báo cho thống đốc Dupré định liệu. Sử ta đã kể nhiều, và một cách khá hãnh diện, về việc NVT đã thuyết phục được Philastre tiếp tục công tác giao trả các tỉnh Bắc Kỳ, thay vì trở về Sài gòn. Trong khuôn khổ chiến thuật 'châm chước theo thời thế' đã nói trong bản tấu 8-3 Tự Ðức 21, NVT đã giải bày với Philastre rằng: việc Garnier bị quân Cờ Ðen giết, cũng như Nguyễn Tri Phương bị Garnier giết, chúng ta chỉ mới nghe nói, chưa rõ hư thực ra sao, vả lại đều là chuyện không phải do chúng ta gây ra. Ngoài ra, việc Garnier chiếm thành là do y tự ý làm trái lệnh của cấp trên như thống đốc đã xác nhận, và bên phía chúng tôi cũng không chống cự, tranh chấp với y, vậy cả hai bên không ai làm điều gì sai trái. Do đó, không có lý do gì mà bỏ lỡ sứ mạng của chúng ta, là trả lại các thành để sớm kết thúc hiệp ước thân hữu theo lệnh của thống đốc, cũng như nhận thành rồi mới thương nghị hòa ước theo lệnh của vua nước tôi. Vậy ta nên tiếp tục công tác trả thành, đồng thời gởi thơ cho Hà Nội điều tra đầu đuôi câu chuyện Garnier và Nguyễn Tri Phương chết, xong rồi báo cáo tự sự về luôn một thể.

Philastre và các sĩ quan Pháp trên tàu D'Estrées nghe theo, gởi thơ cho phe nhóm Garnier ở Hà Nội thông báo việc trả thành, đồng thời yêu cầu họ điều tra và phúc trình chi tiết về vụ Garnier. Khi Philastre muốn dùng tàu Décrès, và cho tàu D'Estrées về Sài gòn báo cho thống đốc biết nội vụ, thì NVT lại can không nên, vì sợ sĩ dân nổi loạn, do sự hiểu lầm là việc trả thành bị đỗ vỡ, cho nên hai sứ thần Pháp Việt trở về theo chiếc tàu đã chở họ ra. Rồi NVT đề nghị, một mặt nên cho chiếc Décrès ra biển, đón chặn giặc biển để tỏ rõ thiện chí của Pháp; mặt khác dùng tàu D'Estrées đi Hải Phòng, rồi đến Hải Dương giao trả ngay thành này, để tỏ rõ cho các giới đang tranh chấp sự hòa thuận, thành thật và cương quyết của 2 bên Pháp và Việt trong việc giao nhận các nơi bị chiếm. Trong lúc chiếc Décrès chận bắt, tịch thu khí giới các thuyền giặc về đậu ở bến hoặc chạy ra biển thì Philastre và NVT tiếp tục đi Hải Dương. ( ÐNTL, XXXII, 343-4, 348-352, 355-6)

B. Thu nhận các tỉnh thành Bắc Viêt bị Pháp chiếm

Việc giao hoàn và tiếp nhận vùng châu thổ Bắc Việt không giản dị, dễ dàng như sử sách thường đã ghi một cách tóm lược. Ðó là một công tác cực kỳ phức tạp và khó khăn mà NVT và Philastre đã hoàn thành một cách khá mỹ mãn. Trong vòng không đầy 2 tháng dưới quyền cai trị của phe nhóm Garnier, vùng châu thổ sông Hồng đã nằm dưới quyền của khoảng trên 500 quân lính Pháp thuộc cả Dupuis và Garnier, và 14.000 người Việt theo Pháp, đa số là Công giáo theo các giáo sĩ Hội Thừa sai Hải ngoại ở Paris. (Fourniau, Vietnam, 258-263; McLeod, Mark W., The Vietnamese Response to French Intervention, 1862-1874. Praeger, 1991,107-122) Các tổng trấn Pháp ở các tỉnh thành bị chiếm đều chống lại việc rút quân và trả lại tỉnh thành cho triều đình. Chuẩn úy Hautefeuille ở Ninh Bình, với 5.000 dân quân lúc đó đang chuẩn bị kế hoạch chiếm đóng tiếp các tỉnh thành còn lại. Bác sĩ Harmand, ở Nam Ðịnh đang tìm con cháu nhà Lê để lập một nước Bắc Kỳ độc lập với triều đình Huế. Jean Dupuis thân hành đi Sài gòn để đòi thống đốc Dupré bỏ ý định rút quân. Ðức Cha Puginier, người mà trong thực tế được xem như là lãnh tụ Công giáo theo Pháp, sai LM Dumoulin vào Gia Ðịnh yêu cầu Sài gòn ngưng việc trả thành, viện cớ như vậy sẽ đưa đến việc tàn sát tập thể giáo dân Bắc Việt. Phe văn thân đã nổi dậy nhiều nơi, và tàn phá, chém giết các khu Công giáo để trả thù việc các làng xã bên lương bị phe đạo theo Pháp tàn hại khi phe Garnier cầm quyền. Quân Cờ Ðen và quân triều đình, đóng ở lân cận các tỉnh thành bị chiếm, đã sẵn sàng chiến đấu để lấy lại các thành đã mất.

Việc đáng lo sợ trong tình thế sôi động, căng thẳng đến cực độ này, là phe Garnier và Công giáo theo Garnier có thể làm liều, biến Bắc Kỳ thành một nước tự trị, không cần đến sự tiếp tế của chính quốc hay Sài gòn, và đặt Paris trước một việc đã rồi (fait accompli). Rồi tiếp theo, phe văn thân, Cờ Ðen, và quan lại, quân đội Việt Nam sẽ có thể phản ứng lại, đưa đến một cuộc nội chiến khủng khiếp. (Fourniau Vietnam, 268-273) Trước một tình thế phức tạp như vậy, NVT và Philastre lấy gì mà đối phó? NVT có một số lính theo phục dịch, giữ an ninh và cầm lọng, 2 nhân viên văn phòng làm giấy tờ, và 1 thông ngôn là LM Hoằng. Nếu có được một hậu thuẫn gì là do ở sự liên lạc với các quan lại triều đình ở trong vùng, nhứt là các quan đã từng quen biết lúc NVT đánh giặc ở đó. Còn lực lượng của Philastre thì chỉ gồm có một số sĩ quan và binh sĩ trên hai chiếc tàu D'Estrées và Décrès. Một trở ngại khá quan trọng cho Philastre là vấn đề danh nghĩa: Philastre ra Bắc không do sự ủy nhiệm của thống đốc Nam Kỳ, mà theo lời yêu cầu của vua Tự Ðức và NVT, viện cớ là cần giải quyết vấn đề Bắc Kỳ trước đã, rồi mới nói đến điều đình hiệp ước sau. Ðể vượt qua trở ngại đó, Thiếu tá Testard du Cosquer, chỉ huy tàu Décrès, với danh nghĩa là sĩ quan cao cấp và thâm niên nhất, tự bổ nhiệm mình làm chỉ huy lực lượng hải lục quân Pháp hiện diện ở Bắc Kỳ lúc đó. Rồi lấy tư cách đó, Testard bổ nhiệm Philastre thay thế Francis Garnier, và Ðại úy Balézeaux, phụ tá của mình, làm Tư lệnh chỉ huy cuộc hành quân rút ra khỏi Bắc Việt.

Với tư cách là kẻ kế vị Garnier để giải quyết vụ Dupuis, Philastre cùng NVT và Balézeaux đến thành Hải Dương ngày 28-12-1873, và theo đề nghị của NVT, trao trả mau chóng thành đó như là một bằng chứng của sự thành thật hợp tác giữa Pháp và Việt, hầu thoa dịu mối căm thù giữa các phe đối nghịch. Ngày hôm sau, 29-12 NVT và Philastre ký ngay một thỏa hiệp sẽ được thi hành liền 2 ngày sau, và công bố ngay cho công chúng biết: Bên Pháp cam kết rút quân khỏi thành [để làm yên lòng quan quân, văn thân, và dân chúng]; phía Việt cam kết sẽ làm dễ dàng cuộc rút quân của Pháp, và, sau khi thành được giao nhận, sẽ ân xá tất cả những người Việt đã được nhà chức trách quân sự Pháp sử dụng tạm, và bảo vệ họ chống mọi sự xâm phạm, đồng thời, trong một phạm vi có thể được, sẽ cung cấp chức vụ thích hợp với khả năng của họ [để trấn an phe Garnier và phe Việt theo Garnier]. Trong thỏa hiệp, Philastre đã ký với tư cách là

'Ðại úy Hải quân ... được sự ủy nhiệm của Thượng thư bộ ngoại giao Triều đình Huế, và được chỉ định khẩn cấp bởi ông Testard, Thiếu Tá Hải quân, chỉ huy lực lượng hải quân Pháp ở Bắc Kỳ, để thay thế ông Garnier trong sứ mạng chính trị ở Bắc Kỳ, hành động nhân danh Thống đốc Nam Kỳ ...' (Taboulet, George, La geste francaise en Indochine, Tome deuxième. Paris, Adrien-Maisonneuve, 1956, 739, NQT dịch).

Mặc dầu mọi cố gắng, công tác trả thành vẫn còn đầy dẫy khó khăn và nguy hiểm, vì sự chống đối của phe Việt theo Pháp. Ở thành Hải Dương lúc đó có độ 30 quân Pháp, và trên dưới một ngàn dân quân do một tổng đốc Công giáo gốc thợ rèn, chỉ huy. Nghe tin phái bộ NVT đến, 'Tổng Ðốc Trương ' đang đi hành quân trở về để âm mưu thủ tiêu ông này. Khâm sai NVT đã dò biết và cương quyết yêu cầu phía Pháp bắt viên Tổng đốc và đem y xuống tàu giam lại. Ngày sau, 30-12 quân đội Pháp-Việt ở Hải Dương giải tán, cấp lính được phân tán, còn cấp chỉ huy được tạm giam giữ trong thành rồi phóng thích sau. Trong lúc đó thì Trentinian [sau này lên tướng và có làm quyền thống đốc Nam Kỳ], thuộc hạ của Garnier và chỉ huy quân đội Pháp ở Hải Dương, lập bản kê khai tài sản trong thành và giao lại cho NVT. Ngày 2-1-1874, quan tỉnh, mới được NVT bổ nhiệm, vào nhận thành, đến lạy vị khâm sai, rồi ra lệnh cho quân đội triều đình rải ra chung quanh các bờ thành. Lúc đó, các người Pháp đi ra khỏi thành. Cùng đi đầu với sứ thần khâm sai NVT là 2 ông Philastre và Balézeaux; theo sau họ là quan và lính trong đoàn tùy tùng của NVT; rồi đến Trentinian và bộ đội của ông. Tất cả cùng đi xuống bến sông, đáp sa-lúp Sơn Tây của Dupuis để lên Hà Nội. (Romanet du Caillaud, F., Histoire de l'intervention francaise au Tonkin de 1872 à 1874. Paris, Challamel Ainé, 1880, 236-240; ÐNTL, XXXII, 236-7) Cuộc rút lui và giao nhận thành xảy ra tốt đẹp, êm thắm! Ảnh hưởng chính trị tâm lý của thí nghiệm trao trả Hải Dương này đối với mọi phe nhóm ở Hà Nội, Nam Ðịnh, Ninh Bình - Garnier, Puginier, Văn thân, quan lại triều đình, dân chúng - có thể nói là sâu rộng chẳng kém gì ảnh hưởng của vụ Garnier chiếm thành Hà Nội đối với các tỉnh thành lân cận đã bị phe Garnier thôn tính luôn sau đó. NVT đã dốc toàn lực trong vụ này:

' ông đã làm việc theo một nhịp độ sấm sét (activité foudroyante [Con la rapidez del rayo]) để tái lập uy quyển của nhà vua tại Hải dương. Ông gởi từng đợt này liên tiếp đến đợt khác các người đưa công văn bổ nhiệm các viên chức; không có một phủ huyện nào mà ông không cho người đến làm việc.' (Romanet, op. cit., 238) Tuân theo mẩu mực đó, các thành Ninh Bình, Nam Ðịnh rồi Hà Nội được tiếp tục giao nhận. (Romanet du Caillaud, op. cit., 241-256; Fourniau, Vietnam, 272) Hai nhân vật cay cú nhứt trong vụ này là Ðức Giám mục Puginier và Jean Dupuis, những người đã coi Bắc Kỳ như nuốt vào rồi mà phải nhã ra lại. Từ đó họ không ngừng tố cáo NVT là kẻ thù số một của Pháp và của Công giáo. (Louvet, L.E., Vie de mgr Puginier. Hanoi: F.H. Schneider, 1894, 457 & passim; Dupuis, Jean, Le Tonkin de 1872 à 1886. Paris, A Challamel, 1910, 544-559, & passim)

C. Sách lược chống Pháp: ‘Hòa để mưu chiến’

Giải quyết xong vụ Bắc Kỳ, NVT liền về Huế và vào lại Sài gòn để cùng Lê Tuấn ký kết Hiêp Ước Hòa Bình và Thân Hữu ngày 15-3-1874, và sau đó, Hiệp Ước Thương Mãi ngày 31-8-1874. Trước âm mưu thôn tính toàn nước Việt Nam bằng cách áp đặt một hiệp ước bảo hộ, NVT đã lợi dụng thời cơ tranh đấu để đạt được một nền hòa bình trong đó Việt Nam tránh được sự 'bảo hộ' của Pháp mà giữ được chủ quyền nội bộ, hầu thực thi sách lược tự cường của mình. Sách lược đó đã được trình bày trong bản tấu ngày 8-3 Tự Ðức 21 nói trên như sau:

"... Từ xưa việc chống rợ không có thượng sách, chỉ châm chước theo thời thế mà thôi. Ốm đau mới khỏi, không thể dùng thời được. Cho nên giao hảo với Hung Nô [Pháp được NVT xem như một loại rợ giống như Hung Nô vậy; NQT ct.] thì phải chầm chậm nhẫn nhịn chấp nhận, lời lẽ nhỏ nhẹ, lễ vật nhiều mới có thể rốt cùng được sinh dưỡng nghỉ ngơi, để tạo nên sự nghiệp giàu có ... Người xưa nói rằng chiến rồi sau mới thủ, thủ rồi sau mới hòa được, cũng là chỉ cái thế lực tương đương vậy. Như nay xem xét tình thế hiện tại giữa ta và nó, thần xin nói rằng: hòa để thủ, thủ để mưu chiến mới hợp cơ nghi, mà may mắn mới không sai lầm. Xin nguyện: hoàng thượng duy trì sự giao thiệp với nước lân bang, có đường lối, dần dần bày tỏ sự thành thực, sửa đổi việc nội trị, không quên điều nhục nước, thận trọng chọn người chăn dân, cầm binh, lo nuôi dưỡng dân, chiêu hiền, ắt như Hán Cao Tổ vào đất Ba Thục, tiết giảm của dùng, công dịch, việc sinh tụ dạy dỗ ắt như Câu Tiễn ẩn nhẫn ở Cối Kê, trên dưới một lòng, tôn thân, hiền sĩ giúp đỡ hoặc có thể đợi vận trăm năm của triều đình để duỗi cái uy trong nước."

Nói cách khác, theo NVT thì: việc chống Pháp, cũng như chống rợ hồi xưa, không có thượng sách, chỉ châm chước theo thời thế mà thôi. Người Pháp quỹ quyệt từ 10 năm nay rồi, mà ta không đủ lực đánh đuổi họ, mà ký hoà ước với họ rồi, họ cũng tiếp tục nuốt lời, tìm cách đánh ta nữa cho đến lúc họ thôn tính được hết. Vậy ta phải tìm một thế hòa nào cho phép ta giữ được những gì còn lại để mà từ đó ngầm mưu chiến lấy lai những gì đã mất khi thời cơ cho phép. Muốn giữ thì một mặt ta phải lo tăng cường sức mạnh, củng cố nội bộ để cho địch thấy rằng muốn đánh ta nữa cũng khó khăn, tốn kém chớ không phải dễ dàng, một mặt phải hết sức mềm dẻo, nhịn nhục, nhẫn nại, dùng lễ vật rất nhiều đối với chúng để chúng khỏi sinh nghi ngờ và tìm cớ gây sự nữa. Tóm lại, đó là cáí kế: hòa để thủ, thủ để mưu chiến, giống như kế của Hán Cao Tổ vào đất Ba Thục, hay Câu Tiễn ẩn nhẩn ở Cối Kê, chuẫn bị, chờ đợi thời vận.

NVT cũng tâu trình thêm lên vua trong một dịp khác rằng, với tư cách là một chư hầu, ta có hy vọng dựa vào đàn anh Trung quốc để chống Pháp. Thật vậy, trong khuôn khổ chính sách 'nội hạ ngoại di' chi phối nền ngoại giao của các nước Ðông phương, Trung quốc có nghĩa vụ phải bênh vực một đàn em đã thần phục mình. Nước Tàu từ đời nhà Hán theo chủ nghĩa đại Hán tộc tự cho mình là hoa hạ, văn minh, còn xung quanh mình, như Hồ, Kim, Liêu, Mông, Mãn, Việt Nam đều là man di cả. Nếu các rợ, hay dân tộc man di phá rối, xâm chiếm bờ cõi nước văn minh hoa hạ, thì Trung quốc cần phải xâm chiếm cai tri, dạy dỗ họ theo lề lối văn minh của mình. Nhưng nếu họ khác biệt với Trung quốc mà không gây rối, chịu chấp nhận nền văn minh Trung quốc bằng cách thần phục, triều cống, thì Trung quốc sẵn sàng thừa nhận tư cách chư hầu của ngoại di, và bảo vệ, giúp đỡ họ để tự họ học hỏi noi theo lề lối văn minh của Trung quốc, không cần phải dùng đến võ lực.

Việt Nam đã từ lâu tự coi mình là chư hầu của Trung quốc. Ðồng thời, Việt Nam tự coi chính mình là 'hoa hạ' đối với các nước khác bên phía tây của mình, và cho họ là ngoại di, như Lào, Miên, Chàm cùng các sắc tộc thiểu số như Thủy Xá, Hỏa Xá, và nhận triều cống của các dân tộc thua kém này. Rồi ngay cả các nước Tây phương cũng được Tàu và Việt Nam cho là ngoại di, Tây di hay Tây dương. (Về 'nội hạ ngoại di, xem Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám. Nhà xuất bản TPHCM, 1993, 395-398) Việc triều cống thần phục chỉ có ý nghĩa tinh thần và tượng trưng, vì bên nhận phẩm vật triều cống cũng cho lại bên kia một số phẩm vật tương đương, có khi còn hơn nữa. Nhưng cái khía cạnh quan trọng của hệ thống ngoại giao 'nội hạ ngoại di' này là hai bên có nghĩa vụ trợ giúp lẫn nhau, và nước Tàu, khi nhận triều cống của Việt Nam, có cái 'nghĩa vụ', vì uy tín của chính mình, phải bảo vệ nước này chống lại Pháp. (Xem thơ vua Tự Ðức gởi vua Tàu nhân dịp Phái đoàn Nguyễn Thuật mang đồ cống hiến sang Bắc Kinh năm 1880, và Sắc lệnh 27-8-1884 của vua Tàu tuyên chiến với Pháp vì việc Việt Nam ở: Couvreur, S., Choix de documents: letters officielles, proclamations, edits, mémoriaux, inscriptions-/texte chinois avec traduction en francais et en latin. Taipei, Republic of China: Li Ming Cultural Enterprise, 1983,, 207-215, 265-273) Trong một bản tấu ngày 18-5 Tự Ðức 26, 1873, NVT đã lưu ý vua đến vai trò này của Trung quốc. Ta sẽ thấy Trung quốc thực hiên nghĩa vụ này vào khoảng cuối đời vua Tự Ðức và thời các vua kế tiếp, đặc biệt nhứt là sau khi cái ấn của vua Tàu ban cho vua Gia long bị công khai hủy diệt, theo lời yêu cầu của NVT, nhân lúc Hiệp ước Patenôtre được ký kết.

D. Gìn giữ chủ quyền để mưu chiến qua các hiêp ước 1874

 

*** Hình của Nguyễn Văn Tường do tác giả Gosselin trình bày trong sách của ông (L'Empire d'Annam. Paris, Perrin, 1904, sau trang 188), với lời ghi chú ở trang 207, chú thích 1: "Chúng tôi tri ân Ðề dốc Krantz, cựu Thống đốc Nam Kỳ, cựu Tổng trưởng Hải quân, đã gởi cho tấm hình rất quý giá của Phụ chánh Tường, một tấm hình duy nhất hiện có của nhân vật đó, được chụp ở Saigon, khi ông làm Sứ thần của Vua Tự Ðức để ký kết hiệp ước vào 1874. Xin Ðề đốc nhận nơi đây lời cám ơn của chúng tôi về tài liệu ấy, một tài liệu rất quan trọng, vì vai trò mà ông Tường đã giữ trong cuộc tranh đấu của nước ông chống lại chúng ta." NQT dịch.***

Trong khuôn khổ sách lược đó, NVT đã tranh đấu mãnh liệt với Thống đốc Dupré đến phút chót, để tránh một hiệp ước bảo hộ qui ước, hầu bảo toàn chủ quyền nội bộ trên phần đất Trung Bắc còn lại của quốc gia, hầu có thể tiếp tục thực thi kế sách tự cường dài hạn mà mình đã từng đề nghị lên vua. Sở dĩ phải tránh chữ 'bảo hộ', là vì, ngoài việc nó bao hàm ý nghĩa 'đô hộ', danh từ đó còn cho phép người Pháp giải thích hiệp ước theo một nghĩa tổng quát, rộng rải, rồi với lý của kẻ mạnh, có thể đòi hỏi bất cứ điều gì nhân danh chữ 'bảo hộ' như ta sẽ thấy sau này. Theo NVT, một khi Việt Nam nhượng bộ một khoản gì thì phải nói thật rõ, và như vậy phải được giải thích theo nghĩa hẹp như là một biệt lệ mà thôi. Thật vậy, " Vị đề đốc mỗi ngày mỗi bị thúc dục phải kết thúc. Sức khoẻ của ông đã lung lay và ông đã được cho nghỉ phép. Ngày 15 tháng 3, mặc dầu mọi sự tương nhượng, hiệp ước vẫn chưa được ký kết. Người An-nam quả nhiên từ chối sự ghi vào chữ 'bảo hộ' trong hiệp ước. Nhưng mà đề đốc sắp phải lên đường ngày mai. Ông nổi nóng, hăm dọa tấn công Huế với một hạm đội. Ông dựt được sự đồng ý của ông Tường về hiệp ước, nhưng đã phải loại ra danh từ 'bảo hô'." (Devillers, op. cit., 197, NQT dịch) Hai hiệp ước do NVT ký kết trong năm 1874 đã làm căn bản pháp lý cho cuộc bang giao Pháp Việt trong 9 năm cho đến khi Hiệp ước Harmand được ký kết vào ngày 25-8-1883. Trong khuôn khổ các hiệp ước 1874 này, triều đình còn toàn quyền hành xử chủ quyền nội bộ của mình, để thực thi kế hoạch tự cường, hầu giữ đất và mưu chiến khi thời cơ cho phép như đã dự trù trong kế hoạch dài hạn. Cũng trong bản tấu đã nói ngày 8-3 Tự Ðức 21, 1868 NVT đã trình bày phương cách tự cường như sau: "Từ xưa, muốn cho nước mạnh, chưa từng không chú ý đến binh lực, của cải hai điều." Muốn có binh lực mạnh phải có của cải nhiều để canh tân quân đội, và có quân đội mạnh giữ gìn an ninh trật tự thì kinh tế mới có thể phát triển, của cải mới gia tăng được. NVT đã nhận chân cái sự thực của muôn đời, là phải có thực lực mới ngoại giao hiệu quả được. Mà muốn có điều kiện để xây đắp cái thực lực đó, đối với Pháp ta phải

" bên ngoài ...lấy vẻ mặt tươi cười chờ đợi, bên trong lại nghiêm chỉnh tự trị, binh khí, thuyền súng có chuyên viên đảm trách, người người tự nỗ lực, tự mưu tính để chờ cơ hội, thì cái hiệu nghiệm xế chiều cũng không phải là muộn vậy." (Tấu nghị 10-8 Tự Ðức 26, 1873)

Trong hiệp ước 15-3-1874, NVT tìm cách giữ lại cái quyền ngoại giao với Trung quốc qua câu nói trong điều 3 rằng "Vua nước Nam cam kết ... không thay đổi đường lối ngoại giao hiện hữu của mình ", vì từ lâu nay Việt Nam vẫn bang giao với Trung quốc, vẫn triều cống 4 năm một lần. Nhờ đó về sau này, Việt Nam đã nhờ được thế Tàu để chống Pháp, kéo dài sự độc lập của triều Nguyễn trong một thời gian khá lâu. Công tác quan trọng nhất và ảnh hưởng lâu dài nhất trong phương sách tự cường là sơn phòng, hay bảo vệ, mở mang miền sơn cước, biên thùy. Dưới danh nghĩa sơn phòng, triều đính đã ngầm chuẩn bị công cuộc kháng chiến chống Pháp. Người đã đem lại nhiều thành quả quan trọng trong công tác sơn phòng là NVT sau 8 năm khai khẩn vùng Tân Sở với tư cách là Tri huyện, và bang biện Thành Hóa, Cam lộ. Ý tưởng dùng vùng Tân Sở, Quảng Trị làm kinh đô thứ hai đã manh nha từ 1868, và không lâu sau khi hiệp ước 15-3-1874 được ký, vua Tự Ðức đã cùng NVT nghiên cứu rất nhiều về địa hình, địa vật vùng Tân Sở, và đặt nặng hơn nhiều việc mở mang phát triển vùng này. (Bản tấu ngày 20-1 Tự Ðức 28, 1875). Sau khi các hiệp ước 1874 đựợc ký, vua Tự Ðức

cho rằng sơn phòng đã không nên không, đồn điền cũng không nên ít ... hiện nay Nam kỳ thì bờ cõi cũ chưa khôi phục được ... kế sách tự cường tự trị không thể không sớm phải làm, hiện nay chỉ chuyên làm việc ở trung châu, bổ ích có hạn sao bằng thay cũ mà đổi mới, để ý vào biên phòng, chấn hưng mối lợi tự nhiên của trời đất, làm nền tảng mở mang của nước nhà. ... các tỉnh Tả kỳ ... Hữu kỳ ... Thanh Hóa Ninh Bình đều đặt sơn phòng, ... cho việc phòng bị được nghiêm, tuy nói rằng: để vững bờ cõi ta, thực để phòng bị mối lo không ngờ ... phải chứa thóc, đóng quân để dùng cho ngày khác.’ (ÐNTL, XXXIII, 226-7, NQT nhấn mạnh)

Rồi dần dà trong khuôn khổ sơn phòng, các căn cứ quân sự được thiết lập trong vùng núi non của hầu hết các tỉnh ở Trung và Bắc Việt để lâm thời trở thành những chiến khu chống Pháp. Dân quân trong các căn cứ này do quân đội cấp tỉnh cung cấp, sinh sống tự túc bằng cách khai khẩn đất mới, trồng trọt, thành lập chợ búa, hệ thống giao thông, vừa bảo vệ an ninh cho chính mình và thôn xóm mình lập ra. Ðặc điểm của hệ thống sơn phòng là sự địa phương phân quyền, sự tự trị, tự túc không gây gánh nặng cho ngân sách quốc gia, và không thống thuộc quân đội chính quy, mặc dầu hai bên và giữa các sơn phòng có thể phối hợp với nhau qua các quan lại do trung ương bổ nhiệm, hoặc quân biệt phái của triều đình. Dù cho hệ thống quân đội trung ương có tan vỡ, các sơn phòng vẫn có thể tiếp tục chiến đấu dựa vào dân quân và dân chúng trong vùng. Hệ thống sơn phòng nằm trong sách lược chiến đấu trường kỳ, khai thác sở trường và sở đoãn của địch và ta. Trong vùng rừng núi, địch khó lòng di chuyển trọng pháo lớn bằng thuyền tàu để dễ dàng thắng ta; địch khó lòng chịu đựng lam sơn chướng khí. Bộ binh địch khó lòng truy lùng quân ta trong các hang cùng ngỏ hẽm. Ta có thể dễ dàng tiêu diệt địch với vũ khí thô sơ ít tốn kém, như cung tên, trong vùng núi non hiểm trở mà chỉ người địa phương mới quen thuộc. Ta còn có thể dựa vào sự trợ lực của các đồng bào thiểu số đã được phủ dụ. Nội trong năm 1875, sơn phòng của tỉnh Quảng Trị và của nhiều tỉnh khác đã được thiết lập, rồi từ đó sơn phòng ở các nơi khác nữa nối tiếp nhau xuất hiện. Song song với sơn phòng, triều đình cũng khuyến dụ các làng xã thành lập đoàn nhân dân tự vệ để bảo vệ xóm làng, giảm bớt gánh nặng cho quốc gia. Hệ thống sơn phòng và nhân dân tự vệ này đã góp phần không nhỏ vào việc kháng chiến Cần Vương mãi cho đến ít nhất là 1896. Từ đó ta có thể truy nguyên ra nguồn gốc của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân đã được cải tiến hơn về các đời sau này. Hệ thống đường 'thượng đạo' nối liền các sơn phòng được quân nhân Pháp hồi đó gọi là 'quan lộ miền núi' [ route mandarinale des montagnes ], và là tiền thân của con 'đường mòn Hồ Chí Minh' sau này. (ÐNTL, XXXIII, 226-7, 240-3, 255, 260-1, 273, 281; XXXIV, 37-8, 42-3, 48-9, 116-7, 335-7, 349, 375-6); Fourniau, Vietnam, 370, 376-8, & passim; Gosselin, op. cit. , 217; Phương Anh Trang, "Căn Cứ Tân Sở " Tiếng Sông Hương, 2000, 77-94)

Ngoài ra, 5 chiếc tàu, 100 khẩu đại bác, và 1.000 súng điểu thương [fusils à tabatière] được Pháp tặng theo hiệp ước đã được sử dụng khá hữu hiệu mặc dầu nhiều khó khăn trong việc điều hành và bảo trì về dài. Sử sách thực dân thường chỉ trích vua Tự Ðức đã không canh tân quân đội để thuyền rét rỉ hết, (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận. Hội Văn hóa Hải ngoại, Antony, Pháp, 2002, 1231) nhưng chính sử đã cho thấy các tàu Pháp tặng từ 1876 đã được dùng để vận tải hàng hóa qua lại Hồng kông, đánh dẹp giặc biển hay chuyên chở gạo từ Bắc vào Trung, v. v. mãi đến 1885 vẫn còn dùng, 2 chiếc bị Harmand đòi lại khi ký Hiệp ước 1883, và chỉ một chiếc bị hư hỏng. ( ÐNTL, XXXIII, 347, XXXV, 17, 222, 353; Delvaux, A. "Quelques précisions sur une période troublée de l'histoire d'Annam", BAVH, số 3, 1941, 238) Ðại bác Pháp tặng, cho đến 1883 vẫn còn được sử dụng, và đã bắn trúng các tàu Vipère và Bayard của Ðề đốc Courbet năm 1883, lúc ông này đánh Cửa Thuận. (Delvaux, ibid., 237) Hơn nữa, trong chương trình canh tân quân đội, triều đình đã xúc tiến những công tác nhập khẩu bí mật vũ khí và đạn dược, và chế tạo súng máy kiểu Hoa Kỳ và Ðức. (Xem thư 10-3-1884 của Courbet gởi bộ trưởng hải quân ở Trần Viết Ngạc, " Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường ", Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2[36].2002, 111-3) Ðến đầu xuân 1884, theo chính sử thì: "Súng máy do hai nước Hoa Kỳ và Phổ-lỗ-sĩ... mới chế ra ... trải thí nghiệm dạy tập, đều đã được khéo léo và thành thục, thì tiết phụng cho chế tạo. Nguyễn Xuân Phiếu cùng các lính thợ đều được đặc cách ban thưởng khác nhau..." (ÐNTL, XXXVI, 69). Sáng chế này có thể là nguyên ủy của việc Cao Thắng và Phan Ðình Phùng chế tạo ra súng Tây. Ngoài ra, vì lý do an ninh quốc gia, việc hợp tác với Pháp để canh tân quân đội và đào tạo chuyên viên, đã không thực hiện được. Triều đình đã không quên tìm cách gởi sinh viên đi học tập qua ngã Trung quốc, nhưng vì thời cuộc dồn dập quá mau, kết quả của các cuộc đầu tư nhân lực dài hạn đó chưa thu thập kịp. (ÐNTL, XXXIV, 90-1)

Nhận thấy kế sách chống Pháp của NVT đề nghị đã mang lại hiệu quả thiết thực, vua đã bổ nhiệm NVT làm thượng thư bộ Hình, và phong cho tước Kỳ vĩ bá. Rồi lại đổi ông sang bộ Hộ để chuyên lo việc tăng gia tài nguyên của cải, hầu có đủ phương tiện tăng cường quân lực. Ðồng thời, NVT cũng kiêm sung Thương bạc Ðại thần để phụ trách về ngoại giao, giữ cho Pháp khỏi xâm phạm vào chủ quyền nội bộ của quốc gia, và Cơ mật viện đại thần để giúp vua lo về việc quân quốc tối hệ. ( ÐNTL, XXXIII, 58, 211) Tương quan vua tôi giữa Tự Ðức và NVT trở nên hết sức mật thiết, giống như giữa Câu Tiễn và Phạm Lãi lúc ở Cối Kê cùng lo toan việc chống Ngô Phù Sai. Như đã nói trên, các sử gia Pháp thường cho NVT là cố vấn riêng của Tự Ðức. Ðại lý Pháp cạnh triều đình Huế là Rheinart, người đã giữ chức vụ này trong phần lớn giai đoạn từ 1875 về sau, đã cho NVT là kẻ thù bất cọng đái thiên của Pháp. Rheinart cùng các sứ thần Pháp như de Champeaux đã tìm mọi cách lũng đoạn triều đình, hăm dọa, mua chuộc vua quan, hoàng thân quốc thích để áp đặt một nền bảo hộ trên phần đất còn lại của Việt Nam. Họ thường dùng cái lý của kẻ mạnh để giải thích và áp dụng hiệp ước một chiều theo quyền lợi của Pháp; nhưng mọi thủ đoạn của họ đều bị NVT vô hiệu hóa.(" M. Rheinart, premier chargé d'affaires à Hué, Journal, notes, et correspondance ", Bulletin des Amis du vieux Hué [BAVH], số 1 & 2, 1943, 181, & passim)

Vì vậy, Rheinart kiếm cách bôi lọ NVT bằng mọi cách, như gởi thơ thẳng cho vua nói quan Thương bạc hối lộ của thương gia Tàu nên cho họ được thầu khai thác hầm mỏ ở Quảng Nam; (ÐNTL, XXXIV, 341) hoặc phao ra tin đồn là thượng thư bộ Hộ ăn tiền của nhà buôn Tàu nên cho nhập cảng đồng tiền dị dạng;(ÐNTL, XXXIV, 370; Delvaux, Ibid., 254-5; ÐNTL, XXXVI, 179-180) hay NVT lấn quyền vua, bưng bít, ngăn cản không cho sứ Pháp diện kiến vua. (" Bài dụ đuổi viên hành nhân Nguyễn Hoằng ", Thơ văn Tự Ðức, Tập 2, Ngư chế văn tam tâp, Nhà xuất bản Thuận hóa, Huế, 1996, 174-178) Cả thảy đều vô dụng, vì đều là bịa đặt, vu cáo, và vua Tự Ðức biết rõ lòng trung trực liêm cần của NVT hơn bất kỳ ai. Rút cục, y gởi thơ cho thống đốc Nam Kỳ nói rằng, với ông Tường ở đó, tôi chả làm gì được cả, chỉ còn cách mang quân ra đánh Huế mới mong đòi hỏi được điều gì. (Livre jaune. Affaires du Tonkin, 2e Partie, déc. 1882 à 1883: Livre jaune B, 68 và 69 do Delvaux dẫn, "La légation de France à Hué", BAVH, số 3, 1941, 42)

Thật ra, vua Tự Ðức đã áp dụng sách lược ngoại giao do NVT đề nghị, một mặt rất nhẫn nhịn, mềm dẽo, ân cần, lễ vật rất nhiều đối với Rheinart, như thường xuyên cho quan đến biếu y nhiều loại cầm thú mà vua săn được, hoặc của ngon vật lạ hiếm có, để giảm bớt tính khí hung hãn của y, ("M. Rheinart... ", BAVH, số 1 & 2, 1943, passim); một mặt lạị hết sức cương quyết gìn giữ uy quyền của mình, như nhất thiết giữ khoảng cách, không cho y được diện kiến, vì theo phụ ước ký kết chiếu theo điều 20 của Hiêp ước 15-3-1874, thì vị sứ Pháp được xếp ngang hàng tham tri, và chỉ được quyền tiếp xúc với Thương bạc đại thần mà thôi. (ÐNTL, XXXIII, 180-1) Về vụ đấu thầu hầm mỏ ở Quảng Nam, vua sai Nguyễn Thành Ý, Khâm sai đại diện triều đình ở Sài Gòn, phản kháng việc Rheinart vu cáo NVT với thống đốc Pháp, và sau đó một thời gian ngắn, de Champeaux ra thay Rheinart đi nghỉ phép. Ði sâu vào chi tiết hơn chút nữa, ta thấy trong vụ hầm mỏ này, Rheinart muốn can thiệp có lẽ để dành quyền lợi khai thác cho doanh nhân Pháp, mà bộ Hộ của NVT không cho, bắt phải theo đúng pháp luật dự thầu như mọi người. Về sau đến đời Ðồng Khánh và Nguyễn Hữu Ðộ, Khâm sứ Pháp tư giấy đòi triều đình cho phép Ðô Phối [Jean Dupuis]

"trước đã lãnh trưng ba hạng các thứ gỗ, tre, dây song ở 2 hạt: Thanh Hóa Nghệ An. Nay xin lãnh trưng luôn 3 năm cả các hạng thuế sản vật ở đầu nguồn ". Và "Cho bộ Hộ nghĩ định các điều khoản giao cho để nhận làm."

Rồi khế ước lãnh trưng được soạn ký với Ðô Phối ngay không cần qua thủ tục đấu thầu gì hết.(ÐNTL, XXXVIII, 105) Có đọc chính sử mới biết những chuyện như vậy, sử sách thực dân đâu có bao giờ cho ta biết những bí mật đó của các quan toàn quyền khâm sứ Pháp, chỉ vu khống vua quan Việt Nam tham nhũng, thối nát, hối lộ đủ điều thôi. Về vụ đồng tiền dị dạng, NVT xin từ chức vì bị lời gièm pha. Vua Tự Ðức, sau khi thân hành điều tra, đã không cho thôi và dụ rằng:

''... Nguyễn Văn Tường từ lúc giữ việc bộ Hộ đến giờ, có phần hết lòng trù tính, thuế khóa của nước có hơn lên; đương lúc phải giữ đà về quân nhu bận rộn, đều được ổn thỏa cả. Trẫm đang trách ủy cho làm có thành hiệu sao nên tự đẩy đem thoái thác." (ÐNTL, XXXIV, 370)

Về việc phía Pháp vu cáo NVT bưng bít, lấn quyền vua không cho sứ Pháp gặp riêng vua, Tự Ðức ra dụ khẳng định rằng việc diện kiến không có trù định trong hiệp ước, nên không thể thỏa mãn đòi hỏi của sứ Pháp được, và việc

"... người nước Pháp rất ghét viên bạc thần trước là Nguyễn Văn Tường, tất sẽ dùng thế lực cưỡng bách truất thoái để đẩy đi xa...[] Ôi!...Nguyễn Văn Tường giúp vì nước nhà, cũng tức như viên sứ Pháp giúp vì nước Pháp, cái đạo làm tôi tất phải như thế, có gì mà đáng ghét? ...hạng bề tôi như vậy còn nước nào mà chẳng thích dùng? Tướng nước Pháp cũng nên ban thưởng để khuyến khích cho những kẻ làm tôi trong thiên hạ và để gương đời sau vậy ... như thế mới hợp cái đạo trị nước, chớ khi nào lại xô đuổi bỏ đi ..." ("Bài Dụ Ðuổi viên Hành nhân Nguyễn Hoằng ", Thơ Văn Tự Ðức, Tập II, 176-7).

Ðối với thần dân, vua cương quyết khẳng định uy quyền của mình trên cả người lương lẫn đạo. Một mặt, phe văn thân cực đoan làm loạn ở Hà Tĩnh, diệt đạo rồi chiếm thành chống luôn cả chính quyền, bị đàn áp thẳng tay, và các thủ lãnh bị xử tử. (ÐNTL, XXXIII, 77, 107) Mặt khác, LM Lê Ân ở Xuân Hòa, xúi dục giáo dân đi kiện, và gặt lúa của các làng bên lương, bất chấp phép nước, gây xáo trộn an ninh trật tự, bị truy tố, và xử phạt trượng và phát lưu, đúng theo luật pháp, mặc dầu sự can thiệp của sứ thần Pháp Rheinart về vấn đề áp dụng điều 9, khoản 5 trong hiệp ước 15-31874 liên quan đến việc các cha cố bản xứ được miễn đánh roi trượng. (ÐNTL, XXXIV, 114; Cao Huy Thuần, Les missionnaires et la politique coloniale au Vietnam [1857-1914], Yale et Amiens, 1990, 228-235; "M. Rheinart...", BAVH, số 1 & 2, 1943, 57). Nhờ những biện pháp cương quyết, mạnh mẽ như vậy mà sự rối loạn do các tranh chấp lương đạo xảy ra sau vụ Garnier Dupuis dần dần lắng dịu, và trật tự mới từ từ được vãn hồi.

Ðối ngoại, triều đình vẫn tiếp tục gởi phái đoàn sang triều cống vua Tàu vào 1876 và 1880, 4 năm 1 lần, và thư từ qua lại với các tổng đốc Quảng Ðông và Quảng Tây về vấn đề giải quyết giặc Tàu tràn qua biên giới quấy nhiễu ở vùng thượng du Bắc Kỳ, như vụ Lý Dương Tài. Cuối năm 1878, một viên chức phản loạn của tỉnh Quảng Tây, tự xưng là con cháu nhà Lý, mang hàng vạn quân tràn sang biên cảnh, cấu kết với giặc Cờ Vàng cướp phá và chiếm cứ đất đai. Quân triều đình đánh không lại, vua quan phải kêu gọi Pháp trợ giúp chiếu theo hiệp ước 15-3-1874, nhưng đề đốc Lafont, thống đốc Nam Kỳ có vẻ lơ là, chỉ cho tăng cường số quân bảo vệ các tòa lãnh sự Pháp. Triều đình, chiếu theo tiền lệ, nhờ tổng đốc Quảng Tây phái đề đốc Phùng Tử Tài đem quân qua hợp cùng với quan quân của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc tiễu trừ giặc họ Lý. Gần cuối năm 1879, Lý Dương Tài bị bắt giải về Tàu, và vụ loạn được dẹp yên. ( ÐNTL, XXXIV, 163-5, 170-4, 177-180, 181-2, 188-194, 219-220, 235-6, 238, 239-248, 269-270, 285-6); Fourniau, Vietnam, 291-4) Sự can thiệp hiệu quả của Trung quốc, cũng như mối liên lạc thân thiện giữa Trung Hoa và Việt Nam, làm cho phía Pháp lo ngại rằng Bắc Kỳ có thể thoát khỏi bàn tay của mình, rơi vào tay Tàu hay một cường quốc khác, nhứt là Anh quốc đang núp bóng sau lưng Trung Hoa. Thật vậy, lâu nay người Anh vẫn phản đối việc các hiệp ước 1874 giao quyền xét xử người Âu cho lãnh sự Pháp, và dành đặc miễn thuế khóa cho hàng hóa nhập cảng từ Nam Kỳ vào các hải cảng Ðại Nam, vì các hiệp ước đó không phải là hiệp ước bảo hộ. Người Pháp càng thêm lo lắng vì Triều đình Huế vừa ký với nước Y Pha Nho một hiệp ước thương mãi, cho phép nước này đặt lãnh sự ở các hải cảng được mở theo các hiệp ước ký với Pháp, và giao quyền xét xử các kiều dân Y ở đó cho các lãnh sự Y, hạn chế bớt quyền hạn của lãnh sự Pháp. (Fourniau, Vietnam, 298-301) Nhận thấy không thể làm áp lực được với vua quan ở Huế để biến đổi Hiêp ước 15-3-1874 thành môt hiệp ước bảo hộ, phe Pháp thực dân tìm cách dùng biện pháp quân sự để ép buôc triều đình phải ký một hiệp ước bảo hộ thật sự, hầu bảo đảm rằng toàn thể nước Việt Nam nằm chắc trong tay Pháp.

Vào đầu năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers gởi Ðại tá Henri Rivière ra Hà Nội cùng 3 đại đội thủy quân lục chiến, với danh nghĩa là để chống lại quân Cờ Ðen, nhưng thật sự là để thị uy với vua quan ở Huế hầu áp đặt nền bảo hộ. (Fourniau, Vietnam, 301-7) Rivière bị ảnh hưởng của các giới chức Pháp ở Hà Nội, như Lãnh sự Kergaradec, và giới Công giáo của Ðức Cha Puginier, đã vượt quá chỉ thị của de Vilers, tự ý chiếm thành Hà Nội, khiến Tổng đốc Hoàng Diệu phải treo cổ, rồi điều đình để trả lại thành cho một quan chức thân Pháp hơn. (Fourniau, Vietnam, 307-311) Nhận thấy sự nhẫn nhịn không còn hiệu nghiệm trước dã tâm quá lộ liễu của phía Pháp, vua Tự Ðức ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chống trả mọi cuộc tấn công của quân Pháp. Ðồng thời, với danh nghĩa là một chư hầu nằm trong quỹ đạo 'nội hạ ngoại di' của Thiên tử Trung quốc, Tự Ðức đã gởi thơ cho vua Tàu xin viện trợ 20.000 quân để đánh đuổi quân Pháp, và được vua Tàu thân hành trả lời chấp thuận giúp đỡ. (Bản sao gởi sứ thần do thơ ngày 5-12-1882, MAE Personnel, 2è série, no. 60, dossier Bourée, do Fourniau dẫn, Vietnam, 312; "M. Rheinart ", BAVH số 1 & 2, 1943, 124-5) Sợ chiến tranh xảy ra giữa Pháp và Tàu, Ðại lý Ðại sứ Pháp tại Bắc Kinh là Bourée tìm cách điều đình với Tổng lý nha môn Lý Hồng Chương chia Bắc Kỳ ra thành 2 vùng, vùng tả ngạn sông Hồng đặt dưới sự bảo trợ của Tàu gọi là 'Bắc Kỳ mỏ', và vùng hữu ngạn do Pháp bảo trợ, gọi là 'Bắc Kỳ gạo'. Tin này tung ra làm cho giới tư bản Pháp lo sợ hầm mỏ rơi vào tay người Tàu, mà sau lưng là người Anh. Nhóm Dupuis, Roque bèn vận động cho Rivière chiếm Hòn Gay ngày 12-3-1883 để nắm phần chắc. (Fourniau, Vietnam, 314-5, 321-2) Nhận được viện binh, Rivière đánh chiếm luôn Nam Ðịnh ngày 27-3-1883. Quân Việt và quân Cờ Ðen phản công kịch liệt, làm cho Pháp chết và bị thương khá nhiều, rồi đánh phá các khu nhượng địa Pháp, giáo phận, và phố Tàu ở Hà Nội. Từ tháng 3 năm 1883, tình hình toàn thể xứ Bắc trở nên sôi sục, hai bên Pháp Việt đều ở trong tình trạng thế thủ, sẵn sàng đánh nhau bất cứ lúc nào. (Fourniau, Vietnam, 322-4) Ở Huế, tình hình trở nên quá căng thẳng, Rheinart đóng cửa sứ quán, và vào Sài Gòn ngày 30-3-1883, rồi về Pháp. (" M. Rheinart ..." BAVH, Ibid., 138-142) Ngày 19-5-1883, Rivière chết vào tay Lưu Vĩnh Phúc trong một trường hợp tương tợ như Garnier trước kia. (Fourniau, Vietnam, 324-6)

E. Nguyễn Văn Tường và sứ mạng chống Pháp do Tự Ðức ủy thác

Trong tình trạng khẩn trương đó, vua Tự Ðức mất ngày 19-7-1883. Trước đó 2 ngày, vua

"tuyên triệu Cơ mật viên đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vào hầu, vua ở trong cung, chính tay phê vào tờ di chiếu cho hoàng trưởng tử Thụy quốc công nối ngôi vua." (ÐNTL, XXXV, 198) Trong di chiếu có nói:

"... Bọn Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng ta gặp biết, tuy có sớm muộn hơi khác, mà lòng trung thành yêu mến chăm lo như một, từng làm việc nơi cơ yếu đã lâu, thân được chỉ bảo, nếu có gặp việc khó khăn cũng chỉ bảo được. Vậy cho Trần Tiễn Thành sung làm phụ chính đại thần, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết sung cùng là phụ chính đại thần. Bọn ngươi nên nghiêm sắc mặt đứng ở triều đình, giữ mình đứng đắn, đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thỏa đáng, trên giúp vua nối ngôi điều không biết đến, dưới chữa chỗ lệch lạc cho các quan, để nhà nước yên như núi Thái Sơn, thế là không phụ sự ủy thác..." (Ibid., 200; NQT nhấn mạnh) Và vua kết luân di chiếu: "Trẫm có tội với tổ tiên, không dám thờ vào Thế miếu...Trẫm không có công to, không được xưng là tổ..." (Ibid., 202). Về công cuộc chống Pháp của vua, chính sử đã tóm lược rất khéo [vì sử được soạn dưới thời Pháp thuộc] đủ để nói lên cái sách lược của Câu Tiển ở Cối kê, nhưng giữa đường thì vua đã mất:

"Từ khi người Pháp đến, ...nước nghèo về việc quân, ...phải đánh giặc luôn... Ðến lúc hòa nghị thành, liền mất đất Nam Kỳ, ... thường nói rằng: bờ cõi cũ chưa lấy lại được, ngày sau Trẫm không dám vào Thế miếu, thương xót lộ ra lời nói đến như thế, cho nên đặt nha sơn phòng, nha hải phòng, đặt nha doanh điền, đặt sở đồn điền, lại đặt ty Bình Chuẩn, mở thương chính, sốt sắng muốn cho nước giàu mạnh,..." (Ibid., 204; NQT nhấn mạnh).

Vua Tự Ðức mất đi ủy lại cho NVT và các phụ chính một sứ mạng quá to tát, phức tạp, và khó khăn. Là một kẻ sĩ dấn thân vì vua vì nước, NVT, như ta sẽ thấy, luôn luôn đem hết tâm huyết và khả năng ra thi hành cái nhiệm vụ nặng nề đó: phò vua kế nghiệp, áp dụng kế sách chống xâm lăng Pháp để gìn giữ nước nhà và cơ nghiệp nhà Nguyễn. Lúc sinh tiền, vua đã hết lòng tin dùng và nghe theo hầu hết những gì NVT tâu trình lên, nhứt là sau khi kế sách chống Pháp dài hạn do NVT đề nghị trong bản tấu năm 1868 [18-3 Tự Ðức 21] đã được áp dụng khá hiệu nghiệm trong thực tế với các hiệp ước do NVT ký năm 1874, và việc Pháp trao trả lại các tỉnh Bắc Kỳ. Vua đã khen ngợi thành quả của kế sách đó và ban tặng NVT 'Bài ký Thuyền Ngũ lợi' kết luận rằng Trang Tử nước Ngụy hòa với Nhung Ðịch có 5 điều lợi. (ÐNTL, XXXIII, 347) Ngoài ra, theo GS Trần Viết Ngạc, "Có thể nói mối quan hệ giữa vua Tự Ðức và đại thần Nguyễn Văn Tường là mối quan hệ tri kỷ." ( "Tìm hiểu thêm về Nguyễn Văn Tường", HTNVTHUE02, 12). Thật vậy, sau khi mổ xẻ một số bản tấu nghị của NVT và lời phê của vua Tự Ðức trên đó, GS Ngạc nhận xét rằng

" Quan hệ giữa vua Tự Ðức - Nguyễn Văn Tường, trên thực tế vượt xa quan hệ Vua - Tôi. Vua Tự Ðức rất tin dùng Nguyễn Văn Tường, có thể bàn với Nguyễn Văn Tường mọi băn khoăn, mọi suy nghĩ của mình. Ngược lại, Nguyễn Văn Tường có thể nói thẳng với nhà Vua những ý nghĩ của mình về việc và về người liên hệ đến vận mệnh đất nước mà không ngại Vua sẽ bắt lỗi bất kính, là phạm thượng. Vua gọi cuộc gặp gỡ ấy là tri ngộ, tôi gọi đó là hạnh ngộ." (Ibid., 11)

Tấm lòng của một sĩ phu dấn thân vì đại cuộc cũng đã được biểu lộ qua các lời tấu của NVT như " Thần tuy hèn kém đâu dám tiếc cái sống thừa " khi còn giữ một chức phận nhỏ nhoi mà đề nghi kế sách 'hòa để mưu chiến' (bản tấu 8-3 Tự Ðức 21 nói trên), hay "Nếu gặp lúc quan hệ, thần không dám làm kẻ bên lề mà ngồi xem thành bại " (Bản tấu 1-11 Tự Ðức 27, 1874). Chính sử đã khẳng định rằng vua Tự Ðức là một ông vua chống Pháp, lúc chủ hòa lúc chủ chiến tùy theo thời cơ, chớ không bao giờ có ý nghĩ đầu hàng, làm nô lệ cho Pháp. Do đó, cái sứ mạng giao phó cho các phụ chính cố mạng lương thần là một sứ mạng phò vua mới, tiếp tục công cuộc chống Pháp, giữ nước, của tiên vương. Là người tín cẩn nhất của vua, đã từng đề nghị lên vua và cùng vua thực hiện cái kế sách sâu kín, nhẫn nhục chống Pháp, NVT, hơn ai hết, ý thức cái trách nhiệm lớn lao do vua ủy thác, và sẽ đem hết tâm huyết thi hành cái nhiệm vụ đó cho đến hơi thở cuối cùng. Sự thông cảm tấm lòng đó của NVT, và hiểu biết kế sách ' hòa để mưu chiến' thầm kín của ông, sẽ giúp soi sáng được tất cả những hành vi của ông, mà lịch sử thực dân đã suy diễn, xuyên tạc, bóp méo, nhào nặn theo muôn ngàn chiều hướng tiêu cực, vì mục đích chính trị. Trong tình trạng khẩn trương này, đối với các ông phụ chính, việc lựa chọn một ông vua kế nghiệp chống Pháp để tiếp tục công cuộc giữ nước của vua Tự Ðức là điều kiện quan trọng nhất.

II. Nguyễn Văn Tường và việc chống Pháp sau Triều Tự Ðức

A. Sự thoái hóa của công cuộc chống Pháp

Rất tiếc là vua Dục Ðức đã không thỏa mãn các điều kiện đó, như các tác giả cuốn Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, [nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1995] đã nóí: "Trước đây ngài vốn có giao thiệp qua lại với người Pháp, từ năm Tân tị [1881] ngài đã từng chuyển giao nhiều tài liệu quan trọng về việc nước cho trú sứ Pháp là Rheinart... .Tôn thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường vốn nắm mọi quyền hành trong nước sợ tai họa khi ngài lên nối ngôi nên thừa dịp này âm mưu việc phế lập. ..." (t.371; NQT nhấn mạnh). (Về tài liệu xác nhận sự kiện này, xin xem: D.A.O.M. Gouv. Gén. Indo., dossier 9574, do Nguyễn Thế Anh viện dẫn, Monarchie et fait colonial au Viet-Nam . Paris, l'Harmattan, t. 58, ct. 4; Thơ Rheinart gởi Le Myre 14-5-1882, Livre Jaune, pièce 119, annexe II, do Fourniau dẫn, Vietnam, 310; Trần Trọng Kim, Viêt Nam Sử Lược, 233). Một điều đáng lưu ý ở đây là vua Dục Ðức không chết ngay sau khi bị truất phế, như nhiều sử sách đã nói để mạt sát hai ông phụ chính là tàn nhẫn, mà chỉ bị quản thúc cùng gia đình trong hoàng thành, rồi gần một năm sau, phải dời ra giam tại nhà lao Thừa phủ cho an ninh hơn, vì lúc này Rheinart đã trở lại làm khâm sứ tại Huế. Rheinart là người đã từng liên lạc mật với vua Dục Ðức, lúc ngài còn là Hoàng tử trưởng; và cũng là người mới vừa dùng võ lực để ép buộc triều đình đưa Gia hưng Vương lên thay vua Hàm Nghi, nhưng không thành. Có lẽ triều đình sợ Rheinart âm mưu đưa vua Dục Ðức lên ngôi lại, nên phải dời riêng ngài ra nhà giam Thừa phụ cho chắc hơn, và rồi vua mất ở đó trong một trường hợp mờ ám, mà chính sử nghi là do bàn tay của hai ông phụ chính.

Về việc vua Hiệp Hòa, cái lý do ngài bị truất phế sau 3 tháng tại vị cũng là vì muốn theo Pháp. Cuốn Thế Phả nói trên viết:

" Bấy giờ vấn đề giao thiệp với Pháp là quan trọng nhất, ý kiến của ngài và một số hoàng thân trái ngược với ý kiến của hai phụ chính ông Tường và ông Thuyết, ngài muốn để Pháp bảo hộ cho yên , nên ủy thác cho Tuy Lý Vương thay ngài trực tiếp giao thiệp với đại diện Pháp ở Huế, điều này làm ông Thuyết lo sợ và bất bình. [ ] Thấy hai viên phụ chính coi thường nhà vua nên hai Hoàng Thân ... Hồng Phì và ... Hồng Sâm ... bàn với ngài tìm cách giết đi, bằng cách mượn tay quân Pháp để trừ ông Tường và ông Thuyết. Hồng Sâm lãnh sứ mạng đi điều đình với Khâm sứ De Champeaux và đồng ý ngày giờ để thủy quân Pháp tấn công bộ Binh bắt Tôn Thất Thuyết . Việc này chẳng may bị tiết lộ. Liền sau đó ngài tiếp kiến với De Champeaux tại Văn Minh điện do Tuy Lý Vương hướng dẫn làm Tường Thuyết tức giận và lo sợ mất quyền mà còn bị hại, nên ngày 30 tháng 10 hai ông họp các quan lấy sớ tâu lên Lưỡng Cung buộc phải phế ngài. Trong sớ buộc tội ngài tư thông ngoại quốc, dung dưỡng bọn phản quốc ... ngài phải viết chiếu thoái vị, định quay về tư dinh thì bị Ông Ích Khiêm và Trương Văn Ðể theo lệnh Thuyết đón ngoài cửa Hiển Nhân bắt ngài đem giam ở Dục Ðức Ðường. Sau đó họ ép ông phải uống thuốc độc mà mất. Ông Thuyết muốn hại ngài gấp vì sợ người Pháp biết mà can thiệp." (Ibid., 366, NQT nhấn mạnh; Xin xem thêm: ÐNTL, XXXV , 255-260; CAOM [Aix], c.16,A-30[58] do Vũ Ngự Chiêu dẫn, Các vua cuối nhà Nguyễn 1883-1945 , T. 1, 336, ct. 49; A.E., Mém. & Doc., Asie , vol. 40, fo 14-15, do Anh dẫn, op. cit. , 73, ct. 41).

Việc truất phế vua Hiệp Hòa xảy ra sau khi cửa Thuận bị hạm đội của đề đốc Courbet oanh tạc dữ dội, rồi một hiệp ước bảo hộ được ký kết ngày 25-8-1883 giữa Trần Ðình Túc và Nguyễn Trọng Hợp và Tổng Trú Sứ Harmand. Theo hiệp ước này, Việt Nam phải công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp với tất cả những hậu quả về phương diện luật lệ ngoại giao Tây phương, như giao hẳn quyền ngoại giao cho Pháp hành xử thay cho mình. Mặc dầu hiệp ước không hề được hai bên phê chuẩn, và sẽ được thay thế bằng hiệp ước Patenôtre ngày 6-6-1884, nó cũng có những hậu quả thực tế tức thì do bên thắng trận áp đặt, như quân Pháp chiếm đóng vĩnh viễn cửa Thuận An, De Champeaux trở lại làm Khâm sứ với quyền diện kiến vua bất kỳ lúc nào y muốn. Ngoài ra, theo hiệp ước này, triều đình phải: triệu hồi quân đội đã gởi ra Bắc về, và đặt Bắc Kỳ vào tình trạng hòa bình; ra lệnh cho quan lại trở về nhiệm sở, và bổ viên chức mới ở những chỗ khuyết, và lâm thời thỏa thuận với Pháp để hợp thức hóa những quan viên do Pháp đã bổ nhiệm. Khi thi hành hiệp ước, người Pháp đã ức hiếp và hạ nhục các quan ta mà vua không bênh vực được, gây không biết bao uất hận đối với thỏa hiệp cầu hòa. Do đó, thành phần các quan lại chống Pháp, tham gia vào cuộc chính biến lật đổ vua Hiệp Hòa, khá đông đảo. ( ÐNTL, XXXVI, 35-37)

B. Phe chống Pháp quật khởi: ‘Trung lập’ để mưu chiến

Vua Kiến Phúc lên ngôi thay vua Hiệp Hòa mới có 15 tuổi, là hoàng tử thứ 3 được vua Tự Ðức đặt kỳ vọng vào nhiều nhứt trong 3 người con nuôi, nhưng vì còn trẻ quá nên không được chỉ định kế vị. ( Thế Phả , 383; ÐNTL, XXXV , 198) Hai ông phụ chính đã giúp vua gây lại niềm tin ở chế độ, cải tiến guồng máy hành chánh, thu dụng nhân tài, bổ dụng những thành phần có lòng trung quân ái quốc, chống Pháp, vào những chức vụ then chốt, như Phạm Thận Duật, đã từng đánh giặc với hai ông ở ngoài Bắc, làm phụ chính thứ 3 kiêm sung Cơ mật viện đại thần. Vào đầu 1884, ông Duật thay NVT làm thượng thư bộ hộ, kiêm sung tham tri bộ Công để dễ dàng chuyên trách việc xây dựng và củng cố căn cứ Tân Sở. NVT đổi qua bộ Lại để lo: đông viên nhân tài ra giúp nước bằng cách 'triệu dụng các tiến sĩ phó bảng tại quán và các ấn quan tại quán.' (ÐNTL, XXXVI, 81); bổ nhiệm các quan lại lớn nhứt và có nhiều thành tích nhứt vào các chức vị ở các sơn phòng gần quê hương mình, như Võ Trọng Bình làm thương biện tỉnh vụ Nghệ An, Nguyễn Chính sung làm sơn phòng sứ Hà Tĩnh, Nguyễn Trọng Hơp sung làm phó sơn phòng sứ Thanh Hóa,...Trần Văn Chuẫn làm dinh điền sứ Quảng Bình (Ibid., 81) để chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Mặc dầu hiệp ước Harmand đã đưa quốc gia vào một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, triều đình đã cố gắng hết mình để gìn giữ chủ quyền bằng cách 'châm chước thời cơ', đi với Tàu để chống hay kèm Pháp, như NVT đã từng đề nghị với vua Tự Ðức: "Xem khắp Ðông phương, đất rộng dân đông không nước nào bằng nước Thanh, thế của họ có thể làm được; nghe họ tạo thuyền, đúc máy, học kỹ nghệ, luyện quân binh; chí của họ cũng không cam chịu khuất phục lâu ngày, thì việc trừ bạo rửa nhục tưởng nên đợi đến lúc Ðại Thanh xướng lên mà các nước ứng theo, thì mới hoàn tất ..." (Bản tấu ngày 10-8 Tự Ðức 26, 1873). Ðể giảm bớt áp lực của Pháp, NVT đã một mặt áp dụng chánh sách trung lập giữa Tàu và Tây, một mặt vẫn lơ là để cho các quan lại ở Bắc hợp tác ngầm với Tàu để đánh Pháp. Thật vậy, theo chính sử thì lúc đó

"Quan Viện Cơ mật cho rằng nước ta ở giữa hai nước lớn, đối với nhà Thanh là kẻ phiên phục ngàn năm, theo nghĩa không nên đoạn tuyệt. Mà đối với nước Pháp thì lại là nước xa lửa gần, thế buộc không thể đừng được, chi bằng cứ đứng trung lập, đợi hai nước hành động thôi" (ÐNTL, XXXVI , 40)

Song cái thế trung lập chính thức đó, dùng để tỏ cho phía Pháp là mình đã tuân thủ hiệp ước 1883 để tồn tại, đã không ngăn cấm quan lại ở Bắc liên kết với quân Tàu để đánh Pháp bằng cách từ chức, lãnh bằng sắc của Tàu, hay đánh rồi lẩn trốn vào các sơn phòng, dưới sự che chở ngầm của các đồng nghiệp. Pháp cũng cảm thấy hiệp ước Harmand, vì áp bức quá độ, đã là nguyên nhân của cuộc lật đổ Hiệp Hòa, và đã xô đẫy các quan Việt về phe với Tàu để đánh Pháp, nên triệu hồi Harmand không lâu sau đó, đồng thời thoa dịu triều đình bằng cách áp dụng hiệp ước một cách mềm dẽo, và hứa sẽ sửa đổi cho nó bớt khắt khe, khi sứ thần Tricou ghé qua Huế trên đường đi Bắc Kinh. Từ trước, de Champeaux đã tuyên bố không thừa nhận vua Kiến Phúc, vì đã lên ngôi không có sự đồng ý của Pháp là nước bảo hộ. Nay Tricou qua cần diện kiến để xin vua ký một văn kiện chịu tạm chấp nhận hiệp ước cho đến khi Tổng thống Pháp xét lại, nên nhân đó thừa nhận vua Kiến Phúc là vua nước Ðại Nam. Triều đình cũng bênh vực các quan chống Pháp ở Bắc rất hữu hiệu. Khi De Champeaux đòi hỏi Viêt Nam phải công khai cách chức một số rất đông các quan lại ở Bắc Kỳ đã tiếp sức với quân Tàu đánh Pháp, triều đình đã bác bỏ đòi hỏi đó và thẳng thắn trả lời rằng nước chúng tôi

"với nước Thanh vốn có tình giao hảo cũ, gần đây quân lính của họ sang đóng, các quan tỉnh Sơn, Bắc cũng khó ngăn giữ. Hai viên tỉnh thần ở đó như Ðình Nhuận, Quang Ðảng là quan giữ đất, không phải vì thông đồng với quân Thanh mà đặt ra. Tá Viêm sau lần giảng hòa ấy cũng đã triệt thoái về tỉnh Sơn ... nguyên không phải là trái lệnh triều đình. Nay nếu đem 2 viên quan đó kết tội là trái mệnh triều đình và yết cáo cách chức thì thật là phi lý trái tình ... ý quan khâm sứ cũng ưng thuận ..." (ÐNTL, XXXVI , 41-2)

Sau khi quân Tàu, quân Cờ Ðen, và quân của Hoàng Kế Viêm thua Pháp ở các trận Sơn Tây, Bắc Ninh và Hưng Hóa từ 11/1883 đến 4/1884, Tàu và Pháp ký Thỏa hiệp Thiên Tân ngày 11-5-1884, theo đó Tàu bằng lòng rút lui khỏi Bắc Kỳ. Ngay sau đó, Patenôtre ghé Huế, trên đường đi Bắc Kinh nhận chức sứ thần ở Trung Hoa, để ký với triều đình một hiệp ước mới, thay thế hiệp ước Harmand được xem như quá khắt khe. Hiệp ước được ký ngày 6-6-1884 và thường được kêu là Hiệp ước Patenôtre, là một văn kiện làm sẳn bên Pháp rồi, có đỡ hơn Hiệp ước Harmand, nhưng tựu trung cũng là một hiệp ước bảo hộ. NVT tìm cách đổi chữ 'bảo hộ' thành chữ 'bảo trợ', nhưng vô hiệu, nhứt là lúc này Việt Nam đã mất hậu thuẫn của Tàu sau khi thỏa hiệp Thiên Tân được ký. Dù sao, NVT cũng 'châm chước thời cơ ' dùng kế gây mâu thuẫn giữa Tây và Tàu trở lại: NVT chỉ bằng lòng thủ tiêu công khai cái ấn của vua Tàu ban cho Vua Gia long, bằng cách thụt lữa cho chảy ngay trước mặt mọi người trước khi ký hiệp ước , chớ nhất định không chịu để cho Patenôtre gởi về Pháp, giữ kín rồi về sau cất vào viện bảo tàng, như Patenôtre đã khẩn khoản yêu cầu nhiều lần. (Jules Patenôtre, Souvenirs d'un diplomate. Paris Librairie Ambert, s.d., 106-110) Việc Patenôtre bắt phía Việt long trọng trao chiếc ấn rồi đưa thiêu hủy công khai chiếc ấn, do hảng thông tấn Pháp Havas truyền đi, đã làm nhục nước Tàu đến độ khiến Tàu xé bỏ Thỏa hiêp Thiên Tân và kéo dài cuộc chiến một cách dữ dội với Pháp trong một năm nữa. Nhờ đó Việt Nam kéo dài thêm được tình trạng 'trung lập' của mình. Tàu lại càng giận Pháp hơn nữa, vì trong thỏa hiệp Thiên Tân mới vừa ký trước đó, Pháp đã cam kết không làm điều gì chạm đến uy tín của nước Tàu trong các hiệp ước sẽ ký với Việt Nam.

Thật vậy, hơn hai tuần sau khi Hiệp ước Patenôtre được ký, thì trận chiến Bắc Lệ, Lạng Sơn xảy ra trong đó Pháp thiệt hại nặng, rồi đến các trân đánh lớn ở Phúc Châu, Ðài loan kéo dài cho đến ngày Hiệp ước Thiên Tân thiệt thọ được ký ngày 9-6-1885. (Fourniau, Vietnam , 334-346) Người ta thường cho rằng vụ Bắc Lệ xảy ra là do sự hiểu lầm giữa quân đội Tàu và Pháp tại địa phương, nhưng trong khi đánh lớn với Pháp, Tổng lý Nha môn đã gởi một bức thư luân lưu cho các đại diện ngoại quốc ở Bắc Kinh xác nhận vụ chiếc ấn là nguyên nhân cuộc tái chiến giữa Pháp và Tàu:

" Nước Tàu không còn gì để nhượng bộ nữa; nước chúng tôi chỉ còn cách kêu gọi sự trọng tài của mọi nước, và phản đối việc tấn công các hải cảng của chúng tôi mà không tuyên chiến. Chính nước Pháp đã xé bỏ thỏa hiệp Thiên Tân bằng cách buộc vua nước An Nam phải giao lại cái ấn và và sắc phong do vua Tàu ban." ("M. Rheinart" BAVH, số 1 & 2,1943, 226; NQT dịch và nhấn mạnh; Gosselin, op. cit., 13).

 

 

***"Việt nam quốc vương chi ấn" do vua Tàu ban cấp cho vua Việt Nam,Gia Long năm 1803. Sự thụt chảy công khai chiếc ấn ngay trước khi ký Hiệp ước Bảo hộ Patenôtre, 1884, do mưu của Nguyễn Văn Tường, đã lăng nhục Trung quốc và là nguyên nhân sự tái tục chiến tranh giữa Pháp và Tàu. (Hình lấy từ Jules Patenôtre, Souvenirs d'un diplomate, Tome second. Paris, Ambert, 1913-14, trang bìa)

Bàn về vai trò của NVT trong việc này, Silvestre, giám đốc chính trị và hành chánh của chính quyền Pháp ở Bắc Kỳ, một người chủ trương thủ tiêu 2 ông phu chính Tường và Thuyết, đã kể rằng sau khi NVT

"vẽ xong chữ ký [trên Hiệp ước 6-6-1884, NQT ct.], ông quay sang ông Patenôtre và vừa nói vừa mỉm cười: 'Ðây là một chữ ký mà tôi chú tâm đến nhiều và chữ ký sẽ có giá trị lâu bền'. Cái gì lâu bền, thật ra, và không thay đổi tí nào, là sự thông đồng với nước Tàu và sự tiếp diễn các âm mưu của ông đệ nhứt phụ chính và các viên chức của ông." (Ibid., 230, NQT dịch và nhấn mạnh)

C. Xúc tiến phong trào Cần Vương

Ngày 31-7-1884, vua Kiến Phúc mất vì bệnh, sau 8 tháng tại vị. Hoàng Thái Phi, mẹ nuôi của Vua, triệu tập Tôn nhơn đình thần, truyền bảo Vua di chúc rằng: "Hoàng đế đức mỏng, có em là Ưng Lịch, có học có hạnh, hoàng đế như có mất đi, truyền bảo tôn nhân phụ chính nên lấy Ưng Lịch vào nối ngôi lớn ..." (ÐNTL, XXXVI , 151-2). Sau khi các 'Tôn nhân phủ văn võ đình thần ' đồng thuận, họ 'bèn hợp từ tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu, hoàng thái hâu rước công tử Ưng Lịch ... vào nhà tang xưng là tự quân ...' (ÐNTL, XXXVI , 151) sau thành vua Hàm Nghi. Việc vua Hàm Nghi lên ngôi, theo chính sử của nhà Nguyễn là như vậy, mà sử sách ta, bị ảnh hưởng của chiến dịch tuyên truyền của thực dân, cho đến nay vẫn cho rằng '... Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập ngài lên nối ngôi vì thấy ngài nhỏ tuổi dễ thao túng dưới sự phụ chính của họ.' (Thế Phả, 387) Vua Hàm Nghi sinh ngày 3-8-1871 lúc lên ngôi là khoảng đầu tháng 8, 1884, tức đã được 13 năm tròn, tức 13 tuổi Tây và 14 tuổi ta. Sách Pháp có cuốn nói đúng, có cuốn nói hạ xuống 12 tuổi để nhấn mạnh thêm vào dụng ý chuyên quyền của hai ông phụ chính. Sử gia Trần Trọng Kim (Viêt Nam Sử Lược , 224), Phạm Văn Sơn ( Việt Sử Toàn Thư. Saigon: Khai Trí, 1960 , 465) đều nói rằng Vua Hàm Nghi lên ngôi lúc 12 tuổi, rồi độc giả Việt đọc lại hiểu thành 11 tuổi Tây, tức bớt thêm một tuổi nữa, càng dễ cho hai ông Tường Thuyết chi phối hơn nữa!

Ðó là chưa nói đến các tin đồn khác do thực dân tung ra nhân dịp này, như: NVT tư thông với Hoàng Thái Phi bị vua Kiến Phúc bắt gặp, nên bỏ thuốc độc giao bà Thái Phi cho vua uống, rồi ngày mai lại vua chết. Hơn nữa, không biết bao nhiêu nghi vấn khác được nêu ra với ác ý xuyên tạc, bôi lọ, như NVT và Tôn Thất Thuyết đã: "đồng ý giết vua Kiến Phúc để tôn một vị vua nhỏ tuổi hơn, mong nắm trọn quyền bính.", hay đã: " cho rằng hoà ước Giáp Thân quan lại ta nhân danh vua Kiến Phúc để ký với Pháp mà nay vua không còn thì hòa ước sẽ mất hết hiệu lực." (Thế Phả , 384) Những lời tố cáo này, cọng với không biết bao nhiêu tin tức khác, như NVT đã bị cách chức vì bị dân kiện lúc làm phủ doãn Thừa Thiên, NVT ăn hối lộ của nhà buôn Tàu, v.v. đều là tin bịa đặt, do phe thực dân dựng lên để triệt hạ uy tín của một kẻ thù không đội trời chung của họ. Các câu chuyện bôi lọ đó sẽ được bàn trong một dịp khác, với đầy đủ sử liệu và chi tiết. Bài này chỉ nói qua là việc chọn vua Hàm nghi lên ngôi, cho dù là do hai ông phụ chính chuyên quyền đưa lên đi nữa, thì cũng chỉ dựa vào môt tiêu chuẩn tiên quyết là chống lại sự xâm lăng của Pháp và bảo toàn quyền lợi quốc gia và triều đại. Tư cách bất khuất của vua Hàm Nghi, trong suốt cuộc đời tranh đấu nơi rừng sâu núi thẳm rồi lưu đày ở xứ người của ngài, đã chứng minh tính cách đúng đắn của sự lựa chọn đó. Nếu NVT lo cho quyền lợi vị kỷ của mình thì có thể đã vận động đưa Hoàng Tử Chánh Mông [Vua Ðồng Khánh] lên rồi, vì ông này, cũng như vua Kiến Phúc, là em ruột cùng một mẹ với bà Công Tôn Nữ Như Khuê, vợ của ông Nguyễn Văn Tộ, con thứ tư của NVT; còn vua Hàm Nghi chì là em khác mẹ của các người này. Rồi NVT cùng với vua Ðồng Khánh đi theo với Pháp thì ổn biết mấy cho cá nhân và gia đình NVT! Tại sao lại phải rắc rối đưa vua Hàm Nghi lên để rồi đi lưu đày ở Côn Ðảo và Tahiti, rồi bỏ thân nơi xứ người? Thật vậy, chiến dịch bôi lọ của thực dân đã có ảnh hưởng quá độc hại đến tư cách của NVT, đã biến cải một nhân vật lịch sử trung quân, ái quốc và đầy lòng tận tụy hy sinh cho đại cuộc như ông thành một tên phản trắc, gian nịnh, và vị kỷ, gây một ấn tượng rất xấu về ông trong đầu óc các sử gia Pháp và Việt, làm cho họ phê phán quá sai lầm về con người và hành động của ông, mãi cho đến ngày nay.

Trở lại vấn đề vua Hàm Nghi lên ngôi, thì quả nhiên Khâm sứ Pháp Rheinart phản đối ngay và đòi hỏi triều đình phải đình chỉ việc tấn tôn, hoặc truất phế vua Hàm Nghi. Nếu muốn yên thì đưa lá bài soạn sẳn của y là Gia Hưng Vương, phụ chính thân thần lên ngôi, vì, theo y, Gia Hưng Vương lớn tuổi và có kinh nghiệm, còn cả vua Kiến Phúc và Hàm Nghi đều là vị thành niên, một bên không đủ tư cách để làm di chúc, một bên không đủ tư cách để làm vua. Ngoài ra, Rheinart nhất quyết không thừa nhận vua Hàm Nghi, vì không có sự chấp thuận của chính quyền bảo hộ. NVT và triều đình cũng nhất quyết tiến hành lễ tôn vương, bất chấp lời phản kháng, hăm dọa của Khâm sứ. Rheinart, một viên chức thực dân 'hạng nặng' không chịu thua và xin thượng cấp ở Paris và Tướng Millot, Tổng chỉ huy quân đội Pháp cung cấp quân lực để buộc triều đình đưa Gia Hưng Vương lên. Paris và Millot không nghe, Rheinart mất mặt gởi đơn từ chức.

Rút cục, Pháp cho Ðại Tá Guerrier đem 750 quân sĩ với một dàn trọng pháo từ Bắc Kỳ vào Huế, và gởi tối hậu thư hăm dọa oanh tạc hoàng thành, nếu sau 12 giờ phía Việt Nam không chịu theo những điều kiện của phía Pháp. Cuối cùng, NVT đã thương thuyết được một giải pháp dung hoà là Gia Hưng Vương không lên thay, vua Hàm Nghi vẫn còn, chỉ phải tái diễn lễ tấn tôn với sự hiện diện của các viên chức Pháp, sau khi phía triều đình gởi thơ qua xin lập ngài lên ngôi kế vị vua Kiến Phúc. (" M. Rheinart ", BAVH, Ibid. , 152-155) Mặc dầu mọi áp bức của Pháp, NVT và triều đình vẫn nhẫn nhịn đối phó để vượt qua cơn khủng hoảng một cách khá êm thắm. Vua Hàm Nghi vẫn còn đó, như không có gì xảy ra, và chính sử đã tường thuật vụ tái tấn phong như là một cuộc triều kiến của các phái viên cao cấp Pháp mừng lễ tấn quang của vị tân vương mà thôi.

Theo chính sử thì vua Hàm Nghi chỉ biết rõ việc này khi Gia Hưng Vương, về sau, bị Chấn Tĩnh quận công Miên Trí đàn hặc về việc 'tiết lộ quân quốc trọng sự, gia dĩ thêm thói dâm dục [cùng với công chúa Ðồng Xuân can tội tước tịch, đổi theo họ mẹ là Hồ Thị Ðốc thông gian sinh con] ...' (ÐNTL, XXXVI , 156) Nhân vụ xử tội này, phụ chính Thuyết và NVT mới phúc trình cho vua rõ tự sự. Rheinart cương quyết can thiệp không cho triều đình xét xử Gia Hưng Vương, nhưng lúc đó Lemaire đã đến thay y, NVT viện cớ đó là chuyện thường phạm thuộc chủ quyền nội bộ của Việt Nam, Pháp không có quyền can thiệp. Lemaire, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hành xử chức vụ tổng trú sứ của mình một cách đứng đắn chiếu theo hiệp ước 1884, đã chấp nhận quan điểm của NVT. Dù sao, mặc dầu phía Pháp đã không đưa người của họ lên ngôi, họ đã gây nên được một tiền lệ cho việc chọn vua về sau, là phải có sự chấp thuận của họ. Rồi từ đó họ lấn lần đến chỗ chọn phu chính, thượng thư cũng phải có sự đồng ý của họ, như trường hợp bổ nhiệm Võ Trọng Bình làm thượng thư bộ Hộ bị Lemaire phản kháng vì ông này có thành tích chống Pháp. (ÐNTL, XXXVI , 197-8) Một trường hợp áp bức lộ liễu nữa là sự chiếm đóng Mang Cá, ngay sát kinh thành Huế, nhân việc 750 quân Pháp vào tấn phong vua Hàm Nghi, bất chấp sự phản kháng rất chính đáng và hợp pháp của NVT, rằng việc đó phải đợi ít nhất là đến sau khi hiệp ước 1884 được hai bên phê chuẩn xong đã mới thực hiện được.

Vậy là ở Kinh đô Huế bấy giờ đã có quân Pháp đóng ở Cửa Thuận An, Tòa Khâm sứ, và Trấn Bình Ðài Mang Cá. Dĩ nhiên là triều đình phải lo củng cố, chấn chỉnh các sơn phòng ở các tỉnh tả kỳ và hữu kỳ, nghĩa là ở phía Bắc và phía Nam Kinh đô. Chính sử đã cho ta một ý niệm về công tác chuẩn bị kháng chiến chống Pháp lúc đó và sự hợp tác của ông Phan Ðình Phùng với triều đình:

" Ðắp thêm phòng sơn phòng ở Hà Tĩnh, nguyên trước phòng ấy ở huyện Hương Khê, trong tiếp với Quảng Bình, Quảng Trị, ngoài thông với Thanh Hóa Nghệ An. Thượng du lại tiếp với Xiêm La. Nhưng lúc buổi đầu đóng giữ ở đây chỉ phải có 300 người. Tự Nguyễn Chính sung làm chánh sứ và bọn phó sứ là Phan Trọng Mưu, tham biện là Phan Ðình Phùng , trù tính xin làm, đã tư viện thần chước định: xây đắp thành lũy, công đường tư thất và các nơi kỳ đài pháo đài, phái vệ binh 830 người chia ban đóng giữ, đặt súng gang, súng lớn 20 cỗ, súng vượt núi 50 cỗ. Phái quân thần cơ 2 đội, đổi phiên nhau phụ đóng giúp việc. Lại mộ lính Mán, tên nỏ thuốc độc để đủ sai khiến ...; mở 2 con đường ở trên: phía nam thông với sách Thanh Lãng đến sơn phòng Quảng Bình, phía bắc thông với huyện Thanh Chương, đến sơn phòng Nghệ An." (ÐNTL, XXXVI , 184-5, NQT nhấn mạnh)

Trong lúc bên ta chuẩn bị phòng thủ thì phía Pháp lại tiếp tục lũng đoạn nội bộ triều chính, hăm dọa mua chuộc quan lại ở Bắc, như trường hợp ông Nguyễn Hữu Ðộ, làm quyền lý Hà-Ninh Tổng đốc mà vâng lời quan Pháp, tự cho như có quyền thay vua bổ nhiệm các quan lại cho cả xứ Bắc. ( ÐNTL, XXXVI, 210). Hơn nữa, Tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp Brière de L'Isle lại còn thành lập 2 trung đoàn lính chiến người Việt ở Bắc Kỳ đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp và duy nhất của Pháp, để dùng người Việt đánh người Việt. Khi nhận được thơ của Tổng trú sứ Lemaire thông báo tin này, triều đình nhận thấy phía Pháp đã đi quá xa trong việc xâm phạm chủ quyền nội bộ của mình, và đã không ngần ngại phản kháng và bác khước, một cách thẳng thắn và mạnh mẽ, mọi đòi hỏi trợ giúp của Pháp trong việc tuyển mộ lính.

Thư trả lời cho Lemaire gởi vào khoảng tháng 6 năm 1885, mà sử Pháp hay nói là của ông Thuyết, gồm có một bức thư của Cơ mật Viện [tức viện trưởng NVT] chuyển cho Lemaire bản sao một bản tấu lên Vua trình rằng: việc thành lập 2 trung đoàn lính Việt của Tướng Pháp là một hành động độc đoán thiếu căn bản pháp lý vì Hiệp ước 1884 không có nói gì đến việc đó cả, nên Viện đã giao phó cho thượng thư bộ Binh trả lời cho Tổng trú sứ Pháp, để ông này yêu cầu Tướng Pháp đừng làm việc đó; và Viện thấy cần chỉ thị cho các quan tỉnh phải tuân theo hiệp ước, không được thi hành lệnh tuyển mộ của Tướng ấy. Nếu họ không nghe thì sẽ bị tội chống lại vua và tội khi quân. Và Viện đợi chỉ của thánh thượng để thi hành. Trong thơ, Viện cũng đính kèm theo thơ đề ngày 3-4 Hàm Nghi 1 [16-5-1885] của thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết trong đó ông này, sau khi lặp lại những ý kiến của Viện Cơ mật nói trên, đã thống trách không chút dè dặt những hành vi mà ông cho là lộng quyền, áp chế, bất chấp hiệp ước của phía Pháp và Tướng tổng chỉ huy, như: Ðòi cái gì cũng lấy danh nghĩa bảo hộ; Bắt bớ giam cầm các đại quan như tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát; Bổ dụng làm quan lớn những kẻ không xứng đáng chút nào, và làm những việc đó không cho triều đình biết, và khi triều đình can thiệp thì không chịu nghe, coi như là chính phủ, triều đình Viêt Nam không còn nữa; Triều đình không còn chịu nổi sự lăng nhục và khinh miệt nên đã rút hết các quan ra khỏi Bắc Kỳ, để cho Tướng tổng chỉ huy muốn làm gì thì làm, hoặc gởi thư khiếu nại lên Tổng thống Pháp; Tướng đó đã lấy từ 20.000 đến 30.000 dân phu mà nhiều người không thấy được về, nay đòi lấy thêm lính nữa, dân chúng Bắc Kỳ sẽ khiếp đảm và dấy loạn; Việc đánh quân Tàu là việc riêng của Pháp, không dính gì Việt Nam cả, nay sắp điều đình với Tàu rồi, còn tuyển thêm lính làm gì nữa cho tốn tiền; Nếu Tướng tổng chỉ huy không làm nổi thì hãy rút hết quân thủy bộ về, chỉ cần để lại một sĩ quan và 4 hay 5 công sứ cùng chúng tôi làm việc trong vài tháng mọi sự sẽ xong hết. (ASME, t. 704, t. 1424-1435 - t. 816, số 42, do Võ Ðức Hạnh dẫn, La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Viet-Nam de 1870 à 1886 . Berne; New York: P. Lang, 1992, 1176-1187)

Tóm lại, đó là một bức thư ngoại giao rất đặc biệt trong đó ông Tường và ông Thuyết, với lời lẽ một bên ôn hòa, một bên quá khích, cho phía Pháp biết rằng Triều đình không còn chịu đựng nổi cách đối xử ức hiếp của Pháp và sẵn sàng cắt đứt liên lạc ngoại giao, và chống lại Pháp bằng võ lực. Giải thích ý nghĩa bức thư này cho Tướng De Courcy, Ðức Cha Puginier đã nhấn mạnh rằng đó là của toàn thể triều đình, chớ không phải riêng gì của ông Thuyết, và đặc biệt lưu ý De Courcy về các điểm sau: "Những công trình chuẩn bị ở Cam-lộ, Trấn-ninh, để thiết lập ở đó một kinh đô mới, sự thành lập những căn cứ kín, gọi là sơn phòng ở miệng núi, trong những vùng hiểm trở khó đến, những căn cứ ở đó họ đã tập trung một số lượng lớn bạc và gạo, tất cả những cái đó chứng tỏ rõ ràng ý muốn tối hậu của họ, chính ở những nơi đó mà họ cố gắng chống cự, khi mà sự đoạn tuyệt ngoại giao xảy ra." (Ibid., 1184; NQT dịch)

III. Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương

A. Hóa giải âm mưu đảo chánh của Tướng de Courcy

Từ khoảng cuối 1884, một nhóm thực dân được các sử gia Pháp gọi là 'phe Hà Nội' [Clan de Hanoi] gồm có Tướng tổng chỉ huy quân sự Brière de L'Isle, GM Puginier, và Silvestre, mà chính sử ta gọi là 'Thượng thư bộ Lại' của phía Pháp, đã soạn thảo sẵn môt dự án thủ tiêu hai ông Tường Thuyết và vua Hàm Nghi, thay họ bằng các người thân Pháp hơn như ông Nguyễn Hữu Ðộ, Phan Ðình Bình và Hoàng Tử Chánh Mông [vua Ðồng Khánh]. Theo lời của chính Tổng trú sứ Lemaire, phe Hà Nội đã tìm cách qui trách mọi bất lợi, rắc rối, thất bại xảy ra cho phía Pháp vào lỗi của triều đình Huế, từ việc lôi thôi ở Lạng Sơn cho đến Cao Miên. (Thư Lemaire gởi Freycinet, 7/4/1885. S.H.A.T. 10H3 [ex carton 3], do Fourniau dẫn, Annam-Tonkin 1885-1896, Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale . Paris, L'Harmattan, 1989, 29) Tướng Brière, chẳng hạn, đã buộc tội triều đình thông đồng với nước Tàu bằng cách trưng ra một tài liệu bằng chữ nho, mà Lemaire xem lại chỉ là một văn kiện trưng thu gạo. (S.O.M. A0 [72] 2/1885; do Fourniau dẫn, Annam , 29, ct.31). Phe Hà Nội có một nhân viên thừa hành đắc lực ngay ở Huế là Ðại Tá Pernot, chỉ huy trưởng đồn Mang Cá. Viện lý do an ninh, và sau khi gây gỗ, ông này buộc phía Việt Nam phải giải giới kinh thành, hầu dễ dàng tấn công sau này. Rồi ông cho phép quân sĩ Pháp dạo chơi chung quanh cấm thành. Không sợ bị trừng phạt, những người này đánh lính gác Việt đã ngăn cản họ, buộc những khách đi qua lại phải chào họ, nếu không họ hất liệng mũ, không cần biết trong những người này có đủ loại quan lại lớn nhỏ. (Lemaire gởi bộ Ngoại giao 9-4-1885. S.O.M. A0 [72], do Fourniau dẫn, Annam , 30). Những trò đùa đó không phải là không có hậu ý. Ðại Tá Pernot giải thích cho thượng cấp biết rằng ' một khi thiên hạ quen thuộc với các trò chơi ấy, đến một thời điểm nào, tôi sẽ có thể tâp hợp độ 50 người tại chỗ các phụ chính ở, và tìm cách không cho họ trốn và thực hiện cuộc đảo chính ' (Ðại tá Pernot gởi Tướng Brière de L'Isle. S.H.A.T. 10H6 [ex carton 9]; sự kế thừa Tướng De Courcy. Thư tín Pernot-Brière - 4-5/1885, do Fournier dẫn, Annam , 30) Ngoài ra, quân Pháp còn thực hiện các cuộc tập trận giả sát ngay kinh thành, và cho bịt ngòi các đại bác Việt Nam đặt trên bờ thành.

Trong bầu không khí đó, Ðại tướng De Courcy từ Hà Nội đến Huế, sẵn sàng thực hiện dự án đảo chánh của phe Hà Nội. Dựa vào tài liệu văn khố Pháp, Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu đã tường thuật khúc chiết như sau: "... Ngày 15/6, sau khi thông báo cho Courcy về hiệp ước Thiên Tân, de Freycinet cho lệnh Courcy vào Huế càng sớm càng tốt để trình ủy nhiệm thư. Trường hợp phải dùng võ lực, đừng để triều thần Huế chạy thoát. [ct. 21: SHAT {Vincennes},10H 43] [] Ngày thứ Sáu, 26/6, trước khi lên đường vào Huế, de Courcy xin chỉ thị nên bắt Thuyết, Tường, hay cả hai. [ct. 22: Ibid. 10H21] Hôm sau, Courcy rời Hà Nội, mang theo Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 3 Zouaves [16 sĩ quan, 870 lính] của Thiếu tá Metzinger, và một đại đội của TÐ 11 [3 sĩ quan, 154 lính]. Ngày 30/6, Courcy được lệnh toàn quyền hành động. Ngoại trưởng de Freycinet chỉ nhắc nhở Courcy nên sử dụng các quyền hạn đó một cách khôn khéo nhưng cứng rắn với các quan Việt [tức Phụ chính Tường và Thuyết]. Riêng với Hàm Nghi, cần tôn trọng bản thân nhà vua [ct. 23: Ibid. 10H 43] " (Chiêu, op. cit., t. 2, 419-420; NQT nhấn mạnh).

Lúc đó, ở Hà Nội Tướng Brière cũng đã từng nói cho tất cả những ai muốn nghe là theo ông, chỉ có một giải pháp duy nhứt là dẹp hai phụ chính hiện tại đi. (Gosselin, op. cit., 197) Chuyện đầu tiên de Courcy đòi hỏi là cả NVT và Tôn Thất Thuyết phải qua họp tại tòa Khâm với y, không được thiếu người nào để bàn về việc trình ủy nhiệm thư. Ông Thuyết thác bệnh, y cứ bắt phải đi. (ÐNTL, XXXVI , 219-220) Hai ông thấy tình thế nguy ngập, không còn lối thoát, nếu đi, y bắt thủ tiêu cả hai, thì còn ai mà chống chọi và thực hiện cuộc di tản triều đình lên Tân Sở. Cái sách lược dài hạn của NVT, ' hoà để giữ, giữ để mưu chiến' không còn hiệu nghiệm, vì không còn giữ được nữa. Cái thời cơ dùng Tàu làm thế ỷ dốc với Tây không còn nữa, vì Hiệp Ước Thiên Tân thiệt thọ mới ký ngày 9-6-1885, và De Champeaux vừa mới báo tin chính thức cho triều đình. (ÐNTL, XXXVI, 215) Như NVT đã trình lên Tự Ðức, "Ðối với rợ, không có thượng sách, chỉ châm chước theo thời cơ ' và ' không nên chấp vào cái thành thực nhỏ bé' của các cuộc kết ước (Bản tấu 8-3 Tự Ðức 21 [1868]), hai ông phụ chính có thể đã thấy cần phải tìm cách điều đình với Pháp để tìm một thế hòa mới, lấy chính cái thực lực của mình, tức các sơn phòng và phong trào Cần Vương đã chuẩn bị lâu nay, làm hậu thuẫn để mặc cả với Pháp. Nhưng Pháp đã biết cái hậu thuẫn sơn phòng này mà có đếm xỉa gì đến đâu. Vậy phải làm sao cho họ thấy rằng ta thực sự dùng hậu thuẫn đó, tức ta phải thực sự dời triều đình lên Tân Sở để đánh Pháp trong trường kỳ.

Trong tình trạng hiện tại, muốn thực hiện việc này cũng hết sức phức tạp và khó khăn về phương diện quân sự, chưa kể đến chuyện làm sao cho mọi người chịu nghe theo giải pháp đó mà không lộ ra cho địch biết. Ðịch đã đóng quân khá nhiều ở chung quanh kinh thành từ lâu, nay còn đem thêm trên 1.000 quân, cùng nhiều tàu và trọng pháo, nên khi di tản rất khó mà bảo vệ được vua và Tam Cung, hoàng thân quốc thích, đình thần, v.v. giữ cho họ khỏi bị địch vây bắt, chém giết. Hơn nữa, đem các ông hoàng bà chúa quen sống trong nhung lụa lên chiến khu để làm gì, họ chẳng làm gì được mà còn gây gánh nặng kẻ hầu người hạ. Ðánh thì hai ông, qua kinh nghiệm, dư biết là không thắng được, mà thua thì không di tản kịp thời và an toàn được. Di tản mà không đánh cũng sẽ bị giặc vây bắt, giết chóc. Trước tình thế tấn thối lưỡng nan đó, hai ông đã quyết định dùng 'quyền biến', phân chia nhiệm vụ, ông Thuyết đánh, cốt để đưa Vua Hàm Nghi đi lãnh đạo phong trào Cần Vương, ông Tường ở lại, dùng thế ông Thuyết để mặc cả với Pháp một thế hòa mới. Như vậy, hai ông hy vọng hóa giải âm mưu đảo chánh của De Courcy, và đặt y trước một thế cờ mới: Vua và ông Thuyết thoát khỏi bàn tay y rồi, với cái viễn ảnh một cuộc chiến tranh du kích kéo dài triền miên không biết bao nhiêu năm; ông Tường còn đó, có bắt và giết ông cũng chả thay đổi được gì, mà thương thuyết với ông để đưa Vua và ông Thuyết về để lập lại trật tự thì có cơ giải quyết được vấn đề của mình. Nếu ông Tường không điều đình được và bị Courcy giết hay đày, thì vua và ông Thuyết sẽ tiếp tục cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi hoặc chết, mặc dầu biết rằng hy vọng thắng lợi về dài có phần mỏng manh. Ðó là một ván bài 'đánh xả lán', 'liều may rủi với trời' (Bửu Kế, Chuyện Triều Nguyễn , Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế, 1990, 97) áp dụng câu châm ngôn 'còn nước thì còn tát'. Kế hoạch được thực hiện đúng như các ông có thể đã dự trù, và đòi hỏi cả hai ông đều phải hy sinh để thực hiện những gì mà người kẻ sĩ phải làm, không cần biết đến hậu quả cho bản thân mình.

Khuya đêm 4-7-1885, ông Thuyết ngầm chia quân làm hai đạo gồm những phần tử thân tín, Phấn Nghĩa quân, môt đạo do em là Tôn Thất Lệ chỉ huy đánh úp tòa Khâm sứ, một đạo do chính mình cùng Trần Xuân Soạn bất thần tấn công Trấn Bình Ðài [Mang Cá]. ( ÐNTL, XXXVI , 220) Nghe súng nỗ đền đài sụp đỗ, NVT vội vào cung

'tâu vua và Tam Cung xin ra ngoài thành, ủy cho quan hầu hộ giá lên Chùa Thiên Mụ tạm trú '. Còn NVT thì ' lập tức lên Giám mục Lộc tại nhà thờ Xã Kim Long, nhờ Giám Mục viết thơ nói với Tòa rằng việc ấy do Tôn Thất Thuyết làm quấy, chớ thiểm và đình thần bổn quốc không có ý gì khác, xin quan Toàn quyền và quan Khâm sứ châm chước thế nào để bảo tồn sự hòa hảo trước. Khi 7 giờ sáng mượn người đem thơ đến sứ quán, thiểm ở lại nhà Thờ để đợi. Vì lúc đó hai bên đương bắn nhau nên đến 12 giờ trưa thơ ấy mới đến Sứ quán. Ðến 3 giờ chiều mới được phúc thơ của quan Khâm sứ nói rằng nên rước Hoàng Ðế về sẽ được hòa hảo không có ngại gì. Tức thì thiểm lên chùa Thiên Mụ, thì Ngự giá cùng Tam Cung đã bị Tôn Thất Thuyết đưa ra Tỉnh Thành Quảng Trị.' ("Thơ: Lại Bộ Thượng Thơ Nguyễn Văn Tường gởi Nguyên Soái Pháp tại Tahiti ". Tiếng Sông Hương, 1994, 127)

Câu chuyện hai ông sắp đặt chỉ giản dị như vậy. Ông Thuyết đánh không phải để thắng trân, vì có bao nhiêu quân tham gia đâu, chỉ cốt để nhân cơ hội đưa vua và một số quan quân chống Pháp lên Tân Sở. Còn NVT đi một mình lên gặp GM Caspar để cho phía Pháp hay lập tức rằng chiến cuộc do ông Thuyết một mình gây ra trái với ý muốn của triều đình, và yêu cầu Pháp để ông tái lập lại trật tự. Các sử gia Pháp thường kết tội De Courcy đã không đuổi theo bắt đoàn ngự đạo, vì họ không biết đến cái kế quyền biến của hai ông, làm cho de Courcy không còn lý do tiếp tục cuộc chiến sau khi nhận được sự giải bày của NVT qua GM Caspar. Trong lúc đó thì ông Thuyết và đoàn ngự đạo an toàn đi ra và ở lại tỉnh thành Quảng Trị, bàn bạc việc ai đi hay không đi Tân Sở. Rút cục, ông Thuyết và vua cùng một số quan quân đi Tân Sở. Tam Cung và một số quan quân khác ở lại. Ít lâu sau Tam Cung trở về Huế theo lời mời của NVT. Mọi sự được xếp đặt như đã dự định. (ÐNTL, XXXVI, 220-5)

Hơn một tuần, sau khi rời khỏi kinh thành, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ra dụ Thiên hạ Cần Vương giải thích việc vua làm và kêu gọi mọi người giúp vua chống Pháp. Dụ này có thể đã do hai ông và ông phụ chính thứ 3 là Phạm Thận Duật thảo ra sẵn trước khi đánh và chạy. Văn từ trong dụ nhiều chỗ giống trong các bản tấu về kế sách của NVT dâng lên Tự Ðức, và cũng dùng chữ 'quyền' [quyền biến] để mô tả việc bỏ thành của vua, như trong bài thơ 'giải trào' của NVT sẽ bàn sau. Dụ bắt đầu:

" Từ xưa kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Ðánh thì chưa có cơ hội, giữ thì khó lượng được sức, hòa thì chúng đòi hỏi không biết chán. Ðương lúc sự thế khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền. ..." Rồi vua giải thích thêm: "... Bọn Tây được phái đến càng ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước chúng tăng thêm binh thuyền đến, bắt theo những điều mình không thể nào làm được; ta chiếu theo lệ thường khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô náo động, mối nguy biến ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu việc nước, chăm nghĩ đến kế yên xã tắc, trong triều đình phải đắn đo về hai điều: cúi đầu tuân mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước? Ví bằng việc xảy ra không thể tránh, thì cũng còn có việc ngày nay để mưu tốt cái lợi sau này , cũng là do thời thế xui nên vậy. Phàm những người đã được cùng dự chia mối lo này, tưởng cũng đã biết cả. ... " (Bản dịch của Chu Thiên, Thơ Văn Yêu Nước [1858-1900]. Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1976, 521-3, NQT nhấn mạnh)

Như vậy là bản dụ xác nhận cái mưu kế chống Pháp nói chung và De Courcy nói riêng, như đã trình bày: chiến, thủ, hòa đều không xong, nên phải dùng xảo kế để đối phó với âm mưu đảo chánh của địch, bằng cách đánh chúng trước, để tạo ra cái tình trạng mới hiện tại, hầu tính kế lâu dài. Ai đã bày ra cái kế ấy? Dụ nói rõ chỉ trừ tên họ: "Kẻ đại thần mưu việc nước, chăm nghĩ đến kế yên xã tắc, trong triều đình ". Số 'kẻ đại thần...' có thể bao gồm ít nhất là hai ông phụ chính và ông Duật, phụ chính thứ ba trong Viện Cơ mật đã cùng đi với ông Thuyết, và không thể không có NVT được. Tự nhiên dụ không thể nói rõ là NVT đã cùng các vị này đặt ra kế ấy, vì lý do chiến thuật dễ hiểu là phải để ông đứng ra ngoài, để đóng vai trò điều đình với Pháp. Tóm lại, dụ đã ám chỉ rằng cuộc chính biến mới xảy ra là kết quả của một kế hoạch chung của triều đình để đối phó cấp thời với một âm mưu đảo chính do De Courcy gây ra, chứ không phải là do sự bốc đồng của ông Thuyết như sử sách thường nói.

Tính cách 'kế hoạch chung' đó càng lại được xác nhận rõ hơn với bản dụ gởi Nguyễn Văn Tường ra cùng ngày 13-7 với dụ Cần Vương mà chính sử đã lược tóm như sau:

"Y [De Courcy, NQT ct.] thấy ta ngày càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta phải bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thật cũng chứng giám , ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thủy chung và cùng y giảng giải về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thỏa hiệp, phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho 2 nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mạnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng 3 cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thưở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình dấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Ðại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy. Nếu không như thế thì miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy ủy cho khanh. Ta duy có chọn đất lành ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là triều đình, và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy. Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía Bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc, cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tấu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì." (ÐNTL, XXXVI, 226, NQT nhấn mạnh)

Tóm lại, qua dụ này, mà chắc là các ông Thuyết và Duật đã soạn theo kế hoạch đã thỏa thuận trước, vua Hàm Nghi xác nhân vua vẫn còn đó, chỉ tạm lánh vì De Courcy quá áp bức, và chính thức hóa việc NVT ở lại là do sự ủy nhiêm của vua để lo thương đàm với Pháp, hầu đi đến một thỏa hiệp triều đình có thể chịu đựng được, trong đó 2 bên đối xử với nhau như anh em dưới thời Tự Ðức. Vua cũng nói sẵn sàng trở về sau khi NVT điều đình có kết quả, không có ý định 'ăn thua đủ' với Pháp, và chỉ đánh Pháp khi việc điều đình không thành, đồng thời giữ sự liên lạc. Vua thông cảm cái vai trò bội bạc mà NVT 'chịu nhục' phải làm nên nhấn mạnh rằng '...kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám...' Ðồng thời, sứ mạng giúp nước, giúp vua của NVT được vua Hàm Nghi đề cao trong một bản dụ gời hoàng tộc ngày 18-7-1885, tức 5 ngày sau đó, mà chính sử tóm lược như sau:

" Dụ Thọ Xuân thân vương, phụ chính Hoài Ðức công và các bọn hoàng phiên công chúa nghĩ coi: Nước Nam ta nhiều lần bị kẻ khác ức hiếp nhiều khoản, phàm có tai mắt khí huyết không ai là không uất ức buồn rầu. Chẳng riêng người trong họ ta mà thôi. Trẫm vâng di mệnh của tiên quân và các vương công phụ thần cùng suy tôn lên quyền giữ việc nước. Phàm có trăm điều đều duy kiến nghị, phải ấy thì theo. Trẫm tuổi trẻ, kiến thức chưa rộng, dám đâu chuyên trái việc gì, cho nên hễ khi tiếp được thư của nước Ðại Pháp gởi đến khoản gì, nếu quá lăng nhục và yêu sách quá đáng, nhân tình không thể chịu được, mật nghe vương công và các phụ chính khuyên bảo, không đâu là không cưỡng tự đau đớn nín náu, chịu theo êm việc, vì muốn bảo toàn xã tắc, để họ mạc lâu dài hưởng tôn quí giàu sang vậy. Không ngờ sứ Pháp ngang ngược ngày thêm, không còn được chút quốc thể, cúi xuống đất, ngửa lên trời, xiết bao hỗ thẹn, vạn bất đắc dĩ mà phải làm ra việc này, quay nhìn nơi lăng miếu và các bậc ý thân, thực không biết bao nhiêu là tưởng nhớ, chả biết trong tôn tộc từng có tin đến sự lo xuôi nghĩ ngược của ta không? Nay đã có phụ chính huân thần là Nguyễn Khanh [NVT, NQT ct.] ở lại giảng nói. Che chở nhiều việc, hơi được yên ổn, huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. [] Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định. Vương công đều là cốt nhục chí thân, đều nên thương ta khổ tâm thể tất ta vô cùng. Phàm việc gì cùng với Nguyễn Khanh châm chước thỏa đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngỏ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ ủy cho Nguyễn Khanh sẽ vì ý thân điều đình cho thỏa đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng." (ÐNTL, XXXVI, 227-8, NQT nhấn mạnh) Tóm lại, dụ này gởi cho hoàng tộc đại ý cũng giống 2 dụ Cần Vương và gởi NVT nói trên, nhưng còn chia xẽ nỗi khổ tâm của NVT qua những câu :"huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. []... những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. "

Sở dĩ toàn bộ nguyên văn của 2 dụ vừa nói được trích dẫn là vì 2 tài liệu này không thấy được các sử gia ta trước 1975 đề cập đến mặc dầu họ đều nói là có tham khảo Ðại Nam Thực Lục . LM Delvaux có trích dịch dụ Hàm Nghi gởi NVT trong bài viết đã nói năm 1941, (" Quelques précisions ..." BAVH, số 3, 1941, 269-270) nhưng không cho biết xuất xứ, và cũng chẳng bàn tán gì. Trong sử sách Pháp, không thấy ai biết đến 2 dụ đó, ngay cả sử gia Fourniau trong một cuốn sử đầy đủ, cập nhật, và tương đối vô tư và khách quan nhất về bang giao Pháp Việt mới xuất bản năm 2002. Gần đây, một số sử gia ta ở ngoại quốc có đả đông đến vài đoạn trong 2 dụ, nhưng cũng chả bàn tán gì bao nhiêu về ý nghĩa của các tài liệu đặc biệt này. Sự thiếu sót vô tình hay cố ý các tài liệu gốc căn bản như những tài liệu này đã đưa đến quá nhiều sai lạc trong các sử sách viết về cuộc bang giao Pháp Việt.

Thêm vào các tài liệu gốc đó, có thể kể đến một bài thơ của chính NVT bày tỏ nỗi băn khoăn của ông lúc từ Kim Long trở lại Huế, mà 4 câu sau đã được Trần Trọng Kim ghi chép trong một cuốn sử xưa ờ bậc sơ học. Bài thơ này ăn khớp với kế hoạch 'kẻ ở người đi đều chung lo việc nước' đã được tác giả Trần Xuân An trình bày trong một hội nghị mới đây ở Huế: ("Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi [5.7.1885]", HTNVTHUE02, 59-82)

GIẢI TRIỀU

Tam thập niên lai phí kỷ kinh

Vô đoan dạ bán bách sầu sinh

Kỷ thai tam sắc, vân lôi biến

Giả thích song suy, kê khuyển kinh

Thương kính vạn trùng thương thúy liễn

Thần tâm nhất dạng luyến đan đình

Thị phi nhiêu phó thiên thu hậu

Xã tắc quân vương thục trọng khinh?

CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH

Ba chục năm qua phí trí mình

Nửa đêm, gian tả! ép buồn sinh

Cờ chia ba khoảnh, giông quyền biến

Kẹp siết theo roi, chó hải kinh

Núi biếc vạn trùng lo kiệu ngự

Lòng son một dạng luyến sân Ðình

Phải chăng, ấy gởi nghìn thu luận

Theo nước phò vua đâu trọng khinh?

Hai câu bổ sung:

CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH...

U trung thùy bạch thiên thu hậu?

Xã tắc quân dân thục trọng khinh?

Sâu kín lòng trung ai soi tỏ?

Tổ quốc, dân, vua đâu trọng khinh? (Ibid., 59)

Một sử gia Pháp, mặc dầu không biết gì nhiều về các nguồn tài liệu này về phía Việt Nam, cũng đã thoáng cảm thấy tình trạng lưỡng phân triều chính đó. Sau khi ông thấy mọi sự xảy ra trong cuộc rờI bỏ kinh thành như là một sự sắp đặt của phía Viêt Nam, ông kết luận:

"... giai cấp cai trị Viêt Nam có vẻ tìm một giải pháp trong hai đường hướng đối nghịch với nhau, nhưng mỗi cái đều nhằm bảo vệ, ít nhất là trong trường kỳ, sự đồng nhứt quốc gia: chiến đấu bằng cách kêu gọi một cuộc tổng nổi dậy hay là qui thuận để gìn giữ những gì tối thiết. Mọi việc đã xảy ra như là ngày 9-7, triều đình, trên cả mọi sự đối nghịch, đã mặc nhiên với ít nhiều ý thức, chia xẽ các hiểm nguy để có thể theo đuổi hai bối cảnh..." (Fourniau, Annam, 35).

Ngoài ra, còn có một số tài liệu rải rác khác tương hợp với kế hoạch chia cách triều chính nói trên, do Tiến sĩ Ðỗ Bang trình bày trong Hội Nghị 2-7-2002 vừa nói. ("Góp phần làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường [1824-1886]", HTNVTHUE02, 20-41). Căn cứ vào một số tư liệu đầu tay như 'Hạnh Thục Ca' và một bài dụ của Bà Từ Dụ trong đó bà chỉ thị cho NVT điều đình với Pháp, vè 'Dậu Tuất niên giang phong hỏa ký sự ' cho rằng việc đánh Pháp đêm 4-7-1885 là có sự bàn bạc và phân công giữa NVT và Tôn Thất Thuyết, bức thư của NVT gởi Nguyên soái Tahiti kể lại cuộc di tản vua và Tam Cung và gặp GM Caspar, cũng như gia phả gia đình NVT, [t.35-7] TS Bang đã kết luận rằng: "Với những tư liệu minh chứng này, Nguyễn Văn Tường không những được minh oan về tội 'đầu thú, quy hàng' mà ông vẫn được xem như là một trong những nhân vật hoạt động yêu nước tích cực nhứt cho đến thời điểm xảy ra cuộc tâp kích quân Pháp ... (Ibid., 37) Trước đó, sau khi phân tích 2 bản dụ nói trên của vua Hàm Nghi và dụ của Ðức Từ Dụ chỉ thị cho NVT thương thuyết, TS Bang cũng có nhận xét:

"Rõ ràng việc Nguyễn Văn Tường ở lại Huế là một sứ mạng nguy hiểm, phức tạp được vua Hàm Nghi và Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ là 2 người chịu trách nhiệm tối cao của Triều đình Huế hồi bấy giờ giao phó. Ðó cũng là một sách lược chính trị tích cực 'Chia tách triều đình' trong một tình thế nguy nan chưa từng có, với một hy vọng bảo tồn được kinh đô, tôn miếu, xã tắc và khôi phục chủ quyền của đất nước. " (Ibid., 35, NQT nhấn mạnh)

B. Quyết tâm tiêu diệt phe kháng chiến của thực dân Pháp

Ðại tướng De Courcy đã được đề cử với toàn quyền quân sự và dân sự, trực thuộc bộ Chiến tranh về các vấn đề quân sự, và bô Ngoại giao về các vấn đề chính trị ngoại giao. Các tác giả Pháp thời đó đã mô tả ông như là một nhà độc tài võ biền, không biết một tí gì về chính trị. Theo đại úy Gosselin, " Ðại tướng có cái lỗi lầm to lớn nhất ...là không biết gì hết về nước An-Nam. Ông biểu lộ một sự khinh bỉ rất sâu đậm đối với cái tính chất a-na-mít, không tin rằng các quan có khả năng làm được một việc gì nên chuyện, và rút cục tưởng rằng đoàn tùy tùng hùng mạnh của ông đủ để làm cho các phụ chính, triều đình và dân chúng phải khiếp đảm. Hơn nữa, bản tính ông rất hay nghi ngờ, không chịu nghe một lời khuyên nào, không chấp nhận một ý kiến nào, và không muốn nghe các tin tức do các người từng trải ở địa phương cố gắng cung cấp, như GM Caspar và ông De Champeaux." (Gosselin, op. cit., 203, do Devillers dẫn, op. cit., 285, NQT dịch). Tướng Prud'homme cũng xác nhận rằng de Courcy " không thoát khỏi tính đa nghi, không những đối với những sĩ quan cọng sự với ông đã được tuyển chọn tình cờ trước khi ông rời nước Pháp, mà còn nhứt là đối với các viên chức hành chánh mà ông gặp đang tại chức khi ông đến Ðông dương." (Prud'homme [X], L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886 , par le général X, 1901, 10, do Devillers dẫn, op. cit., 285). Tất cả những yếu tố đó trong bản ngã De Courcy đã làm tan rả kế hoạch 'một triều lưỡng phân nhưng nhứt dạng' của phía Việt Nam. De Courcy đã bắt đày NVT đi Côn đảo sau hai tháng giam giữ, khai thác, và dày vò ông. Từ Côn đảo, Chính phủ Pháp đày NVT sang Tahiti, và ông từ trần ít lâu sau khi đến đây. Ðó là sự hy sinh của cá nhân NVT, nhưng đứng về phương diện quyền lợi của quốc gia dân tộc, vua Hàm Nghi vẫn tiếp tục công cuộc kháng chiến theo như kế hoạch dài hạn mà NVT cùng Tôn Thất Thuyết và các triều thần chống Pháp đã dự trù. Nước Pháp đã mất biết bao nhiêu nhân mạng, tài sản cho công cuộc chiếm đóng, bình, định, cai trị trong hận thù, mãi cho đến 1954 khi bị tống khứ bằng võ lực ra khỏi Việt Nam, vì đã bỏ lỡ cơ hội đi với giải pháp NVT. De Courcy từ Hà Nội vào, đinh ninh sẽ giải quyết vấn đề dễ như trở bàn tay, đã bị 'quyền biến' của NVT hóa giải sau vài ngày đến Huế.

Trưóc tình hình rối lọan của kinh thành do sự 'phổng tay trên' của ông Thuyết, de Courcy đành miễn cưỡng chấp nhận đề nghị hợp tác của NVT theo khuyến cáo của GM Caspar và Khâm sứ de Champeaux. Nhưng muốn ăn chắc, de Courcy đối xử với NVT như một tù nhân bị giam lỏng ở Thương bạc và đặt dưới sự canh gác của sĩ quan tùy viên của y là Ðại-úy Schmitz và một toán quân Pháp (Gosselin, op. cit., 211), và hạn cho NVT 2 tháng để vãn hồi trật tự, với tư cách là viện trưởng Hội đồng Cơ mật dưới quyền điều khiển của y và de Champeaux. Như sử gia Nguyễn Thế Anh đã nói, " Thật là một tình trạng không có lối thoát cho ông Tường, bởi vì, tù binh về thực tế của Pháp, những mệnh lệnh của ông đưa ra sẽ không có một hiệu lực gì, vì sẽ được xem một cách chính đáng như là làm theo chỉ thị của người Pháp." (Anh, op. cit., 112). Ngày 6-7-1885, y cùng NVT ký một tuyên cáo kêu gọi dân chúng, tố cáo ông Thuyết và mời vua và Thái hoàng Thái hậu trở về Kinh đô (Ðiện văn của Courcy gởi bộ Chiến tranh 6-7-1885, J.O., do Fourniau dẫn, Vietnam , 402). Rồi một tuyên ngôn được gởi đi các địa phương giải tán quân đội chính qui, chỉ giữ lại lính lệ ở các tỉnh và phủ huyện, cùng các lực lượng cảnh vệ ở các tỉnh lỵ. (A.E., Hồi ký và tư liệu, Á châu , tập 47, fo 38, do Anh dẫn, op. cit., 112). Bất chấp Hiệp ước Bảo hộ 1884, ông đề nghị với chính phủ Pháp truất phế triều đại nhà Nguyễn và sát nhập An-Nam vào nước Pháp. Nhưng Paris không chấp nhận và chỉ thị phải lập lại triều chính như trước. (A.E., Hồi ký và tư liệu, Á châu , tập 103, non fol. [thơ 11-7-1885], do Anh dẫn, op. cit., 113).

Ngày 11-7-1885, triều đình được y cải tổ: Thọ Xuân Vương, chú vua Tự Ðức, lớn tuổi nhất trong hoàng tộc, được cử làm phụ chính duy nhất, đại diện cho vua cho đến lúc vua về, NVT giữ chức Viện trưởng viện Cơ mật, với một số thượng thư trong đó có de Champeaux coi bộ Binh thay mặt cho de Courcy. (A.E., Hồi Ký và tư liệu Á châu op. cit., 114). Trong lúc Tam Cung và các hoàng thân công chúa lần lượt trở về, thì vua vẫn biệt tăm, và cuộc nổi dậy của dân chúng theo lời kêu gọi Cần Vương xảy ra nhiều nơi, kèm theo các cuộc tàn sát giáo dân.

Mặc dầu vậy, de Courcy vẫn quả quyết với Paris rằng bỏ Bắc Kỳ để chiếm cứ Trung Kỳ sẽ có lợi cho nước Pháp hơn, vì xứ này, theo y, nếu cai trị hay, sẽ trở thành một thuộc địa quí giá hơn. ( A.E., Hồi ký và tư liệu Á châu, tập 47, fo 94-96, do Anh dẫn, op. cit., 114). Nhưng Chính phủ Pháp không chấp nhận quan điểm này và chỉ thị cho y phải phải hoãn lại tất cả các cuộc hành quân ở Trung Kỳ, và từ chối gởi thêm viện binh mà y đòi hỏi. (Anh, op. cit., 114). Mặc dầu vậy, vào cuối tháng 7, de Courcy vẫn cố áp đặt một chế độ thuộc địa về thực tế vào xứ An-Nam bằng một dự án thỏa hiệp bổ túc cho Hiệp ước 1884. (A.N.S.O.M., Indochine A.F., 18/A 30 [73], do Anh dẫn, op. cit., 115) Với sự thay đổi cơ cấu này, NVT vẫn giữ chức Viện trưởng Cơ mật, nhưng có Nguyễn Hữu Ðô làm đệ nhứt Phó viện trưởng, và Phan Ðình Bình đệ nhị Phó viện trưởng; Khâm sứ có quyền triệu tập và chủ tọa Hội đồng Cơ mật bất kỳ lúc nào; và kiểm soát viên Pháp sẽ được đặt bên cạnh thượng thư bộ tài chánh và ngoại giao. (Anh, op. cit., 115) Ðây là lúc Silvestre, một thành viên nòng cốt của ' phe Hà Nội' đã được de Courcy đưa vào Huế làm chung với de Champeaux. Chính Silvestre đã thảo ra dự án thỏa hiệp bổ túc và đưa các con cờ của mình là 2 ông Ðộ và Bình vào viện Cơ mật. Có 2 ông này rồi, nhưng còn thiếu người thay vua Hàm Nghi. Như đã nói, 'phe Hà Nội' từ 1884 đã nhắm Hoàng tử Chánh Mông. Bây giờ Silvestre, qua tay ông Ðộ, vận đông cho ông Chánh Mông lên ngôi là vua Ðồng Khánh, tức là cờ đủ bộ. (Devillers, op. cit. 281-4, 294-5, 303-6) De Courcy đã nhứt quyết chọn giải pháp dùng bù nhìn, cho rằng phe kháng chiến Cần Vương chẳng có gì đáng kể. Ðồng thời, trong thời gian này, Ðức Cha Puginier cũng gởi cho de Courcy 3 bức thư dài ngày 17-7, 20-7, và 25-8-1885, khẩn khoản, van nài, và thúc dục de Courcy loại trừ NVT. (Dupuis, Jean, Le Tonkin de 1872 à 1886, Paris, A. Challamel, 1910, 545-559). Quyết định diệt trừ NVT đã được Gosselin mô tả như sau:

" ...chắc chắn là bị Silvestre chi phối, Ông [Courcy, NQT ct.] qui trách nhiệm cho NVT về những cuộc tàn sát giáo dân ...theo ông thì trong hai tháng qua, Tường đã không thu hoạch được một kết quả gì trong lãnh vực bình định. Trái lại, cuộc nổi loạn đã lan ra trong khắp mọi tỉnh. Người ta đã mất dấu vết của ông Thuyết và vua, và hy vọng bắt được họ...giảm dần. Courcy còn nghi ngờ Tường mật thông với phe phiến loạn, và cung cấp ngay cả tin tức thất thiệt cho bên bảo hộ. Tất cả việc đó không đúng lắm, nhưng Courcy như muốn bằng cách đó, che đậy sự thất bại của chính mình.[ ] ông quyết định loại bỏ Tường và cho bắt Tường sau thời hạn 2 tháng mà ông đã dành cho, 'Tôi dẹp tên Tường bất chấp sự can thiệp gắt gao của Champeaux'. Ông này cho rằng Tường còn có khả năng để thực hiện những gì người ta chờ đợi ở y, cho nên chống lại quyết định của Courcy, và được Giám mục Caspar ủng hộ. Ðức Cha thật tình này nĩ ông Ðại Tướng, nhân danh quyền lợi của nước Pháp, thu hồi lại quyết định đó. Tuy nhiên, Courcy ... không chấp nhận một lời khuyên nhủ nào hết. Cho nên Tường đã bị bắt ngày 6 tháng 9, giam ở Huế, và người ta ra lệnh tịch thu tất cả gia sản của ông. Champeaux giận dữ, đưa đơn từ chức. " (Gosselin, op. cit., 218, do Devillers dẫn, op. cit. 302-3; NQT dịch). Theo chính sử thì "... Hôm ấy đem Văn Tường đến cửa biển Thuận An. Buổi chiều Nguyễn Hữu Ðộ, Phan Ðình Bình đi tàu thủy Pháp cũng về đến cửa biển ấy ..." (ÐNTL, XXXVI , 247) Phe Silvestre lên, với vua Ðồng Khánh và các ông Ðộ, Bình làm cho tình trạng càng thêm tồi tệ hơn nhiều. (Devillers, op. cit., 308) Thấy không cứu vãn được tình thế, Khâm sứ de Champeaux gởi thẳng đơn từ chức về Paris. Silvestre, vài tháng sau cũng bị Courcy cách chức. Tướng Warnet, Tham mưu trưởng cũng không chịu nổi de Courcy, và xin được triệu hồi. Trên đường về, khi ghé Sài gòn Warnet được điện tín Paris bảo nán lại xử lý thường vụ thay de Courcy, vì chính ông này cũng bị triệu hồi luôn. (Devillers, op. cit., 303, 309, 315, passim). Vì sao? Môt sử gia Pháp đã trả lời như sau:

"Về mọi phương diện, ông [de Courcy; NQT ct.] đã đi ngược với chính phủ và không cung cấp cho chính phủ một yếu tố gì thuận lợi trong cuộc đấu tranh tại Quốc hội Pháp hầu trấn an phe chống 'Bắc Kỳ', đồng thời tiếp tục cuộc chinh phục. Báo chí Paris quyết liệt tố cáo ông như là một 'tên trơ trụi [pelé], ghẻ lỡ nguyên nhân của mọi tai vạ [...] một tên cộc cằn hy sinh quyền lợi tổ quốc cho tham vọng cá nhân của hắn'... Ngày 15-1-1886, Tướng de Courcy được triệu hồi để nhường chỗ cho phe dân sự. Sự mỉa mai của lịch sử đã muốn rằng một đồng nghiệp của ông là Tướng Boulanger thi hành lệnh này, làm cho de Courcy không khuây khỏa được. Ông mất hai năm sau khi trở về. " (Fourniau, Vietnam , 403, NQT dịch).

C. Hai tháng quyền biến của Nguyễn Văn Tường

Thương thảo với một ông tướng chỉ tin vào sức mạnh của vũ khí mà không biết một tí gì về chính trị, NVT đã ở vào một cái thế bội phần phức tạp, khó khăn và nguy hiểm. Chẳng hạn, buộc NVT đưa vua Hàm Nghi về mà không cho liên lạc với phe 'phiến loạn' tức phe Tôn Thất Thuyết, thì làm sao mà thực hiện được việc gì. Ðối xử với NVT như tù binh để sai khiến và lợi dụng danh nghĩa, thì làm sao ông Thuyết, và ngay cả NVT, dám để cho vua về. Quân đội chính qui thì bị giải tán liền, bộ Binh thì do de Champeaux nắm giữ. Ngay chính Khâm sứ Champeaux đã nhận thấy tình trạng bế tắc của NVT cho nên, khi NVT bị bắt, đã chứng minh cho Courcy thấy rằng một lý do quan trọng NVT không đem lại trật tự như ý muốn là vì tình trạng 'cô lập bị giam giữ của ông' [l'isolement dans lequel il avait été tenu], và cần phải dành cho ông thêm một ít tự do hành đông bằng cách 'vừa theo dõi ông nhưng không cản trỡ ông' ['tout en le surveillant mais sans le contrecarrer '] (Prud'homme, op. cit., 42, do Devillers dẫn, op. cit. , 305; NQT dịch).

Bác sĩ de Lanessan, dân biểu hạt Seine, đã từng phục vụ ở Phi châu và ở Nam kỳ với tư cách là y sĩ hải quân và về sau làm Toàn quyền Ðông dương từ 1891 đến 1896, tin tưởng rằng chính sách của Champeaux, nhằm phục hồi một chế đô bảo hộ thành thực, như chế độ trước ngày thất thủ kinh đô 4-7-1885 với sự hợp tác của NVT, chắc chắn sẽ đã đưa đến một nền hòa bình thật sự lúc đó. Nhưng de Lanessan, người đã biết rất rõ NVT dùng Tàu đánh Pháp, không quên nhấn mạnh cái điều kiện tất yếu cho sự thành công đó là phải làm sao " cho dân chúng Việt Nam tin tưởng thực sự ở quyết định của chúng ta là không xâm chiếm Trung Kỳ và ngay cả Bắc Kỳ, và hài lòng với một nền bảo hộ tôn trọng các định chế quốc gia Việt Nam. Vả lại, nền bảo hộ đó, nước An Nam đã vui lòng chấp nhận nó, như sự yên tĩnh, mà xứ này hưởng thụ trước ngày 5-7-1885, đã chứng minh." (Lanessan, L'Indo-Chine francaise. Paris, Germer Baillière, 1889, 688).

Thay vì áp dụng chánh sách cởi mở của Lanessan, Courcy đã đưa tay sai nắm các chức vụ then chốt trong triều và buộc triều đình phải tận diệt phe kháng chiến, tức phe ông Thuyết đang cầm đầu mà chính NVT, về bề mặt, đã phải phủ nhận. Vì vậy, sử gia cần thông cảm với tình trạng khó khăn 'mở miệng mắc quai' của NVT và phân tích các hành vi của ông, hoặc được gán cho ông, trong thời gian 2 tháng bị giam cầm sau ngày thất thủ kinh đô, như là những hành vi chiến thuật giai đoạn trong khung khổ sách lược chống Pháp dài hạn của ông. Không thể qui trách nhiệm cho ông về cái chết của các chiến sĩ Cần Vương Lê Trung Ðình và Nguyễn Hữu Tạo ở Quảng Ngãi, chẳng hạn, trong khi quan địa phương đã giết các ông này rồi mới báo cáo sau. ( ÐNTL, XXXVI , 239) Vả lại bộ Binh đã do Khâm sứ nắm giữ và quân sĩ do Pháp điều khiển, và NVT thì bị cô lập ở Thương bạc với một đoàn lính gác Pháp như đã nói trên. Về việc NVT bị tố cáo là đã ra lệnh bắt vua Hàm Nghi và ông Thuyết, thì ta thấy thực tế xảy ra như thế nào? Lúc vua và Tam Cung còn ở Quảng Trị thì "Văn Tường ủy cho ... Phạm Hữu Dụng ... đem hiện tình bàn với Thuyết tâu vua biết ... [Thuyết ... dặn Hữu Dụng về báo với Văn Tường, phải nên đoàn kết với Pháp, không lại lấn áp như trước, thì mới đón xe vua về ]". (ÐNTL, XXXVI , 223; NQT nhấn mạnh) Vậy rõ ràng là 2 ông phụ chánh làm theo một kế hoạch chung như đã nói, chớ có chống báng gì nhau đâu: ông Thuyết nói rằng nếu NVT thương thuyết được việc Pháp không lấn áp nữa thì sẵn sàng đưa vua về. Mặt khác, lệnh ra khi nào cũng bảo 'rước vua về', tức không được buộc vua về nếu vua không muốn, và không được làm gì nguy hại đến tính mạng của vua. Ông Thuyết ở bên cạnh vua thì làm sao bắt, hay giết ông mà không nguy hại đến tính mạng vua được. Hơn nữa, còn sự hiểu ngầm, và lệnh ngầm trong việc thi hành các chỉ thị, nếu viên chức thừa hành cũng hướng về phe Cần Vương.

Một hai chuyện do chính sử kể có thể chứng minh sự phối hợp giữa 2 bên triều đình và Cần Vương, thay vì đánh giết nhau thật sự: " Ngày nhâm ngọ, xa giá xe vua đến sách Bờ Cạn ... Quan quân trông thấy xe vua [Thuyết phụng xe vua lộ ra] không dám bắn súng, chợt bị đạo quân Trần Xuân Soạn chắn ngang tản đi, khi ấy đạo quân Thuyết gián hữu có quân tỉnh Hà Tĩnh và lính Thổ Ninh Bình ... Lấy Tham tri là Nguyễn Thành Ý, ... Tôn Thất Phan, biện lý ...Võ Khoa sung làm khâm sai, chia đi các tỉnh ... Chia đường để rước vua về." (ÐNTL, XXXVI , 234-5). Một trường hợp khác: " Xe vua đến Hàm Thao ... Khâm sai Tôn Thất Phan đem 350 tên lính ở Hà Tĩnh ... đi họp với phòng thần đợi rước xe vua về sơn phòng. Nghe truyền ngôn có quân Pháp lại, Thuyết liền ép xe vua đi nơi khác, bèn không rước được ...(ÐNTL XXXVI , 243) Một điểm đáng lưu ý thêm ở đây là các quan đi bắt đều có làm việc chung quen biết hoặc thân thiết với ông Thuyết. Ðặc biệt, ông Tôn Thất Phan với ông Thuyết còn là bạn thân, con gái của 2 ông đều lấy ông Nguyễn Thượng Hiền. (Tôn Thất Hào, " Chiêu tuyết Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường ", Kỷ yếu hội nghị khoa học, Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ÐHSP TPHCM 1996, 86). Tưởng bấy nhiêu ví dụ cũng tạm đủ để chứng minh sự phối hợp giữa 2 ông Phụ chính trong một tình trạng rất nguy hiểm và phức tạp.

D. Uẩn khúc của Nguyễn Văn Tường

Dù sao đi nữa, NVT đã rất khổ tâm phải làm những việc đã làm, hoặc gánh chiu những việc người khác làm mà mình phải chịu tiếng. Thời cơ thuận lợi chưa thấy ló dạng, viễn ảnh điều đình với một chính khách Pháp hiểu biết hơn để đưa đến một hoà ước đôi bên chấp nhận được, hầu tránh một cuộc chiến dai dẳng, còn rất xa vời. Trước cảnh đỗ nát của kinh thành, NVT đã không cầm được nước mắt khi thấy hồ sơ của hầu hết các bộ, viện, tàng thơ viện, quốc sử quán và quốc gia ấn quán bị thiêu hủy, và các các chữ nho in rời mất hết. (Chesneaux, Jean, Contribution à l'histoire de la nation vietnamienne . Paris, Éditions sociales, 1955, 134). Khoảng tháng 3 năm 1886, trên một hòn đảo xa xôi ở Thái bình Dương, có lẻ cảm thấy mình sắp lìa trần vì bệnh ung thư ở cổ (BS. Bùi Minh Ðức, " Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường: một bệnh nhân tai mũi họng ", Y Tế Nguyệt san, số 2, 2002, 15-19), NVT đã gởi Nguyên Soái Pháp tại Tahiti một bức thư, mong gởi gắm tấm lòng mình cho thiên cổ:

"... Sáng ngày 28 tiếp, một ông quan ba đến chỗ thiểm trú nói rằng quan Toàn quyền sức biểu ông Phạm Thận Duật, Tôn Thất Ðính [Cha Tôn Thất Thuyết] và thiểm xuống tàu thủy. Thiểm hỏi đi có việc chi thì ông quan ba nói là do lệnh trên, không nói rõ. Chúng tôi theo xuống tàu tưởng qua tòa sứ hội thương việc gì thôi, không ngờ ông ấy mở máy đi thẳng xuống cửa Thuận An mà ra biển đem lên tàu lớn, đưa thẳng đến Côn lôn... giam chấp. Ði lần này thật không ngờ, Tam Cung, đình thần và gia quyến thiểm đều không hay biết. Thiểm đã làm việc gì mà ra đi không tiền bạc, áo xống không kịp đem theo, đói khổ hàng tuần, tưởng là khó sống. Quan Toàn quyền là một đại thần của nước Ðại Pháp, phàm làm việc gì tưởng cũng minh chánh ... Thiểm đã lìa nhà trong 34 năm, lo cho nước không thành được một việc, nay tuổi đã 64, còn sống được bao lâu nữa mà còn danh lợi gì đáng tham, duy một lòng ái quốc canh cánh bên mình, cho nên đeo đuổi theo quí quốc hợp lực đồ duy may thành đại cuộc thì cũng bổ ích cho bổn quốc trong muôn một, ấy là chỗ khổ tâm của thiểm. Ngày nay vô cớ gặp sự không may, vạn nhất bất thành, không thu được hài cốt thì đã mang tội bất trung với nước mà cũng bất hiếu với nhà. Ấy là chỗ đau đớn riêng của thiểm. ..." (Tiểu-Cao Nguyễn Văn Mại, LÔ-GIANG Tiểu Sử , Nguyễn Hy Xước phụng dịch, 1961, t. 42-44; NQT nhấn mạnh).

Lịch sử Côn Ðảo có ghi nhận sự hiện diện của 3 ông Tường, Duật, và Ðính trong vài tuần trên đường quá giang đi Tahiti, và của ông Lã Xuân Oai, một vị quan đã theo vua Hàm Nghi. (Demariaux, Maurice, Poulo-Condore, Archipel du Vietnam. Paris, Harmattan, 1999, 30-1) Ngày nay, 116 năm sau ngày NVT từ trần, trong môt hội thảo năm 2002 tại Huế, nơi NVT phục vụ gần suốt cuộc đời hoạn lộ, học giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, sau khi phân tích sâu rộng toàn thể quá trình hoạt đông của NVT, đã cảm thông cái "số phận oan nghiệt " của ông cũng như của Phan Thanh Giản, và nhận xét rằng "Trung nghĩa với vua, với nước, hy sinh mạng sống của mình, chết trong tay kẻ thù thì xưa nay đúng là có nhiều, song có ai hơn khi chết vì nước như vậy mà rồi vẫn cam nhận là kẻ đầu thú! " Rồi tác giả kết luận:" Song lịch sử lại rất công minh, qua thời gian sẽ không bị lầm lẫn như người đương thời. Lịch sử chính là "Hoàng Thiên Hậu Thổ' soi xét cho tâm sự khổ đau của liệt sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tường như lời trong thư vua Hàm Nghi đã gửi cho Nguyễn Văn Tường vậy!" ("Công-tội, vị trí của Nguyễn Văn Tường trong nhóm chủ chiến ở triều đình Huế nửa sau thế kỳ XIX ", HTNVTHUE02, 136).

Không đợi đến hơn một thế kỷ sau, ngay thời đó, Jules Boissière [1863-1897], Phó công sứ Quảng Yên và nhân viên văn phòng Toàn quyền de Lanessan ở Bắc Kỳ từ 1886 đến 1897, đã hiểu NVT và cho ông là sản phẩm lý tưởng của nền giáo dục dân chủ truyền thống của Việt Nam. Boissière, một nhà thơ và một đại văn hào (Fourniau, Vietnam , 503), có lẽ là người Pháp duy nhất đã ca ngợi NVT không tiếc lời và không một chút dè dặt. Trong cuốn, L'Indo-Chine avec les Francais ( Société des Editions Louis-Michaud, viết vào 1896, t. 70-1), Boissière, sau khi mô tả một lớp học ở thôn quê Việt Nam, gồm 20 học sinh dưới sự hướng dẫn dạy dỗ của một ông thầy đồ, đã viết:

"... Hãy nhìn trong đám trẻ này, một học sinh còn nghiêm trang hơn các bạn nó nữa, quần áo khá tồi tàn, nhưng cặp mắt thông minh, và vần trán rộng. Ðó là Nguyên-Van Thuong [sic], con một thợ mộc thường, Thuong mà ông thầy đã đón nhận không lấy tiền thù lao vì người cha nghèo, làm chỉ đủ nuôi các em gái và mẹ. Thật đấy! đứa trẻ này một ngày kia sẽ nổi danh trong các tiến sĩ; nó xứng đáng được vua chú ý tới vì kiến thức sâu rộng của nó; nó sẽ cai trị các tỉnh; nó sẽ chỉ huy các quân đoàn; phụ chính, quận công, nó sẽ điều khiển chánh sách của nước An Nam và đối địch với các tướng lãnh của chúng ta; một ngày kia, năm 1887 [sic], nó sẽ chết một cách oanh liệt nơi chốn lưu đày, và khi hài cốt của nó, do một tàu buồm của Pháp chở về từ Taiti [sic], được đặt trên tấm mộ gia đình, tất cả những người An Nam ngay thật sẽ khóc nhà đại ái quốc [tous les honnêtes gens d'Annam pleureront le grand patriote] mà thân xác đã nghỉ ngơi dưới lòng đất, trong lúc linh hồn nó, cùng với chiếc xe tang và đoàn tùy tùng, đã chu du qua khỏi tầng mây ..." (NQT dịch và nhấn mạnh).

 

 

*** Ảnh chụp Nguyễn Văn Tường, đã mất, trên giường bệnh do bác sĩ Chassaniol, Chánh Sở Y Tế Papeete, Tahiti, người đã săn sóc vị Phụ chánh suốt trong thời gian đau bệnh ung thư cổ, cung cấp cho Ðức Cha Hermel, Tổng Giám Mục Tahiti để chuyển cho Hội Amis du Vieux Hué, theo lời thỉnh cầu của LM Adolphe Delvaux. Hình này được lấy từ bài khảo luận của vị linh mục này: "La mort de Nguyen-Van-Tuong, Ancien Régent d'Annam". BAVH, số 4, 1923, sau trang 428. ***

Tóm lại, bài này đã dùng một số tài liệu đầu tay đặc biệt, như bản sao các tấu nghị của NVT với lời phê của vua Tự Ðức trên đó, do gia đình NVT lưu giữ, bức thơ NVT gởi cho Toàn quyền Tahiti lúc bị lưu đày, mà tác giả Tiểu Cao Nguyển Văn Mại, một vị đại quan dưới thời nhà Nguyễn, đã có tấm lòng, vì đại cuộc, sao chép lại trong Lô Giang Tiểu Sử, và những tư liệu gần như gốc là Ðại Nam Thực Lục Chính biên, cùng với sách báo đã dựa nhiều vào văn khố Pháp. Qua các tài liệu gốc, nhất là các bản tấu của NVT, bài khảo luận này khám phá ra rằng, sau một thời gian chống xâm lăng Pháp một cách vô hiệu với những quyết định cục bộ, rời rạc, chiến hay hòa, Tự Ðức đã tìm ra được một sách lược chống Pháp dài hạn thích hợp, mà vua đã áp dụng một cách kiên cường với sự phò trợ của NVT. Thật vậy, sau khi người Pháp ‘ quỹ quyệt đã hơn mười năm nay mà triều đình, trên thì không thể xem thời xét thế, như cánh thuyền phân vân, cứ ủy suông cho chủ lo lắng, việc tự cường tự trị nói rồi lại bỏ, trù liệu thì chằng tiến triển, không biết lòng của kẻ bề tôi như thế nào ’ (bản tấu của NVT ngày 8-3 Tự Ðức 21, 1868), Tự Ðức theo đề nghị của NVT, đã cho ứng dụng sách lược ‘hòa để mưu chiến’ để đối phó với Pháp. Thật vậy, mặc dầu phía Pháp gây sự bằng mọi cách, xâm chiếm các tỉnh miền Ðông và miền Tây Nam Kỳ, rồi vùng châu thổ Bắc Kỳ, vua đã hết sức nhịn nhục, mềm dẽo, không dùng võ lực đánh lại, mà dùng đường lối ngoại giao, ‘châm chước thời cơ’ để tạo một thế ‘hòa để mưu chiến’ với các hiệp ước do NVT ký năm 1874.

Nhờ kế sách đó, vua đã thu hồi lại các tỉnh thành Bắc Kỳ không phải đỗ máu, và đồng thời, với sự nhượng đứt cho Pháp đất Nam Kỳ mà trong thực tế Pháp đã lấy rồi, bảo toàn được chủ quyền trên phần đất còn lại để thực thi chương trình tự cường trong trường kỳ, như sự thành lập các sơn phòng, nhập cảng và sản xuất võ khí mới. Theo các hiệp ước đó, phía Việt cũng nhận được của Pháp một số tàu thủy, đại bác và súng trường để tăng cường quân lực; và được Pháp hứa giúp chống lại mọi cuộc ngoại xâm hay nội loan, và giặc biển nếu Việt Nam yêu cầu. Ðược rảnh tay đối với Pháp, triều đình đã có thể dồn sức lực để đánh dẹp các cuộc nội loạn ở đất Bắc do giặc Tàu tràn sang, hoặc các nhóm Việt tự xưng là con nháu nhà Lê, nhà Lý gây ra. Ðồng thời, triều Nguyễn cũng chế ngự được cuộc tương tàn giữa phe Công giáo và Văn thân quá khích, và khống chế được sự lộng hành của cả hai bên để xác nhận chủ quyền của nhà vua trên phần đất còn lại. Công tác gay go nhất trong giai đoạn này là đối phó với các đại diện Pháp như các ông Rheinart, Champeaux. Các ông này đã rất kiên trì trong việc lấn áp vua quan để đặt để một chế độ bảo hộ về thực tế trên Trung và Bắc Kỳ, nhưng họ không thành công. Sau khi nhận thấy sách lược ‘hòa để mưu chiến’ được trắc nghiệm với kết quả khả quan, Tự Ðức càng thêm tin nhiệm NVT và ủy cho ông 3 nhiệm vụ quan trọng nhứt là Thương bạc đại thần (ngoại giao), Thượng thư bô Hộ (tài chánh), và Cơ mật viện đại thần (việc quân quốc tối hệ). Với 3 tư cách đó, NVT đã trở thành người cố vấn thân cận nhứt của vua, và đã giúp vua thực thi sách lược kháng Pháp trong trường kỳ.

Ðến 1882, Pháp lại dỡ trò xâm chiếm Bắc Kỳ lần nữa với Ðại tá Rivière. Nhận thấy dã tâm rõ rệt của Pháp, vua Tự Ðức lần này không nhẫn nhịn lâu mà kêu gọi, và được, Thiên tử Trung quốc cho quân sang giúp đánh Pháp. Ngày 9-7-1883 vua Tự Ðức mất. Tự quân Dục Ðức không được chính thức lên ngôi vì đã bị Pháp mua chuộc và thiếu tư cách. Vua Hiệp Hòa kế vị chưa được bao lâu thì Pháp cho quân đánh phá và chiếm đóng Thuận An và ép buộc Triều đình ký Hiệp ước Bảo hộ ngày 25-8-1883. Với quân Pháp đóng ở Cửa Thuận, vua Hiệp Hòa muốn đi với Pháp cho yên và mật thông với họ để loại trừ 2 ông phụ chánh Tường và Thuyết cầm đầu phe chống Pháp. Hai ông này quật lại, truất phế vua Hiệp Hòa, và ngày 2-12-1883 đưa hoàng tử thứ ba lên ngôi, là vua Kiến Phúc. Hai ông phụ chánh phò vua mới tiếp tục sách lược chống Pháp dài hạn, ‘hòa để mưu chiến’, của vua Tự Ðức đã bị gián đoạn dưới triều Hiệp Hòa. Pháp vẫn không xâm nhập và sai khiến được Triều đình chiếu theo hiệp ước 1883, vì NVT nại là hiệp ước chưa được hai bên phê chuẩn, vả lại nó quá khắt khe và làm cho Triều đình không còn chút uy tín để triệu hồi các quan lại ở Bắc đang theo Tàu đánh Pháp, như Pháp đã yêu cầu. Pháp sợ Việt Nam ngã theo Tàu đánh Pháp thật sự, nên hứa sẽ sửa đổi hiệp ước cho dễ thở hơn. Ðể sống yên với Pháp như cũ, Triều đình chính thức áp dụng một đường lối 'trung lập' giữa Pháp và Tàu, nhưng trong thực tế, vẫn lơ để cho các quan quân theo Tàu đánh Pháp ở Bắc. Chính sách ‘nước đôi’ đó giúp Triều đình tồn tại đến ngày ký Hiệp ước Patenôtre ngày 6-6-1884, một hiệp ước bảo hộ sọan sẵn từ bên Pháp. NVT tìm mọi cách để loại chữ bảo hộ, thay bằng chữ bảo trợ, để tránh cách áp dụng ngang ngược của Pháp, nhưng vô phương, vì sự hậu thuẫn của Tàu đã chấm dứt tháng 5 vừa qua với Thỏa hiệp Thiên Tân, theo đó Tàu sẽ rút quân khỏi Bắc Kỳ.

'Châm chước thời cơ ', lợi dụng lúc Patenôtre đòi giao chiếc ấn của vua Tàu để mang về Pháp, NVT nhất thiết chỉ bằng lòng cho tiêu hũy chiếc ấn bằng cách thụt chảy công khai trước khi ký hiệp ước. Việc đó làm nhục Tàu đến nỗi cuộc chiến tranh giữa Pháp và Tàu, thay vì chấm dứt, đã tái diễn dữ dội hơn trước không biết bao nhiêu lần, không những trên đất Bắc Kỳ mà còn trên lãnh thổ và biển Trung Hoa, và mỗi bên thiệt hại rất nặng nề. Trong lúc đó thì Việt Nam kéo dài tình trạng 'trung lập' hay 'tọa sơn quan hỗ đấu' của mình thêm được hơn một năm nữa, đến giữa năm 1885. Tháng 8 1884, sau khi vua Kiến Phúc mất, nhân danh Hiệp ước 1884, Pháp đem 750 quân đòi triều đình phải thay vua Hàm Nghi bằng người của họ là Gia Hưng Vương, nếu không họ sẽ oanh tạc hoàng thành. NVT nhất định không chịu và cuối cùng Triều đình chỉ phải làm lại lễ tấn phong vua Hàm Nghi với sự chấp thuận và tham dự của Pháp. Một sử gia tiếng tăm của Pháp ngày nay đã tỏ ý thán phục tài năng ngoại giao chống Pháp của NVT. (Devillers, op. cit., 302, ct. *)

Vào mùa xuân 1885, Pháp, nhân danh Hiệp ước Bảo hộ 1884, thành lập 2 trung đoàn lính chiến người Việt ở Bắc để đánh người Việt, bất chấp sự phản đối quyết liệt và hăm dọa cắt đứt bang giao của triều đình. Ðồng thời, Pháp dùng vũ lực ép buộc phía Việt phải giải giới ở kinh thành Huế, và cho lính tráng ở Mang Cá cư xử ngang ngược với người Việt. Rồi, sau khi Pháp thông báo cho Triều đình biết là Tàu đã bằng lòng rút quân theo Hiệp ước Thiên Tân 9-6-1885, Tướng De Courcy đến Huế vào đầu tháng 7, 1885, với 1.000 quân và tàu bè để trình ủy nhiệm thư. Courcy cũng dự trù, bằng vũ lực nếu cần, thay thế vua Hàm Nghi và 2 phụ chánh Tường và Thuyết bằng những con bài của Pháp là Hoàng tử Chánh Mông (vua Ðồng Khánh) và 2 ông Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình, theo một kế hoạch do ‘phe Hà Nội’ soạn sẵn từ năm trước. NVT và Tôn Thất Thuyết nhận thấy chỉ còn cách là phải dùng chính thực lực của mình, là phong trào Cần Vương và các sơn phòng, để mặc cả ngay với Pháp một hiệp ước mới tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hoặc tiếp tục việc chống Pháp dài hạn bằng võ lực, mãi cho đến lúc nào mặc cả được một thế ‘hòa để mưu chiến’ mới, nếu không đánh đuổi họ được. Theo một thỏa thuận ngầm giữa hai ông, Tôn Thất Thuyết dùng quân thân tín bất ngờ đánh úp Pháp, cốt để đưa vua Hàm Nghi đi bưng. Trong lúc đó thì NVT tìm cách liên lạc ngay với De Courcy để phủ nhận việc làm của ông Thuyết, và yêu cầu tướng Pháp để ông tái lập lại trật tự. Với mưu kế đó, hai ông đã hóa giải toan tính đảo chánh của de Courcy, và đặt Pháp trước một thế cờ mới: Vua và ông Thuyết đã thoát khỏi tầm tay của họ, và đang lãnh đạo phong trào Cần Vương chống lại họ bằng một cuộc chiến dai dẳng; đồng thời vua ủy cho NVT điều đình với họ, và nói sẵn sàng trở về nếu điều đình có kết quả. De Courcy, thua trí, không điều đình gì hết, vừa bắt giam NVT, vừa để ông làm vì để lợi dụng uy tín của ông, vừa đem các ông Ðộ và Bình về, và cương quyết diệt phe Cần Vương.

Sau 2 tháng, NVT bị Courcy đày đi Côn đảo, rồi Tahiti và mất ở đây vào giữa năm 1886. Ông Thuyết và vua Hàm Nghi tiếp tục cuộc kháng chiến với các chiến sĩ Cần Vương trong nhiều năm rồi bị tiêu diệt. Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, và đầu năm 1889 bị đày đi Algérie. Ông Thuyết kéo dài cuộc kháng chiến cùng nhiều chiến sĩ khác, và mất vào năm 1913 ở Tàu. Công cuộc chống Pháp vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức, mãi cho đến năm 1954 với trận Ðiện Biên Phủ, người Pháp mới thực sự chịu nhã Việt Nam.

Bài này đã trình bày lịch sử đứng trên quan điểm quyền lợi của quốc gia Việt Nam, xem công cuộc chống Pháp của nhà Nguyễn và các ông Tường, Thuyết như là một giai đoạn trong quá trình tranh đấu để gìn giữ, và dành lại, độc lập cho dân tộc. Nó đi ngược lại sử sách do người thực dân nhào nặn ra ở nhiều điểm căn bản cũng như chi tiết. Chẳng hạn, vua Tự Ðức không phải là một ông vua hèn nhác, chủ hòa, và có xu hướng đầu hàng Pháp. Vua Hàm Nghi không hề có ý định trốn về theo Pháp. Giữa NVT và Tôn Thất Thuyết, không hề có mâu thuẫn gì với nhau trong chuyện chống Pháp. Vì vậy những chuyện nói ông Thuyết ép buộc vua Hàm Nghi 'để cái đầu lại' trước khi về; hoặc vua nhờ một vị linh mục nhắn Pháp giải phóng ngài khỏi bàn tay ông Thuyết; hoặc ông Thuyết cho người về đốt nhà NVT, v.v. đều cần phải xét lại. Ví dụ: chính ông Toàn quyền de Lanessan (op. cit., 688) đã xác nhận rằng quân đội Pháp đốt nhà của NVT mà! Những vấn đề đó, nằm trong phạm vi chiến tranh chính trị của người thực dân Pháp, mà sử gia Việt đã vô tình hay cố ý dùng để viết sử ta và gây ra quá nhiều sai lầm, sẽ được bàn trong một dịp khác.

 

 

*** Chân dung của Nguyễn Văn Tường ở từ đường gia đình tại An Cư, Triệu Phong, Quãng Trị do hậu duệ của vị Phụ chánh là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, phu nhân của nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng, và giáo sư Nguyễn Thành Vinh cung cấp. ***

 

 

 

TXA. đính chính:

GIẢI TRIỀU

Tam thập niên lai phí kỷ kinh

Vô đoan dạ bán bách sầu sinh

Kỳ khai tam sắc, vân lôi biến

Già thính song xuy, kê khuyển kinh

Sơn kính vạn trùng thương thúy liễn

Thần tâm nhất dạng luyến đan đình

Thị phi nhiên phó thiên thu hậu

Xã tắc quân vương thục trọng khinh?